Cơn bão
Những năm nhà nào cũng thiếu người
làng mạc ruộng vườn vắng bặt con trai
chúng tôi đi
cơn bão dữ thổi hai đầu đất nước
tuổi trẻ, ước mong, những gì quý nhất
đều trôi qua trong bụi xám chiến hào
triệu con người lên sống rừng sâu
khoét núi làm đường, chặt cây nhóm lửa
võng bạt, lán tranh, đất bùn nhầy nhụa
những đường dây, binh trạm, những sư đoàn
những sinh viên đi lái xe tăng
những dân chài trở thành pháo thủ
kế toán, thợ nề, nông trường viên, thợ mỏ
thành lính gỡ mìn và xung kích đâm lê
chúng tôi đào hào bám giữ đảo xa
gánh lên núi ngàn cân pháo nặng
chúng tôi lao máy bay mình vào máy bay của giặc
chúng tôi bắc cầu trong chớp lửa bom bi
những đội quân hốc hác lầm lì
xông lên đồi cao, lăn, toài, ném, bắn
nấp đỡ, gào la, mặt mày cháy xém
những vết thương rách nát máu bầm đen...
sự tàn khốc tận cùng
sức dẻo dai kỳ lạ
cơn bão lớn mười mấy năm chưa dứt
bao lớp người vẫn nườm nượp ra đi
từ đâu từ bao giờ
năm 60 năm 54?
từ Hướng Điền từ Phú Lợi?
hay từ lúc ngăn đôi dòng Bến Hải
viên tướng Mỹ đầu tiên xách cặp tới Đông dương?
hay từ lâu hơn, những thế kỷ xa xăm
những đạo quân Nam Hán, Nguyên Mông
những ranh giới phân tranh Trịnh, Nguyễn?
Chưa bao giờ đất tan hoang đến thế
những chuyến tàu chở đầy lính Mỹ
quần áo mới tinh, súng đạn đầy người
bom lân tinh và thuốc giang mai
cánh trực thăng ầm ầm quạt gió
ụ cát ngổn ngang, rào gai tua tủa
dải đất hẹp, mùa hè gió lửa
giành giật nhau từng viên gạch chân tường
một bên là con trai Thanh Hóa, Thái Bình
một bên là con những bà mẹ Thừa Thiên, Phan Thiết
những sinh viên Sài Gòn
những sĩ quan Đà Lạt
những đội quân mang tên dã thú
những tiểu đoàn không còn sót một ai
những mô đất con đổi bằng mạng trăm người
bằng pháo kích, lưỡi lê, bằng chân tay vật lộn
chúng tôi nằm dưới đường hào ngập nước
xa mọi người, xa mẹ, xa quê hương
ai bảo chúng tôi là tuổi trẻ tươi xanh
với mũi lê, với phát đạn đầu tiên
chúng tôi đã không còn trẻ nữa
từ bao giờ và còn bao giờ nữa
những quy luật tàn khốc của loài người
lý lẽ của súng đạn
những mục đích tốt đẹp
những mưu đồ xấu xa
những ý tưởng quá đà
những ngẫu nhiên tai ác
cơn bão lớn, lấp vết thương của đất
chúng tôi là triệu viên đá trên đê
mai đây bão táp lùi xa
những lớp người sau bình tâm nhìn lại
gọi chúng tôi là những người vĩ đại
hay chỉ là những thế hệ đáng thương?
sẽ xuýt xoa thán phục biết ơn
hay kinh hãi trước bạo tàn bắn giết?
tất cả chẳng có gì nói được
chẳng có gì gần gũi với chúng tôi
bằng một chiếc thìa gọt bởi cành cây
một chiếc ca thô sơ bằng vỏ đạn
chúng tôi làm dưới chiến hào bụi bậm
một dòng thư viết vội gửi mẹ già
một giấc mơ chợp ngủ thấy quê nhà
một tình yêu chúng tôi chưa được sống
một khu vườn chúng tôi chẳng kịp qua...
Bao tháng năm vô tận sẽ phai nhòa
đất đổi khác, mọi người rồi cũng khác
hãy quên chúng tôi đi
như quên quá khứ nặng nề
hãy quên chúng tôi đi
để chúng tôi được yên lặng trở về
để chúng tôi được hóa thành bụi đất
thành mưa rào trên xứ sở yêu thương.
Những điều xỉ nhục
và căm giận
những điều xỉ nhục và căm giận
một dân tộc đã sinh ra
Trần Ích Tắc Lê Chiêu Thống
Hoàng Cao Khải Nguyễn Văn Thiệu...
những điều xỉ nhục và căm giận
một đất nước luôn có kẻ dẫn đường
cho người ngoài kéo đến xâm lăng
cho những cuộc chiến tranh
đẩy con em ra trận
những điều xỉ nhục và căm giận
một xứ sở
nhà tù lớn hơn trường học
một dân tộc có nhiều gái điếm nhất thế giới
có những cái đinh để đóng vào ngón tay
có những người Việt Nam
biết mổ bụng ăn gan người Việt
một đất nước
đến bây giờ vẫn đói
không có nhà để ở
không đủ áo để mặc
ốm không có thuốc
vẫn còn những người run rẩy xin ăn
nỗi xỉ nhục buốt lòng
khi thấy mẹ ta bảy mươi tuổi lưng còng
phải làm việc mệt nhoài dưới nắng
khi thấy lũ em ngày càng hư hỏng
khi người mình yêu
nói vào mặt mình những lời ti tiện
khi bao điều tưởng thiêng liêng trong sạch
bỗng trở nên ngu xuẩn đê hèn
khinh mọi người và tự khinh mình
như chính tay ta đã gây ra mọi việc
và tất cả không cách nào cứu vãn
nỗi xỉ nhục ngập tràn trái đất
khi lẽ phải luôn thuộc về kẻ mạnh
những nền văn minh chạy theo dục vọng
những guồng máy xấu xa chà đạp con người
đi suốt một ngày
giữa rác rưởi và chết chóc
luôn thấy bị ném bùn lên mặt
nói làm sao được nữa những lời yêu
nghĩ về cha, con sẽ chẳng tự hào
nỗi tủi nhục làm cha nghẹn thở
nỗi tức giận làm mặt cha méo mó
trong hận thù không thể có niềm vui
nhưng không thể sống yên, không thể được nữa rồi
nỗi tủi nhục đen sì mỗi cành cây
nỗi tủi nhục của đứa trẻ chạy trốn
nỗi tủi nhục trên mỗi bậc thang lười biếng
trong cốc nước đưa lên môi lạnh ngắt
trên mỗi dòng tin mỗi ống quần là phẳng
mỗi chiếc hôn ướt át thì thầm
mỗi nấm mồ bị vùi dập lãng quên
trên bàn tay đưa ra trên mỗi bức tường
nỗi tủi nhục tội lỗi nỗi tủi nhục kinh hoàng
trên vệt máu bầm đen trên nụ cười thỏa mãn
cha chẳng có gì để lại cho con
ngoài một cửa sổ trống trơn
ngoài một tấm lòng tủi nhục và căm giận
ngoài kỷ niệm về những năm tàn khốc
cho một ngày con được sống thương yêu
Những đám mây ban sớm
quá khứ là một quả trứng ung
tương lai là một quả trứng đang ấp
hiện tại, chính là trái tim tôi
nhịp tiết của tim tôi là nhịp tiết của muôn đời
Paul Eluard
(Les sentiers et les routes de la poesie)
mây trắng ào ào bay trên thành phố
nắng sớm đầm đìa các ngả
đêm tan tành như khối thủy tinh đen
hầm hố muỗi ùa lên
những cô gái xõa tóc dài rửa mặt
những hiên gác tung bay quần áo rách
những đầu hè lộc ngộc trẻ bơm xe
vội vã bước người đi
nghe có gì lạ khác
huyệt bom tối còn khét mùi chết chóc
lá đã ngời nước mắt của bình minh
tôi đã nghe hơi thở của hòa bình
trên tường xiêu gạch vỡ
trong tiếng rao báo mới ngoài cổng chợ
trong mùi khói bánh mì và tiếng bánh xe lăn
hơi thở của hòa bình
run rẩy gió trên toa tàu bụi bậm
trên mệt nhọc mặt người trên vỉa hè bùn rác
trên mũi xám những con chuột chết
và hương nhài ủ rũ dưới vòm xanh
hơi thở của hòa bình
trên thân xác những cô gái tắm
trên nạng gỗ vẹo xiêu trên lừ đừ súng đạn
trên cồn cào nỗi nhớ người thân
trận mưa rào xám xịt mái tôn cong
cái thành phố thương tâm
cùng tôi sống chết
tôi nhớ hết mấy ngàn đêm dằng dặc
cả dân tộc cởi trần đứng trên bùn ướt
đầu đội mưa bom, tay cầm khẩu súng trường
những lòng người chia cắt đến tan hoang
những núi rào gai và vỏ đạn
đồng bãi hoang liêu, phố phường gạch vụn
bao cỏ ngọt bị giày đinh dẫm đạp
bao tha ma gò đống ngổn ngang nằm
chúng ta còn lại gì sau cuộc chiến tranh?
một tuổi trẻ sớm tàn
một đôi môi sớm tắt
không nhớ hết bao bạn bè đã chết
xác gục giữa bùn lầy
thái dương rỉ máu
không thể phủ huân chương
lên ngực trần đã rữa
cũng không thể bồi thường
bằng những đồng tiền viện trợ
làm sao có thể trở về
ngủ yên trên giường cũ
làm sao yên lành nhìn hoa nở
làm sao bình tâm ôm một người con gái
trong tay?
màu thuốc đạn trong mắt ta nguyền rủa
những nắm tay trong ngực ta phẫn nộ
mặt tương lai đẫm máu bơ phờ
mặt tương lai nặng trĩu âu lo
mọi thứ gió quay cuồng gầm xoáy
đã nổi bão trên đất này trơ trụi
máu đổ ra lênh láng tấm gương hồng
chúng ta đo bằng xương thịt của mình
những lầm lạc những bước chân vạch hướng
đất hai miền đạn hai phe cày nát
con người ơi xin con người tỉnh thức
xưa thấp bé trước nhỏ nhoi đích hẹp
nay con người vụt lớn trước bao la
nước Việt thân yêu nước Việt của ta
sao người phải chịu nhiều đau đớn thế
thân quằn quại mọi tai ương rách xé
con nghẹn ngào nhìn mẹ, mẹ yêu ơi
mẹ hãy nhận, lòng con như ống sáo
môi con bỏng, ngón tay con rỏ máu
những vần thơ con đặt dưới chân người
dải đất liền không thể mãi chia đôi
cần chi đâu cái nỏ thần khốn nạn
cái móng độc vứt trả cho rùa biển
Trọng Thủy về sum họp với Mỵ Châu
trăm người con Âu Lạc nắm tay nhau
đập vỡ mọi xích xiêng đê nhục
cho xóa sạch những niềm vui chém giết
cho ta về lợp lại mái nhà xưa
có nước lành có lửa ấm có hoa
sẽ mọc lên chiếc liềm hái khổng lồ
sẽ lớn dậy những thiên tài mới mẻ
những ban mai không tả tơi đạn xé
không ai phải chôn giấu điều mình nghĩ
không còn ai đạp lên những mối tình
không còn hàng rào biên giới nhà giam
không còn đứa trẻ móc túi nào để mọi người xúm vào đánh đập
không đứa trẻ nào bị na-pan thiêu đốt
không đứa trẻ nào không có đồ chơi
bà mẹ không đẻ ra những kẻ giết người
không còn những ngày tháng lắt lay
không ra sống không ra chết
con người là mục đích không còn là phương tiện
không còn lời ca thù hận
dậy oán hờn chia rẽ tự trong nôi
không còn ai phải xấu hổ bởi con người
không còn những văn sĩ viết thuê
không còn lũ đàn em nhố nhăng lũ đàn anh hèn hạ
những chính khách khua môi những tượng thần gian trá
những tên tổng thống và những thằng cố vấn
những điếm hoang 16 tuổi gầy còm
những sinh viên chán chường
những quan tài tuyệt vọng
cuộc đời có lý do để sống
có đập lớn cho triệu dòng điện sáng
có tình yêu cho mỗi trái tim người
biển bao la sau trận mưa dài
sắp tới là những ngày khó nhất
những người tốt không được quyền vô dụng
không được quyền ngu dốt
hãy im đi lời bịp bợm dối lừa
lũ nước ngoài xảo quyệt cút ngay ra
máu con người không phải thứ bán mua
cái bánh vẽ không no lòng ai được
bài học lớn của một thời đau xót
trên hận thù nóng bỏng tàn tro
bên vực tối đen ngòm vô lý
phút sinh nở đau xé lòng bà mẹ
phút bàng hoàng thấp thoáng bóng tương lai
một tương lai mơ ước đã ngàn đời
nơi đoàn tụ mọi con người cách biệt
nơi quây quần mọi gương mặt khác nhau
anh không đưa ra một giải đáp nào
lời giải ấy mọi người sẽ giải
anh hãy đập vào ngực mình giục giã
hãy nổi gió cho cánh người rộng mở
và mai sau, sẽ có những nhà thơ
đứng trên tầng cao ta ao ước bây giờ
họ sẽ vẫn không ngừng đập cửa
không ngừng lo âu không ngừng phẫn nộ
bởi vô biên là khát vọng của con người
tiếng chuông rung vang động khắp bầu trời
tiếng búa gõ trên dương cầm to rộng
mây trắng xóa ùa lên từ vực thẳm
trái bàng tròn trên miệng trẻ thơ ngây
những người mù nằm ngủ dưới tàn cây
trên bậc cửa, người đưa thư đã tới
những đồng bãi đã mọc đầy cỏ mới
những dòng sông vỗ gọi những con thuyền
ta ra đường em nhé, ngẩng đầu lên
trên mặt đất, ta có quyền được sống
nhiều cay đắng, ta có quyền được khóc
nhưng sáng nay anh muốn thấy em cười
những mặt gầy ướt đẫm ánh ban mai
những người lính trở về từ cát bụi
những đôi lứa ôm ghì nhau không nói
nghe trống đồng bát ngát đỉnh rừng cây
làm lảo đảo cả mặt trời mê dại
những Vua Hùng tóc râu bạc phới
những bé em la khóc chào đời
ống điều dài nghi ngút khói bay
chân người dậm dập dồn trên mặt trống
điệu múa lớn của một ngày đang mọc
ngọn lửa lớn của muôn đời náo động
tâm hồn ta như sóng tới chân trời.
Cho Quỳnh những ngày xa
I
Khi cách nhau hàng vạn dặm không gian
anh mới hiểu khoảng cách không đáng sợ
anh thấy em bên mình, như nghe từng nhịp thở
anh là cửa sổ con tàu nơi xứ lạ em đi
Là quê hương ngóng đợi em về
Tổ quốc là gì, nếu nơi đó không có người mình yêu dấu?
Tình yêu là gì, nếu không vì nó ta yêu thêm Tổ quốc?
Chúng ta yêu nhau, chúng ta chiến thắng
Cái đáng sợ nhất trên đời này: những khoảng cách
Những khoảng cách giữa thực tại và ước mơ, giữa những điều ta mong với những gì ta có được
*
II
Em ở đâu? một thành phố xa xôi
Em đi trong những bảo tàng rộng lớn
Từ pho tượng cổ xưa đến bức tranh mới nhất
Những ưu tư kế tiếp của loài người…
Anh và con ở đây
Tháng sáu trời thật nóng
Vẫn nỗi lo thiếu ăn
Vẫn nỗi lo lũ lụt
Lửa đạn còn cháy bỏng
Những làng biên giới xa
Những con tàu Trung Hoa
Chập chờn ngoài biển
Hàng trăm năm, hàng ngàn năm trước đây
Những tàu này đã đến
Lịch sử thường lắp lại những tai ương
Thành phố xôn xao. Chỉ có trẻ con
Như thằng Mí con mình là không để ý
Anh đọc thư em
Nó ngồi ở trên sàn
Cái hộp bút nó xếp thành tàu hoả
Tờ lịch nhỏ nó gọi là tấm vé
Cầm trên tay, vui sướng đợi lên đường
Anh viết thâu đêm, đánh vật với từng trang
Rồi thao thức không sao ngủ được
Kim đồng hồ tích tắc, tích tắc
Hai tiếng động nhỏ bé kia
Hơn mọi ầm ào gầm thét
Là tiếng động khủng khiếp nhất đối với con người
Đó là thời gian
Nó báo hiệu mỗi giây phút qua đi không trở lại
Nhắc nhở cái gì đang đợi ta ở cuối
Nhưng anh, anh chẳng sợ nó đâu
Thời gian – đó là chiều dài những ngày ta sống bên nhau
Thời gian – đó là chiều dầy những trang ta viết.
Bây giờ, anh mới hiểu hết câu nói trong kịch Sêcxpia:
Tồn tại hay không tồn tại?
Không có nghĩa là sống hay không sống
Mà là hành động hay không hành động, nhận thức hay không nhận thức, tác động vào cuộc đời hay quay lưng lại nó?
Anh không băn khoăn mình có tài hay kém tài, thành công hay thất bại
Chỉ day dứt một điều: làm sao với những sự vật bình thường
Những ngày tháng bình thường
Như chiếc hộp con, như tờ lịch trên tường
Ta biến thành con tàu, thành tấm vé
Những ban mai lên đường
LƯU QUANG VŨ