Anh Hùng Khất Thực
CHUYẾN CẦU VIỆN NĂM 1950
Vũ Ngự Chiêu, Ph.D., J.D.
Từng trang lịch sử, buông hờ hững,
Xương máu còn tanh những dối gian
Nguyên Vũ, 1985
Trong đời hoạt động của Nguyễn Sinh Côn [Hồ Chí Minh]—ngoại trừ chuyến “đi biển” năm 1911, do tự nguyện—mỗi cuộc xuất ngoại đều có sứ mạng riêng. Chuyến đi Nga cuối tháng 6/1923 từ Paris—do Đệ Tam Quốc Tế “Cộng Sản” [ĐTQT, Comintern] dàn xếp—là chuyến cầu viện thứ nhất. Nó mở ra cho Côn giai đoạn hoạt động suốt 22 năm kế tiếp như một cán bộ ĐTQT chuyên nghiệp [apparatchiki, và agitprop=political agitation and propaganda]. Chuyến đi bộ 11 ngày lên Côn Minh [Kunming], Vân Nam [Yunnan] vào cuối năm 1944 cầu viện Mỹ—qua đường giây Tướng Claire Chennault, chỉ huy trưởng phi đoàn Cọp Bay [Flying Tigers], và Sở Tình Báo Chiến Lược [Office of Strategic Services], tiền thân Cơ Quan Tình Báo Trung Ương [Central Intelligence Agency], mở ra cho Côn cơ hội bằng vàng chiếm chính quyền trong vòng tám ngày ngắn ngủi từ 17 tới 25/8/1945 như một “đồng minh tự phong”của Mỹ, rồi tuyên bố độc lập với Pháp chiều 2/9/1945 ở vườn hoa Ba Đình, được “Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc” bỏ bảy 7 phiếu ủng hộ [sic].[1] Chuyến qua Pháp từ ngày 30/5 tới 16/9/1946, Côn đóng vai một quốc trưởng, hy vọng thuyết phục thế giới về chính nghĩa độc lập của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa [VNDCCH] (1945-1976). Chuyến đi này thất bại, vì Linh mục/Cao Ủy Georges Thierry d’Argenlieu và nhóm Gaullist chỉ coi Côn như lãnh tụ một Đảng, và lãnh thổ Việt Nam không quá vĩ tuyến 16, trừ thêm các khu tự trị cho sắc tộc ở thượng du Bắc Việt cùng vùng rừng núi phía tây Trung Kỳ. Tháng 12/1946, Côn cho lệnh tấn công các vị trí trú quân Pháp ở phía bắc vĩ tuyến 16—như Hà Nội, Nam Định, Vinh và Huế—khởi đầu giai đoạn thứ hai cuộc chiến kháng Pháp.[2] Đầu năm 1950, Côn thêm một lần xuất ngoại, “đi bộ 17 ngày” mới tới Thủy Khẩu, vượt biên giới qua Long Châu. Rồi “đồng chí Đinh” được đón lên Bắc Kinh.
Trước thập niên 1990, rất ít người biết chuyến cầu viện bí mật này. Những nghiên cứu “nghiêm túc” nhất suy đoán rằng “một phái đoàn” đã đến Bắc Kinh và “có thể” ký một hiệp ước ngày 18/1/1950—đúng ngày Bắc Kinh nhìn nhận VNDCCH. Ngay Đại tướng Võ Nguyên Giáp—tên thực Võ Giáp (1911-2013)—từ năm 1994 và rồi 2001 mới đề cập đến “bạn” và chuyện cầu viện; nhưng không trưng dẫn được những phụ bản tài liệu khả tín như phóng ảnh các công điện và văn bản liên hệ.[3]
Nhân dịp tranh chấp giữa Hà Nội và Bắc Kinh trong giai đoạn 1975-1991, giới nghiên cứu được tiếp cận một số thông tin vượt ngoài dự tưởng—như Võ Giáp chỉ có công đứng ra nhận chiến công do tướng tá cố vấn quân sự Trung Cộng chỉ huy, từ chiến dịch Lê Hồng Phong II (9-10/1950) tới Điện Biên Phủ (11/1953-7/5/1954). Điều khiến người thận trọng thắc mắc là tại sao Bộ Chính Trị và Quân Ủy Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam [CSVN] chưa bạch hóa các văn khố Đảng và Quân Đội Nhân Dân [QĐND] để phản bác hay xác nhận chứng từ của Chen Geng [Trần Canh], Liu Shaoqi [Lưu Thiếu Kỳ], Zhou En Lai [Chu Ân Lai], Luo Guibo [La Quí Ba], Wang Yanquan [Vương Nghiên Tuyền], cùng các cố vấn khác. Đây là điều cũng quan trọng không kém việc “Hồ Chí Minh chết ngày 2/9/1969,” không phải 3/9 hay 4/9/1969 như Lê Duẩn (1906-1986) và ban tuyên giáo bịa đặt.[4]
Hầu hết những tài liệu Bắc Kinh và Hà Nội lược dẫn trên của đều có hạn chế về mức khả tín. Thứ nhất, “lịch sử Đảng” chỉ công bố những sự thực giai đoạn, hay nửa sự thực, phù hợp với mục tiêu chính trị và tuyên truyền nhất thời. Thứ hai, nhật ký hay hồi ký và truyền khẩu sử, tự chúng đầy chủ quan và khó tránh lầm lỗi. Đó là chưa nói đến thú ngụy tạo chứng từ, được biện minh bằng nguyên tắc: chiến tranh hay chính trị phải biến trá. Như hình ảnh chiếc chiến xa [tăng] đầu tiên chạy vào sân cỏ Dinh Độc Lập sáng 30/4/1975, hung hăng húc vào trụ cổng, chỉ là màn đạo diễn tuyên truyền, giống chiến thắng Điện Biên Phủ 1954. Hay, “HCM” [Hoàng Cơ Minh] ở hải ngoại tự nhận có “10,000 kháng chiến quân trong nội địa Việt Nam;” nhưng một trong những mục tiêu đầu tiên là kháng chiến muốn làm tiền những người tị nạn mang theo được vốn liếng ra hải ngoại.[5]
Hiển nhiên, viết về liên hệ giữa Việt Nam và Trung Hoa hiện nay, rất tế nhị và khó khăn, vì không chỉ có liên hệ giữa hai nước láng giềng, mà còn những ràng buộc giữa hai đảng “Cộng Sản,” ít nhất từ ngày 30/9/ 1938, khi Nguyễn Sinh Côn (Linov) được Comintern gửi về Diên An để tăng cường cho thành phần lãnh đạo không những bị chính quyền thực dân Pháp ra tay truy diệt mà còn lủng củng nội bộ trong khi thi hành Nghị Quyết mới ngày 28/6/1935 của QTCS tại Đại Hội VI—tức Mặt Trận Thống Nhất [United Front] với mọi phe phái, ngoại trừ Đệ Tứ CS [tức Trốt-Kít] mà phe Stalinist như Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai, Hồ Nam Nguyễn Ngọc Minh đã ăn nhờ, ngủ đậu dưới bảng hiệu La Lutte/Tranh Đấu của nhóm trí thức du học Pháp như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, trong cuộc đấu tranh công khai, hợp pháp—tức tranh cử các ghế nghị viên Hội đồng thành phố và quản hạt.
Nỗi khó khăn hàng đầu, nổi cộm, là tư liệu—hoặc đúng hơn, thiếu tài liệu khả tín. Sau nửa thế kỷ làm việc trên tư liệu Đảng CSVN, trước hết như một nhà văn, một sinh viên Cử Nhân Giáo Khoa Triết Đông, rồi chuyển sang ngành sử học tại Liên bang Mỹ, tôi ngày càng khám phá ra sự hời hợt của nhiều tác giả thời chiến tranh lạnh (1947-1991). Hãy lấy trường hợp Nguyễn Sinh Côn làm thí dụ. Trước năm 1983-1984, chúng ta biết rất ít con người nổi danh thế giới, được nhắc nhở trong hàng trăm tác phẩm đủ thứ tiếng này. Mùa Xuân năm 1983, khi chuyển từ Văn Khố Bộ Thuộc Địa [AOM] trên đường Oudinot, quận VII, Paris, xuống nghiên cứu tại Văn Khố Pháp Quốc Hải Ngoại [DOM] ở Aix-en Provence, tôi đã cảm khái nhận định:
Oái oăm là thực tế chúng ta biết rất ít về Hồ, một người mà cuộc sống đã trở thành một tuyển tập những huyền thoại công và tư. Toàn bộ những điều đã viết về Hồ—phần lớn được gợi hứng từ cuộc bại trận của Pháp năm 1954, và nhất là sự tham chiến của quân đội Mỹ vào Việt Nam trong thập kỷ 1960—đã khiến những độc giả thận trọng thất vọng hơn thỏa mãn.
Hiển nhiên là xúc động, hay mục tiêu chính trị, hoặc cả hai, đã chi phối sâu xa khối tài liệu khổng lồ về Hồ Chí Minh. Bằng hữu cùng người ngưỡng mô mô tả ông như nhân vật siêu phàm, người đã dâng hiến trọn đời mình cho việc tranh thủ độc lập cho đất nước, và mưu tìm hạnh phúc cho toàn dân, một nhân vật cứu độ cho dân tộc. Những người đối kháng nhìn Hồ qua hình ảnh một cán bộ “Cộng Sản Quốc Tế,” kẻ âm mưu phá hủy gia tài văn hóa của dân tộc, và, kể cả “kẻ ở ngoài vòng pháp luật quốc tế.” Những người chọn thái độ trung dung tặng Hồ cả hai cái mũ ”Cộng Sản” và “ái quốc.”
Vấn nạn hiển lộ nhất là tính chất đúc khuôn và tiểu thuyết hóa trong khối văn chương về Hồ. Vì Hồ không những từ chối viết hồi ký mà còn có thói quen che dấu tông tích để bảo toàn an ninh, rất ít những chi tiết khả tín về đời Hồ được công bố. Sự thiếu tài liệu này đã kích thích đủ loại trí tưởng tượng và “đối thoại.” . . . .
Những huyền thoại bởi thế cứ theo năm tháng mà thêm huyễn hoặc. Vào năm 1983, nếu ghi tất cả mọi chi tiết đã công bố về Hồ vào một bảng tóm tắt, người ta không khỏi giật mình thảng thốt. Người mang tên Hồ Chí Minh sinh ra trong năm năm khác nhau, và đáng sợ hơn nữa, vừa dạy Pháp văn và quốc ngữ tại Trung Kỳ vừa đồng thời hầu hạ hành khách trên tàu Đô Đốc Latouche-Tréville. Bởi thế, chẳng có gì là quá đáng khi nói suốt ba thập kỷ qua, kiến thức chúng ta về Hồ Chí Minh dường chỉ được tăng tiến trong việc kiểm đếm bí danh của ông.[6]
Từ năm 1982, chúng tôi đã làm việc trên nhiều tài liệu về Nguyễn Sinh Côn, như báo cáo của Mật Thám Pháp và Tòa Khâm sứ Huế trong hai năm 1919-1920, cũng như một mật báo viên người Việt ở Paris (Fonds SLOTFOM và ECOLE COLONIALE). Tuy nhiên, vì hai lá thư xin nhập học Trường Thuộc Địa Paris ngày 15/9/1911 ký tên “Nguyển Tất Thành, sinh năm 1892 tại Vinh [Nghệ An], con Phó Bảng [sous-docteur ès-lettre] Nguyển Sinh Huy,” mà chúng tôi tình cờ phát hiện ngày 2/2/1983 khi nghiên cứu về các viên chức thuộc địa Pháp, nên chưa dám cả quyết Côn là tên thực của Nguyễn Ái Quốc hay Hồ Chí Minh.
Tài liệu 1: Thư trường Quốc Học
Hiệu trưởng trường Quốc Học Huế thông báo trò Nguyễn Sinh Côn, cựu học sinh trường Pháp-Nam Thừa Thiên, được nhận vào trường Quốc Học từ ngày 7/8/1908. Nguồn: CAOM (Aix), Annam, R1.
Sau khi phát hiện tập hồ sơ liên quan đến Trường An Nam Tây Tự Quốc Học ở Huế, từ 1886 đến 1910—xác định Côn, cựu học sinh trường Pháp-Nam Thừa Thiên (tức Đông Ba, Huế) được nhận vào chương trình huấn luyện giáo viên và thông ngôn hai năm (sau cuộc cải cách giáo dục 1906), từ ngày 7/8/1908, ba tháng sau cuộc nổi dạy chống sưu thuế của nông dân ở Công Lương, Huế,[7]—và rồi bản án tử hình khiếm diện Nguyễn Ái Quốc năm 1929 của Tòa Vinh ngày 11/10/1929[8]—chúng tôi mới tin rằng tên thuở thiếu thời của Hồ là Côn, không phải Nguyễn Sinh Cung, như hàng triệu tài liệu tuyên truyền khẳng định.
Chúng tôi cũng được tham khảo hai tài liệu về Phó Bảng Nguyễn Sinh Huy làm tri huyện Bình Khê—tức quê hương nhà Tây Sơn—nơi “loạn đồng bào” hay “cúp tóc” khá sôi động. Vì vậy, năm 1909, Thừa biện bộ Lại Nguyễn Sinh [Sanh] Huy—tên Sắc chỉ là tên gọi ngoài đời, khi còn cơ hàn—được cử thay người tiền nhiệm quá nhu nhược. Chẳng may, tri huyện Huy lỡ tay đả thương một nông dân trong cơn say, khiến người này bị ốm chết. Huy bị ngưng chức để điều tra, rồi tháng 1/1910 bị tống giam. Hơn bốn tháng sau, ngày 19/5/1910 bị giáng 4 cấp, cách làm thứ dân, đầy đi xa 3,000 dặm [khoảng 1500 cây số], nên lưu lạc vào Nam Kỳ.[9]
Các con phải rời Huế. Nguyễn Tất Khiêm hay Đạt trở về quê cũ, làm lại dịch. Nguyễn Thị Thanh, chị Côn, rời Huế từ trước. Côn lưu lạc vào nam, rồi đăng ký làm bồi/phụ bếp trên tàu Đô Đốc Latouche-Tréville—từng dính líu vào việc chở vũ khí lậu. Năm 1912, Côn viết thư cho Khiêm, nhờ xin Toàn Quyền Albert Sarraut cứu xét đơn xin nhập học trường Thuộc Địa. Một thư khác, Côn nhờ Khâm sứ Huế chuyển cho cha một số tiền nhỏ, nhưng tòa Khâm không tìm được địa chỉ Huy. Năm 1926, có tin Huy về Sài Gòn thăm Phó Bảng Trinh, và dự đám tang Tiến Sĩ Trương Gia Mô nhưng văn khố Pháp chưa có dấu vết nào.
Chẳng hiểu ai là người đã mách nước cho Côn gõ cửa hậu trường Quốc Học—Kỹ sư [“Bác Vật Canh Nông”] Bùi Quang Chiêu (1873-29/9/1945), người đáp tàu Đô Đốc Latouche-Tréville qua Pháp du lịch vào tháng 7/1911, hay Trần Trọng Kim (1883-1953 [?]) mới tốt nghiệp trường sư phạm Melun, đang chuẩn bị hồi hương—bản thân từng được chủ Pháp đưa về Paris, rồi nồng nhiệt giới thiệu vào Trường Thuộc Địa như một “nhà tư tưởng,” nhờ khai giảm tuổi, từ 25 tuổi [sinh 1883] xuống 21 [sinh 1887].[10] Hay Lê Văn Miên, một giáo viên ở trường Pháp-Nam Vinh, nhưng một thời gian từng ở Huế?
Cách nào đi nữa, cánh cổng hậu trường Thuộc Địa đóng chặt trước mặt Côn. Côn tiếp tục làm bồi tàu, trôi nổi khắp nơi, từ Phi Châu qua tận nước Mỹ. Như thế Côn, mà không phải Bùi Viện, mới là người Việt đầu tiên đã tới Mỹ. Có tin Côn từng tới Philadelphia, tiếp xúc với chính phủ lưu vong Triều Tiên tại đây.
Năm 1919, khi Côn tái xuất hiện ở Paris như Nguyễn Ái Quấc, tác giả thỉnh nguyện thư tám điểm gửi Hội Quốc Liên xin cho dân An-nam-mít được hưởng Nhân Quyền, người bạn Đại Hàn Kim Trung Văn tìm đến gặp Côn, dịch Thỉnh nguyện ngày 18/6/1919 của Côn và An Nam Quốc Dân Đoàn qua chữ Hán, đăng trên tuần báo của Hội truyền giáo Tin Lành Mỹ tại Thiên Tân, Trung Hoa. Luật sư Phan Văn Trường (1878-1933) được phỏng vấn chung với Côn.[11]
Ngày 18/6/1919, L'Humanité tại Paris đã đăng bản thỉnh nguyện thư của Đoàn người An Nam yêu nước. Đại diện nhóm này tự xưng là Nguyễn Ái Quấc. Ngày 10/10/1919, Công sứ Quảng Nam thông báo cho Khâm sứ Huế rằng Nguyễn Ái Quốc có lẽ là Phó Bảng Phan Chu Trinh (1872-1926) vì con trai ông là Dật dùng địa chỉ số 99 villa de Gobelins, Paris, của Luật sư Trường—nơi Côn đang tạm trú cùng hai đồng hương.[12]
Ngày 24/10/1919, mật báo viên “Mr. Jean” của Mật Thám Pháp—tức đồng chí Quản Lâm Trần Quang Hàm/Trứ của Nguyễn Ái Quấc—báo cáo Trinh cầm đầu Đoàn Xã hội Việt Nam ở Paris. Cho biết Trinh sống bằng nghề sửa ảnh ở Pons, kiếm được khoảng 30 francs một ngày. Phần Quốc sống kham khổ, thanh đạm. Nhưng không hề lao động, mà chỉ la cà tiếp xúc các chính khách; vào thư viện Quốc Gia làm việc trên bản thảo Les Opprimés [Những Kẻ Bị Áp Bức]; tự do đạo văn thiên hạ, với hy vọng nếu bị thưa kiện sẽ nổi danh hơn.[13] Phó Bảng Trinh hứa tặng 200 francs cho “cuồng điệt” in sách, trong khi những trí thức như Nguyễn Văn Thinh, Nguyễn Thé Truyền cũng giao du hay hợp tác.
Nhờ sự giúp đỡ của mật báo viên Quản Lâm, Côn sửa bí danh thành Nguyễn Ái Quốc. Marcel Cachin xin giúp thẻ đọc thư viện Quốc Gia mang tên Nguyễn Ái Quốc, sinh ngày 15/1/1894. Sau khi Quản Lâm, tức “Jean” hồi hương vào tháng 5/1920, Côn được Nguyễn Thế Truyền tiếp sức, cùng sự yểm trợ của Phó Bảng Trinh và Luật sư Trường. Nhưng thân thiết nhất với Côn vẫn là giới bồi tàu, và bồi bếp của Pháp.
Trong ba năm kế tiếp, Côn biến hóa dần thành một nhà tranh đấu chuyên nghiệp. Dưới sự hướng dẫn của những ký giả kỳ cựu—có khuynh hướng Tam Điểm [Francmason] từng làm báo ở Sài Gòn—Côn được giới thiệu hoạt động cho Đảng Xã Hội. Rồi từ Giáng Sinh 1920, trở thành một đảng viên sáng lập của Đảng Marxist-Leninist Pháp [PCF], hoạt động chính thức trong Công Đoàn Liên Thuộc Địa [L’Union Intercoloniale]. Năm 1922, Côn tham gia việc xuất bản tờ Le Paria, “Diễn đàn các dân thuộc địa [Tribune des populations des colonies].” Báo còn có tiểu tựa chữ Hán Lao Động; số đầu tiên ra ngày Thứ Bảy 1/4/1922. Dù Côn trực tiếp lo việc ấn loát và phát hành, Le Paria là cơ quan ngôn luận của Công Đoàn Liên Thuộc Địa.[14]
Mùa Hè 1923, tình báo Comiontern dàn xếp cho Côn trốn qua Nga theo ngả Germany, với thông hành mang tên Chen Vang, một thợ ảnh người Hoa. Trong Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, dưới bí danh Trần Dân Tiên, Côn vẽ chân cho rắn, huyền thoại hóa chuyến đi định mệnh này. Thực ra, Côn được Comintern, thường gọi tắt là Quốc Tế, tổ chức qua Nga với mục đích tham dự Đại Hội Quốc Tế năm 1924. Nhưng vì ngày 24/1/1924 Lenin bị chết do vết thương từ ít năm trước, Đại Hội Quốc Tế bị hoãn. Côn trở thành một học viên của Đại Học Phương Đông, hay Viện Thợ Thuyền Đông Phương, tức trường Stalin.
Cổng trường Viện Thợ Thuyền Đông Phương mở rộng cho Côn quên đi cánh cửa hậu khép kín của trường Thuộc Địa. Lối huấn luyện một “apparatchiki” của Nga cũng thay tim, đổi óc Côn. Côn được huấn luyện các kỹ thuật dân vận và tổ chức. Ngoài ra, còn một chuyến đi tham quan chiến hạm Nga.
Tháng 11/1924, Côn được gửi qua Quảng Châu, hoạt động trong phái đoàn tùy tùng của đặc sứ Mikhail Borodin—mới bị trục xuất khỏi Bri-tên vì hoạt động gián điệp.
Trong hai năm sắp tới, Côn gieo xuống những hạt mầm “cách mạng vô sản,” tổ chức được cơ quan tiền thân của Đảng “Cộng Sản Việt Nam.” Trong cơn mê sảng làm việc lớn, thụ nhận sử mệnh cách mạng, Côn và các đồng chí tạo được một sức mạnh bạo lực chuyên nghiệp. Ra tay hủy diệt mọi định chế xã hội, với ảo vọng sẽ xây dựng một thiên đường hạ giới, ở đó ai nấy làm việc theo khả năng, hưởng thụ theo nhu cầu. Cộng Hòa Nhân Dân của Mao Nhuận Chi trở thành mẫu mực cách mạng—từ tiêu diệt địa chủ tới công xã nhân dân, đấu tố cải cách ruộng đất đến công tác đặt bục công an vào tim óc con người.
Dù Việt Nam không ở vào tình trạng nhân mãn như Trung Hoa, chưa nẩy sinh tội ác diệt chủng kiểu bóp mũi trẻ gái sơ sinh để chờ một con trai nối dõi tông đường—nhưng hậu quả của duy vật biện chứng cùng hủ bạo lực cách mạng khiến người Việt bị đẩy vào một cuộc phiêu lưu không định hướng, từ một hành tinh nửa nô lệ, nửa thuộc địa đã chết, tới một tương lai chưa đủ khả năng chào đời, còn phủ khuất sương mù ô nhiễm.
Điều đáng chú ý là sự sùng bái cá nhân và thờ phụng xác ướp Hồ Chí Minh hiện nay tại Việt Nam, không vì chính Côn mà vì những lý do rất thế tục. Việc triển lãm xác ướp Côn trong Lăng Ba Đình từ 1969 hoàn toàn ngoài ý muốn Côn lúc còn sống. Theo bản di chúc công bố ngày 19/8/1989—nhân dịp kỷ niệm ngày Việt Minh cướp chính quyền, nhưng chỉ thực sự phổ biến năm 2001—Bộ Chính Trị tiết lộ Côn muốn được hỏa táng, nhưng Lê Duẩn đã không tuân theo.
Có dư luận cho rằng Duẩn—xuất thân từ gia đình bán quan tài ở Quảng Trị—không cho chôn hay hỏa thiêu xác Côn vì tin rằng “chết mà không có đất chôn” là sự trừng phạt nặng nề nhất của Trời Đất. Theo Hoàng Văn Hoan, sáng 2/9/1969—ngày Quốc Khánh thứ 24—Duẩn không cho các Ủy viên BCT đến chào hỏi Côn, hay nghe lời trối trăng, nói để “Bác nghỉ.” Sau đó, đưa ra bản di chúc đánh máy, có chữ ký của Côn và Duẩn. Nhưng sau khi công bố di chúc, không làm phóng ảnh. Theo Hoan, Duẩn đã ngụy tạo di chúc. Nhưng có thể Duẩn cùng Phan Đình Khải [tức Lê Đức Thọ] muốn trừng trị Côn trong vụ toàn bộ Ban Chấp Ủy Trung Ương năm 1940 bị thiệt mạng hay bị đầy đọa ở Côn Đảo—vì liên lạc viên lai Tàu Triệu Văn Xuân tìm tới cơ sở đã bị lộ, tức nhà in số 19 hẻm Nguyễn Tấn Nghiệm trên đường Phạm Ngũ Lão, quận 2 Sài Gòn [phía sau ga xe lửa Sài Gòn cũ].
Việc công bố ngày chết của Nguyễn Sinh Côn, cũng có vấn đề. Theo tài liệu năm 2001, Côn chết tại Hà Nội lúc 9G47 ngày 2/9/1969. Vì là ngày Quốc Khánh, Bộ Chính trị Đảng LĐVN quyết định không công bố ngay.[15]
Lê Duẩn quyết định cho HCM chết ngày 4/9/1969. Ngày Thứ Tư, 3/9, Phái đoàn BV tại Paris ra thông cáo:
“Chủ tịch Hồ Chí Minh bị đau nặng đã mấy tuần nay, Đảng và Nhà Nước hết sức săn sóc. Bệnh đang tái phát và việc cứu chữa cho Chủ tịch lành mạnh là nhiệm vụ trọng đại và khẩn cấp bậc nhất của Đảng và chánh phủ. Đảng và Nhà Nước treo giải thưởng danh dự tối cao cho bất cứ ai chữa bịnh được cho Người.”
Hôm sau, 4/9/1969, Đài phát thanh Hà Nội và phái đoàn BV tại Paris loan tin Hồ chết, sau một cơn đau tim rất nặng. Bắc Việt tổ chức lễ quốc tang từ 4/9 đến 11/9.
Tại Paris, phái đoàn BV yêu cầu hoãn phiên họp thứ 33. Xuân Thủy và Nguyễn Thị Bình (Yến Sa) về Hà Nội chịu tang. Thứ Sáu, 5/9/1969, Nhân Dân loan tin HCM chết ngày 4/9/1969. Ủy ban lễ tang gồm: Duẩn, Tôn Đức Thắng, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Giáp, Nguyễn Duy Trinh, Lê Thanh Nghị, Hoàng Văn Hoan, Trần Quốc Hoàn, Văn Tiến Dũng, Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng, Chu Văn Tấn, Nguyễn Thị Thập, Phan Kế Toại (Phó Thủ tướng), Trần Đăng Khoa, Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm, Thích Trí Độ, Vũ Xuân Kỷ (Ki-tô), Hoàng Minh Giám, Nguyễn Văn Hương, và Vũ Quang.[16]
Một vấn nạn nổi cộm khác trong bang giao Hoa-Việt là chủ thuyết “Communism” của Karl Marx (1818-1883) đã được đặt lùi xuống, thấp hơn một bậc là “định hướng xã hội” [socialist-oriented]. Chúng tôi nghĩ thuật ngữ “Communism”—vốn chỉ có nghĩa “công hữu trong xã hội nguyên thủy”—đã bị nhóm Trần Độc Tú và Lý Đại Chiêu dịch sai thành “Cộng Sản” [gongshan hay gongchan]. Họ cũng dịch tên Karl Marx thành Mã Khắc Tư, và năm 1919 lập Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mã Khắc Tư, tiền thân Đảng Cộng Sản Trung Hoa [THCSĐ] (chính thức thành lập ngày 1/7/1921).[17]
Vì ảnh hưởng Trần Độc Tú khá lớn—không ai ngờ rằng Tông Thư Ký đầu tiên của Đảng CSTH, cùng Lý Đại Chiêu, Lưu Thiếu Kỳ hay Mao Nhuận Chi đã dịch sai tên chủ nghĩa mới du nhập, và rất có thể hiểu sai thuật ngữ Communism của Marx và Engels. Bởi vậy, cán bộ đầu tiên của Việt Nam tỏ ra rất hãnh diện coi tên dịch sai này như hia mão mới. Khi mới 14, 15 tuổi, Võ Giáp (1911-2013) đã leo lên cây đọc vụng trộm tập Bản Án Thực Dân Pháp, thả trôi trí tưởng theo khẩu hiệu “đại đồng” đầy tính cách mê tín, dị đoan, lãng mạn: “Làm tùy theo khả năng, hưởng thụ theo nhu cầu.”
Trong Hiến Pháp ngày 26/11/2013—bản Hiến Pháp thứ sáu của Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam [Socialist Republic of Viet Nam], vẫn trịnh trọng ghi vào “Lời Nói Đầu” của phần Dẫn Nhập, và Điều 4, chương I, năm tiếng “Đảng Cộng Sản Việt Nam.” Đảng CSVN, theo Quốc Hội Khóa XIII, do Hồ Chí Minh thành lập năm 1930, và năm 2013, là “Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam . . . , lấy chủ nghĩa Mac-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội.”[18]
Thực ra, tháng 10/1930, Văn Phòng Đông Dương của QTCS đã gứi Trần Phú về Hong Kong, triệu tập Hội Nghị 1, đổi tên Đảng CSVN của “Victor” Côn thành Đảng Cộng Sản Đông Dương [CSĐD]. Tháng 11/1945, giữa lúc Pháp và Bri-tên tái xâm chiếm phía nam vĩ tuyến 16, và chính phủ Charles de Gaulle đang điều đình với Tưởng Giới Thạch để tiến ra bắc, “tước vũ khí quân Nhật,” Ban Chấp Ủy trung ương Đảng CSĐD loan tin đã họp ngày 5/11/1945, "nghị quyết tự động giải tán Đảng CSĐD [từ ngày 11/11/1945]. Những tín đồ của Chủ nghĩa CS muốn tiến hành việc nghiên cứu chủ nghĩa, sẽ gia nhập Hội Nghiên Cứu Chủ Nghĩa Mã Khắc Tư ở Đông Dương."[19] Đặng Xuân Khu (Trường Chinh, 1909-1988), đương kim tổng bí thư từ ngày 19/5/1941, làm Tổng thư ký. Việc giải tán Đảng CSĐD này, theo Côn, nhằm mục đích "hợp tác tinh thành" với các đảng phái khác, hầu thiết lập một chính phủ liên hiệp kháng chiến vào đầu năm 1946, và bầu cử Quốc Hội, để đặt xuống những nền tảng pháp lý cho một quốc gia mới tái sinh.[20] Thực sự, các phe phái Việt đã bị quan tướng Trung Hoa và Pháp áp lực ngồi lại với nhau, sau khi Thạch quyết định nhường quyền kiểm soát phía bắc vĩ tuyến 16 cho Pháp (Hòa ước Trùng Khánh [Chongqing], 28/2/1946) và phụ bản quân sự tháng 4/1946 để tập trung thanh Cộng. Theo Võ Giáp, Tư lệnh Hà Nội là Chu Phúc Thành cùng Tiêu Văn, cố vấn chính trị, đã từng tạm giữ Côn trọn một ngày để điều tra vụ ám sát một Pháp kiều. Cuối cùng, Côn được phóng thích, nhưng tài xế và xe bị giữ lại.[21]
Lê Tùng Sơn, từng cầm đầu một phe Việt Nam Quốc Dân Đảng Hải ngoại ở Côn Minh và được Tiêu Văn đưa vào Ban Hành Động của tổ chức Việt Cách—tức Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội, cơ quan ngoại vi của lực lượng tiền tiêu Việt kiều của Trương Phát Khuê tại Quảng Tây, nhưng đã bí mật ngả theo Cộng Sản từ thập niên 1930—đang vận động tranh cử ở Thái Bình cũng bị gọi về Hà Nội, giam giữ, tra khảo và mớm cung, trút trách nhiệm cho Linov Côn cùng Võ Giáp.[22]
Đầu năm 1946, một chính phủ liên hiệp ra đời, rồi đến một Quốc Hội mà các phe phái ngầm thỏa thuận về số dân biểu. Phe Việt Cách của Nguyễn Hải Thần, và Quốc Dân Đảng của Vũ Hồng Khanh (tức Liên Minh Đại Việt Quốc Dân Đảng trong nước và Việt Nam Quốc Dân Đảng Hải Ngoại, từ Trung Hoa về, hay từ ngục tù, Côn Đảo ra) được tặng 70 ghế đại biểu Quốc Hội, và bốn ghế bộ trưởng. Nhờ vậy, Nguyễn Sinh Côn cùng các lãnh tụ đối lập như Vũ Hồng Khanh cùng ký Hiệp định sơ bộ Pháp-Việt ngày 6/3/1946 và Phụ bản quân sự 3/4/1946, đồng ý cho Pháp thay Quốc quân Trung Hoa, đổi lấy điều kiện mông lung như “một quốc gia tự do trong Liên Hiệp Pháp,” được duy trì quân đội riêng, và Pháp hứa sẽ rút quân trong năm [5] năm—những điều kiện mà Linh Mục/Cao Ủy Georges Thierry d’Argenlieu kết tội là vượt qua quyền ủy thác của Đô Đốc, nhưng vì nhu cầu đổ bộ lên miền bắc trước ngày đệ nhất chu niên chiến dịch Meigo (9-14/3/1945), d’Argenlieu phải phê chuẩn, nhưng tìm cách xé bỏ tạm ước có hiệu lực ngay sau khi ký này, và gửi trả Paris Tướng Philippe M Leclerc de Hautecloque, Raoul Salan, cùng Jean Sainteny (Roger), con rể Albert Sarraut.[23]
Tháng 9/1946, Côn cũng mang việc giải tán Đảng CSĐD ra để “đánh lừa” Đại sứ Mỹ Jefferson Caffery ở Paris rằng mình và chính phủ Liên Hiệp Kháng Chiến VNDCCH không phải là Cộng Sản. Mặc dù an ninh Mỹ chưa tìm ra bằng chứng cụ thể về liên hệ giữa Côn cùng Comintern trong giai đoạn này, (và thực ra Josef Stalin chẳng mấy thiết tha, mãi tới đầu năm 1950 mới miễn cưỡng cho Mao Nhuận Chi [Trạch Đông] sử dụng Côn) nhưng ngày 9/9/1946, Bộ Ngoại Giao Mỹ cho Tổng Lãnh sự Sài Gòn Charles S Reed biết có tin Liên Sô Nga đã chỉ thị Đảng Cộng Sản Pháp gửi cán bộ qua huấn luyện Việt Minh. Ngoài ra, tình báo Pháp báo động về sự hiện diện của cán bộ Cộng Sản Trung Hoa tại Sài Gòn, Chợ Lớn, Hải Phòng, và ngay cả Hà Nội.
Trong khi đó, hội nghị Fontainebleau giữa Pháp và VNDCCH ngừng họp từ ngày 9/9/1946. Tình thế căng thẳng đến độ ngay một tuyên cáo chung dự trù công bố ngày 10/9/1946 cũng không đạt được. Bởi vậy, ngày 11/9, Côn bí mật gặp Đại sứ Caffery để nhờ can thiệp, và ngay tối đó, được Đệ nhất thư ký Tòa Đại sứ là George M Abbott tiếp xúc, tìm hiểu lập trường Côn.[24] Hôm sau, có sự can thiệp của Caffery hay chăng, Bộ trưởng Pháp Quốc Hải Ngoại Marius Moutet (đã biết Nguyễn Ái Quấc tại Paris từ thập niên 1920) quyết định cứu vãn tình hình, tiếp tục đích thân thảo luận bí mật với Côn (từ tháng 7/1946 theo đề nghị của Côn ngày 22/7/1946) rồi đồng ý ký Tạm ước [Modus vivendi] 14/9/1946 cùng Tuyên Cáo Chung.
Thực ra, đây chỉ là một phần nước trộn lẫn đất cát cố gắng gạn vét từ một ly nước đổ để lập lại nguyên tắc của Hiệp ước Sơ bộ 6/3/1946, với lời hứa đình chiến tại Nam Bộ từ ngày 30/10/1946, phóng thích tù binh, và sẽ nối lại thương thuyết từ tháng 1/1947. Đáng chú ý là Côn đã nhấn mạnh muốn về nước ngày 14/9, và chiều đó Moutet đã làm phiếu trình chính phủ Georges Bidault về Tạm Ước 14/9/1946.[25] Chẳng hiểu tại sao có tin nửa đêm 14/9 Côn mới chịu chấp nhận điều kiện của Moutet dù Bộ Chính Trị đã yêu cầu Côn đừng nên ký bất cứ thứ gì, và Moutet không muốn đặt lên đĩa bạc ân sủng của nước Pháp, vì thấy chưa cần thiết phải trả lại Nam Bộ, và quan tâm đặc biệt đến cái gọi là “bạo lực cách mạng” của Đảng CSĐD. Ngoài ra, đại diện các nhà kỹ nghệ và thương gia làm ăn ở Đông Dương cũng thương thuyết với chuyên viên kinh tế VNDCCH, nhưng không đạt được kết quả nào.
Thái độ ương ngạnh của Linh Mục/Cao Ủy Thierry d’Argenlieu, với sự yểm trợ của Tướng Charles de Gaulle, được coi như nỗ lực phá hủy mọi ảo vọng của Côn. Và, các tướng tá Pháp như Jean Valluy, Debès đều hăm hở vén cao tay áo, sửa soạn chiến xa, phi cơ, tàu chiến cùng Nhảy Dù, Lê Dương, Biệt kích chờ đợi đuổi Côn khỏi Bắc Bộ Phủ Hà Nội, lang thang trong rừng núi—giống như Liên quân Bri-tên, Pháp và tù binh Nhật đã đuổi Lâm Ủy Hành Chánh và Kháng Chiến Nam Bộ của nhóm Hoàng Quốc Việt (tức Quận thọt Hà Bá Cang), Trần Văn Giàu, và Phạm Văn Bạch khỏi Sài Gòn trong dịp cuối tuần 22-23/9/1945. Tướng Bri-tên Douglas D Gracey, Tư lệnh Sư đoàn 20 Gurkha (da đen), được Tướng Slim, Tư lệnh lục quân Đông Nam Á, chọn cầm đầu lực lượng giải giới quân Nhật ở phía nam vĩ tuyến 16, từng cho lệnh Thống chế Terauchi, Tư lệnh Lộ Quân Miền Nam, phải dời từ Đà Lạt xuống Sài Gòn, chỉ huy tù binh Nhật bắn vào dân An-nam-mít, nếu cần, để vãn hồi trật tự theo kiểu Pháp—và, đe dọa vấn đề hồi hương của quân Nhật sẽ tùy thuộc vào sự hợp tác với “Đồng Minh.” Hồ sơ Ủy Ban Đón Tiếp Đồng Minh tại Sài Gòn, cùng lệnh bắt Nhật đưa đại diện Việt Minh tới bàn Hội nghị, giải thích tại sao đã xảy ra những vụ cướp bóc và bạo lực ở Tân Định do Bình Xuyên chủ xướng.[26]
Chuyến qua Pháp từ ngày 30/5 tới 16/9/1946, mà Côn [Hồ] đóng vai một quốc trưởng, hy vọng thuyết phục thế giới về chính nghĩa độc lập của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa [VNDCCH] (1945-1976) thất bại, vì Thierry d’Argenlieu và nhóm Gaullist chỉ coi “Hồ” như lãnh tụ một Đảng, và lãnh thổ Việt Nam không quá vĩ tuyến 16, trừ thêm các khu tự trị cho sắc tộc ở thượng du Bắc Việt (Mường, Thái, Nùng, Mèo [H’Mong) cùng vùng rừng núi tây Trung Kỳ (Chàm, Ê-đê hay Rhadé, Gia Lai hay Jarai, Bru, Hrê). Đáng sợ hơn nữa, Thierry d’Argenlieu quan niệm rằng mọi hòa ước chỉ có tính cách giai đoạn, sẽ bị xóa bỏ, khi bước sang một giai đoạn mới. Trong hồi ký cuối đời, Raoul Salan từng gọi cấp chỉ huy cũ của mình là “Monsieur Vilain” [Ông Đê Tiện].
Thierry d’Argenlieu và phe nhóm muốn tìm một giải pháp khác Hồ Chí Minh—như tái lập cựu hoàng Nguyễn Phước Hoãng (5/9/1907-10/5/1916), đã bị giáng xuống thành Hoàng tử “Vĩnh San,” đầy tới Réunion, châu Phi, mới được phong cấp Chuẩn úy, đưa sang Paris theo đơn xin và sự vận động của một số viên chức thuộc địa. Nhưng tai nạn phi cơ ngày 26/12/1945 khiến “lá bài bí mật” của de Gaulle tan theo sương khói như một giấc mơ đẹp. Cố vấn chính trị Léon Pignon cùng Thierry d’Argenlieu—phần nào do sự gợi hứng của Khâm sứ Vatican Antonin Drapier—đành chuyển sang cựu hoàng Nguyễn Phước Điển (8/1/1926-25/8/1945), thường được biết qua niên hiệu Bảo Đại, với sự phò trợ của Ngô Đình Diệm (21/7/1897-2/11/1963).
Xuất thân từ một gia đình hai đời vui hưởng “bát cơm bảo hộ Pháp,” Diệm thích dùng cây trúc như một biểu hiệu quân tử, nhưng bị nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam (1908-8/7/1963) lên án trong di chúc là “sẽ làm mất nước vào tay Cộng Sản.” Phần vua thứ 13 nhà Nguyễn đã được Linov Côn thả sang Trung Hoa từ ngày 16/3/1946. Sau đó, tạm trú ở Hong Kong với một vũ nữ, dưới sự bao bọc của Hội truyền giáo Hong Kong và một điệp viên bí danh Yolle.[27] Lưu Bá Đạt, một cựu nhân viên Ngân hàng Đông Dương, gốc Hoa ở Đà Nẵng, bạn đồng tù về tội lường gạt của Bộ trưởng Tài chính VNDCCH Lê Văn Hiến, và thân thiết với nhiều lãnh tụ giáo phái miền nam, trở thành khâm sai của Quốc trưởng.
Chủ thuyết “Đông Phương Hồng” [Maoism] của Mao Trạch Đông là một thứ chow mein trộn lẫn những mảnh vụn dã sử tiểu thuyết Tam Quốc Chí, Thủy Hử với kiểu mẫu công nhân vô sản [proletariat] của thế kỷ XIX, cùng nông dân “nghèo và trắng như tờ giấy, có thể viết bất cứ chữ gì trên đó.”
Ngày còn trẻ, Marx từng ví nông dân như một bị khoai [a bag of potatoes] của cách mạng vô sản. Tuy nhiên, thuyết duy vật, đan kẽ với sự nghèo khổ và đè nén, bóc lột triền miên của những xã hội quân chủ chuyên chế, chậm tiến kiểu Trung cổ Á châu đã khiến Đảng CSVN cầm quyền được 76 năm, và Đảng CSTH, 72 năm. Nhưng áp lực Trung Cộng xiết tới gân cốt. Nghiên cứu Mao’s China (1977) của Giáo sư Maurice J Meisner, là một nghiên cứu xuất sắc về giai đoạn này.
Vì vị thế bất đối xứng giữa Hà Nội và Bắc Kinh, đã nẩy sinh những thuật ngữ “bandwagoning v/s hedging” để xếp loại sự “hợp tác toàn diện, 16 chữ vàng” với sự đề phòng, cảnh giác âm thầm qua hàng rào quyền lợi quốc gia cùng kinh nghiệm lịch sử. Riêng trường hợp Việt Nam, ảnh hưởng của 1,000 năm chiếm đóng “cơ mi” và 900 năm “thông hiếu” theo qui luật xã hội đen, pha trộn với men rượu hồng “thiên mệnh” cần được nghiên cứu kỹ hơn, trên những văn bản của hai nước. Hai mẫu người “Hảo Hán tử” của tiểu thuyết và phim ảnh kiếm hiệp Trung Hoa cần được xếp bên những Hoa kiều lang thang mua “đồng nát,” hay những trùm tài phiệt như “Hui Bon Hoa,” hãng sản xuất bột giặt bằng vôi sống, hay tung vào thị trường hàng tấn thực phẩm lên men thối, sinh độc, cùng những đồ chơi cho trẻ nhỏ đủ loại vi khuẩn ô nhiễm. Từ cuối thập niên 1990 còn xuất hiện thêm những đòi hỏi “lãnh địa” hay “tô giới” tại những khu khai thác quặng mỏ bauxite ở Cao nguyên Trung Bộ hay gang thép phía tây Hà Tĩnh, khiến gợi nhớ khu kỹ nghệ Thái Nguyên trước đó. Chuyện khó tin, nhưng có thực: Các đại sứ toàn quyền Tàu Cộng trên thực chất là những Đạt lỗ xích [daruacy] thời Nguyên, hay Bố chính sứ ti và Án sát sứ ti thời Minh—trực tiếp và lạnh lùng ngăn cản người Việt bầy tỏ lòng yêu nước, thương nòi, kể cả biển đảo [như đã viết trong Hiến Pháp 26/11/2013].
Từ đầu năm 1950, dư luận thế giới mới biết đến thứ “ngoại giao nhân dân,” hay giữa hai đảng CSTH và CSVN; nhưng khối văn chương cổ điển chiến tranh lạnh chưa thể nói đúng và đầy đủ sự lệ thuộc của Nguyễn Sinh Côn vào Trung Nam Hải, nơi đặt ban thường vụ Bộ Chính Trị Đảng CSTH, cùng Quân Ủy Trung Ương Giải Phóng Quân—qua cố vấn chính trị Luo Guibo [La Quí Ba], và phái bộ cố vấn quân sự do Wei Guoqing [Vi Quốc Thanh], người gốc Tày tức Chuang ở Guangxi [Quảng Tây] chỉ huy.
Houston, 31/8/2021
Vũ Ngự Chiêu, Ph.D., J.D.
© 2010, 2021 Copyright by Chieu N. Vu.
All Rights Reserved.
CHÚ THÍCH:
[1]Chieu N Vu [Vũ Ngự Chiêu], “Political and Social Change in Viet-Nam Between 1940 and 1946” [Những Biến Đổi Chính Trị và Xã Hội tại Việt Nam Giữa 1940 và 1946], unpublished Ph D dissertation, Univ of Wisconsin-Madison, Dec 1984, under the supervision of Professor John R W Smail; Part II: The End of An Era, chapts 7-10; US Congress, Senate, Causes, Origins, and Lessons of the Vietnam War. Hearings before the Committee on Foreign Relations, 92nd Congress, 2nd Session, May 1972 (Washington: GPO, 1973), tr. 249; Charles Fenn, Ho Chi Minh: A Biographical Introduction (New York: 1973), 71-5, 76-7, 78, 81; Archimedes L. Patti, Why Viet-Nam? Prelude to America's Albatros (Berkeley, Cal.: Univ of California Press, 1980), tr. 29-30, 31, 46, 50, 51; S. Tonnesson, Vietnamese Revolution, 238, 337 (quoted USNA ngày 19/3/1945); David G. Marr, Vietnam 1945: The Quest for Power (Berkeley, Cal.: Univ. of California Press, 1995), tr. 227-229, 241, 282-85, 288-91, 304n33, 476-79, 482-90, 498-501, 538-39; William J. Donovan gửi Byrnes; Bộ Quốc Phòng, US-Vietnam Relations, 1947-1967 (Washington, DC: GPO, 1971), Bk I, C 58-59, 67; The Pentagon Papers (Gravel), vol. I, pp. 17, 20, 50, 51; René Defourneaux, “Secret Encounter with Ho Chi Minh;” Look (NY), 8/9/1966, tr. 32-33; Robert Shaplen, The Lost Revolution (NY: Harper & Row, 1965), tr. 30; Báo cáo ngày 22/8/1945, Raymond P. Girard, “City Man Helped to Train Guerillas of Ho Chi Minh;” Evening Gazette (Worcester, MA), 14 & 15/5/1968; dẫn trong Marr, 1995:209n189; Phùng Thế Tài, Bác Hồ những kỷ niệm không quên (Hà Nội: QĐND, 2002), tr. 32, 33-34, 57-63, 82-87; Lê Tùng Sơn, 1978:110-112 [Mỹ thả 2 đợt, gần 80,000 truyền đơn của Việt Minh xuống Hà Nội, Huế và Việt Bắc]; Chính Đạo, Hồ Chí Minh: Con người & huyền thoại (Houston: Văn Hóa, 1993,1997), II, 1993:352-371.
[2]Vu Ngu Chieu, “Political and Social Change,” (Dec 1984), Part III: The Brutality of World Politics, chapts 11-14; Amiral Thierry D’Argenlieu, Chronique d’Indochine, 1945-1947 (Paris: 1985), pp 385-392.
[3]Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ [ĐBP] (Hà Nội: QĐND, 2001), tr. 14-17 [Stalin chỉ thị Mao giúp tổ chức 10 đại đoàn, HCM mời Trần Canh qua giúp], 32-4 [đoàn CSQS/TC], 39-42 [Trần Canh], 45–50 [Đông Khê], 51-85 [Thất Khê, Cốc Xá], 92-95 [Trần Canh], 102-103 [viện trợ TC năm 1950], 128 [20% nhu cầu năm 1950]; Idem., Chiến đấu trong vòng vây [CĐTVV], (Hà Nội: QĐND, 2001); Idem., Đường tới Điện Biên Phủ [ĐTĐBP] (Hà Nội: QĐND, 2001); William S. Turley, “The Military Construction of Socialism: Post-war Role of the People’s Army of Vietnam;” trong David G. Marr & Christine P. White (eds), Postwar Vietnam: Dilemmas in Socialist Development (Ithaca: SEAP, 1988), pp 195-210;
[4]President Ho Chi Minh’s Testament (Ha Noi: The Gioi, 2001), p 10; Vũ Ngự Chiêu & Hoàng Đỗ Vũ, Kiện hay Không Kiện, (2015-2016), tập 3, tr 17-19; Qiang Zhai, China and the Vietnam Wars, 1950-1975 (Chaptel Hill: North Carolina Press, 2000). pp 15; 209-212 [Paracels and NLF], 218-222 [both comrades and adversaries]; Luo Guibo [La Qui Ba], 152-153;
[5]Xem thư HCM, trích đăng trong hồi ký Phạm Văn Liễu, Trả Ta Sông Núi, 3 tập (Houston, TX: Văn Hóa, 2002-2004) tập III, tr 531-542; Nguyên Vũ, Một Ngày Có ... 26 Giờ (Houston: Văn Hoá, 1995).
[6]Vũ Ngự Chiêu, Một ngôi trường khác cho Nguyễn Tất Thành (Paris: Văn Hóa, 1983), trích đăng trong Nguyên Vũ, Giặc Cờ Đỏ, II (Houston: Văn Hóa, 1997), tr 390-391. Cần nhấn mạnh sử gia Nguyễn Thế Anh không liên quan gì đến việc phát hiện thư Nguyễn Tất Thành như có người bịa đặt, chỉ được tôi mời hợp tác, dịch bản Việt ngữ qua tiếng Pháp trong tập tài liệu tam ngữ 1983.
[7]Thư ngày 7/8/1908, Giám đốc trường Quốc Học, gửi Tòa Khâm v/v Nguyễn Sinh Côn được nhập học trường này trong niên khóa 1908-1909; Centre des Archives d’Outre-Mer [CAOM] (Aix en Provence), RSA [Annam], dossier R1; Chính Đạo, Hồ Chí Minh: Con Người & Huyền Thoại, Tập I:1892-1924, tái bản có bổ sung (Houston: Văn Hóa, 1997), tr 54-55; Phan Chu Trinh. A Complete Account of the Peasants' Uprising in the Central Region (1908). Translated from Vietnamese by Peter Baugher and Vu Ngu Chieu. Madison, WI: University of Wisconsin, Center for Southeast Asian Studies, Monograph No.1, 1983 (in print). Trần Văn Giàu và Trần Bạch Đằng cho rằng anh em Côn tham gia cuộc biểu tình chống sưu thuế năm 1908 khi đang học trường Quốc Học không đúng, Vàng Trong Lửa (TP/HCM: 1990), tr I-29 [dựa vào một tài liệu Mật Thám ngày 21/1/1920]. Những tác giả nổi danh nhờ những dã sử tiểu thuyết về “Nguyễn Sinh Cung” hay “Hồ Chí Minh” có Jean Sainteny, Jean Lacouture, v.. v…
[8]Chính Đạo, Hồ Chí Minh: Con Người & Huyền Thoại, Tâp II:1925-1945, (Houston: Văn Hóa, 1993), tr 83. Án tử hình khiếm diện này có tên Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Sinh Xin, Hồ Bá Cự, v.. v..
[9]Trần Văn Giáp khẳng định Huy “không cam tâm phục vụ giặc Pháp;” Lược Truyện Các Tác Giả Việt Nam (Hà Nội: NXB Khoa Học, 1972), tr 67. Trần Văn Giàu và Trần Bạch Đằng trung thực hơn; Vàng Trong Lửa (TP/HCM: 1990), tr I-30 [Huy làm tri huyện từ 1/7/1909 tới 17/1/1970. 19/5/1910 [Hội đồng Phụ chính cách chức, đánh 100 trượng; 27/8/1910, bản án được duyệt y, Huy vào Nam].
[10]CAOM (Aix), Ecole Coloniale, carton 30, d 10.
[11]“Continuation de la campagne en faveur des annamite dans le journal “Yi-Che-Pao” [le 18 et 20 septembre 1919];” Báo cáo ngày 25/9/1919 của An ninh Pháp tại TH gửi Bắc Kinh; CAOM (Aix), SLOTFOM, I: C.2/d.2.
[12]CAOM (Aix), Indo, GGI:2578.
[13] “Service de Controle et d'Assistance en France des Indigènes des Colonies francaises, “Notice sur Nguyen Ai Quoc (26/6/1932);” CAOM (Aix), INF, c. 326, d. 2637; Báo cáo ngày 8/1/1920 của Jean, và bút phê của Phủ Bảy Lê Quang Liêm; trích in trong Chinh Dao, Ho Chi Minh, rev. ed. (Houston, Van Hoa: 1997), I:269; Marcel Cachin, “Le revolutionaire annamite Nguyen Ai Quoc;” L’Humanite (Paris), 19/6/1931.
[14] Le Paria, số 1, Thứ Bảy 1/4/1922; CAOM (Aix), SLOTFOM, Séries I, carton 2, dossier 2; Nguyên Vũ, Paris: Xuân 1996 (Houston: Văn Hóa, 1997), tr 102-103.
[15]President Ho Chi Minh’s Testament (Hanoi: The Gioi, 2001), p 10; Tin Việt Nam, 7, (9/1981):1-6.
[16]ND, 5/9/1969.
[17]Tháng 3/1920, sau khi nhân viên ngoại giao Nga tại Beijing giúp đại diện của Comintern Grigorij Voitinskij tiếp xúc Chen Duxiu [Trần Độc Tú] và Li Dazhao [Lý Đại Chiêu], hai người này lập ra Hội Nghiên Cứu Mã Khắc Tư [Society for the Study of Marxist Theory] ở Beijing, rồi hạt nhân Đảng CS tại Shanghai vào tháng 5/1920, và Beijing tháng 9/1920; Stuart Schram, Mao Tse tung (NY: Penguin Books, 1966, 1977), tr. 62-63. Năm 1967, giữa cao trào Cách Mạng Văn Hóa (Văn Cách), Trần Độc Tú bị lên án là “hữu khuynh” [Right opportunists], chống lại việc tổ chức nông hội, cô lập Đảng CSTH và công hội, mở đường cho Tưởng Giới Thạch “thanh Cộng” vào tháng 4/1927, chống lại nhân dân. Mao Tse-tung, Report on An Investigation of the Peasant Movement in Hunan (Peiking: 1967), p. [iii].
[18] Quốc Hội, Hiến Pháp Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (26/11/2013); bản pdf, Bộ Ngoại Giao, online (2016), tr 1-2.
[19] Cờ Giải Phóng, (Hà Nội), số 33, 18/11/1945. Năm 2000, BCH Đảng CSVN đã hiệu đính tên dịch Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương, và sửa lại ngày 5/11/1945 thành 11/11/1945. Văn Kiện Đảng Toàn Tập [VKĐTT], 8:1945-1947 (Hà Nội: 2000), tr 19-20. Đa tạ bà Trần Thị Nga đã tặng bộ VKĐTT từ 1924 tới 1973.
[20]Nguyễn Vĩnh Châu, “Phỏng vấn sử gia Vũ Ngự Chiêu về Hồ Chí Minh” (2010); hopluu.net. Linov là bí danh của Sinh Côn tại Mat-scơ-va trong giai đoạn 1934-1938. Đáng chú ý là trong Nghị quyết sửa lại ngày chết của Hồ từ 4 hay 3/9/1969 thành 2/9/1969, chỉ có bí danh Hồ Chí Minh, không nhắc gì đến tên Nguyễn Sinh Côn.
[21]Võ Nguyên Giáp, Những Năm Tháng Không thể nào quên, (Hà Nội: QĐND, 1974), tr 63, 184-187:
[22]Lê Tùng Sơn, Nhật ký một chặng đường (Hà Nội : Văn Học, 1978), tr. 200-209;
[23]Vũ Ngự Chiêu, “Political and Social Change in Viet-Nam” Part III: Brutality of World Politics, chapts 10-13; Department of State, Foreign Relations of the United States [FRUS], 1946, VIII: The Far East, (Washington: GPO, 1971), pp 54, 58-59; Department of Defense, United States-Vietnam Relations, 1945-1967, (Washington: GPO, 1971), Bk 1-C 95-96, & Bk 8, p. 79. Amiral Thierry d’Argenlieu, Chronique d’Indochine, 1945-1947 (Paris: Albin Michel, 1985), pp 190-192, 193, 200-203, 439-441.
[24]Tel 6131, Jefferson Caffery gửi BNG, ngày 11/9/1946; FRUS, 1946, VIII: The Far East, (1971) pp 58-59; Memo, George M. Abbott gửi Đại sứ Caffery, ngày 12/9/1946; United States-Vietnam Relations, 1945-1967, 1971, Book 1-C 95-96; 103-104. Abbott sẽ trở thành Tổng Lãnh sự Sài Gòn; và năm 1950, trao cho Bảo Đại tin mừng Liên Bang Mỹ thừa nhận Quốc Gia Việt Nam..
[25]"Modus Vivendi [Tạm ước] 14/9/1946." gồm 11 điều khoản [articles], và Bản tuyên cáo chung. Ngày 18/9/1946, chính phủ Pháp phê chuẩn Modus Vivendi 14/9/1946. CĐ 4671, Paris gửi BNG, 17/9/1946, 17G00; FRUS, 1946, VIII: The Far East, (1971) pp. 59-60; US-Vietnam Relations, 1945-1967, (1971), Book 1-C 80-81; Chính Đạo, Việt Nam Niên Biểu [VNNB], IA: 1939-1946, (Houston: 1996), Phụ bản, tr 393-399; "Nguyên văn bản Thoả Hiệp Án Pháp-Việt làm tại Paris ngày 14/9/1946;" Nam Kỳ (Sài Gòn), 23/9/1946. Linh mục Cao Ủy Thierry d’Argenlieu chống lại điều IX, liên quan đến Nam Kỳ; Chronique, 1985:320-324.]
[26]Chính Đạo, VNNB, IA: 1939-1946 (1996), tr 269-270; CAOM (Aix), HCFI, CP, hộp 247.
[27]Báo cáo ngày 21/12/1946, Massimi, Hải Phòng, gửi Ủy viên Bắc Kỳ [Sainteny]: CAOM (Aix), HCFI, CP 255. Đa tạ Bà Giám đốc Văn Khố Aix-en Provence đã cho phép đặc biệt tham khảo tài liệu này năm 1999, khi chưa đến thời hạn giải mật. Xem thêm Vũ Ngự Chiêu, Các Vua Cuối Nhà Nguyễn, 1883-1945, 3 tập (Houston, TX: Văn Hóa, 1999-2000), tập II & III. Chúng tôi đang hiệu đính, bổ sung Các Vua Cuối, đăng từng kỳ trên www.minhtrietviet.net. Để có một ý niệm đại cương về các tác nhân lịch sử cận và hiện đại, xin tham khảo thêm Chính Đạo, VNNB, 1939-1975, tập III: Nhân vật chí, tái bản có hiệu đính (Houston: Văn Hóa, 1997). [Sẽ dẫn: “Nhân Vật Chí (1997)]
- Từ khóa :
- Vũ Ngự Chiêu