- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Những Bài Trích Trong Cuốn «bọn Nhân Văn Giai Phẩm Trước Toàn Án Dư Luận»

23 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 86001)

Tên quân sư quạt mo : Nguyễn Hữu Đang 

Hắn là con một tên chánh tổng ở Thái Bình. Chính gia đình địa chủ cường hào này đã rèn luyện cho hắn từ lâu cái đầu óc thích «ăn trên ngồi trốc», thích địa vị với nhiều thủ đoạn nham hiểm và tàn nhẫn. Lớn lên, học được ít nhiều, hắn chạy chọt thi vào làm thư ký phủ Toàn quyền. Được ít lâu, hắn xin thôi việc và sống một cuộc đời lang bạt. Lúc này, chính là lúc phong trào Mặt trận bình dân đang phát triển mạnh; là một thanh niên nhanh nhẹn hoạt bát, hắn được phong trào tìm đến. Cũng có khi làm phát hành sách báo, cũng có lúc hắn được phân công viết dăm ba bài. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, đế quốc lồng lộn khủng bố, toàn bộ Đảng ta rút vào bí mật. Không những các cán bộ, đảng viên, mà cả những đoàn viên thanh niên dân chủ cũng bị lùng bắt. Nguyễn hữu Đang vẫn hoạt động công khai trong phong trào truyền bá quốc ngữ. Lúc bấy giờ cụ Nguyễn Văn Tố làm hội trưởng hội đó và được Đảng ta hết sức ủng hộ. Nhưng Nguyễn Hữu Đang lại vận động anh em đánh đổ cụ Tố xuống để Đang làm hội trưởng... Đến khi bọn mật thám chú ý phong trào truyền bá quốc ngữ, Đang bỏ nhiệm vụ và tìm cách lẩn trốn.

... Mãi đến năm 1942 khi phong trào Việt minh lên cao, Nguyễn Hữu Đang mới được liên lạc lại và tham gia Văn hóa Cứu quốc. Chính trong thời kỳ này, khi phân công Nguyễn Hữu Đang đi vận động nhóm Hàn Thuyên, thì hắn trở về mang theo cái chủ trương «cần dựa vào Nhật» của bè lũ tờ-rốt-kít. Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Hữu Đang được đề cử nhận một trách nhiệm trong chính phủ. Nhưng vì đầu óc địa vị quá nặng, Đang đã tỏ ra bất mãn vì thấy chức vị mình chưa được cử dứt khoát. Sau đó, Nguyễn Hữu Đang lại được điều động sang công tác trong Văn hóa Cứu quốc. Vì Đang chưa có uy tín gì trong địa hạt văn nghệ nên không thể để Đang làm Tổng thư ký được. Đang lại kèn cựa với các đồng chí Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Huy Tưởng. Ngay từ 1945 Nguyễn Hữu Đang đã cấu kết với tên Trần Thiếu Bảo là chủ nhà xuất bản Minh Đức. Đang vận động anh em để Trần Thiếu Bảo về phụ trách nhà xuất bản của Văn hóa Cứu quốc. Nhưng, một nhà xuất bản của một đoàn thể cách mạng không thể để lọt vào tay một tên tư bản cơ hội như tên Trần Thiếu Bảo, các anh em kiên quyết không tán thành đề nghị của Nguyễn Hữu Đang.

Bất mãn với đoàn thể Văn hóa Cứu quốc và nhân cơ hội Đảng chủ trương mở Đại hội văn hóa toàn quốc, Nguyễn Hữu Đang xin ra lập ban vận động Đại hội văn hóa toàn quốc. Hồi đầu cách mạng, công việc của Đảng và Chính phủ rất bận. Tình hình lúc đó lại gặp nhiều khó khăn đối với bọn Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch sang tước vũ khí quân đội Nhật Bản, và bọn Quốc dân đảng Nguyễn Tường Tam, bọn cách mạng đồng minh hội Nguyễn Hải Thần và bè lũ của chúng âm mưu phá hoại chế độ ta. Lợi dụng lúc khó khăn đó, không ai kiểm tra đôn đốc, Nguyễn Hữu Đang tự động làm mọi việc không thảo luận gì với các anh em, không xin chỉ thị của Đảng. Nguyễn Hữu Đang liên hệ với người này người khác, không cần biết người đó thái độ chính trị ra sao? Công việc đương tiến hành thì kháng chiến bùng nổ. Nguyễn Hữu Đang không nhìn thấy hoàn cảnh khó khăn của kháng chiến mà chỉ nghĩ đến thích thú cá nhân của mình; làm cái gì cũng muốn làm to, khoa trương, hình thức. Đang tổ chức thanh niên xung phong rất quy mô và tiêu tốn rất nhiều tiền. Đầu óc lãnh tụ nổi lên, Đang muốn làm thủ lĩnh thanh niên và ý định đào tạo một lớp thanh niên với danh nghĩa : thanh niên Nguyễn Hữu Đang (!).

Chủ trương của Nguyễn Hữu Đang không sát với hoàn cảnh thực tế rất khó khăn của kháng chiến, và cách tung tiền của Nguyễn Hữu Đang theo kiểu « sắn tay áo xô đốt nhà táng giấy» không quỹ nào cung cấp cho đủ. Tổ chức thanh niên xung phong của Đang phải giải tán. Nguyễn Hữu Đang lại được Đảng điều động về làm thanh tra Bình dân học vụ. Về đây chẳng bao lâu, đầu óc địa vị lại trỗi dậy, Nguyễn Hữu Đang lại kèn cựa, công kích đồng chí Vương Kiêm Toàn là giám đốc nha Bình dân học vụ, một người rất cần cù, bền bỉ, một người đã có công rất nhiều từ phong trào Truyền bá Quốc ngữ. Nguyễn Hữu Đang lại vận động anh em hòng lật đổ đồng chí Vương Kiêm Toàn. Nhưng anh em rất sáng suốt : Nguyễn Hữu Đang một lần nữa lại thất bại. Con đường cách mạng không phải như một cái thang để cho những kẻ đầu cơ như Nguyễn Hữu Đang trèo lên làm vương làm tướng, cũng không phải như một canh bạc đỏ đen. Đang tham gia phong trào đã lâu nhưng vì đầu óc vô chính phủ và tư tưởng cơ hội nặng nề như vậy nên mãi đến năm 1947 mới được kết nạp vào Đảng. Nhưng rồi công không thành, danh không toại, Đang sinh ra chán nản. Cơ quan Bình dân học vụ dọn lên Việt Bắc, Đang ở lại Thanh Hóa làm «quân sư» cho nhà xuất bản Minh Đức. Trong những năm cuối cùng của cuộc kháng chiến anh dũng của dân tộc, mọi người đều cố gắng đem khả năng của mình ra để cống hiến cho sự nghiệp quang vinh của tổ quốc thì Nguyễn Hữu Đang, vì bất mãn cá nhân, đã nằm bẹp, không hoạt động gì cho cách mạng, bám vào nhà xuất bản Minh Đức để chia lãi với một cái tên cũng khá kêu là « giám đốc chính trị». Từ ngày đó, Nguyễn Hữu Đang đã tự ý bỏ cơ quan và cũng từ ngày đó Đang đã xa rời hàng ngũ của Đảng. Khoảng năm 1951 thì Đảng cắt đứt sinh hoạt của Đang. Từ đó, khi Cầu Bố, khi Hậu Hiền, Đang luôn luôn chửi Đảng, chửi cách mạng. Phẩm chất cách mạng của Nguyễn Hữu Đang đã mất. Đang đã trốn trách nhiệm với cơ quan, Đang đã bỏ quyền lợi của Đảng, của Tổ quốc để đi làm cái việc chia lãi với tên Trần Thiếu Bảo, một tên tư bản cơ hội, bẩn thỉu.

Hồng Vân

Tạp chí Văn nghệ

số 12, tháng 5 năm 1958

(Bọn Nhân văn Giai Phẩm trước tòa án dư luận, nxb Sự Thật, Hà Nội 1959, trang 45-48)

... Hoà bình lập lại trở về Hà Nội, Nguyễn Hữu Đang lại ăn ở cùng nhà với Trần Thiếu Bảo, lúc này luôn luôn sẵn sàng tiếp những nhà văn bằng đủ các thứ rượu mùi ngoại hóa và nếu cần bằng cả những tiệc trà, những bữa cơm linh đình, những cuốn phim của đế quốc còn để lại rồi cho vay thêm tiền tiêu gọi là khoản «tạm ứng trước» về nhuận bút. Những nhà văn ấy đã từng cho in văn, thơ của họ trong những tập Giai phẩm xuân, hạ, thu đông gì đó !

Nguyễn Hữu Đang đã có lúc tự xưng là «liêm khiết». Cái con người gọi là «liêm khiết» ấy đã cò kè bớt một thêm hai, rồi sau hết đã thò tay ký giấy hợp đồng với tên Minh Đức để tháng tháng lấy 20% về số lời bán sách với điều kiện đọc và lựa chọn những tác phẩm thuộc các loại như đã đăng trong «Giai phẩm» !

Chúng ta, ai cũng còn nhớ rằng cuối năm 1956, tình hình thế giới có những việc không tốt xẩy ra : trong nước, Đảng lãnh đạo gặp nhiều khó khăn. Nhiều nhà tư sản và một số phần tử trí thức lạc hậu muốn nhân cơ hội, tấn công vào sự lãnh đạo của Đảng Lao động.

Đối với Nguyễn Hữu Đang thì tình hình này là một cơ hội tốt. Cũng như thời kỳ sau cách mạng, trong lúc còn hoạt động cho Văn hóa cứu quốc, hắn lại tìm cách dựa vào một số tư sản và trí thức lạc hậu có tư tưởng chống đối, để phất cờ. Cũng hòng gây sự nghiệp ăn to làm lớn!

Tóm lại, người ta chưa thấy lúc nào hắn đi vào với công nhân, nông dân; mà hắn chỉ có những quan hệ, bạn bè với những phần tử lạc hậu đầu cơ gian lận, mà hắn muốn lấy làm chỗ dựa để hòng thực hiện cái «trí lớn» của hắn.

... Nguyễn Hữu Đang tập hợp được những người trong nhóm «Giai phẩm» trước, và cho tờ báo «Nhân văn» ra đời.

Cái con người nặng trĩu đầu óc địa vị, lúc nào cũng huênh hoang, muốn được nhiều người chiêm ngưỡng đó đã tính toán khôn khéo không kém một gian thương đầu cơ hàng lậu thuế. Hắn lẩn mình và... rút lui vào bí mật Suốt bốn số báo đầu, người ta không thấy một bài nào ký tên Nguyễn Hữu Đang và cũng cái con người suốt đời chạy theo danh lợi riêng, suốt đời chỉ mơ ước địa vị đó, đã sẵn sàng nêu danh Phan Khôi làm chủ nhiệm và Trần Duy là thư ký tòa soạn, chỉ vì cái khôn khéo giảo quyệt của nó.

Người ta không thấy tên tuổi Nguyễn Hữu Đang trên những số đầu báo Nhân Văn, nhưng chính hắn là linh hồn của tờ báo. Hắn tìm tiền, kiếm giấy, thu xếp việc ấn loát và viết bài nhưng lại ký tên người khác. Hắn che lấp những nguồn tài chính, những kẻ cung cấp phương tiện bằng hình thức dối trá là nêu danh những người góp tiền in báo có một nhân lên thành mười! Hắn họp hành bí mật với một số nhà văn chống Đảng, với những người tư sản và trí thức cũng đang muốn lợi dụng thời cơ để phất lá cờ chính trị. Hắn luôn luôn bàn mưu, lập kế với bọn Trương Tửu v.v... Hắn có những tay chân trong một hai đoàn kịch tư nhân, ở một vài cơ quan văn hóa của Nhà nước. Thông qua tờ báo «Nhân Văn», hắn đã trở thành một thứ lãnh tụ của một bọn người cơ hội, có âm mưu chính trị...

 

Mạnh Phú Tư

Báo Độc Lập

Số 356, ngày 24-4-1958
(Bọn Nhân văn Giai Phẩm trước tòa án dư luận, trang 48-50)

 

 

 

Tưởng rằng thời cơ đã đến...

 

...

Vào giữa lúc Hung-ga-ri và ở Pô-dơ-nan có một bọn phiến loạn định phá hoại thành quả của cách mạng; ở ta, Đảng tích cực sửa chữa những sai lầm đã mắc phải trong cải cách ruộng đất, Phan Khôi một tên đã năm lần phản cách mạng, vùng dậy hô to «bỉ nhất thời dã, thử nhất thời dã» (xưa một thời, nay lại một thời). Nguyễn Hữu Đang đang nằm ở nhà Minh Đức làm quân sư quạt mo cho tên lái chữ Trần Thiếu Bảo cũng vội chạy ra đường đưa dúi sách phản động vào tay nhóm «Giai phẩm mùa xuân», cùng với Phan Khôi, Trần Duy, kéo Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm đến họp bàn ra báo «Nhân Văn», khoác áo chủ nghĩa xét lại để chống phá lãnh đạo. Như vắt ngửi thấy máu, Thụy An như rắn bò tới câu lạc bộ Hội nhà văn phun nọc độc mạt sát «chế độ ta bần cùng hóa nhân dân». Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã, những phường quỷ quái tinh ma, chung quy kẻ cắp bợm già gặp nhau. Chúng ngoặc ngay với nhau. Trương Tửu bảo Trần Đức Thảo: «Trường đại học sẽ là pháo đài của chúng ta»; Tửu cũng tưởng «đây là một thời», vỗ ngực bảo với mấy tên thân tín: «Tơ-rốt-ky là đây chứ đâu» và tung tin vào đám sinh viên: «Tơ-rốt-ky được phục hồi». Trương Tửu chia tay nắm «Nhân Văn Giai Phẩm» và «Đất Mới». Tửu khoe với thân tín: «Dạo này thức đêm chữa bài cho Nhân Văn bận quá». Bọn chúng núp dưới chiêu bài «trăm hoa đua nở». Nhưng quần chúng không nhầm - quần chúng thừa biết rằng: dưới hoa lại núp những phường ác nhân là bọn Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, Trương Tửu, Trần Duy, Lê Đạt và bao nhiêu tên phá hoại khác...

 

Bàng Sĩ Nguyên

Báo Tiền Phong, số 282, ngày 23-4-1958

(Bọn Nhân văn Giai Phẩm trước tòa án dư luận,

trang 120-121)

 

Ra sức tác động tinh thần quần chúng,

phá hoại chính trị

...

Báo Nhân Văn đã có một tác dụng phá hoại tinh thần, đầu độc tư tưởng người đọc không kém gì một cơ quan «tác động tinh thần» của địch ở ngay giữa miền Bắc chúng ta. Nó đả kích suốt lượt các cơ quan chính quyền hay đoàn thể của ta: từ Ban chấp hành Hội văn nghệ, đến quân đội, công an, hộ khẩu, từ Sở báo chí đến Mậu dịch, Bưu điện, từ Quốc hội đến Chính phủ, Trung ương Đảng... mà trong khi đả kích như thế, nó đã hoàn toàn đứng trên quan điểm của bọn phản động trong giới tư sản, của bọn tơ-rốt-kít và cả của bọn Mỹ-Diệm ở miền Nam nữa mà chống chế độ ta. Nguyễn Hữu Đang đã trực tiếp chỉ đạo từ đầu đến cuối công cuộc phá hoại bằng báo chí ấy.

Nguyễn Hữu Đang có cái rất xảo quyệt là tuy có bọn gián điệp Thụy An cũng ở trong nhóm, nhưng Đang không để cho Thụy An và những tên khác lộ mặt được viết bài lên báo. Đang muốn giấu tung tích của báo Nhân Văn. Nhưng thật ra báo Nhân Văn không phải chỉ phá hoại theo kỹ thuật báo chí phản động thông thường, mà theo một thứ kỹ thuật phá hoại đã được nâng lên mức tinh vi, thâm độc, mà trước đây «Việt tấn xã» và các «báo» của «phòng nhì», của «phòng chiến tranh tâm lý», của «đội tác động tinh thần» trong vùng tạm bị chiếm và bây giờ những cơ quan ngôn luận «chống cộng» ở miền Nam vẫn quen dùng, nên ta không thể không thấy có dấu vết bọn Thụy An trong đó.

Từ số 4, báo Nhân Văn chuyển mạnh sang vấn đề chính trị. Trước đó, sự công phẫn càng ngày càng mãnh liệt của nhân dân đối với hành động phá hoại của báo Nhân Văn đã làm cho một số kẻ tham gia nhóm đó đâm nao núng, ngần ngại... Đang nắm được tình hình tư tưởng ấy của đồng đảng, nên trong một cuộc họp, Đang giả vờ bận, lánh mặt để cho Trần Đức Thảo đến «đả thông tư tưởng». Đang cầu viện đến Trần Đức Thảo để củng cố tinh thần trong hàng ngũ, vì Đang và cái đầu não chính trị nhóm «Nhân Văn - Giai Phẩm»... đã sắp đưa hoạt động của nhóm ấy vào một bước quyết liệt. Báo Nhân Văn ngay từ số đầu đã rõ rệt là có tính chất chính trị phá hoại rồi. Bây giờ báo nói chuyển sang chính trị, chính là nói chuyển sang chuẩn bị hành động chính trị...

Lúc ấy, nhóm phản động đã phát triển được lực lượng và ảnh hưởng thêm rộng rãi hơn nữa. Trương Tửu và Trần Đức Thảo ở Đại học đã lôi kéo được một số sinh viên, tập dượt cho họ làm chính trị phản động bằng cách bắt đầu chống đối lại lãnh đạo ở nhà trường, đả kích vào tổ chức của Đảng ở nhà trường, ra tập Đất Mới, phá hoại kỷ luật sinh hoạt và học tập.

Lúc ấy, cũng là lúc vụ bạo động phản cách mạng vừa nổ ra ở Hung-ga-ri, làm căm phẫn những người thiết tha với cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhưng lại gây thêm cuồng vọng gian ác cho những kẻ thù địch với chế độ ta, trước nhất là bọn cầm đầu nhóm «Nhân Văn - Giai Phẩm».

Chúng lại cho là Trung ương Đảng và Chính phủ ta không thể nào giải quyết nổi bao nhiêu khó khăn dồn dập hồi cuối năm 1956: ở nông thôn, sai lầm trong cải cách ruộng đất chưa sửa xong còn làm cho lòng người chưa đoàn kết lại như trước; ở thành phố, nạn đầu cơ tích trữ làm giá hàng lên đùng đùng, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của mọi tầng lớp nhân dân lao động; ở vài vùng công giáo, bọn phản động đội lốt thầy tu đã gây rối loạn.

Bởi vậy, chúng càng quyết liệt đẩy mạnh hoạt động của «Nhân Văn- Giai Phẩm».

Ngay từ số 3, báo Nhân Văn đã có bài «Nỗ lực phát triển tự do dân chủ» của Trần Đức Thảo, nó vừa đưa ra một cơ sở lý luận, vừa có tính chất một cương lĩnh đấu tranh. Đến số 4 và số 5 luôn hai kỳ xã luận, Nguyễn Hữu Đang phát triển rõ hơn nữa ý kiến của Thảo và đề ra những khẩu hiệu đấu tranh cụ thể đòi thi hành các tự do dân chủ như tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do hội họp và tổ chức, tự do cư trú, đi lại trong nước và ngoài nước, v.v... Các quyền tự do dân chủ của nhân dân ta đã được đảm bảo rõ ràng trên hiến pháp và thi hành trong thực tế từ khi thành lập chế độ dân chủ nhân dân. Tại sao bọn Đang lại còn nêu lên phải đấu tranh đòi hỏi thi hành nữa? Rõ ràng là bọn chúng muốn xui giục người ta đòi một thứ tự do khác, một chế độ khác,... Nên thêm rằng cũng trong số 5 ấy có một bài của Lê Đạt «Bài học Ba-lan và Hung-ga-ri» vừa bào chữa cho bọn phản cách mạng Hung-ga-ri, vừa ngầm có ý đe trước rằng nếu không «mở rộng tự do dân chủ» (theo yêu cầu tự do hoạt động của bọn phản cách mạng) thì ở đây cũng có thể xẩy ra chuyện như Hung-ga-ri...

Những bài trên mới chỉ là sự chuẩn bị tuyên truyền công khai trên mặt báo. Còn trong nội bộ nhóm «Nhân Văn - Giai Phẩm», trong những đối tượng vận động của chúng, bọn Đang còn chuẩn bị nbững gì nữa?

Hoàng Cầm, Phan Vũ cũng nhận là trong khoảng thời gian đó đã nghe Nguyễn Hữu Đang nói đến việc thành lập «một đảng quần chúng». Cũng chính Hoàng Cầm, Phan Vũ và một số người tham gia Nhân Văn nữa đã thú rằng, bị kích thích mãi bởi những luận điệu của Đang và của Thảo, đến hồi ấy cũng thầm mong có biểu tình để thay đổi Chính phủ, hoặc ít ra nữa buộc Chính phủ thay đổi đường lối cán bộ.

Đến số 6, báo Nhân Văn (không được ra), Đang viết một bài xã luận nữa. bài này đã nâng lên cái mức quyết liệt trắng trợn xui giục quần chúng biểu tình. Lê Đạt vốn đã là một kẻ liều lĩnh, hung hăng, vậy mà cũng phải phát sợ, đem chữa lại để giấu bớt ý định của đồng lõa đi. Chính phủ và nhân dân ta, lúc ấy, đã kịp thời ngăn chặn được hoạt động của bọn phá hoại «Nhân Văn - Giai Phẩm», nên chúng không thể đi quá thêm một bước nữa trên đường phạm tội với Tổ quốc, với nhân dân. Đó là một cái phúc lớn cho chúng.

Nhưng bọn đầu sỏ, nhất là Đang, thì không thể nguôi được «nỗi tiếc đã bỏ mất một «thời cơ» tốt»; mãi về sau, mới gần đây thôi, Đang còn nói với một người bạn: «Khi tao chết, tao chỉ còn ân hận là lúc đó không làm được mạnh hơn nữa!» Đang hậm hực vì đã không thực hiện được mưu đồ «lật đổ» Đảng, «thay đổi chế độ».

 

Như Phong

Nhân Dân, 12-5-1958

(Bọn Nhân văn Giai Phẩm trước tòa án dư luận,

trang 121-124)

 

 

Lợi dụng tự do báo chí và văn nghệ,

bọn chúng bí mật và công khai phá hoại cách mạng

...

Để có bề thế hoạt động, Nguyễn Hữu Đang lại xin vào công tác ở báo Văn Nghệ, nhưng một mặt hắn vẫn làm quân sư cho tên lái buôn văn nghệ Minh Đức. Cuốn «Giai phẩm mùa đông» gồm toàn những bài tự do vô chính phủ, tư tưởng phản động của Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Văn Cao, v.v...

Nhân lớp học 18 ngày do Hội văn nghệ tổ chức, Nguyễn Hữu Đang nhảy ra đọc một bản tham luận «nẩy lửa», nhằm đả kích vào đường lối văn nghệ của Đảng, do đó Nguyễn Hữu Đang lôi kéo được một số văn nghệ sĩ bất mãn viết cho nhà Minh Đức, tiếp tục ra cái «Giai phẩm mùa thu» tập 1, tập 2, v.v...

Nhân có cuộc phiến loạn ở Hung-ga-ri, và sẵn trong nước có cuộc phát hiện sai lầm trong cải cách ruộng đất, Nguyễn Hữu Đang đứng ra vận động tổ chức báo Nhân Văn với một số văn nghệ sĩ mà Đang đã nắm được, đứng đầu là Phan Khôi làm «chủ nhiệm», Trần Duy làm «chủ bút».

Đang đưa Phan Khôi và Trần Duy ra mặt «chủ nhiệm» và «chủ bút» Nhân Văn cho dễ bề hành dộng ở bên trong...

Một mặt, hắn liên kết với một nhóm tư sản phản động để «viện trợ» tiền cho báo Nhân Văn mà hắn trưng lên báo danh sách góp tiền của một số văn nghệ sĩ (Nhân Văn số 1): người 1 vạn, người 5 vạn (và Hoàng Cầm những 10 vạn đồng mà thực tế thì Hoàng Cầm đã thú rằng: không có đồng nào cả).

Trong khi đó, nhà Minh Đức vẫn liên tục ra đều Giai Phẩm và sách (do Trương Tửu chủ trương về mặt biên tập). Tiền ở đâu ra? Ai chủ trương đẩy nhà Minh Đức xuất bản những sách cũ Tự Lực Văn Đoàn và móc vào Hội văn nghệ làm lễ kỷ niệm Vũ Trọng Phụng tại Nhà hát lớn để gây uy tín?

Đang chuẩn bị một số văn nghệ sĩ tích cực của Giai Phẩm thành một khối «trung kiên» trong Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ 2, để phản kháng, phá phách; nhưng mới có một vài phần tử lên tiếng phá nhẵng thì tức khắc Đại hội phê phán ngay, phải im lặng.

Nguyễn Hữu Đang đã sử dụng thủ đoạn phá phách của hắn rất rõ trên báo Nhân Văn: hắn áp dụng cách làm báo, thủ đoạn lập lờ để đánh ta. Đang dùng lời Hồ chủ tịch đăng lên báo làm lá chắn để đánh vào cán bộ Đảng (Nhân Văn số 1). Hắn trích dẫn Cổ học tinh hoa không có lời phê phán mà dụng ý khêu gợi sự nghi ngờ của người đọc về bản chất chế độ. Hắn hướng dẫn các nhà văn viết Nhân Văn toàn dùng cách viết «biểu tượng lập lờ» (symbole équivoque) để một mặt tuyên bố đả quan liêu mà kỳ thực là đả kích vào Đảng. Nêu khẩu hiệu: đả phong kiến, nhưng thực chất là đả chế độ ta. Rõ nhất là những bài «Thi sĩ máy», «Con ngựa già của chúa Trịnh» có thể làm cho người nông cạn mất tinh thần, hết tin tưởng vào tính chất ưu việt của chế độ ta về «nhân tài».

 

Thiều Quang

Hà Nội hàng ngày, 19-4-1958

(Bọn Nhân văn Giai Phẩm trước tòa án dư luận, trang 126-128)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
26 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 77721)
M ỗi lần trước khi trở lại miền Trung, điều tôi thường hỏi: ngoài đó bây giờ mưa hay nắng. Lần này cũng thế, người em tôi vừa từ Huế trở về sau hai mươi ngày công tác nói: trời đang nắng và thành phố đầy hoa phượng, hoa sen. Bây giờ ngoài đó mùa hè và tôi nhớ tới không khí oi bức trong những chuyến đi cũ vào những thời gian đầu mùa hè: hoa phượng đỏ trên những ngọn cây, hoa sen nở đầy trong hồ Tĩnh Tâm, chung quanh trường thành, những trái nhãn nhỏ sai trên ngọn cây trong Thành nội.
09 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 84025)
Là một dân tộc đã có ít nhất ngàn năm lịch sử thành văn, từng nhiều phen đổ xương máu để bảo vệ chủ quyền của mình và đồng thời mở mang bờ cõi về phía Nam, từ đầu thế kỷ XX, người Việt bắt đầu chiêm nghiệm lý do thất bại của các phong trào Cần Vương, Văn Thân v... v...
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 12001)
Pađiak bilan ppak nắng tháng Tư. Cụm từ từng gây ngán ngẩm không ít với dân Phan Rang, khi nhắc đến nó. Tháng Bảy lịch Tây, nắng kinh người. Trước đó, vài đợt mưa tháng Năm vừa đủ cho nông dân gieo và giữ nước nuôi đồng, cho đến lúa sắp con gái thì nắng ập đến. Cả cánh đồng trắng xóa. Trắng mênh mông. Đất nứt nẻ. Lúa khô nằm chết như rạ. Bầy trâu thả được dịp long nhong ngoài đồng giờ chỉ là ruộng lúa vô chủ.
17 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 11326)
LTS: Nhai Nhựa là một trích đoạn trong tiểu thuyết Giải Cấu của nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh. Hợp Lưu trân trọng giới thiệu. Một nửa cái đầu hắn thường xuyên đau nhức như bị chảy máu. Bán cầu trái đã ẩm dột trầm trọng. Có vấn đề. Nó giống trần thép trong một hố cầu bị han lở. Những con gián bẩn thỉu náu mình trong những hách tường ẩm thấp.
18 Tháng Giêng 201012:00 SA(Xem: 10897)
Tháng chín, mùa cua lên bãi. Tối hôm trước, Thẻo bảo đi ra miệt Bãi Bùng vắng người, kêu Tư sửa soạn sáng mai đi bắt cua. Ra khỏi nhà khi trời chưa hẳn sáng, hai đứa mò mẫm men theo rạch Tầu, lưng mỗi đứa đeo hai ba cái nơm, cái giỏ. Trong gió sớm, mùi bùn tanh tanh ngan ngát.
31 Tháng Mười 200912:00 SA(Xem: 10366)
Thế giới đã nói nhiều về bí ẩn của kĩ thuật xây tháp Chàm. Làm thế nào các viên gạch chồng khít và gắn kết vào nhau mà không cần lớp vữa, đến nỗi đập vỡ còn dễ hơn tách hai miếng gạch? Tại sao gạch Chăm không bị mốc sau hàng ngàn năm, trong khi các viên mới tháp vào chưa tới chục năm đã bị rêu bám? Chăm làm xong tháp rồi chất củi nung, là giả thiết ngây ngô nhất.
05 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 9358)
Ở Hoa Kỳ, The Vietnamese American High School Alliance of Southern California ( VAHSA) tổ chức trại hè lấy tên là Kết Thân ( The Personal Touch) vào cuối tuần lễ thứ hai trong tháng Tám -2007 tại Palomar Mountain Range (phía bắc quận hạt San Diego) cho các trẻ gốc Việt đang cư ngụ tại hai quận hạt Orange và San Diego.
05 Tháng Tư 200912:00 SA(Xem: 74858)
Họ ngừng trò chuyện nơi đây vì xe đậu lại ngay trước khu chung cư năm tầng lầu. Đến nhà ông bà Mi-Sơ-Vanh rồi. Cả bọn lục tục ra khỏi xe. Lại nghe vang to rầm rầm tiếng cửa xe đóng mạnh.
17 Tháng Giêng 200912:00 SA(Xem: 11244)
"Anh ấy lên Mường Lát cách đây hai tuần, chính em đưa lại giới thiệu nường Phin. Trưa mai em có việc về Hà Nội, tối phải đi nghe hát xẩm. Nếu anh tò mò muốn đi xem nét văn hóa truyền thống dân tộc này, em xin mời, em sẽ cho anh thêm chi tiết…’’
29 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 9414)
Một tay dắt xe đạp, một tay đẩy cửa, Nhật Tân bước vào cái gian nhà ngoài trông như cái phòng dọn để cho thuê. Con Lu lu đã quen cái nhà này, nhảy trên sàn đá hoa. Người bếp già chạy ra. Con chó mừng cuống quít, đứng thẳng người lên, quắp lấy hai bên sườn người bếp.