- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

TẢN VĂN NGUYỄN VIỆT THANH

14 Tháng Năm 201510:01 CH(Xem: 30361)



LTS: Lần đầu cộng tác cùng Hợp Lưu, Nguyễn Việt Thanh với lối viết nhẹ nhàng và sâu lắng sẽ đưa chúng ta trở về nông thôn Việt Nam bằng những “Ao làng”, “Nắm lá ngày Đoan ngọ”, và lối đánh bắt cá độc đáo của rất ít người và bây giờ cũng không còn ai sử dụng nữa đó là “Bơi dể”. Chúng tôi trân trọng gởi đến quí văn hữu và độc giả những tản văn của Nguyễn Việt Thanh.

Tạp Chí Hợp Lưu

 


ao lang-bw
AO LÀNG

 

Làng tôi xưa có nhiều ao to lắm nào là Ao Cả, Ao Vua, Ao Đình…  Ao nào cũng rộng tới hàng mẫu.  Riêng Ao Cả còn rộng hơn.  Ao có hình trái soan, chẳng khi nào tát cạn được, họa chăng chỉ có thể kéo lưới để bắt cá.  Lưới chỉ bắt được phần nào, vì thế cá còn lại nhiều.  Các thế hệ cá cứ lưu niên sống ở đây.  Mỗi khi có tin kéo lưới bọn trẻ chúng tôi lai kéo nhau ra xem:  Những con cá mè to bằng chiếc quạt mo; con cá chép có râu,vây cùng đuôi màu đỏ; cá trôi dáng thon vảy nhỏ ánh biếc; cá vền dáng tròn như bàn tay, cái miệng lại bé tí; cá ngão miệng cong há hoác.  Có khi bắt được cả cá măng, loài cá chúa tể trong ao nặng đến ngót chục cân.  Còn biết bao loài cá khác…

Làng xóm xung quanh ao.  Những ngôi nhà tranh xinh xắn nằm nép dưới bóng cây râm mát. Ngày trời trong lặng gió, ao như tấm gương lớn in rõ mồn một ngôi nhà, bóng cây và cả bóng người đi lại trên sân.  Cây cau thân trắng mốc cao vút lại một thân cây nữa in xuống ao tạo thành một góc vuông.  Mùa thu cây bưởi quả chín vàng, vườn chè nở những bông trắng ngà đều nhìn thấy rõ ở mặt nước.  Những cây sung cây vối gốc bám vào bờ còn thân ngả hẳn ra ao.  Quả sung bám đầy cành, đến kỳ sung chín quả đỏ rồi chuyển sang màu đỏ sậm.  Đàn chào mào gọi nhau đến ăn.   Nhiều quả rơi tõm xuống nước.  Một con  trắm đen như cái trục đá nhỏ từ một chốn nào nổi lên khẽ đớp quả rồi lui ngay xuống nước sâu.  Rất nhẹ và kín đáo.  Phải để ý tinh mới thấy.

Rồi những con ba ba thỉnh thoảng nhô đầu lên thở.  Thoáng thấy thoáng không.   Vắng người, chúng bò cả lên vườn để phơi nắng.  Lại  thấy vỏ trứng ba ba ở gốc cây, thì ra trứng đã nở thành con rồi chúng lại xuống ao.  Mọi sự sinh sôi cùng diễn ra một cách lặng lẽ.

Bờ ao nhà nhà đều trồng nhiều cây mai nước.  Thân cây tròn gốc to gần bằng ngón chân cái, thon dài đến một mét.   Chiếc lá bằng bàn tay ở trên ngọn, tựa như lá dong, xanh biếc.  Mỗi khóm có đến năm sáu thân … như những cái cọc cắm xuống dưới nước.  Chúng có nhiệm vụ chắn sóng, giữ bờ ao khỏi bị xói lở.  Quần thể của loài mai nước là nơi trú ngụ của các loài tôm,cua, ốc …  Rồi những đám bèo bám sát đấy nơi sinh sống của loài ếch nhái.  Khi người ta dùng bẫy hoặc câu…  ếch bắt được trong ao thường là ếch to sụ.  Ốc có nhiều loại nào là ốc đá, ốc nứa, ốc vặn… nhưng to nhất vẫn là ốc nhồi.  Sau những cơn mưa đầu thu, ốc nổi lên ăn màu bên cây mai.   Chỉ cần chiếc vợt nhỏ mỗi buổi sáng cũng có thể bắt được hàng chục con ốc nhồi đen chắc.  Có những mùa đông tháng giá chúng  kéo nhau vào những hốc tre mục.  May cho ai phát hiện ra có khi bới được cả hàng rổ.  Ốc nhồi mang về rửa sạch bỏ vào giỏ để nơi gác bếp… đợi đó sang cữ giêng hai làm món ốc nướng chấm muối ớt.  Rồi những trận mưa rào đầu mùa những con cá rô  to vây giương như gai mừng nước lóc lên vườn.  Cứ việc lẳng lặng bước ra nhặt chúng bỏ giỏ.

Buổi chiều mùa hè từ các cầu ao lại vang động tiếng hô hét của trẻ con xuống tắm.  Lớn thì bơi ở ngoài chơi trò ngụp lặn săn đuổi còn bé chỉ quanh quẩn ở mé bờ.   Có đứa còn leo lên cây sung cây vối mà thả người xuống ùm ùm.  Hầu hết trẻ con trong làng đều biết bơi và bơi giỏi.  Ngày trời nắng to thanh niên trai tráng rủ nhau xuống ao mò trai.  Những con trai mập chắc to như hai bàn tay úp.  Trai ấy  nấu cháo cho trẻ con ăn để chữa chứng da nóng kèm đổ mồ hôi trộm.  Hoặc vào cữ cuối tháng ba âm lịch người ta mang dậm xuống ao, có khi ngâm nước đến tận cổ để đánh bắt những mẻ tôm non.  Tôm chỉ to bằng chiếc đòng đòng lúa nhưng trong suốt.  Đây là lứa tôm mới được sinh ra từ khi có hơi ấm mùa xuân.  Cả mẻ tôm dựng trong giỏ tươi ngon nhảy tanh tách.

Từ ao làng tôi cũng học được nhiều kiểu câu.  Nào câu ếch, câu cá quả: mồi tóm bằng con nhái rồi dùng cần câu  có vòng cước đáp ra xa mà kéo.  Câu cá chép cá trôi bằng cơm nghiền nhuyễn với cám mịn nhưng nhất định phải chút khoai lang nướng.  Câu cá rói mồi phải có chút vị thuốc bắc.  Câu cá ngão khi trời bắt đầu có gió heo may.  Phải có cần tre mềm mang theo để đập xuống nước.  Đập nước sao cho tiếng phải gọn mà âm vang thì cá ngão mới đến.  Rồi lối nhử cá rô bằng cào cào đến cả lối câu vui của lũ trẻ nhau là câu tôm càng ở gầm cầu ao bằng cần câu bé tý.

Sản vật trong ao dồi dào, người người đánh bắt nhẹ nhàng, cứ như thể chỉ một chút  thôi.  Và thường theo mùa, mùa nào thì câu con gì đánh bắt con gì, nên ao làng lúc nào cũng như lúc nào biết bao loài cá tôm, cua, ốc… nối tiếp nhau sinh sôi .

Ngày xưa, mỗi khi nắng nóng lại ra bờ ao dưới bóng cây.  Có bữa cơm trưa cả nhà ngồi quây quần bên cầu ao.  Cơm thơm đầu mùa tỏa khói.  Thức ăn nhà quê mộc mạc: có khi là con cua, con cá nấu canh bắt được từ ao.  Dưới ao hơi mát dâng lên.   Vẳng lại tiếng chim cu gáy, tiếng cuốc kêu từ bụi tre cuối xóm…

Các ao làng tôi giờ đây đã san lấp gần hết.  Ao Cả cũng bị thu gọn lại nhiều.  Đặc biệt sự thanh sạch và giàu có từ ao thì không còn nữa.  Đứng trước ao nhớ tiếc, ngậm ngùi...  Liệu có thể khôi phục lại phần nào của ao như ngày trước được không ?

 

Nguyễn Việt Thanh

Tháng 4 / 2015

 

 

 

 

NẮM LÁ NGÀY ĐOAN NGỌ

 

 

Bà ngoại tôi con một cụ lang có tiếng,vì thế di sản mà ngoại tiếp thu được phần nào là những bài thuốc Nam cùng cách làm một số món ăn mang tính chữa bệnh. Đặc biệt hàng năm có nếp quen là hái lá ngày Đoan ngọ.

Những năm tôi mới mười một, mười hai … thì ngoại tôi đã già, người không đi xa được nhưng thủ tục cho ngày Đoan ngọ vẫn do ngoại sắp đặt. Vừa mới hừng đông mọi người trong nhà đã trở dậy và hương cơm rượu nếp ủ men chín tới đã nồng ngọt tỏa thơm. Mỗi người được ăn một bát cùng một số hoa quả trong vườn gọi là để giết sâu bọ. Rồi mọi người tỏa đi lấy các thứ lá do ngoại chỉ định. Phải hái lá trước khi  mặt trời mọc, cây lá ở chỗ không có trâu bò đi, trong khi hái lá đừng để cho người khác biết.  Qua mấy năm tôi đã thuộc lòng các loại lá ấy: lá hương nhu trắng, lá hoắc hương, lá chi chi, lá vối đều có sẵn trong vườn…  còn các lá khác mọc hoang ở vườn miếu Vua Bà.  Tôi nhớ cây bưởi bung thân to bằng bắp chân gần như năm này qua năm khác chẳng lớn lên mấy, lặng lẽ đứng ở bờ giậu.  Cây vọng cách mọc ở mé bờ ao lá lòa xoa chỉ cần với tay là hái được.  Cây duối cổ thụ xanh quanh năm đứng gần bờ tường nơi con cá chép gắn sứ há miệng nhả nước xuống ào ào mỗi khi có trời mưa.  Cạnh đấy là bụi cây dành dành,  dây lạc tiên cùng dây kim ngân leo lên quấn quýt.   Không biết cơ man nào cây cối xay, cây lá gai mọc chen nhau.  Leo trên giậu là cây đùm đũm có gai li ti nhưng phải lựa mà hái.  Mỗi thứ chỉ cần hái hơn chét tay.  Riêng các thứ lá tre,  hoắc hương, hương nhu, lá vối … ngoại dặn lấy nhiều hơn.   Hình như có đến mười năm, mười sáu loại lá.  Tuy mỗi thứ một ít nhưng lượm về để kín một cái nia.  Ngoại tự tay thái các lá bằng dao cầu.  Người  thái lá nhỏ và đều sau đó đem phơi trong bóng râm đợi khô rồi gom vào chiếc giỏ lớn có lót lá chuối khô treo gần gác bếp.

Nhà tôi có một chiếc ấm đồng thau to, vòi ấm làm theo hình mỏ con công.  Mỗi lần nấu nước tôi thường bốc ba bốn nắm lá bỏ vào đun sôi rồi bắc ra mở vung cho nước nguội dần.  Nước lần lượt rót vào các tích sứ để mang theo người làm đồng. Tôi thuộc lòng câu nói của ngoại về nước uống ấy : sinh tân, lợi thấp, thanh thử, tiêu thực…  Thuộc thế thôi nhưng tôi chẳng hiểu gì, chỉ biết rằng những thứ lá của ngày mùng năm tháng năm đã trở thành nước uống cho cả mùa nóng nực.  Mỗi lá có mùi vị riêng nhưng hòa chung lại thành mùi thơm rất riêng.  Mỗi khi nhớ lại trên đầu lưỡi như vẫn còn cảm giác: ngọt, cay, mát …  Một cảm giác mát mẻ thông suốt toàn thân.   Cái mùi thơm đặc trưng ấy làm cho ta bỗng trở nên nhẹ nhõm, thanh thoát giữa nắng hè gay gắt.  Mãi sau này mới có dịp tìm hiểu nghĩa lý của câu nói mà tôi thuộc từ xưa:  Nước uống lá cây ngày Đoan ngọ có tác dụng chống khát, chống say nắng, bổ trợ cho tiêu hóa và loại trừ những ẩm thấp mà người nhà quê chân lấm tay bùn thường hay mắc phải.  Đó là thứ nước uống đã giúp cho người thợ gặt, thợ cày làm viêc sà sã ngoài đồng dưới   nắng  hè chang chang.

 Năm tôi đi học xa cũng là năm ngoại tôi qua đời.  Ngôi miếu cổ làng tôi sau này cũng bị phá.  Các loại lá xưa tôi vẫn còn nhớ nhưng cây hoang dại  phần lớn  giờ đã không còn.  Mỗi khi tháng Năm đến tôi lại nhớ tới khung cảnh gia đình tôi xưa đón tết Đoan ngọ cùng mùi vị của thứ nước uống dân dã mà thanh cao ấy.  Tôi có ý định sẽ đi tìm kiếm lại các giống cây lá … để trồng tại vườn nhà.  Biết là khó khăn lắm, có khi là việc làm của cả thế hệ sau.

 

Nguyễn Việt Thanh


BƠI DỂ

 

Bơi dể là lối đánh bắt cá độc đáo của rất ít người và bây giờ cũng không còn ai sử dụng nữa.  May sao tôi đã gặp được một người từng làm nghề này.  Đó là cụ Lê Văn Khanh hơn 80 tuổi hiện còn sống ở  phố Quý Cao –Nguyên Giáp (Tứ Kỳ),  cụ đã giảng giải một cách tường tận :

Trước hết, phải có con thuyền gỗ dài 27 thước ta tương đương mười một mét, ở giữa rộng một mét, hai đầu thon, phía mũi có phần nhọn hơn.  Thuyền sâu 45 phân phía ngoài sơn màu trắng, bên phải con thuyền chăng lưới.  Người  ngồi ở giữa bơi bằng hai mái chèo gỗ mỏng dài 60 phân.  Bơi dể phải đi vào ban đêm.  Tập tính của  tôm cá là đi ăn đêm bám theo bờ, đầu nó  hướng vào trong.  Thấy động, có vật gì to lớn lắm làm chúng hoảng hồn nhảy lên và hầu hết rơi vào thuyền.  Nếu có nhảy quá thì lại rơi vào lưới ở bên ngoài.  Như vậy cứ dễ dàng mà bắt cá.  Nguyên lý của bơi dể là như vậy.   Nhưng trong nghề có biết bao gian khổ cùng những lý thú …

 Phải đi ở những sông to như sông Văn Úc, sông Luộc …  Cuộc đời bơi dể của cụ Khanh gắn bó nhiều với dòng sông Luộc.  Những năm sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ trước sông Luộc rất lắm cá.  Vả lại, còn phải liên hệ với từng địa phương trên đường đi, gắn bó với các gia đình nơi nghỉ trọ nên đã thành quen.  Với sông Luộc cụ thuộc từng bờ bãi nông sâu.

Bơi dể phải đi theo mùa.  Cứ hết tháng giêng là bắt đầu xuống nước, bơi đến khi có lũ tiểu mãn là lên bờ, bởi nước lũ về chảy mạnh, bơi khó.  Rồi hết nước bội mã tháng bảy lại xuống bơi đến khi có rét đậm thì về.  Dòng sông yên ả nhất là ở mùa xuân, thời tiết cũng ít khi có mưa gió lớn.  Mùa xuân thường đánh được cá mè.  Mùa này có nhiều phù du tụ lại ở cuối hướng gió.  Cá mè về đây ăn màu.  Có lần gặp cá mè nhảy lên cả đàn.  Càng đi càng mê …  Có khi bơi đến tận Cửa Luộc.

 Ngày ngủ đêm đi, lúc làng xóm lên đèn là xuống thuyền.  Trên thuyền phải có bật lửa, điếu cày, con dao, đèn pin, áo mưa, nón …  Khi bơi phải lựa cho đúng khoảng cách:  Mũi thuyền hơi chếch về phía bờ.  Nước lên thì bơi cách bờ độ hơn một mét, nước xuống cho thuyền gần hơn, bơi ở bãi sông cho thuyền gần sát đất.   Mềm khéo là ở đôi tay, chèo phải nhẹ ở bề mặt mà dồn xoáy nước xuống dưới, đẩy vào trong bờ một cách liên tục.  Sao cho cá không thấy thuyền từ xa.  Phải bất ngờ, sao cho cu cậu đang nhẩn nha đi ăn bỗng có một đe đọa sập đến.  Ở trong là bờ đất, ở ngoài lại có vật gì lù lù … theo bản năng cứ thế mà nhảy phứa lên.  Cá sông Luộc thường là cá trôi hoa, mè hoa, chép…  Gặp đàn cá mương túa xúa nhảy lên … không thèm để ý.  Cá  chép ít ra là một cân còn đều đều cỡ hai cân.  Cá trôi hoa tuy nhỏ hơn nhưng thịt thơm ngon  Riêng mè hoa thì to hơn, có lần bắt được con mè chín cân ở Vụng Chung thuộc xã Hà Thanh bây giờ.  Lần khác cũng tại điểm ấy bắt được con vược 15 cân.  Con vược nhảy vào thật gọn kêu đánh bẹt một cái, thuyền nhún xuống. Vội vàng lấy lưới trùm lên rồi nhanh tay luồn dây vào mang qua miệng để xích cá lại, là loại cá to khỏe không nhanh tay mưu trí là hỏng ăn.  Mang cá vược nó sắc như dao, luồn dây không khéo là đứt tay.  Phải dùng loại dây điện bọc nhựa cứng luồn vừa nhanh vừa bền.  Con mè hoa chín cân bữa ấy không to bằng con vược nhưng lại là một ấn tượng khó quên.  Hôm đó, trời tối đen như mực đã đi hơn hai tiếng đồng hồ mà chưa được con nào.  Bỗng một vật gì trắng lóa che lấp tất cả.  Trong tích tắc hoảng hồn ngỡ là ma.  Dẫy dẫy ở lưới, soi đèn:  Chà, một con mè hoa. Cứ đều đều như thế mỗi đêm cũng được từ 15 đến 20 cân cá, nếu gặp đàn cá mè có khi được cả gánh.  Sáng ra cột thuyền vào bãi rồi gánh cá ra chợ bán.

 Một mình trong đêm tối âm thầm bơi men theo dòng sông.  Mới đầu cũng hơi rờn rợn nhưng sau quen dần.  Thuộc sông Luộc như con mương con máng ở đồng nhà. Chỗ nào lở, bồi … là mình nhớ hết. Những đêm trăng sáng mặt sông lấp lánh vàng, gió hây hây mát, xa xa vẳng lại tiếng sáo trúc.  Lời bài hát mình thuộc nhẩm hát theo.  Ai tấu lên bài hát đó ? Những ai cùng nghe đó nhưng chỉ có tôi đây là được nghe trong cảnh trăng nước này. Tiếng sáo ra riết.  Bỗng thấy dòng sông hiền lành thân thương quá đỗi, giá kể cắm sào mà đánh một giấc dưới sông trăng đêm nay thì thú biết mấy.

Nhưng nhiều phen cũng khốn khổ và hoảng hồn.  Có khi nửa đêm gặp cơn giông,  khi ấy phải mau chóng tìm bờ khuất gió mà cắm sào.  Mặt sông trở nên dữ dằn chậm một tý là lật thuyền như chơi.  Thu gọn người lại để tránh mưa rồi liên tục tát nước.   Một mình xoay xở chống chọi với gió mưa.  Những tia chớp rạch trời chói lóa kèm theo là tiếng nổ chát chúa.  Nhìn ra xa làng xóm lặng yên trong mưa.  Hình dung mọi người đang ngon giấc trong những căn nhà ấm áp.  Bỗng thấy mình sao nhỏ nhoi và đơn côi quá.  Chỉ cần một sức mạnh nhỏ cũng đủ nhấn mình xuống khúc sông quạnh quẽ này.  Lại một lần gặp người chết trôi lập lờ đi bên thuyền. Hoảng quá, chỉ còn biết niệm Phật... Rồi tất cả cũng qua đi và hôm nào cũng được cá.  Thật ham.  Lại xuống nước.

Giờ nghĩ lại thấy cái thời ấy thật đáng quý.  Đấy là những năm còn đang chống Mỹ con người thưa vắng hơn bây giờ nhiều. Ai làm gì mặc người nấy. Là người có tiền một mình đi trên sông nước nhưng không có ai để ý.  Chẳng ngại trộm cướp gì. Đến nghỉ ở nhà chủ nào cũng được tạo điều kiện và quý mến.  Con thuyền của mình cột ở ngoài bãi hàng tháng cũng không sao.

Cụ Khanh nói mắt cứ đăm đắm nhìn ra phía sông Luộc.  Tôi hỏi bây giờ còn ai làm nghề này nữa không,cụ bảo nghề này đòi hỏi phải có sức khỏe, lòng kiên trì và cả chút phiêu lưu nữa nên ít người làm, ngày ấy cả vùng này chỉ có vài ba người. Họ khuất cả rồi... tôi cũng đã lên bờ đến ngót ba chục năm nay.

Rồi cụ thở dài :

- Nhưng bây giờ thì sông nước đã khác . Và cái tôm con cá cũng cạn kiệt cả rồi!

 

Nguyễn Việt Thanh

Tháng 4/ 2015
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 202411:17 SA(Xem: 2656)
The fact that Ho Chi Minh proclaimed Vietnamese independence and the formation of the Democratic Republic of Viet Nam [DRVN] on September 2, 1945 did not assure its international recognition. The French—reactionaries and progressive alike— adamantly insisted on the reintegration of Indochina into the French Empire, by force if necessary. Other great powers, for various reasons, independently supported the French reconquest.
23 Tháng Mười 20237:38 CH(Xem: 5573)
Even prior to the termination of the war in Europe in the summer of 1945, the United States and the Soviet Union stood out as the leading Great Powers. The United States emerged as the most powerful and richest nation, envied by the rest of the world due to its economic strength, technological and military power. Meanwhile, the Soviet Union surprised all world strategists with its military might. Despite its heavy losses incurred during the German invasion—1,700 towns and 70,000 villages reportedly destroyed, twenty million lives lost, including 600,000 who starved to death in Leningrad alone, and twenty-five million homeless families—after 1942 the Red Army convincingly destroyed German forces and steadily moved toward Berlin.
31 Tháng Tám 202311:33 CH(Xem: 6546)
Sunday afternoon, September 2, 1945. High on a stage at Cot Co [Flag Pole] park—which was surrounded by a jungle of people, banners, and red flags—a thin, old man with a goatee was introduced. Ho Chi Minh—Ho the Enlightened—Ho the Brightest—a mysterious man who had set off waves of emotion among Ha Noi's inhabitants and inspired countless off-the-record tales ever since the National Salvation [Cuu Quoc], the Viet Minh organ, had announced the first tentative list of the "Viet Minh" government on August 24. It was to take the Vietnamese months, if not years, to find out who exactly Ho Chi Minh was. However, this did not matter, at least not on that afternoon of September 2. The unfamiliar old man — who remarkably did not wear a western suit but only a Chinese type "revolutionary" uniform — immediately caught the people's attention with his historic Declaration of Independence. To begin his declaration, which allegedly bore 15 signatures of his Provisional Government of the Democ
18 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 59804)
R ồi đến cuộc sụp đổ của miền Nam mùa Xuân 1975 và nhiệm kỳ Tổng thống vừa tròn 40 tiếng đồng hồ của Tướng Minh. Lệnh buông súng đầu hàng của Tướng Minh sáng ngày 30/4/1975 khiến nhiều người, vốn chẳng biết nhiều về những diễn biến tại hậu trường sân khấu chính trị, trút mọi trách nhiệm việc “ mất nước ” (sic) lên đầu ông “ hàng Tướng ” này. [Những lời thở than, khóc lóc “ mất nước ” cũng chẳng khác gì việc đồng hoá một chế độ chính trị với “ Tổ Quốc ” trên trình độ hiểu biết chữ Việt!]
15 Tháng Tư 202410:16 SA(Xem: 440)
Vòng Tay Học Trò là tác phẩm tiêu biểu của nữ văn sĩ Nguyễn Thị Hoàng, được đăng nhiều kỳ trên tạp chí Bách Khoa năm 1964. Tác phẩm được công chúng nồng nhiệt đón nhận và theo đó cũng hứng nhiều luồng ý kiến khác nhau, càng làm cho tác phẩm nổi tiếng hơn. Chính vì vậy, từ khi xuất hiện, tác phẩm đã gây được tiếng vang lớn, làm xôn xao dư luận trong giới chuyên môn và công chúng độc giả, Hàng chục năm sau, lúc chúng tôi còn nhỏ, chưa đọc tác phẩm đã thuộc tựa đề vì Vòng Tay Học Trò gắn liền với tên tuổi tác giả. Nói đến Nguyễn Thị Hoàng người ta nhớ đến Vòng Tay Học Trò.
15 Tháng Tư 202410:12 SA(Xem: 848)
đời đã một lần ta có nhau / thời gian sương trắng nhạt phai màu / tóc xanh ngày mộng nào xa ngái / rồi bỗng chìm quên trong mắt sâu
15 Tháng Tư 202410:04 SA(Xem: 803)
Cạn đêm vàng võ mảnh sầu Bạc vương nhánh tóc áo nhàu dung nhan Còn chăng ta với nồng nàn? Đếm xanh xuân rụng vơi tan cuộc người
15 Tháng Tư 20249:48 SA(Xem: 811)
Sài gòn buổi sáng ngồi một mình Cây cao đường vắng phố lặng thinh Người phu quét lá gom từng lá Chiếc lá vàng khô hết nhục vinh
15 Tháng Tư 20248:23 SA(Xem: 735)
Thế nào gọi là tiểu-thuyết-mới (Nouveau Roman). Đó là câu hỏi của những người chuyên viết về tiểu thuyết và những người thường đọc tiểu thuyết. Giữa hậu bán thế kỷ XX; một phong trào văn chương thuộc thế hệ trẻ Pháp như Alain Robbe-Grillet, Michel Butor, Claud Simon, Jacque Derrida, Nathalie Sarraute, Pierre Bourdier…được tung ra giữa “thị trường” văn học thời ấy vào đầu thập niên 1962,cái gọi là Tiểu-Thuyết-Mới, lập tức phong trào nầy được khám phá ngay, không những ở Pháp mà ngay một vài nước khác trên thế giới,Việt Nam ta cũng chịu ảnh hưởng phong trào thời thượng lúc đó, kể cả bộ môn nghệ thuật khác, tuy không rực rở nhưng đã hội nhập được với trào lưu thời bấy giờ…
14 Tháng Tư 202411:29 SA(Xem: 890)
đã tháng tư rồi ... mây vẫn bay nước xuôi dòng cũ … ngày qua ngày đôi khi cứ tưởng là trong mộng một triệu vui buồn cuộc đổi thay *