- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Vườn Mê 2

20 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 89069)

wvuonme_0_300x179_1Không ai biết cuộc sống của ai đang xáo trộn. Không ai biết ai đang nghĩ gì. Người chồng không bao giờ biết người vợ vừa gối đầu lên tay mình vừa dâm hoan với sếp của ả trong giấc mơ. Gã sếp đô con, bụng cuộn lên những bó cơ và làm tình thì miễn bàn. Người chồng không bao giờ biết âm hộ của ả nóng bừng như muốn nổ tung ra. Mà biết cũng chẳng thể chết ai vì ả là vợ của anh ta.

 Còn người vợ thì một nghìn lần hồ nghi người chồng của mình, kể cả trong những lúc cô ta bấu chặt lấy bờ vai của anh mà gồng mình rướn thật cao. Nhưng cô ta cũng bất lực trong việc moi óc người chồng. Nó không dễ dàng như việc móc trộm chiếc ví của anh ta trong những lúc anh ta say oặt người. Đương nhiên, cô ta sẽ chỉ thấy trong đó có một mớ bao cao su Apple hương táo. Chính điều đó làm cô ta bứt rứt đến điên người. Cô ta căm thù, cô ta... cô ta muốn một cái bao cao su Apple hương táo. Và trong ý nghĩ của ả, một nhân viên văn phòng, trình độ đại học (hoặc sau đại học), ăn mặc chỉn chu, nói năng điềm tĩnh hiển hiện một màn hình lớn kiểu như màn hình của rạp chiếu phim quốc gia chẳng hạn. Trên đó, một người đàn bà trần truồng, hai bầu vú trắng nõn nà, nây nẩy theo nhịp. Người đàn ông đeo một cái bao cao su Apple hương táo. Ả giật mình, ả đê mê. Người đàn bà oằn oại rên rỉ kia là ả, còn gã trai là gã sếp đô con. Tất nhiên, mọi thứ diễn ra trong khi ả đang làm tình với chồng của mình. Họ làm tình với nhau mà không nói một lời nào. Chỉ có một cảm giác nhớp nhớp, những âm thanh nhọp nhẹp như bất cứ một cuộc làm tình nào vẫn diễn ra từ cổ chí kim.

 Hiển nhiên là chúng ta không thể bao giờ biết những người ngoài đường kia đang xáo trộn như thế nào. Tôi phải viện dẫn ra như thế để muốn chứng minh rằng kể cả vợ của tôi không bao giờ biết về tôi. Tôi thấy cô đơn vì điều đó. Và tôi buộc phải viết ra. Tôi cũng chỉ là một kẻ đi ngoài đường đặt trong một hệ qui chiếu người nghĩ điều này là một gã vất vưởng có hàm răng vàng kệch đang ngồi dạng háng ở một quán vỉa hè ruồi nhặng nào đó. Cuộc sống của tôi thay đổi vào hồi 09h30 phút sáng ngày 02/03/2009, khi báo Dantri điện tử đăng tin: “Có một ông lão mấy chục năm đi chôn xác bào thai”. Vẻn vẹn chỉ có thể. Một bài kí chân dung của một thằng cha nào đó, có thể là bịa hoàn toàn hay có thể là bôi vẽ 90% sự thật. Nhưng điều đó không quan trọng. Quan trọng là lúc tôi đọc những dòng chữ ma mãnh ấy, tôi thấy chúng cười khành khạch. Hai mắt tôi lồi ra, căng mọng, những tia máu vằn lên trào ra như thế một con sông mùa lũ đỏ lòm. Và rồi, bùm! Tất cả tối đen, im lặng. Tôi chỉ kịp nghe thấy những tiếng âm âm, vang vang. Hò hét, reo mừng, hoảng hốt, chửi thề, vân vân và vân vân.

 Tôi mở mắt vào một buổi chiều. Tôi thấy nắng nhảy nhót điên loạn ngoài cửa sổ. Lạ thật, chúng nhảy như thế mà tịnh không có một tiếng động nào. Chiều lặng. Một con ruồi lao vù ra phía cửa sổ. Con ruồi đen, nho nhỏ và mất hút. Bất chợt, từ ngoài kia, một cục gì đó, bậu vào cửa sổ. Nó bắt đầu cất tiếng khóc ẽo ợt, the thé, i ỉ. Nó không có mắt, không có miệng, có một ít thịt gồ lên hình cái mũi. hai tay và hai chân nó cứ vêu dài ra quều quào. Một cái bào thai, nhầy nhụa đỏ lòm. Tôi nhăn trán nghĩ ngợi một chút. Và tôi bắt đầu thét.

 Vợ tôi giật bắn người. Đôi mắt của cô ngơ ngác đến tội nghiệp. Tôi nhìn vào đôi mắt của vợ tôi thật lâu. Một đôi mắt đẹp đến kì lạ. Nhưng hỡi ôi, đôi mắt ấy lại đặt trên một khuôn mặt dăn deo những nếp nhăn kín đáo với một một đôi môi không bao giờ khép. Đôi môi lúc nào cũng lẩm nhẩm đủ thứ tiền trên đời. Thành ra đôi mắt ấy bị đặt nhầm chỗ. Tự nhiên, tôi cứ thấy tiếc mãi. Tôi nhìn thật sâu một lần nữa vào đôi mắt của vợ tôi. Bây giờ trong nó là một sự thảng thốt, một nỗi chơ vơ. Tôi nhớ không nhầm thì cách đây đã lâu lắm rồi, ngày chúng tôi còn đang là sinh viên, trong cái buổi chiều quành quạch quái ác, cô ta đợi tôi để thông báo về cái thai đang lớn dần trong bụng, ánh mắt của cô ta nhìn tôi hệt như bây giờ. Tôi mê đắm trong ánh nhìn thảng thốt của ả. Nó đưa tôi về với một thời xa xưa vụng về, nồng nhiệt và thành thật. Nhưng ả thì không cho tôi nhiều thời gian như thế. Nghĩa là vợ của tôi chỉ sững người trong một giây lát. Từ trong khóe mắt của cô ta, nước cứ ầng ậc như suối chảy. Vợ của tôi vui đến phát cuồng dại. Tôi đã mê man cả tuần từ khi đọc xong cái “bài báo lãng xẹt”, đúng như ngôn ngữ của vợ tôi. Tôi nhìn qua vai của vợ thấy đám nắng dừng nhảy nhót, sợ hãi đứng nép vào đám chấn song. Cái bào thai đỏ lòm không rõ hình hài giãy giụa. Bàn tay nhơm nhớp máu mủ cứ huơ huơ trong không khí. Cái miệng của nó há rộng, ngáp ngáp rồi rơi tõm vào một cái hố đen nào đó ở phía sau. Tôi khóc như mưa. Khóc như không có cớ gì để thôi việc khóc lại. Vợ tôi cúi xuống âu yếm ôm tôi vào lòng. Bàn tay của cô vỗ nhẹ nhẹ vào mớ tóc cứng còng của tôi như thể tôi khóc vì cần sự che chở của cô ấy hoặc vì rằng cô chợt ngộ nhận tôi là một đứa con mơ ước của mình. Mặt tôi gục vào bụng của cô ta. Khi tôi hé đôi mắt. Cái bào thai ban nãy đang giãy giụa trong bụng cô ta như thể chỉ cách tôi tấm áo mỏng. Tôi còn nhìn rõ đến độ thấy giữa hai khe đùi của nó mới nhu nhú một cái mầm nho nhỏ. Cái bào thai không khóc, không giãy giụa nữa chỉ có cái miệng của nó cứ há rộng ra ngớp liên hồi như một con cá sắp chết trong chậu. Thật may nó không nhìn thấy tôi vì đơn giản nó chưa có mắt. Tôi câm lặng nhìn cái bào thai và thật khốn nạn, sao nó giống tôi thế này.

 Bạn là một người từng đi rất nhiều. Bởi bạn là nhà báo, bạn là nhà văn, bạn là nhà kinh doanh hay đơn giản bạn là một người phong lưu ưa thích cuộc sống đó đây. Bạn đang sống trong một thành phố đông đúc như một kẻ du thủ du thực (vì bạn phải thuê một căn phòng ổ chuột, vì bạn viết lách nghiệp dư, vì bạn hay mặc quần đùi đi lang thang khắp các vỉa hè...). Thành phố của bạn tươi đẹp vì có nhiều cây xanh (có điều thi thoảng bạn buồn phát khóc vào những buổi sáng đọc báo Vietnamnet đưa tin 2 thằng đầu xanh đỏ đêm qua đã chặt vội một cây sữa non). Thành phố của bạn có nhiều hồ nước và dòng sông (có điều bạn luôn thắc mắc vì những cái lỗ cống nhỏ hai bên dòng sông Tô Lịch). Thành phố của bạn nhiều ăn xin nhất thế giới, nhiều lỗ cống nhất thế giới, nhiều “anh hùng núp” nhất thế giới, nhiều cave nhất thế giới, nhiều đội trật tự phường nhất thế giới, nhiều thứ nhiều nhất thế giới. Đó là lí do bạn phải đi. Bạn yêu cảm giác nằm yên vị trong một ô hộp phía đuôi ô tô biết nhường nào. Bạn cứ nằm và thành phố bất lực buông xuôi cho bạn. Khi thoát nạn, bạn nhảy chồm lên, áp cả mặt vào tấm kính sau để nhìn. Nhìn một con chó mặc áo com lê đi xe hơi thành thạo. Nhìn một con lợn tô son trát phấn, bự mông phóng xe ga như một quí bà. Nhìn một con ve màu xanh đang quét rác. Nhìn một con cá mắm gánh hàng rong cắm cổ chạy khỏi lũ chó ngao ngồi trên xe tải Vinaxuki 1,5 tấn. Và bạn cố nhoai người nhìn mãi như tìm một đồng loại nào đó. Khuôn mặt bạn tràn trề thất vọng. Mắt bạn sáng lên. Bạn vẫy tay. Bạn gào. Một người quen. Xa lắm rồi. Thành phố xa lắm rồi. Người ấy rồi quay mặt lại mỉm cười với bạn. Bạn ngã vật xuống sàn xe tru lên một hồi dài. Con khỉ nhăn nhở cười xé toang tấm áo blu trắng. Bỗng dưng, bạn thấy cô đơn quá. Thành phố mùa này vắng những cơn mưa.

 Bạn đã bao giờ nhìn thật kĩ vào cánh tay của mình, soi gương để nhìn khuôn mặt của mình, nhìn những lông tơ lốm đốm trên da. Nếu bạn không nhìn được tim mình thì đến đại học Y Hà Nội để nhìn quả tim đồng loại ngâm trong cồn 90 độ. Nếu bạn không nhìn được óc của mình thì hãy kiên nhẫn đợi ở một ngã tư để nhìn óc của đồng loại phọt tung tóe bám đầy các thanh nan can (cứ kiên nhẫn là được vì theo thống kê của Bộ giao thông vận tải, năm 2008 ở Việt Nam số vụ tai nạn giao thông đường bộ là 12163 vụ, chết 11318 người, bị thương 7785 người...Nguồn: Nhân Dân). Nếu chưa từng, bạn chớ có dại mà làm như thế. Vì bạn rất thích “óc trần ngải cứu”, “các loại mắt luộc chấm chanh ớt”, “ngẩu pín”, “rượu tiết dê”...vv. Bạn sẽ thấy ghê miệng một chút. Tanh quá. Nhớt nhát quá. Khai quá. Lợm giọng quá. Thế là bạn sẽ mất ngon. Người ta thì thầm bàn tán: “Trần Tiến dạo này dở người rồi. Không! Điên thì có. Thằng cha này bố láo...”. Cũng phải, ai lại hát: Hà Nội cái gì cũng rẻ, chỉ có đắt nhất tình người thôi...

 Chiếc xe đi mất hút vào một con đường lởm khởm, hai bên bờ là những ô, những ụ, những hang chuột đào dở, những vạt sim tím gục xuống vì khát nước. Chiếc xe lao qua những đoạn rừng xưa u tịch. Nhìn cả cây số chỉ thấy những cây cao su trầm ngâm buồn hoe hoắt. Chiếc xe lại chồm mình vụt qua một con dốc cao để lao nhanh xuống. Gió vi vu. Cánh đồng xanh ngắt. Xanh ngăn ngắt. Xanh như thể xanh...xanh...xanh. Có những thằng cha viết lách nửa mùa tả cái xe biết buồn, biết vui, biết mê đắm với những con đường quê hương giàu đẹp. Những cái xe ấy có tâm hồn như một chàng nghệ sĩ, lướt nhẹ trên đường như thể sẽ đi gặp một nàng công chúa ở đằng xa kia. Nếu bạn gặp những thằng cha từng viết những câu văn hổ lốn như thế bạn hãy tặng một đấm thẳng vào mặt chúng. Vì rằng bạn là một người từng đi rất nhiều. Đi mưu sinh. Đi trốn chạy. Bạn biết chiếc xe chỉ là một thằng đồ tể ngu độn nhất nếu không muốn nói nó là một cục sắt vụn han rỉ. Trong cái khoang ô tô phía sau của bạn, bạn đã nếm đủ cảm giác của một sự hoang lạnh, một sự cô đơn, một sự hồ nghi con người đến cùng cực. Người ta bảo ở Việt Nam yên bình lắm, con người ta sống với nhau ôn hòa lắm. Eo ôi, mấy cái nước ngoài động tí là thảm sát. Bạn thừa biết là nếu như những khi trong thùng xe. Xe cứ chạy. Bạn dáo dác nhìn ra ngoài. Bạn sẽ ước có ngay một khẩu súng để lia vào những vật thể bầy nhầy ngoài kia. Bạn căm thù con người. Bạn sợ hãi. Chúng sẽ bảo bạn bệnh hoạn. Còn bạn cứ lảm nhảm những câu không ai nghe rõ. Đại thể là những con lợn ăn phân thì không bao giờ chết.

 Trong khi chiếc xe chở bạn cứ lao vun vút trên một con đường xa lạ mà bạn cũng không biết thì ở đâu đó một ngã tư thành phố, “anh hùng Núp” vẫn làm nhiệm vụ:

 Toét...toét...tuýt...uyyyyyyyyyyyyy! Bắt lấy nó, túm lấy. Chặn lại. Nhanh lên. Mất mẹ rồi!

 Ông ơi! lòi cái mông ra rồi. Đồ con lợn. Cái cây to như thế mà vẫn hở sờ sờ thế kia.

 Á...À! mấy? hai tờ à? đưa xe về đồn!

 Mấy? bốn tờ à? Lần sau đi thì nhìn cho cẩn thận!

 Núp vào nhanh lên. Một mụ già quên nhìn đèn đỏ. Hẹ hẹ.

 Cùng buổi sáng đó, trên tờ Viettimes, bài báo của bạn được đăng trang nhất. Đọc cũng được nên cho luôn vào mọi người thích thì đọc (không thích có thể bỏ qua vì không ảnh hưởng nội dung đoạn sau):

 

Có phải người phụ nữ nào cũng có ngày 8/3?

 

Người phụ nữ quí phái ngồi trên một chiếc xe ga đắt tiền đang lật từng xấp hoa tươi, kì kèo thêm bớt. Cuối cùng, khi đã chọn được một bó hoa ưng ý, người phụ nữ hớn hở phóng xe mất hút vào dòng người tấp nập. Người đàn ông với tay qua ô kính xe hơi hờ hững nhận bó hoa không thèm mặc cả. Và cuối cùng, người phụ nữ lam lũ cẩn thận gấp lại từng đồng tiên lẻ trước khi khẽ khàng bỏ vào túi. Gánh hàng hoa lại lặng lẽ lẫn vào buổi chiều. Ngày mai là ngày 8/3. Và tôi bỗng thấy chạnh lòng. Liệu có phải người phụ nữ nào cũng có ngày 8/3?

Dọc đường Nguyễn Trãi – Thanh Xuân, ngày nào cũng diễn ra cám cảnh đội trật tự phường vất vả “đuổi bắt” những người phụ nữ quê mùa tranh thủ lúc tan tầm bày bán hoa tươi bên vỉa hè. Ngay cả buổi sáng ngày hôm nay cũng vậy, những cuộc đuổi bắt diễn ra như chuyện thường ngày. Vừa ôm thúng hoa trước ngực, hai mắt vẫn đảo khắp xung quanh, người phụ nữ vừa qua cuộc đuổi bắt ấy hổn hển chia sẻ với tôi: “Hôm nay ngày 8/3, hoa tươi bán chạy và được giá hơn ngày thường nên chị em trồng hoa chúng tôi tranh thủ bán sớm. Chắc biết như vậy nên đội trật từ lượn qua lượn lại mấy lần liền”.

Nhìn chị và những người bạn tất bật bán hàng, không ngơi cảnh giác, tôi có cảm giác họ đã quên ngày 8/3 cũng là ngày của chính họ. Những bông hoa hồng tự tay họ trồng ra, tự tay họ bày bán thì hình như lại không phải thuộc về họ. Và những cán bộ trong đội trật tự phường vẫn mẫn cán hoàn thành công việc của mình mà quên mất hôm nay là ngày 8/3.

 Cùng chịu chung cảnh ngộ với những người phụ nữ bán hoa tươi, “chợ người” tại đầu cầu Trắng, Hà Đông vẫn tấp nập chị em. Với họ, ngày 8/3 hay bất cứ ngày nào đi nữa cũng chỉ là sự phấp phỏng chờ đợi may mắn. chị Lê Thu T, Ý Yên – Nam Định tâm sự: “Năm nay đứa lớn của tôi thi đại học mà tôi chưa biết xoay sở thế nào. Ở quê hết việc, ra đây cũng bấp bênh lắm”. Khi được hỏi chị có biết hôm nay là ngày 8/3 không? Chị thở dài: “Với chúng tôi ngày nào mà chả như ngày nào”.

 Mặc dù lệnh cấm bán hàng rong trên nhiều tuyến phố ở thủ đô đã được ban hành nhưng hầu như ở khắp nơi chúng ta đều bắt gặp bóng dáng các cô, các chị dưới tấm nón lá thấp thoáng đâu đó. Hầu hết họ là những người ngoại tỉnh đổ về Hà Nội kiếm tiền nuôi con ăn học. Gánh hàng rong của họ có cả trăm thứ: dăm cân hoa quả, vài bó hoa tươi, ít hàng xén... Trò chuyện với chúng tôi, một nhóm các chị bán hàng rong vẫn vui vẻ cười đùa: “8/3 chỉ có cho các bà giàu có thôi chứ những hôm nào ế hàng còn đầy hoa chẳng là ngày 8/3 của bọn em là gì”. Các cô lại khúc khích cười nghiêng ngả mà sao trong sâu đôi mắt vẫn ánh lên nỗi buồn vời vợi. Trong số ấy, có một cô còn rất trẻ, hình như mới ngoài tuổi đôi mươi.

 Ngày 8/3 không về đến từng góc phố...

 Chẳng phải riêng mồng 8/3 mà đêm nào cũng thế, những tiếng chổi tre đều đặn lùa vào từng ngõ ngách phố phường trong đêm khuya. Những chị lao công lặng lẽ với công việc của mình dọn sạch những bó hoa vứt chỏng trơ bên vỉa hè hay dưới những rãnh nước.

 Tôi đã phải chờ họ rất lâu cho đến khi công việc của họ kết thúc thì đồng hồ đã chỉ sang ngày 8/3 từ bao giờ. Một chút thảnh thơi của cuối ngày làm việc, một chị lao công ngồi bệt xuống vỉa hè đường Nguyễn Trãi: “Đêm nay còn đỡ chứ đêm mai các cô cậu yêu nhau tặng hoa rồi buổi khuya vứt bừa bãi đầy đường. Chúng tôi lại tha hồ mà quét chứ vui gì ngày 8/3”. Một ngày 8/3 của chị có niềm vui gì không? Chị ngồi lặng im một lát rồi không trả lời tôi, chị đứng dậy quét dọn nốt quãng đường cuối cùng.

 Thấy vậy, người đồng nghiệp của chị ghé tai nói nhỏ với tôi: “Chị ấy năm nay đã ngoài 40 tuổi mà đã có chồng con gì đâu”. Tôi chợt thấy có lỗi vô cùng vì tôi cứ nghĩ rằng người phụ nữ nào cũng có một ngày 8/3 cho riêng mình.

 Ai đó cứ bảo phố phường về đêm tĩnh và vắng vẻ lắm. Nhưng nếu để ý kĩ thì hình như là không phải. Lượn xe một vòng khắp các con đường, đâu đâu cũng thấy thấp thoáng bóng dáng cần mẫn của các chị lao công. Họ đang ngồi tụm lại với nhau trò chuyện về gia đình, về công việc hay về muôn thứ nhỏ nhặt của cuộc sống. Nụ cười đôi lúc bật lên ròn tan và trong trẻo. Bởi chính họ, chính các cô, các chị lao công là những người đầu tiên đón nhận thời khắc của một ngày 8/3. Và cũng chính họ là những người làm công việc “hậu 8/3” vào buổi đêm ngày hôm sau. Chỉ có điều liệu họ thực sự có một ngày 8/3 theo đúng nghĩa hay không? Điều này chúng ta vẫn thường không để ý.

(Nguồn Viettimes ngày 08/03/2009)”

 

Bạn nằm rũ xuống chiếc ghế duy nhất trong khoang cuối. Tấm kính màu đen cố tình ngăn bạn với thế giới. Bạn rón rén ngồi dậy, mắt đảo xung quanh. Bạn nhẹ nhàng quì lên tấm nệm, đặt hai đấm tay lên tấm kính phía sau. Xe lao đi vút vút. Bạn cảm giác mình bị móc vào lưng lôi giật phăng về phía sau. Bạn giật mình nhớ về cảnh thịt lợn móc ngày bé ở quê. Bạn sẽ dậy rất sớm, thậm chí bạn sẽ dặn đi dặn lại bà của bạn gọi bạn dậy vào sáng mai trước khi đi ngủ. Bạn sẽ lựa một chỗ ở góc sân ngồi bó gối quan sát. Con lợn mẹ đang có chửa bị lôi xềnh xệch ra sân. Người đồ tể có một cái móc chữ S bằng sắt to như ngón tay. Ông ta cắm vào cuống họng con lợn mà lôi. Đương nhiên là như thế. Bạn ngồi đó thản nhiên như một chuyện thường ngày ở xóm. Con lợn mẹ cào những móng chân xuống sân bất lực. Mắt nó đảo láo liên, hoảng hốt như ngày người yêu của bạn thông báo đã có chửa. Tim bạn đau thắt lại như một sự tự trừng phạt cho cái liên tưởng điên rồ mà hợp lí. Người đồ tể vật con lợn bụng đã chạm đất xuống tấm ván là phên cửa bố bạn nhanh tay dựng sẵn. oỌc...oc..oc...ooooooo...Con dao nhọn thọc vào sâu cuống họng con vật khốn nạn. Nó hộc lên. Nhưng thật lạ, nó không kêu eng éc như những con lợn khác. Nó chậm chạp ngẩng cái mõm bè bè nhìn khắp lượt. Đôi mắt của nó chỉ còn một chút lòng đen. Nó nhìn nhanh như muốn nhận diện tất cả những kẻ đang ngồi đây. Theo phản xạ tự nhiên, bạn nép sát mình vào bóng tối. Bạn sợ hãi một con lợn sắp chết. Thật là nực cười. Nhưng thực sự là như vậy. Bạn sợ vô cùng. Thế mà con lợn có lẽ đã nhìn thấy bạn. Gã đồ tể móc trong bụng con lợn mẹ ra một đoạn tràng dài. Gã mổ phanh ra rồi vứt bồm bộp từng con lợn con đã thành hình vào một cái làn cói. Cứ thể gã cười. Bố của bạn cũng cười. Hai hàm răng vàng khói thuốc nhưng khuôn mặt giãn ra như vừa được thỏa mãn. Lần đầu tiên bạn thấy căm thù con người có lẽ là căm thù tên đồ tể và chính bố của bạn. Từ cái làn cói, máu cứ chảy ra mãi không hết. Một thứ máu loãng nhưng tanh vô cùng. Sau này lúc chờ người yêu ở ngoài phòng nạo thai bạn mới chợt hiểu tại sao ngày xưa con lợn không kêu eng éc.

 Những câu chuyện ất ơ như thế mà nhiều khi làm bạn bải hoải vô cùng, ngán ngẩm vô cùng.

 Chưa bao giờ bạn muốn chiếc xe dừng lại. Hay nói đúng hơn bạn sợ hãi cảm giác phải đứng trên đất bằng đôi chân của chính mình, phải nhìn ra xung quanh bằng đôi mắt của chính mình. Bạn không biết rằng bạn rất ích kỉ và ngu dốt. Bạn đang mượn đôi chân và đôi mắt của người lái xe. Có nghĩa là gánh nặng trên vai anh ta gấp hai lần. Nhưng bạn thừa biết rằng anh ta có thể đang buồn ngủ. Anh ta có thể đang bị cáu vì cả tuần ngồi trên xe mà không được làm tình. Anh ta có thể bị nghiện lắm chứ. Hay thậm chí hắn đã bị HIV. Đừng bao giờ nghe hắn thanh minh. Bạn có thấy mình ngu dốt khi giao cả tính mạng của mình cho một thằng đã si đa không? Nhưng bạn vẫn làm thế.

 Bạn bảo vợ của bạn là bạn cần đi xa. Vợ hỏi để làm gì. Bạn không trả lời (vì bạn không biết nên bạn không trả lời). Vợ hỏi đi bao lâu. Bạn không trả lời ( vì bạn lại không biết). Cuối cùng vợ bạn không hỏi gì nữa. Bạn thấy chống chếnh. Bạn ngồi xuống ghế để giấu những điều đó với vợ. Chiều vợ bạn dặn:

- Trước khi về gọi điện báo trước cho em.

 Bạn kín đáo giở ví ra xem thấy thiếu một cái bao cao su apple hương táo. Bạn thở phào nhẹ nhõm gật đầu. Vợ bạn cười hở cả lợi. Răng trắng bóng đều tăm tắp. Hai bầu ngực căng lên trông thấy. Có chúa mới biết trong đầu ả đang nghĩ gì.

 Bạn thấy đau đầu và chóng mặt. Những triệu chứng thông thường của say xe. Bạn uể oải nằm vật xuống ghế. Hai mắt của bạn đã hoa lên. Bạn có cảm tưởng xe chòng chành, chao đảo. Bạn lại thấy nóc xe cứ lộn ngược xuống. Nhưng thật kinh khủng, từ trần xe sùi ra những ụ, những cục. Chúng cứ lớn dần lên. Trời ơi, có cái gì bên trong chúng đang quẫy đạp. Bạn nhìn rõ cả từng tia máu hằn ra lớp màng cũng đang chuyển động. Xe ngày càng lắc lư. Những cái ụ đầu tiên đang rung ầm ầm. Người bạn co rúm lại. Chúng nổ bùm bùm như pháo hoa. Một chất nhờn đầy máu bắn tung tóe. Những cái thai non không mắt, không miệng bò lổm ngỏm khắp khoang xe của bạn. Bạn quẫy đạp nhưng vô ích. Bạn gào nhưng không ai nghe thấy. Người bạn ngập ngụa. Máu và chất nhầy ngập dần trong khi bạn vẫn bị ghim chặt xuống ghế. Cho đến khi đám bầy nhầy xộc vào mũi của bạn. Bạn thấy mùi máu loãng tanh tưởi khủng khiếp. Bạn nhớ đến con lợn mẹ và thở dài: “Thế là hết”. Trong cơn mê man, bạn vẫn thấy vợ mình đang cào cấu hai bầu vú. Ả thở dốc như vô cùng thỏa mãn với chiếc bao cao su apple hương táo.

 Chiếc xe dừng chân ở một thành phố. Nó rón rén nép vào một vỉa hè. Bạn uể oải chống hai tay xuống tấm nệm ngồi dậy. Bên ngoài tấm kính, những dòng người lặng lẽ đi qua. Bạn cố gắng tìm kiếm một chút cảm xúc trên mặt họ. Nhưng không có. Đôi mắt con người ở thành phố này không ngập đầy nhục vọng như thành phố của bạn, không ảo não thê lương như vùng quê của bạn. Nó trong vắt, vô hồn. Nó thánh thiện. Đoàn người đi qua mà bạn không tài nào tìm được một điểm để phân biệt. Họ đi như một đoàn tín đồ hành hương. Cơn đau đầu vẫn chưa dứt. Bạn đưa tay vuốt thật mạnh mặt mình. Cảm giác những đám bầy nhầy bị gạt phăng xuống đất. Mặt của bạn thoáng và nhẹ nhõm. Thế giới của bạn là ô hộp đuôi xe. Bạn tự cách li mình trong đó. Thành phố chạy ào ào qua bạn. Bạn mệt mỏi tự đỡ mình nằm xuống ghế. Nắng hắt vào thành xe đỏ quạch. Quá cô liêu.

 Đã rất lâu thì phải. Bạn có cảm giác mình đã ngủ rất sâu, một cơn mê man kéo dài. Trong giấc mơ của mình, bạn nhìn thấy chính bạn. Thấy bạn được sinh ra, được cắt rốn, được bú mẹ. Bạn thấy bạn ngủ trong một đống tã vá víu chằng chịt nhưng khuôn mặt đẹp như một tiên đồng. Rồi bạn chạy nhảy, bạn nô đùa với những đứa bé trong làng. Bạn nhìn thấy những khái niệm niên thiếu, tuổi thơ đuổi nhau chạy qua mắt bạn. Bạn gặp lại những bà cụ tóc bạc đã chết từ rất lâu. Họ chống gậy chậm rãi đi dọc con đường làng lặng lẽ như cổ tích. Bạn gặp lại một thằng bạn chăn trâu thủa nào. Hai người mững rỡ tay bắt mặt mừng. Nhưng đột nhiên vợ của bạn từ đâu xuất hiện lao đến chỗ hai người. Quần áo của ả xộc xệch như vừa qua một cuộc vật lộn. Ả khóc tru tréo từ xa. Nước mắt chảy thành một con lạch nhỏ. Những con cá rô đồng đen trũi giật mình tưởng mưa rào mùa hạ rạch lên hàng đàn như chảy hội. Gã bạn thủa chăn trâu của bạn bất ngờ ru bạn ngã ngửa lao đến bắt đàn cá rô. Vừa kịp lúc ả vợ nhảy bổ lên người bạn giật áo ngực xỉa xói:

- Sao anh lừa tôi? Sao anh giết tôi? Anh là thằng khốn nạn, thằng khốn nạn, khốn nạn

 Bạn ngơ ngác không hiểu chuyện gì. Mắt của ả long sòng sọc, lạnh lẽo như mắt người chết đuối.

- Chính anh đã cố tình làm rách cái bao cao su. Chính anh. Ả buông bạn ra ngồi ôm gối khóc ti tỉ.

 Cũng phải. Thời buổi này chỗ nào chả có si đa. Bạn ngửa cổ lên cười hồng hộc. Lúc nhìn xuống không thấy ả đâu mà chỉ thấy một cái bào thai đỏ lòm không mắt, không miệng đang giãy giụa quằn quại dưới đất. Bạn hoảng hốt nhìn ra rãnh nước thấy gã bạn của bạn đang bị con cá rô đực nhồm nhoàm xé từng miếng thịt. Máu tươi theo nước chảy xuống đỏ một góc ao. Một đàn cá rô bên dưới đang tưng bừng nhảy múa. Bạn thét lên rồi lao đầu xuống ao. Thấy nước từ từ rỉ qua kẽ lưng lạnh buốt. Lúc bạn tỉnh dậy ngoài kia đang mưa. Nước lăn dài trên tấm kính. Mỗi một hạt mưa có một con ngươi trong suốt. Mưa đã tràn qua kẽ cửa thấm ướt lưng áo của bạn.

 Bạn nhìn thấy một cô gái ngồi co ro nép sát vào cánh cửa sắt của một cửa hiệu đã đóng cửa. Cô gái bé nhỏ như một con chim sẻ lạc đàn. Ánh đèn xe loang loáng không cho bạn nhìn kĩ khuôn mặt của cô gái. Bạn chỉ thấy cô ta mặc chiếc áo dài trắng, bàng bạc như sương. Cô gái ngẩng mặt lên mệt mỏi nhìn bạn. Đôi mắt sợ hãi và van xin. Cánh cửa xe bật mở toang. Cô ta đứng dậy, từ từ đi về phía chiếc xe. Áo quá dài nên bạn không thể biết cô ta đi hay lướt nhẹ trên không khí chỉ có điều chắc chắn rằng chân cô ta không bước. Đêm đồng lõa với cô gái tội nghiệp. Chỉ còn những giọt mưa lăn chậm dọc cửa kính. Ô hộp của bạn, thế giới của bạn ngập đầy sương bảng lảng. Người con gái không nói một lời nào. Bàn tay của cô ta đi đến đâu bạn tê dại đến đó. Người con gái rướn cao bầu ngực. Người con gái nhẹ nhàng luồn tay vào coocxe lấy ra một chiếc bao cao su. Bạn mỉm cười bí hiểm rồi lấy ở ví của mình ra một cái bao cao su apple hương táo. Cô gái nhìn bạn bằng ánh mắt biết ơn. Bạn buông mình nằm xuống và quên hết mọi thứ.

 Bạn chớp mắt ba lần rồi mở hẳn mắt. Nắng đã đổ thành vòm trên tán lá. Bạn thấy mình khỏe khoắn vô cùng. Bạn ngồi bật dậy áp mặt vào tấm kính. Ngoài đường, những chiếc xe chen chúc xô lấn nhau bóp còi inh ỏi.Một giấc mơ đủ để người ta hồi sức nhanh đến vậy. Bạn vươn vai, vặn mình răng rắc rồi định mở cửa xe bước xuống đường phố. Đã lâu lắm rồi bạn không làm như thế. Nhưng bỗng nhiên, bạn choáng váng. Bạn hoảng hốt, run rẩy nhặt cái bao su apple hương táo bầy nhầy dưới sàn xe. Bạn luống cuống mở ví ra xem. Bạn thẫn thờ ngồi phịch xuống ghế. Những giọt, những giọt chảy chầm chậm. Vợ của bạn đã không lấy nhầm cái bao cao su bạn kín đáo rạch một đường dài. Như thế đấy. Bạn ngán ngẩm buông ra một câu vô nghĩa. Nghĩa là đêm qua bạn đã không mơ. Bạn nhìn dọc cánh tay của mình. Nó đang run rẩy. Bạn thấy rõ cả cảm giác những con si đa chạy giần giật trong từng mạch máu. Có thể lắm chứ. Có thể lắm chứ.

 Người vợ đã có mang. Gã sếp đô con bị bắt trong một vụ tham ô bạc tỉ. Sau nhiều ngày tháng mê mệt trong hoan lạc, người vợ tỉnh dậy vào một buổi sáng nắng đổ thành vòm trên tán lá. Người vợ tự nhiên thấy cô đơn lạ lùng. Cô thấy nhớ một cái gì đó không rõ ràng nhưng xa lắm rồi. Những dục vọng hình như đã rút chạy khỏi người đàn bà vừa tắt kinh đêm qua. Căn phòng ngủ trở nên rộng thênh thang. Người vợ thấy nhớ chồng của mình da diết. Anh ấy sẽ không thể nghi ngờ về cái thai này. Cô yên tâm bấm số máy của chồng. Mấy tháng rồi, cô sợ mình nhớ lẫn nên phải tìm trong danh bạ. Ở đầu bên kia tút vài hồi ngắn rồi vang lên những âm điệu tẻ nhạt:

- Số máy quí khách vừa gọi...không có. Xin vui lòng kiểm tra lại.

 Người vợ giật mình buông rơi điện thoại rồi lặng lẽ đổ vật người xuống tấm đệm. Bên ngoài cửa sổ từng dòng xe xô lấn nhau bóp còi inh ỏi. Sáng mùa hè, thành phố bao giờ cũng bận rộn.

  

(Mỗ Lao – 27/03/2009)

 Nguyễn Anh Thế

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 202411:17 SA(Xem: 1462)
The fact that Ho Chi Minh proclaimed Vietnamese independence and the formation of the Democratic Republic of Viet Nam [DRVN] on September 2, 1945 did not assure its international recognition. The French—reactionaries and progressive alike— adamantly insisted on the reintegration of Indochina into the French Empire, by force if necessary. Other great powers, for various reasons, independently supported the French reconquest.
07 Tháng Hai 20242:19 SA(Xem: 2283)
Bài này, “Cái Tôi kỳ việt và Âm bản Thành phố/Tình yêu trong thơ tự do Thanh Tâm Tuyền”, được phát triển, bổ sung và mở rộng từ bài viết gốc năm 1986, với tựa “Thanh Tâm Tuyền, người thi sĩ ấy”, theo tinh thần tựa đề “L’Homme, cet Inconnu” (1935) (Con Người, kẻ Xa Lạ ấy) của Alexis Carrel (Nobel 1912). Một vài chủ đề đã được đưa vào, hay tô đậm, qua một cái nhìn hồi cố và tái thẩm, để làm đầy đặn và làm rõ hơn các đường nét về thơ Thanh Tâm Tuyền, vốn, trong bản gốc nguyên thuỷ, đã được vạch ra nhưng chưa được khai thác kỹ.
07 Tháng Hai 20241:35 SA(Xem: 2257)
Người ta thường chỉ nói về thơ Thanh Tâm Tuyền ở cái thời tuổi trẻ của ông, và gần như không có ai nói kỹ (hoặc tương đối kỹ) về tập “Thơ Ở Đâu Xa”, kết tinh bởi những bài thơ thời sau này của Thanh Tâm Tuyền, đặc biệt là thời ông đã đi qua những hào quang của tuổi trẻ mình, và cũng là thời mà ông đang đi vào, đang đi qua những hiện thực sống động nhất, theo một nghĩa nào đó, của thân phận con người, nói chung, và thân phận thi sĩ, nói riêng, của chính ông. Cũng có ý kiến cho rằng thơ Thanh Tâm Tuyền, trong giai đoạn này, chỉ là thơ thời khổ nạn, tù đầy, không có mấy điều đáng bàn. Ý kiến đó có lẽ nên được xét lại. Con người thi sĩ, đặc biệt những con người thi sĩ với chiều sâu và kích thước như của Thanh Tâm Tuyền, có thể tự thể hiện phong cách độc đáo của mình, tự khám phá hoặc đổi mới mình, trong tứ, trong từ, trong hình ảnh, suy tư mình, trên các mặt ngữ âm, ngữ nghĩa, tiết nhịp, điệu thức, thể loại… trong bất kỳ hoàn cảnh hiện sinh nào của họ.
23 Tháng Mười 20237:38 CH(Xem: 4694)
Even prior to the termination of the war in Europe in the summer of 1945, the United States and the Soviet Union stood out as the leading Great Powers. The United States emerged as the most powerful and richest nation, envied by the rest of the world due to its economic strength, technological and military power. Meanwhile, the Soviet Union surprised all world strategists with its military might. Despite its heavy losses incurred during the German invasion—1,700 towns and 70,000 villages reportedly destroyed, twenty million lives lost, including 600,000 who starved to death in Leningrad alone, and twenty-five million homeless families—after 1942 the Red Army convincingly destroyed German forces and steadily moved toward Berlin.
31 Tháng Tám 202311:33 CH(Xem: 5536)
Sunday afternoon, September 2, 1945. High on a stage at Cot Co [Flag Pole] park—which was surrounded by a jungle of people, banners, and red flags—a thin, old man with a goatee was introduced. Ho Chi Minh—Ho the Enlightened—Ho the Brightest—a mysterious man who had set off waves of emotion among Ha Noi's inhabitants and inspired countless off-the-record tales ever since the National Salvation [Cuu Quoc], the Viet Minh organ, had announced the first tentative list of the "Viet Minh" government on August 24. It was to take the Vietnamese months, if not years, to find out who exactly Ho Chi Minh was. However, this did not matter, at least not on that afternoon of September 2. The unfamiliar old man — who remarkably did not wear a western suit but only a Chinese type "revolutionary" uniform — immediately caught the people's attention with his historic Declaration of Independence. To begin his declaration, which allegedly bore 15 signatures of his Provisional Government of the Democ
05 Tháng Ba 20248:43 CH(Xem: 1215)
Em là sen Hồng thắm / Ngát hồn anh chiêm bao / Đêm dịu dàng xanh thẫm / Sen cười rất ngọt ngào
24 Tháng Hai 20242:39 CH(Xem: 2497)
Mà thơ. chấm. tới phẩy, nào / Dụi mắt. cắm một ngọn sào du dương / Không dưng / nghe một nạm buồn / Hai tay bụm lại / đầu nguồn thiết tha / Suối rất mệt giữa khe già / Tinh anh của đá / ném / xa / đường gần
14 Tháng Hai 20241:28 SA(Xem: 1798)
Tôi đưa tay gõ vào hư ảo / Chân lý mày đang trốn chỗ nào / Hóa ra đen đỏ hai màu áo / Chỉ để làm trò chơi khó nhau
14 Tháng Hai 20241:15 SA(Xem: 1235)
Này anh bạn – anh thấy không / Sự lộng lẫy không nhường chỗ cho điều gì hài hước / Chỉ tiếng nấc thanh xuân mềm yếu / Trên quảng trường nơi vũ hội đàn ông / Vỡ thành cơn địa chấn.
13 Tháng Hai 202411:57 CH(Xem: 1405)
Ngô Thế Vinh là một tên tuổi đã thành danh ngay từ trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam. Ông đoạt Giải Văn Học Nghệ Thuật VNCH năm 1971 với tác phẩm Vòng Đai Xanh. Sau này ông có thêm hai giải thưởng: 1) Giải Văn Học Montréal 2002 Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do với Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng và 2) Giải Văn Việt Đặc Biệt 2017 với Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch. Một trùng hợp thật ngẫu nhiên khi tạp chí văn học nghệ thuật Ngôn Ngữ phát hành vào tháng 2-2024 cũng vào dịp Tết Giáp Thìn 2024 ra số đặc biệt giới thiệu Bác sĩ / Nhà văn / Nhà hoạt động môi sinh Ngô Thế Vinh. Năm Rồng, giới thiệu người kết nghĩa với Cửu Long, tưởng không còn gì thích hợp hơn.