- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Phỏng Vấn Cao Xuân Huy Và Tháng Ba Gãy Súng

23 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 88003)

caoxuanhuy_0_147x300_1Tiểu sử:

09-1947 quê nội Bắc Ninh, quê ngoại Hà Nam.

10-1954 di cư vào Nam.

02-1968 đi lính.

03-1975 đi tù.

09-1979 ra tù.

12-1982 vượt biên.

10-1983 đến Mỹ.

1984 định cư tại Nam California.

 

 

Lê Quỳnh Mai: Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt, và văn học Việt Nam hải ngoại vẫn còn xoay quanh chuyện chiến tranh. Theo nhận xét của một số người, đó là một việc làm nhàm chán, gây mâu thuẫn và không lợi ích gì cho người đọc. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Cao Xuân Huy: Tôi không hiểu chữ "mâu thuẫn", mâu thuẫn với cái gì chứ? Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến toàn diện, bị bức tử về mặt quân sự chưa thể coi là chấm dứt. Bị mất đất chưa thể coi là chấm dứt. Bây giờ, nếu có thể gọi là cuộc chiến, thì về văn hóa và chính trị. Cô thấy đấy, mục tiêu tự do dân chủ và nhân quyền vẫn chưa đạt được.

Và,

Tình yêu, cũng như chiến tranh, là hai đề tài muôn thuở của con người. Văn chương ngoại quốc nói về chiến tranh, viết về những trận chiến gần, xa trong lịch sử, chúng ta vẫn thích đọc. Vậy thì tại sao, người Việt Nam viết về chiến tranh Việt Nam lại nhàm chán? Có điều, vấn đề là viết dưới hình thức nào. Nếu viết tiểu thuyết thì tác giả có toàn quyền tưởng tượng, nhưng nếu là viết hồi ký chiến tranh mà tưởng tượng thêm thắt, viết không đúng, bẻ cong sự thật với mục đích tuyên truyền hay chạy tội, thì không những không lợi ích chẳng riêng cho độc giả, mà còn cho lịch sử.

 

LQM: Vậy Tháng Ba Gãy Súng có nói thật không?

CXH: Tháng Ba Gãy Súng là tự viết cho mình để ghi nhớ lại những điều không muốn quên.

 

LQM: Hồi ký Tháng Ba Gãy Súng cho thấy tác giả là một người lính. Trong cuốn Nếu Đi Hết Biển (Trần Văn Thủy) thì Cao Xuân Huy là một người tù. Ông có thể nói thêm về hai tác phẩm trên và hai vai trò Cao Xuân Huy chăng?

CXH: Tôi là dân Bắc kỳ, giống như rất nhiều gia đình di cư khác, gia đình tôi cũng bị "cắt đôi" khi hiệp định Genève cắt đôi Việt Nam năm 1954. Bố tôi ở kháng chiến về Hà Nội. Mẹ tôi chạy Cộng Sản vào Sài Gòn. Chị tôi ở lại Hà Nội với bố. Tôi theo mẹ vào Sài Gòn.

Lớn lên trong thời chiến, đi lính là trách nhiệm chung của thanh niên. Có khác chăng, tôi là một trong số ít người đã kể lại trung thực sự thua bại của mình, của một đơn vị thiện chiến nhất nhì của miền Nam, bị bó tay trước kẻ thù vì… hết đạn. Đó là chuyện Tháng Ba Gãy Súng.

Còn trong Nếu Đi Hết Biển, có hai điều tôi nhắc đến, là chuyện lần đầu gặp gỡ giữa hai bố con từ hai giới tuyến sau chiến tranh: khi tôi bị tù ở Thanh Hóa, bố tôi vào thăm, không được gặp con vì ông dính dáng đến vụ Nhân Văn – Giai Phẩm trong quá khứ. Tôi chỉ được gặp bố mấy năm sau. Cuộc gặp gỡ lần đầu tiên của hai bố con đầy bất ngờ ở trại tù Bình Điền, Huế. Thứ hai, là chuyện đơn vị Thủy Quân Lục Chiến chúng tôi hụt lấy lại đảo Hoàng Sa vì bị bộ đội Cộng Sản cầm chân, ngăn cản bằng những trận đánh vi phạm hiệp định ngưng bắn, khiến chúng tôi phải bận "dẹp giặc" trong lúc đang chuẩn bị xuống tàu tiến quân ra Hoàng Sa, vừa bị Trung Cộng chiếm trước đó vài ngày, vào nửa cuối tháng 1 năm 1974.

 

LQM: Theo ông cho biết, khi viết Tháng Ba Gãy Súng được một số trang rồi ông không viết tiếp nữa. Lý do nào sau đó thúc đẩy tác giả của nó viết tiếp hồi ký này?

CXH: Tôi ở trại tỵ nạn qua Mỹ được đâu khoảng một năm. Ở nhà của nhà văn Hoàng Khởi Phong, chung với cha con nhà văn Nguyễn Mộng Giác. Tôi đọc được trên báo lời phát biểu của một ông tướng "làm mất nước là tội chung của mọi người, lớn tội lớn bé tội bé", tôi điên tiết lên. Chỉ có những kẻ bỏ đơn vị mà chạy, chỉ những kẻ có quyền hành trong tay đã đánh lừa thuộc cấp để chạy lấy thân, những kẻ chiến đấu "đến giọt máu cuối cùng của người khác", mới là những kẻ có tội. Tôi viết để chứng minh, tôi và những người lính cầm súng chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, không có tội.

Khi viết được khoảng vài chục trang, tự nghĩ là mình chữ nghĩa mình kém nên bỏ ngang, không viết tiếp. Trong bữa nhậu với mấy đồng đội cùng tiểu đoàn, chúng tôi nhắc lại chuyện bị bắt trong cuộc rút quân, kiểm điểm bạn bè đồng đội ai còn ai mất. Nhà văn Nguyễn Mộng Giác tình cờ ngồi nghe, sau đó hỏi tôi sao không viết lại. Tôi cho biết là đã viết nhưng thấy viết dở nên chưa viết tiếp. Nhà văn Nguyễn Mộng Giác lấy đọc, rồi tự ý đăng trên một tờ tuần báo mà anh đang làm chủ bút. Thế là sau đó cứ đăng hết từng đoạn, anh Giác lại thúc tôi viết tiếp. Nếu không có anh Nguyễn Mộng Giác tự ý đem đăng và đòi bài như đòi nợ, thì đã không có quyển Tháng Ba Gãy Súng và không có "nhà dzăng" Cao Xuân Huy, vì hồi ký viết cho mình thì lai rai viết tà tà bao giờ chả được!

 

LQM: Một số hồi ký chiến tranh viết từ hải ngoại và trong nước, được nhận định như thiếu trung thực hay có phần xuyên tạc sự thật. Là một nhân chứng và nạn nhân chiến tranh, ông nghĩ sao?

CXH: Cô muốn nói những hồi ký hoặc tác phẩm ở trong nước? Nghề của họ là xuyên tạc sự thật từ xưa đến nay rồi. Lịch sử họ còn viết lại theo ý họ, huống chi chuyện chiến tranh vừa qua. Tôi nhớ là có lần đọc được trên trang web của báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Cộng Sản, có một bài viết lại về trận đánh ở Cửa Việt trước giờ ngưng bắn ngày 28 tháng 1 năm 1973 - trận đánh này tôi tham dự từ đầu đến cuối và đang viết lại - họ bịa đặt mà không cần biết trình độ người đọc bây giờ khác với việc họ có thể tuyên truyền cho những nông dân không biết chữ thời Cải Cách Ruộng Đất năm 1956 nữa. Trong bài này họ viết là đã dùng dây kẽm gai căng làm hàng rào của căn cứ quân sự để thay thế cho dây… điện thoại!

Còn những hồi ký hoặc tác phẩm viết sai sự thật của những người ở hải ngoại, họ viết với mục đích là chạy tội hoặc tự đánh bóng. Cả hai loại đó mình để ý làm gì.

 

LQM: Theo ông, tiểu thuyết lịch sử hay hồi ký lịch sử, có phải chỉ là sự cạnh tranh với tài liệu của sử gia không?

CXH: Không. Lịch sử là sự kiện. Sử gia tìm tòi, nghiên cứu và dựa theo nhận định riêng để đánh giá sự kiện nào thật, sự kiện nào không thật của những tài liệu được viết từ những sử gia trước. Tiểu thuyết lịch sử là dựa vào những sự kiện trần trụi, thô nhám của lịch sử, tô son vẽ phấn theo sự tưởng tượng của tác giả. Còn hồi ký lịch sử hoàn toàn dựa trên hoàn cảnh cá nhân của người viết. Ba lãnh vực tuy cùng mang tính chất lịch sử nhưng hoàn toàn khác nhau, không thể có sự cạnh tranh nào hết.

 

LQM: Giới truyền thông Hoa Kỳ so sánh chiến tranh Iraq với chiến tranh Việt Nam. Với kinh nghiệm trong đời quân ngũ, ông nhận thấy sự so sánh này thế nào?

CXH: Chiến tranh Việt Nam trước kia và chiến tranh Iraq bây giờ tuy có khác nhau ở địa dư, nào có khác gì nhau, đều phục vụ cho quyền lợi của Hoa Kỳ. Ngày trước, khi Hoa Kỳ và Trung Cộng còn đối nghịch, thì Việt Nam và Đài Loan là hai con chốt ngăn chặn sự bành trướng thế lực của Trung Cộng. Đến khi hai thế lực đối nghịch đó bắt tay nhau, thì Hoa Kỳ đem Việt Nam ra bỏ ngoài chợ và đá đít Đài Loan ra khỏi Liên Hiệp Quốc để lấy chỗ cho Trung Cộng vào.

Cũng vậy, bây giờ Hoa Kỳ lấy cớ Iraq có vũ khí giết người hàng loạt, đổ quân ào ạt lật đổ chính quyền Saddam Hussein, vậy mà mấy năm rồi, vẫn không chứng minh được Iraq có cái thứ vũ khí ấy.

Quân sự chỉ là cánh tay của chính trị. Mà đám chính trị gia là một lũ tráo trở, lưỡi không xương, ăn không nói có, nói ngược nói xuôi, nói thế nào cũng được. Thành ra, chiến tranh Việt Nam khi trước hay chiến tranh Iraq bây giờ giống nhau ở chỗ đều với mục đích phục vụ cho Hoa Kỳ. Nhưng nói cho cùng, đánh nhau là để cho mình được, chứ chẳng nhẽ cho thằng khác được à?

 

LQM: Có vài quân nhân Hoa Kỳ gốc Việt đã tử trận trong cuộc chiến Iraq. Cảm nghĩ của tác giả Tháng Ba Gãy Súng về việc này? Ông ủng hộ hay chống (cựu) chính phủ Bush trong chiến tranh Iraq?

CXH: Thế giới không thể không có chiến tranh. Không đang đánh nhau không có nghĩa là đang hòa bình. Giản dị là quyền lợi của các siêu cường đối nghịch, lúc thì có thể hợp tác, lúc thì không. Chiến tranh quân sự hay chiến tranh kinh tế, đều chỉ là những mặt khác nhau của chiến tranh. Chỉ có điều là đánh lớn hay đánh nhỏ, chiến tranh thế giới hay chiến tranh cục bộ. Vấn đề là chiến tranh được chuyển đến vùng đất khốn khổ nào trên quả đất. Như tôi vừa trả lời, đánh nhau ở Iraq hay không ở Iraq, đều nằm trong mục tiêu của cường quốc, khác chăng là chính phủ Bush đẩy chiến tranh ra khỏi đất nước Hoa Kỳ sau vụ 911. Là người Việt Nam, mang quốc tịch Hoa Kỳ, tôi chống lại độc tài và ủng hộ chính phủ Bush trong trận chiến này.

 

LQM: Là một trong những nhà văn hải ngoại có mặt trong cuốn Nếu Đi Hết Biển. Tại sao ông quyết định nhận lời mời phỏng vấn của đạo diễn Trần Văn Thủy?

CXH: Giản dị thôi. Tình trạng sách báo ở hải ngoại không vào được trong nước, đây là dịp để tôi có thể nói cho người trong nước những suy nghĩ của một thằng lính miền Nam về cuộc chiến vừa qua. Rõ rệt là quyển sách này đã được rất nhiều người trong nước đọc. Nhân việc trả lời phỏng vấn này, tôi đã nói được chuyện quân đội miền Nam đang chuẩn bị lấy lại ngay lập tức quần đảo Hoàng Sa, sau khi quần đảo này của Việt Nam bị Trung Cộng chiếm hồi đầu năm 1974. Nhưng cuộc chuyển quân này đã bị quân miền Bắc cố tình ngăn cản, đánh cầm chân để cho Hoàng Sa hoàn toàn lọt vào tay Trung Cộng. Hơn nữa, tôi thích đạo diễn Trần Văn Thủy, dù trước đó chưa gặp mặt, qua hai cuốn phim "tài liệu" Chuyện Tử Tế Hà Nội Trong Mắt Ai. Hai cuốn phim này là hai cái tát vào mặt chế độ độc tài. Tôi cũng muốn nhân đó mà tát vào mặt đảng Cộng Sản độc tài Việt Nam một cái chơi.

 

LQM: Khi Nếu Đi Hết Biển được xuất bản vào thời điểm ấy, đã có nhiều phản ứng dữ dội từ cả hải ngoại lẫn trong nước. Ông nghĩ sao về việc này?

CXH: Trong nước, những người không ưa chế độ đọc rất thích. Ngoài nước cũng rất nhiều người thích. Những người không thích họ cũng đặt vấn đề một cách đàng hoàng, tôi rất quý trọng dù họ có cái nhìn giống tôi hay không. Cũng có một vài người chụp mũ rồi chửi rủa kiểu hàng tôm hàng cá, chẳng có gì đáng bận tâm.

 

LQM: Ông nhắc đến thân phụ trong trả lời phỏng vấn của Trần Văn Thủy. Độc giả chỉ đọc được câu "...Ông già của anh là một tên tuổi quen thuộc, được quí trọng trong giới cầm bút ở miền Bắc...". Xin ông cho biết thêm về hoạt động văn học của ông cụ.

CXH: Bố tôi là một người làm thơ và viết báo. Ông đi kháng chiến từ hồi còn trẻ. Về Hà Nội năm 1954, sau đó vì dính đến vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, ông bị quản thúc và bị cấm sáng tác, chỉ được viết về kịch ảnh. Từ đó, ông chỉ còn làm thơ "chui" cho người thân đọc, và dịch những tác phẩm văn chương ngoại quốc được chỉ định, để kiếm sống.

 

LQM: Thời gian gần đây xảy ra tranh chấp hải phận trong vùng Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ông có nghĩ rằng đây là ý đồ xâm chiếm lãnh thổ của Trung Quốc đối với các nước láng giềng, đặc biệt là đối với Việt Nam?

CXH: Suốt một nghìn năm Bắc thuộc, Việt Nam đã bị Tàu coi là quận huyện của họ, và Trung Cộng cũng đang dạy cho học sinh của họ là Việt Nam thuộc về nước Tàu, thì lúc nào mà họ chẳng có ý đồ xâm chiếm.

 

LQM: Theo thống kê cá nhân người thực hiện phỏng vấn, thì trên 80% câu trả lời của người Việt hải ngoại là sẽ ủng hộ Việt Nam (Cộng Sản) trong việc bảo vệ đất nước, chống lại mưu đồ thôn tính của Trung Quốc. Với tư cách là một cựu quân nhân của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, và là một tù binh chiến tranh của chế độ Cộng Sản, ông có đồng ý với 80% câu trả lời kia không?

CXH: Việt Nam lâm nguy trước mưu đồ thôn tính của Trung Cộng, thì chuyện bảo vệ đất nước là bổn phận của tất cả những ai mang dòng máu Việt Nam trong người, ở cả trong lẫn ngoài nước, bất kể là cựu quân nhân của Việt Nam Cộng Hòa, hay là bộ đội Cộng Sản bây giờ. Đã là bổn phận thì làm gì có chuyện đồng ý hay không. Những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã từng chiến đấu chống Tàu Cộng trước năm 1975 ở Hoàng Sa và những người bộ đội Cộng Sản đã từng chiến đấu chống Tàu Cộng năm 1991 ở biên giới, đều là những người chiến đấu bảo vệ lãnh thổ. Dân tộc ta ở sát cạnh một kẻ thù truyền kiếp khổng lồ thì tinh thần bảo vệ đất nước đã nằm trong máu của từng người.

Ngày nay, ở trong nước, nhà cầm quyền Cộng Sản công khai cõng rắn Trung Cộng vào đầy Tây Nguyên, vào Biên Hòa vào Thanh Hóa và vào đâu đâu nữa. Thẳng tay đàn áp, bắt bớ giam cầm những người dân nào dám tỏ thái độ chống Trung Cộng dưới bất cứ hình thức dù ôn hòa nào. Vạch trần bộ mặt xâm lược của Trung Cộng cũng bị kết tội y như tội đấu tranh đòi dân chủ cho đất nước. Bộ đội thì đớn hèn, cam tâm nhìn ngư dân bị Trung Cộng sát hại ngay trên phần lãnh hải của mình mà không dám phản ứng. Như vậy thì lời kêu gọi bảo vệ đất nước ở đâu, ai kêu để mà có ủng hộ hay không. Dù vậy, tôi tin rằng với tinh thần bất khuất của dân tộc, người dân không ai cam tâm nhìn đất nước mình biến thành quận huyện của Tàu, sẽ lại có những cuộc kháng chiến giành lại đất nước. Lúc ấy, dù tuổi đời đã ngấp nghé miệng lỗ, tôi cũng sẽ tham gia hết mình.

 

LQM: Đi một vòng thế giới từ Mỹ qua Iraq đến Trung Quốc cũng chỉ loanh quanh về thời sự chính trị, chắc hẳn ông cũng… ná thở rồi (!), bây giờ chúng ta có thể quay về sân chơi văn chương đi dạo thêm một vòng nữa, có được không, thưa ông?

CXH: Vâng, mời cô.

 

LQM: Với tư cách chủ biên, ông có thể cho độc giả biết tại sao tạp chí Văn Học đình bản?

CXH: Tạp chí Văn Học sau khi ra số 235 tháng 11 và 12 năm 2007, tôi bị ung thư mắt, nên tạm thời đình bản. Hơn một năm sau, tôi đã cố gắng thực hiện số tiếp theo 236 phát hành vào tháng 3 và 4 năm 2008, sau đó lại bị đình bản thêm một lần nữa cũng vì cái bệnh quái ác ấy.

 

LQM: Những khó khăn nào gây cho tạp chí Văn Học không thể tồn tại nữa, xin ông cho độc giả biết rõ hơn.

CXH: Các tạp chí văn chương ở hải ngoại đều gặp những khó khăn chung. Người đọc ngày càng ít đi, người viết ngày càng mai một đi. Tiền in và tiền tem ngày một tăng mà quảng cáo thì ít. Riêng trường hợp tạp chí Văn Học, tôi vừa bị bệnh vừa bị thất nghiệp vào ngay thời kỳ kinh tế khủng hoảng, nên không thể tiếp tục cáng đáng tờ báo được nữa.

 

LQM: Tạp chí Văn Học có một đời sống khá dài, nay phải kết thúc sự góp mặt của nó trong dòng văn học hiện đại. Đó là một điều đáng buồn, cũng là một mất mát không nhỏ cho độc giả nói chung và các tác giả nói riêng. Xin ông phát biểu cảm nghĩ về sự kiện này?

CXH: Tôi ví tạp chí Văn Học như một sân chơi, để các tác giả có chỗ "trình làng" những sáng tác của mình cho độc giả thưởng thức. Bây giờ diễn viên thì lèo tèo, khán giả thì thưa thớt. Sân chơi còn đó nhưng hoang phế. Những người đóng góp công sức nuôi nấng tờ tạp chí này, các tác giả, những độc giả buồn một, thì tôi buồn đến mười, cô ơi.

 

LQM: Ông có vài lời dành riêng cho độc giả của Văn Học, cũng như những tác giả đã góp công hợp tác với tạp chí trong thời gian qua không?

CXH: Tôi xin gửi đến các tác giả cũng như độc giả và thân hữu, lời xin lỗi vì tạp chí Văn Học đình bản bất ngờ, điều đáng buồn xảy ra ngoài ý muốn của tôi.

 

LQM: Ông cho biết ý kiến về nội dung và hình thức của tạp chí Hợp Lưu, bộ mới do nhà thơ Đặng Hiền làm chủ biên?

CXH: Về hình thức, tạp chí Hợp Lưu là một tờ tạp chí đẹp ngay từ những số đầu tiên, và từ khi nhà thơ Đặng Hiền làm chủ biên, tờ báo ngày một đẹp thêm. Đây là tờ báo văn chương đẹp nhất của người Việt ở hải ngoại, là một điểm son. Về nội dung, Hợp Lưu thêm khởi sắc nhờ có nhiều bài của những người viết trẻ và rất mới. Tuy người đọc phải chịu khó gạn lọc, cũng là chuyện thông thường, nhưng ngôn ngữ lạ và tư duy mới, cách viết mới mang lại những sinh động trong sáng tác. Còn giá trị văn chương của Hợp Lưu, tôi tin rằng mỗi độc giả sẽ tìm thấy cho mình một giá trị riêng để thưởng thức. Dù không đồng ý với chủ trương của Hợp Lưu ngay từ số ra mắt, nhưng tôi cũng không phản đối vì đó mới thực là trăm hoa đua nở. Và lúc nhà thơ Đặng Hiền làm chủ biên (từ số 83) cũng là khoảng thời gian tôi phụ trách tạp chí Văn Học trở lại, tôi muốn cùng với Đặng Hiền song song điều hành hai tờ tạp chí với hai chủ trương khác nhau, nhưng bất thành vì Văn Học bị đình bản. May mà Hợp Lưu còn đứng vững, giữ được sân chơi cho người viết và người đọc.

 

LQM: Vẫn là câu hỏi cũ đã dành cho nhiều tác giả, nhà văn Cao Xuân Huy cũng không ngoại lệ: Ông nghĩ sao về sự sống còn của tạp chí in trên giấy, trong khi các báo điện tử, các trang mạng, các blog… ào ào... khoe nhan sắc ngoài (bìa) trong (ruột), chưa kể những nguyệt san, tuần báo, nhật báo đều có ấn bản điện tử riêng, và số lượng độc giả của họ cũng rất đông so với tạp chí in giấy.

CXH: Tôi rất quý những tờ báo in – nói riêng về các tạp chí văn chương – vì nó là một… tờ tạp chí. Những con chữ nằm trong tờ báo được lưu giữ ở tủ sách gia đình, ở thư viện. Còn chữ trên các trang mạng sẽ lần lượt trước sau bị xóa đi hoặc biến mất tùy theo ý thích riêng tư rất cá nhân của người điều hành trang mạng đó. Tuy nhiên, sự ồn ào và đa dạng của các trang mạng hấp dẫn và lôi cuốn người đọc hơn báo in, lại không tốn tiền mua. Theo tôi, báo mạng sẽ giết – tuy không giết chết hẳn – những tờ báo in.

 

LQM: Hy vọng của ông về văn học hải ngoại?

CXH: Câu hỏi to quá. Nếu nói riêng về văn học viết bằng chữ Việt ở hải ngoại, thì hy vọng khá mong manh. Người viết đang vơi dần và người đọc cũng sắp cạn. Đến một lúc nào đó thì văn chương chữ Việt chỉ còn là một ngọn đèn leo lét tắt dần vào quá khứ...

 

LQM: Cám ơn ông đã dành thời gian cho cuộc mạn đàm.

 

 

Lê quỳnh mai

Tháng 9-2009

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
17 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 30102)
Đ ặng Mỹ Hạnh là một nữ nhiếp ảnh gia của những “Xứ sở rừng mưa” như tựa một bút ký của cô. Nếu nhiếp ảnh là đam mê chính, văn chương là đam mê thứ nhì mà cô tự định nghĩa: "Tiếp cận với nghệ thuật bằng ngữ ảnh của cảm xúc và viết ra cõi lặng bên trong như một nhu cầu thở." Một cõi lặng đôi khi ngấm ngầm dữ dội, như tùy bút "Những cơn man dại của trái phá".
17 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 31309)
D ưới đây là bài “Nguyễn Hữu Hồng Minh - Nhà thơ hiện nay như con sói trụi lông...” của "Văn Chương Việt" phỏng vấn nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh. Chúng tôi xin phép được đăng lại để gởi đến quí bạn đọc của Hợp Lưu. Xin chân thành cảm ơn “Văn Chương Việt”TCHL
17 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 37225)
Nhân viên mai táng đến thật đúng giờ khiến María Dos Prazerès, còn khoác áo choàng tắm và đầu gắn các kẹp tóc, chỉ kịp giắt một đoá hồng đỏ lên vành tai để không xuất hiện quá ít quyến rũ như bà đang ấn tượng về chính mình.
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 35136)
Đ êm đọc những bài thơ của em Quả thật không sao giấu được nụ cười Vài ý nghĩ muốn làm một tuyển tập Gồm những bài thơ cứt thời gian
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 33042)
D ưới đây là bài “Trần Vũ: mỗi con người trưởng thành mang trong mình một tín ngưỡng văn chương” của Da Màu phỏng vấn nhà văn Trần Vũ. Chúng tôi xin phép được đăng lại để gởi đến quí bạn đọc của Hợp Lưu. Xin chân thành cảm ơn “Da Màu.” TCHL
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 33069)
A nh giới thiệu với tôi tên cô nhưng không nói cô là gì của anh, một cách ngầm bảo tôi hiểu thế nào cũng được, cô có thể là tình nhân mà cũng có thể là em họ xa (chẳng hạn). Anh cũng nói thêm cô sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, chuyến này sang Mĩ du lịch và định ở lại chơi chừng hai tháng. Cô đẹp, dĩ nhiên—tôi chưa thấy anh đi với người đàn bà không nhan sắc bao giờ—nhưng không còn trẻ nữa. Tuy thế thật khó đoán tuổi cô, có thể ngoài ba mươi, có thể hơn. Cô ít nói. Hình như cô chẳng để tâm gì đến câu chuyện giữa tôi và Quang mà chỉ ngồi trầm tư uống cà phê, phóng tia mắt ra ngoài khơi, nơi có những cánh buồn trắng dật dờ trên mặt biển như đang trôi về nơi vô định.
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 30378)
C on hẻm vắng người lạ kỳ dẫn cô vào một cửa tiệm u tối, ngoài cửa kính màu sắc thế kỷ thứ 18 chỉ treo vỏn vẹn một biển hiệu xộc xệch và bức tranh chân dung sỉn màu. Cô ghé lại gần nhìn kỹ và choáng váng; chân dung của chính cô, lệch lạc, méo mó nhưng đúng là đường nét Á đông của đôi mắt 1 mí cách xa nhau, sóng mũi thấp, gò má tròn dẹt và đôi môi hơi cong hai bên khóe.
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 29877)
H đã rời bỏ nơi chốn chúng tôi cùng rong chơi “ nơi đó sặc mùi lừa bịp – H nói những cái thớt và những đứa liếm thớt H không chịu được mùi không phải của người”
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 30055)
T hấp thoáng tháng tư rưng rưng mùa hạ cũ Mùa xưa qua đây Tuổi trẻ hồng như màu mực đỏ Đêm đốt rừng gió xiết cổ tình ca
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 30638)
« C hiến tranh là sự tiếp nối chính trị bằng những phương tiện khác» . Câu văn trứ danh này của Clausewitz, có lẽ ai trong chúng ta cũng từng nghe qua. Nó xác lập sự phụ thuộc của quân sự vào chính trị. Từ khi có những tập hợp người gọi là thành quốc hay quốc gia, người ta không làm chiến tranh đơn thuần nhằm chém giết lẫn nhau, mà để giành lấy quyền định đoạt số phận của một cộng đồng. Và kẻ tham chiến có thể thua hàng trăm trận đánh, miễn là thắng trận cuối cùng, nếu sau đó nó mang lại quyền quyết định về việc tổ chức chính quyền trên một lãnh thổ.