- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Sống Mãi Với Thủ Đô

29 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 9413)

(trích)

19

Một tay dắt xe đạp, một tay đẩy cửa, Nhật Tân bước vào cái gian nhà ngoài trông như cái phòng dọn để cho thuê. Con Lu lu đã quen cái nhà này, nhảy trên sàn đá hoa. Người bếp già chạy ra. Con chó mừng cuống quít, đứng thẳng người lên, quắp lấy hai bên sườn người bếp. Nhật Tân hỏi:

- Cậu Tân đâu?

Người bếp còn uống rượu, mặt có những mảng đỏ phơn phớt, mắt lờ đờ nhìn Nhật Tân, nói:

- Thưa cậu, chắc là ở trên gác.

- Sao lại chắc?

- Con không dám lên.

- Ông bà tản cư rồi chứ?

- Thưa cậu, bà và hai cô con về quê. Ông mới ra, nhưng vẫn ở trên Hàng Bông. Mấy hôm nay cậu không lại chơi?

- Anh tưởng tôi rỗi lắm hẳn. Cậu đã vào tự vệ chưa?

- Thưa cậu ở Hàng Bài đây nó thế nào ấy, không được như trên phố.

Nhật Tân lắc đầu thay cho thở dài. Anh bĩu môi, búng tay kêu như tiếng mõ nhỏ, và trèo hai bậc một lên gác. Nhật Tân với Tân là đôi bạn chí thiết từ nhỏ. Bố Nhật Tân hồi còn sống là một nhà văn chuyên viết truyện kiếm hiệp và rất thân với bố Tân là một nhà thầu khoán lớn. Nhật Tân và Tân học cùng trường, cùng lớp suốt từ bé. Đến năm thứ ba thành chung thì Nhật Tân bỏ trường, vì bố không nuôi nữa. Ông ta có chủ trương là chỉ nuôi con, trai cũng như gái, đến hết mười bảy, quá cái tuổi ấy thì con cái phải tự lập lấy. Ông cho là làm như thế thì chúng mới thành những con người tháo vát. Thấy bạn bỏ trường, Tân cũng bỏ. Nhà giàu, Tân thường giúp đỡ Nhật Tân, nhất là từ khi bố Nhật Tân chết, bà Ký - mẹ Nhật Tân thường được gọi như thế, vì ông có làm ký rượu mấy năm - phải nuôi tám đứa con, kể cả Nhật Tân mà hồi chồng còn sống bà vẫn giấm giúi cho tiền. Sau ngày Nhật đảo chính, Nhật Tân vào Việt Minh, Tân không đồng ý nhưng vẫn giúp. Hồi Nhật Tân xung phong cùng đoàn học sinh Hà Nội đi Nam tiến, Tân bảo Nhật Tân là ngốc, tuy vậy vẫn sắm sửa, từ quần áo đến thuốc men để cho Nhật Tân lên đường. Bốn tháng sau Nhật Tân về, ốm một trận. Tân vừa chửi bạn vừa săn sóc chữa chạy. Tân có cảm tình với đảng Quốc dân. Một hôm Nhật Tân bắn nhau với một tụi trong đảng ấy. Chúng đông hơn đuổi anh và sắp bắt được, Nhật Tân chạy trốn vào nhà Tân. Tân bảo Nhật Tân: tao ghét Việt Minh, nhưng không thù bạn, và không giao Nhật Tân cho bọn kia. Sau vụ Ôn Như Hầu, Tân chán đảng Quốc dân và chỉ nghĩ đến ăn chơi.

Vào cái xa-lông riêng, Nhật Tân thấy cả một sự bừa bãi. Trên bàn, một chai sâm-banh cổ vàng chưa dùng hết nửa, nút văng xuống thảm. Bốn cái cốc pha-lê, một cái đầy, một cái đổ xuống bàn, rượu làm ướt sũng cái khăn bàn đăng-ten, và tràn vào cái hộp Cờ-ra-ven A mới lấy ra dăm bảy điếu. Lê, táo thì phần lớn là cắn dở, gọt dở, vỏ vứt trên các đĩa kẹo, bích quy. Bình hoa cúc vàng nằm đè lên một con dao và cái mở nút chai. Trên đi-văng kê sát cửa trông ra Hàng Bài, đồng hồ Oméga đeo tay, cây đàn vi-ô-lông vứt trên bộ quần gạch, áo màu xanh chai Tân hay mặc. Thoang thoảng mùi nước hoa và phấn. Trên một ghế bành, một tờ giấy nát bị người ta ngồi lên. Nhật Tân nhặt xem thì là tờ giấy để ký tên phản đối quân đội Pháp chiếm đóng sở Tài chính. Đã vài chục người ký. Anh lắc đầu, lấy bàn tay là lại tờ giấy:

- Thằng này hỏng quá!

Nhật Tân rót một cốc sâm-banh uống một hơi hết, đặt phịch xuống bàn, lẩm bẩm:

- Thằng bé làm cái gì mà vỡ nợ thế này.

Anh giơ ngón tay trỏ lên ngang trán, gật gù:

- Có gái. Được. Thế này mới bảnh.

Anh rót rượu, nốc một cốc nữa, phanh ra-gờ-lăng ra, rút khẩu súng lục, tung nó trên bàn tay mấy cái, vỗ vào lưng con Lu lu, chỉ cho nó nằm một chỗ, rồi huýt sáo bước vào phòng Tân. Cửa không đóng, anh mở toang. Trên giường ngủ, lù lù một đống chăn trắng. Anh tiến sát lại, thét:

- Mort aux Việt Minh! (1)

Anh giơ súng và tung chăn ra. Tân nằm ôm chặt một người con gái trần như nhộng, trắng lốp. Tiếng kêu của người phụ nữ giọng đầm. Họ giằng lấy cái chăn trùm vội lên che thân thể. Tân ngồi nhỏm dậy, tóc chải mượt chỉ hơi xộc xệ. Tân nhận ra bạn. Lúc này Nhật Tân đã quay mặt đi, ôm bụng cười. Tân nói:

- Mày làm cái gì lạ thế. Bước đi cho người ta ngủ.

Nhật Tân quay lại:

- Ra tao bảo. Không tao bắn chết.

Anh giơ súng chĩa vào Tân. Người con gái hé đôi mắt nâu nhìn ra, thấy Nhật Tân quay lại thì rú lên, kéo chăn trùm kín đầu. Nhanh như cắt, Tân lấy khẩu súng lục trên đầu giường chĩa vào mặt Nhật Tân, thét:

- Hạ súng xuống không mày chết!

Nhật Tân cho súng vào trong túi ra-gờ-lăng:

- Tao muốn nói chuyện với mày.

Tân quăng súng xuống sàn:

- Ra nhà ngoài chơi. Tao ra ngay. Le charogne (2).

Một lúc, Tân sang xa-lông, chân đi bít tất xỏ vào đôi dép Nhật, mặt mụ mị vì rượu và ngái ngủ. Tân là một thanh niên tầm thước, lẻo khoẻo, để tóc mai dài, bộ ria nhỏ như một nét bút chì kẻ nhỏ. Anh giơ tay nắm chân trước con Lu lu, như bắt tay, ép nó vào người, dẫn nó đến ghế, ra hiệu cho nó ngồi lên. Anh thọc tay vào túi áo dài mặc trong buồng, rút ra khẩu súng lục mà lúc nãy đã quăng xuống sàn, đưa cho Nhật Tân. Anh ngáp dài. Không nhìn bạn, Tân nói:

- Cho mày để đi đánh nhau.

Tân ngồi xuống ghế bành đối diện, chân nọ gác lên chân kia, tay quờ sang sau tìm cái dây lưng và thắt lại. Nhật Tân gần như nằm trên ghế, giày đạp lên cái bàn tròn thấp, ngửa mặt lên trần, nói:

- Phải đợi đến súng lục của mày à? Thuốc lá đâu?

Tân cúi xuống gầm bàn, lấy ra một hộp Cờ-ra-ven A còn mới liệng cho Nhật Tân, nói:

- Lần sau tao cấm, nghe chưa?

Nhật Tân hút thuốc lá và quăng cái hộp thuốc lá cho Tân, chìa cái giấy lúc nãy ra:

- Sao mày không ký?

- Ký thêm một tên để làm gì?

- Mày không ký thì đưa cho người khác ký, sao lại ngồi nát cả ra?

- Nát còn hơn đưa cho Pháp. Nó cười cho cái trò trẻ con!

- Tao nản cho mày lắm.

- Lại tuyên truyền hả?

- Chứ sao! - Nhật Tân vừa nói vừa nhỏm dậy.

Tân cười, nhe hàm răng trông như sún, đen ngòm khói thuốc lá, đánh diêm hút thuốc, nghiêng người qua tay vịn của ghế bành, vuốt ve con chó nằm ở ghế bên:

- Lu lu! Lu lu! Mày cũng ở lại với thằng Nhật Tân chứ?

- Và mày nữa, mày cũng phải ở lại.

- Phải? Mày không biết tao không muốn bị ai bảo "phải" bao giờ à?

Nhật Tân chồm dậy, giơ ngón tay trỏ gí sát vào mặt bạn:

- Đúng. Cũng như tất cả mọi người bây giờ bảo mày phải ở lại, đúng thế, phải, phải và phải.

- Không, không, và không.

Bàn tay ẻo lả đeo một cái nhẫn vàng to và nặng nề, khẽ đập vào ngực, Tân nói:

- Tao là một người tự do, nghĩa là tao chỉ nghe có một người, ấy là tao. Chỉ có một người quyết định được cho tao, ấy là tao. Tao làm khi nào tao muốn. Cái nhà này là của ông cụ tao, nhưng sau khi ông cụ cho tao, sang tên hẳn hoi rồi, tao cấm ông cụ không được đến, ông cụ cũng phải chịu cơ mà. Tao là thế.

- Ông cụ mày vừa làm một việc phi thường là hạ cái biển hàng tiếng Việt, treo lại cái biển hàng tiếng Pháp: Phạm Quang Kính, entrepreneur (3) lên, tao không nể mày thì tao đã bắt. Mày giỏi thế sao không cấm ông cụ mày?

- Tao không muốn xâm phạm đến quyền tự do của ai cả. Còn mày bắt thì cứ việc bắt, đó là quyền tự do của mày. Nói tóm lại con người là phải hoàn toàn tự do. Ăn uống, may mặc, chơi gái - Tân nháy mắt một cách cà lơ - là việc riêng của từng người, không ai có quyền gí mũi vào. Thế gọi là sống.

- Mày bận phải không?

- Xong rồi. Trong những ngày Hà Nội buồn như chết thế này, không ngờ còn sót lại một con mèo đẹp và văm thế. Đầm lai, đùi vệ nữ, không hiểu sao thằng Pháp nó không lấy làm P.P.O.(4) mà ta thì cũng chẳng thằng nào có mắt. Thôi được, để cho nó đi. Mày ngồi đây một tí, tao sang ngay.

Tân đứng dậy, lấy cái áo măng-tô màu xanh vắt trên lò sưởi, vứt điếu thuốc mới cháy một đầu mẩu, đi vào. Một lúc trở ra. Có tiếng gót giày phụ nữ nện nhẹ dưới cầu thang. Tân lại hút thuốc, dang hai tay ra đặt trên thành lò sưởi, và hỏi bạn:

- Đánh đấm thế nào mày? Chán ngấy lên rồi!

Nhật Tân quặp con Lu lu giữa hai cái đùi dài lều nghều của anh, áp cái tai vểnh của nó bên má:

- Có thể đêm nay nó đánh mình.

- Trời ơi, trời ơi, trời ơi! Mày dọa một thằng trẻ con đấy à, Nhật Tân?

- Tao không dọa mà đây là một sự thật, một sự thật tàn nhẫn. Mày suy nghĩ đi. Mày bắn giỏi, mày nên ở lại.

- Mày nên nhớ họ Phạm nhà tao mấy đời chỉ có một con trai. Tao là con cầu tự.

- Nhưng mày hoàn toàn tự do kia mà.

- Ông ục cho mày một cái bây giờ. Thằng này ăn nói được.

Nhật Tân bước lại, đứng bên Tân. Hai người cùng hút thuốc. Anh nói một cách nghiêm trang:

- Tao vì mày, Tân ạ, vì không muốn để cho mày mang tiếng là một thằng hèn nên tao mới đến đây bảo mày một lần cuối cùng. Mày chửi Hiệp định sơ bộ, mày cho là Cụ Hồ đầu hàng, rước Pháp về một lần nữa. Thế thì bây giờ mày đánh đi. Nếu không thì là tao chửi mày chứ không phải mày chửi tao nữa. Tản cư mày không đi, đánh nhau mày không dám, mày ở đây với Pháp à?

Tân ném điếu thuốc lá lên mặt bàn một cách hững hờ, nhìn Nhật Tân khiêu khích:

- Tao đi với Việt Minh thì có lợi gì?

- Tao nói chuyện cứu nước không nói chuyện Việt Minh. Tao sốt ruột với mày lắm, Tân ạ.

- Mày tưởng tao không sốt ruột vì mày sao? Tao đang muốn nói chuyện Việt Minh kia. Đấy là quyền tự do của tao.

- Thì mày nói đi. Đánh nhau đến nơi rồi mà mày còn muốn cà khịa với tao nữa sao?

Tân bước tới bàn, rót hai cốc rượu đầy, đưa cho Nhật Tân một, mình cầm một:

- Mày uống đi, uống cạn đi rồi chia tay nhau. Tao rất thương mày, thương hơn tao nữa. Tao không biết mày đúng hay tao sai, hay ngược lại. Nhưng có lẽ mày đúng, vì mày là zéro(5). Còn tao không phải là zéro thì đi với Việt Minh để làm gì? Tao muốn nói cái tụi Việt Minh chính cống, tụi Việt Minh cộng sản, chứ không nói cái hạng Việt Minh léng téng, loại Việt Minh như mày? Uống đi.

Họ cùng cạn cốc. Tân vứt cái cốc xuống sàn, vỡ tan tành:

- Tao đi với Việt Minh thì rồi cũng thế này thôi. Nghĩa là đánh xong Pháp, thì đến lượt chúng tao họ làm cỏ, của cải, họ đem chia. Đấy rồi mày xem, có đúng không. Buồn lắm, Nhật Tân ạ. Có lẽ mày không bao giờ thương tao cả.

- Tao không muốn nghe mày một tí nào cả. Còn có Cụ Hồ.

- À, tại sao chúng mày nói Staline mà không dám gọi Hồ Chí Minh không thôi? Tao vẫn tự hỏi tại sao? Nhưng đấy còn là chuyện nhỏ. Chuyện lớn là lối sống kia. Lối sống ấy thì hợp gì với tao? Có thể ông ấy là một anh hùng, một ông hiền, một ông thánh nữa. Nhưng tao nghĩ như Muýt-ta-pha Kê-man cũng ăn chơi, cũng nhảy đầm, cũng rượu chè, cũng trai gái, nghĩa là cũng như tao, có lẽ tao thú hơn. Cái lối sống khắc khổ, nhạt nhẽo và gò bó, ăn không cần ngon, mặc không cần đẹp, hùng hục làm việc, mày nghĩ xem, còn có cái thú gì? Tàn đời thôi. Không, đối với tao, sống phải là một cuộc sống rộng rãi, phong phú, sang trọng, hoàn toàn tự do, không phải là một cuộc sống đạo đức lạnh lẽo, nghèo nàn. Mày là một thằng học trò ngoan, một con người tốt. Nhưng tao thì khác. Muốn tao học giỏi thì khuyến khích bằng cách gì? Không thể bằng tiền, bằng của được. Mà phải bằng cách là bố tao nói với ông chú họ tao làm ở Mê-tờ-rô-pôn, mỗi chủ nhật cho tao vào xem đầm tắm một lần. Chỉ có cái đó mới làm cho tao học. Bây giờ tao có được cái sung sướng ấy không? Của phải chia cho mọi người. Sống không được theo ý mình. Có đúng thế không? Mày bảo tao theo Việt Minh thì có ích lợi gì cho tao? Tao chỉ thấy thiệt.

- Con người có phải chỉ có ăn, ở, đụ, ỉa đâu, Tân ơi. Con vật cũng thế thôi.

- Cái phần đẹp của con người lại là ở chỗ con vật. Hết con vật thì không còn con người. Nhưng không cãi nữa. Nên trọng tự do của nhau thôi. Mày đến chơi, tốt, ăn uống với tao, tốt, muốn có gái chơi, được, tiền tha hồ. Nhưng đừng tuyên truyền. Nhật Tân ơi. Tao có được nhẹ nhõm như mày đâu. Mày đã đứng hẳn về một phía, còn tao...

Tân nhún vai, thở phì một tiếng, và như chẳng biết làm gì, lại vớ lấy hộp thuốc lá, rút ra một điếu, nhưng không hút, lặng lẽ đưa cho bạn. Nhật Tân nhìn Tân, con mắt nhỏ chứa cả giận và tuyệt vọng:

- Mày thích cái lối sống của mày. Tao thích cái lối đời sống mới. Mày muốn sống thế nào? Như Nguyễn Hải Thần nhà mày bói toán hút thuốc phiện ư? Như Nguyễn Tường Tam thụt két của Chính phủ ư? Như Trịnh Thục Oanh đưa gái cho Sa-ten ư? Cái thời đại nhơ nhuốc ấy đã qua rồi. Hà Nội bây giờ đã giản dị lắm. Người ta không phải đánh giá nhau bằng một bộ cánh. Phụ nữ không phải bán thân đi để được mặc sang. Nhưng hãy để chuyện ấy đấy. Bây giờ tao hỏi mày. Thế thì mày đứng đâu? Phía Pháp à? Tao rùng mình cho mày đấy.

- Tao muốn à? Mày bảo tao muốn à? Không, không, không.

Tân đến đứng bên Nhật Tân, nói một giọng rất kịch:

- Tao ghét Pháp cũng nặng như tao sợ Việt Minh. Cho nên tao không có chỗ đứng. Có lẽ chỗ đứng của tao là ở nghĩa địa. Còn sống ngày nào thì chơi, hoàn toàn tự do, hoàn toàn tận hưởng những cái gì mà cuộc đời có thể cho tao.

- Tao buồn cho mày. Cái Tổ quốc này, cái Thủ đô này, mày bỏ cho nó mất một lần nữa ư? Cũng là cái chết, sao mày không chết trên đài danh dự, có hơn không, Tân? Tất cả Hà Nội đã thề sống chết với Thủ đô, kể cả những người giàu có bằng vạn mày nữa. Tất cả mọi người đều đoàn kết lại để chặn tay thằng Pháp. Sao mày còn có thì giờ mà nghĩ lảm nhảm như một thằng điên! Tân, Tổ quốc kêu gọi mày đấy.

Tân cười rũ rượi, và như không đứng vững, đầu anh ngả vào vai Nhật Tân, tay anh ôm choàng lấy bạn:

- Đã nói hết chưa? Nói hết chưa? Chưa hết thì nói đi, thằng bạn học đòi vẹm của tôi ơi! Sao chúng mày khỏe tuyên truyền thế, tuyên truyền cả trong tình bằng hữu, đem cả Tổ quốc ra để thỏa thích cái thói quen, cái tật tuyên truyền của chúng mày. Bao giờ cho chúng mày im đi và thật thà hơn một chút? Nhật Tân này, mày còn khá đấy, chưa nặng lắm, nhưng phải coi chừng. ừ. Mày là thằng bạn thân của tao, sao mày không nói với tao như ngày trước, mà phải làm ồn lên như thế. Sao mày lại phải tuyên truyền tao? Những thằng đi tuyên truyền thường coi người mà chúng nó tuyên truyền là ngu hết. Tao không muốn thế. Tao muốn là tao, tao nghe tao, tao quyết định lấy tao. Đừng nói nữa. Hay mày cứ nói đi, vì mày có quyền tự do nói, nhưng để mà tao không nghe.

Nhật Tân bỏ Tân ở lò sưởi, ra đứng sát cửa kính, đầu gối quỳ lên đi-văng. Anh nhìn xuống phố vắng tanh, thở dài:

- Thôi, tao về. Có hai thằng, thế là mỗi thằng đi một ngả. Sao mày không cùng đi với tao?

- Được. Nói thế đúng hơn. Thôi mày về đi, không tự vệ nó chửi cho bỏ mẹ!

Tân vỗ vai Nhật Tân, kéo vào ngồi xuống ghế, lại rót hai cốc rượu, đưa cho bạn một. Anh ngồi trên cái tay vịn, nhìn Nhật Tân mắt đã đỏ ngầu:

- Uống đi rồi về. Mày thương lấy tao, chứ đừng giận tao, đừng trách tao. Nếu như chốc nữa, hay ngày mai, ngày kia tao nghĩ lại, thì là vì tao, vì mày, chứ không vì cái gì cả. Có cần gì không? Súng đấy, cầm lấy, tao mua cho mày đấy, đừng khách khí nữa, vì tao biết chúng mày có cái gì đâu mà đánh Tây. Tao có một khẩu súng của tao rồi, để tao tự xử. Cần gì nữa? Tiền? Tao biết hỏi thế thì mày tự ái, nhất là lúc này, nhưng khách sáo gì giữa mày và tao. Thuốc lá, lấy mấy tút đi. Tao trữ hàng tháng hút liên miên không hết, để lấy nó thay mày đấy. Còn tao. Mày đánh thay tao vậy. Tao giúp mày là vì thế.

Tân vào phòng, rồi trở ra, ôm một bọc thuốc lá, cúi xuống bàn cầm khẩu súng mà Nhật Tân còn để đấy, đưa cả súng và thuốc lá cho Nhật Tân. Anh nắm lấy tay bạn:

- Mày đừng chết nhớ.

Tân đến hôn con Lu lu:

- Cả mày nữa, đừng chết nhớ.

Nhật Tân nói:

- Được. Tao lấy tất cả những thứ này. Nhưng tao không chịu ơn mày.

- Cũng được. Tự do. Tự do. Dù sao thì cũng là của tao chứ của ai. à, mày có cưới nữa không?

- Tình hình này còn nói chuyện cưới à? Hỏi để làm gì?

- Để tao lo mừng. Con Hiền nó đâu?

- Nó ở lại kháng chiến.

- Tốt. Đừng để cho nó chết. Con gái hơ hớ.

- Kệ tao với nó, không việc gì đến mày.

Chợt Tân quay lại bảo Nhật Tân:

- Hay là ở chơi đến chiều. Cãi nhau mãi.

Nhật Tân nói:

- Để làm gì nữa?

- Mày không nhớ cả ngày sinh nhật tao nữa ư? Chiều hôm nay tao làm một bữa tiệc. Có thì giờ không?

Nhật Tân đút khẩu súng của Tân vào túi áo, kẹp bọc thuốc lá vào nách, đứng nhìn Tân lâu lâu, răng nanh hé ra ngoài, cái mép nhếch lên cười một cách đau đớn:

- Nếu là tiệc ngày chết của mày thì tao dự!

(Sống mãi với Thủ đô,

NXB Hội Nhà văn, 2004)

–––––

1. Giết bọn Việt Minh!

2. Cái thây ma.

3. Thầu khoán.

4. Nhà thổ cho sĩ quan Pháp.

5. Số không.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
26 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 77721)
M ỗi lần trước khi trở lại miền Trung, điều tôi thường hỏi: ngoài đó bây giờ mưa hay nắng. Lần này cũng thế, người em tôi vừa từ Huế trở về sau hai mươi ngày công tác nói: trời đang nắng và thành phố đầy hoa phượng, hoa sen. Bây giờ ngoài đó mùa hè và tôi nhớ tới không khí oi bức trong những chuyến đi cũ vào những thời gian đầu mùa hè: hoa phượng đỏ trên những ngọn cây, hoa sen nở đầy trong hồ Tĩnh Tâm, chung quanh trường thành, những trái nhãn nhỏ sai trên ngọn cây trong Thành nội.
09 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 84025)
Là một dân tộc đã có ít nhất ngàn năm lịch sử thành văn, từng nhiều phen đổ xương máu để bảo vệ chủ quyền của mình và đồng thời mở mang bờ cõi về phía Nam, từ đầu thế kỷ XX, người Việt bắt đầu chiêm nghiệm lý do thất bại của các phong trào Cần Vương, Văn Thân v... v...
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 12000)
Pađiak bilan ppak nắng tháng Tư. Cụm từ từng gây ngán ngẩm không ít với dân Phan Rang, khi nhắc đến nó. Tháng Bảy lịch Tây, nắng kinh người. Trước đó, vài đợt mưa tháng Năm vừa đủ cho nông dân gieo và giữ nước nuôi đồng, cho đến lúa sắp con gái thì nắng ập đến. Cả cánh đồng trắng xóa. Trắng mênh mông. Đất nứt nẻ. Lúa khô nằm chết như rạ. Bầy trâu thả được dịp long nhong ngoài đồng giờ chỉ là ruộng lúa vô chủ.
17 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 11325)
LTS: Nhai Nhựa là một trích đoạn trong tiểu thuyết Giải Cấu của nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh. Hợp Lưu trân trọng giới thiệu. Một nửa cái đầu hắn thường xuyên đau nhức như bị chảy máu. Bán cầu trái đã ẩm dột trầm trọng. Có vấn đề. Nó giống trần thép trong một hố cầu bị han lở. Những con gián bẩn thỉu náu mình trong những hách tường ẩm thấp.
18 Tháng Giêng 201012:00 SA(Xem: 10897)
Tháng chín, mùa cua lên bãi. Tối hôm trước, Thẻo bảo đi ra miệt Bãi Bùng vắng người, kêu Tư sửa soạn sáng mai đi bắt cua. Ra khỏi nhà khi trời chưa hẳn sáng, hai đứa mò mẫm men theo rạch Tầu, lưng mỗi đứa đeo hai ba cái nơm, cái giỏ. Trong gió sớm, mùi bùn tanh tanh ngan ngát.
31 Tháng Mười 200912:00 SA(Xem: 10366)
Thế giới đã nói nhiều về bí ẩn của kĩ thuật xây tháp Chàm. Làm thế nào các viên gạch chồng khít và gắn kết vào nhau mà không cần lớp vữa, đến nỗi đập vỡ còn dễ hơn tách hai miếng gạch? Tại sao gạch Chăm không bị mốc sau hàng ngàn năm, trong khi các viên mới tháp vào chưa tới chục năm đã bị rêu bám? Chăm làm xong tháp rồi chất củi nung, là giả thiết ngây ngô nhất.
05 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 9358)
Ở Hoa Kỳ, The Vietnamese American High School Alliance of Southern California ( VAHSA) tổ chức trại hè lấy tên là Kết Thân ( The Personal Touch) vào cuối tuần lễ thứ hai trong tháng Tám -2007 tại Palomar Mountain Range (phía bắc quận hạt San Diego) cho các trẻ gốc Việt đang cư ngụ tại hai quận hạt Orange và San Diego.
05 Tháng Tư 200912:00 SA(Xem: 74858)
Họ ngừng trò chuyện nơi đây vì xe đậu lại ngay trước khu chung cư năm tầng lầu. Đến nhà ông bà Mi-Sơ-Vanh rồi. Cả bọn lục tục ra khỏi xe. Lại nghe vang to rầm rầm tiếng cửa xe đóng mạnh.
17 Tháng Giêng 200912:00 SA(Xem: 11244)
"Anh ấy lên Mường Lát cách đây hai tuần, chính em đưa lại giới thiệu nường Phin. Trưa mai em có việc về Hà Nội, tối phải đi nghe hát xẩm. Nếu anh tò mò muốn đi xem nét văn hóa truyền thống dân tộc này, em xin mời, em sẽ cho anh thêm chi tiết…’’
23 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 86000)
Tên quân sư quạt mo : Nguyễn Hữu Đang Hắn là con một tên chánh tổng ở Thái Bình. Chính gia đình địa chủ cường hào này đã rèn luyện cho hắn từ lâu cái đầu óc thích «ăn trên ngồi trốc», thích địa vị với nhiều thủ đoạn nham hiểm và tàn nhẫn.