“HUYỀN THOẠI” THỜI MẠT
VÀ ÔNG NHẠC SĨ CẦM ĐÁ TỰ GHÈ CHÂN MÌNH
Mai An Nguyễn Anh Tuấn
Trong cái thời buổi “Mạt” đủ thứ này, biết bao hiện tượng được gọi là “văn hóa” giống như “Huyền thoại” liên tục nảy nở, khiến thiên hạ khóc dở mếu dở, cười trong chua chát, thậm chí lo âu và hoảng sợ đến thót tim…
T. cận tôi khi nhìn trên sân khấu trước phiên khai mạc kiêm bế mạc Đại hội 13 Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội ngày 27/7/2022, thấy một hình ảnh mà không tin vào mắt mình, tưởng là anh bạn quay phim nghịch ghép ảnh, nhưng hóa ra không phải thế!
Phải chăng là “Huyền thoại” lại xuất hiện?
Mấy năm trước, dân Thủ đô và du khách tứ xứ đã may mắn không bị tra tấn bởi một “Huyền thoại” kiểu đó: sau khi phim bom tấn Mỹ “Kong skull island” (Kông-đảo đầu lâu) đổ bộ vào VN, lãnh đạo ngành văn hóa ở Trái tim Tổ quốc đã nảy sáng kiến dựng bức tượng mô phỏng Kông khổng lồ từ phim, song bị dư luận phản đối dữ quá nên sáng kiến mới thui chột… Nhưng cái “đuôi” của “Huyền thoại” này còn lưu lại trong võng mạc của nhiều người có thị hiếu tồi lẫn thị hiếu tốt: đó là “Trái tim” làm bằng lông lá - chắc của con Kông kia rơi rớt lại…
Mới toanh toành toành, một ông điện ảnh nổi danh từng làm mưa làm gió phòng vé những phim quảng bá “chân ngắn chân dài váy dài váy ngắn” đã lên sóng quốc gia để lần này quảng bá cho chủ nghĩa “Ca-ve” cần được trở thành yếu tố văn hóa trong các gia đình ra sao… Rồi một bà tiến sĩ văn học cũng đăng đàn diễn thuyết về phẩm chất trí tuệ của những cô gái “chân dài óc ngắn” và phụ nữ làm nghề lao động chân tay - như một đề tài luận án tiến sĩ và góp vào cho đời sống tinh thần dân Hà Nội đang mệt mỏi một nguồn vui mới mẻ bằng “Huyền thoại” giật gân không kém ông điện ảnh kia!
Những “Huyền thoại” này được sinh ra cứ như có sự chỉ đạo của một “thượng tầng kiến trúc” nào đó nhằm giải nhiệt nỗi bức xúc về một vụ án liên quan tới “Con Bò”, hoặc cái dự án đưa người Hà Nội thời đại Kỹ thuật số đã bắt đầu quen với nhạc giao hưởng và phim có âm thanh lập thể (stereophonic sound) quay về không gian thời chiến tranh với âm thanh cưỡng bức, hay “Bảng vàng Hội đồng thơ báo FB Nhân loại”, v.v. Tất cả đều là những “huyền thoại” lố bịch khó tiêu hóa với một trí óc thông thường mà chỉ thời Mạt mới có nổi, chúng sản sinh và lan truyền với tốc độ phi mã!
Chợt nhớ đến cuốn sách “Những huyền thoại” của Roland Barthes; trong đó tác giả bảo rằng: Huyền thoại ngày nay (trong xã hội tư sản) là ngôn từ phi chính trị hóa… (Phùng Văn Tửu dịch, Nxb Tri Thức 2008, tr.345). Tôi thiển nghĩ: nếu ông R. Barthes được sống trong chế độ xã hội chủ nghĩa muôn vàn tươi đẹp của chúng ta, chắc ông sẽ có thêm nhiều dẫn chứng & luận cứ sinh động để bổ sung: Huyền thoại ngày nay là ngôn từ được chính trị hóa, bị chính trị lợi dụng, và đến lượt nó lợi dụng chính trị để tạo ra những tiếng cười của hài kịch - tiếng cười tống tiễn những rác rưởi, lố bịch, xấu xa với bản chất con người và cái bản chất mà xã hội cần có - như các thiên tài Mac & Enghen, ông tổ của một lý thuyết mà xã hội ta tôn thờ - đã từng tuyên ngôn một cách hùng hồn!
Sau khi trên mạng xã hội có lan truyền hình ảnh của nhiều nhân vật đang vướng vào vòng lao lý lại xuất hiện trên màn hình chính tại Đại hội Hội LHVHNT Hà Nội năm 2022, nhạc sĩ Lân Cường đã khẳng định: việc đưa ảnh các nhân vật này vào bản hợp xướng là cố ý của ông, để dẫn chứng về những đảng viên sa ngã, đồng thời sau đó khuyên phải lấy đó làm gương.
Rồi ông cảnh báo hùng hồn: “Những người nào đưa hình ảnh minh họa trong bài hát của tôi lên mạng xã hội nhưng lại không đưa kèm với lời của bài hát rõ ràng có ý xấu muốn bóp méo sự thật, bôi nhọ danh dự là nhạc sĩ của tôi…”
Tôi là người vốn rất kính trọng nhạc sĩ NLC, nhưng sau lời lý giải và cảnh báo trên, tôi chợt thấy thương hại ông. Giá như ông lặng im, để mọi chuyện chìm trong quên lãng… Nhưng ông đã làm cho mọi người nhận thấy rõ rằng: ông đã cầm đá tự ghè chân mình!
Vì sao vậy?
Xin thưa, ý đồ tư tưởng nghệ thuật của ông là rất quý, cần thiết, song việc thực hiện ý đồ đó - chắc là có cố vấn hình ảnh - đã đi ngược lại quy luật tối thiểu của nghệ thuật! Chưa kể tới chuyện, bằng giai điệu và ca từ như thế nhằm lên án những kẻ tội phạm có đắc địa hay không, có hiệu quả nghệ thuật hay không, chỉ riêng việc đưa hình ảnh các nhân vật ấy vào khuôn hình trang trọng dành cho lễ hội, theo lối minh họa rất thô thiển, thua kém cả những học trò mới tập làm báo hình, đã là điều phản cảm - nếu không muốn nói là phi nghệ thuật!
Phản cảm hơn nữa là, cái lời ca từ phê phán kia, chắc sẽ bị bập bõm trong hòa âm phối khí, khiến người nghe dường có cảm giác: những người bị lên án kia được đưa lên cận cảnh, ánh sáng chau chuốt như để tôn vinh họ, tựa như tôn vinh lãnh tụ vậy! Thực là cười ra nước mắt! Thực đáng thương thay cho nhạc sĩ!
Hóa ra, những ý đồ tốt đẹp & cao cả mà không có hình thức thể hiện phù hợp, lại đi ngược quy luật thẩm mỹ, thì hiệu quả sẽ phản thùng tác giả, hủy hoại ý đồ tác giả - đây chính là một dẫn chứng hùng hồn vậy!
Mai An Nguyễn Anh Tuấn
- Từ khóa :
- MAI AN NGUYỄN ANH TUẤN