- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Ma Hời

19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 12000)
mahoi_inrasara

(Trích chương 8 tiểu thuyết
“Hàng mã kí ức”, 2010, đang in.)


Pađiak bilan ppak nắng tháng Tư. Cụm từ từng gây ngán ngẩm không ít với dân Phan Rang, khi nhắc đến nó. Tháng Bảy lịch Tây, nắng kinh người. Trước đó, vài đợt mưa tháng Năm vừa đủ cho nông dân gieo và giữ nước nuôi đồng, cho đến lúa sắp con gái thì nắng ập đến. Cả cánh đồng trắng xóa. Trắng mênh mông. Đất nứt nẻ. Lúa khô nằm chết như rạ. Bầy trâu thả được dịp long nhong ngoài đồng giờ chỉ là ruộng lúa vô chủ.
Nắng tháng Tư gây kinh hãi, nó khiến nông dân sốt ruột mỗi sáng trưa chiều tối ngó trời. Ngó để mà thở dài. Nhưng dù gì thì gì, nó cũng không thấm vào đâu so với bhut bilan ppak ma tháng Tư. Cạnh ma tháng Tư, cái nắng chỉ là món đệm lót lòng, cho thêm vị.
Chạng vạng tối là làng rộ lên tiếng kêu ma, đuổi ma. Đầu thôn cuối xóm. Tiếp nối nhau, đứt quãng hay đồng thanh. Nhà sang nhà. Tiếng chân người chạy rần rần nện vào nền đất. Rồi đột ngột tất cả yên ắng, chỉ còn tiếng thì thào bí mật. Rồi là tiếng mưk phat bắt vong vang to rờn rợn. Hãi nhất là khi con bệnh đến hồi nguy kịch, ông thầy bhut trèo lên nóc nhà vạch miếng tranh hú tên người bệnh. Như thể hồn người vừa đi xa lắm, phải hú như thế, nó mới nghe được và chịu quay về. Đám nhóc chúng tôi nghe mà cứ nằm ôm gối thin thít. Nông thôn Chăm những năm sáu mươi của thế kỉ trước vẫn còn heo hút. Thưa thớt và lác đác. Khuôn nhà cách nhau có khi cả trăm bước. Lối “chẹt” rộng xe trâu. Người lớn chạy đi giúp nhau, bỏ đám trẻ lại nhà. Lớn xíu mới được cho đi xem.

Chiều Chủ nhật năm Đệ Thất, xuất trại về, tôi chạy vội ra nhà dì D đang có chuyện. Người ta chuẩn bị vật dụng bắt ma cho dì. Làng xem như xem hát. Người dì xanh xao, gầy nhom và mềm như con đỉa. Người ta giăng quanh dì cái cà-tăng, dựng dì buộc vào cột, đốt muối ớt. Ông thầy đi quanh và đọc bài thần chú, chốc chốc quất roi kuramai vào mảnh thân ấy. Mẹ dì khóc nức nở. Tôi muốn hét lên rằng dì đang bệnh nặng, chứ không ma tà gì cả. Nhưng tôi tí đầu không thể ngăn cản một lối suy nghĩ thâm căn cố đế truyền đời được. Thằng này, chưa sạch vảy đầu biết gì mà nói. Mầy không thấy hắn khai đó ư? Dì vừa khai có ma, kêu hoảng vài tên. Đánh quá thì khai. Không có gì cũng phải khai. Khai thì bị đánh thêm cho xổ hết ra. Rồi như có kẻ mách, các thầy giữa đêm hôm lặng lẽ kéo nhau lên thổ mộ bắt ma tại nấm mồ người mới chết đang gởi tạm thần đất. Mới yên. Vẫn chưa yên. Ma đói hay bị chết oan ức, tối hôm sau quay lại hoành hành.
Người trong họ vừa mất. Dì M bị ma nhập, nằm cứng đơ. Anh Tin lôi tôi chạy qua xóm Dưới kêu chú. Mẹ thì hớt hải đi tìm ông Mục, thầy cao đạo. Ông thầy này ít đánh ma hoặc nếu có, cũng chỉ đánh vờ lấy lệ. Ông có tật nói ngọng, lũ ma nghe tiếng ông là… chạy vãi đái. Chúng cứ đoán mò, biết có phải ông kêu đúng tên mình kia không. Thôi thì cứ lo thoát thân đã, tính sau. Chú D lúng ta lúng túng hết bóp tay chân lại lay mình dì. Chả hề hấn gì cả. Nhưng khi ông Mục vừa bước lên bậc cửa: “n[g]ó [đ]âu?” thì dì mở to mắt trỏ: “ở xó cửa đó”. Thế là thoát. Chú Chương ngồi ngoài sân nói vọng vào: chị làm nũng ông anh chớ, ma đâu mà ma!
Nỗi hư hư thực thực ma ma người người lẫn lộn cõi âm dương ẩn ẩn hiện hiện trong thôn xóm Chăm thuở ấy. Tôi không tin ma nhưng cứ sợ. Mọi đám tang người chết trong họ, tôi rất năng nau glai đi rừng. Đó là tối đám lên. Lũ trẻ với cánh phụ nữ được dẫn ra ngoài làng sát bìa rừng ngồi chụm lại thành vòng tròn cho ông thầy tiap kalơng đuổi tà. Ai giành được ngồi lên gai hahluw khúc gỗ đầu là phước lớn. Ông thầy đọc bài phù chú bằng giọng vang, trầm bổng, gai người. Cuối mỗi bài phù chú, ông chấm dứt bằng cụm âm phèng phèng đô... ố... ối… mọi người đồng thanh hô vang đô ố ối… Hô mà lông tay cứ dựng đứng. Xong, chúng tôi đứng dậy, lah dhan traung dhan aik xé nát cành cà cành é cầm sẵn trong tay. Như một biểu trưng cho âm dương cách biệt. Tuyệt không ai ngoảnh lại nhìn, khéo con ma biết đường tìm về quậy phá.

MA HỜI

Vất vưởng ở đường biên đêm và
ngày những con ma hời giữa sống
và chết sự thật và huyền thoại
mù mờ lồ lộ trên lằn ranh

vắng mặt và có mặt. Những con
ma hời tưởng đã mất hôm qua
vẫn còn hôm nay lầm lụi giữa
quen và lạ xa lánh hay gọi

mời. Những con ma hời vật vờ
giữa âm và dương trên đường biên
thế kỉ cũ và mới. Những con
ma hời đã mất thân xác nhưng

chưa hóa linh hồn Cham Hroi chối
từ Cham Jat không nhận dắt nhau
đi và về dọc đường ranh duyên
hải và đồi núi miền trung vào

giấc đêm chưa qua ngày chưa tới.
Những con ma hời hết làm người
nhưng chưa thành ma lấp lửng khu
lều trại trước cửa thiên đường và

địa ngục không đói rét cũng chẳng
no đủ. Những con ma hời căn
cước tên người họ ma quá khứ
đã xóa sổ tương lai chưa ghi

tên tạm trú dài hạn đường biên
hai thế giới. Những con ma hời
Năm thế kỉ qua.
(Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức, 2006)

*
Chăm chia đời người làm ba phần. Đúng hơn: ba lần sinh. Cha mẹ sinh thành và dưỡng dục thì là chuyện đã rồi. Con trai Chăm khi cưới vợ, chàng toàn quyền chọn cha mẹ thứ hai. Chăm gọi là inư amư mẹ cha. Chỉ inư amư mới dẫn chàng rể và đoàn tùy tùng phò trợ về nhà vị hôn thê, cầm tay chàng giao cho inư amư vợ chưa cưới. Chỉ inư amư mới đủ tư cách dắt tay anh vào phòng cô dâu làm thủ tục cuối cùng, cho anh chị… sướng. Cha sinh mẹ đẻ - không! Họ đã “hết” trách nhiệm với đứa con. Ông bà chỉ đến nhà sui gia sau đó, lặng lẽ như thể đi lén. Đó là lần sinh thứ hai. Lần cuối cùng, là khi bạn vĩnh viễn trở về nhà, cấp Paxeh làm thủ tục sinh nở cho bạn. Buổi sáng cuối cùng của đám tang, động tác jan patuw ging đập ông táo tượng trưng cho thời khắc vỡ nước ối trong bào thai mẹ, chuẩn bị thao tác cuối chót cho bạn chào đời. Từ ngày lên giàn lửa đến Patrip bak bilan Giỗ đầy tháng, bạn vẫn còn bám váy mẹ, ở đó thầy Paxeh ppahwak là đại diện. Đến sinh nhật đầu tiên, Paxeh talang là người cha làm lễ công nhận bạn đã chân cứng đá mềm, đủ sức lon ton theo cha vào rừng. Hai, ba mươi năm sau, khi đã to cẳng cồ vai, bạn tách khỏi cha mẹ, và Ppo Dhya cho bạn nhập kut, dẫn đường bạn vĩnh viễn vào đời.

Cái chết và sự hủy diệt chiếm một vị trí quan trọng trong một hệ thống triết học Bà-la-môn. Trong ba vị thần: Brahma, Vishnu và Shiva thì thần Shiva đóng vai chính. Chăm cho cái chết là mặt khác của sự sống, là sự hoán cải hình tướng của cùng một hữu thể. Hủy diệt để chuẩn bị cho sáng tạo cái mới. Hủy diệt chính là sáng tạo. Trong nghệ thuật tạo hình Champa, tượng thần Shiva chiếm một số lượng khổng lồ. Chăm thờ Đấng Hủy diệt, nặn tượng Đấng Hủy diệt. Cùng với nó là cái chết đi vào cuộc sống Chăm, vào phong tục tập quán và vào cả văn chương.
Ariya Nau Ikak Thơ Đi Buôn. Cuộc sống như là một chuyến buôn, một cư ngụ tạm bợ.

Krưm blauh hu bila
Tamuh ngauk raung kara o hu akauk
Diang nhu talei kabwak
Asaih khauk ngauk raung kara
Asaih khauk kara kamrau
Ppo dom langau prew thauw asaih
Thân tre lại trổ ngà
Mọc trên lưng rùa khô
Giăng bằng dây lông thú
Ngựa phi trên mu rùa
Ngựa phi rùa kêu la
Người ghì cương thét ngựa.

Khai đề bài thơ, đã thấy khác thường. Sự khác thường ở ba câu đơn về đàn kanhi của ông Kadhar, luận lí của ta còn nghe được; riêng với ba câu đơn dưới về việc chơi đàn của nghệ nhân thì lối suy luận hợp lí đành chịu. Không phải nghệ sĩ đang chơi đàn mà chính cây đàn đang “chơi” nghệ sĩ, nó cuốn nghệ sĩ chìm vào dòng thác của cảm hứng và sáng tạo đến nỗi người nghệ sĩ muốn dừng cuộc chơi cũng không được. Với lối mở như thế, thi phẩm chắc chắn sẽ báo hiệu những khúc ca vui. Cuộc sống là cõi tạm, và trần gian này chỉ là quán trọ cho lữ khách dừng chân trong chốc lát rồi phải ra đi biền biệt. Nhưng không vì thế mà lữ khách phải buồn chán hay tỏ ra bi quan mà phải coi đó như là lí do để vui sống. “Chúng ta đến trần gian này trần truồng và chúng ta trần truồng rời bỏ nó” - Cervantès. Nói như thế thì trần truồng quá. Thi sĩ chúng ta láu lỉnh hơn:

Mai ikak mưng di kal mai thauh
O hu sa bauh gơm di tangin
Mai tơl urang alin
Brah sa patil, lak sa kalauk
Hôm xưa ta đi buôn
Có hai bàn tay trắng
Mới tới người ban dâng
Gạo cân và rượu lọ

Bạn đã được ban đủ tất. Vậy sao không vui vẻ mà thụ hưởng đi? Và cả khi trở về trần truồng, bạn vẫn được kẻ đưa rước với tiếng chiêng trống rập rình, tiếng nói cười rổn rảng. Đây là cảnh tiễn đưa trong đám tang. 

Drơp mưng aphauw ba twei hadei
Tabiak nau urang kaung dwa gah
Ahauk ngak payak dauk cang rađik
Tabiak nau ahauk siam đik
Của cải người mang theo sau
Đi, hai bên người hầu hạ
Thuyền người đón sẵn ngoài kia
Ôi chao chiếc thuyền xinh lạ

Vậy thì bạn còn chần chừ gì nữa? Còn đợi người ta mời hay sao? Chăm không có í niệm gì về người ta đều mang tiếng khóc ban đầu mà ra cả. Họ ca ngợi cái đến, cái ở lại, cái đi nhất là họ ngợi ca thái độ ra đi của kẻ đã khăn gói lên đường làm một chuyến buôn dài:

Klauh thun harei jang tơl
Su-on lo ka nưgar đih klak lisei
Năm hết ngày cũng đến
Nhớ quê nằm bỏ cơm

Chuyến buôn khởi thủy không vốn nên đừng mong có lãi ở chung cuộc. Vậy thì chớ sắm sửa của cải mang theo ta, vô ích. Của cải cũng mất, ta cũng chẳng nghe.
Đấy là một hành động chết nhẹ tênh. Kể rằng Nguyễn Du, khi biết mình sắp mất, bảo người nhà xoa nhẹ thân mình. Khi được người nhà cho biết nó đã lạnh, ông thốt lên hai tiếng: được rồi, và nhắm mắt. Đó là một thái độ nhận phận và yêu mệnh Amor Fati của triết gia, một cái nhìn bao dung với cái chết. Ở Nguyễn Du vẫn còn có phân cách năng sở, có người sắp chết và cái chết. Ông chưa coi chết như cuộc trở về sang nhà của mình, nên chưa thực sự nhập cuộc. Vẫn còn đó cái nhìn ngoái lại của kẻ ra đi.
Chăm thì khác. Họ khát sống nhưng thèm chết. Sống hân hoan và chết vui vẻ. Cái chết là của mình, thuộc sở hữu của mình, một miền cố quận gợi đầy nhớ nhung, luôn vẫy gọi ta ở trước mặt. Là nhà buôn, bạn sẽ trở về lúc nào không biết, nhưng chắc chắn là trở về. Vậy hãy vui vẻ lên đường, vẫy tay giã từ trần-gian-quán-trọ, từ biệt người lạ người thân, sẵn sàng châm chọc họ nếu họ có rơi nước mắt “khéo dư” ấy. Lên đường nhẹ nhõm, không tiếc nuối, không lo nghĩ cho trần gian. Đã có người lo nghĩ rồi, quá nhiều nữa là đằng khác.
Nhưng đời đâu thiếu kẻ tham lam. Có bà ham ăn, di chúc cho con cháu ppaphwơl đốt thật nhiều bánh trái, thế là về nửa đường, không gánh nổi, bà báo mộng cho cháu út mời thầy làm lễ sớt bỏ lại. Khốn cả đôi đường! Ai bảo? Ông T làng Thon, trước khi nhắm mắt, đã dặn lui dặn tới vợ con: Tao chết đi, không mang gì cũng được, phải có thật nhiều cái mò ting. Thế là buổi sáng thiêu ấy, mấy bà sồn sồn hai ba lửa tranh nhau hái và ném hái ném vô số kể cho ông. Tham thì thâm, ông dùng không thấu, bước đi mà hai chân cứ như bò lết lên nẻo thiên đường. Lại phải báo mộng, làm khổ vợ con. Nhưng vụ này thì rắc rối hơn, gia đình ông phải làm Limư xalau lithei Năm mâm cơm chuộc tội, mời bà con về xơi, mời cả quý bà hái và ném khi ấy mạnh ai về nhận lại… đồ mình!
Không khéo ông thành Ma Hời thì chẳng biết đường nào mà mò.

Ma Hời, Chăm còn ngán, huống chi.
Người Cam dar Chàm chôn làng Ia Li-u, Ia Binguk hay Binưn, sau khi nhờ đất giữ một thời gian, giở lên làm đám. Bà con không làm lễ thiêu như Cam cuh mà chôn lại lượt nữa. Chôn xong thì bỏ về tất, như chẳng có gì xảy ra, chỉ cấp Paxeh ở lại làm các thao tác cuối cùng của lễ tục. Người chết không còn dính dáng tí ti nào đến họ nữa. Về mãi thôi nhé. Người Raglai thì cho tất cả họ hàng đi trước, bà Pajuw theo sau làm lễ, sau rốt là người ngoài tộc kéo lùm chà gai xóa hết dấu chân người ở lại. Bốn mươi ngày sau mới làm Padhi Giỗ, coi như xong một đời người.
Bà con dẫu ngán Ma Hời tới đâu, vẫn thương, vô cùng thương.
Kẻ chết hoang không được may mắn hưởng trọn lễ; chết bởi nghèo cực hay người cuối cùng của dòng họ không còn; kẻ chết xó núi cuối rừng; kẻ chết trận mạc xa làng khác tên gọi, chết do hổ vồ voi đạp, chết nước không được tới cái chẳng được gần, họ thành Ma Hời. Những oan hồn vất vưởng nơi đường biên, ở mọi đường biên trong bể khổ trần gian này.
Chớ nghĩ khi ta đã đổi đạo, lấy vợ khác tộc, đã lưu lạc tận trời Đông trời Tây là ta thoát kiếp phận Ma Hời. Chăm lấy vợ Việt nơi xó xỉnh xóm nghèo tỉnh Đồng Tháp cả đời không nửa lần quy hồi cố hương, trước khi nhắm mắt, dặn đi dặn lại bà vợ có mỗi thứ: Mình báo cho người nhà anh biết để nhận anh về làm đám thiêu mình nhé. Vậy thôi. Không di chúc chia đám ruộng này cho cái Tấm, con bò kia cho cu Bỉnh. Càng không phải trả cho bằng được mấy ân oán giang hồ vướng lại nơi cuộc người. Không về, bà con làm Đám qua đêm thì tội lắm mẹ nó à. Chăm ở Mĩ cũng đã biết lên máy bay Boeing 707 trở về trong chiếc hộp đẹp để lo chuyện vào kut.
Anh CC bạn học cũ, cải sang Đạo Chúa hai chục năm rồi mà cứ phải dính. Anh cắt đứt mọi dây nhợ với phong tục cha mẹ xưa, nguyện suốt đời phụng sự Chúa. Và chỉ có Chúa. Hơn cả một tín đồ Tin Lành truyền đời. Mất, anh còn di chúc dứt khoát chôn anh theo đường Đạo. Chính tờ di chúc được viết bằng thứ chữ đầy tính mĩ thuật kia mà người họ hàng đã không dám đụng đến thi hài anh hôm chôn cất. Họ đứng trơ đó, ngó “người ta” mang kaya mưh đồ quý của mình đi. Nhưng chuyện dừng tại đó thì còn may. Chăm mà! Tối hôm sau thôi, đói quá, anh về đòi ăn, khiến cả dòng họ hoảng hồn. Làm sao đây? Ông hứa trời trăng ông sẽ không quấy ai cả, ông yên ông lành đến nằm trong vòng tay Chúa, có thành ma quỷ gì đâu mà nói quậy với không quậy. Nhưng ông đã về lù lù đây nè! Cả làng đều thấy ông, đích thị không ai khác. Thế là làm lễ chuộc tội. Và đám tang ông được diễn lại như… xưa!

Con không thể chọn làm đứa con tổng thống Pháp hay cháu đích tôn quốc vương Brunei
con không thể chọn ra đời ở Thái Lan hay Mĩ quốc
con là Chăm ngay ban đầu vỡ ra tiếng khóc
(còn hơn thế: chín tháng mười ngày trước khi vỡ tiếng khóc)
khi con cắm rễ nơi đây
hay khi con lang bạt tận cùng trời
con cứ là Chăm cả lúc cháy lên cùng ngọn lửa cuối đời.
 (Lễ Tẩy trần tháng Tư, 2002)

Ông HC lấy vợ Bàni, nhập Bàni, làm người Bàni thuần thành, được cộng đồng Chăm Bàni xem là người của mình, đầy uy tín. Chết, ông cũng đã được hưởng lễ như người Bàni. Nhưng cuộc người đâu đơn giản vậy. Tuần sau, tối tối người làng thấy ông về men hàng rào căn nhà mẹ xưa mà khóc, rất tội. Họ hàng phải qua xin cải mả mang xương ông làm đám tang như Chăm… Bà-la-môn. Asar bha urang, talang bha drei Thịt phần người, xương thuộc phần mình. Thôi thì lúc ông còn tràn khí thế, ông nổi hứng qua bên nhà bác phục dịch săng sái rồi, đóng góp bao nhiêu là công điểm rồi; nay ông sức cùng lực kiệt chỉ còn bộ xương cách trí, nhà bác cho em xin lại, đưa ông vào kut, cho bằng chị bằng em. Đôi bên thuận thảo vui vẻ, ông cũng vui vẻ về. Chứ không như cái bà ở Phú Yên chả biết điều nào đó, hét bao nhiêu là tiền chuộc mới chịu trỏ cho biết cái mả mà thân xác ông chồng đầu gối tay ấp khi trước gởi nhờ. Có Chăm nào tưởng tượng nổi chuyện động trời ấy không chớ!
Chăm tin thần linh đành rồi, họ tin Ma Hời chả thua kém. Ma Hời đủ dạng. Ma Hời cấm Chăm làm bậy, ngăn Chăm từ bỏ phong tục tập quán cha ông và, khiến Chăm không dám chối Chăm. Ông quan hiện đại nọ, để tỏ ra ta đây duy vật biện chứng khoa học đầy mình, ngay trong tháng Katê linh thánh, đã to gan giết bò đãi khách, thì ngay tháng sau thôi, gia đình bị khiến tới ppatơl mai bao nạn. Nhỏ thôi, như thể Ma Hời cảnh cáo độ lượng khoan hồng ông lần đầu dại dột. Chứ bà nọ tham của Yang In là Ma Hời hóa thân, bị Yang In vật cho chết ba đứa con liên tù tì, phải cậy Cei Halim Mưh báo cho biết, mang của nợ đi trả, mới tai qua nạn khỏi. Ở đó mà đùa. Ông Đ đám cưới con gái, đã ngang bướng mổ thịt dê thết khách khứa, thằng cháu ruột cuối cấp Tiểu học đi học về buổi trưa xin miếng bánh “con ăn lần này nữa thôi” và rồi nó đi luôn. Chính Ma Hời là kẻ dẫn đường nó về. Chăm kêu là hanauh hờn. Laik di pabah di dalah rơi vào miệng lưỡi đời. Hờn thôi mà đã vậy, giận nữa thì có nước giở làng mà chạy. Kể rằng có kẻ lấy cắp vàng Hời đã bị Ma Hời làm cho tàn mạt cả dòng họ. Đến hối không kịp.

Sử gia Tạ Chí Đại Trường ghé tôi tại quận Tư mùa hè 2008. Ông già gân, cảm nhận đầu tiên của tôi thế. Ông nói suốt ba tiếng đồng hồ, quên cả cơm trưa. Mãi khi Hani lên chào ông và mời dùng tạm bữa cơm gia đình ông mới sực nhớ ra là đã quá ngọ. Ông có lối viết sử đầy ma thuật. Tù nhân Chàm từng là một ám ảnh lịch sử. Nó càng ám ảnh hơn, khi được ngòi bút ông già gân đụng đến. Thử theo dấu chân ông lần ngược về quá khứ.

Trong trận đánh đầu năm 1044, trên chiến trường ở Quảng Nam, quân Lí giết vua Chàm, bắt 5000 tù binh, đến mấy tháng sau, tháng 7 mới vào thành Chà Bàn bắt cung phi mĩ nữ”… Tù binh về xứ Lí được tập họp theo bộ tộc cho ở huyện Tương Dương, Nghệ An ngày nay, phân bổ trong những khu vực mang tên gọi theo kiểu Chàm.
Chúng ta không quên loại tù binh đặc biệt được sử dụng cho nhu cầu hưởng thụ của vua Lí: đó là các cung phi mĩ nữ, các ca kĩ của vua Chàm. Hấp tấp, Thái Tông đã khiến Mị Ê nhảy xuống sông tự tử, phải lập đền thờ cúng, không phải vì thán phục lòng trinh tiết của người phụ nữ này mà chính là lo sợ sự báo thù từ cõi thiêng…
Đại Việt sử kí: “... Lí Thái Tông chém đầu vua nước ấy là Sạ Đẩu, Lí Thánh Tông bắt vua nước ấy là Chế Củ, bắt làm tôi dân nước ấy 5 vạn người, đến nay vẫn phải chịu làm tôi tớ...”
Vùng phía tây Thăng Long, trọng tâm là đền Lí Phục Man với dân chúng các làng Yên Sở, Đắc Sở thờ cúng ông.
Nguyễn Văn Huyên: Dấu vết đặc biệt về mặt cảnh quan quanh đền là cả một vùng trồng dừa, “một sản phẩm hiếm hoi ở đồng bằng Bắc Kì... là thứ cây tạo thành nguồn thu lớn của nơi này”… , “Yên Sở hình như là một trong những làng giàu nhất Bắc Kì. Nghề dệt lụa và làm ren ở đấy rất phát đạt”.
Trần Quốc Vượng: “một làng quê ở miền Nam đã... ra Bắc... ven bờ sông Đáy... nổi tiếng với một ngữ điệu khó nghe nhận”
Tên Đinh Xá là “làng có chùa Bà Đanh”, một làng có nguồn gốc lịch sử là của tù binh Chàm.
Vùng thứ ba tập trung tù binh Chàm của Lí được Lê Văn Hưu (1272) xác nhận thêm địa điểm là ở vùng Bắc Ninh, vì lời chê trách “dựng cột chùa đá” cho ta xác định đó là cây Cột đá chùa Giạm còn lại ngày nay ở xã Nam Sơn, huyện Quế Võ mà ta nhìn ra là một mukhalinga mang dáng dấp Việt Hán.
Trần Quốc Vượng: Ngũ Huyện Giang cùng trong tỉnh Bắc Ninh “có rất nhiều nhà họ Tống – họ lớn và cho đến nay cha truyền con nối, vẫn tự nhận là con cháu gốc gác tù binh Chàm, coi kho cho Bà Chúa Lẫm”.
Lê Hoàn phải “giết người hai châu Hoan, Ái không biết bao nhiêu mà kể”, cho nên có được số dân mới của Chàm, Lê Hoàn càng không biết làm gì liền đẩy về với tộc đoàn của họ… Người không phải “dân mình”, được trở về xứ sở cũ.

*
Bất chợt mênh mông rặng tre quê Bắc
Khóm dừa Yên Sở vươn trong xanh.
Bất chợt phố đông dòng người xuôi ngược
Thiếu phụ màu da bánh mật qua đường
 (Sinh nhật cây xương rồng, 1997)

Tù nhân Chàm. Đi và chết dọc đường, đi rồi trở về hoặc một đi không trở lại. Họ đang ở đâu, trong thế giới mù mịt này? Thi thể nằm lại Châu Hoan, Châu Ái hay trôi Châu Giang, nắm tro tàn có vào nằm am nhỏ khuất lấp cõi ta bà hay con cháu họ đang là những sinh linh cặm cụi dưới khóm dừa Yên Sở, Đắc Sở để nguôi nỗi nhớ quê? Vua, chúa hay cung phi mĩ nữ? Nghệ sĩ, nhà khoa học hay thợ thủ công? Ai còn ai mất? Con cháu chắt chút chít họ còn nhận ra dòng máu Chăm chảy trong huyết quản không? Họ đã, đang và sẽ thành Ma Hời, một khi chưa hưởng đủ đầy lễ nghi cuộc sinh hạ lần thứ ba của đời người cho phần số lỡ kiếp làm người. Linh hồn không nhận được sự tôn trọng tối thiểu. “Không phải vì thán phục lòng trinh tiết của người phụ nữ này mà chính là lo sợ sự báo thù từ cõi thiêng”. Không được vào kut, họ làm Ma Hời. Thành Ma Hời, họ trôi dật dờ sờ soạng và tìm “báo thù”. Họ đã từng báo thù, như người đời nghĩ. Con người khác loài vật là biết chôn cất người chết, ai đã nói thế? Không như người Ấn mà nắm tro được thả trôi sông Hằng thiêng liêng. Như thế thì hư vô tuyệt đối quá. Kut, với Chăm là chốn cuối cùng để về. Dù kut sau đó trở thành kut hoang, nhưng Chăm đã có nơi trở về. Họ đã xé cành cà cành é, hết còn vương vấn cõi trần gian triền phược.
Họ về, mãi mãi.
...
“Mùa hè 1992, tôi tháp tùng Hà Vân đội nắng đi quanh vùng ngoại vi Caklaing khảo sát kut hoang. Caklaing là làng cổ nên xung quanh nó có mặt ôi thôi là kut. Nơi xó kẹt thế giới bị lịch sử bỏ quên này, nắng và gió thãi thừa các nơi đổ tới. Chúng nung và xoáy dân quê tôi trong lòng chảo chật chội của vũ trụ. Cứng cáp, gân guốc, dồn nén đến tận cùng để bật ra mẫu dáng quằn quại phiêu bồng. Như mấy bụi cây cảnh lấy từ núi Chàbang đang được thị trường ưa chuộng. Trong dáng đau đáu kia, biết bao là khắc nghiệt và khước từ của thiên nhiên! Kut hoang lè lè nằm vô danh giữa, sau hay dưới khóm xương rồng xanh gượng. Đã có bao nhiêu bị cát bụi vùi chôn? Chúng tôi thử làm thống kê: Kut Po Ong, Hamu Bơn, Hamu Kut… 14 kut tất cả. Cái nằm xa làng nhất cũng chỉ hơn cây số. Chưa kể 6 kut sống đang được thờ cúng. Chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh… nhiều dòng họ mất đi người cuối cùng. Nghĩa là đã có hơn mười bốn dòng họ lớn đi qua Caklaing. Kut hoang, nhưng nó luôn được Chăm tôn kính. Không ai dám dẫm đạp lên đá kut hay đùa chơi trong khuôn viên kut chính. Một kut hoang đầu làng, thuở nhỏ lũ chúng tôi có nghịch ngợm mấy cũng biết kiêng kị lánh xa. Chớ dại mà đạp lên đá kut sẽ bị kut hành có ôm cái chân sưng vù mà khóc. Tin đồn về một nhân dân tiến bộ Chàm khác đào đất kut và bị dòng họ trong làng làm dữ lan truyền rất nhanh. Dù sau đó cái tin thất thiệt được cải chính, song sự thể đủ nói lên vị trí tuyệt đối của nó trong tâm thức Chăm.
(Chân dung Cát, 2006)
...
Với kẻ biết điều, Ma Hời cũng lành chán. Không như Ma Lai chuyên rút ruột trẻ con, Ma Hời chỉ sờ soạng dắt nhau đi vào đêm tối trời hay dưới bóng trăng lu. Lặng lẽ. Chúng không bao giờ trực tiếp làm hại kẻ gây oán cho mình, mà chỉ xui khiến tới. Cùng lắm, chúng gây khó dễ chút đỉnh, như muốn nhắc nhở kẻ nghịch ngợm.
Xuân có trang trại ở Bảo Lộc đã lắc đầu quầy quậy cho tôi hay mấy anh chị Chăm làm công sao cứ sợ gò mối. Gò mối lù lù ngoài rẫy không dám đụng cây cuốc cái xẻng thì còn có lí, chứ con mối bò vào chòi phá đồ đạc, có la bảo cũng không ai dám động tới, là sao. Chúng là thứ côn trùng thôi mà. Tôi nói loài mối là Ma Hời hóa thân. Gò mối sống katoc là nơi trú ngụ của sĩ quan các cấp ở thế giới bên kia. Động vào, nó hành phỏng tay chân, nóng ran trong người, phải mời thầy Ew katoc Cúng gò mối mới lành. Đám tang, thầy phải qua katoc vời các sĩ quan về giữ nhà với trấn bốn góc rạp đám; xong lễ thì tiễn chư vị về tận chốn cư trú. Mối vào nhà là sự đi hoang lạc bước nhất thời của Ma Hời, chỉ cần thầy làm lễ mọn mời họ về cố quận là xong. Chứ sát hay phá thì mang vạ chớ có trách.
*
Tôi không tin ma, nhưng sợ.
Tôi không bao giờ động đến thứ nào trong hệ thống tập quán rườm rà của Chăm. Làm ngược lại hay chống, càng không. Tôi còn thích thú với chúng nữa, có lẽ. Năm tôi cạo đầu tập sự làm chú tiểu, mẹ hoảng lên tưởng tôi bị ma nhập, một hai dẫn tôi qua nhà ông thầy người đàng quê ở Xóm Cửa đuổi tà cho tôi. Tôi nhìn ông đọc thần chú với vung cây đao loạn xạ khắp phòng mà bấm bụng để khỏi bật cười. Rồi đột ngột ông hét lên một tiếng và chém cái vù vào không khí, từ miệng ông phụt những tia nước. Ông đưa cây đao cho mẹ xem máu quỷ nhập tràng ông vừa chém đứt cổ. Tôi bật cười thành tiếng: - Krat amaik chàng hiu, mẹ à. Tôi nói với mẹ bằng tiếng Chăm. Mẹ vội vã dúi vào tay ông thầy mớ tiền rồi lôi tôi ra cửa.
- Sao mầy cứ làm mẹ khổ! Đi một lúc, mẹ nói.

Năm tôi tứ thập, đã có gia đình với ba thằng cu, đang là dân Sài Gòn văn minh tràn ánh sáng, mẹ kêu tôi về quê Buh kalih tuh ia Tẩy uế. Thân tôi đã gây, tâm hồn tôi nhuốm và mang bao nhiêu là tội lỗi, tôi biết.

Sống có nghĩa là mang tội – tội lỗi bày ra
không cho ta sám hối, càng không để sẻ chia
nó xóc ta cô đơn sòng bạc cuộc đời.
 (Lễ Tẩy trần tháng Tư, 2002)

Tôi vui vẻ chấp hành, ngồi ngay ngắn cho ông Mục Ngọng lễ. Ngồi đó, tôi nghĩ về một nhà thơ đầy chất trí tuệ như thiên hạ cho là thế, triết gia tương lai của Chăm đang để mặc cho ông thầy Bà-la-môn ít học tẩy uế mấy vấy bẩn cuộc trần gian cho mình, mà ngấm ngầm cười. Nhưng không, tôi lắng nghe thành kính ông. Từ giọng đọc cho đến tiết điệu ngôn từ bài thần chú. Thằng Klu có thể bị mưnuk jruw asuw chait gà nhảy chó bước qua đầu, gauk panwơc gauk kadha tiếng nặng tiếng nhẹ của người đời,…
Peda thun peda bilan peda harei
Thun jhak bilan crih, thun bih bilan kơm, thun yuw bilan cauh
Peda di ciew đih anih padei, peda di lithei hwak ia mưnhum
Peda di mưnuk jruw asuw likau
Peda di xơp đom panwơc pwơc urang kurba yai yak patak parai
Peda di yang dơr kalan
Peda di jalan nau tappa kraung ribaung ia di tuk bak jala, jalan canah dwa canah kluw
Peda di kayuw dhwa ralo urang padei di krưh ppak pađiak
Peda di ia nhjak ia nhjơr di than ginuk di likuk yang dhwa di agha kayuw, patuw patih, abih gaun yang…
Tội lỗi năm tội lỗi tháng tội lỗi ngày
năm xung tháng hạn, năm độc tháng tang, năm chẵn tháng lẻ
tội lỗi cùng chiếu ngủ chỗ ngơi, tội lỗi ở cơm ăn nước uống
tội lỗi bởi gà nhảy qua chó bước lại
tội lỗi do lời ăn tiếng nói có kẻ kiện cáo buộc tội tại tòa án trần gian
tội lỗi ở khắp tháp thần
tội lỗi lối đi qua sông nước giữa trưa ngày, đường ngã hai ngã ba
tội lỗi dưới cây cao bóng cả người người nghỉ chân trưa bao la nắng
tội lỗi chốn nước hạn giếng khô, dưới tàn cây um tùm, sau bóng tháp hoang, bên gốc cổ thụ, nơi tảng đá trắng
tội lỗi với mọi mọi lệnh thần…

Bài thần chú quá hay. Rất đáo để.

Chăm sợ chết thành ma, Ma Hời. Ma Hời sống vật vờ xuyên thế kỉ hay Ma Hời hiện đại cũng không gì khác. Người già nằm giường lâu ngày không chịu đi, Chăm có thể làm lễ Ikak dhaung Buộc dao. Cho người được về sớm, để kịp ngày lành tháng tốt làm đám thiêu. Có thể xem đó là một đồng dạng với chủ trương cái chết không đau đớn sau này. Đây là trường hợp cực hiếm. Nửa thế kỉ, Caklaing chỉ có mỗi ca duy nhất. May, ông cụ đi ngay vài giờ sau đó. Ít thầy nào chịu thực hiện lễ tục kia. Bởi, ví buộc dao mà người bệnh không chết, tội lỗi vô cùng.
Người chết không được làm đám thiêu thì thành ma. Ma bị bỏ bơ vơ vất vưởng thế kỉ này sang thế kỉ khác thì thành Ma Hời. Cuộc thế biến thiên ai mà lường được. Chăm trải bao nhiêu nỗi thương tâm, kinh nghiệm đầy. Nên chớ trách bà mẹ sẵn sàng đợ con, chỉ để lo cho trót nghĩa vụ cuối cùng của cuộc sống lứa đôi là thiêu đốt, rồi trả klaung chồng về cho họ hàng nhà chàng. Như mẹ tôi đã mừng như thể được vàng, khi từ đám thiêu cha trở về vào buổi chiều tháng Sáu năm 1999.

Em gái tôi cũng hệt.
Tháng 10-2008. Đám thiêu mẹ rơi đúng mùa mưa. Trước đó, mưa liên miên. Bốn ngày mẹ Tagok bbơng Lên ăn, mưa khi to khi nhỏ. Sau đó, mưa như trút. May, mẹ không bị ướt mưa. Thời điểm đám lên, trời khá sáng cho thợ thư thả Mưk habei Nhặt khoai. Ngày Đốn gỗ Tak kayuw, đài khí tượng báo mưa suốt ngày, thế mà trời chỉ lất phất, có lúc trời còn nổi hứng ửng nắng nữa. Đặc biệt là tối Tak kayuw, anh Ngọc tin cho hay sẽ có mưa vừa cả đêm, nhưng không dưng trời nín khóc. Sáng thiêu, đài dự báo mưa rất to thì trời lại lóe nắng và đưa về ít gió cho ngọn lửa tiễn nhanh mẹ về trời.
Tiễn đưa mẹ về, chiều, em Những làm bữa tiệc nhỏ đãi anh chị em.
Tối, trời lại mưa.

Inrasara
Sài Gòn


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
26 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 77721)
M ỗi lần trước khi trở lại miền Trung, điều tôi thường hỏi: ngoài đó bây giờ mưa hay nắng. Lần này cũng thế, người em tôi vừa từ Huế trở về sau hai mươi ngày công tác nói: trời đang nắng và thành phố đầy hoa phượng, hoa sen. Bây giờ ngoài đó mùa hè và tôi nhớ tới không khí oi bức trong những chuyến đi cũ vào những thời gian đầu mùa hè: hoa phượng đỏ trên những ngọn cây, hoa sen nở đầy trong hồ Tĩnh Tâm, chung quanh trường thành, những trái nhãn nhỏ sai trên ngọn cây trong Thành nội.
09 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 84025)
Là một dân tộc đã có ít nhất ngàn năm lịch sử thành văn, từng nhiều phen đổ xương máu để bảo vệ chủ quyền của mình và đồng thời mở mang bờ cõi về phía Nam, từ đầu thế kỷ XX, người Việt bắt đầu chiêm nghiệm lý do thất bại của các phong trào Cần Vương, Văn Thân v... v...
17 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 11326)
LTS: Nhai Nhựa là một trích đoạn trong tiểu thuyết Giải Cấu của nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh. Hợp Lưu trân trọng giới thiệu. Một nửa cái đầu hắn thường xuyên đau nhức như bị chảy máu. Bán cầu trái đã ẩm dột trầm trọng. Có vấn đề. Nó giống trần thép trong một hố cầu bị han lở. Những con gián bẩn thỉu náu mình trong những hách tường ẩm thấp.
18 Tháng Giêng 201012:00 SA(Xem: 10897)
Tháng chín, mùa cua lên bãi. Tối hôm trước, Thẻo bảo đi ra miệt Bãi Bùng vắng người, kêu Tư sửa soạn sáng mai đi bắt cua. Ra khỏi nhà khi trời chưa hẳn sáng, hai đứa mò mẫm men theo rạch Tầu, lưng mỗi đứa đeo hai ba cái nơm, cái giỏ. Trong gió sớm, mùi bùn tanh tanh ngan ngát.
31 Tháng Mười 200912:00 SA(Xem: 10366)
Thế giới đã nói nhiều về bí ẩn của kĩ thuật xây tháp Chàm. Làm thế nào các viên gạch chồng khít và gắn kết vào nhau mà không cần lớp vữa, đến nỗi đập vỡ còn dễ hơn tách hai miếng gạch? Tại sao gạch Chăm không bị mốc sau hàng ngàn năm, trong khi các viên mới tháp vào chưa tới chục năm đã bị rêu bám? Chăm làm xong tháp rồi chất củi nung, là giả thiết ngây ngô nhất.
05 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 9358)
Ở Hoa Kỳ, The Vietnamese American High School Alliance of Southern California ( VAHSA) tổ chức trại hè lấy tên là Kết Thân ( The Personal Touch) vào cuối tuần lễ thứ hai trong tháng Tám -2007 tại Palomar Mountain Range (phía bắc quận hạt San Diego) cho các trẻ gốc Việt đang cư ngụ tại hai quận hạt Orange và San Diego.
05 Tháng Tư 200912:00 SA(Xem: 74858)
Họ ngừng trò chuyện nơi đây vì xe đậu lại ngay trước khu chung cư năm tầng lầu. Đến nhà ông bà Mi-Sơ-Vanh rồi. Cả bọn lục tục ra khỏi xe. Lại nghe vang to rầm rầm tiếng cửa xe đóng mạnh.
17 Tháng Giêng 200912:00 SA(Xem: 11244)
"Anh ấy lên Mường Lát cách đây hai tuần, chính em đưa lại giới thiệu nường Phin. Trưa mai em có việc về Hà Nội, tối phải đi nghe hát xẩm. Nếu anh tò mò muốn đi xem nét văn hóa truyền thống dân tộc này, em xin mời, em sẽ cho anh thêm chi tiết…’’
29 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 9414)
Một tay dắt xe đạp, một tay đẩy cửa, Nhật Tân bước vào cái gian nhà ngoài trông như cái phòng dọn để cho thuê. Con Lu lu đã quen cái nhà này, nhảy trên sàn đá hoa. Người bếp già chạy ra. Con chó mừng cuống quít, đứng thẳng người lên, quắp lấy hai bên sườn người bếp.
23 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 86001)
Tên quân sư quạt mo : Nguyễn Hữu Đang Hắn là con một tên chánh tổng ở Thái Bình. Chính gia đình địa chủ cường hào này đã rèn luyện cho hắn từ lâu cái đầu óc thích «ăn trên ngồi trốc», thích địa vị với nhiều thủ đoạn nham hiểm và tàn nhẫn.