- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Cuộc Truất Phế Bảo Đại, 23/10/1955 (phần 3 Của 4)

05 Tháng Tư 200912:03 SA(Xem: 95600)

IV. NGÀY TÀN CỦA BẢO ĐẠI:

Việc Diệm quyết định đánh dẹp Bình Xuyên, ngược lại chỉ thị “ôn hòa” của Bảo Đại, khiến Bảo Đại chẳng còn lựa chọn nào khác hơn phản ứng mạnh với Diệm. Tuy nhiên, phản ứng của Bảo Đại chẳng khác gì tiếng vạc kêu sương. Uy quyền của Bảo Đại chỉ là thứ uy quyền trên giấy tờ, với sự phê chuẩn của những thế lực sau lưng.( 180)

A. TIẾNG VẠC KÊU SƯƠNG:

Tai Cannes, ngày 28/4 (29/4 VN)–như đã lược nhắc–Bảo Đại ký nghị định bổ nhiệm Tướng Nguyễn Văn Vỹ làm Tổng Tư lệnh QĐQGVN và cho phép Vỹ sử dụng mọi phương tiện để ngăn chặn nội chiến giữa quân đội, cảnh sát và các giáo phái. Được tin này, Dulles điện thoại cho Couve de Murville, yêu cầu minh xác. Dulles nói nếu lấy quân đội khỏi tay Thủ tướng, Pháp và Diệm đã thực sự ủng hộ Bình Xuyên, và như thế khó được Mỹ yểm trợ.( 181)

Cùng ngày 28/4, Bảo Đại cũng gửi điện văn chỉ thị Diệm bàn giao quân đội cho Vỹ, rồi cùng Lê Văn Tỵ qua Cannes tham khảo. BNG Mỹ phái Gibson tiếp xúc Bảo Đại, yêu cầu rút lại lệnh trên, nhưng không thành công.

Tại Sài Gòn, sáng ngày Thứ Sáu 29/4 Diệm họp bàn với Hội đồng Tổng trưởng và tham khảo Tướng Cao Đài Nguyễn Thành Phương, Trình Minh Thế,và Đại tá Nguyễn Giác Ngộ về hai công điện của Bảo Đại. Nội các cùng Phương, Thế, và Ngộ đều cố vấn Diệm chống lại.( 182)

Trưa đó, Diệm yêu cầu được gặp XLTV Đại sứ Mỹ Kidder, tuyên bố không bàn giao quân quyền cho Vỹ. Diệm cũng nói sẽ gửi điện văn cho Bảo Đại phản đối việc thay Tÿ bằng Vỹ; đồng thời thông báo không thể qua Paris vì chẳng ai chịu xử lý thường vụ chức Thủ tướng. Nếu Bảo Đại cương quyết bắt Diệm rời nước, Diệm nhấn mạnh, Bảo Đại sẽ chấm hết. Diệm còn thêm rằng Pháp yểm trợ Bình Xuyên. Trực thăng Pháp tải thương lính Bình Xuyên. Quân đội bắt được hai lính Pháp trong đồn Bình Xuyên đêm 28/4. Theo Diệm, Bình Xuyên là sản phẩm của thực dân. Khi được Kidder cho biết phản ứng của Diệm, Ely gọi Diệm là “thằng khùng vô trách nhiệm.” Ely cũng tuyên bố nếu Diệm còn tại chức, Ely sẽ phủi tay mọi trách nhiệm.( 183)

Theo nhân chứng, sáng ngày 29/4, Diệm còn triệu tập một buổi họp ở Dinh Độc Lập các chính khách, “nhân sĩ” và 18 đoàn thể, như Việt Nam Dân Xã Đảng (Nguyễn Bảo Toàn đại diện), Việt Nam Phục Quốc Hội (Hồ Hán Sơn), Mặt Trận Quốc Gia Kháng Chiến Việt Nam (Nhị Lang). Sau đó, công bố lá thư của Bảo Đại đòi Diệm phải qua Pháp.( 184)

Cùng ngày, do sự dàn xếp của Nhu và các cố vấn Mỹ, một buổi họp khoáng đại được tổ chức ở Toà Đô chính Sài Gòn, qui tụ 200 người của 18 đoàn thể. Nguyễn Bảo Toàn, Hồ Hán Sơn và Nhị Lang chủ xướng việc thành lập Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng Quốc Gia [HĐNDCMQG], bầu ra một ban chấp hành với 33 người. Đưa ra 3 đòi hỏi: (1) Truất phế tức khắc Bảo Đại. (2) Giải tán chính phủ Diệm. (3) Ủy nhiệm “chí sĩ Ngô Đình Diệm” thành lập một chính phủ mới để trừng trị bọn phiến loạn Bình Xuyên, thu hồi độc lập toàn vẹn, yêu cầu quân viễn chinh Pháp triệt thoái, và tổ chức bầu cử Quốc hội.

Giữa lúc đó bỗng có tin Tướng Vỹ bắt giữ một số tướng tá, kể cả Lê Văn Tÿ và Đại tá André Trần Văn Đôn v.. v..., ép họ vào Dinh Độc Lập bắt Diệm từ chức. Thế, Phương và Ngộ bèn kéo đoàn Chủ tịch HĐNDCM đi theo sang Dinh Độc Lập. Họ dùng súng uy hiếp Vỹ, giữa lúc 2 tiểu đoàn Ngự Lâm Quân đang vây quanh Dinh. Vỹ bị áp lực phải ký giấy xin qui phục Diệm. Sau đó, bỏ lên Đà Lạt, rồi qua Pháp. Biểu tình của các UB/HĐNDCMQG lan tràn khắp nơi trong tháng 5 và 6/1955.( 185)

Phát súng lục bắn vào “con thác cách mạng” bài phong đả thực của Bảo Đại bị phản công bằng đại pháo “cộng hòa.”

Tại Cannes, ngày Thứ Sáu, 29/4, Bảo Đại tiếp Gibson. Bảo Đại qui trách mọi tội lỗi của Diệm cho sự yểm trợ “mù lòa” [blind support] của Mỹ. Vì Mỹ không hành động, chiến tranh đã xảy ra, khiến hàng trăm người thiệt mạng, một hoang phí nhân lực cần thiết để chống Cộng. “Sự không hành động của Mỹ không thể chấp nhận được nữa” [US inaction could no longer be admitted]. Do sự can thiệp của Mỹ trong hai ngày 26 và 27/4, Bảo Đại đã tạm ngưng hành động. Nhưng máu đã đổ. Nên ngày 28/4, Bảo Đại không thể không hành động. Bảo Đại yêu cầu Mỹ thuyết phục Diệm buông khí giới qua Pháp để nói chuyện với những ngườợi quốc gia chống Cộng. Khi nào Diệm làm như vậy, phe chống đối sẽ ngưng bắn.

Theo Bảo Đại, sự chống đối Diệm xảy ra khắp nơi và việc Mỹ yểm trợ Diệm đang khiến dân Việt bất bình Mỹ [Bao Dai alleged that resistance to Diem is so universal in Vietnam that support of Diem was serving discredit US in eyes of [the] Vietnamese people]. Diệm chắc chắn có thể đánh đuổi các giáo phái khỏi Sài Gòn, nhưng họ sẽ tản mác về vùng nông thôn mà Diệm không kiểm soát được. Diệm đang trở thành một thứ “bệnh thần kinh” (psychopath), muốn làm một thứ thánh tử đạo bất kể giá sinh mạng hàng ngàn người vô tội và tài sản đất nước. Diệm khoan khoái với ý nghĩ mạng sống mình đang bị nguy hiểm và chào đón cái chết thiêng liêng–cái chết mà hẳn Diệm sẽ phải đón nhận. Vì, sự thù ghét Diệm đã lên cao độ và sẽ có người ám sát Diệm trong một tương lai gần nếu Diệm nhất quyết cai trị bằng bạo lực chỉ “với sự giúp đỡ của gia đình [họ Ngô] và nước Mỹ.” [In Bao Dai’s opinion Diem has now become a psychopath who wishes to martyr himself even at price of thousands of lives and national treasury. He enjoys thought that his life is in danger and would welcome martyrdom which is what he will get, said Bao Dai, for feeling is so intense against him that someone is bound to assassinate him in near future if he persists in trying to establish his rule by force “with the support of no one but his own family and the US,” Bao Dai said].

Bảo Đại cũng nhận xét thêm vai trò của Diệm như một tín đồ Ki-tô. Diệm, theo Bảo Đại, tin rằng mình đang tham dự một cuộc thánh chiến; nhưng làm thế, Diệm khiến Ki-tô giáo bị mọi người oán ghét. Chính gia đình bên vợ Bảo Đại cũng là Ki-tô lâu đời. Tuy nhiên, thực tế là chỉ vì người ta ghét Diệm, bất cứ người Ki-tô nào cũng lo sợ khi ra khỏi phạm vi các thành thị. [Bao Dai spoke of Diem’s role as a Catholic, stating that the latter regarded his task as leading a holy war. Instead of doing that, he had turned Vietnam against Catholicism. Bao Dai said his wife’s own family had been Catholic for generations and reported it was unsafe to go outside Saigon if you were known to be a Catholic because of the enemity against Diem].

Bảo Đại đã dự đoán việc Diệm không tuân lệnh qua Pháp; và, quyết định trên chứng tỏ Diệm không phải là người muốn phục vụ đất nước, mà chỉ vì tham vọng độc tôn của một lãnh chúa, muốn loại bỏ mọi chống đối, qui tụ quyền lực trong tay mình và gia đình. [Diem’s refusal to obey Bao Dai’s summons . . . did not surprise him. He had expected it and, in a sense, welcomed it as it might serve to clear the air and prove to the people that Diem is not acting as servant of the state as he claimed but rather as a self-seeking Warlord who wished to eradicate all opposition and hold total power within his own hands and that of his family]. Bảo Đại sẽ kết tội Diệm là “phiến loạn;” và sẽ đoàn kết mọi người chống lại Diệm cho tới khi Diệm bị loại khỏi chức vụ đang tiếm đoạt. [Bao Dai . . . would take legal steps to have him declared a rebel and would then proceed to unite the country against him until he was removed from position he was usurping].

Bảo Đại thêm rằng đã cho lệnh triệu tập các nhân sĩ và lãnh tụ đảng phái để tham khảo ý kiến. Trong số những người được mời có Phạm Công Tắc, Lê Hữu Từ và đại diện các tôn giáo khác. Bảo Đại cũng đã gửi Tướng Nguyễn Văn Hinh về Đông Dương như Khâm sai kinh lược bên các giáo phái.

Vẫn theo Bảo Đại, Diệm đã sai Luyện tới Cannes xin yết kiến. Sau khi bắt Luyện chờ đợi ít ngày, Bảo Đại cho gặp. Luyện nói với Bảo Đại rằng Diệm được Mỹ gián tiếp đồng ý trong việc đánh Bình Xuyên. Ngoài ra, Luyện còn đề nghị biếu Bảo Đại 300 triệu francs (30 triệu đồng Việt Nam) nếu Bảo Đại cho Diệm toàn quyền củng cố uy quyền bằng vũ lực. Bảo Đại không chấp thuận. (186)

Những lời tuyên bố của Bảo Đại, dĩ nhiên, chỉ là thứ chống đối chiếu lệ. Với người Mỹ, Bảo Đại–và ngay cả sự hợp tác của Pháp tại Đông Dương–đã trở thành dĩ vãng.

B. DIỆM DIỆT BÌNH XUYÊN:

Chiều ngày 29/4, Ely cử Wintrebert gặp Diệm, và cho tăng chốt cầu Tân Thuận và Khánh Hội. Vỹ cũng điều hai tiểu đoàn Ngự Lâm Quân vào Sài Gòn. Tối đó, Vỹ gặp Tÿ và Đôn để tìm ra một giải pháp ôn hòa. Diệm cũng điều các đơn vị Cao Đài của Phương và Thế vào thành phố. Các lực lượng Pháp, dù giữ trung lập, không cho các đơn vị của Phương vào tăng cường cho Dinh Độc Lập.

Ngày Thứ Bảy, 30/4, QĐQGVN bắt đầu tiến sang cầu chữ Y. Ely rất bất mãn, nhấn mạnh rằng Diệm chịu mọi trách nhiệm. Theo Ely, Diệm không còn là Thủ tướng, và không còn chính phủ. Ely cũng muốn XLTV Đại sứ Mỹ ký một tuyên cáo chung tuyên bố thuyết phục Diệm ngưng bắn nhưng bị từ chối.( 187)

Thứ Hai, 2/5, quân đội vượt kinh Tàu Hủ, tiến vào đại bản doanh của Bảy Viễn. Khoảng 1,300 quân Cao Đài Liên Minh của Trình Minh Thế cũng được điều vào mặt trận. Bảy Viễn, Sang, và Lai Hữu Tài chạy thoát. 200 CAXP bị bắt và 500 xin hàng Đại tá Lễ. Hôm sau, 3/5, quân Bình Xuyên biến dạng khỏi khu vực Sài Gòn/Chợ Lớn.

Cũng trong ngày Thứ Ba, 3/5, Tướng Thế đột ngột tử trận. Buổi sáng hôm đó, Thế bị thương nhẹ khi đang tiến qua cầu Tân Thuận. Buổi chiều, Thế đến gặp Lansdale xin can thiệp có pháo binh yểm trợ. Lansdale vào Dinh Độc Lập, gặp Tướng Tÿ, Đại tá André Đôn cùng hai sĩ quan cấp tá Dương Văn “Big” Minh và Trần Văn Minh, lúc ấy đang hân hoan đón tin chiến thắng. Lansdale vội yêu cầu phải mang pháo binh tới yểm trợ cho Thế. Thấy Lansdale quá nóng giận, Diệm mời Lansdale vào phòng riêng tâm sự, nói một người thấp hèn như Thế không xứng đáng để Lansdale quá quan tâm. Lansdale phẫn nộ bảo thẳng Diệm rằng Thế, cũng như Diệm, đều là bạn Lansdale, và chính Thế mới hết lòng yểm trợ Diệm, trong khi những hoa lá cành chẳng làm nên việc gì. Vài giờ sau, Nhu bước vào, loan tin Thế bị tử trận. Diệm khóc khi nghe tin này.( 188)

Ngày Thứ Tư, 4/5, Collins đề nghị Ely nên đóng cửa vài đồn Bình Xuyên trong khu Pháp kiểm soát, vì tinh thần bài Pháp ngày một dâng cao. Collins cũng nói quân đội QGVN chỉ tạm hưu chiến 3, 4 ngày.( 189)

Ngày 4/5 này, Diệm ban hành Dụ số 30, tịch thu tài sản của những kẻ phiến loạn trong trường hợp nội loạn, và Dụ số 31, đặt ra ngoài vòng pháp luật “bọn phiến loạn Bình Xuyên” (Lê Văn Viễn, Lai Văn Sang, và Lai Hữu Tài). Nhờ sự tiếp tay của một số viên chức Pháp, Bảy Viễn cùng các thuộc hạ tẩu thoát về mật khu. Một số đơn vị xin hàng. Ngày 21/9/1955, Diệm mở chiến dịch Hoàng Diệu để tiễu trừ quân Bình Xuyên trong vùng Rừng Sát. Bảy Viễn trốn thoát qua Miên, rồi sang tị nạn tại Pháp. Một số dư đảng Bình Xuyên, do Bảy [Võ Văn] Môn cầm đầu được Cộng Sản–Ba Thu (Thuận), Lâm Quốc Đăng (Nguyễn Văn Thược) và Tám [Lê] Thanh–thuyết phục, đưa về chiến khu D và Dương Minh Châu. (190)

Đáng lưu ý rằng Năm Lửa và Ba Cụt không hề yểm trợ Bình Xuyên. Lực lượng của Năm Lửa đang ở vùng Long Xuyên. Cao Đài cũng không tăng viện cho Bình Xuyên. ( 191)

Phụ chú :

97. FRUS, 1952-1954, XIII:2:2401.

98. US-Vietnam Relations, 1945-1967, Bk 1, IV:A3:22-25; The Pentagon Papers (Gravel), I:227-229; 1K 233, carton 40; Tel 2601, 19/12/1954, Dillon to BNG; FRUS, 1952-1954, XIII:2:2400-2405.

99. Tel 2644, 29/12/1954, Dulles to Collins; FRUS, 1952-1954, XIII:2:2435-2436.

100. FRUS, 1955-1957, I, tài liệu 15 [ I:19-21].

101. FRUS, 1955-1957, I:22-24.

102. FRUS, 1955-1957, I:tài liệu 14, 19, 20.

103. FRUS, 1955-1957, I:54-57; US-Vietnam Relations, 1945-1967, Bk 10:865-882.

104. FRUS, 1955-1957,Tài liệu 26. [Ngày 28/1/1955, Mendès-France chấp thuận đề nghị của Dulles trong thư ngày 24/1/1955].

105. FRUS, 1955-57, I, tài liệu 28[pp. 66-70].

106. FRUS, 1955-1957, I, tài liệu 43.

107. FRUS, 1955-1957, I:89n3.

108. FRUS, 1955-1957, I:91-92.

109. FRUS, 1955-1957, I:99-102 (Diem) & 103-104 (Do).

110. Ibid., I:98-99. Ngày 25/2/1955, báo Paris-Presse loan tin Dulles tuyên bố ở Bangkok như sau: Bảo Đại là vật bị lãng quên, và thẩm quyền hợp pháp duy nhất là chính phủ Diệm [Bao Dai was a negligible quantity and the only legal authority in Vietnam was the govt of Ngo Dinh Diem]; Ibid., I:97. Ngày 5/3/1955, Diệm công bố thư ngày [19/2]/1955 của Eisenhower.

111. Ngày 17/10/1954, Trung tá Lê Văn Thái “trắng” thành lập Đoàn Thanh Niên Quốc Gia Dân Chủ Xã Hội hay Thanh Niên Quốc Dân Xã. Tổ chức này làm lễ ra mắt ngày 17/10/1954 dưới sự chủ tọa của Nguyễn Thành Phương. Sáu đức lớn là Nhân, Cần, Trung, Trí, Dũng, Liêm. Thái cực lực bài Pháp vì bị Pháp bắt giữ trong hai năm 1950-1951. Làm việc dưới quyền Trung tướng Phương; SHAT (Vincennes), 10H 4202. Đầu tháng 2/1955, Phương tổ chức một đại hội Việt Nam Phục Quốc Hội tại Tây Ninh (từ 1 tới 6/2/1955). Ngày 6/2/1955, Nguyễn Thành Phương tổ chức tiếp tân tại tư dinh trên đường Champagne, giới thiệu Ủy Ban Chấp Hành Trung ương Việt Nam PQH mới thành lập ngày 5/2/1955; Chủ tịch: Nguyễn Thành Phương; TTK: Nguyễn Thành Danh; Tổ chức: Nguyễn Văn Chiêm; Tuyên truyền: Đỗ Trọng Thuận; Thủ quĩ: Huỳnh Văn Diệp; Xã hội: YS Nguyễn Duy Tài; Thanh niên: Trần Văn Chiêu; Liên lạc: Thái Văn Gia; Phụ nữ: Bà Nguyễn Đức Thụ. Quyết nghị: Tán thành và ủng hộ Hiệp ước Liên Phòng Đông Nam Á [SEATO] để ngăn họa xâm lược của bọn Cộng Sản gây hấn. Bắc chống Cộng Sản Nga-Tàu, Tây hòa hiếu với dân tộc Âu Mỹ, Nam liên kết với các dân tộc thân hữu Á châu. Đại Chúng (Sài Gòn), 7/2/1955; SHAT (Vincennes), 10H 4203. Theo tình báo Mỹ, sau này Lê Văn Thái hợp tác với Trần Kim Tuyến.

112. CĐ 3695, ngày 4/3/1955, Kidder gửi BNG; FRUS, 1955-1957, I:106-108. Xem thêm “Note pour le Président du Conseil, 22/3/1955;” SHAT (Vincennes), 1K 233, d. 40.

113. CĐ 3267, ngày 8/2/1955, Kidder gửi BNG; FRUS,1955-1957, I:79-80, 86-87; SHAT (Vincennes), 1K 233, d.40.

114. FRUS, 1955-1957, I:75.

115. Memorandum (Lansdale to Collins), Saigon, 14/3/1955; FRUS, 1955-1957, I:122-125.

116. CD 3906, 15/3/1955, Collins gửi BNG; FRUS, 1955-1957, I:127.

117. CD 4012, 21/3/1955, Collins gửi BNG; FRUS, 1955-1957, I:137-140 [Doc 68].

118. CD 4042, 22/3/1955, Collins gửi BNG; FRUS, 1955-1957, I:140-142 [Doc 69]. Ngày 22/3/1955, Collins mời Phương và Thế tới gặp, hạch hỏi về bản tuyên cáo của các giáo phái. Collins đặc biệt nặng lời với Thế, bảo thẳng Thế rằng chính Thế đã tình nguyện qui thuận chính phủ, được trả tiền hậu hĩ; nếu Diệm bị lật đổ, liệu Mỹ có tiếp tục trả lương cho lính Cao Đài hay chăng? Thế cải chính rằng chỉ theo phe giáo phái để dò tâm ý họ. Theo Collins, nói chuyện với Phương và Thế giống như đối thoại với hai đứa trẻ 4 tuổi, cứng đầu; Ibid., I:Doc. 70. [Để đề phòng bất trắc, và phần vì Diệm không muốn rời nước, Thế được tham gia phái đoàn dự Hội nghị Á Phi ở Bangdung (Indonesia), khai mạc ngày 16/4].

119. Có tin đồn Collins mời Bảy Viễn gặp mặt, nhưng Viễn từ chối. Cũng có tin Viễn rời khu Bình Xuyên; SHAT (Vincennes), 10H 4196; CD 4151, 26/3/1955, Paris gửi BNG; FRUS, 1955-1957, I:147.

120. The Pentagon Papers (Gravel), I:232-3.

121. CĐ 4192, ngày 29/3/1955, Collins gửi BNG; FRUS, 1955-1957, I:158-1159 [Tài liệu 79]; The Pentagon Papers (Gravel), I:230. Việc cách chức Minh, thực ra, còn có những lý do khác. Sau này, Ngô Đình Nhu nhắc đến việc Minh đã dèm pha với Đặc sứ Collins kế hoạch tổ chức Bảo An Đoàn, cho rằng Diệm muốn thành lập một đạo quân thân tín làm thế tựa. Vì vậy, kế hoạch tổ chức Bảo An bị đình trễ, và chỉ thống thuộc vào Bộ Nội Vụ mà không phải Bộ Quốc Phòng.

122. CĐ 4194, ngày 30/3/1955, Collins gửi BNG; FRUS, 1955-1957, I:159-163 [Tài liệu 80].

123. CĐ 4230, 30/3/1955, Collins gửi BNG; FRUS, 1955-1957, I:166-167 [Doc 82]; CĐ 4263, ngày 31/3/1955, Ibid., Collins gửi BNG; I:169; CĐ 4264, ngày 31/3/1955, Collins gửi BNG; Ibid., I:171; Memorandum ngày 4/4/1955, Kent gửi Allen Dulles, Ibid., I:199.

124. CĐ 4260, ngày 31/3/1955, Dulles gửi Collins; FRUS, 1955-1957, I:168.

125. CĐ 4263 ngày 30/3/1955, Collins gửi BNG; FRUS, 1955-1957, I:168-169n2, 174.

126. CĐ 4234, 30/3/1955, Collins gui BNG; FRUS, 1955-1957, I:168-169. Dulles gửi điện văn, tán thành kế hoạch của Collins; FRUS, 1955-1957, I:168. Sự từ chức của Đỗ tạo nên hiềm khích đầu tiên giữavợ chồng Nhu và Đỗ. Lệ Xuân đã điện thoại chửi rủa Đỗ, chú ruột Lệ Xuân, với những lời lẽ cực kỳ thô tục.

127. CĐ 4264, 31/3/1955, Collins gui BNG; FRUS, 1955-1957, I:172-174 [Doc. 85].

128. Ibid., I:174.

129. Memorandum (phone call from Eisenhower); FRUS, 1955-1957, I:175-176 [Doc. 87].

130. Memorandum (Mansfield) ngay 1/4/1955; FRUS, 1955-1957, I:176-177 [Doc. 88]. Ngày 30/7/1952, Đại sứ Heath, dựa theo tin của Letourneau, Trần Văn Hữu và những nguồn khác, báo cáo về lương bổng và tài sản của Bảo Đại: Dưới thời Nguyễn Phan Long, mỗi tháng Bảo Đại được 4 triệu đồng (khoảng 200,000 MK). Sau ngày Hữu cầm quyền, lương của Bảo Đại tăng lên 7 triệu mỗi tháng, tức khoảng 350,000 MK (khoảng 5% tổng số thu của ngân sách). Ngoài ra, theo Long, mỗi tháng Bảo Đại được Bảy Viễn biếu từ 2 tới 2.5 triệu. Như thế, tổng số thu nhập của Bảo Đại vào khoảng 110-120 triệu mỗi năm (6 triệu MK). Năm 1951, Letourneau nói với Heath rằng Bảo Đại đã chuyển ngân ra ngoại quốc 800 triệu francs, tương đương với 47 triệu đồng, hay 2,350,000 MK. Phần lớn tiền chuyển ngân được gửi vào trương mục ở Switzerland và Pháp. Bảo Đại cũng đầu tư vào bất động sản tại Pháp và Morocco. Để chuẩn bị cho chuyến qua Pháp sắp tới của mình, Bảo Đại chỉ thị cho Nguyễn Văn Tâm phải chuyển ngân thêm 7 triệu kinh phí. Tâm cắt xuống còn 6 triệu. Theo Heath, sở dĩ Letourneau không dám chất vấn Bảo Đại vì sợ rằng Bảo Đại sẽ đe dọa từ chức; vì hiện tại, Bảo Đại đã có một tài sản đủ sống ung dung suốt đời, khác hẳn với cảnh “trắng tay” (penniless) năm 1949; FRUS, 1952-1954, XIII:1:227-230.

131. CĐ 4284, 1/4/1955, Dulles gửi Collins; Ibid., I:179-180.

132. CĐ 4292, 2/4/1955, Dulles gửi Collins; Ibid., I:180-184; . CĐ 4301, 2/4/1955, Collins gửi BNG; Ibid., I:184-189.

133. Ibid., I:189.

134. CĐ 4285, 2/4/1955, Paris gửi BNG; FRUS, 1955-1957, I:190n5. Cũng ngày 2/4/1955, Laforest nói với XLTV Đại sứ Archilles rằng “đã đến lúc nghiên cứu một giải pháp khác;” CĐ 4281, 2/4/1955, Paris gửi BNG; Ibid.

135. CĐ 4309, 3/4/1955, Dulles gửi Collins; FRUS, 1955-1957, I:190-193) [Cùng ngày, Young thêm rằng vấn đề là thời điểm. BNG không phải không nghĩ đến những khó khăn quanh Diệm, nhưng chưa có người thay xứng đáng [no suitable alternative person has yet been proposed or appeared on the scene. Ngày Chủ Nhật, Couve de Murville nói Pháp không có người thay. (I:197-198) Pháp còn kiều dân và quyền lợi ở Việt Nam, phải thận trọng. Mỹ có thể linh động hơn. (I:198-199).( CĐ 4331, 4/4/1955, BNG gửi Sài Gòn; FRUS, 1955-1957, I:197-199)]

136. CĐ 4348, 5/4/1955, nửa đêm ngày 5/4/1955, Collins gửi BNG; FRUS, 1955-1957, I:205-208.

137. CĐ 3510, 4/4/1955, Dulles gửi Paris; FRUS, 1955-1957, I:194-195) [Diệm đồng ý gia hạn thêm 7 ngày; I:213n213]; CĐ 4330, 4/4/1955, Dulles gửi Collins; Ibid., I:196-197.

138. CĐ 4366, ngày 6/4/1955, BNG gửi Sài Gòn; FRUS, 1955-1957, I:211-212) [Ngày 7/4/1955, Pháp không đồng ý. Muốn điều kiện tiên quyết là Diệm mở rộng chính phủ, kể cả đại diện của Bình Xuyên; I:212n4]

139. CĐ 4382, 7/4/1955, Collins gửi BNG; FRUS, 1955-1957, I:215-218; The Pentagon Papers (Gravel), I:232.

140. CĐ 4399, ngày 7/4/1955, Collins gửi BNG; FRUS, 1955-1957, I:218-221 [Doc 106].

141. FRUS, 1955-1957, I:213-214.

142. FRUS, 1955-1957, I:221-222.

143. CĐ 4411 & 4412, 8/4/1955, BNG gửi Collins; FRUS, 1955-1957, I:222n2-3; CĐ 4448, ngày 9/4/1955, Collins gửi BNG; FRUS, 1955-1957, I:Tài liệu 108 [pp.222-229]; US-Vietnam Relations, Bk 10:894-906.

144. CĐ 4438, 9/4/1955, BNG gửi Saigon; FRUS, 1955-1957, I:tài liệu 109 [pp.229-231]; US-Vietnam Relations, 1945-1967, Bk 10:907-8.

145. CĐ 4452, 10/4/1955, Collins gửi BNG; FRUS, 1955-1957, I:231-235 [Trả lời các CĐ 4438, & 4444 của BNG] Lý do để loại Diệm không do Pháp mà chính ngay bản thân Diệm. Trong các công điện ngày 15/11, 6/12, 13/12 và 16/12/1954, Collins đề nghị Quát. Đỗ cũng chưa hề tham gia vào chính phủ nào của Pháp. (CĐ 4452, 10/4/1955, Collins gửi BNG; Ibid., I:tài liệu 110 [231-235]).

146. Ngày 11/4/1955, khoảng 11G13 sáng, Dulles nói chuyện với Giám đốc CIA (Allen W. Dulles): “It look likes the rug is coming out from under the fellow in SEA.” [Trông như tấm thảm dưới chân ông bạn Đông Nam Á đang bị rút ra]. Sẽ ăn trưa với TT, và mọi chuyện như thế là xong. Có lẽ Quát hay B [Đỗ?]; FRUS, 1955-1957, I:235. Tuy nhiên, sau phiên họp lúc 17G00 với Eisenhower, vẫn chưa có quyết định dứt khoát; Ibid., I:Tài liệu 111. Tối 11/4/1955, với sự chấp thuận của Eisenhower, Dulles gửi điện cho Collins, cho phép xúc tiến kế hoạch thay Diệm, trong khi chờ đợi quyết định rõ rệt; Ibid., I:237-238; CĐ 4466, ngày 11/4/1955, BNG gửi Collins; Ibid., I:239-241.

147. FRUS, 1955-1957, I:238-239.

148. CĐ 4487, 12/4/1955, Saigon gửi BNG; FRUS, 1955-1957, I:242-244 [trả lời 4466]. [Collins cho rằng Diệm sẽ không nhận một chức vụ nào trong chính phủ mới; CĐ 4487, 12/4/1955, Collins gửi BNG; FRUS, 1955-1957, I I:242-244)]

149. CĐ 3622, BNG gửi Paris; FRUS, 1955-1957, I:244-245.

150. CĐ 4436, 13/4/1955, Paris gửi BNG; FRUS, 1955-1957, I: 245-247.

151. FRUS, 1955-1957, I:247n2. Ngày 14/4, Thoại đề nghị Diệm từ chức, thành lập một chính phủ lâm thời để lo việc tổ chức Quốc Hội. Theo Thoại, Diệm đồng ý; CĐ 4544, ngày 14/4/1955, Collins gửi BNG; Ibid., I:261n2. Vì việc này, Thoại rời khỏi chính phủ ngày 10/5/1955.

152. CĐ 4516, 13/4/1955, BNG gửi Collins; FRUS, 1955-1957, I:247-248; CĐ 4529, 14/4/1955, Collins gửi BNG; Ibid. I:248-249.

153. Ngày 17/4/1955, Pháp chuyển cho Dillon công điện trả lời về việc thay Diệm. Pháp muốn đây là quyết định chung của hai nước; CĐ 4503, 17/4/1955, Paris gửi BNG; FRUS, 1955-1957, I:251-254.

154. FRUS, 1955-1957, I: 337-339 [Document 121].

155. CĐ 4661, 19/4/1955, Collins gửi BNG; The Pentagon Papers (Gravel), I:260-265.

156. CĐ 4662, 19/4/1955, Collins gửi BNG; FRUS, 1955-1957, I:265-267; US-Vietnam Relations, Bk 10:915-917. [Điện tín này bị đốt trong ngày hôm sau, vì Dulles lại quyết định yểm trợ Diệm]. (US-Vietnam, Bk 10:31; The Pentagon Papers (Gravel), I:234.

157. CĐ 4663, 19/4/1955, Collins gửi BNG; FRUS, 1955-1957, I:268-270) I:292-293.

158. US-Vietnam Relations, Bk 10, A-30.

159. FRUS, 1955-1957, I:Tài liệu 128 [tr. 270-272].

160. FRUS, 1955-1957, I:Tài liệu 130 [tr. 277].

161. FRUS, 1955-1957, I:Tài liệu 140 [tr. 294-296] 141 [tr.297-298]

162. FRUS, 1955-1957, I:293

163. FRUS, 1955-1957, I:272-276.

164. FRUS, 1955-1957, I:283.

165. VNTTX, số 1516, 26/4/1955; CBVN, VIII:24, 7/5/1955: 1306-7.

166. Xem nguyên bản tuyên cáo trong SHAT (Vincennes), 10H 4196. Thập niên 1960, có tin Ngô Đình Diệm cũng nhắn lại cho Tướng Nguyễn Khánh lời trăn trối này.

167. The Pentagon Papers (Gravel), I:233.

168. CĐ 4882, ngày 28/4/1955; FRUS, 1955-1957, I:304-305.

169. FRUS, 1955-1957, I:301-302; CĐ 4882, 28/4/1955, Kidder gửi BNG; Ibid., I:303-305; CĐ 4908, 29/4/1955, Kidder gửi BNG; Ibid., I:315-316. Theo Cựu Trung tướng Nguyễn Chánh Thi, Tiểu đoàn 5 Dù của ông tham gia trận đánh này. (Đàm thoại ngày 10/2/2004 tại Houston)

170. The Pentagon Papers (Gravel), I:233-4; Lansdale 1971:282-91

171. FRUS, 1955-1957, I:324-5.

172. FRUS, 1955-1957, I:317.

173. FRUS, 1955-1957, I:324-325.

174. FRUS, 1955-1957, I:301-303.

175. FRUS, 1955-1957, I:307-312.160. I:270-272.

176. CĐ 3849, ngày 28/4/1955, 21H37 [10G37 ngày 29/4/1955 tai VN], Dulles gửi Paris; FRUS, 1955-1957, I:312-315)

177. Memorandum ngày 29/4/1955 của Dillon; FRUS, 1955-1957, I:320-323 [tài liệu 154].

178. NYT, 30/4/1955; FRUS, 1955-1957, I:338.

179. FRUS, 1955-1957, I:339.

180. Bernard Fall đề cập đến khả năng Bảo Đại có thể bay về Đà Lạt, sử dụng 3 tiểu đoản Ngự Lâm Quân, để chống Diệm; Two Vietnams, 1964:255. Nhận định này chứng tỏ Fall không đánh giá đúng bản chất Bảo Đại, người đã được rèn luyện thành một thứ vòng hoa vương giả, chỉ ở ngôi cho người khác cai trị. Về khả năng giúp đỡ của quân viễn chinh Pháp, Fall không được tham khảo tài liệu văn khố về các cuộc mật đàm Mỹ-Pháp, nên khó nhận định chính xác.

181. FRUS, 1955-1957, I:316-317n2.

182. CĐ 4926, 29/4/1955, Kidder gửi BNG; FRUS, 1955-1957, I:317-318. Tối đó, Diệm đọc diễn văn truyền thanh, tuyên bố không bàn giao quân đội cho Vỹ, và cũng không qua Pháp. Xem thêm CĐ 4956, ngày 30/4/1955, Kidder gửi BNG; Ibid., I:331.

183. FRUS, 1955-1957, I:318.

184. Chúng tôi xử dụng tài liệu của CIA đã giải mật và chụp microfilm. Xem thêm Đỗ Mậu, Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi, ấn bản lần thứ ba (Santa Ana: Văn Nghệ, 1993), tr. 117-119. Nhị Lang, Phong trào kháng chiến Trình Minh Thế [Falls Church, VA: Alpha, 1989], tr. 297-301, 308-31. Tài liệu BNG Mỹ, FRUS, 1955-1957, I:347, ghi buổi họp diễn ra ngày 30/4, và 33 người kéo nhau vào Dinh Độc Lập.

185. Tài liệu Mỹ cho rằng Nhu đứng sau tổ chức này; The Pentagon Papers (Gravel), I:303. Ngoài ra, có ít nhất 2 cá nhân bị tình nghi là Cộng Sản nằm vùng trà trộn vào. Bởi thế từ ngày 30/10/1955, tổ chức bị giải tán; Ibid., I:304.

186. FRUS, 1955-1957, I:Tài liệu 160. Hai cựu Tướng Pháp viết hồi ký cho Bảo Đại–Le Dragon d’Annam [Con Rồng An Nam] (Paris: Plon, 1980)–không được đọc biên bản cuộc nói chuyện này, hoặc muốn lược qua. Cần nhấn mạnh tập sách gọi là hồi ký của Bảo Đại chứa đựng nhiều chi tiết sai lầm về ngày tháng cũng như dữ kiện. Nó cũng tạo nên cuộc thưa kiện vì tranh chấp tác quyền. Sử dụng tài liệu này phải cực kỳ thận trọng.

187. Theo Kidder, từ ngày 15/4, Ely không còn gặp Diệm, sử dụng Wintrebert như trung gian. Một trong những lý do là “sự hiện diện của Ely cũng giống như ngọn cờ đỏ trước con bò Diệm.” FRUS, 1955-1957, I:Tài liệu 157.

188. Thứ Tư, 4/5, Collins gặp Diệm theo lời yêu cầu. Theo Diệm, Trình Minh Thế bị bắn từ một giang thuyền của Pháp do Bình Xuyên giữ. Một nguồn tin khác cho biết Thế bị bắn từ sau lưng. Lúc 18G00, Ely giải thích vo71i Collins rằng các giang thuyền Bình Xuyên sử dụng do Pháp giao cho Cảnh sát VN; FRUS, 1955-1957, I:tài liệu 172.

189. FRUS, 1955-1957, I:tài liệu 172.

190. CBVN, VIII:24, 7/5/1955:1304; Trà 1993:68-9. Ngày 24/10, chiến dịch Hoàng Diệu chấm dứt. Ngày 6/11/1955, Diệm tổ chức mít-tinh chào đón chiến sĩ Rừng Sác. Dương Văn Minh và Lê Văn Nghiêm được phong Thiếu tướng.

191. FRUS, 1955-1957, I:363.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
24 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 86052)
H ồ Đình Nghiêm, sinh ở Huế. Làm thuyền nhân trôi giạt qua Hồng-kông năm 1979. Định cư ở Montréal từ 1980. Viết lai rai cho hầu hết các tạp chí xuất bản tại hải ngoại, cộng tác với Hợp Lưu ngày từ số ra mắt. Đã in bốn tập truyện ngắn...Chưa hề trở lại cố quận đìu hiu.
24 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 117292)
Đừng đánh thức giấc mơ tôi trong lúc ngửa mặt lên trời hứng những giọt mưa đêm tháng chạp với hình ảnh duy nhất là đôi mắt em.
24 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 85933)
Ernest Miller Hemingway (21 tháng 7, 1899- 2 tháng 7, 1961) là một nhà văn, nhà báo Mỹ. Cách viết văn riêng biệt - biểu thị qua đặc điểm lối mô tả khiệm lời và khiêm nhường - cũng như những cuộc phiêu lưu và hình tượng công chúng của ông đã tạo nên nhiều ảnh hưởng cho nền văn chương hư cấu của thế kỷ thứ 20.
23 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 97980)
Chương trình phát thanh tiếng Việt hàng ngày của đài BBC, Anh Quốc, quen thuộc với người Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua, sẽ chính thức ngưng hoạt động sau buổi phát thanh cuối cùng vào Thứ Bảy 26 tháng 3 từ 14 giờ 30 đến 14 giờ 45 giờ quốc tế hay từ 9 giờ 30 đến 9 giờ 45 phút giờ Việt Nam.
22 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 77422)
Hoàng Chính chuyển ngữ từ Peeling trong tập truyện "The Fat Man in History" của Peter Carey. Peter Carey, tiểu thuyết gia người Úc, sinh ngày 7 tháng 5, 1943, hai lần đoạt giải Man Booker với các cuốn "Oscar and Lucinda" (1988) và "True History of the Kelly Gang" (2001). Hiện Peter Carey dạy đại học tại New York.
22 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 85913)
Những cái chết sau quá khứ về sau vẫn tiếp tục tiếp diễn mãi cho đến tận bây giờ. Những cái chết trên biển, bên kia biển, và bên này đất liền.
22 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 111374)
Tháng Mười chơi trò xếp đặt Những con rồng được tạc bằng xương người Những con rắn cong khô trên bếp than cời Dưới nền trời xám và khô Phố phường mạ bằng vàng mã Người người ướp lạnh.
22 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 81668)
T rước năm 1975, mỗi dịp Tết âm lịch, văn gia và dân chúng miền nam thường làm lễ kỷ niệm chiến thắng Tết Kỷ Dậu (31/1/1789) của Quang Trung Nguyễn Huệ (1753-1792). Đây là một trong những võ công vệ quốc lịch sử của dân tộc Việt chống lại âm mưu thôn tính của bắc phương từ ngày giành được độc lập năm 939–sau khi Ngô Quyền (898-944) phá quân Nam Hán ở sông Bạch Đằng (theo Nguyễn Trãi, còn gọi là sông Vân Cừ), khai sinh ra một vương quốc mới, tức Đại Việt (từ năm 1054) hay Việt Nam (từ năm 1804). (1)
22 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 80764)
Từ xưa đến nay, tình mẫu tử luôn là đề tài sáng tác vô tận cho thơ ca nói riêng và văn chương nghệ thuật nói chung. Một cách tự nhiên, Nguyễn Xuân Tường Vy đã chinh phục độc giả bằng chính những dòng viết giản dị, chân thật về tình cảm muôn thuở ấy.
22 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 90091)
Những ngày cuối cùng của cuộc chiến, tháng 4/1975 như vết nước mắt loang dài của miền Trung ngắn dần đi khi dân chúng di tản vào Nam kiệt sức đến không còn nước mắt khóc cho những xác người ven đường.