- Mục Lục H L 110
- Thư Tòa Soạn Hợp Lưu 110
- Trụ Đồng Mã Viện: Sự Đàn Hồi Của Biên Giới Đế Quốc Trung Hoa (phần 1 / 2)
- Trụ Đồng Mã Viện: Sự Đàn Hồi Của Biên Giới Đế Quốc Trung Hoa (phần 2 / 2)
- Thày Mạnh
- Nhận Thức Lại Vấn Đề Kết Cấu Tác Phẩm Văn Học Dưới Góc Nhìn Cấu Trúc Luận
- Thử Đặt Nền Tảng Cho Phê Bình Thơ Việt Đương Đại
- Làn Da Kim Khánh
- Nhánh Sông Sao Thử Bước Vào Cõi Văn Chương Của Trần Vũ
- Pablo Neruda, Giữa Khoái Cảm Và Xúc Cảm (phần 1)
- Pablo Neruda, Giữa Khoái Cảm Và Xúc Cảm (phần 2)
- Tạp Truyện (chuyện) Cali
- Ngày Mai
- Vu Vơ Ở Lưng Chừng Trời
- Tâm Như Mây
- Trò Chuyện Cùng Nhà Văn Thế Phong
- Khi Chúng Mình Làm Yêu
- Đêm Rơi Ở Phía Sau Lưng
- Bán Phần
- Nếu Như
- Lời Nguyền Trên Đỉnh Đèo Rù Rì
- Thơ Nguyễn Đức Bạn
- Tiếng Thông Xào Xạc
- Bãi Ô Quắn
- Vàng Đêm
- Núi Cẩm Thạch
- Thơ Phùng Thị Hương Ly
- Vực Thẳm
- Thơ Thái Uyên
- Chữ
- 55 Năm Sau Cuộc Di Cư Lịch Sử 1954 Đọc ‘ Chiến Dịch Đường Tới Tự Do’, 1954-1955
- Tiếng Cười Bi Phẫn Của Cao Xuân Huy Trong Mẩu Chuyện “ Trả Lại Tiền”
LTS: ...Hồ Trường An bằng quan niệm cá biệt của anh về cõi văn chương của Trần Vũ; đặc biệt, một sáng tác mới nhất của Trần Vũ “Làn Da Kim Khánh” được xây dựng trên ba tiêu đề: Dân chủ, hàn gắn vết thương nội chiến và đồng tính, bạn đọc sẽ là những nhà nhận định công bình đối với tác phẩm của anh. Dĩ nhiên, giá trị đích thực của tác phẩm là văn chương và tư tưởng, khi nhà văn viết về tội ác hay chiến tranh không có nghĩa là ngợi ca tội lỗi và tính súc vật của chiến tranh, mà qua đó tính nhân bản sẽ được thể hiện đậm nhạt tuỳ theo tài năng của người viết. Những tác phẩm lớn của nhân loại đã chứng minh điều đó...
Tạp Chí Hợp Lưu
Kỷ niệm giữa Trần Vũ và tôi giờ đây chỉ còn lưu lại ở tấm ảnh mà Vũ chụp cho tôi vào cuối xuân năm 1988 và tấm ảnh anh chụp chung với tôi ở nhà chị Thụy Khuê, tôi không rõ ai chụp và chụp vào năm nào? Quên, Vũ còn trang tặng tôi ấn bản tập truyện đầu tay ‘‘Ngôi Nhà Sau Lưng Văn Miếu’’ của anh và ấn bản tâp truyện thứ hai ‘‘Cái Chết Sau Quá Khứ’’ của anh. Mới đây, Vũ gửi cho tôi tấn ảnh Vũ và tôi chụp chung vào năm 1988 vào hôm anh viếng thành phố Troyes.
Tôi đọc văn chương của Trần Vũ lần đầu tiên qua truyện ngắn ‘‘Đồng Cỏ Miên’’ đăng trên tạp san Làng Văn. Tôi lại nghĩ tác giả phải trải qua một thời kỳ đi đánh giặc trên đất Căm-bu-chia mới viết linh động và sắc bén như vậy. Ít lâu sau đó, khi được hội kiến với Vũ, tôi có đem truyện ngắn ấy ra bàn với anh. Vũ cười thẳng thắn:
- Toàn là tưởng tượng cả, anh ạ.
Tôi chau mày:
- Nhưng ít ra Vũ cũng được ai đó đã từng tham dự thời kỳ qua Miên đánh
giặc kể lại cho Vũ nghe chớ. Vũ còn phải tham khảo thêm địa đồ xứ Miên và sách vở nói về xứ Miên chớ.
Vũ chỉ cười mà không nói không ừ. Thật ra là sau khi coi phim ‘‘Rambo’’, thấy Sylvester Stalone bắn nhau với Việt Công ác liệt quá nên anh khởi hứng viết truyện ấy.
Tôi gặp Trần Vũ vào thuở ký ức tôi hãy còn tinh nhuệ. Tôi viết về Trần Vũ vào lúc ký ức tôi bắt đầu suy nhược lu mờ.
Thuở trước, vào một buổi sáng sau cơn mưa, nền trời cuối xuân 1988 đẹp nắng, Trần Vũ cùng Ngọc Khôi và Sĩ Liêm (cháu họ của tôi) đến Troyes viếng tôi. Khôi và Vũ tặng tôi chậu hoa dương tú cầu (hortensia) màu xanh ngọc saphir ( thúy ngọc). Cả ba ở chơi hơn nửa ngày và trở về Paris khi sẫm tối. Lúc đầu, Vũ bắt chước thằng cháu tôi gọi tôi bằng cậu xưng cháu. Nhưng tôi lại bảo:
- Bậy nào! Tụi mình cùng cầm bút. Khôi và Vũ hãy gọi tôi bằng anh.
Ba nhà văn trẻ đang sung sức sáng tác. Ngọc Khôi hiền lành, hay trầm ngâm. Sĩ Liêm lém lỉnh. Trần Vũ nghiêm trang và hoạt bát chứ không ba hoa. Tôi rất sợ những nhân vật nổ bậy nổ bạ, bạ đâu nổ đó làm tôi luôn có cảm tưởng mình ở thế kẹt, đang đứng gần bên kho đạn hoặc đứng kề đại lý bán pháo chuột pháo nồi sắp sửa bị kẻ gian châm ngòi. Nhưng tôi cũng không thích những kẻ cẩn tắc quá đáng hoặc những kẻ lười suy nghĩ, không dám phát biểu cảm nghĩ hay ý kiến của mình nên đi tới dâu cũng im miệng hến khép miệng sò, ngồi một đống thù lù, mặc ai thảo luận cũng chẳng buồn nghe. Trần Vũ không ở trong hai trường hợp này.
Thoạt mới chạm mặt Vũ, tôi bắt gặp ngay cái thần thái sáng lồ lộ của anh. Hai tiếng ‘‘sáng đẹp’’ có thể dùng để chỉ cái sắc diện của anh. Nhưng tiếng ‘‘đẹp’’ thì tùy theo khiếu thưởng ngoạn, tùy theo sự cảm nhận của từng cá nhân. Nhưng ai đó đã găp Vũ rồi thì khó mà phủ nhận cái dung quang rực rỡ của anh: đài trán băng sương, cặp mắt và khóe nhìn ngời ngợi lóe sao, nụ cười rực rỡ chiếu lây lên sóng mắt. Vóc vạc Vũ cao ráo, nhưng hơi mỏng. Anh mặc y phục kiểu demi-saison với quần màu beige nhạt, áo veste đậm màu làm tôi nghĩ đến cách ăn mặc mà nam tài tử Gregory Peck ưa chuộng. Ơi, Gregory Peck mà đóng vai nhà văn Ernest Hemingway trong phim ‘‘The Snow of Kilimandjaro’’ (‘‘Les Neiges de Kilimandjaro’’ /‘‘Tuyết Trên Núi Kilimandjaro’’) hoặc đóng vai nhà văn Francis Scott Fitzgerald trong phim ‘‘Beloved Infidel’’ (‘‘Un Matin Comme Les Autres’’ / ‘‘Một Buổi Sáng Như Mọi Buổi Sáng Khác’’) lồ lộ dáng văn nhân tao nhã ra phết, đã làm say mê hằng triệu quả tim các nữ khán giả trên hoàn vũ! Và từ đó, hễ xem cuốn phim nào dó do Gregory Peck đóng vai chính là tôi nhớ tới bộ y phục của Trần Vũ vào một sáng chớm xuân năm 1988.
Trần Vũ ngoài đôi vành tai khá to (tướng trường thọ) còn có chiếc cằm vuông. Lúc ngồi đối diện với nhau qua chiếc bàn tròn phủ khăn nâu tím, tôi rà cặp mắt nhìn chiếc cằm của anh. Cằm vuông mà rõ nét là sẽ có hậu vận tốt. Nhưng trong lớp ánh sáng âm u lọc qua chiếc rèm màn cửa sổ màu ngà, tôi chợt thấy cằm anh hơi lồi. Chết chưa! Hai nam minh tinh điện ảnh John Garfield, James Dean cùng nhà văn Raymond Radiguet đều có chiếc cằm như vậy, đều nổi danh vào tuổi thanh xuân nhưng cả ba đều yểu tướng đoản mệnh. Tôi cứ ray rứt bần thần với ý nghĩ đó, nhưng đến khi ánh nắng bên ngoài rực rỡ hơn, tôi mới nhận ra cằm anh rõ nét và bằng phẳng. Lúc đó tôi mới yên lòng.
Hôm đó, Trần Vũ nhìn ra bao lơn thấy cái toàn cảnh (plan général) phía dưới bao lơn của căn appartement của tôi có hai cây bạch dương đang tưng bừng trổ lá non lộc mới nên nẩy ý kiến bảo tôi ra bao lơn để Vũ chụp ảnh cho tôi. Nhưng trong ảnh, hai cây bạch dương chỉ còn là những vệt xám lục mờ nhạt lót nền cho chiếc áo thun cổ lật màu huyết dụ của tôi nổi bật lên. Tấm ảnh đó được tôi cho đăng ở bìa sau của quyển 2 trong bộ ‘‘Chân Dung Những Tiếng Hát’’, sắp chung với các tấm ảnh của một vài ca sĩ ở hải ngoại. Tấm ảnh ấy còn được đăng trên Hợp Lưu khi tạp san này đăng bài nhận định của tôi về quyển truyện dài ‘‘Xứ Nắng’’ của Lê thị Thấm Vân.
Cũng lần hạnh ngộ đầu tiên, Vũ bảo tôi rằng anh rất thích truyện ngắn quái dị (conte fantastique) của tôi đã từng đăng trên tạp san Văn Học cách đó không lâu (truyện ngắn ‘‘Hai Khuôn Mặt’’). Vũ cũng bảo rằng anh thích truyện ‘‘Bèo Bọt’’ của tôi cũng đăng trên Văn Học, nhưng truyện này không thuộc loại fantastique.
Lần thứ hai, trong buổi dạ yến thết đãi học giả Nguyễn Ngọc Bích tại quán Đào Viên, Vũ cũng bàn với tới tôi về truyện fantastique. Và rồi cũng tại quán Đào Viên, trong bữa dạ yến thết đãi nhà văn Viên Linh, Vũ lại cũng đem truyện fantastique ra làm đề tài câu chuyện văn chương. Và thêm một lần nữa, trên nhị cá nguyệt san Hợp Lưu (số đầu tiên), anh vẫn còn nhắc tới truyện ‘‘Hai Khuôn Mặt’’. Truyện này chỉ có nữ ca sĩ Quỳnh Giao và Trần Vũ có thể giao cảm với ý tình được tác giả đưa vào truyện. Cho đến vào buổi sáng chớm xuân 2007, cách đó 18 năm, trong cuộc điện đàm, Trần Vũ vẫn chưa quên cái đặc sắc của loại truyện quái dị vì chính anh cũng đã viết toàn bộ truyện ngắn fantastique đã đăng rải rác trên tạp san Hợp Lưu. Nhưng Vũ không cho rằng đó là loại truyện quái dị mà là truyện thuộc trường phái siêu thực ( le surréalisme). Vũ trách tôi:
- Sao anh An không dùng chữ ‘‘huyền ảo’’ hay ‘‘siêu thực’’ ? Hai tiếng ‘‘quái dị’’ nghe péjorarif (xấu xa, tiêu cực) làm người ta tưởng mình viết chuyện ma.
Chuyện siêu thực! Chuyện huyền ảo! Điều ấy đã quyến dụ tôi vào một ý niệm lạ lẫm khi tôi xem quyển ‘‘Demian’’ (1919) của Hermann Hesse. Đây là câu chuyện một thiếu niên đẹp trai xa lạ như từ một hành tinh nào tới cùng với bà mẹ tên Eve vốn có một nguồn cội huyền ảo, một tung tích mơ hồ. Eve là một mỹ phụ trung niên không theo đạo nào hết, đối đãi với cậu học sinh Emile Sinclair bằng niềm thương mến cảm thông, nửa-như-người-tình-nửa-như-người-mẹ. Còn Demian dạy cho cậu trai Emile Sinclair đang độ hoa niên bằng những lời khuyên nhủ độc đáo: khuynh đảo cái nhân sinh quan lẫn cái đạo lý cổ truyền bất biến từ trước. Đừng theo gương cha mẹ cậu ta, phải tự chống đối để tìm gặp chính mình, hãy thị hiện cùng một lúc cái thánh linh và cái mầm ác quỷ của chính mình, phải vượt qua cái hỗn mang để tỏ ra xứng đáng mình đã hoàn thành cái định mệnh riêng biệt của mình...
Chương chót quyển sách đập mạnh vào cõi ấn tượng của độc giả: Trong Đệ nhất Thế Chiến, Demian và Emile cùng nhập ngũ nhưng ở hai nơi cách nhau thật xa. Trong một đêm trăng tại doanh trại, Emile ngắm trăng; thình lình trái đạn súng cối từ trên trời nổ văng miểng tung tóe. Cậu bị thương. Trong cơn mê sảng, cậu thấy chót Demian nằm trên giường kế bên. Demian an ủi cậu và chuyển cái hôn thương mến của bà Eve gửi cho cậu . Khi Emile tỉnh dậy thì giường kế bên không có Damian mà chỉ có một thương binh khác.
Các thức giả nhận định rằng Demian là một ‘‘Quỷ Vương bằng hữu’’ (Lucifer amical), còn nữ nhân vật Eve trong truyện vẫn là ‘‘bà mẹ nguyên thủy’’ ( la mère originelle) như bà Eve trong phẩm Sáng Thế Ký của Thánh Kinh Cựu Ước. Cái huyền ảo, cái siêu thực trong truyện là một vũ trụ không biên giới chứa một triết lý viễn thâm: Cái thiêng liêng, cái huyền nhiệm của hiện hữu vừa là Đức Chúa Trời Jéhovah vừa là Quỷ Satan. Đức Chúa Trời hiện diện ở một nửa thế giới với tất cả vẻ huy hoàng tuyệt hảo. Nhưng bóng tối vốn là môi trường của Satan chiếm một nữa thế giới còn lại, cũng vẫn đáng cho chúng ta kính mến vì không có bóng tối thì ánh sáng dựa vào đâu mà hiện hữu? Dựa vào đâu mà đưa chúng ta vào cái khái niệm về sự có mặt của ánh sáng? Một khi chúng ta trải qua sự hỗn loạn tâm linh, trải qua cuộc thánh hóa cam go sau khi tẩy sạch thân tâm, chúng ta sẽ hòa nhập vào vũ trụ. Cái vũ trụ đó nào có ở đâu xa mà ở sẵn trong tâm hồn chúng ta, sống tiềm ẩn trong góc sâu kín nhất của nội giới chúng ta, thỉnh thoảng nó hiện vào cơn chiêm bao mộng mị của chúng ta.
Hãy tìm cái vũ trụ nguyên vẹn chính ở nơi ta bằng cách nhìn sâu vào ta qua công việc trầm tư mặc tưởng.
Rất tiếc, trước 1975, bên quê nhà không có ai dịch tác phẩm ‘‘Damian’’ này ra Việt ngữ. Đây là tác phẩm mở màn cho một loạt tác phẩm triết học và tâm linh như ‘‘Siddharta’’ (‘‘Hành giả Sĩ-đạt-ta’’, 1922), ‘‘ Le Loup de Steppe’’ (‘‘Chó Sói Miền Hoang Dã’’, 1927)... Hermann Hesse đoạt giải văn chương Nobel năm 1946.
Như thế, có lẽ Trần Vũ nghĩ rằng chỉ có truyện fantastique mới dung chứa các tư tưởng thăng hoa vượt trội hơn các nhân sinh quan trong các loại tiểu thuyết tân hiện thực. Cái dung chứa của nó như cái vực bao la mà tiểu thuyết tân hiện thực không thể đào sâu được. Nhân vật hư cấu, cốt truyện giả tưởng dưới ngòi bút một nhà văn lỗi lạc có thể mở rộng một thế giới mênh mông, không cần ba yếu tố Chân, Thiện, Mỹ soi gương cho nhau mới làm nên tác phẩm vĩ đại.
*
Tôi qua định cư bên xứ Pháp thì độc giả Pháp ít ai nói tới những nhà văn các trường phái mới mà tôi đã đọc loáng thoáng trong các bài viết của Giáo sư Nguyễn văn Trung và nhất là trong cuốn ‘‘Tiểu Thuyết Hiện Đại’’ của Tràng Thiên (một bút hiệu khác của Võ Phiến). Đó là nhóm Tiểu Thuyết Mới gồm Michel Butor, Claude Simon, Alain Robbe Grillet, Bernard Henri Levi, Nathalie Sarraute, Simone de Beauvoir, Marguerite Duras... Tài tử điện ảnh Jean Paul Belmondo khích bác văn chương của Alain Robbe Grillet. Ký giả kiêm văn gia Jean Cau nhạo báng cách viết của Claude Simon. Những nhà trí thức bảo thủ Tây Âu cho rằng văn chương của các tác giả thuộc trường phái mới của Pháp viết quá giả tạo và gây nhàm chán lẫn phiền nhiễu cho người đọc. Dư luận các nước Tây Âu lúc đó đang xôn xao về người Việt của Miền Nam Việt Nam liều chết vượt biển để tìm tự do. Cho nên các nhà văn nổi tiếng Tây Âu trước đó đã nhúng tay vào cuộc phản chiến với Hoa Kỳ, bắt đầu bị độc giả đặt lại vấn đề . Chính các người cầm bút này cũng đang đặt vấn đề đối với Cộng Sản. Những bức cẩm nang bìa đỏ như son tươi ca tụng chủ nghĩa Mao Trạch Đông (cuốn ‘‘Đông Phương Hồng’’) bị các dân Pháp theo đuôi ông Mao vứt vào sọt rác. Nữ sĩ Hàn Tố Anh (Han Suyin) trước khi mụ Giang Thanh thất thế, ca tụng mụ xả láng, nhưng bấy giờ nữ sĩ lại đứng lên chìa môi nhọn mỏ chỉ trích lại mụ Hoàng Hậu Đỏ kia mà nữ sĩ đã từng nịnh bợ lúc mụ thịnh thời. Can đảm chịu lên hệ thống truyền thông để ‘‘nhận tội’’ chỉ có triết gia André Glucksman và triết gia kiêm nhà văn rất bô trai là Bernard Henri Levi.
Văn chương Pháp vào hai thập niên 70, 80 không còn chạy theo trường phái hay theo mốt miết gì nữa, mà chỉ biểu dương sức sống mãnh liệt và thần trí sáng tạo rực rỡ. Nhưng không ai gây phong trào sôi nổi cả. Đây là lúc người ta tìm hiểu văn chương Nhật Bản qua tác phẩm của Yasunari Kawabata, của Yukio Mishima . Người ta dịch sách văn chương của Trung Quốc qua các tác phẩm của Lỗ Tấn, Lao Xá, Ba Kim, nữ sĩ Đinh Linh, nữ sĩ Trương Ái Linh. Người ta (trong đó không có tôi) đọc văn chương của các nhà văn đồng thế hệ với tôi như Michel Tournier, Patrick Modiano, Didier Decoin (con trai của điện ảnh gia Henri Decoin), nữ sĩ Françoise Mallet-Joris... Và dù là thấm nhuần văn hóa cổ điển, nữ sĩ Marguerite Yourcenar (gốc Bỉ), trước đó là người đàn bà đầu tiên được chọn vào Hàn Lâm Viện Quốc Gia, vào thập niên 80 lại được nói tới nhiều nhất. Người ta coi thường ông Jean Paul Sartre. Người ta nghiên cứu hệ thống tư tưởng của triết gia Michel Serres... Đa số dân chúng các nước Tây Âu đã được giải quyết vấn đề tự do tình dục cùng những tự do tinh thần khác, đồng thời cũng biết rõ chân tướng của chủ nghĩa Cộng Sản.
Tôi không biết Trần Vũ bắt đầu cầm bút vào lúc mấy tuổi. Nhưng tôi biết khi qua Pháp ít lâu, anh bắt đầu cộng tác với các tập san có giá trị. Lúc đó, anh hãy còn trẻ lắm, chưa tới tuổi 25. Anh sáng tác rất ít, nhưng tên tuổi lại đi sâu vào lớp độc giả có trình độ thưởng thức văn chương cao. Trường hợp của Vũ làm tôi liên tưởng đến nhà văn Raymond Radiguet trong thời kỳ Les Années Folles (Những Năm Cuồng Si / thập niên 10 của Thế kỷ 20) bên Pháp. Cuốn ‘‘Le Diable au Corps’’ (Quỷ Nhập Thân Xác) của Raymond Radiguet không được phổ biến bên xứ Việt Nam chúng ta vì không có ai dịch ra Việt ngữ. Tên tuổi của tác giả lại chìm lỉm trong tên tuổi các nhà văn lớn như André Gide, Marcel Proust, François Mauriac, Jean Cocteau, André Maurois, André Malraux... Nhưng vào thập niên 20 của Thế kỷ 20, Raymond Radiguet gây xì-căn-đan dữ dội như cuồng phong bạo vũ, như địa chấn hồng thủy trong văn giới Âu Châu. Raymond Radiguet cho trình làng tác phẩm ‘‘Le Diable au Corps’’ vào lúc anh ta mới 20 tuổi (năm 1921), đoạt giải Nouveau Monde (Tân Thế Giới) vào năm 1923 và chết cũng vào năm ấy. Bảy tháng sau (tháng 7 năm 1924), tác phẩm thứ hai của anh ta nhan đề là "Le Bal du Comte d’Orgel’’ (‘‘Buổi Khiêu Vũ của Bá tước Orgel’’) lại được in thành sách. Quyển di cảo này không gây tiếng vang sâu rộng nào.
Trong cuộc tuyển chọn của ban giám khảo chấm giải thì có 4 phiếu (của Jean Cocteau, Bernard Fay, Max Jacob, Jacques de Lacretelle) chấp thuận, nhưng có 3 phiếu (của Paul Morand, Jean Giroudoux, Valery Larbaud) chống đối.
Quyển ‘‘Le Diable au Corps’’ vào năm 1947 được điện ảnh gia Claude Autant-Lara thực hiện thành phim, đưa tên tuổi nữ tài tử Micheline Presle lên hàng ngũ thượng thặng của các nữ minh tinh điện ảnh nước Pháp và thắp thêm hào quang cho nam tài tử Gérard Philipe. Cuốn phim này trở thành phim culte (phim đáng tôn thờ) của điện ảnh Pháp, và khi được chuyển âm qua tiếng Anh và chiếu trên đất nước Hoa Kỳ, cuốn phim này gặt hái thành quả rực rỡ về nghệ thuật cũng như về tài chánh.
Trần Vũ có lẽ xuất hiện trên văn đàn Việt Nam ở hải ngoại cũng lộng lẫy như ở trường hợp của Raymond Radiguet. Nhưng anh cầm bút trễ hơn nhà văn thiếu niên của nước Pháp nầy vì từ tuổi 15, Raymond Radiguet đã bắt đầu viết báo rồi. Tác phẩm thứ nhất của Radiguet trội hơn cuốn di cảo của anh ta. Trái lại, cuốn thứ hai ‘‘Cái Chết Sau Quá Khứ’’ của Trần Vũ trội hơn cuốn đầu ‘‘Ngôi Nhà Sau Lưng Văn Miếu’’. Trần Vũ chỉ cần hai tác phẩm mà trở thành nhà văn có tầm vóc và được văn giới tán thưởng nồng nhiệt. Còn Raymond Radiguet chỉ cần cuốn ‘‘Le Diable au Corps’’ mà đứng ngang hàng với các nhà văn tiếng tăm lừng lẫy vào thời đại Les Années Folles. Cũng vậy, vào thời sơ điệp nhà Đường, nhà thơ Vương Bột với tuổi 17, chỉ cần viết bài phú ‘‘Đằng Vương Các’’ mà nổi tiếng trong thi giới, tài hoa vượt hẳn tài hoa của các thi sĩ đương thời.
Hình như tôi đã đọc đâu đó bài diểm sách của Nguyễn Quốc Trụ viết về quyển truyện dài ‘‘Cuộc Tình Trong Ngục Thất’’ của Nguyễn thị Hoàng. Tôi nhớ mang máng anh Trụ cho rằng quỷ ám thường nhập vào những thiên tài khi họ cầm bút. Riêng tôi, tôi nghĩ rằng văn chương không chỉ cần thánh nhân, Bồ-tát hay La-hán xen vào lúc nhà văn chấp bút. Nhà văn cũng còn cần những con quỷ biết sống chân thành với giấc mộng của chúng và biết sống trọn vẹn với bản ngã của chúng để chúng nhập vào họ khi họ cầm bút sáng tác.
Ở trường hợp của Raymond Radiguet và của Trần Vũ, tôi nghĩ rằng tuy cả hai không giống nhau về phương diện văn chương. Nhưng họ có một điểm chung: họ táo bạo trong việc khai phá. Họ như những tên đao phủ gan lì dùng mã tấu chém ngã những cánh rừng quy ước đang chặng bít lối con đường khai phóng văn chương trước mắt họ. Những vết chém ác nghiệt, tàn bạo nhưng thật ngon trớn và ngoạn mục. Raymond Radiguet khi tung quyển ‘‘Le Diable au Corps’’ ra thị trường sách ốc cũng vẫn bị những phản ứng mạnh ở phía độc giả và phía các nhà văn bảo thủ. Có kẻ cho rằng đây là một quyển sách tồi bại nhất, dở tệ nhất. Nhưng các nhà văn danh tiếng cũng có nhiều người tán thưởng, xúm lại tạo cho đương sự những điểm tựa tinh thần kiên cố. Trần Vũ ra quân ở lượt đầu cũng có vài người chê, nhưng đa số ủng hộ anh. Cả hai, Raymond Radiguet lẫn Trần Vũ trong cuộc chối bỏ văn chương ù lì của những kẻ đi trước, song song với cuộc lột xác đau đớn như chim hoàng yến thay lông, như rắn mai hoa cởi bỏ lớp vảy cũ, sau rốt vẫn đoạt một thành quả lộng lẫy.
Trong cuộc điện đàm mới đây tức là vào trung tuần tháng 3 dương lịch năm 2006 này. Trần Vũ bảo tôi:
- Các cây bút phụ nữ đồng thời với tụi em, ít ai dám viết dữ dằn. Tuy nhiên gần đây có Nguyễn thị Thanh Bình với tập truyện ‘‘Dấu Ấn’’, Lê thị Thấm Vân với truyện dài ‘‘Xứ Nắng’’ viết hay lắm.
Khi làm chủ bút cho tập san Hợp Lưu, Trần Vũ giới thiệu và‘‘lăng-xê’’ những cây bút mới, trong lẫn ngoài nước. Anh muốn giữ cho tập san cái vẻ tinh khôi của thần trí sáng tạo và mạnh dạn phá bỏ văn chương cũ mèm của những ai tái hồi và phục sinh nền văn chương hiện thực hay tân hiện thực hoặc là thứ văn chương hiền lành và rụt rè, không dám làm nổi bật bản ngã và bản sắc của con người. Cái bản ngã và bản sắc ấy tức là cái chân tướng của mỗi cá thể được nhà văn Romain Gary gọi là "les racines du ciel’’ (cội rễ của trời). Vũ đi nhanh, nhưng vẫn có nhiều bạn đồng tâm đồng chí đủ mọi lứa tuổi đồng hành theo anh. Vũ không cần lý thuyết dông dài và rườm rà. Anh chỉ chứng minh khuynh hướng và mục đích của anh qua các truyện ngắn mà anh sáng tác. Nhưng qua các văn phẩm của Vũ, một vài cây bút biên khảo bắt đầu khuynh đảo chủ trương của các cây bút tiền phong, đặt lại vấn đề về sự canh tân và sáng tạo trong văn chương. Họ hè nhau xô lui cái quá khứ buồn nản của văn chương sau lưng và cùng khai phóng một chân trời mới, phóng chiếu lên viễn ảnh một con đường mà lớp cây bút thuộc thế hệ thứ hai (trong đó có Vũ) và lớp cây bút thuộc thế hệ thứ ba phải nhắm tới, phải đi đến... Cuộc sống trong đa số truyện ngắn của Trần Vũ là những trận mưa gai trút xuống. Vũ quất tới tấp lên cuộc sống những lằn roi độc địa, không phải thái độ của kẻ bạo dâm (le sadique) mà là những trận đòn làm bật sáng những phản ứng chống đối những cái trái ngang phi lý của cuộc đời.
Đó là một thái độ gây ra một sự cay đắng ngọt ngào (‘‘l’exquise amertume’’, nói theo André Gide trong quyển ‘‘Les Nourritures Terrestres’’). Ở văn chương của Trần Vũ thì ‘‘ l’exquise amertume’’ lại có nghĩa là cay đắng trong cuộc sống, ngọt ngào trong nếp khổ hạnh thần bí của nghệ thuật sáng tạo.
Nhưng thật ra Trần Vũ đâu đã dừng ở trạng thái cay đắng. Anh còn đi xa hơn nhiều, tàn bạo hơn ở lối diễn tả cùng ở nội dung và cách cấu trúc hơn nhiều. Trong truyện ngắn ‘‘Gia Phả’’, chúng ta hãy đọc cảnh sinh nở khó khăn của vợ Trần Lý, tức mẹ vợ của Lý Huệ Tôn Hoàng Đế qua lời thuật của bà nữ tỳ già:
« Tôi đi ở cho tộc Trần từ lâu lắm. Từ cuối đời Lý. Lúc Trần Thị chỉ vừa cắt nhau. Đêm tháo thai, sống cảnh sinh nở đầu đời nên tâm hồn tôi ngập kinh hãi. Máu từ cửa mình vợ Trần Lý chảy xối, bắn phun tung tóe như bát canh rau rền rơi vãi trên đất. Thứ canh đỏ thẫm, lợn cợn những nhau, thịt, chất nhờn. Trần Thị giẫy, vùng, đôi tay chới với cào cấu vươn tới trong động tác nắm tìm sự sống. Đã biết đi vào đời là đi vào khổ đau, tôi cũng không ngờ khổ đau to lớn tàn phá đến rách bươm cửa mình vợ Trần Lý. Mỗi cái quẫy mình là một vũng máu, tràn ra, trào cho đến đầy thau. Máu bê bết chẳng khác một pháp trường. »
Mỗi một câu văn là một nhát chém vào ấn tượng người đọc. Tác giả vốn là một người hiền lành ở ngoài cuộc sống, nhưng một khi nhập vào phút cấu tứ trong lúc sáng tác, Vũ trở nên hung bạo bất ngờ, Ngòi bút anh vét nạo hết ảo tưởng lộng lẫy của những ai đọc những tác phẩm trữ tình với cảnh mộng cảnh thơ.
Giới yêu văn chương thường cho Trần Vũ viết bạo về sex. D.H. Lawrence, Kiệt Tấn, Hồ Trường An viết những pha làm tình bằng bút pháp âu yếm nâng niu, coi chuyện ái ân như một ân sủng của tình yêu. Trái lại Trần Vũ, Lê Thị Thấm Vân lại viết những cuộc giao thoa giữa hai thân xác, hay viết về cảm ứng động tình của xác thân nhạy cảm bằng một bút pháp trắng trợn, coi ái ân như một hệ lụy. Vấn đề loạn luân giữa hai chị em họ cùng một họ Trần trong ‘‘Gia Phả’, giữa hai chị em ruột trong ‘‘Pháo Thuyền Trên Dòng Yang Tsé’’ có thể làm các bạn độc giả nhăn mặt. Và cảnh cưỡng dâm cũng trong truyện ngắn vừa kể ấy làm cho chúng ta bứt rứt khó chịu. Nhưng đâu đã hết! Vũ phóng chiếu lên tâm tưởng chúng ta những cảnh bạo dâm trong ‘‘Mùa Mưa Gai Sắc’’, trong ‘‘Phố Cổ Hội An’’ bằng những hình ảnh sắt máu, bằng bút pháp lạnh lùng và tàn nhẫn làm chúng ta hãi hùng khiếp đảm.
« Đêm ở phủ Chúa, Huệ bước chân lên lầu Tử Các, lòng âm ỉ cơn say. Sống với Huệ hơn tháng, Ngọc Hân đã biết những thói quen chung chạ của Huệ. Thói quen của chứng bệnh thường thấy đi kèm với bệnh cuồng sát. Lẳng lặng, tự nguyện, không đợi Huệ bắt, nàng cởi xiêm áo đến quỳ truớc chân giường. Cái liếc mắt của Ngọc Hân ném về phía Huệ sắc đến nổi gai. Huệ lấy roi, không phải dây đai của đêm hợp cẩn, mà là thứ roi gai của quản tượng dùng quất voi khi lâm trận. Ngọc Hân uốn lưng đợi, tóc xõa chảy xuống nền đá, không trang sức, không cả chiếc vòng kiềng cổ truyền của con gái Bắc Hà, chỉ dấu thẹo đỏ do sắt nung ở vai. Vết thẹo đã lên da non nhưng đoán được dấu tỉ ấn của Huệ. Hai ba tấm màn gấm dụ buông quanh chỗ Ngọc Hân quỳ, Huệ tiến tới một bước, hai bước, rồi vung tay quất. Đầu roi vút tiếng rít như rạch rách tấm màn gấm. Ngọc Hân oằn người bấu cứng lấy trụ giường. Huệ đã say máu, những chấm máu li ti tím bầm nổi trên lưng Ngọc Hân trông như những vết ong đốt, hay những giọt mực son rỏ trên lên vũng sữa. Huệ vung tay tới tấp.
Khác với đêm hợp cẩn, Ngọc Hân rên rỉ, oằn oại kêu rất lớn. Nhưng nếu Ngọc Hân đau đớn, thì nỗi đau đớn đầy đắc thắng. Huệ quất roi như một kẻ suốt đời hành nghề tra tấn, không được đánh người thì không biết phải làm gì. Huệ bị ràng buộc vào người đàn bà mà mãi mãi từ đây, hằng đêm Huệ phải tìm đến. Khuôn mặt Huệ toát ra vẻ mãn nguyện, thỏa mãn. Huệ chỉ buông roi khi Ngọc Hân đã ngã khụy dưới chân giường. Cảnh giao hoan của Huệ với Ngọc Hân, cũng không là cảnh cưỡng bức ban đầu, nếu dáng ngồi đè của Huệ vẫn in dáng hổ nhai mồi, thì hai cuờm tay Ngọc Hân quấn chặt lấy cổ Huệ, và trên lưng Huệ đầy những vết cào của một con sư tử cái. »
*
Về lối viết dữ dằn, hồi tiền chiến có Nam Cao. Về sau, sau hiệp định Genève, ở Miền Nam Việt Nam có Thanh Tâm Tuyền (qua các quyển ‘‘Khuôn Mặt’’,‘‘Cát Lầy’’, ‘‘Dọc Đường’’, ‘‘Mù Khơi’’, ‘‘Tiếng Động’’...), Duy Thanh ( qua quyển ‘‘Cầu Thang’’), Dương Nghiễm Mậu (qua các quyển ‘‘Cũng Đành’’, ‘‘Gia Tài Người Mẹ’’, ‘‘Tuổi Nước Độc’’). Ra hải ngoại, có Trần Vũ mở đường lối viết dữ dằn thật hoành tráng... Trước Vũ có Thế Giang ( qua quyển ‘‘Thằng Người Có Đuôi’’). Về sau đồng hành với anh có Nguyễn văn Thà (qua quyển ‘‘Người Thích Nhìn Vú’’), Hàn Song Tường (qua quyển ‘‘Ở Một Nơi Khác’’), Nguyễn thị Thanh Bình ( qua một số truyện ngắn trong quyển ‘‘Dấu Ấn’’), Lê thị Thấm Vân (qua 2 quyển ‘‘Xứ Nắng, ‘‘Âm Vọng’’, ‘‘Bóng Gẫy Của Thần Tích’’)... Tuy nhiên, Thế Giang dù là viết như lia một đường gươm hùng tráng và khốc liệt vào xã hội, nhưng vẫn chưa thoát khỏi cái vòng văn chương hiện thực và chẳng những không đi sâu vào nhân sinh quan đặc thù mà còn chưa vươn lên cái tiềm năng khủng khiếp của những bí ẩn mầu nhiệm ở mỗi con người.
Lớp nhà văn thuộc thế hệ trước thế hệ Trần Vũ trên 50 năm, đã từng đọc lối văn chương dữ dằn của Yukio Mishima (qua quyển ‘Kim Các Tự’’ mà người dịch bằng Pháp ngữ ban cho cái tựa là ‘‘Le Pavillon d’Or’’), của Kôbô Abé (qua cuốn ‘‘Người Đàn Bà Trong Vực Cát’’) (*). Nhưng chỉ có Nam Cao, Thanh Tâm Tuyền, Duy Thanh và Dương Nghiễm Mậu đã hăm hở lên đường và đi suốt cuộc bút trình của mình. Văn chương của họ đi sau văn chương Nhật Bản khá xa, lại không có dấu hiệu nào cho chúng ta thấy có những kẻ nối bước theo họ. Nhưng mà may thay, Trần Vũ trong 5 năm cuối của thập niên 80, đã xuất hiện và khởi sự lên đường. Qua thập niên 90 của thế kỷ 20, chẳng có nhà văn trẻ nào hưởng ứng với anh. Phải đợi sang qua 5 năm đầu của thế kỷ 21 mới có Nguyễn văn Thà, Hàn Song Tường, Nguyễn thị Thanh Bình và Lê Thị Thấm Vân khởi sự đồng hành cùng anh.
Nhưng có một vấn đề cần phải đặt ra: Yukio Mishima viết văn để hiển lộ tinh thần Võ Sĩ Đạo và sự phá chấp của Pháp môn Thiền Tông bên Phật Giáo. Còn Dostoievski viết dữ dằn để làm hiển lộ cái Bí Giáo của Thiên Chúa Giáo (Thiên Chúa Chính Thống / Orthodoxe). Ông Dost. phơi bày sự pha trộn Thiên thần và Ác quỷ ở mỗi con người và niềm tin tưởng vô biên của ông đối với kẻ có tín ngưỡng. Cái triết lý và cái sở tri tâm linh của ông Mishima và ông Dost rất sâu sắc theo từng hành động và từng ngôn ngữ của mỗi nhân vật của họ. Trần Vũ chỉ có phơi bày những máu me, tinh khí và ác mộng, không một khái niệm hướng thượng nào. Tôi xin nhấn mạnh: Vũ không nhắm vào văn chương tư tuởng (triết học và tâm linh). Đó là những điều vượt cái vốn liếng kiến thức của anh. Vũ viết khơi khơi theo đà lôi cuốn của con quỷ bạo dâm và con quỷ loạn luân tiềm ẩn trong anh thôi thúc. Từ bao lâu nay, có vài phê bình gia cho rằng nào là văn chương anh có tư tưởng, nào là văn chương anh siêu việt đối với lớp nhà văn trẻ ở hải ngoại. Nhưng tư tưởng gì đây, nếu không là sự từ bỏ văn chương hiện thực và văn chương tân hiện thực? Do đó, sự đổi mới của Vũ không có nghĩa biến anh thành nhà văn có tư tưởng mà chỉ tạo cho anh chút ít đặc sắc trong cuộc bút trình, thế thôi! Cái đặc sắc đó cũng đủ làm anh hãnh diện rồi. Chúng ta không nên đòi hỏi nhiều ở Vũ và cũng không nên tấn phong anh trên chiếc ngai vua chỉ thếp vàng chứ không phải được bọc một lớp vàng thật.
Trần Vũ vốn có tính khiêm tốn. Anh không chịu nổi những lời tâng bốc quá đáng vì văn chương anh như bóng đèn 40 watts không thể chịu nổi như lời tán tụng tùm lum tà la mà không dựa vào tiêu chuẩn nghệ thuật. Những lời tán tụng đó như dòng điện 60 watts hay dòng điện 100 watts có thể làm nổ vỡ bóng đèn, người ạ!
HỒ TRƯỜNG AN
France
Chú thích:
(*) Tôi không hiểu cái tựa tiếng Nhật của quyển sách ra sao, chỉ biết cuốn phim phỏng theo quyển tiểu thuyết này được người phụ đề Pháp ngữ ban cho cái tựa là ‘‘La Femme des Sables’’. Vào 3 năm cuối của thập niên 70, nữ sĩ Trùng Dương dịch là ‘‘Người Đàn Bà Bên Cồn Cát’’, nhưng bối cảnh trong truyện và trong phim là cái vực cát sâu thăm thẳm.
(**) Tập truyện "Cái Chết Sau Quá Khứ’’ được dịch là ‘‘La Pluie d’Épines’’ / ‘‘Trận Mưa Gai’’ do nhà xuất bản Edition Philippe Picquier trình làng. Nhà xuất bản này chuyên dịch các tác phẩm của các tác giả ở các xứ Viễn Đông, nhưng đa số là các dâm thư rẻ tiền củaTrung Hoa như ‘‘Si Bà Truyện’’ / ‘‘Vie d’une Amoureuse’’/ ‘‘ Bà Ngốc Si Tình", ‘‘Les Moines et les Nonnes dans la Mer des Douleurs’’ / "Tăng Ni Nghiệt Hải’’ ( chuyên bọn dâm tăng và dâm ni trong biển nghiệp chướng) của Đường Bá Hổ, ‘‘Biographie du Prince Ruyi’’ / ‘‘Như Ý Quân’’ (chuyện anh chàng Tiết Ngao Tào có cái dương vật to khủng khiếp nên được Nữ hoàng Vũ Tắc Thiên sủng ái). Những truyện này xuất xứ từ triểu đại nhà Minh, nhà Nguyên nên không dám đề tên tác giả. Riêng Đường Bá Hổ là một danh họa. Bức tranh nổi tiếng của ông là ‘‘Hải Đường Xuân Thụy’’ (Giấc ngủ mùa xuân của hoa hải đường).