- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Đặng Thị Hảo: Nhận Diện Thơ Tình Cổ Trung Đại

08 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 8507)
nhandienthotinhcodaiTrai gái có tình, tình ấy thể hiện trong thơ ca, trao gửi bằng thơ ca và loại thơ đó gọi là thơ tình. Vấn đề tưởng đơn giản vậy mà thực tế đôi lúc lại như một thách đố khi ta tiếp xúc với thơ tình Việt Nam cổ trung đại, nhất là ở thời kỳ đầu của sự hình thành mà sự hình thành này tính đến thế kỷ XVIII, ít nhất cũng chừng bảy thế kỷ văn chương.

Trước thế kỷ XVIII, thơ tình cổ trung đại chủ yếu nằm lẫn trong thơ trữ tình, nó tồn tại như một thể thống nhất khó rạch ròi phân tách. Để khu biệt thơ tình trong thơ trữ tình, đúng hơn để xác định một bài thơ nào đấy có phải là thơ tình hay không nhiều khi chỉ phụ thuộc vào sự luận giải của từng người đọc. Vì vậy, có một thực tế là cho đến nay, đối với một số bài thơ trữ tình (kể cả Hán và Nôm) thường vẫn tồn tại những cách hiểu, cách biện luận khác nhau. Thậm chí tồn tại như một thách đố đối với chúng ta - lớp người đã cách cổ nhân cả chục thế kỷ, bị gián cách bởi hàng rào tư duy thẩm mỹ khác lạ. Đó là lối tư duy lấy hệ thống ngôn ngữ ước lệ, dùng biểu tượng làm thủ pháp nền tảng, kèm theo thói quen vận dụng điển cố, điển tích như một trò chơi trí tuệ. Tất cả những điều đó, đối với độc giả hiện đại đôi khi tưởng như lâm vào tình trạng “bất đồng ngôn ngữ”, “nói một đằng hiểu một nẻo”.

Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là tuyệt đại chúng ta không thể tri âm tri ngộ với người xưa ở mảng thơ đầy bí ẩn này. Câu hỏi đặt ra trước nhất ở đây là làm sao xác định được đâu là một bài thơ tình cổ? Trong khi tiếp xúc với bề mặt ngôn ngữ của một số bài thơ cụ thể, thường xảy ra hai cảm giác khó tách bạch khiến người đọc thường phải nghĩ ngợi phân vân: đó là lời thông báo mơ hồ của tác giả khiến gây nên những cách hiểu “song quan” dễ liên tưởng đến một ý gì khác ngoài cảm xúc thuần túy trữ tình. Lại có khi bài thơ ta đang đọc tưởng như là một bài thơ tình hiển nhiên thì bỗng lại bắt gặp một luồng ý kiến khác không phải không có lý cho rằng đó thực chất là một bài thơ tâm trạng mà thôi. Ví dụ bài thất ngôn tứ tuyệt sau đây của tác giả Phù Thúc Hoành (? - ?), thế kỷ XV:

Hà diệp lục như cái

Hà hoa hồng tử nhan.

Tư quân vị đắc kiến,

Trì thượng không bàn hoàn. (1)

(Sen lá như dù biếc,

Sen hoa tựa má đào.

Nhớ ai không gặp mặt,

Vơ vẩn mãi bên ao.)

Với cảm giác tương tư, nỗi xao xuyến nhớ mong mà tác giả diễn tả, ai trong chúng ta hôm nay tiếp xúc với bài thơ cũng rất dễ dàng cho đó là một bài thơ tình tuyệt hay. Ấy thế mà trước nay giới nghiên cứu vẫn xếp bài thơ vào vị trí một bài thơ nhớ vua, bởi lối sáng tác cổ xưa, đặc biệt là thơ Trung Hoa vẫn sử dụng hình ảnh “hồng diện” và chữ “quân” để chỉ một người đàn ông hay một vị Hoàng đế. Vậy thì đây là một bài thơ nhớ vua hay một bài thơ nhớ người tình? Dường như cả hai cách hiểu đều có thể đem đến cho ta những cảm nhận thẩm mỹ thâm thúy.

Bởi vì, thứ nhất: nếu đây là một bài thơ tình thì trước mắt chúng ta hiện ra một chàng trai đang bứt rứt trông đợi người yêu mà càng trông càng chẳng thấy. Tâm trạng bồn chồn tựa hồ tình huống của cậu công tử trong bài Tĩnh nữ (Kinh thi):

...Tĩnh nữ kỳ xu,

Sĩ ngã ư thành ngu.

Ái nhi bất kiến,

Tao thủ trì trù. (2)

(Cô thục nữ xinh xinh,

Đợi ta mé góc thành.

Yêu mà không gặp mặt,

Vò mái tóc băn khoăn.)

Thứ hai: nếu lại giả thiết rằng Phù Thúc Hoành viết bài thơ này nhằm bày tỏ tâm trạng nhớ vua thì ông nhớ ai đây? Lê Thánh Tông (1442 - 1497) chăng? Tất nhiên theo như sách vở để lại thì hai vợ chồng nhà thơ gắn bó với triều đại Lê Thánh Tông khá sâu sắc: Ngô Chi Lan (? - ?) làm Nữ học sĩ trong triều, Phù Thúc Hoành mặc dù không đỗ đạt cao vẫn được bổ chức Giáo thụ tại trường Quốc Tử Giám. Rất có thể Phù Thúc Hoành viết bài thơ trong một dịp trở về thăm lại hoàng cung sau khi Lê Thánh Tông đã mất một thời gian, và nỗi nhớ vị Hoàng đế đáng kính năm nào ùa vào tâm hồn khiến ông cứ đi đi lại lại bên ao sen, vừa đi vừa như đang suy ngẫm những nỗi nhân tình, thế sự...

Hai cách tiếp cận bài thơ trên dường như đều có chỗ khả thủ, song mỹ học tiếp nhận với tư cách một bộ môn khoa học hiện đại đã giúp ta một chìa khóa lý thú để vượt qua tình thế nan giải khi nó nhấn mạnh đến “tiềm năng chờ đợi” (horizon d’attente - một thuật ngữ của H. R. Jauss, nhà mỹ học người Đức, 1921-1997 (3)) vốn sẵn có ở cả hai phía: phía tác phẩm và phía các thế hệ người đọc đương đại, tức là xu thế biến chuyển của trường tâm lý khách quan đối với ngữ cảnh tiếp nhận nó có khả năng soi sáng phần nội hàm ẩn của tác phẩm, nói cách khác trong tâm thế của chúng ta hôm nay dường như logich tình cảm đã khiến ta nghiêng về cách cảm nhận bài thơ của Phù Thúc Hoành theo hướng một bài thơ tình trẻ trung hóm hỉnh, bởi cái ưu tư ở đây là một thoáng bồn chồn bất chợt nặng phần bản năng thường thấy trong tình yêu trai gái chứ không phải là một phát ngôn đạo lý nặng phần lý trí của sự “thờ vua kính chúa”.

Hơn nữa chữ “quân” trong câu Tư quân vị đắc kiến như chúng tôi đã nói ở trên, chữ đó dẫu thường dùng để chỉ nam giới hoặc một vị Hoàng đế nhưng thực tế sáng tác cho thấy, nó lại cũng từng được sử dụng trong nhiều trường hợp chỉ nữ giới từ rất sớm: Âm thanh nhập quân hoài (Thanh Hà tác - Tào Phi (4)); Tư quân như thiết như tha (Tinh chuột - Thánh tông di thảo). Bài Thập tư của Ngô Thì Sĩ (1726-1780) có mười câu Tư quân vô kế, nhà thơ giải thích ở đầu bài là do ông nảy ý từ câu: Tư quân vô kế tả quân thi của Nguyên Chẩn5 gửi cho bạn: nhớ anh không có cách nào đành chép thơ của anh. Nguyên Chẩn dùng chữ “quân” để chỉ bạn trai, Ngô Thì Sĩ dùng để chỉ người yêu. Vậy thì chữ “quân” ở bài Cổ ý rất có thể là hình ảnh một cô gái và đây là một bài thơ tình yêu nam nữ.

Một ví dụ khác, bài Tảo mai II, “tình tự” của “Người mạnh dạn dẫn đầu trong lĩnh vực thú vị những rắc rối này, chẳng phải ai khác mà chính là Nhân Tông” (6) mà theo chúng tôi, với cách cảm , cách nghĩ của người hiện đại, đây là một trong những bài thơ tình yêu xuất hiện vào loại sớm trong thơ chữ Hán cổ trung đại Việt Nam:

Tảo mai

Ngũ nhật kim hàn lãn xuất môn,

Đông phong tiên dĩ đáo cô côn(căn).

Ảnh hoàng thủy diện băng sơ bạn,

Hoa áp chi đầu noãn vị phân.

Thúy Vũ ca trầm sơn điếm nguyệt,

Họa Long xuy thấp Ngọc Quan vân.

Nhất chi mê nhập cố nhân mộng,

Giác hậu bất kham trì tặng quân

( Năm ngày sợ rét ngại ra cửa,

Gió xuân đã sớm đến với gốc cây cô đơn.

Bóng hoa ngả trên mặt nước, băng giá chớm,

Hoa trĩu nặng đầu cành, hơi ấm chưa định rõ.

Khúc ca Thúy Vũ (7) lắng chìm mặt trăng xóm núi,

Tiếng sáo Họa Long (8) làm ẩm đám mây Ngọc Quan9.

Một cành hoa lạc vào giấc mộng cố nhân,

Tỉnh dậy, không thể đem tặng anh được).

Hoa mai sớm

Năm ngày ngại rét lười ra cửa,

Gốc lẻ nào ngờ đã gió xuân.

Mặt nước băng tan, cây bóng ngả,

Đầu cành hoa trĩu, ấm chưa phân.

Trăng chìm xóm núi, lời ca bổng,

Mây ướt quan hà tiếng sáo ngân. 

Lạc tới chiêm bao hoa một nhánh,

Muốn đem tặng bạn khó vô ngần.

(Trần Lê Văn dịch)

Về bài thơ này, các tác giả Thơ văn Lý -Trần, tập II, quyển thượng, qua việc khảo sát điển Nhất chi xuân chú như sau: “ Nhất chi xuân 一 枝 春 rút từ câu thơ của Lục Khải (陸 啟) tặng Phạm Việp (范 曄): 折 梅 逢 驛 使 。寄 與 隴 頭 人 。 江 南 何 所 有 。 聊 贈 一 枝 春 。

Chiết mai phùng dịch sứ

Ký dữ Lũng Đầu nhân

Giang Nam hà sở hữu

Liêu tặng nhất chi xuân

nghĩa là: "bẻ cành hoa mai, gặp được người đưa thư trạm, gửi cho người ở Lũng Đầu. Đất Giang Nam có gì đâu, hãy tặng anh một cành xuân. Nhưng ở đây tác giả chỉ có cành mai trong giấc mộng nên không thể đem tặng bạn được” (10).

Như vậy, theo các nhà khảo cứu thì quả thực đây thuần là một bài thơ trữ tình của Trần Nhân Tông (1258 - 1308). Tác giả bỗng nhớ tới người bạn nơi xa khi xuân về hoa nở. Cách tiếp cận này đúng theo khuôn mẫu tiếp cận khoa học cổ điển lâu nay thường làm, thực tình không có gì sai. Chúng ta vẫn tin rằng bài thơ đã tồn tại ngót mười thế kỷ nay với cái nội hàm đích thực như nó vốn có ấy, và cũng từ lâu, dường như không ai còn phải bợn chút nghi ngờ gì về độ co giãn trong nội dung phản ánh của nó. Ấy thế mà cho đến hôm nay, trong không khí bùng nổ của lý thuyết tiếp nhận mới thì hình như giới trẻ hiện đại vẫn muốn thưởng thức câu:

“Nhất chi mê nhập cố nhân mộng

Giác hậu bất kham trì tặng quân”

của vị Hoàng đế xưa với cảm xúc đồng nhất hóa giữa người đọc và nhà vua rằng người thơ đang tương tư về một người khác giới. Sao vậy? Trước hết, trên cái vỏ Hán tự được đọc, những âm vựng: “cố nhân” sao cứ gợi cho ta nghĩ về một người đã trở nên kỷ niệm. Hai chữ cố nhân (故 人)nguyên nghĩa gốc là bạn cũ : Tử Mặc tử tự Lỗ tức Tề, ngộ cố nhân 子墨子自魯即齊。遇 故 人 (Mặc Tử từ Lỗ sang Tề, gặp bạn cũ - Mặc Tử, thiên Quý nghĩa), nhưng cũng từng được dùng để chỉ người vợ cũ:

Tân nhân công chức kiêm

Cố nhân công chức tố 新 人 工 織 縑。故 人 工 織 素

(Vợ mới khéo dệt lụa mềm.

Vợ cũ khéo dệt vải mộc

 Ngọc đài tân vịnh)

... Ở Việt Nam, như ta đã biết, từ rất sớm với xu thế Việt hóa chữ Hán, mượn âm Hán bổ túc cho những ngữ nghĩa mà tiếng Việt chuyên chở không lọn nghĩa thì hai chữ cố nhân ngoài nghĩa cũ (nghĩa gốc) đã mặc nhiên được cộng thêm nghĩa mới của người Việt: cố nhân là chỉ người yêu cũ. Thậm chí hôm nay không mấy khi cụm từ này còn được dùng để chỉ một người đồng giới hoặc là để gọi một người là bạn bè cũ nữa mà khi nghe hai chữ cố nhân ta thường nghĩ ngay đến một người tình nào đó trong quá khứ. Thực ra, với Truyện Kiều ta đã có thể tìm thấy nghĩa mở rộng này từ Nguyễn Du (1765-1820) ở đầu thế kỷ XIX, qua lời thoại của Thúy Kiều nói với chồng cũ của mình là Thúc Sinh:

“Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng

Tại ai há dám phụ lòng cố nhân”

hoặc với nghĩa là người tình:

“Tìm đâu cho thấy cố nhân

Lấy câu vận mệnh nguôi dần nhớ thương”

Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858) cũng từng viết: “Tân nhân dục vấn lang niên kỷ”. “Tân nhân” là vợ mới. Vậy “cố nhân” là người cũ - người tình cũ. Đó chính là nguyên nhân xuất nhập khiến người đọc hiện đại cũng có thể chấp nhận hương vị buồn nhớ xa xôi (nhớ một người tình, một cung nhân hay thứ phi nào đó) của bài thơ Tảo mai II. Chữ “cố nhân” trong trường hợp này cũng giống như chữ “ức cựu” (憶 舊) trong bài Cung viên xuân nhật ức cựu của Trần Thánh Tông (1240 - 1278) mà gần đây tác giả Đoàn Thị Thu Vân (11) cho rằng đó là một bài thơ tình rất “thâm trầm”, “ý vị”. Bài thơ như sau:

Cung viên xuân nhật ức cựu

Cung môn trần yểm kính sinh đài,

Bạch trú trầm trầm thiểu vãng lai.

Vạn tử thiên hồng không lạn mạn,

Xuân hoa như hứa vị thùy khai (12.)

***

Cửa cung bụi phủ lối đi rêu mọc,

Giữa ban ngày mà ắng lặng, ít người qua lại.

Muôn tía ngàn hồng cứ rực rỡ vậy thôi,

Hoa xuân đẹp đẽ thế, vì ai mà nở?

***

Ngày xuân trong vườn ngự nhớ người cũ

Cửa ngõ lờ mờ dấu bụi rêu,

Chìm chìm ngày bạc vẻ đìu hiu.

Đầy vườn rực rỡ hồng chen tía,

Hoa khéo vì ai vẫn nở nhiều?

(Ngô Tất Tố dịch)

Ở đây tác giả chỉ để lại cho chúng ta cái gọi là “vết tích” của ngôn ngữ (chữ của Nguyễn Văn Trung) còn từ những “vết tích” đó, ý nghĩa của bài thơ sẽ bật nảy phụ thuộc vào năng lực giao tiếp giữa người đọc và văn bản. Ức là nhớ, cựu là cũ, nơi cũ, chốn cũ - ức cựu là nhớ người cũ. Tất nhiên có thể hiểu là nhớ người bạn cũ, hoặc người tình cũ, người vợ cũ đều có thể chấp nhận được. Thật ra, đến Phan Mạnh Danh (1866 - 1942), người khép cánh cửa cuối cùng của dòng thơ tình cổ điển dân tộc, thì với tập thơ Xuân mộng của ông, các chữ “quân”, “mỹ nhân”, “Lũng Đầu”, “Nhất chi mai”, “cố nhân”, “cựu” vv...đều đã được nhà thơ sử dụng để nói về tình yêu, người yêu cũ của mình.

Vậy qua hai dẫn chứng trên đây, chúng ta có thể đặt một dấu hỏi: độc giả hiện đại đã tiếp thêm ngữ nghĩa mới cho bài thơ hay bản thân bài thơ lâu nay vẫn để ngỏ một hướng cảm thụ thật tinh tế, kín đáo về một nỗi niềm riêng tư của tác giả trong khi nhà thơ cổ trung đại mỗi lúc hạ bút viết một câu, một chữ phải chịu khá nhiều ràng buộc của tâm lý sáng tạo, phải đối diện với thói quen ngại trực diện với những gì là cụ thể, là riêng tư, đặc biệt ở khía cạnh tình ái? Có lẽ trong những trường hợp cụ thể ta cũng chẳng vì quá nệ vào một đôi mặt chữ của bài thơ mà vô tình đánh rơi mất cái khả năng mà học giả người Anh Thomas Carlyle (1795 - 1881) đã gợi mở: ông nhắc rằng đừng bao giờ quyết đoán một cực: “Không phải cái này hoặc cái kia, mà vừa cái này vừa cái kia: hiện tại tham gia vào quá khứ, quá khứ tham gia vào hiện tại” (13). Hoặc nói như nhà thơ Lê Đạt: “Bạn hãy thử để những con chữ trong câu thơ dắt dẫn trên con đường tâm thức ra khỏi lối đi ngữ nghĩa tiêu dùng hàng ngày vì từ ngữ là đa nghĩa, đa nghĩa cả trong tính lịch đại và đồng đại: đa nghĩa vì câu thơ mang nặng lịch sử chữ, hoạt động ở nhiều tầng văn hóa, cả trong ý thức lẫn vô thức người viết. Nhà thơ ít nhiều ngoại cảm chữ” (14).

Bây giờ chúng ta thử xem xét những vấn đề trên diễn ra như thế nào trong thơ quốc âm?

Thơ quốc âm cũng có một đôi trường hợp tương tự như ở trong thơ chữ Hán, nghĩa là cùng một bài thơ, cũng có nhiều cách hiểu, cách “vận vào” rất khác nhau. Ví dụ bài Ba tiêu (Cây chuối) của Nguyễn Trãi (1380 - 1442). Bài thơ này từng có ngót năm mươi bài viết ngắn dài biểu thị cách cảm thụ khác nhau rải rác công bố những năm gần đây, tuy nhiên đa phần các ý kiến đáng tin cậy đều thiên về hướng cho rằng đây là bài thơ tình:

Tự bén hơi xuân tốt lại thêm,

Đầy buồng lạ mầu thâu đêm.

Tình thư một bức phong còn kín,

Gió nơi đâu gượng mở xem. (15)

Bài thơ này khi in trong NguyễnTrãi toàn tập, học giả Đào Duy Anh chú thích theo hướng cho rằng đây là một bài thơ tả cây chuối chỉ có một tầng nghĩa: cây chuối gặp “hơi xuân” thì đã tốt lại càng tốt tươi thêm (tốt lại thêm) và theo ông, hai chữ: “buồng lạ" chỉ buồng chuối, so với quả cây khác thì cũng lạ, "Mùi thâu đêm" chuối chín thơm ngát suốt cả đêm”. Không nghiêng hẳn về cách hiểu đây là một bài thơ tình nhưng ông cũng đưa ra một gợi ý: “Tình thư" Bội phong vận phủ chép rằng Thẩm Chu đời Minh có bài thơ viết lên lá chuối có câu:

“Tiên dục khai thuyền khứ

Nhân quân cách tả tiêu”

(Đã muốn chở thuyền đi. Vì người viết lá chuối)

Không chắc rằng Nguyễn Trãi cũng ở vào khoảng nhà Minh mà lại lấy việc ở đời Minh làm điển. Song nhân cây chuối mà nói đến thư tình thì có lẽ cũng là bức thư phong kín; ở đây là chỉ cái đọt chuối còn cuộn như bức thư còn phong. (Ngày xưa người ta thường treo trong nhà một đôi câu đối vế trên là: “Thư lai tiêu diệp văn do lục” nghĩa là "Thư gửi đến viết trên lá chuối lời văn còn xanh”). (16)

Như vậy, theo Đào Duy Anh thì việc liên tưởng đọt chuối non với một bức thư còn phong kín là có thể hiểu được vì tiền lệ đã có, và “Tình thư một bức phong còn kín” rất đơn giản đó là một bức thư tình còn phong kín chỉ còn nhờ gió “gượng mở xem”. Về sau, các nhà thơ, nhà nghiên cứu như Bùi Văn Nguyên (1918 - 2003), Xuân Diệu (1916 -1 985), Nguyễn Quang Huy (? - ?), Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Thị Bích Hải, Đặng Thiêm, Nguyễn Khắc Phi, Nguyễn Phạm Hùng, v.v... đều cố gắng giải mã bài thơ theo hướng đây là một bài thơ tình “rất kín đáo”, “sâu sắc”. Tuy nhiên, cũng có một cách hiểu hoàn toàn mới như cách hiểu của tác giả Phạm Tú Châu khi cho rằng bài thơ Cây chuối của Nguyễn Trãi “gần gũi về mặt tư duy nghệ thuật với bài "Ba tiêu" của Linh Tẩu Nguyên đời Tống ở chỗ hai bài thơ cùng sử dụng hình ảnh cây chuối, lá chuối là một trong những hình ảnh được các thiền sư Trung Hoa sử dụng như một biểu tượng đặc trưng cho các nhà chùa, do đó bài thơ mang ý vị thiền” (17). Ngoài ra tác giả Phạm Tú Châu còn đưa ra cách ngắt nhịp thơ hoàn toàn khác với cách ngắt nhịp của bạn đọc lâu nay. Trước nay ta vẫn quen ngắt nhịp 4/3, 3/3, hoặc đọc liền mạch, Phạm Tú Châu cho rằng với thơ sáu chữ của Nguyễn Trãi: “có thể nghỉ theo nhịp 2/4 hoặc đọc liền mạch, cho nên: câu Đầy buồng lạ mầu thâu đêm có thể đọc liền mạch và lạ mầu có thể hiểu là kỳ diệu. Chữ lạ và mầu tách rời nhau xuất hiện khá thường xuyên trong thơ Nôm Nguyễn Trãi, riêng ở câu này mới đi đôi với nhau”.

Đúng là thơ Nôm Nguyễn Trãi có những câu ta có thể ngắt nhịp 2/4 hoặc đọc liền - mà thực ra đó là hiện tượng bình thường của bất cứ một bài thơ cổ, cận, thậm chí hiện đại bất kỳ nào đó - nhưng có lẽ điều này không ứng lắm với trường hợp câu thơ dẫn ở trên. Nếu ta ngắt nhịp Đầy buồng/ lạ mầu thâu đêm nhịp câu như bị chẻ ngay ra khiến người đọc rơi vào trạng thái hẫng trong tâm lý tiếp nhận vì chưa kịp cảm nhận được gì ở cái vần nhịp của câu chữ thì đã bị ngắt mất rồi. Câu chữ bỗng trở nên khó hiểu, khó cảm. Còn nếu như câu này không ngắt ở đâu cả và thế là “hai chữ lạ mầu sẽ đi đôi với nhau để nói điều kỳ diệu, lạ màu nào đó trong buồng chuối, thân chuối...” thì hình như vẫn không ổn. Đành rằng đọc toàn bộ Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, cho dù cảm nhận đầu tiên của chúng ta là tập thơ bộc lộ rất rõ quan điểm nghệ thuật của nhà thơ ở chỗ ông luôn cố gắng để làm sao thể hiện tư tưởng, tình cảm của bản thân bằng cách sử dụng một cách tự tin quốc âm - chữ viết dân tộc- và cú pháp theo lối Việt, thông qua những hình thức thơ do bản thân mình sáng tạo, thì thi thoảng ta vẫn gặp một vài cụm từ Hán - Việt hoặc các cụm từ có kết cấu kiểu cú pháp Hán ngữ như: “lồng lộng trời”, “nhàn chơi”, “phơ phơ đầu bạc”, “lẻo dẻo duyềnh xanh”... Riêng hai chữ “tình thư”, theo Nguyễn Khắc Phi (18), dùng chữ tình làm định ngữ cho chữ thư là độc sáng của Nguyễn Trãi. Xét cho cùng, đây vẫn là cú pháp thuần Hán, Nguyễn Trãi dường như không sáng tạo gì thêm mà ông chỉ vận dụng rất đúng chỗ, đúng ngữ cảnh mà thôi. Tuy nhiên, trong trường hợp hai chữ lạ màu (theo cách hiểu của tác giả Phạm Tú Châu) chúng tôi lại cũng không cho rằng đó là thâm ý nghệ thuật của Nguyễn Trãi.

Bởi lẽ: thứ nhất, nếu đọc liền một mạch cả sáu chữ, không ngắt nhịp thì hình như “” chưa thành câu thơ, hoặc ngay sự “êm tai” nhất thiết phải có của âm vận thi ca cổ điển cũng chưa có.

Thứ hai, tác giả bài viết cho biết: “Chữ lạ và màu tách rời nhau khá thường xuyên trong thơ Nôm Nguyễn Trãi, riêng ở câu này mới đi đôi với nhau để nói có điều kỳ diệu, lạ màu nào đó trong buồng chuối”.

Theo như thống kê của chúng tôi, thì quả là chữ lạ và chữ màu xuất hiện khá thường xuyên trong Quốc âm thi tập, nhưng thực tế thì bao giờ cũng kết hợp với một từ nào đó (mà thường là đứng trước) để trở thành một từ ghép tổng hợp hay một từ ghép phân loại - nói theo cách nói ngày nay - ví dụ: chữ lạ trong “cảnh lạ”, “khách lạ”, “non lạ”, “người lạ”, “sự lạ”, “càng lạ nữa”; chỉ có một trường hợp duy nhất chữ lạ đứng trước, trong từ láy lạ lùng (mà kết cấu này vẫn là kết cấu thuần Việt); chữ “màu” có năm trường hợp, xuất hiện trong các cụm từ: “câu mầu”, “cơ mầu” (hai lần), “thú mầu”, “tạo hóa mầu”. Chúng tôi chưa thấy một trường hợp nào có sự kết hợp ngược lại, tức là chữ lạ đứng trước như hai chữ “lạ mầu” trong bài Cây chuối. Vậy khó có thể xem lạ màu là một từ ghép vì nó trái với thói quen tư duy nghệ thuật của nhà thơ. Thế thì ở trường hợp này chữ lạ ghép với chữ buồng đứng trước nó là hợp lý hơn cả và tạo thành tổ hợp buồng lạ. Đào Duy Anh cho rằng buồng lạ “chỉ buồng chuối, so với các quả khác thì cũng lạ”, tức là quả chuối là một thứ quả lạ so với các loại quả khác (?). Ông lại nhận xét: “Mùi thâu đêm (có bản đọc là mầu) nghĩa là mùi chuối chín thơm ngát suốt cả đêm”. Trước cụ Đào, các cụ Trần Văn Giáp (1898 - 1973) và Phạm Trọng Điềm (? - ?) khi phiên âm, chú giải Quốc âm thi tập cũng chú: “Nguyên bản viết chữ Mâu ( 牟 ), nên phiên âm là màu, nhưng đáng lẽ là mùi mới đúng. Mùi thâu đêm là mùi hương suốt đêm” (19). Đào Duy Anh đã theo quan điểm này của hai ông Trần Văn Giáp và Phạm Trọng Điềm chăng?

Hai câu thơ sau, bản Quốc âm thi tập của các cụ Trần và Phạm để ở mục tồn nghi với lời chú: “Hai câu A.3,4 chưa hiểu được nghĩa chính xác, có lẽ nói lá chuối lúc mới ở trong ruột cây tròi lên, bao giờ cũng cuộn tròn như phong kín, khi gặp gió mới mẻ tung ra”. Thực ra nõn chuối phải trưởng thành đến một độ lớn nào đó mới có thể xòe dần ra thành tàu lá, chứ gió trời sao có thể làm cho đọt chuối “nở tung” ra được? Câu “Gió nơi đâu gượng mở xem” của Nguyễn Trãi theo chúng tôi chỉ là hình ảnh tượng trưng của ý thơ mà thôi, chính vì lẽ ấy mà bài thơ này quyết không chỉ có một tầng nghĩa như cách giải của hai cụ Trần Văn Giáp, Phạm Trọng Điềm, và cũng vì bài thơ có rất nhiều tầng nghĩa nên mới có nhiều cách hiểu, thậm chí ngược hẳn nhau tồn tại bao năm nay.

Nhà thơ Xuân Diệu (20) với cái nhìn trực cảm của một thi sĩ, không tiếp cận trực tiếp với nguyên bản đã tưởng tượng rằng “buồng lạ” là một căn buồng đang nồng nàn cảm giác ái ân. Tác giả Nguyễn Phạm Hùng (21) cũng tiếp tục ý tưởng của Xuân Diệu cho rằng “buồng” tức là “phòng”. Mặc dù cách luận giải rất chặt chẽ, rất “thuận” nhưng các nhà nghiên cứu gần đây đã xác định chữ “buồng” ở đây có bộ thảo đầu (). Chúng tôi cũng tán thành nên ngắt câu thơ theo nhịp 3/3 . Về chữ mầu , Đại từ điển chữ Nôm của Vũ Văn Kính, mục từ Mâu( 牟 ) giải nghĩa: mầu - mầu xuân, mầu mỡ, mầu sắc, màu mè, không có nghĩa nào chỉ mùi vị. Tuy nhiên trong dân gian vẫn nói mùi là mầu và theo Génibrel trong Dictionnaire Annamite-Français thì chữ này cũng dùng thông cả hai nghĩa: couleur - màu sắc, saveur - mùi vị22. Chúng tôi theo cách hiểu mâu là màu - màu đêm.

Với Đoàn Phú Tứ (1910-1989) chúng ta chẳng đã thấy “màu thời gian” trong văn chương là gì? Nhà thơ Hồ Dzếnh (1916-1991) cũng từng viết: “Mầu chiều khó làm khuây”. Vậy thì có thể có “màu đêm” lắm chứ: Đêm lại màu đêm anh có biết/Ánh điện rơi đầy mấy hàng me?)... Tuy nhiên, hiểu theo cách nào thì cũng vẫn thấy có một Nguyễn Trãi cô đơn, tình tứ đang ngắm nhìn những cây chuối mà lòng chợt nhớ tới ai nên khi nhìn những đọt chuối non cuộn tròn kia, nhà thơ chợt liên tưởng tới một bức thư tình còn phong kín, khiến lòng ông chộn rộn một nỗi nhớ - và ông thầm ước: Gió nơi đâu gượng mở xem - đó là nỗi ao ước mà nói như nhà thơ Nguyễn Bảo (1452 - ?) từng đúc kết: Trước dạo, thi nhân khổ ước mong (23). Phải chăng một chút giả tưởng, một chút ước ao hão huyền rằng ta đang được đọc một bức tình thư cũng có thể là sự cộng thông giữa con người hiện đại hôm nay và nỗi lòng nhà thi hào thuở ấy vốn đang hết sức cô đơn? Nhà thi hào ấy, do hoàn cảnh của riêng mình, từ lâu đã không còn giữ được cái tâm thế sảng khoái của vị Hoàng đế Lê Thánh Tông cùng các nhà thơ trong hội tao đàn của ông mà ví những đọt lá chuối như Gươm đẩu kinh cuồng khấu24 ; và chắc trong lúc nhớ nhung cô quạnh ông cũng chẳng có nổi cái hóm hỉnh để nhìn một cách dí dỏm pha chút đáo để của con mắt dân gian: Chuối cậy lòng chuối còn trinh/Chuối đứng một mình sao chuối có con? (25)

Theo chúng tôi, cũng không hẳn ông đã viết bài thơ trên trong cảm hứng ngộ thiền như tác giả Phạm Tú Châu nhận xét và cho rằng nên hiểu bài thơ “như cách hiểu đời thường lâu nay ta thường hiểu thì như thế mới chỉ hiểu cái vỏ bề ngoài của bài thơ, bởi các nhà thơ thi sĩ thường hay gửi gắm triết lý cao siêu dưới hình thức thơ đời thường như diễm tình, thơ điền viên, thơ nhớ quê, thơ vịnh vật, vịnh sử...” (26). Bài viết đồng thời đã đưa ra một cách hiểu khác: “Chữ tình trong tình thư ấy nên hiểu là tình trong bài thơ Ba tiêu của Linh Tẩu Nguyên, tức là Đạo, là lẽ huyền diệu của Thiền tông, của đạo Phật. Lẽ ấy mỗi người có một cách riêng để hiểu, để đạt tới, không ai giống ai, người thì lắng nghe qua tiếng mưa đêm rả rích, người thì nhờ gió gợi mở giữa đêm thâu...” (27).

Quả đúng như vậy, trước một văn bản cổ, nếu ta chỉ mải miết đi tìm cái hồn bài thơ ở thao tác mã hóa mặt chữ mà lướt qua việc thẩm bình với tư cách cùng tham gia sáng tạo thêm tầng cảm xúc cũng như ngữ nghĩa cho thơ thêm sức sống thông qua “kinh nghiệm thẩm mỹ” (expérience esthétique - cũng là thuật ngữ của Jauss (28)) được tái cấu trúc xoay quanh tác phẩm và được cụ thể hóa bằng đối thoại giữa người đọc đương đại với văn bản thì trong một số tình huống tưởng như ta đã trở nên bất tri, bất cảm với tiền nhân rồi. Song trong trường hợp này, đối với Nguyễn Trãi - một thi sĩ mà chỉ với 254 bài thơ quốc âm, đã có tới hơn chục lần nhắc tới chữ tình thì chắc hẳn con người này còn nặng lòng với đời lắm ngay cả lúc đơn côi, lánh đời. Chính ông đã từng phát biểu quan điểm của mình về lãnh vực riêng tư:

Thế sự trai yêu thiếp mọn,

Nhân tình gái nhớ chồng xưa.

Chẳng say chẳng đắm là quân tử,

Người hiểm lòng thay tua sá ngờ. (29)

Bài thơ vừa khẳng định cái quy luật tất yếu trong tình cảm con người, lại như vừa thú nhận sự bất lực của bản thân thi sĩ: chỉ có bậc quân tử và thánh nhân mới có thể “chẳng say chẳng đắm”, còn ông - ông là một con người, một người làm thơ? Vậy ở đây, nếu Nguyễn Trãi thực sự ngộ thiền thì bài thơ của ông thể nào cũng mang đến cho ta chút thanh thỏa, tự tại, đằng này, sau những vần thơ sâu kín ấy sao chỉ thấy trào dâng cảm giác trống vắng, chạnh buồn ? Có thể dựa vào câu nói của Đàm Hiến - nhà lý luận Trung Hoa đời Thanh: “Dụng tâm của tác giả chưa chắc đã vậy, nhưng dụng tâm của người đọc tại sao lại không thể như vậy? - nghĩa là người đọc có thể xem tác phẩm như phương tiện thể hiện nỗi lòng, dụng tâm của mình” (30) mà trên cơ sở đó thử tiếp nhận đây là một bài thơ yêu đương được chăng?

Trên đây chỉ là một cách “vận vào” của chúng tôi trong khi văn chương cổ lại muôn phần bí ẩn. Tìm tòi, tìm tòi mãi, biết đâu cuối cùng lại quay trở về tâm đắc với chính những tìm tòi của người trước cũng nên.

ĐẶNG THỊ HẢO (VII/2001 - II/2006)

----------------------------------------------

Chú thích:

1. Trích diễm thi tập (摘 艷 诗 集). Bản chép tay, Thư viện Viện Văn học, ký hiệu Hn. 290; tr.133.

2. Kinh thi, tập 1, Nxb. Văn học, H; tr. 120. Lời dịch thơ do thày Nguyễn Văn Hòa đọc trong khi giảng bài Tĩnh nữ cho sinh viên Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp, k.19. Theo Gs. Nguyễn Huệ Chi thì đây là bản dịch của Nhóm dịch giả gồm các nhà Hán học lão thành ở Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội đã dịch để phục vụ các bài giảng văn học Trung Quốc ngay từ khóa I (1956-1959), về sau được dùng đi dùng lại.

3. Thuật ngữ này được Jauss đưa ra lần đầu trong luận văn Chất thơ của những động vật vào thời Trung cồ (La poésie des animaux au Moyen Âge - 1959). Lại Nguyên Ân trong Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và hoa Kỳ, Nxb. Đại học quốc gia, 2003, dịch theo tiếng Nga là “tầm chờ đợi”. Chữ horizon có nghĩa là chân trời, cũng có nghĩa là tầm nhìn, triển vọng, chúng tôi dịch là tiềm năng cho rõ ý.

4. Tào Phi (曹 丕, 187-226 ) : nhà thơ, nhà lý luận và phê bình văn học Trung Quốc thời Hán-Ngụy.

5. Nguyên Chẩn ( 元 稹, 779-831): nhà thơ Trung Quốc thời trung Đường.

6. Bùi Văn Nguyên: Bàn về một số khía cạnh trong thơ trữ tình đời Trần. Tạp chí Văn học, số 1-1975; tr. 56.

7. Thúy vũ: tức thúy vũ ngâm, tên một từ khúc. Cung điệu của khúc ngâm này còn thấy ở bài Trúc sơn từ竹 山 祠 của Tưởng Tiệp獎 捷 . Lời đề tựa của ông nói: Vương Quản Bản trao cho ta một khúc hát theo Việt điệu tên là Tiểu Mai hoa dẫn小 梅 花 引, bảo ta lấy ý bay lên tiên, bước trong cõi hư không mà làm lời cho khúc hát...(TheoThơ văn Lý-Trần, tập II, quyển thượng. Nxb. Khoa học xã hội, H, 1989; tr. 472).

8. Họa Long: có lẽ là một loại sáo hay tù và có vẽ hình con rồng. Từ hải 辭 海 dẫn lời của Thẩm Ước 沈 約, Từ Quảng 徐 廣 nói rằng tù và của người Hồ chỗ tay cầm vẽ con giao long có chân năm sắc. (Theo Thơ văn Lý-Trần, tập II, quyển thượng. Nxb. Khoa học xã hội, H, 1989; tr. 472).

9. Ngọc Quan: tên một cửa ải trên đường đi sang Tây Vực 西 域 thuộc tỉnh Cam Túc 甘 肅, Trung Quốc. Ở đây tác giả mượn để miêu tả tiếng sáo Họa Long làm ẩm ướt cả đám mây trên cửa ải.(TheoThơ văn Lý -Trần, tập II, quyển thượng. Nxb. Khoa học xã hội, H, 1989; tr. 472).

10,12. Thơ văn Lý -Trần, tập II, quyển thượng, Nxb. Khoa học xã hội, H, 1989; tr. 472, 403.

11. Đoàn Thị Thu Vân: Về một bài thơ tình cách đây bảy thế kỷ, Báo Văn hóa nghệ thuật, ngày 8-5-1997; tr.7.

13. Về con người cá nhân trong văn học cổ Việt Nam. Nxb. Giáo dục, H, 1997; Tái bản, 1998; tr.50.

14. Lê Đạt: Bóng chữ. Nxb. Hội Nhà văn, H, 1994; tr.50.

15,16, 29. Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb. Khoa học xã hội, H, 1976; tr. 471, 835, 456.

17, 26, 27. Phạm Tú Châu: Tìm hiểu ý vị Thiền trong bài thơ Cây chuối của Nguyễn Trãi. Tạp chí Văn học, số 5 -1998; tr.30-34.

18. Nguyễn Khắc Phi: Từ hình tượng cây chuối “Ba tiêu” trong thơ ca cổ điển Trung Hoa nghĩ về bài “Cây chuối” của Nguyễn Trãi. Văn học và tuổi trẻ, 2000; tr.27.

19. Nguyễn Trãi: Quốc âm thi tập (Trần Văn Giáp - Phạm Trọng Điềm phiên âm, chú giải). Nxb. Văn Sử Địa, H, 1956; tr.169.

20. Xuân Diệu: Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, tập 1, Nxb.Văn học, H,1981.

21. Nguyễn Phạm Hùng: Giải trình một nghi án văn học, in trong Mấy vấn đề văn học Việt Nam cổ, Hội văn nghệ Bắc Thái xb,1993; tr.12-18.

22. J. F. M. Génibrel. Dictionnaire annamite-Français; Imprimerie de la Mission à Tân Định, Sài Gòn, 1898; tr. 441.

23. Bùi Duy Tân: Nguyễn Bảo - nhà thơ (Danh nhân văn hóa). Nxb. Văn hóa-Sở văn hóa thông tin Thái Bình, 1991; tr.70.

24. Hồng Đức quốc âm thi tập (Phạm Trọng Điềm, Bùi Văn Nguyên phiên âm, chú giải, giới thiệu). Nxb. Văn học, H, 1982; tr.34.

25. Kho tàng ca dao người Việt, tập II, (Nguyễn Xuân Kính, Phan Đăng Nhật chủ biên). Nxb. Văn hóa, H, 1995; tr. 1183.

28. Thuật ngữ này được Jauss bổ sung từ nhà mỹ học Roman Ingarden và đề xuất hoàn chỉnh trong cuốn Kinh nghiệm thẩm mỹ và khoa chú giải văn học (L’Expérience esthétique et l’herméneutique littéraire -1982).

30. Trần Đình Sử: Mấy vấn đề lý luận tiếp nhận văn học. In trong Văn học nghệ thuật và sự tiếp nhận. Viện thông tin khoa học xã hội, H, 1971; tr.12.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12824)
(Xem: 14255)
(Xem: 15596)
(Xem: 15057)
(Xem: 15073)
(Xem: 15804)
(Xem: 14490)
(Xem: 14246)
(Xem: 14245)
(Xem: 15186)