- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Nõn Nường, Con Rắn Hai Đầu

17 Tháng Giêng 200912:00 SA(Xem: 11244)

w-hopluu98-f2-t140_0_300x162_1(Trích tiểu thuyết Trăng Nguyên Sơ)

(…)

Sáng dậy, tôi điện thoại ngay cho Ban Mai sau giờ hành chính. Sau khi tự giới thiệu và kể tôi đi tìm thằng chết tiệt, Ban Mai vui vẻ, giọng như chim:

‘’ Anh ấy lên Mường Lát cách đây hai tuần, chính em đưa lại giới thiệu nường Phin. Trưa mai em có việc về Hà Nội, tối phải đi nghe hát xẩm. Nếu anh tò mò muốn đi xem nét văn hóa truyền thống dân tộc này, em xin mời, em sẽ cho anh thêm chi tiết…’’

Thì ra Ban Mai phải đi nghe hát xẩm vì nàng chuyên trách phần văn hóa dân gian cho Ty Thông Tin Văn Hóa. Nhưng hát xẩm, theo cái kiến thức nhỏ bằng hạt đậu của tôi, là hát khi đi ăn mày, ê a con cá nó sống nhờ nước, tôi sống nhờ ông đi qua bà đi lại, ngửa nón đợi bố thí của những kẻ động lòng. Chẳng lẽ đi ăn mày nay thành truyền thống? Tôi nghĩ quanh, bật cười về cái dớ dẩn của một anh dở ngô dở ngọng trước những tình tự dân tộc.

*

(…)

Đi dọc Hàng Đào khi phố vừa lên đèn, tôi chưa đến chợ Đồng Xuân đã nghe nhịp phách lẫn vào tiếng nhị văng vẳng. Người đông, đi phải lách, và trong cái đám chen chúc đủ thứ mùi tôi bỗng thò tay giữ chiếc ví trong túi quần, cụm từ ăn cắp chợ Đồng Xuân từ thời xa xưa rập rình đe dọa. Đến giẫy cửa hàng ăn uống giữa chợ, tiếng chào mời dưới ánh nê-ông nhợt nhạt vang lên tứ phía. Chỗ nào cũng đặc sản của hàng chục địa danh, mùi dầu mỡ mắm muối gia vị sực vào mũi. Cạnh đó, một sân khấu dàn dựng sơ sài với khoảng ba chục cái ghế nhựa đặt đúng hàng đúng lối ở vòng trong. Vòng ngoài, người xúm nhau đứng. Trẻ nít chạy vòng vòng. Kẻ cười kẻ nói. Dăm thanh niên chen vai thích cánh chen vào chiếm chỗ. Tiếng bà già càu nhàu. Tiếng gái nạ giòng chua lét cất lên chửi. Rồi người can ngăn, yêu cầu nếp sống văn minh, đừng cậy khoẻ ức hiếp yếu, cậy trẻ bắt nạt già, phải có trước sau tôn ti trên dưới. Trong không khí nháo nhào, tiếng mi-crô rè rè cất lên, giới thiệu đêm văn hóa này do Trung Tâm Phát Triển Âm Nhạc Việt Nam tổ chức phục vụ đồng bào. Theo lời dặn của Ban Mai, tôi hỏi một anh phụ trách trật tự. Lát sau, một người trạc đôi mươi ra, hồn nhiên chào rồi đưa tôi vào chỗ sau sân khấu. Chưa chắc có phải là Ban Mai không, tôi định hỏi nhưng nàng đưa một tay lên môi khẽ suỵt, tay kia chỉ ra sân khấu. Nàng cười bằng mắt, nhẹ nhàng:

"Anh ra ngồi ghế ngoài sân xem cho thoải mái!"

Một cụ già khăn đóng áo dài, tay cầm giấy, trịnh trọng đọc. Cụ giải thích xưa vào thời phong kiến thực dân người mù hát xẩm xin ăn là do bức bách vật chất, nhưng nay nước ta kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã xóa đói giảm nghèo, hát xẩm được nâng cấp thành nghệ thuật đáp ứng một nhu cầu tâm linh quần chúng. Về làn điệu, xẩm có rất nhiều bài, nhưng có 7 bài đặc trưng là Xẩm chợ, Chênh bong, Riềm huê, Ba bực nhịp bằng, Phồn huê, Hát ai và Xẩm thập ân... Người hát xẩm trước đây là những người mù. Họ phải học thuộc làn điệu, phải biết chơi đàn, chơi phách, nắm được hát đến chỗ nào thì dạo đàn, chỗ nào được đánh phách vào, chỗ nào đàn chỉ có đệm mà không chêm giai điệu, tạo được những âm điệu đặc sắc do cảm nhận cuộc sống qua đôi tai. Khuyết tật giác quan của họ khiến mọi người dễ cảm thông. Đặc tính nổi bật trong nghệ thuật hát xẩm là tính hài hước, đả kích sâu cay, châm biếm, phê phán thói đời và tiếng oán than những nỗi buồn da diết, khổ đau của kiếp người.

Cụ dứt lời, chẳng thấy ai phản ứng gì, vài kẻ vỗ tay cho lịch sự. Thế là mọi người không ai nhìn ai cùng vỗ tay hồ hởi. Đám nghệ sĩ bậc thầy ra trước chào khán giả. Có cả nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú. Họ đứng tuổi, quần trắng áo the, đầu đội khăn xếp, tay ôm đàn ôm nhị, mắt đeo kính đen giả như mù cho đậm đà bản sắc. Có cả lớp trẻ, thường đã tốt nghiệp bộ môn nhạc truyền thống dạy ở Nhạc Viện, trang phục rất chỉnh chu, nhất là đám thanh nữ thướt tha trong những vạt áo tứ thân sặc sỡ che quanh giải yếm đào. Nhưng buổi tối trình diễn hôm nay nhắm mục đích vinh danh cụ Hà Thị Cầu, nghệ nhân từ Ninh Bình, người đã truyền dậy « nghề » cho đám hậu sinh. Nghệ sĩ trẻ Tuyết Hoa dìu cụ ra. Cụ lòa, móm mém, đầu đội khăn mỏ quạ, cúi chào khán giả rồi vào. Thật lạ, không hiểu vì sao tiếng vỗ tay ran dội như pháo. Cụ phải ra sân khấu thêm một lần, cũng vẫn chẳng cất lời, chỉ chắp tay vái khán giả. Sau khi đó, Ban Mai ra ngồi cạnh tôi, dịu dàng bảo : ’’ Sau buổi hát này, ta mới nói chuyện dài được...’’. Hiểu ý, tôi ngửng nhìn sân khấu, chỉ kịp nhận biết Ban Mai có một mái tóc thật dài, dài có lẽ chấm gót. Điều này hiếm. Vào thời buổi này, ai nấy háo hức đổi mới đến cả chân mày kẽ tóc, để tóc dài là hơi bị xưa.

Tiếng đàn bầu chẳng khác tiếng người nỉ non khóc, từng chặp nức lên theo nhịp phách nấc nghẹn, đệm những lời thương thân oán phận, từ Tiễn Anh Khóa, đến Xẩm Chợ... rồi Lỡ bước sang ngang... Nghệ sĩ trình diễn ngồi hát, tay xử dụng một loại nhạc cụ, nhập vào hồn vía những quá vãng còn luẩn quất tựa những linh hồn lạc lõng một thời chưa hẳn khuất. Người nghe im lặng. Không còn tiếng rao hàng. Không cả tiếng trẻ con hò hét. Và họ vỗ tay như đoạn kết cho mỗi bài hát thường kể lại những lỡ làng dang dở. Sau, khán giả hò tên cụ Cầu.

Cụ lại ra, Tuyết Hoa vẫn ở bên. Cụ ngồi xuống, tay quơ cây đàn nhị, lẳng lặng so dây, bật khẽ một tiếng, rồi dặng hắng lấy giọng. Như một phép lạ, khi cụ cất tiếng hát, giọng thanh hẳn chứ không có chút gì mỏi mệt của một người ở tuổi trên dưới tám mươi. Cuối câu, cụ luyến láy tự nhiên như người nói, tiếng vang vang trong một phiên tối chợ :

Sáng trăng suông vằng vặc cái đêm rằm
Nửa đêm về sáng trăng nằm nơi ngọn tre
Anh có yêu em cho trọn một bề,
Để em thơ thẩn ngồi kề bên trăng.
Sự tình này ai thấu cho chăng?
Để em chỉ nguyện bóng trăng chịu sầu.
Tương tư nối một nhịp đôi ba cầu,

Bắc Nam đôi ngả, chịu sầu đôi nơi.
Con chim khôn chết mệt về mồi.

Con chim khôn. Là mẹ ? Chết không phải vì mồi, chết vì lũ chim non đợi chim mẹ về mồi ? Cụ Cầu hát xong, khán giả im như bị hớp hồn đến cả phút, lát sau mới cất tiếng hoan hô đến vỡ chợ.

(…)

*

Ban Mai cắn môi, quả quyết :

" Anh hỏi em có thấy gì lạ không, em nghĩ lại, không anh ạ.Anh ấy bản chất là người đam mê, chứ ngoài ra thì bình thường như em hiểu. Duy có chuyện cái vật anh ấy gọi là Bảo Quốc Hộ Dân, nói ra chắc ít người tin. Nhưng có điều người đời tin hàng mấy chục năm, chịu cực chịu khổ, mất con mất cái, đổ xương đổ máu cho nó mà nay mở mắt nhìn ra thì như vỡ một cơn mộng hoang. Vậy anh bảo, bây giờ ai dám tin gì? Buồn hơn nữa, ai dám tin ai? Anh ấy có lạ là ở chỗ anh ấy vẫn dám tin. Vào em chẳng hạn. Sau dăm câu chuyện, anh ấy kể cho em chuyến xuống núi Nùng với người dẫn đường. Vất vả lắm. Phải đấm hàng chục triệu làm tiền mãi lộ, xuống thì trong đường hầm toàn rắn với chuột lộn nhộn lao nhao. Đến gần chỗ thông ra sông, anh ấy bảo khi đó con đường hầm nước ngập đến bụng, toàn là rết chẳng biết ở đâu chui ra, con nào con nấy to bằng chiếc đũa, bám vào đầu vào tóc, chui xuống cổ xuống vai, lách vào bụng vào ngực. Đến gần đích, thì dơi bay ra hàng đàn, cứ nhằm người lao đến cắn. Anh ấy bảo, chắc pháp thuật của Cao Biền, kẻ đã trấn yểm long mạch khiến nước ta cứ yên bình là kiệt dân khí...Theo đúng lời thần nhân, anh ấy tìm nửa ngày mới thấy cái chày đá cắm vào cối, nhưng ngược đời, cối ở trên chầy ở dưới, chặn đúng vào một mạch nước phun bọt lên. Đào nhấc được vật đó thì có tiếng phì phì ngay bên tai. Anh ấy quay lại, eo ôi, một con rắn dưới cái chầy chui ra, có sáu con mắt, lè lưỡi to bằng bàn tay, xông lại. Đã được dặn cách chống, anh ấy niệm...câu gì như a la ba ha om nít ràng ...mà nay em quên mất. Con rắn liền gục đầu xuống, theo lối ra sông trườn đi, và lúc quẫy đuôi, nó hóa thành rồng bay lên trời. Anh ấy bảo nay Hà Nội sẽ lại hóa thành Thăng Long, nếu giải được vật trấn yểm bằng cách giam nó vào núi Nà Mèo ở gần Mai Châu trên Hoà Bình. Anh ấy nhờ em đưa đường, nhưng em không phải người Mai Châu, em mới nhờ nường Phin vốn người Mường Lát cạnh đấy đưa anh ấy đi. Tính ra đến nay hai tuần rồi, nhưng em chẳng được tin tức gì. Trước khi đi Hà Nội, biết sẽ gặp anh, em có điện thoại cho nường Phin. Cô ấy cũng chưa về, anh ạ!"

"Nhưng nường Phin là ai?", tôi hỏi.

Ban Mai cười :

"Nhưng anh là ai đã chứ! Bây giờ cho em hỏi anh tìm anh ấy làm gì ?’’

Hình như đây là lần đầu có người hỏi tôi là ai. Hình như đây cũng là lần đầu tôi nói về tôi, nhưng tôi nói cả giờ thì cũng cứ loanh quoanh lẩn quẩn những chuyện lung tung. Tôi liệu có thực biết tôi là ai không, ngoài những chuyện chán mớ đời như công ăn việc làm, vợ con, nhà cửa, xe cộ... Thú thực như vậy với Ban Mai, tôi im lặng, không biết nói gì hơn. Lát sau, tôi ngập ngừng xin Ban Mai đưa tôi đi tìm nường Phin và thằng anh chết tiệt chẳng biết đã giam được cái vật trấn yểm kia chưa. Chắc Ban Mai từ chối, tôi cúi đầu di chân xuống đất. Có lẽ vì thương hại, Ban Mai cười hiền hòa, bảo :

"Cũng được, và thế là anh có thời giờ nói cho em biết anh là ai đấy nhé !’’

*

Đến bến xe, tôi nhìn quanh tìm Ban Mai. Mặc dầu trước khi lên đường, tôi đã cẩn thận dùng điện thoại cầm tay gọi, nhưng từ ngày về nước, tôi cũng đã quen với những cái hẹn lệch mươi lăm phút, chuyện rất thường. Xách chiếc ba-lô mới tậu ở Hàng Da hôm qua trong vỏn vẹn hai bộ quần áo, tôi lách giữa hàng chục chiếc xe hàng loại bốn chục ghế, đến ngồi quầy giải khát, gọi một ly cà-phê. Và đợi.

Nửa tiếng sau, Ban Mai đi Honda tới. Thấy tôi, nàng cười.

"Nường Phin vẫn chưa về , anh ạ! mai ta đi sớm, tối anh phải ngủ lại đây. Bình thường, anh có thể thuê khách sạn trong thị xã, không ba bốn sao như Hà Nội nhưng cũng tiêu chuẩn. Còn nếu anh muốn biết người Mường sống thế nào thì em chở đến nhà Mế Kha ở bản Mỗ, nhà sàn, nhưng sạch sẽ…’’

Tôi đáp, Ban Mai lại cười :

" Nhưng đừng chê người Mường chúng em không được văn minh như người Kinh nhé! ’’

Chúng tôi ăn trưa tại một quán ăn ven sông Đà. Tay chỉ về phía chiếc cầu bắc ngang đằng xa, Ban Mai bảo tít cao trên kia là đập thủy điện, rồi trề môi tiếp :

"Niềm tự hào của tỉnh Hoà Bình này đấy! Điện nay vào cả những bản vùng sâu…’’

Cơm nước xong, Ban Mai đèo tôi về nhà mế. Sau khúc đường liên tỉnh, xe qua Cầu Khuây rồi vào một con đường nhỏ gập ghềnh ổ gà ổ trâu bên cạnh là vách và vực. Ban Mai hồn nhiên:

"Ôm vòng bụng em, ngồi sau mà ngã xuống là rách việc đấy!’’

Nhìn bờ dốc bổ xuống những tàn cây cạnh đường, tôi biết Ban Mai không nói đùa, vòng tay làm theo lời nàng. ‘’ Đừng ôm chặt, Ban Mai dặn, mỗi lúc em nghiêng người thì nghiêng theo em để giữ cho xe thăng bằng nhé".

Xe thăng bằng, nhưng tôi thì không! Tóc Ban Mai bay ngược vào mặt tôi, mơn trớn. Mùi hoi nồng thơm như sữa thoảng vào đánh động khứu giác, thứ mùi lâu lâu một lần tôi ngửi được từ những người đàn bà không quen biết, khi trên đường, khi trong xe buýt, mê-trô … Mỗi lần như vậy, tôi thường bâng quơ nghĩ nếu còn có thể đi chọn một người đàn bà làm bạn chăn gối trăm năm, tôi sẽ nhắm mắt chọn theo mùi, chắc chắn không thể nào lầm lẫn được. Eo ôi, trăm năm! Không cần, chỉ phút này, với cái hương nồng ngát diệu kỳ đánh thức những nhục cảm chẳng giấy bút nào nói lên được! Áp mặt vào giải tóc bay ngược vuốt ve, tôi nhắm mắt, nghe tiếng gió thổi bên tai, bỗng dưng lòng nhẹ như những sợi mây đỉnh non trôi hiền hòa.

*

Bản Mỗ có khoảng hai chục nhà sàn mái lẫn trong những lùm cây xanh ngắt dưới nắng trong veo. Ban Mai leo lên bực cầu thang gỗ, miệng gọi Mế. Xách ba-lô, tôi theo sau, đề phòng dăm con chó ở đâu ùa ra sủa. Một bà cụ lưng còng tóc bạc chậm chạp thò ra khung cửa. Ban Mai ríu rít như chim. Bà cụ cười, miệng không còn răng, một tay kéo Ban Mai vào, tay kia vẫy tôi. Nhà tối om om. Ban Mai ra chống một cánh cửa sổ lên. Ánh nắng lùa vào quết lên những vệt khói bếp một mầu lung linh sáng. Mế hỏi, nhưng tôi không hiểu gì. Ban Mai đáp. Mế lắc tay tôi, giọng thân mật, vừa nói vừa cười, tay chỉ xuống một chiếc chiếu trải trên sàn nhà ghép bằng gỗ lâu ngày lên nước bóng loáng. Tôi ngồi, chân xếp tròn, mắt nhìn chiếc điếu cầy, bình nước chè, hộp diêm và dăm cái đóm trong lon sữa bò han rỉ. Mế vỗ vỗ vai tôi, miệng lại nói. Ban Mai bảo, con trai Mế đi rẫy, chiều mới về, biết tiếng Kinh chứ không như Mế. Tôi cười, nhờ Ban Mai cám ơn Mế. Đưa tay làm dấu lắc qua lắc lại, tôi hiểu Mế bảo, chẳng có gì đáng bận tâm.

Nhà năm gian, sát cầu thang là gian gốc, ngay phía ngoài một cây cột bề thế gọi là cột chộ đặt khám thờ tổ tiên. Gần đó là cửa voóng, sát sàn, nơi đưa quan tài ra khi có tang ma. Cột chộ và cửa voóng là nơi linh thiêng, không được dựa người tì tay vào. Phía bên kia vách, đối diện với cột chộ là một cây cột nhỏ hơn, dưới chân đặt cum lúa tuốt hết hạt, trên treo một chiếc giỏ thủng, cạnh là thanh tre đầu tuớc xơ cho bông lên. Ban Mai chúm chím, tay chỉ vào giỏ, nói:

" đây là nõn, đàn bà…’’

Ngần ngừ, tay chạm vào thanh tre, Ban Mai tiếp :

"Còn đây là nường, chỉ đàn ông!"

Bên cạnh cửa sổ Ban Mai vừa chống lên, Mế xếp vào cái bếp đun nước tiếp khách một loại cỏ tên là cỏ mật, nhóm lửa, mùi thoang thoảng thơm dịu. Đến gian giữa, nơi để bếp chính, xung quanh lúa phơi khô xếp vào một cái quây như cái bồ thủng đáy đan bằng nứa. Khuôn bếp được làm bằng loại gỗ đặc biệt cứng, có đường viền xung quanh, đáy lót bằng bẹ chuối rải bùn lên cỏ mật phơi khô để vào bếp đốt lấy tro rồi mới bắc kiềng nấu nướng. Giọng tự hào, Ban Mai cao tiếng :

" Người Mường chúng em dùng con xỏ tre, con then gỗ, đinh kèo để đóng thay cho đinh sắt. Chúng em dùng lạt mây, giang hoặc tre bánh tẻ để buộc níu các ngoàm đẽo hoặc cột kèo. Khung nhà sàn được dựng hoàn toàn bằng cách ghép mộng, đục đẽo mà thành. Đòn tay, gọi là, tôn thảy, được đặt dọc mái nhà. Đòn tay cái có miếng tre kẹp chặt vào đầu cột cái gọi là cái khoá kèo. Mái nhà lợp bằng lá cọ hoặc bằng cỏ gianh. Những cây nứa ngộ vàng óng, loại nứa to và dày, được lựa chọn kỹ để pha nan kẹp lá kiểu như cái gắp dùng để kẹp cá nướng. Cứ như thế, những kẹp lá cọ được đưa lên mái buộc thẳng vào dui mè. Đây là cách lợp mái nhà theo truyền thống còn tồn tại cho đến ngày nay…’’.

Mế đến gần, nói để Ban Mai dịch lại :

"Việc dựng nhà của người Mường đòi hỏi nhiều sức lực nên có tục giúp đỡ nhau. Người giúp gỗ, người giúp lạt, người giúp công, giúp sức. Trước kia, để nhận được sự giúp đỡ của dân làng, gia đình làm nhà phải chuẩn bị một lễ nhỏ mang đến nhà Lang, chủ quản Mường, để nhờ Lang báo cho mọi người trong bản làng biết. Mỗi gia đình sẽ cử một người đến giúp. Người ta phân công những công việc cụ thể cho mỗi thành viên đảm nhận như xẻ gỗ, đan nứa, pha tre, đan gianh cọ, lợp mái… Theo tục này, bản Mỗ đây có lệ khi một người làm nhà thì tuỳ vào khả năng mà giúp gỗ, lạt, nứa, lá, và mỗi nhà góp ba đến năm cân gạo nếp, hai chai rượu, một con gà…’’.

Thình lình, Ban Mai cất tiếng hát nhỏ. Không hiểu, tôi xin Ban Mai dịch lại. Nàng cười bảo đây là huyền thoại làm nhà người Mường chúng em trong Te Tất Te Đác, rồi đọc:

Bốn chân tôi làm nên cột cái. Nhìn sườn dài, sườn cụt mà xếp làm rui . Nhìn qua đuôi làm trái. Nhìn lại mặt mà làm cửa thang cửa sổ. Nhìn vào xương sống làm đòn nóc dài dài. Muốn làm mái thì trông vào mai. Vào rừng mà lấy tranh, lấy nứa làm vách. Lấy chạc vớt mà buộc kèo...

Thấy tôi ngây người mặt ngơ ngác, Ban Mai giải thích xưa người Mường còn ở hang ở hốc, có Tá Cần bắt được một con rùa đen, định thịt thì rùa van nài đổi sinh mạng mình bằng cách dạy làm nhà. Vì thế, phải nhìn bốn chân làm cột, nhìn mai rùa làm mái, nhìn xương sống làm đòn nóc ...Mế rót cho tôi chén nước. Tôi cười, ngây ngô. Còn Ban Mai, nàng đứng dậy nói với Mế, rồi quay sang tôi, bảo phải về cơ quan có chút việc, dặn Mế sẽ đi chợ để làm cơm thết khách đến từ thế giới bên kia. Chưa kịp hỏi thế giới bên kia là thế giới nào thì Ban Mai đã nhảy tót xuống chân thang, vù đi như một cơn gió hoang giữa cánh rừng lùi dần trước tiếng nổ máy của chiếc Honda đang lồng lên nhả khói.

*

Xin phép Mế ngả mình nằm, tôi thiếp đi lúc nào chẳng biết, đầu óc lát sau bỗng chập chùng những thực hư đan vào nhau thành vạt lưới chụp xuống mê hoặc. Hắn - thằng anh chết tiệt - cắm cổ chạy, sau một người đàn bà áo quần tơi tả đuổi theo. Tôi chắc là người đàn bà đó là nường Phin. Cô cất tiếng, nhưng tôi không hiểu. Phải chăng có Ban Mai, tôi sẽ hỏi. Vừa nghĩ thế, Ban Mai hiện ra, tóc lại phần phật bay. Tôi hít cho đầy lồng ngực, nhấm nháp cái mùi hương hoi nồng ám ảnh, nhắm mắt thì Ban Mai lay. Mở mắt, trước mặt tôi là cái giỏ thủng lỗ, tiếng cười hồn nhiên rồi ai đó nói, giọng khiêu khích, anh quên mất cái nõn của anh ư? Tôi thò tay xuống phần dưới cơ thể, nắm chắc khúc tre đầu bông lên, tay kia giữ rịt cái nõn, và cứ thế, tôi như con thuyền nghiêng ngả chòng chành chết đắm giữa lòng sông sâu thẳm. Khi đó, không gian chuyển đỏ, nóng lên, thằng anh chết tiệt vẫn chạy, nhưng nường Phin đứng lại, thân thể trần truồng. Cô im lặng, hai tay đưa lên trời, rồi khuỵu chân quì xuống. Ban Mai ở đâu đến đỡ nường Phin dựa vào mình, miệng mơn man áp vào cổ, vào ngực. Tay cầm cái nường vuốt ve, mắt khép hờ, môi run lên, người nường Phin cong gập như có ai đó thúc vào bụng dưới. Tôi vùng khỏi con thuyền đang đắm, nhìn nhưng không còn thấy thằng chết tiệt. Cũng chẳng còn nường Phin. Chỉ có Ban Mai, bây giờ đứng lên, mình trần, đầu vú nở nang căng cứng rỉ ra những giọt sữa trắng. Tôi đến áp miệng bú, như một đứa sơ sinh, lịm dần cho đến khi có tiếng đóng cửa.

Choàng dậy, tôi nhìn ra cửa sổ, thấy bóng Mế khuất trên đường mòn. Nắng hầm hập trên mái gianh. Dưới sàn, đám gia súc im lìm. Nhánh sông cạnh bản gần cạn nước, phơi mình như ăn vạ, đá cuội lổn nhổn trơ trẽn khỏa thân. Đâu đây có tiếng trẻ cười đùa đạp nước lõm bõm. Cố đứng lên, tôi vịn tay vào vách đi xuống cầu thang. Tít phía bên kia, dăm đứa bé tạt nước vào nhau trong một cái vũng, cạnh là một cái kè chèn đá tảng. Con chó đang nằm thè lưỡi dưới gầm sàn nhổm dậy. Nó sủa nhỏ một tiếng, đến gần tôi, mũi chúi vào chân hít hít, đuôi ngoe nguẩy. Thò tay vuốt suôi sống lưng chó, nó kêu hinh hích, không còn đe dọa như lúc tôi mới tới.

Tôi men con đường mòn, đầu vẫn lởn vởn cơn mê giữa ban ngày, đi về phía vũng nước trẻ con đang tắm. Đi ngang một giãy nhà sàn lổn nhổn cao thấp, tôi khẽ cúi chào khi bắt gặp ánh mắt tò mò nhìn từ những cánh cửa khép hờ, nhận một nụ cười hay một cái vẫy tay thân thiện. Xuống con dốc, tôi đến bên bờ nước. Bọn trẻ con, tất cả năm đứa, ù té xô ra xa. Chúng nhìn tôi, cười nói với nhau, tay chỉ trỏ, đứa nọ đẩy đứa kia. Rồi một đứa hỏi:

" Chú ở đâu tới?’’

Cười cầu thân, tôi đáp ‘’ Hà Nội ’’. Cả bọn rú lên ‘’ Hà Nội, Hà Nội ’’. Một đứa khác chêm vào:

" Hà Nội xa lắm cơ, phải đi xe ô tô mới tới được!"

Tôi hơi ngạc nhiên, thầm nghĩ chỉ hơn trăm cây số, chưa đến ba giờ xe hơi, có đâu mà xa xôi diệu vợi gì. Không chắc bọn trẻ con hiểu, tôi vẫn hỏi: ‘’ Các cháu có cháu nào đi Hà Nội chưa? ‘’. Chúng đồng thanh : ‘’ Chưa! ‘’. Thì ra chúng đều hiểu tiếng Kinh.

"Sao không đi học, các cháu ? ’’, tôi tò mò.

Chúng đáp đi học chỉ đi buổi sáng, trưa về làm việc nhà, làm xong mới đi tắm. Quệt mồ hôi từ trán nhiễu xuống má, tôi ngước nhìn trời, kêu ‘’ Nóng quá! ‘’. Bọn trẻ nhao nhao:

"Xuống tắm đi. Nước mới, mát lắm ! ‘’.

"Sao nước lại mới ?’’

Đứa bé gái chỉ tay lên tảng đá trên cao, nước ứa ra chảy thành dòng đổ xuống vũng, miệng lanh chanh : ‘’ Nước nguồn đó! Xuống tắm đi!‘’. Ngần ngại, tôi nhìn quanh. Rồi tôi cởi hết, trừ chiếc xì-líp. Bọn trẻ cười ran lên: ‘’ Quần con gái chúng mày ơi! ’’ . Ngượng ngùng, tôi dầm mình xuống, tay tạt nước vào chúng. Chúng tạt lại, vừa tạt vừa la thét những thổ âm tôi không hiểu.

Tôi ngụp đầu xuống. Lòng nước mầu xanh rêu, mát và dịu. Chao ôi, từ cái nóng thiêu đốt trên bờ, dầm mình vào nước sao mà tuyệt diệu đến thế này. Cuộn mình như một cái bào thai, nước bảo bọc khiến tôi bồng bềnh, không trí nhớ, không ý thức, chỉ thuần những nhục cảm đến từ mỗi một tế bào tạo ra cái tôi, sự sống tự sơ nguyên chưa bao giờ vẩn đục ô nhiễm. Rồi tôi lớn lên, tay vung chân đạp, ngửng đầu nhìn bọt nước trắng xoá, cười và hả miệng hát những âm thanh không cần ngữ nghĩa, hệt những đứa trẻ lên mười đang vây quanh tôi, cũng cười, cũng hát, cũng vung tay té nước, những giọt nước lấp lánh mặt trời bay cao rồi rơi về nguồn cội. Cứ thế, tôi quay lại tôi, cái tôi thầm lặng của bản năng, thứ bản năng vùi dưới sâu lớp lang những vết trầm tích của thời gian từ khởi thủy. Và cái tôi hư tưởng là đứa con rơi họ Bạch nơi chân núi Tản bỗng nhiên có thực, như dòng nước nguồn từ rừng đổ xuống cho tôi tắm mát nơi đây. Quay nhìn đám trẻ con, tôi nói lớn:

" Tôi là người Mường! ‘’

Chúng ré lên cười:

" Người Mường mà ở Hà Nội à! Về đây đi! ’’

Vung tay, tôi quả quyết :

"Về chứ, sao lại không!’’

Trời dịu nắng. Tôi vẫn nô đùa, cho đến khi đứa bé gái cất tiếng: "Trâu về rồi!" và bước lên bờ. Bọn trẻ làm theo, tuột quần, vắt ráo nước rồi phơi trên tảng đá, tồng ngồng vẩy người cho khô. Tôi đứng dậy, nhưng không biết làm gì. Thằng bé trai, giọng tự nhiên, bảo:

" Cởi quần ra phơi chứ chú ! ‘’

Chết chưa. Tôi ngần này tuổi đầu, ai lại khỏa thân với năm đứa bé, nhìn thấy người ta nghĩ thế nào. Trong tâm tưởng, tôi nghĩ tới những vụ lạm dụng tình dục thiếu nhi nay đầy rẫy trên báo chí phương Tây. Nghe đâu các vị cha cố làm bậy mà Giáo Hội bên Mỹ sạt nghiệp vì phải bồi thường nạn nhân đến gần trăm triệu đô-la! Tôi nhìn đám trẻ, ngần ngại, lóng ngóng. Chao ôi, có phải tôi cũng đã bị nhiễm cơn độc văn minh đến độ tôi nay nghi ngờ chính tôi không?

*

Khi lên thang vào nhà Mế, anh con trai đi rẫy đã về, đứng lên cười với tôi. Mế đã loay hoay bếp nước, nhìn tôi nói một thôi với con. Anh ta vồn vã:

" Ai chứ khách của Ban Mai cũng là khách nhà, anh tự nhiên nhé’’

Tôi ngạc nhiên thấy anh nói tiếng Kinh sõi, hỏi thì anh đáp:

" Em tốt nghiệp trường Chính Trị trung cấp, mới xin hưu năm ngoái!’’

Nhìn anh, xấp xỉ trên dưới ba mươi, tôi ngỡ ngàng : ‘’ Anh trẻ thế, sao lại về hưu?’’. Anh lại cười:

"Phức tạp lắm...Sau bốn năm công tác cán bộ văn hóa, em được đề cử làm phó Chủ Tịch xã. Chỉ năm đầu thôi, nhức đầu, khổ lắm! Khổ quá nên phải xin thôi đấy anh ạ!’’

" Khổ thế nào?"

"Tỉnh có kế hoạch làm du lịch anh ạ! Bản Mường sẽ hấp dẫn khách nên Tỉnh đề nghị hai phương án. Thứ nhất, rời người bản Mỗ đến một vùng khác, bồi hoàn tiền đất, giúp canh tác ruộng nơi sẽ định cư. Thứ nhì, vận động người bản tham gia dịch vụ du lịch, mọi nhà sẽ hợp đồng cho khách thuê một phần chỗ ăn chỗ ở, đồng thời phát triển thủ công nghệ để phục vụ ‘’ nhu cầu kỷ niệm’’... Vừa là người địa phương, lại phó Chủ Tịch, nên em được lãnh đạo Tỉnh giao phó công tác dân vận. Nhưng chính quyền ai nói thì cứ nói, người Mường chỉ nghe Lang Tao hoặc Pộ Mo, người Kinh gọi là Lang Đạo và thầy Mo, hai kẻ mang trách nhiệm phần sống và phần hồn từ thuở khai thiên lập địa. Bỏ đất tổ đi, không ai muốn. Bản Mỗ tính đến nay đã bốn trăm năm tuổi, từ ngày di từ Mường Thàng về, hồn vía tổ tiên ở đây, rời đi thì bỏ cho ai? Còn tham gia kinh doanh dịch vụ, người Mường bảo, thế thì còn gì là gia đình tông tộc. Khách Tây khách Mỹ vào nhà ăn nằm, làm sao người Mường giữ được bàn thờ dòng giống cho khỏi nhiễm ô trược từ bốn phương thế giới? Em phản ánh dư luận, nhưng lãnh đạo bảo sẽ có phản ứng mạnh, không để bất cứ thiểu số nào cản trở phát triển của đất nước trong tiến trình hội nhập với bên ngoài. Họ đưa công an vào vây bản, xua máy kéo đến tính bốc rỡ nhà người Mường. Thanh niên trong bản chỉ giáo mác gậy gộc mà đòi chết cũng giữ bản, tình hình căng ghê lắm. Em thì cứ như con bung xung, chịu bêu riếu điều tiếng cả hai bên, nên phẫn quá, em treo cổ nhưng lại có người cứu được! Sau đó, em xin về đi rẫy, công việc chính quyền trị dân em chẳng đủ khả năng, làm gì cũng áy náy, anh ạ! Cái lòng mình nó thế, lãnh đạo bảo yếu đuối, chưa thông sách lược, chỉ được tiếng hiếu với dân mà không đủ trung với Đảng...’’

Anh con trai chưa dứt lời thì Ban Mai về. Nghe tiếng đực tiếng cái, Ban Mai nguýt, nói mát : ‘’ Lại cái chuyện ‘’nội bộ’’ ấy, nói mãi …’’. Anh cười bẽn lẽn, không đáp. Ban Mai hỏi tôi làm gì trưa nay, cười rồi chặc miệng :

" Thế là anh thân với bản Mỗ nhà em rồi. Thường không ai để người lạ vào tắm vũng đâu!’’

Nói xong, nàng xà vào bếp với Mệ, giọng líu lo, không quên nhờ anh con trai tiếp khách hộ. Lát sau, đám trẻ con thập thò dưới chân nhà sàn, miệng ơi ới gọi. Ban Mai thò cổ ra đáp, nhìn tôi bảo: "Khách của anh!’’. Đầu cầu thang, đứa bé gái nhe hàm răng sún cười chúm chím, tay chìa cho tôi một bó hoa mầu tím. Khi tôi áp bó hoa vào mũi ngửi, cả đám ré lên cười. Tôi hỏi : ‘’ Hoa gì đấy các cháu?’’ thì không biết lúc nào đã đến cạnh tôi, Ban Mai nhanh nhảu trả lời : ‘’ Hoa sim rừng. Hoa không hương, chỉ sắc!’’. Nhanh như hoẵng, nàng vào lấy gói kẹo suynh-gôm ra phát cho mấy đứa bé, tay béo má chúng, giọng dịu dàng nhưng có chớm chút buồn bã khó hiểu. Tôi tặng lại Ban Mai bó hoa. Nhớ mùi hương tôi ngửi được khi ngồi sau Ban Mai trên Honda, và liên tưởng đến hình ảnh Ban Mai trong giấc mê muội trưa nay, tôi không nghĩ rằng hoa cứ có sắc là không hương. Và có hương, không sắc.

Bưng thức ăn để trên chiếc chiếu giải trên sàn, chõ cơm nếp bên cạnh, Mế tay vẫy, miệng cười, nói một tràng. Chỉ chỗ cho tôi ngồi, Ban Mai khoan thai đơm cơm vào bát. Anh con trai so đũa, vui vẻ : "Chắc anh đã ăn cơm Mường rồi ?’’. Tôi lắc đầu. Anh tiếp tôi, chỉ vào một đĩa, bảo :

" Gà rừng rán, thịt dai nhưng ngọt hơn thịt gà nuôi. Còn đây là rau đắng cảy và măng nứa. Rau thì ăn với nước chấm…’’

Tôi ngạc nhiên nhìn cái tô trên rắc vừng. Ban Mai nhẹ nhàng :

"Mế quí khách lắm mới làm nước chấm này. Ruột cá xay ra ướp gia vị như tiêu, quế, hồi …rồi đun nhỏ lửa. Sau thì trộn với khế ngọt. Anh chấm đắng cảy vào, ăn ban đầu thấy đắng nhưng chỉ chút rau hết đắng mà trở thành bùi, ngon lắm!’’

Vừa nói, Ban Mai vừa gắp rau chấm cho tôi, mắt cười có đuôi, miệng mời cơm mọi người. Quả thật là ngon vô cùng. Tôi suỵt soạt trầm trồ. Ánh mắt Mế sáng hẳn lên, miệng lại nói những điều tôi cố nhưng chẳng đoán ra. Tiếng Mường có khá nhiều từ ngữ người Kinh cũng dùng, nhưng phát âm gẫy gọn chứ không lơ lớ như ở đây. Hỏi, Ban Mai đáp người Mường không có chữ viết, hiện phiên âm kiểu tiếng Việt, nhưng không xử dụng hết tất cả những ký âm sắc, huyền, hỏi, ngã nặng…Nàng buột miệng đọc hai câu vần điệu kiểu thơ lục bát. Thấy tôi ngớ ra, anh con trai vỗ đùi đọc tiếp, rồi ề à :

"Truyện Kiều trong ngôn ngữ Mường đấy, anh có nghe ra không? Em không nhớ hết, nhưng bà ngoại của Ban Mai thuộc lòng…’’

Quay sang Ban Mai, anh hỏi :

"Có định đưa khách về Mường Thàng không? Năm nay hạn, từ ngày làm lễ Khụng Mua rước vía lúa về đâm lỗ rồi tra giống, trời không cho một giọt nước! Tháng này tròn trăng, Pộ Mo báo sẽ làm lễ hội cầu mưa đấy!’’

Mỉm cười, Ban Mai khẽ lắc, nhìn tôi :

"Chỉ sợ anh không có thời gian…Lên núi tìm nường Phin và ông anh của anh thì thực chưa biết là ở đâu. Núi cao, ngóc ngách không phải ít !"

Anh con trai hỏi, Ban Mai đáp, chắc kể chuyện tôi đi tìm thằng anh chết tiệt nghe nói đi về núi Nà Mèo. Không hiểu sao, tôi thình lình dửng dưng. Tìm ra, khác chi ? Nào tôi có tin gì vào cái chuyện trấn yểm của Cao Biền hơn ngàn năm trước! Vào thời đại này, chỉ cái thằng chết tiệt kia mới vừa dùng internet liên lạc với tôi, lại vừa có thể tin những chuyện như long mạch phong thủy xác định tương lai một dân tộc. Một loại tâm thần. Giống như đám bạn bè hắn, đứa nhà thơ nhà văn nào cũng tự cho mình những nhiệm vụ cứu nhân độ thế! Nhưng cứu được ai, bằng hoang tưởng?

*

Gió hây hẩy nhưng trời vẫn nóng, mồ hôi ứa ra, nhờn nhẫy. Rủ tôi ra ngoài, Ban Mai bảo, đi một vòng cho mát. Bước theo Ban Mai, tôi tự nhiên cảm thấy một niềm vui. Nó không tên, lãng đãng tựa đám mây che vầng trăng chưa tròn hẳn trên cao. Con đường quanh bản dưới vầng sáng xanh mướt kỳ ảo lạ thường. Bên bờ nước, ễnh ương ộp oạp gióng một rồi lặng đi, bất thình lình cùng nhau cất tiếng như một dàn đồng ca. Ánh đèn vàng vọt trong những căn nhà sàn đổ ra lối đi, vẽ ngoằn ngoèo những vệt sáng vàng và đen như da hổ. Nhớ nỗi buồn phảng phất trên khuôn mặt Ban Mai khi nàng cho bọn trẻ kẹo, tôi hỏi tại sao. Ban Mai cười gượng :

"Em nhớ con em. Nó tên là cu Tít!"

Không đợi tôi nói thêm, Ban Mai tiếp :

"Bố cu Tít lấy vợ mới rồi, em phải gửi nó cho cụ ngoại nuôi …’’.

Im lặng, tôi ngửng lên nhìn trăng qua vòm cây xum xuê, lát sau đánh bạo hỏi chuyện riêng của Ban Mai.

"Em quen anh ấy khi học trên Hà Nội, lấy nhau và năm sau đẻ cu Tít. Em thấy nuôi cháu ở Hà Đông quá vất vả, lại phụ thuộc và phiền phức gia đình anh ấy. Chúng em cùng chạy chọt xin về Hoà Bình công tác, nhưng được vài tháng thì anh ấy bảo không chịu được không khí tỉnh lỵ, đòi quay lại cơ quan cũ, dỗ em bảo đi đi về về chẳng có gì bất tiện xa xôi…Cứ thế được hơn nửa năm, một hôm anh ấy nói bây giờ không còn cô đơn…Và chuyện chúng em dang dở vì - Ban Mai bật cười - vấn đề địa-văn hóa! Anh ấy bảo cô bạn yêu cầu anh ấy ly dị! Em chỉ còn biết đọc Kiều, bằng tiếng Mường, những phường trên bộc trong dâu, thì con người ấy ai cầu làm chi, không đòi hỏi gì nhưng đặt điều kiện phải để em nuôi cu Tít. Đấy, chuyện đời em đơn giản chỉ có vậy ‘’

Ban Mai hồn nhiên, nhìn tôi :

" Còn anh, chuyện gia đình vợ con thế nào?’’

Như một phản ứng tự động, tôi đáp :

"Cũng thường thôi, như mọi người, tôi có hai cháu…Học hành cũng được!’’

Ban Mai cười, mắt dò hỏi, nói : "Thế anh là người hạnh phúc rồi!" và đợi tôi đáp. Tôi gật. Nhưng rồi tôi lại lắc, biết mình không mấy thành thực. Lảng chuyện, tôi giả như vô tư, thòng một câu :

"…mà biết thế nào là hạnh phúc!’’

Nói xong, tôi xấu hổ vì sự lươn lẹo tránh né của mình.

Ban Mai dừng chân, khẩn khoản :

" Mai ta lên đường. Em định ghé về nhà bà ngoại, thăm bà và cu Tít, ta sẽ chậm đến Nà Mèo hai, ba ngày. Nếu anh vội, về đến Mường, em sẽ nhờ một người khác đưa anh đi tìm nường Phin và ông anh của anh! Còn anh ở lại thì đúng là một dịp hi hữu để anh biết thế nào là lễ cầu mưa, rất đặc biệt…’’

Ngắt lời Ban Mai, tôi vội vàng :

"…còn gì bằng! Sớm muộn đôi ba ngày, chẳng hề chi"

Chợt nhớ câu tôi hỏi nhưng Ban Mai chưa đáp, tôi lại nhắc :

"Nhưng nường Phin là ai thế ?"

*

Đó là một người đàn bà đã thành huyền thoại. Truyện kể có ba nường Phin. Phin của Mường K’loi là thế giới của Trời, Phin của Mường Mól’ là thế giới của người, và Phin của Mường Ma dưới Pưa Tịn, nơi loài Khú và loài Pú Kia ẩn náu, thi thoảng lên tác quái chốn dương gian. Ban Mai chúm môi kể, ngày nường Phin mới lên chín, Mường Lát bị bom tan hoang, gia đình cô năm người chết hết, nhưng không biết thế nào mà cô sống, người chỉ xây xát, nhưng ù tai đến chẳng nghe được gì trong ba năm, ai cũng tưởng cô điếc. Đùng một cái, cô bỗng nghe được đủ thứ tiếng trên mặt đất. Cô bảo, có con chim trĩ đâu đây. Thoáng sau, thật thế, chim bay ngang kêu ríu rít như chào cô. Con trâu nhà ai đó đi lạc nhờ cô tìm, cô ra cánh rừng, tay chỉ, nó đang khịt khịt bên kia kìa. Thật thế, con trâu nghếch mõm đủng đỉnh gặm cỏ, vẫy đuôi đợi cô. Cô báo, máy bay Mỹ. Đúng vậy, khi thì Con Ma, lúc thì Thần Sấm xuất hiện ở chân trời. Dân Mường đồn cô từ Mường K’Loi ông Trời phái xuống chống Mỹ cứu nước. Cứu nước thế nào chẳng biết, nhưng cô báo động cứu được dân Hòa Bình vào những năm miền Bắc bị đánh bom liên miên. Tiếng lành đồn đến cả những vị lãnh đạo ở xa, sợ Mỹ bom Hà Nội, nên trưng dụng cô về thủ đô. Cô mới mười lăm, được mặc quân phục các chiến sĩ phòng không, có nhiệm vụ hợp tác với bộ phận ra-đa báo trước những trận không tạc. Năm 1972, cô tham gia trận Điện Biên Phủ trên không ở Hà Nội, nghe nói còn nhanh nhậy hơn cả máy móc tân tiến của Liên Xô giúp ta phát hiện máy bay Mỹ, có thể báo ngay khi chúng còn cách đất liền cả trăm cây số. Sau hiệp định Paris, cô được phong anh hùng. Chuyên gia Liên Xô đặt yêu cầu đưa cô qua Moskova để làm việc với Viện Nghiên Cứu về những hiện tượng siêu nhiên. Chuyện hợp tác quốc tế này khựng lại khiến "ta’’ khó ăn khó nói với "bạn’’ vì bụng nường Phin cứ to dần. Bụng không thể to nếu chẳng có đồng lõa. Thủ phạm là một chiến sĩ phòng không cũng được phong tặng là Dũng Sĩ Diệt Mỹ. Vừa là sĩ quan, vừa là người Kinh, và lại đã có một vợ hai con, anh dũng sĩ bị ghép tội lợi dụng hủ hoá cán bộ gái người "dân tộc’’, thiếu đạo đức cách mạng, và làm xấu quan hệ quốc tế song phương với "nước anh em’’ xã hội chủ nghĩa. Dũng sĩ bị khai trừ Đảng, phải giải ngũ, và cấm không được bỏ vợ. Phần nường Phin, cô khai thủ trưởng bảo gì cô làm nấy, tin là mình đang cống hiến cho đất nước, phục vụ "tốt’’, và không biết thế là không đúng chính sách. Để cô sinh đẻ xong, Nhà Nước quyết định trả nường Phin về với núi rừng Hoà Bình. Nay chẳng còn máy bay Mỹ đánh phá, cô lại là một người thiếu nữ đang xuân vừa đẹp vừa rất "hồn nhiên’’ nên để ở lại thủ đô e chừng rách mất việc nước.

Về bản quán, nường Phin mất dần cái khả năng kỳ diệu nghe thấy mọi làn sóng vi động của âm thanh. Tuổi chưa đầy hai mươi, dân không ra dân mà lính cũng chẳng phải lính, cô không có một nguồn thu nhập nào ngoài cái tiêu chuẩn lương thực chết đói cho thường dân thời bao cấp. Cuộc sống thời hết ‘’giặc lái’’ đâm thế mà khó, nhất là cô côi cút, nay chỉ còn một bà dì tuổi cũng đã cao. Bà góa bụa, hai đứa con trai đều hiến mình cho sự nghiệp bảo vệ đất nước, một ở Khe Sanh, một ở đâu đó trong miền Tây Nam bộ. Bà thui thủi, nay có đứa cháu gái ẵm con về ở cùng, vui lắm, miệng cứ suỵt xoạt cám ơn K’loi đã lập lại hòa bình cho Mường Pưa, tức mường bằng, tầng dành cho người. Nhưng dẫu vốn hồn nhiên, đời sống người Mường cũng chẳng phải không một chút phức tạp nào. Nường Phin đẹp, nhưng từ ngày mất tước anh hùng, cô đâm sợ quan hệ với đàn ông. Chính thái độ xa lánh của cô lại tạo ra một thứ hấp lực, đàn ông cả Kinh lẫn Mường lân la nhưng không một ai đến gần cô được. Sau, có chuyện tạo ra sóng gió dư luận với đồng chí ủy viên Huyện phụ trách Thương Binh Xã Hội. Thỉnh thoảng bị những cơn nhức đầu hành hạ, nường Phin cho rằng mình bị bom Mỹ chấn thương, lên xin Ủy Ban thuốc men chữa chạy. Đồng chí ủy viên lật tra danh sách và bảo cô chưa gia nhập Quân Đội Nhân Dân bao giờ, không thể xếp vào thương binh được. Nhìn nường Phin, ông nháy mắt : "Ta có cách của ta, tôi sẽ phấn đấu cho, nhưng Phin cũng phải làm sao cho xứng đáng với nhân dân!". Dĩ nhiên, nường Phin gật. Bẵng đi ít lâu, có liên lạc về bản báo cô lên huyện nhận thuốc. Vào buổi trưa sau giờ hành chính, đồng chí ủy viên tiếp, tay đưa cô một đống viên Xuyên Tâm Liên trị bá bệnh, dặn mỗi ngày phải uống trưa chiều tối mỗi lần hai chục viên. Phin đưa tay lấy thuốc thì đồng chí ủy viên nắm lấy, hỏi : "Thế thì Phin cho tôi cái gì nào?". Hoảng sợ, Phin giật tay ra nhưng đồng chí ủy viên lồng lên nhẩy vào vồ cô như cọp vồ nai, tay quơ lên thứ móng vuốt Phin từng thấy trong những ngày phục vụ Phòng Không ở Hà Nội. Toang cửa chạy ra bên ngoài, Phin đi thẳng về bản. Hôm sau, công an huyện đến gọi Phin lên làm việc, điều tra tố giác của đồng chí ủy viên sự việc cô định hủ hóa cán bộ, đổi dăm phút "vui vẻ trái phép’’ lấy một nghìn hai trăm viên thuốc Xuyên Tâm, chắc để bán "chợ đen’’ với ý đồ phục hồi giai cấp tư bản. Bộ máy sách động quần chúng vận hành tuyệt diệu đến độ chỉ tháng sau, cả Kinh lẫn Mường đều đồn đại là nường Phin đánh phá cán bộ Đảng với cái khí giới đã chôn vùi sự nghiệp của một Dũng sĩ chống Mỹ. Và thế là cô bị quần chúng cô lập, đành cùng dì làm những việc thủ công như dệt áo, làm cạp váy k’ôốc wắc’, hoặc đan giỏ, rá và óp pu phụ nữ thường đeo bên hông làm dáng.

Bị người Mường Pưa ruồng rẫy, tất nhiên nường Phin phải đến từ Pưa Tịn, nơi chứa chấp Mường Ma. Ngay ở dây nường Phin này cũng chia hai nhánh, nhánh Ma và nhánh Khú. Trong nhánh Ma, nường Phin mang hình dạng con người, nhưng đi ngược, đầu ở dưới, chân trên mặt đất, hệt như những cái bóng. Thế giới Ma xưa thông thương với thế giới Mól’ qua cái rôông nối hai mường cao thấp, nhưng nay đã bị bít vì khác tục lệ, một vấn đề hội nhập văn hóa như ta nói ngày nay. Người đồn, nhất là đàn ông, ban đêm nường Phin xoạc chân nằm ngả ra giao hoan với những kẻ qua đường, nhưng là người thì xuất tinh đến kiệt rồi chết thành ma. Chưa thấy ai gặp tai nạn này, có lẽ lời đồn kiềm chế được ẩn ức của những thanh niên háo sắc đến mức liều thân. Còn nường Phin thành Khú thì nguyên nhân là do Đổi Mới. Trước thời kỳ này, dân ăn bo bo, cây, củ mà cũng chẳng đủ no. Khổ nhất là đám con gái Mường đi Thanh Niên Xung Phong, cũng chẳng dân chẳng lính, không biết làm gì để sống. Nường Phin lấy sáng kiến tập hợp đám đó lại lập Hợp tác xã, truyền nghề thủ công may đan, mang lên bán ở Hà Nội. Ban đầu, công việc èo uột, nhưng chỉ một năm sau Đổi Mới, có đồng ra đồng vào, mức sinh hoạt của xã viên nâng cao đến mức người ta phát ghen. Thế là khó khăn bắt đầu, nhưng khi đó ‘’phá rào’’ đồng nghĩa với dũng cảm và sáng tạo, chẳng ai làm gì được. Nhưng họ đồn. Rằng nường Phin là khú, một con rắn hai đầu sống dưới Thủy Cung, không đực không cái. Với đám gái xã viên của hợp tác xã, con rắn đêm nào cũng ăn nằm, hút âm tinh xuất ra khi cực khoái, phà vào sản phẩm thủ công tạo sức hấp dẫn thị trường có định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa. Họ yêu cầu Ủy Ban huyện can thiệp, cho rằng cạnh tranh như thế bất chính và không tuân thủ đạo đức truyền thống. Vô chứng cớ, Huyện đặt vấn đề với Tỉnh. Cấp này không giải quyết được, đành đưa lên Trung Ương. Chính Hội Đồng Bộ Trưởng ra quyết định tiếp tục sự nghiệp Đổi Mới, tất cả những luận điệu chống lại dựa trên mê tín dị đoan, tức không khoa học, đều là hành động chống Đảng và Nhà Nước.

"Thế là tiếng đồn có ít đi, nhưng đâu cần vì nường Phin thành con rắn hai đầu mất rồi. Ban Mai cười, tiếp - Sau thành công kinh tế này, nường Phin xúc đẩy phát huy âm nhạc và nhẩy múa truyền thống người Mường, ban đầu là để quảng cáo cạp váy với hoa văn, nhưng rồi từ từ lan qua địa hạt du lịch và văn hóa. Hiện cô tổ chức được một đội múa và một ban nhạc với đủ cồng, chiêng, phèng, sáo, khèn, nhị... Cô vẫn đẹp, vẫn độc thân, và nay thích quan hệ với những nhà văn nhà thơ. Khi em nói với cô về người anh của anh sẽ đi núi Nà Mèo với bộ Nõn-Nường từng đã trấn yểm long mạch Giao Chỉ từ thời Cao Biền, cô nhận lời ngay, bảo giải phóng thật sự là phải thoát khỏi cái ách phương Bắc’’

Tôi lẳng lặng nghe Ban Mai kể chuyện nường Phin, lòng tràn ngập thương cảm một mảnh đời sóng gió từ thơ dại. Không biết vì lẽ gì, đầu tôi chập chờn giấc mê mụ trưa nay, hình ảnh Ban Mai áp mặt xuống mơn man ngực một nường Phin tôi chưa từng biết mặt lại mơ hồ vướng vất. Nhìn Ban Mai, tôi buột miệng : "Em thân với nường Phin lắm hẳn…’’. Bật cười thấy trong câu hỏi có thoáng ghen tuông hờn giận, Ban Mai tinh quái gật, rồi bảo "Ai biết mà lại không thân với nường Phin thì phải là khú, anh giai ạ!".

Nam Dao

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
26 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 77721)
M ỗi lần trước khi trở lại miền Trung, điều tôi thường hỏi: ngoài đó bây giờ mưa hay nắng. Lần này cũng thế, người em tôi vừa từ Huế trở về sau hai mươi ngày công tác nói: trời đang nắng và thành phố đầy hoa phượng, hoa sen. Bây giờ ngoài đó mùa hè và tôi nhớ tới không khí oi bức trong những chuyến đi cũ vào những thời gian đầu mùa hè: hoa phượng đỏ trên những ngọn cây, hoa sen nở đầy trong hồ Tĩnh Tâm, chung quanh trường thành, những trái nhãn nhỏ sai trên ngọn cây trong Thành nội.
09 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 84025)
Là một dân tộc đã có ít nhất ngàn năm lịch sử thành văn, từng nhiều phen đổ xương máu để bảo vệ chủ quyền của mình và đồng thời mở mang bờ cõi về phía Nam, từ đầu thế kỷ XX, người Việt bắt đầu chiêm nghiệm lý do thất bại của các phong trào Cần Vương, Văn Thân v... v...
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 12001)
Pađiak bilan ppak nắng tháng Tư. Cụm từ từng gây ngán ngẩm không ít với dân Phan Rang, khi nhắc đến nó. Tháng Bảy lịch Tây, nắng kinh người. Trước đó, vài đợt mưa tháng Năm vừa đủ cho nông dân gieo và giữ nước nuôi đồng, cho đến lúa sắp con gái thì nắng ập đến. Cả cánh đồng trắng xóa. Trắng mênh mông. Đất nứt nẻ. Lúa khô nằm chết như rạ. Bầy trâu thả được dịp long nhong ngoài đồng giờ chỉ là ruộng lúa vô chủ.
17 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 11326)
LTS: Nhai Nhựa là một trích đoạn trong tiểu thuyết Giải Cấu của nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh. Hợp Lưu trân trọng giới thiệu. Một nửa cái đầu hắn thường xuyên đau nhức như bị chảy máu. Bán cầu trái đã ẩm dột trầm trọng. Có vấn đề. Nó giống trần thép trong một hố cầu bị han lở. Những con gián bẩn thỉu náu mình trong những hách tường ẩm thấp.
18 Tháng Giêng 201012:00 SA(Xem: 10897)
Tháng chín, mùa cua lên bãi. Tối hôm trước, Thẻo bảo đi ra miệt Bãi Bùng vắng người, kêu Tư sửa soạn sáng mai đi bắt cua. Ra khỏi nhà khi trời chưa hẳn sáng, hai đứa mò mẫm men theo rạch Tầu, lưng mỗi đứa đeo hai ba cái nơm, cái giỏ. Trong gió sớm, mùi bùn tanh tanh ngan ngát.
31 Tháng Mười 200912:00 SA(Xem: 10366)
Thế giới đã nói nhiều về bí ẩn của kĩ thuật xây tháp Chàm. Làm thế nào các viên gạch chồng khít và gắn kết vào nhau mà không cần lớp vữa, đến nỗi đập vỡ còn dễ hơn tách hai miếng gạch? Tại sao gạch Chăm không bị mốc sau hàng ngàn năm, trong khi các viên mới tháp vào chưa tới chục năm đã bị rêu bám? Chăm làm xong tháp rồi chất củi nung, là giả thiết ngây ngô nhất.
05 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 9358)
Ở Hoa Kỳ, The Vietnamese American High School Alliance of Southern California ( VAHSA) tổ chức trại hè lấy tên là Kết Thân ( The Personal Touch) vào cuối tuần lễ thứ hai trong tháng Tám -2007 tại Palomar Mountain Range (phía bắc quận hạt San Diego) cho các trẻ gốc Việt đang cư ngụ tại hai quận hạt Orange và San Diego.
05 Tháng Tư 200912:00 SA(Xem: 74858)
Họ ngừng trò chuyện nơi đây vì xe đậu lại ngay trước khu chung cư năm tầng lầu. Đến nhà ông bà Mi-Sơ-Vanh rồi. Cả bọn lục tục ra khỏi xe. Lại nghe vang to rầm rầm tiếng cửa xe đóng mạnh.
29 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 9414)
Một tay dắt xe đạp, một tay đẩy cửa, Nhật Tân bước vào cái gian nhà ngoài trông như cái phòng dọn để cho thuê. Con Lu lu đã quen cái nhà này, nhảy trên sàn đá hoa. Người bếp già chạy ra. Con chó mừng cuống quít, đứng thẳng người lên, quắp lấy hai bên sườn người bếp.
23 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 86002)
Tên quân sư quạt mo : Nguyễn Hữu Đang Hắn là con một tên chánh tổng ở Thái Bình. Chính gia đình địa chủ cường hào này đã rèn luyện cho hắn từ lâu cái đầu óc thích «ăn trên ngồi trốc», thích địa vị với nhiều thủ đoạn nham hiểm và tàn nhẫn.