- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Đọc “Mekong - Dòng Sông Nghẽn Mạch” Của Ngô Thế Vinh Để Nghe Tiếng Gào Của Con Sông Sắp Chết!

04 Tháng Tám 20218:53 CH(Xem: 12789)

Đọc “Mekong - Dòng Sông Nghẽn Mạch”

Của Ngô Thế Vinh

Để Nghe Tiếng Gào Của Con Sông Sắp Chết!

 

Huỳnh Kim Quang

 

Cửu Long ca từ Tây Tạng

(Phạm Công Thiện)

 

 

DIEM SACH - NTV

 

Hình bìa cuốn ký sự “Mekong – Dòng Sông Nghẽn Mạch” của Ngô Thế Vinh, sách song ngữ Việt – Anh, Nxb Văn Học Press & Việt Ecology Press 2021

 

Từ những ngày còn trẻ chưa biết lo là gì tôi đã tình cờ đọc tập thơ “Ngày Sinh Của Rắn” của nhà thơ Phạm Công Thiện, mà trong đó không biết vì sao tôi cứ nhớ mãi câu thơ này, “Cửu Long ca từ Tây Tạng!” Cũng từ đó Sông Cửu Long không bao giờ ngừng chảy trong ký ức của tôi. Và bây giờ tôi nhận được cuốn “Mekong – Dòng Sông Nghẽn Mạch” của nhà văn Ngô Thế Vinh như một tình cờ kỳ lạ mà tôi có với dòng sông lịch sử này.

Người dân Việt Nam từ bao đời sống bằng nông nghiệp. Cho nên, con sông đối với họ là mạch sống. Đồng Bằng Sông Hồng ở Bắc, Đồng Bằng Sông Cửu Long ở Nam, và tại các tỉnh có những dòng sông lớn đều là những vựa lúa nuôi sống bao triệu người dân ở đó. Sông cạn dòng là hiện tượng khủng hoảng của những xứ nông nghiệp như Việt Nam.

Trong những năm gần đây tình trạng những con sông cái tại Việt Nam như Sông Cửu Long, Sông Hồng bị cạn dòng, bị nhiễm mặn đã gây ra bao nhiêu quan ngại cho cuộc sống không những của người dân ở các lưu vực sông đó mà cho người dân cả nước. Một trong những cây bút đặc biệt gióng lên tiếng chuông báo động mạnh mẽ nhất về tình trạng khô cạn và thiệt hại môi sinh nghiêm trọng của Sông Cửu Long hay Sông Mekong là nhà văn Ngô Thế Vinh.

Hai tác phẩm của nhà văn Ngô Thế Vinh gây nhiều chú ý về tình trạng khủng hoảng về môi sinh trầm trọng của Sông Mekong là cuốn “Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng” được xuất bản vào năm 2000 tại California và cuốn “Mekong – Dòng Sông Nghẽn Mạch” được xuất bản vào năm 2007 ở trong và ngoài nước và tái bản song ngữ Việt-Anh vào năm 2021 tại California.

Đây là lần đầu tiên tôi đọc một tài liệu nghiên cứu công phu và chi tiết nhất về tình trạng khủng hoảng môi sinh của Sông Mekong do nhà văn Ngô Thế Vinh viết dưới dạng ký sự. Và thú thật là tôi bị cuốn sách thu hút đến không thể cưỡng lại được với cách kể chuyện, cách nghiên cứu tỉ mỉ, cách nhìn chuyên môn của một nhà du khảo về địa hình, nhân vật, môi trường sống và xã hội tại 4 nước mà ông đã đi qua từ thượng nguồn Mekong ở Trung Quốc đi xuống Lào, qua Cam Bốt và xuống tới hạ nguồn Mekong ở Đồng Bằng Sông Cửu Long của Việt Nam.

Khi nói về chuyến du khảo 4 nước trên dòng sông Mekong, nhà văn Ngô Thế Vinh viết:

“Đến với con sông Mekong với tôi đã như một tiếng gọi quyến rũ – như một cuộc trở về, để tìm tới với Biển Hồ, con sông Tonle Sap cùng với khúc đoạn khác của con sông Mekong. Điều mà thế hệ sắp tới có thể không còn cơ hội để thấy được sinh cảnh phong phú nhưng quá mong manh của một dòng song sẽ trở thành “Con Sông của Quá Khứ.” (trang 154)

Với tôi, đây không chỉ là một cuốn ký sự về tình trạng môi trường xuống cấp báo động của Sông Mekong mà còn là một cuốn địa dư và nhân văn chí vô cùng giá trị không chỉ cho các thế hệ tương lai để biết về những gì liên quan đến Sông Mekong đã bị bức tử như thế nào mà ngay cả người cùng thời với ông như tôi cũng biết được rất nhiều điều mà nếu không có cơ hội đích thân đi qua và quan sát tại chỗ thì không dễ gì biết được rõ như thế.

Sau đây là một vài cảm nhận chủ quan của tôi khi đọc tác phẩm “Mekong – Dòng Sông Nghẽn Mạch” của nhà văn Ngô Thế Vinh, qua hai khía cạnh: một nhà văn viết ký sự phong phú, hấp dẫn và một nhà du khảo thực địa nêu bật tình trạng tàn phá môi sinh báo động của Sông Mekong.

 

Một cuốn ký sự phong phú với nhiều sự kiện và dữ liệu quý giá

 

Dù là cuốn ký sự mà trọng tâm là vấn đề môi sinh của Sông Mekong, nhà văn Ngô Thế Vinh không viết theo lối tường thuật các sự kiện dễ làm cho người đọc cảm thấy khô khan và nhàm chán. Ông viết ký sự trong ngòi bút của một nhà văn với đầy đủ hấp lực của sức mạnh văn chương chữ nghĩa như một cuốn truyện kể lại cuộc hành trình nhiều tình tiết lôi cuốn và lắm lúc thật gay cấn.

Chẳng hạn, trong một bữa ăn tối tại một nhà hàng nổi tiếng về món ăn “Bún Qua Cầu” ở Vân Nam, Trung Quốc, nhà văn Ngô Thế Vinh không chỉ mô tả tỉ mỉ về món ăn này, ông còn kể cho người đọc nghe câu chuyện cổ tích liên quan đến món ăn đó.

“Vào đời nhà Thanh, có chàng hàn sĩ quyết tâm đèn sách để chờ ngày về kinh đô dự thi. Chàng rời gia đình, dọn ra một hòn đảo nhỏ bên bờ hồ để tập trung vào việc học. Hàng ngày, người vợ trẻ từ nhà phải vượt một cây cầu tre dài qua tận bên đảo đem bữa ăn đến cho chồng nhưng tới nơi thì thức ăn đã nguội lạnh. Tình cờ một hôm người vợ khám phá ra rằng nếu như có đổ một lớp mỡ dày trên tô canh từ nhà thì vẫn giữ được thức ăn nóng cho tới khi gặp chồng.” (trang 33)

Đọc tiểu thuyết kiếm hiệp “Lục Mạch Thần Kiếm” của nhà văn Kim Dung nói tới nước Đại Lý ở Tàu, nhưng có lẽ hầu hết người đọc đều không ai hình dung ra chính xác cái nước Đại Lý đó ra sao. Nay đọc “Mekong – Dòng Sông Nghẽn Mạch” của nhà văn Ngô Thế Vinh thì đã rõ vì ông có kể chi tiết.

“Từ Manwan bằng đường bộ lên tới cổ thành Đại Lý cũng đã sẩm chiều. Đại Lý vẫn được so sánh như một tiểu Kathmandu của Nepal, nơi có nhiều thắng cảnh và di tích lịch sử của hơn 1 triệu sắc dân Bạch/Bai với gốc rễ văn hóa lâu đời từ hơn 3 ngàn năm. Từ thế kỷ thứ 7, đã có một nước Nam Chiếu/Nanzhao rất hùng mạnh từng đánh bại quân nhà Đường vào thế kỷ thứ 8. Sang thế kỷ thứ 10 trở thành vương quốc Đại Lý/Dali cho tới thế kỷ thứ 14, thời Nguyên Mông/Mongol Yuan thì không chỉ Đại Lý mà toàn vùng Vân Nam mới trực thuộc vào nước Trung Hoa.” (trang 62)

 

Cặp mắt của một nhà nghiên cứu có khác với cái nhìn của một người dân thường. Khi đến thăm Khu Bảo Tồn trên Biển Hồ ở Cam Bốt, nhà văn Ngô Thế Vinh đã quan sát thật kỹ các loài chim thiên nhiên ở đây.

“Sau đó tôi và Meas bước xuống chiếc tam bản nhỏ với một người chèo để tới gần hơn với từng vòm cây và đám chim muông. Con thuyền nhỏ lướt nhẹ trên mặt nước giữa vẻ đẹp hoang sơ và trinh nguyên của khu rừng lũ. Ghe dừng lại từng chặng để tôi có dịp quan sát từng loại chim khác nhau trong số đó có loài được coi là hiếm quý cần được bảo vệ như: Spot-billed Pelican/chim bồ nông mỏ đóm, Oriental Darter/bồ nông cổ rằn Đông Phương, Lesser Adjutant, Greater Adjutant, Black-Necked Stork/sếu cổ đen, Painted Stort/sếu vằn, Milky Stort/sếu sữa, Glossy Ibis/cò quăm, Grey-headed Fish Eagle/chim ưng đầu xám…” (trang 175)

 

Nhà văn Ngô Thế Vinh cũng mô tả một cách tổng quát nhưng khá đầy đủ về các nhân vật Tây Phương đã có công khám phá các di tích lịch sử tại những nước ông đi qua trong cuộc hành trình.  Chẳng hạn, khi đến thăm cố đô Luang Prabang của Lào, ông không quên nói về nhà thám hiểm người Pháp Henri Mouhot là người đầu tiên đã đến đây.

“Gốc người Pháp nhưng Mouhot đã gặp phải sự thờ ơ của đồng hương. Ông đã phải quay sang nhờ tới người Anh. Là nhà thám hiểm và đồng thời cũng là nhà sinh học, Mouhot vừa đi vừa tìm kiếm các loài côn trùng hiếm. Tháng 12/1860, Mouhot quyết định khởi hành từ Bangkok để lại sang Lào, băng qua vùng đông bắc Thái, đi qua những bộ lạc, những vương quốc của Vua Lửa thuộc các tỉnh Korat, Loei bây giờ, nơi chưa hề có dấu chân người Tây phương nào.

“…

“Phải hơn 7 tháng trời lặn lội kể từ Bangkok tới kinh đô Luang Prabang là một thị trấn quyến rũ như Genève và tại đây Mouhot được vua Tiantha tiếp đón trọng hậu.” (trang 130)

Không phải chuyến đi khảo cứu dài qua 4 nước của nhà văn Ngô Thế Vinh diễn ra một cách thuận buồm xuôi gió, mà lắm lúc ông cũng gặp một số tình huống rắc rối, khó xử và có cả nguy cơ về an ninh bản thân nữa. Chẳng hạn, ông kể chuyện khi đến thăm Đập Mạn Loan (Manwan) ở Côn Minh, Trung Quốc ông đã đối diện với một tình thế hết sức nguy nan khi bị những nhân viên an ninh tại đập này giữ chân để chờ cấp trên quyết định có cho ông vào thăm không. Trong lúc chờ đợi, ông kể, ông đã nghĩ tới điều “bất trắc” có thể xảy ra trong một đất nước cộng sản.

“Wu đã đẩy tôi vào một tình huống thật khó xử và quả thật là thiếu khôn ngoan để dấn thân vào một “guồng máy” bất trắc như vậy. Bà phòng tổ chức vừa bước ra, tôi lấy cớ bảo Wu là sẽ không đủ thì giờ cho thêm một chuyến viếng thăm, nhưng rồi cả hai chúng tôi được giữ lại và yêu cầu chờ. Thật là tiến thoái lưỡng nan, tôi vẫn cố giữ vẻ thản nhiên nhưng cảm giác thì cứ như “gái ngồi phải cọc” và đồng thời chuẩn bị cho tình huống phải trả lời vô số những câu hỏi.” (trang 59)

 

Người đã từng sống dưới chế độ cộng sản tại Việt Nam những năm đầu sau 1975 tại Miền Nam, với các chính sách thù địch, nghi kỵ và kỳ thị quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hòa qua vô số vụ bắt bớ, bạo hành và tù tội không cần lý do sẽ cảm thấy rất hồi hộp cho nhà văn Ngô Thế Vinh. Rất may lần đó ông đã an toàn rời khỏi đó.

 

Khi rời xứ Chùa Tháp sau chuyến du khảo ở đây, nhà văn Ngô Thế Vinh đã viết lên cảm xúc của ông làm người đọc khó quên.

“Ngồi trên chuyến bay rời phi trường quốc tế Pochentong, nhìn xuống thủ đô Nam Vang, nhìn xuống con sông Mekong nơi Quatre Bras trước Hoàng Cung, hình ảnh đẹp đẽ cuối cùng mà tôi muốn giữ lại trong trí tưởng về đất nước Cam Bốt là hàng cây thốt nốt với thân cây còn lỗ chỗ vết đạn nhưng vẫn đứng thẳng vươn lên trời xanh từ bên bờ một ruộng sen ngát hương với nở rực những bông sen hồng và trắng.

“Vẫn có đó những bình minh và hoàng hôn trên sông Mekong, vẫn có đó vẻ đẹp tráng lệ và huy hoàng của trời và đất cho dù qua bao đổi thay, bao cuộc chiến tranh trong nỗi u mê của con người.” (trang 227-228)

 

Tôi cho rằng đây là một trong những đoạn văn chương hay và lôi cuốn nhất trong “Mekong – Dòng Sông Nghẽn Mạch” của tác giả Ngô Thế Vinh. Trong đoạn văn này, tôi tâm đắc nhất là việc ông đã đem hình ảnh những cây thốt nốt vươn cao trên trời xanh để ẩn dụ cho một tương lai lạc quan ở phía trước của một đất nước đã từng trải nạn diệt chủng kinh hoàng, và hình ảnh hoa sen với vẻ đẹp thanh khiết và hòa bình để che phủ đi tàn tích phá hoại của chiến tranh trong quá khứ do sự u mê của con người gây ra.

 

Lời báo động về con sông Mekong sắp chết

 

 DIEM SACH - NTV2


Tác giả trên khúc sông Lancang-Mekong
, phía dưới nơi sắp xây con đập Cảnh Hồng / Jinhong 1.350 MW là con đập dòng chính thứ ba sau hai con đập Mạn Loan / Manwan 1.500 MW và Đại Chiếu Sơn / Daichaosan 1.350 MW. [photo by Nguyễn Văn Hưng 09/2002]

 

Tuy nhiên, chủ đích của chuyến du khảo sang 4 nước nằm dọc theo Sông Mekong của nhà văn Ngô Thế Vinh là tìm hiểu những hậu quả mà người dân tại những nước này phải gánh chịu vì hàng chục những con đập thủy điện được xây trên dòng sông từ Trung Quốc xuống Lào, Thái và Cam Bốt, cộng với sự tàn phá môi trường như phá rừng, khai thác đất đai vô tội vạ và làm ô nhiễm nguồn nước.

Khi đến Hồ Nhĩ Hải tại Vân Nam ở Trung Quốc, nhà văn Ngô Thế Vinh đã mô tả về tình trạng gần như hết sạch của loại cá đặc biệt Pla Beuk.

“Tương truyền rằng hàng năm cứ vào khoảng tháng tư, đoàn cá Pla Beuk về tụ hội tại nơi vũng sâu Luang Prabang phía bắc Vạn Tượng để tuyển chọn xem con nào sẽ tiếp tục vượt thêm hơn 2.000 km bơi ngược dòng lên hồ Nhĩ Hải để đẻ trứng, con nào sẽ hy sinh làm mồi cho ngư dân làng Chiang Khong trong ngày hội thi cá Pla Beuk.

“Pla Beuk/Pangasianodon gigas là loại cá bông lau khổng lồ chỉ có trên sông Mekong có con dài tới 3 mét nặng tới hơn 300 kg. Ngư dân Thái và Lào sống hai bên bờ con sông Mekong vẫn tin rằng cá Pla Beuk là loại linh ngư đem tới cho họ vận may trong mỗi mùa chài lưới. Từ 10 năm nay, khi hoàn tất con đập thủy điện Manwan (1993) trên dòng chính sông Mekong như một nút chặn, đã chẳng còn một con cá Pla Beuk nào lên tới được hồ Nhĩ Hải để đẻ trứng.” (trang 70)

 

Khi đến hồ Điền Trì ở Côn Minh của Trung Quốc, nghe người tài xế Wu nói về một kế hoạch dự trù của chính quyền Trung Quốc chi 2 tỉ yuan để “khai thông một đường dẫn cho thoát nước ra sông Hồng chảy qua Việt Nam rồi đổ ra Biển Đông,” nhà văn Ngô Thế Vinh liền nghĩ tới hậu quả ô nhiễm nguồn nước mà dân Việt sống chung quanh sông Hồng phải gánh chịu.

“Đổ tất cả ô nhiễm của hồ Điền Trì vào con sông Hồng như một đường cống rãnh, hậu quả sẽ ra sao trên bao nhiêu triệu cư dân Việt Nam nơi đồng bằng châu thổ đang sống bằng nguồn nước con sông Hồng và đây là điều sẽ được ai quan tâm tới? Nhà cầm quyền Hà Nội được biết gì về một kế hoạch “giải quyết môi sinh” theo lối ném bùn sang ao của chánh quyền Vân Nam?” (trang 81)

 

Khi tới thị trấn nhỏ Vang Vieng của Lào, nhà văn Ngô Thế Vinh nhìn thấy sự khai thác bừa bãi để thu hút du khách trong thời “Đổi Mới” mà nghĩ tới những hậu quả khốc liệt của sự thiệt hại môi sinh ở Việt Nam và Lào.

“Một đất nước chỉ bằng 1/3 diện tích tiểu bang Texas, không chỉ với nạn phá rừng tự sát và khai thác thủy điện khắp nơi, rồi ra với ngót 1 triệu du khách mỗi năm trong thập niên tới, thì mọi con suối, mọi dòng sông và sinh cảnh thiên nhiên núi non vốn trinh nguyên của Lào sẽ mau chóng trở thành quá khứ. Giống như Việt Nam, Lào đang “Đổi Mới” với cái giá rất cao phải trả về môi sinh cho các thế hệ tương lai.” (trang 115)

 

Khi đến thăm chợ nổi Phong Điền và Cái Răng trên dòng sông Hậu, nhà văn Ngô Thế Vinh diễn tả dòng sông Cửu Long đang bị ô nhiễm vì chất phế thải kỹ nghệ và rác rưởi.

“Khói dầu trải dài trên mặt sông mùi khét nồng, cũng để hiểu tại sao – không phải chỉ có ở Sài Gòn, trên sông nước miền Tây, trên các con phà đã có cô gái Cửu Long phải mang khẩu trang vì không khí ô nhiễm.

“Không kể những hóa chất độc đã tan trong nước không còn thấy được, nhìn những búi cỏ rác khô và cả những túi rác ni-lông đủ màu chưa bị phân hủy nổi trôi giữa những đám lục bình, cũng để thấy rằng con sông Mekong đang là cống rãnh của các chất phế thải kỹ nghệ và cả rác rưởi của tiện dụng gia cư.” (trang 264-265)

 

Gấp lại cuốn sách “Mekong – Dòng Sông Nghẽn Mạch” dày gần 700 trang gồm hai thứ tiếng Việt-Anh, với rất nhiều hình ảnh giá trị, lòng tôi khởi lên hai cảm nhận có vẻ trái ngược nhau: thích thú vì cuốn sách là một kho tài liệu rất quý giá cung cấp cho người đọc những kiến thức rất quan trọng liên quan đến thực trạng báo động về con sông Mekong, về các ghi chép tại chỗ nhân vật, địa dư, lịch sử, phong cảnh, nếp sống văn hóa và sinh hoạt xã hội của các dân tộc sống dọc theo sông Mekong; nhưng cùng lúc, cũng mang tâm trạng hoang mang về tương lai của một khu vực rộng lớn với hàng chục, nếu không muốn nói hàng trăm triệu con người sống ở đó. Vì thế xin mượn lời của nhà văn Ngô Thế Vinh để nói dùm cho tâm trạng của người đọc.

“Liệu ai sẽ thực sự trách nhiệm “duy trì dòng chảy tối thiểu” của con sông Mekong trong mùa khô để nước mặn từ ngoài Biển Đông không tiếp tục lấn vào sâu và xa hơn nữa vào ĐBSCL? Cũng như làm sao để có dòng chảy đủ mạnh trong mùa lũ để có nước chảy ngược từ con sông Tonle Sap vào Biển Hồ, để duy trì nhịp đập trái tim của Cam Bốt. Và cho đến nay, không ai có thể đưa ra một lời giải đáp.

“Trong một tương lai không xa, con sông Mekong – con sông Danube của  Châu Á ấy, sẽ chỉ còn là một con sông chết, chỉ để sản xuất thủy điện, dùng làm thủy lộ giao thông và tệ hại hơn nữa là cống rãnh để đổ xuống các chất phế thải kỹ nghệ từ tỉnh Vân Nam Trung Quốc.” (trang 321)

Cảm ơn nhà văn Ngô Thế Vinh.

 

 

HUỲNH KIM QUANG

30/07/2021

 

ĐÍNH CHÍNH DÒNG CHỮ HÁN

  

Trên bìa cuốn Mekong, Dòng Sông Nghẽn Mạch  (xuất bản lần đầu

 

năm 2007, được tái bản nhiều lần, và gần đây nhất là ấn bản song ngữ

 

Việt Anh 2021), có in hình đập thủy điện Mạn Loan của Hoa Lục.

 

Do xem từ một tấm hình chụp khá xa, nên hồi đó, chúng tôi đã ghi chú mấy

trong cuốn MEKONG, DÒNG SÔNG NGHẼN MẠCH

 

chữ Hán ấy là:

 

漫湾电 广 Mạn Loan Điện Quảng

 

Nay được một người bạn, Tiến sĩ Nguyễn Duy Chính, cho biết chỗ sai:

Chữ Hán cuối là “Xưởng” (đúng ra được viết 厰, nhưng vì để giản lược bớt nét, Hoa Lục viết thành 厂, rất gần với lối viết giản lược của chữ广 “Quảng”). 

 

Do đó, chúng tôi xin bạn đọc sửa dùm: Mấy chữ Hán ấy là:

 

 漫湾电厂  Mạn Loan Điện Xưởng

 

Trân trọng,

 

Ngô Thế Vinh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Tư 20241:51 SA(Xem: 6627)
Vô cùng thương tiếc khi được tin: Nhà văn, Sử gia NGUYÊN VŨ - VŨ NGỰ CHIÊU Sinh ngày 6 tháng 10 năm 1942, tại Phụng-Viện-Thượng, Bình-Giang, Hải-Dương, VN. Mệnh chung ngày 19 tháng 4 năm 2024 tại Houston, TX Hoa-Kỳ. Hưởng Thọ 82 tuổi
31 Tháng Tám 202311:33 CH(Xem: 11717)
Sunday afternoon, September 2, 1945. High on a stage at Cot Co [Flag Pole] park—which was surrounded by a jungle of people, banners, and red flags—a thin, old man with a goatee was introduced. Ho Chi Minh—Ho the Enlightened—Ho the Brightest—a mysterious man who had set off waves of emotion among Ha Noi's inhabitants and inspired countless off-the-record tales ever since the National Salvation [Cuu Quoc], the Viet Minh organ, had announced the first tentative list of the "Viet Minh" government on August 24. It was to take the Vietnamese months, if not years, to find out who exactly Ho Chi Minh was. However, this did not matter, at least not on that afternoon of September 2. The unfamiliar old man — who remarkably did not wear a western suit but only a Chinese type "revolutionary" uniform — immediately caught the people's attention with his historic Declaration of Independence. To begin his declaration, which allegedly bore 15 signatures of his Provisional Government of the Democ
13 Tháng Chín 20243:25 SA(Xem: 192)
bay nửa vòng đời ngơ ngác tìm nhau / chưa kịp chạm tay / mùa thu đã cháy / trong lá khô đôi môi nào run rẩy / mãi hoài không gọi nổi / một cái tên
12 Tháng Chín 20246:15 CH(Xem: 342)
Bài thơ GIÓ đã được thi sĩ Đức gốc Việt Nguyễn Chí Trung trình bày từ năm 2004 tại nhiều Đại Hội Thi Ca Quốc Tế (International Poetry Festival) trong các buổi đọc Thơ trước công chúng. Bài thơ được viết bằng tiếng Đức vào mùa Thu năm 1993 và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng cũng như xuất bản ở nhiều quốc gia Âu châu (Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha …).
12 Tháng Chín 20243:39 CH(Xem: 340)
Lúc ngồi trong xe với Hiệp rồi, anh vẫn còn thắc mắc: “Tôi vẫn không hiểu tại sao ông lại cùng nhận tin Lê mất. Ông đâu có biết hắn là ai.” Hiệp ngồi thẳng người, chăm chú nhìn ra phía trước. Gương mặt hắn bình thản như một ngày biển lặng. Lần chót anh gặp hắn là lúc hai người đang đi ngược phía với nhau trong khuôn viên đại học, vội vã đến lớp cho kịp giờ dạy. Sau hai năm đại dịch, cả hai mới gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng, hứa hẹn sẽ lại cùng đi uống cà-phê hay ăn phở như ngày trước. Thế mà một năm học đã trôi qua, không ai gọi ai, hẹn hò gì cả. Anh buồn buồn nghĩ, mỗi người ai cũng bận bịu với vợ con, làm gì mà có thì giờ nhàn rỗi để tán dóc với nhau.
12 Tháng Chín 20242:26 CH(Xem: 352)
Kiều Thu 15 tuổi đang học cấp 2 của một trường trung học cơ sở tại Quy Nhơn trong một vùng quê êm đềm. Nhưng chữ nghĩa và sách vở càng ngày không mấy hấp dẫn cô nàng đang tuổi dậy thì. 16 tuổi, Kiều Thu gặp Hải có biệt danh là “Hải đại bàng”. Thế là những cuộc picnic, vui chơi với bạn bè hấp dẫn nàng hơn, nàng bắt đầu biết thế nào ăn chơi, những điều mới lạ với những cuộc vui không chỉ giới hạn trong Thành Phố ven biển mà tiến xa hơn. Kiều Thu quyết định nghỉ học vào năm 17 tuổi bắt đầu sống chung với Hải đại bàng.
12 Tháng Chín 20242:10 CH(Xem: 285)
Ngày xưa hồi còn nhỏ, tui hay nghe bà cố tui đọc câu: "Còn duyên kẻ đón người đưa. Hết duyên đi sớm về trưa một mình". Tui thấy ngồ ngộ dễ thương nên tui nhớ luôn câu ấy ở trong đầu. / Mấy mươi năm trôi qua cho đến giờ tuổi đã về chiều, ngồi ngẫm lại đời mình. À! người ta thì "còn duyên kẻ đón người đưa" còn mình hết cả một đời người trôi qua mà mình có chút duyên nào đâu, vì từ nhỏ cho tới lớn đâu có ai đón đưa, thương nhớ mình chứ ... Xấu hổ thiệt nhưng cũng phải thú thiệt vì ở cái tuổi này rồi, có níu kéo gì nữa đâu hè!! Nói thiệt may ra ông trời ổng thấy tội tội mà kiếp sau ổng cho mình có chút "diên" (duyên)làm vốn lận lưng.
12 Tháng Chín 20242:02 CH(Xem: 463)
đổ về xa ngái / đi mô ngoai đầu ngó lại / sững. trồng / cây thầu đâu há miệng trần tình / đừng. đừng vội khóc / tiều tụy ơi! đổ về xa ngái / đi mô ngoai đầu ngó lại / sững. trồng / cây thầu đâu há miệng trần tình / đừng. đừng vội khóc / tiều tụy ơi!
03 Tháng Chín 20243:54 CH(Xem: 1275)
Bài thơ “GIÓ” của thi sĩ Nguyễn Chí Trung GỒM 48 tiểu đoạn, mỗi đoạn 4 câu, tất cả là 192 câu thơ được viết theo thể thơ lục bát. Xuất hiện lần đầu trên thi đàn quốc tế “International Writers In Belgrade” vào năm 2003./ Từ 2004 đến nay khắp các Đại Hội Thi Ca Quốc Tế ĐHTCQT International Poetry Festival trên thế giới từ Đông sang Tây, từ Nam chí Bắc mời tác giả Nguyễn Chí Trung tham dự và đọc Thơ, Ông đều trình bày bài thơ này. Vì thế bài thơ GIÓ được dịch ra nhiều thứ tiếng gốc La tinh của Ậu châu, và cả tiếng Hindi của Ấn, hay tiếng Ả Rập, hay Thụy Điển hay ngôn ngữ tổng hợp Serbo-Croatia v... v...
02 Tháng Chín 20243:46 SA(Xem: 564)
Khi em trở lại / Bằng những cánh tay vàng của lá / Buồn ở nhớ nhung / Những đám mây mùa hè lẩn trốn / Em còn đâu đó trong tôi