- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Đây là lần cuối cùng

20 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 43960)
buingockhoi117
  Biệt Tháng Tư / Photo Blackscorpion

Nhớ về bạn cũ

- Đây là lần cuối cùng mình gặp nhau.
Thịnh nói với tôi như thế sau bữa cơm tối thanh đạm tại nhà hắn. Trong khi Hoa dọn chén dĩa xuống để rửa, tôi và người bạn thân từ thời trung học đi ra phòng khách nói chuyện. Khi nói câu đó, Thịnh gật gù đầu, mắt nhìn điếu thuốc kéo một hơi rồi há miệng nhưng không thổi khói thuốc ra mà để nó bay lơ lửng lên mặt rồi lim rim mắt giống như lần nào mười năm về trước. Tôi không hỏi Thịnh tại sao lại thốt ra câu đó. Tôi có cảm tưởng Thịnh muốn giải thích tại sao nhưng có gì chận lại, có gì bắt Thịnh tự kềm chế. Vả lại hỏi làm gì vì lần nào Thịnh nói xong câu bất hủ đó, tôi và Thịnh lại gặp lại nhau trong những trường hợp bất ngờ. Lần này bất ngờ hơn những lần trước. Tôi từ Montana về San Jose vài ngày thăm gia đình trong kỳ nghỉ hè trước khi vội trở lại trường học lớp hè. Từ nơi chỉ lác đác vài khuôn mặt vàng, về đây đi trên những con đường Thứ Nhì, Thứ Tư, Santa Clara ... với những cửa tiệm đồng hương san sát nhau mà lại không biết nhằm lễ gì mà tiệm nào cũng treo cờ vàng ba sọc đỏ và trên con đường này tôi gặp lại Thịnh. Hắn đang đứng ngoài tiệm bánh mì thịt nói chuyện với một nhóm người mặc đồng phục nâu.
 Tôi nhận ra người bạn cũ ngay, không biết vì mình có mắt tinh tế hay vì hắn trông không khác xưa mấy. Thịnh chào mấy người áo nâu xong kéo tôi vào một quán cà phê. Trong khi tôi hớn hở gặp lại bạn cũ ngỡ sẽ không bao giờ gặp lại sau 75 thì Thịnh tỉnh bơ như tôi và hắn đã gặp nhau ngày hôm qua. Nói chuyện một đỗi về những chuyện gì đâu đâu xong Thịnh cho tôi địa chỉ và số điện thoại bảo tối đến ăn cơm, bây giờ có việc phải đi. Tôi hơi thất vọng trước vẻ thiếu nhiệt thành của người bạn cũ nhưng vẫn nói tối sẽ đến.
Tối đó tôi đến nhà Thịnh. Thịnh giới thiệu vợ mình. Hoa nhỏ nhắn, xinh xắn, nói giọng Trung hơi khó nghe. Trong bữa cơm Thịnh mới bắt đầu kể về chuyện hắn từ ngày hắn và tôi gặp nhau lần cuối.
- Hình như là ngày 30 tháng Tư ở bến Bạch Đằng, Thịnh nói.
- Ừ, đúng thế và ông đã nói với tôi “đây là lần cuối cùng mình gặp nhau” khi tôi theo gia đình ông chú lên tàu hải quân đi.
Không đi được, Thịnh cởi bộ quân phục, tìm cách trốn về quê dưới Bình Dương nhưng bị công an bắt cho đi trại tập trung. Sau vài năm hắn được thả. Thịnh về quê sống với cha mẹ, gặp Hoa, cưới Hoa và vài năm sau xin đi Mỹ theo diện HO.
- Chuyện tôi chỉ có thế, Thịnh rót bia ra ly nói tiếp, sang đây tôi không đi học lại được như ông ... đầu óc mình nó lấn cấn sao đó, có cái gì cứ cản không cho mình nghĩ đến việc học.
- Thế còn việc làm?
- Cũng vậy nên chỉ làm mấy cái job nho nhỏ.
Nhìn quanh căn gác xép vợ chồng Thịnh thuê, tôi đánh giá gia đình bạn mình nghèo. May họ không có con nên đỡ xính vính. Tôi hỏi hắn chuyện con cái. Tôi thấy Hoa vội bỏ khăn lau bàn xuống rồi đi vội vào phòng trong.
Đăm chiêu, Thịnh đáp, giọng buồn, môi hơi mím.
- Tụi tôi đẻ được thằng con trai, chết ở quê nhà. Bệnh nặng nhưng vừa là con ngụy quân, cha mẹ là mại bản tài sản bị tịch biên, vừa dưới quê thì làm sao chữa. Khốn! Mang được sang đây thì giờ này nó cũng sáu bảy tuổi.
Bầu không khí chợt nặng nề. Không ai nói tiếp. Những câu hỏi tôi xắp sẵn trong đầu trước khi đến để hỏi Thịnh biến đi đâu hết. Tôi đứng lên kiếu ra về. Ra đến cửa, Thịnh đứng nhìn theo không nói gì nhưng khi tôi mở cửa xe thì hắn chạy lại chộp lấy tay tôi siết chặt, nói giọng nghẹn ngào “Đây là lần cuối cùng mình gặp nhau” xong quay phắt đi thẳng vào nhà đóng cửa lại.
Trên đường lái xe về, tôi thắc mắc về cái giọng nghẹn ngào của Thịnh. Những lần trước khi thốt ra câu đó bạn tôi nói với vẻ nghiêm trọng đến độ như là đóng kịch nhưng làm nghiêm để ra vẻ thật đấy, không đùa đâu, và tôi đã một lần phải bật cười trước cái nét nghiêm kịch của Thịnh. Nhưng lần này tôi đã không cười. Và lần này Thịnh đã thốt ra câu đó hai lần.
Những ngày sau đó bận việc gia đình nên tôi quên phứt là đã nói với Thịnh sẽ trở lại thăm hắn trước khi về lại Montana cho đến hôm trước ngày đi tôi mới sực nhớ. Tôi vội chạy lại nhà Thịnh thì hắn không có nhà. Hoa mở hé cửa nói Thịnh đi đâu cả ngày không biết khi nào về. Tôi định hỏi Hoa về bạn mình nhưng Hoa đã vội đóng cửa.
Hôm sau tôi lên máy bay về lại Billings.

*
Lần gặp lại người bạn cũ sau mười năm thật bất ngờ đó mà tôi ngỡ sẽ không bao giờ thấy lại và thái độ khác lạ của bạn lúc chia tay ám ảnh tôi một thời gian có lẽ khá lâu nếu không có những ngày bận học và kỳ thi giữa khóa. Vài lần tôi lấy điện thoại gọi cho Thịnh nhưng không ai trả lời, hắn không gắn máy nhắn. Một ngày cuối khóa đang ngồi học thi tôi nhận được cú điện thoại bên nhà gọi sang hỏi thăm. Khi em tôi gần gác máy thì tôi nhờ nó lúc nào rảnh ghé nhà Thịnh xem hắn còn ở đó không và nói gọi cho tôi. Vài ngày sau em tôi điện sang nói đã ghé nhà Thịnh nhưng không ai ra mở cửa. Thằng em đoảng cũng chả biết hỏi hàng xóm xem Thịnh và vợ còn ở đó không. Nếu không thì cái câu bất hủ “Đây là lần cuối cùng mình gặp nhau” sẽ đúng và có lẽ chỉ đúng một thời gian vì thể nào tôi và Thịnh sẽ gặp lại nhau như tiền định.
Năm 1964 tôi vào học lớp đệ Thất, bây giờ gọi là lớp sáu, một trường trung học tư thục ở Sài Gòn vì thi trượt mấy trường công lập. Hai năm sau lên đệ Ngũ thì tôi gặp Thịnh. Thịnh từ dưới Bình Dương lên, nơi cha mẹ buôn bán rất khá làm chủ nhà máy. Thịnh tính tình hiền lành, dễ làm thân và học cũng dở như tôi nên hai đứa chơi thân rất nhanh. Giữa năm đệ Tam mấy tuần lễ trước Tết, Thịnh nói sẽ về quê ăn Tết xong ra Giêng trở lại trường. Nói thế nhưng ngày cuối trước khi trường đóng cửa hai tuần, Thịnh nói không chắc sẽ trở lại. Sẵn có con trai về dưới đó gia đình muốn hắn gặp một người con gái ra mắt. Có lẽ ông bà già muốn Thịnh lấy vợ sớm đặng cùng cha quản trị nhà máy. Cha mẹ lớn tuổi, mấy đứa em còn nhỏ, chỉ có Thịnh mới đủ sức đứng ra cáng đáng mọi việc.
Ra ngoài cổng trường, Thịnh nói “Đây là lần cuối cùng mình gặp nhau” xong nhẩy lên xe đạp đạp đi để tôi đứng một mình đó ngẩn ngơ nghĩ về những ngày sau Tết đi học lại không có bạn. Hết Tết trở lại trường, tôi bước vào lớp vừa vui vừa giật mình thấy Thịnh đã ngồi đó. Hắn giải thích “ông già tôi không thích cha con nhỏ đó vì phách lối” nên dẹp chuyện cưới hỏi. Tôi cười cái lo lắng vớ vẩn của mình. Hẳn Thịnh đã đùa với tôi chứ làm gì có chuyện mới học đệ Tam đã lập gia đình.
Tôi và Thịnh học chung chơi chung cùng trường lên đến lớp 12, trước kia là đệ Nhất. Chiến tranh Nam Bắc Quốc Cộng ngày càng khốc liệt. Bộ Quốc Phòng ra lệnh đôn quân để tiếp thêm cho chiến trường. Tôi và Thịnh đậu tú tài nhưng vì lớn hơn tôi hai tuổi đúng vào tuổi đôn quân nên bạn tôi nhận giấy gọi nhập ngũ. Thịnh đạp xe đến nhà tôi, đưa cho tôi xem tờ lệnh gọi trình diện trung tâm 3. Trước hôm Thịnh đi trình diện, hai đứa rủ nhau ra quán cà phê Duyên trên đường Đinh Tiên Hoàng mà tôi và bạn thường đến.
Suốt cả giờ đồng hồ tôi và Thịnh ngồi nhâm nhi cà phê đốt thuốc. Sau cùng Thịnh chợt thốt câu “Đây là lần cuối cùng mình gặp nhau” xong kéo một hơi rồi há miệng nhưng không thổi khói thuốc ra mà để nó bay lơ lửng lên mặt rồi lim rim mắt. Nhìn cái mồm Thịnh há hốc đầu gật gù tôi phải bật cười. Hắn nheo mắt nhìn tôi như thể không hiểu tại sao tôi diễu cợt câu nói đó. Không muốn Thịnh hiểu lầm là tôi đã không thấy sự quan trọng của việc hắn lên đường nhập ngũ, tôi vội giải thích “Làm gì bi đát hoá thế, mai mốt đi phép vài ngày thì mình lại ra đây ngồi chứ có gì”.
Rồi Thịnh đi trình diện và tôi trở lại cuộc sống sinh viên. Tôi vào Luật. Tôi cô đơn vì không quen ai. Tôi nhớ bạn thì ít mà nhớ những ngày tôi và bạn học chung chơi chung thì nhiều. Tôi nhớ những ngày trung học, những ngày tôi xách chiếc Mobilette lại nhà bạn học chung, tối thức khuya pha hai phin cà phê kéo mấy điếu Bastos, nhớ những buổi chiều mưa chở nhau đi xi nê thường trực ngồi cho đến tối, những đêm lành lạnh gần Giáng Sinh dẫn nhau đi tìm bum lậu để lén vào nhẩy … nhiều kỷ niệm. Tại sao mình không ngừng thời gian lại được mà phải tiến tới để mất đi những gì quý báu.
Ngày lại ngày tôi đến trường với một cảm giác mất mát. Tôi nhìn quanh tìm có ai quen để trò chuyện có ai có cảm tình để làm quen. Hình như mọi người ai nấy đã vào nhóm nào và không có nhóm nào còn chỗ cho tôi. Cái cảm giác mất mát lẫn lạc lõng cứ bám lấy tôi, không tha. Tôi mường tượng nếu Thịnh cũng học Luật với mình thì sự thể sẽ ra thế nào, có còn lang thang những nơi thường lai vãng, có còn làm những trò hai đứa thích làm không hay nay là “người lớn” sẽ làm những chuyện khác sẽ đi những nơi khác. Xong tôi tưởng tượng ra hình ảnh Thịnh tại quân trường, tóc cắt ngắn, da xạm nắng, mồ hôi nhễ nhại cầm súng chạy quanh sân băng đồng. Gần một năm sau tôi gặp lại Thịnh bất ngờ.
Thịnh lại tìm tôi tại nhà khi tôi vừa ăn cơm tối xong sắp sửa lên lầu đọc sách.
- Anh Thịnh đến kìa, thằng em tôi ra mở cổng rồi vào nói.
Tụi tôi ra lại quán Duyên. Khá lâu không gặp lại, bạn tôi trông không khác gì hình ảnh tôi mường tượng. Tóc húi cua, da rám nắng, người cứng cỏi, quân phục cổ đeo lon chuẩn úy. Suốt buổi tối ngồi quán Thịnh ít nói chuyện quân ngũ, đúng ra là ít nói, trầm ngầm nhấp cà phê rít thuốc. Sau cùng Thịnh nhìn đồng hồ rồi nói đã đến giờ phải trở vào trại.
- Sáng sớm mai tôi đi trình diện quân đoàn 1. Ông ở lại cố lên lớp khỏi đi lính ... Đây là lần cuối cùng mình gặp nhau.
Tôi nghe có gì buồn trong giọng nói của bạn, tôi không cười được. Với những tin tức hàng ngày về các trận đánh đẫm máu ngoài Trung, tôi có linh cảm đây thật sự là lần cuối cùng gặp Thịnh. Nhìn bạn lên xe phóng đi, tôi cảm thấy một nỗi buồn rười rượi trong lòng. Lần này là vĩnh biệt. Tôi sau cùng đành phải nhận không có gì là vĩnh cửu, những gì của ngày xưa để đi qua, níu kéo vô ích. Nếu có gặp lại bạn cũ chưa hẳn còn như xưa. Những thay đổi thời cuộc thay đổi con người cả trong lẫn ngoài. Và tôi cố gắng quên đi những chuyện xưa, nhìn về tương lai, cố lấy cái bằng cử nhân luật. Tôi chơi thân hơn với những người mà đến nay chỉ hỏi han xã giao, giờ hẹn hò với họ, đi những nơi họ đi, nghe nhạc họ nghe, nói năng theo kiểu họ nói.
1973, tôi leo lên được năm thứ ba Luật, học ngành tư pháp. Tình hình kinh tế khó khăn theo chiến sự khốc liệt. Thấy cha mẹ lo lắng tần tảo làm ăn nuôi mình và lũ em, tôi đâm đầu học quên đi mọi chuyện khác, kể cả Thịnh nhưng dường như người bạn xưa đã không cho tôi quên hắn.
Một tối đi chơi với cô bạn gái mới quen về, tôi thấy Thịnh đã đứng trước cửa nhà chờ. Hai năm không gặp, Thịnh giờ trông khác xưa, gầy ốm hơn, đen hơn. Ngoài ra, cái lon chuẩn úy đã được thay thế bằng hai bông mai vàng. Tôi đưa tay lên chào theo kiểu lính “Chào trung úy”.
Tụi tôi trở ra quán Duyên.
- Ông được thuyên chuyển về đây luôn? Tôi thắc mắc.
- Không, tại tôi bị thương ngoài kia, nhẹ thôi nên được đi nghỉ phép nhưng mai phải trở ra lại.
Tôi hỏi về trường hợp bị thương nhưng Thịnh lắc đầu nói chả có gì để kể. Rồi tôi và Thịnh im lặng như là không ai có gì để kể cho người kia sau mấy năm không gặp. Đúng là thay đổi thời cuộc thay đổi con người. Bức tường vô hình nào giữa tôi và bạn quá cao để lời và ý tưởng không vượt qua được để đến với nhau, quá dầy không đập đổ được. Tôi đứng bên này nhìn xuyên tường qua bên kia thấy một khuôn mặt xa lạ nào. Bạn tôi đó, không phải bạn tôi. Hay vẫn là bạn thưở nào nhưng giờ là của một thế giới khác. Tôi thầm nghĩ câu “Đây là lần cuối cùng mình gặp nhau” là đúng nếu mình nói về tâm tưởng tình cảm và nếu điều đó thật sự đúng thì lần cuối cùng tôi và Thịnh gặp là vào ba năm trước cũng tại nơi này, cái đêm trước khi hắn đi Trung Tâm 3.
Cũng như lần đó, Thịnh nhìn đồng hồ rồi nói phải vào trại vì sáng sớm mai lên máy bay trở ra quân khu 1.
- Ngoài đó đánh dữ lắm. Tôi không biết là ... Thôi, đây là lần cuối cùng mình gặp nhau.
Rồi Thịnh chìa tay ra, lần đầu tiên trong đời tôi và Thịnh bắt tay. Dù nghĩ rằng mình đã mất bạn từ lâu, người bạn của hình ảnh ngày xưa, nhưng nhìn Thịnh từ từ lái xe đi, tôi vẫn cảm thấy buồn rười rượi trong lòng. Lần ra đi này của Thịnh không làm tôi bị giao động như kỳ trước và tôi không còn nghĩ về người bạn nhiều như trước. Cho đến ngày 30 tháng Tư.
Cả gia đình tôi theo lời chú tôi dắt díu nhau ra bến Bạch Đằng lên tàu hải quân đi Phi. Tôi thấy Thịnh đứng đó trong bộ quân phục nhầu nhò dơ bẩn bỏ ngoài quần, đầu trần, hai thay buông thõng. Thịnh nhìn tôi rồi nhìn chiếc tàu. Tôi không biết Thịnh đang nghĩ gì. Muốn tôi giúp hắn lên tàu đi? Nguyền rủa tôi là thằng hèn bỏ chạy? Mặc kệ cha mắng mẹ van, tôi bỏ mọi người chạy lại Thịnh.
- Đi theo tụi này không? Để tôi hỏi chú tôi xem sao. Tôi hổn hển nói.
Nụ cười héo trên môi Thịnh.
- Tôi phải về Bình Dương, đâu bỏ ông bà già và lũ em được. Ông đi đi, nhà đang chờ kìa. Thôi, đây là lần cuối cùng mình gặp nhau.
Rồi Thịnh chìa tay ra. “Đây là lần cuối mình bắt tay nhau”, tôi nghĩ thầm. Trước khi quay đi, tôi thấy cái lon trung úy không còn trên cổ áo Thịnh.
Suốt mấy ngày lênh đênh trên biển, tôi đã nghĩ nhiều về người bạn. Tôi mường tượng ra những cảnh ruồng bắt, đánh đập, thậm chí hành hình. Chưa bao giờ ở với cộng sản một ngày, tôi cố nhớ lại những cảnh trong phim “Chúng tôi muốn sống” và suy diễn ra những gì xảy đến cho Thịnh. Tự nhiên tôi thấy lo vô cùng. Đến Subic Bay, sau những ngày đầu trên đất lạ và trải qua những thủ tục rườm rà, nhà tôi được đưa qua đảo Guam chờ ngày đi Mỹ. Thời gian trên đảo Guam mỗi ngày tôi ra bãi biển nhìn về hướng tây nơi những gì kinh hoàng có thể đang xảy ra cho những người thân còn ở lại trong số đó có Thịnh, tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi hình ảnh cuối cùng của Thịnh đứng trên bến tàu nhìn chiếc chiến hạm rời bến. Thịnh đứng đó thật lâu rồi quay lưng bỏ đi, dáng thất thểu. Không biết khi đó Thịnh đang có cảm giác gì, căm, lo, hãi, nản? Thấy tôi không vui chơi như những lũ thanh niên cùng tuổi, nhởn nhơ hàng ngày dắt nhau đi tắm biển, mẹ tôi biết tôi đang lo nghĩ về Thịnh. Bà nghĩ ra những chuyện bắt tôi làm để quên đi, bắt tôi đi học lớp anh ngữ, làm việc tình nguyện, vân vân.
Chuyển về trại tị nạn trên đất liền, tìm được nhóm bảo trợ, xuất trại, gia đình tôi tái định cư trên miền Bắc nước Mỹ, tuyết phủ. Lạ đất lạ người lạ cảnh, lạ hết, bỡ ngỡ, những lo lắng về người bạn xưa hoàn toàn bị thay thế bởi các lo lắng khác. Rồi Thịnh dần quên lãng đi trong đầu óc tôi. Không chịu được cái lạnh cắt da, cha mẹ tôi dẫn lũ em về bắc Cali. Tôi còn đang học đại học tại đây với học bổng nên đành ở lại học cho hết.

*
Tết Rắn 1989, mùa đông năm nay lạnh ngay cả trên những con phố San Jose. Mặt trời cứ lẩn quẩn sau những cụm mây xám lơ lửng chờ mùa xuân. Tôi cười thầm khi thấy dân chúng khoác jacket, coat, đầu mũ len ngay giữa trưa. Cái lạnh nơi này thấm gì với cái lạnh nơi tôi vừa giã từ về đây sinh sống với gia đình nhưng có lẽ sau một hai năm ở đây tôi cũng sẽ như họ thôi. Tôi bẻ bánh lái cho xe đi vào bãi đậu trước một tiệm phở có tiếng để ăn một tô xong trở về sở.
Giương dù lên che đầu, tôi đi vội đến cửa.
- Chú mua báo cho cháu.
Nhìn sang, tôi thấy một khuôn mặt con gái rất trẻ, chắc chưa đến hai chục. Cô bé mặc áo nâu quần vàng, mái tóc dài xuống bờ vai, một xập báo trên tay. Cô bé chìa ra một tờ mời mọc. Tôi liếc nhanh lên trang bìa, “Phục Quốc”. Lấy tờ năm đô trong túi ra, tôi đưa cho cô bé, cầm lấy tờ báo gập đôi đi vào trong tiệm, tai thoáng nghe “Cám ơn chú” thật nhẹ sau lưng.
Gọi tô phở xong tôi nhìn quanh. Tiệm hôm nay khá đông. Trên vài bàn có tờ báo giống tờ tôi mới mua. Trong một góc phòng ăn, năm sáu thanh niên ăn mặc giống như cô bé bán báo ngoài cửa ngồi tụm với nhau thì thầm nói chuyện. Một người dở tờ báo ra rồi chỉ vào những tấm ảnh đen trắng trên trang. Tôi chợt tò mò xem có gì hay trong tờ báo tôi vừa mới mua năm đô. Trang đầu chạy tít lớn “Lễ truy điệu các phục quốc quân hy sinh vì Tổ quốc”. Tôi lơ đãng mở các trang trong. Những tấm ảnh đen trắng với khuôn mặt của các phục quốc quân tử trận trong nước cùng với vị thủ lãnh của họ. Một cái ảnh đập vào mắt tôi. Trời! Thịnh đó, ảnh Thịnh. Trong ảnh Thịnh trông giống Thịnh lần cuối tôi gặp hắn. Tôi mở mắt thật to nhìn cho kỹ, đọc cái tên dưới tấm ảnh, Nguyễn Quốc Thịnh. Đích thị. Tôi đọc vội sơ qua những cột tin về cuộc đụng độ cuối cùng trong vùng tam biên. Tô phở bưng ra, tôi chợt không thấy đói, không nuốt gì được.
Đặt tiền lên bàn tôi cầm tờ báo đi ra.
Bùi Ngọc Khôi
Thu 2012
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Tư 20241:51 SA(Xem: 8013)
Vô cùng thương tiếc khi được tin: Nhà văn, Sử gia NGUYÊN VŨ - VŨ NGỰ CHIÊU Sinh ngày 6 tháng 10 năm 1942, tại Phụng-Viện-Thượng, Bình-Giang, Hải-Dương, VN. Mệnh chung ngày 19 tháng 4 năm 2024 tại Houston, TX Hoa-Kỳ. Hưởng Thọ 82 tuổi
31 Tháng Tám 202311:33 CH(Xem: 13106)
Sunday afternoon, September 2, 1945. High on a stage at Cot Co [Flag Pole] park—which was surrounded by a jungle of people, banners, and red flags—a thin, old man with a goatee was introduced. Ho Chi Minh—Ho the Enlightened—Ho the Brightest—a mysterious man who had set off waves of emotion among Ha Noi's inhabitants and inspired countless off-the-record tales ever since the National Salvation [Cuu Quoc], the Viet Minh organ, had announced the first tentative list of the "Viet Minh" government on August 24. It was to take the Vietnamese months, if not years, to find out who exactly Ho Chi Minh was. However, this did not matter, at least not on that afternoon of September 2. The unfamiliar old man — who remarkably did not wear a western suit but only a Chinese type "revolutionary" uniform — immediately caught the people's attention with his historic Declaration of Independence. To begin his declaration, which allegedly bore 15 signatures of his Provisional Government of the Democ
10 Tháng Mười 20244:15 SA(Xem: 712)
Tôi trở về Half Moon Bay / Đếm từng con sóng biển / Đếm từng nỗi ưu phiền / Lòng buồn như sương mù / Từ độ ánh trăng tan...
05 Tháng Mười 20244:58 CH(Xem: 1734)
NCT sinh năm 1948 tại Vũng Tàu, cha mẹ là người Hà Nội. Từ đầu những năm 1950er NCT lớn lên ở thành phố Sài Gòn, học tiểu học ở trường Bàn Cờ, trung học ở trường Chu Văn An. Năm 1967 ông từ chối những học bổng của những quốc gia khác, chọn học bổng quốc gia (VNCH) để sang CHLB Đức du học. Tại Viện Đại Học Stuttgart NCT học Triết học và Toán Học & Cơ Học Áp Dụng. Vào thời điểm đó những triết gia Đức có tiếng như Martin Heidegger, Karl Jaspers, hay Ernst Bloch đã hưu trí, ông đã làm luận án tiến sĩ ở Viện Cơ Học & Toán Học Áp Dụng. Ông là sinh viên trẻ nhất xưa nay có bằng Tiến Sĩ Kỹ Sư (Doktor-Ingenieur), vào năm 1977.
02 Tháng Mười 20246:16 CH(Xem: 923)
Chủ nghĩa phê bình văn học thời cổ điển ở phương Đông thường diễn ra trong các hình thức: Bình văn, bình thơ và ca xướng hay ngâm vịnh; trong lúc ở phương Tây thì hình thức khá phổ biến là diễn thuyết và tranh luận. Cái hay của văn chương chỉ trụ vào hình thức diễn đạt một phần; nhưng sự tinh túy lại là cái “thần” nằm trong góc khuất của cảm xúc và tư tưởng. Bởi vậy, khi nói đến những trường hợp xướng văn, bình thơ hay phê bình văn học đã có rất nhiều văn nghệ sĩ Đông Tây như Jacques Prévert, Francoise Sagan, Mark Twain… ở trời Tây hay Tô Đông Pha, Bùi Giáng…
02 Tháng Mười 20245:30 CH(Xem: 1133)
Những bài thơ dưới đây được tuyển dịch từ cuốn ”Một Trăm Bài Thơ Nhật” rất nổi tiếng của thi sĩ-dịch giả Mỹ Kenneth Rexroth với thơ của các thi sĩ Nhật qua nhiều thế kỷ. Trong cuốn này, dịch giả Rexroth đã nắm bắt được rất nhiều tích cách tinh tế của thi ca cổ điển Nhật Bản: chiều sâu của niềm đam mê chừng mực, văn phong sang trọng khắc khổ, và hình tượng phong phú nhưng cô đọng. (- Bạt Xứ)
02 Tháng Mười 20245:12 CH(Xem: 685)
Cách nay hơn chục năm, tôi đã viết: Luân Hoán, người kể chuyện bằng thơ. Tuy nhiên, ngay sau đó tôi đã nhận ra, bài viết chưa thực sự mở ra được hồn cốt, kiến thức và khối lượng sáng tác đồ sộ của ông. Vì vậy, hôm rồi, nhận được tập bản thảo: Nỗi Nhớ Quê Nhà Từ Montreal, do Luân Hoán gửi tặng, dù đang rất bận, tôi cũng dành thời gian đọc ngay. Một cảm xúc khác, Luân Hoán đã để lại trong tôi, khi đọc xong tập thơ dày đến 300 trang này. Thật vậy, Nỗi Nhớ Quê Nhà Từ Montreal như một cuốn hồi ký về tình yêu, cuộc sống chìm vào nỗi nhớ quê nhà được Luân Hoán viết bằng thơ: “càng già càng bớt nhớ nhà?/ quẩn quanh nhớ mỗi cái ta thật nhiều/ nhớ từ thời bé hạt tiêu/ phơi nắng giang gió thả diều, đi rông“ (Trí nhớ về chiều)
02 Tháng Mười 20245:02 CH(Xem: 988)
Chồng tôi bị bạo bệnh qua đời được vài năm thì tôi quyết định bán căn nhà cũ và văn phòng địa ốc của anh ấy để dời đi nơi khác, cố quên đi môt dĩ vãng đau thương. Tôi đã quá mệt mỏi với công việc làm ăn mà xưa kia anh ấy luôn gánh vác những phần nặng nhọc nhất. Chồng tôi là một người hiền hòa, hoạt bát rất lo cho vợ con, cho nên sự ra đi của anh ấy đã mang theo không những một chỗ dựa vững chắc cho mẹ con tôi mà cả linh hồn và thể xác của tôi.
02 Tháng Mười 20244:46 CH(Xem: 1138)
Đối với người xa quê, cứ đồng hương là thân nhau rồi, hà huống lại là nhà văn. Thường các nhà văn rất thích gặp nhau, có thể bàn với nhau những dự định sáng tác, động viên nhau khám phá thi pháp mới. Thân hơn nữa, đọc bản thảo của nhau, góp ý để sửa chữa tác phẩm tốt hơn, hay hơn... Tôi viết rất chậm, ba bốn tháng mới viết được một truyện ngắn. Còn Nguyễn Anh thì ngược lại, chỉ vài tháng đã có tiểu thuyết gáy dày như hòn gạch. Bao giờ viết xong anh cũng in ra, đóng thành tập, có bìa giả như một luận văn tiến sĩ, đưa tôi đọc, nhờ góp ý. Tiểu thuyết của anh là loại tình cảm xã hội nên hấp dẫn, tôi đọc một hai bữa là xong mà không thấy quá vất vả. Mới có mấy năm anh đã có hơn năm mươi đầu sách. Tác phẩm ra ào ạt nhưng anh vẫn chưa nổi tiếng trên văn đàn. Trong giới viết lách chẳng mấy người biết đến Nguyễn Anh.
02 Tháng Mười 20244:38 CH(Xem: 1346)
Như tuổi trẻ của chúng ta, hôm nay / Thứ hoàng hôn oằn mình rực rỡ / Đang chìm dần / Khuất vào nơi biển lạnh. / Bình minh rồi sẽ mọc / Nhưng không thuộc về chúng ta.