- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NÀNG MÂY CỦA TRỊNH

07 Tháng Năm 20211:54 SA(Xem: 13955)
mây trắng bay-Quy SG
Mây Trắng Bay - ảnh Qúy SG 

Ban Mai

NÀNG MÂY CỦA TRỊNH

 

 

Tôi gặp anh Nguyên Minh lần đầu tại một quán cà phê vỉa hè đường Phan Xích Long. Hơn mười năm trước tôi thường viết bài trên trang vanchuongviet, ngày ấy chủ biên Nguyễn Hòa chưa ngã bệnh anh còn xông xáo chuyện chữ nghĩa. Anh em thỉnh thoảng gặp nhau khi tôi vào Sài Gòn, hôm ấy có tôi, vợ chồng anh chị Trương Văn Dân _ Elena, anh Nguyễn Hòa hẹn gặp Sâm Thương và Nguyên Minh. Các anh đều là những bậc tiền bối tôi ngồi nghe các anh bàn luận và dự tính ra mắt một tập san văn học nghệ thuật riêng của mình, từ đó anh em quen nhau.

 

Nhà văn Nguyên Minh trước năm 1975 là chủ biên tạp chí Ý Thức, với kinh nghiệm làm báo in ấn phát hành, năm 2011 anh đứng ra thành lập tạp chí Quán Văn tại Sài Gòn làm sân chơi cho những người yêu thích văn chương. Nhà văn Nguyên Minh là một người mê văn chương nghệ thuật bất vụ lợi, nếu ai đã từng gặp hẳn nhiên sẽ nhận ra điều này ngay tức khắc.

Ngoài việc đam mê làm báo anh còn là một nhà văn, với mối quan hệ rộng trong giới văn chương nghệ thuật. Ở anh là một kho tàng giai thoại của các văn nghệ sĩ mà anh quen biết từ khi còn đi học cho đến lúc làm báo cuối thập kỷ 60s.

“Mây Trôi” là một truyện ngắn, nhà văn Nguyên Minh kể lại kỷ niệm về một người bạn học cũ.

 

Nguyên Minh là bạn cùng học Sư Phạm Quy Nhơn với Trịnh Công Sơn những năm 1962-1964. Sau khi ra trường mỗi người được phân công một nhiệm sở, Nguyên Minh về Phan Rang giảng dạy ở quê nhà, Trịnh Công Sơn điều lên Bảo Lộc. Tình cờ sau 4 năm, Nguyên Minh gặp gỡ Trịnh Công Sơn và những người bạn học trong một lần lên Đà Lạt, ngày ấy Trịnh Công Sơn đã bỏ dạy, ông chuyên tâm sáng tác nhạc, những Ca khúc da vàng viết về thân phận con người trong chiến tranh của ông đã nổi tiếng khắp Miền Nam, ngày gặp đó TCS đang làm một đêm nhạc hát cho sinh viên trường Đại học Đà Lạt.

Nguyên Minh nhã ý mời Trịnh Công Sơn đến Phan Rang chơi và làm một đêm nhạc tại quán cà phê Tao Nhân. Nhạc sĩ họ Trịnh hào hứng vì ông thích những nơi xa lạ chưa từng đến.

 

Quán cà phê Tao Nhân nằm ở số 11 Nguyễn Thái Học, trên một con đường vắng với hàng me cổ thụ rợp bóng mát, là con đường dành cho các đôi tình nhân. Quán cà phê này là căn nhà của Nguyên Minh, sau khi trở về Phan Rang dạy học, thị xã lúc đó buồn hiu, không biết làm gì vào buổi tối, anh cùng vài người bạn mở một quán cà phê sau giờ làm từ 6h chiều đến 10h đêm, đó là nơi cho bạn bè hẹn hò, đàm đạo trong tiếng nhạc dìu dặt những bản Dư âm, Suối tóc, Tà áo xanh, Người đưa thư … với tiếng hát Thúy Nga, Thanh Thúy rồi Khánh Ly, Lệ Thu trầm buồn, một chốn thư giãn của mọi người sau một ngày làm việc căng thẳng. Vì vậy, quán cà phê Tao Nhân phút chốc đã trở nên nổi tiếng, đó là nơi thường đến của các anh nhà giáo, công chức, bác sĩ, các cô cậu học sinh tuổi mới lớn đang hẹn hò yêu đương. Một trong những người khách thỉnh thoảng đến quán là nàng Vân Phi. “Trong những người khách đến quán vừa thích nghe nhạc vừa hạp gu cà phê, có một người con gái cùng lứa tuổi chúng tôi đã để lại một ấn tượng khó quên. Nàng tên Vân Phi. Người con gái dáng mảnh khảnh, mắt mí lót, tóc đen mướt xõa quá lưng. Nàng có một giọng ca trầm trầm, ấm áp. Hình ảnh Vân Phi thời còn đi học chung với chúng tôi ở trung học đệ nhị cấp. Nàng là một trong những người nữ sinh duyên dáng đã từng làm biết bao cậu học sinh cùng lứa tuổi phải thẫn thờ. Đã vậy nàng còn là huynh trưởng Gia đình Phật tử… Trong vở kịch Quan Âm Thị Kính, nàng thủ vai Phật Bà, thỉnh thoảng xuất hiện trên sân khấu với khuôn mặt trong sáng và thánh thiện. Hình ảnh Vân Phi để lại trong tôi của thời thanh xuân là như thế… Cô là đồng nghiệp với chúng tôi. Cô dạy ở một trường rất xa thị xã, nơi ấy là vùng dân tộc. Bẵng đi mấy năm tôi không gặp.” (*)

 

Nhà văn kể sau một thời gian Vân Phi vắng mặt, lần đầu tiên gặp lại ông ngỡ ngàng tưởng rằng Vân Phi đang diễn kịch khi thấy nàng biến thành một cô gái hoàn toàn khác từ một cô gái yếu đuối, xanh xao mang vẻ đẹp liêu trai nay Vân Phi với khuôn mặt trét đầy phấn, quần kaki bạc màu, áo thun đỏ sát nách ôm sát thân hình, môi đỏ thắm với mái tóc bung xù, phì phà điếu thuốc trên môi nhìn như dân bụi đời, ông không thể tin nổi. Chuyện gì đã làm nàng thay đổi không tưởng như vậy? Sau này ông mới biết, Vân Phi khủng hoảng, sầu đời, sống buông thả sau khi người yêu là lính chết trận. Cái chết đột ngột của người tình mà cô yêu say đắm làm cô điên loạn, cô phản kháng đập phá mọi giá trị mà cô tôn thờ, cô từ bỏ gia đình phật tử, bỏ dạy học, sống bất cần đời, giờ cô trở thành “nữ tặc” với đàn em chuyên đi phá phách.

 

Rồi cuộc đời cũng mang đến cái duyên cho nàng Mây. Đêm nhạc Trịnh Công Sơn hát cho quán cà phê Tao Nhân tại Phan Rang chỉ mời hạn chế trong bạn bè thân quen vì những đêm nhạc Da vàng của Trịnh thường mất an ninh, không hiểu sao Vân Phi lại biết và cô là khách không mời tự đến, gõ cửa xin vào khi chương trình đã bắt đầu. Đêm ấy, cô không là “nữ tặc” mà là một cô gái dịu dàng với tà áo dài tím.

Đêm đó: “Sơn hát như lời thầm thì tâm sự về nỗi đau của người con gái Việt Nam đã mất mát những người tình nơi chiến trường. Phải chăng đó cũng là nỗi sầu của Vân Phi. Suốt hai tiếng đồng hồ Trịnh Công Sơn hát liên miên, từ bài này sang bài khác, không biết mệt. Giọng anh trầm buồn hạp với lời tâm sự nỉ non về thân phận con người Việt Nam da vàng đang đau khổ vì chiến tranh đã gây ra cảnh tang tóc cho mọi người, từ người già ngơ ngác trong tiếng đại bác, từ em bé lõa lồ, trong công viên những người điên ru con hai lần, từ lúc con lọt lòng, và khi con chết, những người con gái yêu quê hương như yêu đồng lúa chín nay ruộng đồng đã tan nát. Những trai tráng trong làng, trong thị thành, đều khoác áo lính và bỏ mình hoặc trở về nhà với thân tàn ma dại, chỉ còn một cánh tay, một bàn chân, đôi mắt mù lòa. Bao nhiêu cuộc tình tan nát, chia lìa… Mọi người trong quán đều xúc động, mắt cay đỏ hoe và tim bị thắt lại, không phải vì khói thuốc và không khí ngột ngạt mà vì Trịnh Công Sơn đã dồn những niềm đau của từng người thành một, chồng chất lên nhau, thành một nấm mồ. Sơn hát cho mọi người nghe mà như anh hát cho ai đó, những oan hồn của người chết đâu đó trên đất nước này đang lang thang trên các chiến trường, cũng lảng vảng quanh đây, bên tiếng đàn guitar của anh…”.(*)

 

Bài hát cuối cùng đã kết thúc, âm vang lời bài hát Gia tài của mẹ vẫn còn lắng đọng:

Dạy cho con tiếng nói thật thà

Mẹ mong con chớ quên màu da

Con chớ quên màu da nước Việt xưa

Mẹ trông con mau bước về nhà

Mẹ mong con lũ con đường xa.

Ôi lũ con cùng cha quên hận thù

 

Khách đã ra về, chỉ còn nàng Vân Phi ở lại, cô xin Nguyên Minh được gặp Trịnh Công Sơn. Anh lưỡng lự vì sợ cô làm phiền, như hiểu ý, cô nói nhỏ: Tôi sẽ không làm phiền gì các ông đâu.

Nguyên Minh viết: “Tôi lên gác chuyển lại với Sơn ý định đó của Vân Phi. Các bạn ngả mình lên chiếc giường của tôi, nghỉ ngơi sau một ngày mỏi mệt và nghĩ rằng Sơn cũng cần như thế. Sơn cười:

- Mình rất thích có dịp trực diện với người ái mộ mình.

Tôi dặn dò Sơn:

- Tôi xuống trước báo lại và để dọn bàn ghế như cũ chỉ một lát là xong, ông xuống thì vừa.” (*)

 

Tiếng hát trong đêm khuya, giọng trầm trầm, khàn khàn như ai vừa uống rượu say, như ai vừa hút thuốc quá nhiều còn đọng khói nơi cuống phổi, đưa hơi thở ra ngoài, như ai đã giữ trong lòng bấy nhiêu năm một nỗi hờn căm, giận đời, giận mình, bây giờ có dịp trào ra. Tiếng đàn ghi-ta tha thiết đệm theo. Tất cả âm thanh ấy dội lên từ quán Tao Nhân của tôi, những bản tình ca của Trịnh Công Sơn.

Anh nằm xuống, như một lần vào viễn du

Đứa con xưa đã tìm về nhà

Đất hoang vu khép lại hẹn hò

Người thành phố, trong một ngày, đã nhắc tên

Những sớm mai, lửa đạn

những máu xương chập chùng

Xin cho một người vừa nằm xuống

thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang

(Cho một người nằm xuống)

 

Em đi qua cầu. Có gió bay theo

Thổi bùng khăn tang. Trắng giữa khung chiều

Em đi qua cầu. Có gió hiu hiu

Thổi lòng em xa. Đến mãi nơi nào

(Em đi trong chiều)

 

Tiếng hát Vân Phi và Trịnh Công Sơn trong những bản tình ca đã đưa tôi vào giấc ngủ từ lúc nào.

Lúc tỉnh dậy, Nguyên Minh đi xuống và nhìn thấy “…cô gái mà chúng tôi gọi là “Nữ tặc”, đôi mắt nhắm nghiền, mái tóc đen xõa dài xuống ngang vai, trở nên hiền thục. Nàng ngả đầu dựa vào góc tường. Hai tay khoanh lại. Tôi nhận ra khuôn mặt từ bi của Phật Bà Quan Âm ngày cũ. Người con trai đối diện, chàng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tay vẫn ôm cây đàn guitar, ngả người vào thành ghế, đôi mắt, sau cặp kính trắng, khép lại, còn đôi môi chàng lại nhoẻn một nụ cười đôn hậu, như vừa làm xong một việc thiện”. (*)

 

Sau đêm đó, Vân Phi ra đi bỏ lại thị xã nhỏ đầy thành kiến với mình, đến một nơi xa lạ nào đó với một cái tên khác, với một con người mà suýt nữa nàng đánh mất. Ba mươi năm qua, những người lập quán Tao Nhân ngày xưa, giờ không còn nữa. Nguyên Minh vào Sài Gòn, từ lâu làm báo viết văn, một vài lần gặp lại Trịnh Công Sơn. Nhạc sĩ nhắc lại kỷ niệm xưa và anh hỏi:

- Cô ấy giờ ở đâu?

Tôi hỏi lại:

- Cô nào?

- Cô Mây Trôi.

Tôi thật sự ngạc nhiên vì có quen ai tên đó. Sơn kể:

- Có vài lần ngang qua thị trấn đó, mình nhớ đến quán Tao Nhân xưa, nhớ đến cô gái đã hát cho mình nghe những bản tình ca của mình. Hồi đó mình hỏi tên, cô nói cứ gọi cô là Mây Trôi”. (*)

 

Thì ra Vân Phi là Mây Trôi của Trịnh.

Cuộc đời con người như giấc phù du, chúng ta chỉ là những sát na bé nhỏ đi qua chốn trần gian này. Những gặp gỡ tình cờ dù chỉ là thoáng qua cũng là một hữu duyên. Một trong những hạnh duyên ấy nàng Mây đã có.

Hạnh duyên gặp gỡ Trịnh Công Sơn, thực chất là hạnh duyên của gặp gỡ âm nhạc.

Chính âm nhạc đã xoa dịu vết thương lòng của nàng, những ca từ trong bài nhạc của Trịnh Công Sơn như an ủi, vỗ về nàng, giúp nàng Mây hiểu rỏ sự vô thường của kiếp người, hồi sinh một cuộc đời dường như đã mất.

 

Truyện ngắn “Mây trôi” của nhà văn Nguyên Minh là một truyện ngắn viết theo kiểu cổ điển, với giọng văn bình dị, lối kể chuyện đơn giản, nhưng ẩn tàng phía sau là một nội dung tinh tế, phần kết bao giờ cũng là cái kết mở cho người đọc cảm nhận. Trong mỗi câu chuyện của ông ẩn sau con chữ là một chữ Tình viết HOA, tình người, tình tha nhân. Với tôi nó là một lời ca ngợi cao quý cho âm nhạc nghệ thuật, nếu là nghệ thuật đích thực nó sẽ giúp con người thăng hoa, thậm chí thay đổi cách nghĩ, hồi sinh số phận một con người.

19 năm trước, tác giả viết truyện ngắn này sau khi nghe tin nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mất, nó như nén tâm nhang nhớ đến một người bạn tài hoa, ca ngợi thiên sứ của âm nhạc, chính bản thân âm nhạc nghệ thuật đã làm nên sự bất tử của nó. Đó là vài cảm nhận của tôi sau khi khép lại truyện ngắn “Mây trôi” của nhà văn Nguyên Minh.

 

Nàng Mây của Trịnh nếu còn đâu đó trên đời, tôi tin đã thoát khỏi nỗi đa đoan và sống an nhiên bình lặng trên cõi hồng trần này. Có lẽ nàng đã “ngộ” ra cõi đời này chỉ là cõi tạm và như Trịnh Công Sơn đã từng kêu gọi mọi người hãy sống vui vẻ nơi Quán Trọ này:

Con chim ở đậu cành tre

Con cá ở trọ trong khe nước nguồn

Cành tre ... í ... a

Dòng sông ... í ... a

Tôi nay ở trọ trần gian

Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời

(Ở trọ - Trịnh Công Sơn)

 

Ban Mai

Quy Nhơn, 5/5/2020

(*) những đoạn trích từ “Mây trôi” – Nguyên Minh

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Tư 20241:51 SA(Xem: 6386)
Vô cùng thương tiếc khi được tin: Nhà văn, Sử gia NGUYÊN VŨ - VŨ NGỰ CHIÊU Sinh ngày 6 tháng 10 năm 1942, tại Phụng-Viện-Thượng, Bình-Giang, Hải-Dương, VN. Mệnh chung ngày 19 tháng 4 năm 2024 tại Houston, TX Hoa-Kỳ. Hưởng Thọ 82 tuổi
31 Tháng Tám 202311:33 CH(Xem: 11634)
Sunday afternoon, September 2, 1945. High on a stage at Cot Co [Flag Pole] park—which was surrounded by a jungle of people, banners, and red flags—a thin, old man with a goatee was introduced. Ho Chi Minh—Ho the Enlightened—Ho the Brightest—a mysterious man who had set off waves of emotion among Ha Noi's inhabitants and inspired countless off-the-record tales ever since the National Salvation [Cuu Quoc], the Viet Minh organ, had announced the first tentative list of the "Viet Minh" government on August 24. It was to take the Vietnamese months, if not years, to find out who exactly Ho Chi Minh was. However, this did not matter, at least not on that afternoon of September 2. The unfamiliar old man — who remarkably did not wear a western suit but only a Chinese type "revolutionary" uniform — immediately caught the people's attention with his historic Declaration of Independence. To begin his declaration, which allegedly bore 15 signatures of his Provisional Government of the Democ
03 Tháng Chín 20243:54 CH(Xem: 1045)
Bài thơ “GIÓ” của thi sĩ Nguyễn Chí Trung GỒM 48 tiểu đoạn, mỗi đoạn 4 câu, tất cả là 192 câu thơ được viết theo thể thơ lục bát. Xuất hiện lần đầu trên thi đàn quốc tế “International Writers In Belgrade” vào năm 2003./ Từ 2004 đến nay khắp các Đại Hội Thi Ca Quốc Tế ĐHTCQT International Poetry Festival trên thế giới từ Đông sang Tây, từ Nam chí Bắc mời tác giả Nguyễn Chí Trung tham dự và đọc Thơ, Ông đều trình bày bài thơ này. Vì thế bài thơ GIÓ được dịch ra nhiều thứ tiếng gốc La tinh của Ậu châu, và cả tiếng Hindi của Ấn, hay tiếng Ả Rập, hay Thụy Điển hay ngôn ngữ tổng hợp Serbo-Croatia v... v...
02 Tháng Chín 20243:46 SA(Xem: 487)
Khi em trở lại / Bằng những cánh tay vàng của lá / Buồn ở nhớ nhung / Những đám mây mùa hè lẩn trốn / Em còn đâu đó trong tôi
02 Tháng Chín 20242:11 SA(Xem: 977)
Tôi biết chị Hoàng Thị Bích Hà qua một cuộc gặp gỡ giao lưu giới thiệu sách song ngữ "Nhịp Điệu Việt." Từ lần đầu tiên gặp gỡ đó, giữa chúng tôi đã nảy sinh một sự kết nối đặc biệt. Chị Hà để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi không chỉ bởi vẻ hiền dịu, mà còn bởi sự sắc sảo và tinh tế trong từng bài viết của chị. Mỗi tác phẩm của chị đều thể hiện một sự chu đáo, cẩn trọng và đầy tâm huyết. Hoàng Thị Bích Hà là một tác giả đầy nhiệt tâm với một gia tài văn chương đáng nể. Chị đã xuất bản 16 tác phẩm gồm 4 cuốn bình luận văn học, 2 tập truyện ngắn và tùy bút, cùng 10 tập thơ. Ngoài ra, chị còn góp mặt trong nhiều tuyển văn và thơ, khẳng định vị thế của mình trong làng văn học trong và ngoài nước. Trong tập truyện "Bông Cúc Xanh," chị Hà một lần nữa cho chúng ta thấy khả năng văn chương của mình qua những câu chuyện ngắn đầy sâu lắng và ý nghĩa. (Võ Thị Như Mai )
01 Tháng Chín 202412:44 SA(Xem: 1344)
LỜI TÁC GIẢ- Thứ Bảy, ngày 17 tháng 8 năm 2024, đài phát thanh Radio del Poeta CALIDOSCOPIO - Musica y Poesia del Mundo (Âm Nhạc Và Thi Ca Thế Giới) - giới thiệu Thơ của Nguyễn Chí Trung trong chương trình phát sóng từ Mexico và Argentina (tại Tây Ban Nha và Ý vào ngày hôm sau, Chủ Nhật 20.08). Nữ thi sĩ Ana Maria Garrido, giám đốc nghệ thuật của chương trình, đọc một tác phẩm Thơ của NCT, tựa đề là Tam Ca "RỪNG - LÁ - CÂY" :
31 Tháng Tám 202411:53 CH(Xem: 1267)
nhiều hơn tôi tưởng / thơ làm tôi / con mắt dốc ngược vào tóc / búi thi em xõa mềm / hồn cảnh nghiêng sâu huyền mắt thoại
31 Tháng Tám 202411:44 CH(Xem: 1253)
Bụi tro hụt hẫng lời ru / Cho rưng rưng trắng phù du mái đầu / Lá rơi níu hạt mưa ngâu / Ta về níu bóng giàn trầu hóa duyên
31 Tháng Tám 202411:01 CH(Xem: 1169)
Những bài thơ dưới đây được dịch ra tiếng Việt từ cuốn ”100 Poems from the Japanese” của thi sĩ/dịch giả Mỹ Kenneth Rexroth. Trong cuốn này, dịch giả Rexroth đã nắm bắt được rất nhiều bản chất tinh tế của thi ca cổ điển Nhật Bản: chiều sâu của niềm đam mê chừng mực, văn phong sang trọng khắc khổ, và hình tượng phong phú nhưng cô đọng.
31 Tháng Tám 202410:09 CH(Xem: 1152)
Tôi bán đồ trang sức si mạ ở chợ lớn QuI Nhơn gồm kẹp tóc, nơ cài và cả vòng đeo tay cho con gái. Có một thời tôi bán rất đắt hàng kể cả bán sỉ và lẻ. / Trong chợ có một chị làm công cho các quầy hàng bún phở. Chi tên Xíu, chuyên đi bưng bê các tô bún, tô cháo, hoặc là trà đá chanh, sinh tố cho bạn hàng buôn bán trong chợ. Ngày nào chị cũng ngang qua hàng của tôi mà ngắm nhin. Một buổi chiều sau khi xong việc, chị dừng lại hàng tôi và chỉ chiếc vòng mã não Mỹ mà tôi chưng bày trong tủ kính ( hồi thời đó vòng mã não rất quý).