- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Tháng ngày lưu lạc

01 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 49150)


chieu-_nhn-content

 Chiều - ảnh Nguyễn Hoàng Nam


Tôi nhận công việc làm thợ sơn trong một hãng sửa chữa tàu sông nằm sát bên hồ Michigan. Thực ra tôi chẳng có chút kinh nghiệm nào trong việc này. Sếp tôi, ông Anthony, cứ nhất định là tôi sẽ làm được.

“Dễ thôi mà!” Ông nhìn tôi sau một hồi rồi bảo thế.

Tôi tự hỏi, lẽ nào ông thấy ra bàn tay cầm cọ của tôi, dù chỉ là thứ cầm cọ để sơn mấy chiếc tàu sắt? Thật tình tôi cũng không biết phải trả lời ra sao với ông nữa. Bao nhiêu ý tưởng chuẩn bị cho lúc phỏng vấn bỗng dưng biến mất. Trong thâm tâm, tôi chỉ mong ông nhận tôi vào làm. Nhưng không ngờ mọi thứ lại đơn giản và dễ dàng đến vậy. Nếu chấp nhận công việc này, tôi buộc phải rời căn phòng đang thuê để tìm một chỗ trọ mới. Điều này tôi không thích chút nào. Ở đấy có mấy gia đình người Việt, chẳng phải bà con gì, nhưng gần những người đồng hương dù sao cũng cảm thấy đỡ lẻ loi hơn. Biết đâu họ có thể giúp tôi lúc đau ốm cũng chưa biết chừng. Nhưng nơi ở hiện tại của tôi quá xa chỗ làm, phải tốn hơn một giờ rưỡi và chuyển đến ba lần xe buýt mới tới nơi. Dạo ấy tôi mới qua Mỹ khoảng một năm, vừa thi được bằng lái, nhưng không đủ tiền để mua xe, dù là một chiếc xe cũ. Tôi nghĩ nên thử xem công việc thế nào, trước khi tính đến chuyện thay đổi chỗ ở.

 Ngày đầu tiên đi làm, tôi được Anthony giảng giải về tính chất hóa học của các loại sơn, tỉ lệ pha chế giữa chúng với nhau để tạo ra màu mới, và việc cầm cọ ra sao để sơn được đều, không bị dày nhưng cũng không quá mỏng. Sau phần lý thuyết, Anthony dẫn tôi xuống tầng hầm, chỉ tay vào các khoang sắt rỗng nằm dọc đáy tàu.

“Công việc của anh là sơn những thứ này,” ông nói.

“Thứ này á?…” Tôi thốt lên ngơ ngác.

Tôi muốn kêu Chúa ơi, nhưng kịp nuốt tiếng nói trở lại vào miệng. Nhìn những mảng sắt xám ngắt đến nham nhở, vài chỗ đã bắt đầu hoen rỉ, tôi cảm thấy thất vọng. Trong tưởng tượng của tôi, công việc đáng ra phải khác, thế nhưng nó lại bụi bặm và nhơ nhớp như thế này.

“Nào, bắt đầu thôi anh bạn trẻ,” ông kêu lên.

Anthony cầm một chiếc cọ nhúng vào thùng sơn đã trộn sẵn, xong quẹt lên bề mặt một mảng sắt đã được ai đó làm sạch từ trước.

“Anh nhìn và thử xem. Đúng thế! Phải như thế…”

Tôi làm theo ông. Lúc đầu tôi thấy có chút lúng túng, nhưng sau khi thử qua vài phút tôi quen dần với công việc. Cánh tay cầm cọ của tôi trở nên nhịp nhàng và mềm mại hơn. Đến khi phải sơn phía bên trong các hộp khoang rỗng, Anthony bảo tôi nằm lên một tấm ván có các bánh xe bằng nhựa nhỏ xíu hệt như các con lăn của hệ thống ròng rọc, rồi dùng chân đẩy cả thân hình vào trong. Lúc ấy tôi mới hiểu ra. Sỡ dĩ Anthony muốn nhận tôi vào làm công việc này vì vóc dáng nhỏ thó của tôi. Chỉ những người nhỏ con mới có thể thao tác được dễ dàng trong một khoảng không gian chật hẹp như vậy. Sau một ngày làm việc, Anthony khen tôi không ngớt lời. Ông bảo tôi sơn đẹp và có mắt thẩm mỹ! Tôi nhìn ông, ngao ngán.

“Thế nào, anh thích công việc này chứ?” Ông hỏi tôi lúc sắp tới giờ nghỉ.

Tôi miễn cưỡng gật đầu. Đành vậy. Thật lòng, tôi không lấy gì làm hứng thú với trò sơn phết này. Nhưng nếu không làm, tôi lấy đâu ra tiền để trang trải cho cuộc sống của mình. Hơn nữa, ở đời đâu phải ai cũng có thể tìm được một công việc mà mình ưa thích? Tôi nghĩ cứ tạm thời làm cái công việc chết dẫm này, sau đó hẵng tìm một nghề khác thích hợp hơn. Nhưng tìm việc gì thì tôi chưa biết được. Tôi thì có khả năng gì. Mẹ tôi thường bảo, “Mày giống thằng cha mày. Chỉ giỏi được cái đi lang thang thôi!” Giá mà lang thang cũng là một thứ nghề?

 Tôi tìm đến địa chỉ cho thuê phòng đăng trên báo ở đường Spaulding, trong một thị trấn nhỏ nằm sát ranh giới gữa hai tiểu bang Illinois và Indiana. Đó là ngôi nhà một tầng, mái nhọn, vách ghép bằng gỗ, đứng xiêu quẹo trên nền đất xung quanh mọc đầy cỏ dại. Căn nhà có vẻ như muốn sập tới nơi. Hình như đã lâu lắm nó không được bàn tay nào chăm sóc. Cứ nhìn vẻ hoang phế và cũ kỹ của căn nhà, tôi có cảm tưởng nó được dựng lên từ thời lập quốc. Trông nó thật thảm thương. Thảo nào mà giá phòng lại rẻ vậy. Nhưng lẽ nào mình sẽ sống ở đây chứ? Tôi chậc lưỡi, cứ vào xem bên trong thế nào. Tôi đưa tay bấm nút chuông cửa trong một tâm trạng khá chán chường.

“Anh là ai?” Một giọng nói vang lên sau khe cửa hở.

“Bà Marian, tôi đến để xem phòng.” Tôi đáp.

Một thân hình to lớn hiện ra nơi khung cửa. Đó là một bà già không dễ gì đoán được tuổi, tóc bới gọn phía sau ót, khuôn mặt bà trắng hồng, trong khi da tay lại nhăn nheo. Đặc biệt là đôi mắt sáng trong, và cách bà nhìn tôi hiền lành đến không ngờ.

“Có phải anh là người gọi điện thoại muốn thuê phòng trước đây một ngày?” Bà hỏi, trong khi mắt vẫn không ngừng nhìn tôi dò xét.

“Vâng. Chính tôi.” Tôi cố nặn ra một nụ cười.

“Mời vào!” Nói xong, bà đứng tránh sang một bên để nhường lối đi cho tôi.

Tôi bước vào và đứng lóng ngóng nơi phòng khách. Trên chiếc ghế sofa rách mướp kê ở góc phòng, một con mèo to lớn đang nằm ủ ê, vẻ ngái ngủ. Nó đưa mắt mệt mỏi nhìn người khách trước mặt, chẳng có chút phản ứng nào. Bà Marian bước về phía chiếc bàn nhỏ đặt giữa phòng, đưa tay với lấy chai nước uống một ngụm. Hơi thở bà hỗn hển, khó nhọc.

“Nhà có hai phòng trống, để không từ lúc chồng tôi bỏ đi. Tôi nghĩ tôi có thể kiếm thêm chút ít tiền bằng cách tìm người tử tế để cho thuê…” Bà có lối nói chuyện khá cởi mở. “Tôi hỏi không phải. Anh không làm việc gì phạm pháp chứ?”

“Trước đây thì chưa.” Tôi đáp.

“Ý anh là sao. Thế còn sau này?” Mắt bà mở to nhìn tôi, giọng nói có chút giận dữ.

Tôi nói là bà đã hiểu nhầm. Tôi không phải muốn nói như thế. Thấy tôi lóng nga lóng ngóng, tay cứ không ngừng gãi lên chỏm đầu của mình, ánh mắt bà bỗng dịu lại.

“Xin lỗi, vì phải hỏi anh như vậy. Anh biết đấy. Tôi thì sống một mình nên không muốn rước thêm bất cứ phiền phức nào từ những người ở thuê…”

Tôi nghĩ bà không muốn cho tôi thuê phòng. Có lẽ bà cảm thấy không đáng tin ở những người không phải cùng màu da với mình. Trong một thoáng, tôi muốn bỏ đi để tìm một chỗ trọ khác. Chẳng ai có thể sống được với những bà chủ nhà gàn dở. Chưa chi tôi cảm thấy chán cái nhà rách này thấy mồ. Không hiểu sao tôi cứ đứng nán lại, khó nhọc nói cho bà nghe bằng vốn tiếng Anh ít ỏi của mình. Tôi kể tuồn tuột từ chuyện vượt biên bỏ nước ra đi, đến Mỹ lúc nào, và cả việc tôi vừa được nhận vào làm ở hãng sửa tàu ra sao. Tôi nói bằng tất cả nỗi bực bội của một con người đang bị tổn thương. Bà nhìn tôi ngạc nhiên. Từ trong đôi mắt bà bỗng ánh lên những tia sáng, ấm áp đến lạ lùng. Cái nhìn của bà khiến tôi nhớ đến mẹ mình. Trong một thoáng, tôi bỗng thấy mình muốn khóc.

“Thôi được. Bây giờ tôi đưa anh đi xem phòng. Nhà này vách ngoài tuy hư nát một chút nhưng cây gỗ bên trong còn chắc chắn lắm. Nó không dễ gì sập đâu. Anh đừng lo.”

Bà dẫn tôi qua một hành lang hẹp. Nhà có tất cả ba phòng ngủ, một phòng khách, một gian bếp và một nhà vệ sinh.

“Đây là phòng ngủ của tôi. Trong hai phòng còn lại, anh có thể tùy ý chọn một. Giường nệm đã có sẵn. Nhưng nếu anh muốn mua cái mới thì đó không phải là việc của tôi. Chúng ta dùng bếp và nhà vệ sinh chung. Tôi sẽ dành cho anh một phần trong chiếc tủ lạnh. Giá cả thuê phòng như đã đăng trên báo. Nếu thấy thích, anh có thể dọn vào bất cứ lúc nào.”

Tôi quyết định thuê căn phòng, có thể vì giá cả hợp với túi tiền của tôi. Nhưng cũng có thể tôi đã nhận ra trong ánh mắt bà phảng phất chút tình thương yêu của mẹ tôi chăng?

“Chắc tôi sẽ sơn lại phòng đấy!” Tôi nói với bà.

“Cứ làm, nếu anh thích thế.” Bà đáp.

“Thế khi ông nhà trở về, tôi có phải dọn ra không?” Tôi hỏi bà khi thu xếp lại một chút căn phòng của mình.

“Ông ấy bỏ tôi để chạy theo một ả chỉ đáng tuổi con mình. Tôi đã chờ đợi suốt cả năm nay. Vậy mà ông ấy vẫn chưa một lần trở lại dù chỉ để ghé thăm. Ngay cả điện thoại ông ấy cũng không thèm gọi. Đàn ông ấy mà! Mong gì. Họ quyến rũ thật đấy, nhưng cũng bạc tình bạc nghĩa lắm.”

 Hôm sau tôi ghé vào văn phòng sếp Anthony xin nghỉ làm một hôm để dọn nhà, tiện thể báo tin cho ông về chỗ ở mới. Ông nhìn mảnh giấy ghi địa chỉ và số điện thoại của tôi, vẻ kinh ngạc.

“Ở đây à?” Ông hỏi tôi, giọng như khàn hẳn.

“Sao ạ?” Tôi nói.

Ông bảo không có gì. Ông nói ông biết chỗ ấy. Từ đó đến hãng tốn khoảng mười lăm phút xe buýt thôi. Rồi ông bắt tay và chúc mừng tôi đã tìm được chỗ ở tốt. Tôi hỏi ông biết bà Marian chủ nhà của tôi không. Ông lắc đầu bảo không.

 Tôi ăn tối chung với bà Marian mỗi ngày. Bà làm nhiều thức ăn. Vì không quen đồ Mỹ nên tôi ăn khá ít. Bà bảo tôi thích ăn món gì bà sẽ làm. Tôi nói thích ăn đồ Việt. Bà cười, bảo không biết nấu. Hôm nào cũng vậy, thức ăn thì nhiều nhưng bà không bỏ sót một chút nào.

“Chẳng hiểu sao, từ ngày ông nhà bỏ đi, tôi bỗng ăn nhiều đến thế.” Bà nói như thanh minh với bản thân mình.

Chúng tôi sống với nhau rất vui vẻ. Mỗi sáng bà đều gọi tôi thức dậy đi làm, còn giặt dùm quần áo và dọn cả giường ngủ. Bà chăm sóc tôi như con. Tôi cũng thương bà như người mẹ thứ hai của mình. Lúc rảnh rỗi, tôi giúp bà dọn dẹp, cắt tỉa đám cỏ xung quanh vườn, sơn lại tường nhà. Tôi xem ngôi nhà giống như là của mình vậy.

Một tối, bà Marian đang ngồi trên ghế xem tivi thì người bỗng nghiêng về một phía, rồi cả thân hình nặng nề của bà đổ ập xuống mặt sàn gỗ ở phòng khách. Tôi vội gọi xe cấp cứu đưa bà vào bệnh viện. Bác sĩ nói bà bị tai biến. Tim bà không được khỏe. Cũng may bà được cấp cứu kịp thời nên đã qua cơn nguy hiểm. Nhưng bà phải ở lại bệnh viện ít hôm để theo dõi. Tôi gọi Anthony, xin nghỉ ít ngày để chăm sóc bà. Ông hỏi tôi là bà bị bệnh gì, đang ở bệnh viện nào. Giọng ông có vẻ bối rối và quan tâm hơn mức cần thiết. Tôi đành phải kể cho ông nghe. Hình như ông im lặng đi một lúc, rồi bảo tôi an tâm. Ông còn nói là sẽ cố gắng để tôi được trả lương, xem như tôi đang nghỉ phép.

 Chiều ấy, ông Anthony xuất hiện ở bệnh viện. Tôi nhận ra ông khi ông bước đi trong hành lang, tay ôm một bó hồng đỏ. Tôi nghĩ ông đi thăm một người quen nào đó đang ốm ở đây. Ông hỏi tôi bà Marian thế nào. Tôi bảo, bà ấy đã đỡ nhiều. Nhưng ông làm tôi cảm thấy khá bất ngờ khi đề nghị để ông vào thăm bà. Quả thật, tôi không bao giờ nghĩ ông đến đây chỉ để thăm bà chủ nhà của tôi. Ông đâu có quen biết gì bà Marian?

Bà Marian như run lên khi thấy sếp tôi bước vào phòng. Thật lạ lùng là sau giây phút ngập ngừng, cả hai bỗng ôm hôn nhau thắm thiết. Bà Marian nhìn tôi, nước mắt chảy dài trên mặt, nhưng miệng thì lại cười rạng rỡ.

“Ông ấy đấy! Người đàn ông bạc tình bạc nghĩa tôi đã kể với anh đấy!”

Nhìn họ quấn quýt bên nhau, đột nhiên tôi bỗng thấy buồn. Tôi thuê phòng nhà bà Marian mới được hơn hơn ba tháng nay, vừa yên ổn xong, lẽ nào đã đến lúc phải dọn đi. Tôi đưa mắt nhìn Anthony, trong một thoáng, tôi có cảm giác là mình đã chán ngấy ông rồi.

 

NGUYỄN VĂN

Chicago, 2014.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Tư 20244:07 CH(Xem: 14098)
On the evening of December 21, 1946, the Bach Mai radio resumed its operations somewhere in the province of Ha Dong after a day of silence. One of its broadcasts was Ho Chi Minh’s appeal to the Viets for a war of resistance. He reportedly said: The gang of French colonialists is aiming to reconquer our country. The hour is grave. Let us stand up and unify ourselves, regardless of ideologies, ethnicities [or] religions. You should fight by all means at your disposal. You have to fight with your guns, your pickaxes, your shovels [or] your sticks. You have to save the independence and territorial integrity of our country. The final victory will be ours. Long live independent and indivisible Viet Nam. Long live democracy.
18 Tháng Tư 20256:00 SA(Xem: 336)
Dưới màu hoa, như lửa cháy khát khao / Anh nắm tay em, bước dọc con đường vắng / Chỉ có tiếng ve, trong trưa hè yên tĩnh / Không cho lòng ta yên
16 Tháng Tư 20259:59 CH(Xem: 597)
Em hoa quỳnh nở về đêm / Tôi thằng trộm đứng bờ phên ngập ngừng / Hương một làn bỗng thơm lừng / Tôi hoàn lương chỗ đã từng lưu manh
16 Tháng Tư 20259:16 CH(Xem: 420)
PHIM “ĐỊA ĐẠO” của Đạo diễn BÙI THẠC CHUYÊN “Từ sau 1975 đến nay, Địa đạo Củ Chi được tô vẽ thành một biểu tượng chiến thắng và kích động lòng yêu nước trong nhân dân bằng văn chương, phim ảnh, mô hình, du lịch… nhằm mục đích tuyên truyền; và phim “Địa đạo…” có thể nói là một đỉnh cao của chiến dịch tuyền truyền đó góp phần tạo ra “Huyền thoại Địa đạo” ít có sự thật lịch sử, và đồng thời cũng tạo ra “cơn sốt” truyền thông” ghê gớm, tựa một “huyền thoại truyền thông” chưa từng có trong lịch sử điện ảnh Việt… Có thể nói, đó là điều đáng tiếc đáng kể đối với một bộ phim “bom tấn” được thực hiện nhằm chào mừng ngày 30 tháng 4 và 50 năm Thống nhất Đất nước. Với bộ phim “Địa đạo…”, những điều đáng tiếc nói trên cũng là sự thất vọng cho tài năng của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, đồng thời gửi gắm hy vọng anh sẽ có những sáng tạo nghệ thuật xứng đáng với nguồn lực khổng lồ mà nhân dân và quân đội dành cho những bộ phim lịch sử lớn mà anh đang ấp ủ!” TRẦN KHẢI.
16 Tháng Tư 20255:33 CH(Xem: 517)
Ngày 29 tháng 4, tôi nhờ chú em con bà cô chở ra bến Bạch Đằng, Saigon xem tình hình và thấy rất nhiều tàu kể cả chiếc Việt Nam Thương Tín, Trường Xuân, Tàu Hải Quân, trong số này có một số tàu đánh cá của một công ty Đức, to rộng rãi và bằng sắt đàng hoàng. Trở về nhà, tôi hối Ba đi trước với chú em. Hai chú cháu lọt được vào căn cứ Hải Quân và đi theo họ. Riêng tôi còn lần khân ở lại, hy vọng đến phút chót có thể gặp lại được Quỳnh Hoa, người yêu đầu đời của mình, nhưng phép lạ không xẩy ra.
16 Tháng Tư 20254:33 CH(Xem: 660)
miên man nắng dọi qua đèo / đường sông mấy nhánh hoa leo vào lòng / nhủ thầm đừng có mùa đông / kẻo lưng em đậy kín bưng tóc dài
16 Tháng Tư 20253:38 CH(Xem: 534)
Tuổi đã về chiều. Cải tuổi dần hiểu đời sâu đậm hơn trong tháng ngày còn lại bên đời, để biết mình không còn trẻ nữa và thời gian ngắn dần lại. / Năm ngày trước. Buổi sáng thức dậy tôi bỗng bị choáng váng cả đầu. Có lẽ là do huyết áp tăng sao?/ Tôi cố nhớ, mình đã không ăn thức ăn nhiều đạm và nước chấm mặn quá thì không thể do huyết áp. / Nhưng tôi cũng uống một viên huyết áp, cộng một viên trợ tim, rồi cho rằng mình ổn nên đi ra đường cùng con cháu. Khi về nhà tôi nấu cơm cho các cháu, tôi giặt và phơi đồ rồi lau nhà và bưng chậu, đem hoa đi phơi, đi tưới. Tôi nghĩ chắc sẽ không sao đâu! / Cho đến khi tôi thắp hương lạy Phật thì đầu óc bỗng quay cuồng và tôi té xuống dưới đất bất lực không ngẩng lên được, phải điện thoại cho con gái về. Và nó đưa tôi đi bịnh viện.
16 Tháng Tư 20253:29 CH(Xem: 676)
Tiếng chuông nhà thờ đã chìm sâu vào giấc ngủ / để lại những khoảng trống / đầy vết bụi thời gian / những giọt nước mắt hòa chung dòng máu Thánh nơi đây / giờ chỉ còn rêu xanh phủ kín / mọc từ vết thương xưa
16 Tháng Tư 20252:23 SA(Xem: 572)
Em vẫn đợi hoài, mà chẳng thấy… Thơ của anh . Chắc khó lắm sao ? Người ta bảo : làm….thơ dễ lắm ! Anh làm…đi ! Hãy cố lên nào .
15 Tháng Tư 202511:27 CH(Xem: 582)
Tôi đã trở lại Mỹ vừa tròn một tháng, sau chuyến về thăm quê hương dài ngày. Cưỡi mây lướt gió, tổng cộng hơn 20 tiếng đồng hồ, suốt chặng đường dài nửa vòng trái đất, chỉ một lần chuyển máy bay ở Đài-Bắc, Đài-Loan. Với tuổi đời khá cao, giờ giấc khác biệt, nên tôi cần một thời gian điều chỉnh để sống lại đời bình thường. Quê hương tuy xa rồi nhưng vẫn còn đó. Những ghi nhận, những suy tư, cảm xúc; những tao ngộ khó quên; những ước mong đã thành hiện thực; vẫn còn đây, còn trong trí tưởng, chưa phai mờ. Lòng tôi chất đầy luyến lưu thương nhớ khi rời xa và hòa quyện với những niềm vui khó tả. Đôi lúc tôi tự trách: đã một tháng trôi qua mà đầu óc còn mơ mơ màng màng, mgười bồng bềnh như đi trên mây, ngẩn ngơ ngơ ngẩn; đáng tiếc nhất là chưa ghi lại một dòng chữ nào, chưa đem tâm tình trải dài trên trang giấy.