- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Du Tử Lê,( Chim Đem Đi: Làm Lễ Tạ Ơn Người!?.)

05 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 24740)

blank"đêm bảo dưỡng nụ hôn tôi đã gửi - -
"chim đem đi: làm lễ tạ ơn người!?.)

dtl.

 

 

Không biết đã bao đêm, cứ khoảng hai giờ sáng, tôi lại bị rất nhiều cánh tay gió, mưa hối hả lay, giựt tôi ra khỏi giấc ngủ, muộn. Hai giờ sáng, tôi tỉnh dậy giữa tiếng gió khua, đập, cùng cảm giác giông, bão không nguôi nện gót giầy giận dữ, dưới thấp. Tôi sống chập chờn giữa hai khe hở đời sống. Một thứ nhị trùng hư ảnh: Hiện thực (và,) quá khứ? (Hay sự trộn chấu thất bại đời thường trong dung dịch bóng tối?) Khi tỉnh lại, bao giờ tôi cũng nằm im. Nhắm mắt. Nghe hai con sông ngược chiều, xiết, trôi đôi bờ thân thể tôi, rêm, nhức. Thường khi rất lâu, tôi mới nhận biết: Chuyến bay từ phi trường Houston, đã trả chúng tôi về lại Orange County, có dễ cũng gần một tháng.

S. đã trở lại với chiếc ghế gỗ. Hàng hiên nhỏ. Đường Bellehurst. S. trở lại với những con nắng trưa tháng Ba, lụa xanh, hớ hênh từ những mái dốc, trượt chân rớt xuống lòng đường nền nã, đen - - Cùng những trận ho khan, như những mũi khoan nhỏ xíu xoáy sâu khoảng không gian đặc, khô, tĩnh lặng. Những ngọn dừa nước già làng xù xì lớp da chì, bủng, lênh-bênh không chỉ ngoảnh mặt, khinh bạc, phủ nhận sự hiện diện của đám dừa non ba thân (và,) hàng găng thấp - - (Mà,) chúng còn từ chối ngó xuống những trượt chân tình, nghĩa của bạn tôi - - Đập, va, chới với vực không đáy.

Hy vọng đó không phải là dấu hiệu bạn tôi khởi đầu chuyến viễn du giã từ năm, tháng, khốn.

Riêng tâm hồn tôi cũng đã trở lại ẩn, trú trong ngôi nhà, dài lâu, đường Lucille, đang thay da, đổi thịt. Căn nhà phụ như cây nấm dại lì lợm mọc lên giữa khoảng sân sau, được nhiều bàn tay bằng hữu cơi rộng. Bốn vách ván trở thành chỗ treo tranh. Vung bút tích tung hoành, thơ, văn của khá nhiều tình thân, giờ không dấu vết. Dàn chanh giấy từng "long tranh hổ đấu" với những giây hoa vàng quanh năm - - Lối đi dưới... trái, dẫn vào hành lang (cũng treo rất nhiều tranh, ảnh.) Nơi tôi có nhiều năm ngồi với chiếc computer. Tiếp bạn. Nhả khói mịt mù. Giờ cũng không còn.

Tôi đem tâm hồn tôi tạm trú trên những nhánh cây treo lửng trong hai chiếc chuồng chim lớn (tác phẩm lao động chân tay của họa sĩ N.Đ.T.) Tôi nghĩ mình thật không phải khi đưa cái mặt lơ láo bậm trợn hù dọa đám chim cockatail (vốn đã nhân mãn,) bắt chúng nhường đất cho mình. Cũng có khi tâm hồn tôi mắc võng trên những chạc ổi xá lị thấp tè, hoặc lẩn dưới tán bưởi nậm rượu, sum xuê sát tường hàng xóm. Nơi những đêm mùa hè, hoa bưởi lén lút thoa lên mặt tôi, lớp phấn hương ân cần, thân thiết kỷ niệm. (Cái ân cần, thân thiết kỷ niệm, bất chợt, như những tình cờ chạm đụng một thịt da quen thuộc nào, (mà,) sao bỗng ngậm ngùi choáng váng. Cái ân cần, thân thiết kỷ niệm, bất chợt, đôi khi chỉ thoảng trong ký-ức-khứu-giác, nhưng cũng đủ cho ta ngẩn ngơ tự hỏi, phải đã nghìn năm, xa cách?!...)

Nhưng, cách gì, dù cho những con sông có chảy ngược / xuôi đôi miền lưu vực rêm, nhức thân thể tôi, (thì,) cuối cùng, tôi cũng hiểu ra, những ngày ngắn ngủi, ở Texas, gần nhất, chính là những bàn tay hối hả lay, giựt tôi ra khỏi giấc ngủ, muộn.

Đó là buổi sáng, với Tr3. Tr3. đã đem những cây sồi nứt xương thung lũng Camp Pendleton, tháng mười 75; trồng lại trong cánh rừng quá khứ tôi, tiêu trầm, gió, bão. Tr3. cũng đã cấy lại trên những bờ, luống tôi nhem nhuốc đìu hiu, hình ảnh bằng hữu. Hiểu một nghĩa nào, họ đã đi xa. Quá xa! Họ đã tới những chân trời định mệnh dành riêng. (Những chân trời, đôi khi tôi có thầm mơ ước.) Đó là những Trần Tam Tiệp. Nguyên Sa. Ngọc Dũng. Nguyễn Thừa Dzu... Đó là Thục, của tình cờ, di tản, bật gốc, gặp lại. Là Thảo, chưa qua tuổi hai mươi, trên chuyến xe bus nối Processing Center và trại Một, đọc tôi nghe bài thơ, tôi muốn quên: sinh nhật, 12.

Nhưng, cách gì, dù cho gió khuya hiện thực hay, mưa, bão ẩn ức, tưởng tượng có làm thành nhị trùng cảm, nghiệm rối ren, (thì,) cuối cùng, tôi cũng hiểu ra, những ngày ngắn ngủi, ở Texas, mới đây, chính là những cánh tay lay, giựt tôi ra khỏi giấc ngủ, muộn. Là buổi trưa, với V.N (hay H.) đã ném những đêm mưa, những ngày gió Houston, 1993, vào lại tâm hồn tôi không phên / vách. Những ngày Cao Đông Khánh hiên ngang như một Từ Hải lấn cấn giữa biểu hiện cao bồi miền viễn tây và, người hùng phương đông huỡn huỡn (không... gươm giáo.) Những ngày N. đem cơn điên phơi giữa đường Bell; trước khi mang chăn, gối ngủ trong chiếc xe Toyota cũ (của L.C.) tôi vứt lại nơi parking dài hạn, phi trường. Những tối C. tìm tôi nhầu, nát (như những ngọn cây sung nhầu, nát) đường Milam / Travis...

Hiểu một nghĩa nào, họ cũng đã đi xa. Quá xa. Họ cũng đã tới những chân trời định mệnh dành riêng. (Những chân trời, đôi khi, tôi cũng thầm mơ ước tạt ngang, dừng chân, thăm hỏi.)

Cũng có thể, tôi nghĩ, chính những buổi tối, với Đ.K., P.H., với L.V., N.B, V.K. những thâm giao đã xô, đẩy tôi ngã giập mặt vào những bài thơ cũ / mới. Những bài thơ cũ / mới đi ra từ tôi. Xong. Mất hút. (Như sự mất hút nhiều buổi tối, T. lúp xúp mang về lênh láng những trận mưa dai dẳng cay nghiệt; cùng những con gió thủ trong tay áo, hàng chục lưỡi dao bén, rét, cắt ngọt, thịt, da. Nơi chúng tôi ăn những bữa cơm tối, với giấy báo, trên mặt bàn dã chiến cùng, ngọn đèn treo lửng bấp bênh (và,) tiếng hú quẫn bách của con Cocaine; kéo theo tiếng thở dài ngao ngán (rụt rè) của Tề Thiên, Chí Phèo.

Tôi đứng ngoài những bài thơ cũ / mới của mình. (Như kẻ lạ mặt đứng trước ngôi nhà có quá nhiều cửa sổ.) Thản hoặc, tôi cũng nghiêng tai, kiễng chân nghe ngóng tiếng động, hình ảnh quen thuộc (hay lạ lẫm,) di chuyển chập chờn trong ngôi nhà.

Không phải tôi không muốn nghe. Trái lại. Nhưng đó là lúc tâm hồn tôi còn ngầy ngật ngổn ngang những hình ảnh ngược / xuôi của xa lộ 290 đông / tây; và 45 nam / bắc.

Tôi vẫn chưa ra khỏi cái ám ảnh của những đám mây đen, nhiều nơi bị xé rách bởi những bệt màu đỏ, máu, cuồn cuộn hung khí; lao về phiá chúng tôi - - Khi chiếc xe của Phương tăng tốc, cố ngốn, nuốt nốt đoạn đường còn lại. Giữa cảnh trời chiều (mà,) chân trời là cả một đường vòng cung không điểm chuẩn, tôi có lại cái cảm nhận lơ lửng, bơ vơ, bất lực của một sinh vật mang tên con người. Tôi muốn nói với Phương, dù con người đã cắm cờ trên mặt trăng; tìm thấy chứng tích có nước trên hoả tinh... Nhưng, rốt ráo, nhân loại cũng chỉ là một chấm đen, hay miếng puzzo trong hàng triệu miếng puzzo dưới bàn tay nghịch ngợm, tinh quái của Đấng Một. Nhưng tôi giữ lại riêng mình. Tựa tôi đã giữ lại cho riêng tôi, hình ảnh những gốc rạ khô, cháy lam nham, nhấp nhổm như những chân nhang cắm vụng trong biển cát. Và, những bụi smoking- tree chỉ như những cụm khói èo uột, tét đầu bị gió lùa chạy thục mạng về nơi vô tận. Tôi cũng giữ lại cho mình, hình ảnh những mảnh gương vỡ khổng lồ, hờ hững cẩn bẹt trong những thửa ruộng sát lề đường - - Chứng tích những trận mưa lộn nhào trời / đất. Những tấm gương vỡ, phản chiếu từng khối mây đen (pha máu) tượng hình cổ quái.

Lũ hình tượng cổ quái chụp lên những ngày thơ ấu, tôi, xưa. Những ngày thơ ấu, tôi từng run rẩy, chôn chân trên bậc tam cấp ngôi nhà tôi được sinh ra. Ngôi nhà dẫn xuống bến sông Đáy, Phủ Lý, những năm trước tản cư. Những năm các anh tôi lần lượt bỏ nhà ra chiến khu. Gia đình tôi chỉ còn lại đám phụ nữ, goá buạ (như mẹ tôi,) không chồng, con (như U Già, chị Vú.) Tôi thờ thẫn vào / ra giữa những dẫy nhà (mà,) bất cứ một xó xỉnh nào cũng tồn đọng những bí ẩn hàm hồ, chấp chới rình rập.

Những buổi chiều chuyển mưa, khi những người đàn bà (gồm luôn cả chị T., sinh trước tôi vài năm,) lo thu gom quần áo trên những sợi giây thép, hoặc cuống cuồng xúc những trái mơ vào bao tải, tôi lẻn ra cổng chính, hướng về ngọn núi Vôi, bên kia sông. Ngọn núi vốn mầu xanh tím, đã chuyển thành đen thẫm như một khối than hầm vĩ đại. Nơi từ đó, cuồn cuộn lao tới tôi, những đám mây hung, hiểm. Lần nào tôi cũng cảm tưởng đám mây đang chuẩn bị vươn ngàn cánh tay bạch tuộc, bủa vây lưới, chụp tôi. Rồi, cuốn tôi đi. (Như chúng đang cuốn những chiếc lá, những mảnh giấy về các hố, hầm bí mật.) Lần nào tôi cũng sợ điếng, điếc. Toàn thân tôi tê liệt. Tôi há miệng kêu cứu. Không một tiếng nào thoát đi. Ngặt nỗi, dù sợ vã mồ hôi, tôi vẫn không thể rời mắt khỏi đám mây ma, quỷ biến hóa. Mắt tôi dán chặt vào chúng, như những con gà con lạc mẹ, quíu chân chờ móng, vuốt diều hâu... Tôi chỉ may mắn hơn gà con ở chỗ: Tôi luôn được mẹ tôi tìm thấy, trước khi những hạt mưa khủng bố đầu tiên, rớt xuống.

Tôi nghĩ, cũng chẳng nên nói với Phương (hay S.,) về những hãi hùng ấu thơ, tôi vừa sống lại. Để làm chi, khi mẹ tôi không còn. Chị T. tôi, ở xa. Khi cuối cùng, tôi cũng đã kịp vào nhà Phương.

Cánh cửa đã biệt, ly tôi và, gió, bão.

 

Tôi không biết có phải những ngày ngắn ngủi ở Texas, gần nhất, ở nhà Phương, những gặp lại Bình, Yến, Tâm, Tín, Oanh, Trọng, Hiến, Lài, Trung, Yên, Quỳnh, Nghiệp... nhắc nhở tôi: Phải chăng, đời sống chỉ là tổng số của những điều không thể hiểu? Như, những sống / chết? Những gặp gỡ / chia lìa? Những thành / bại? Còn / mất?

Tôi không biết. Chẳng ai nói với tôi một điều gì dù gần / xa về những những cặp nhị nguyên, vừa kể. Ngay tiếng hát nhỏ nhẹ (như chỉ muốn dành cho một người,) của Hiến. Tiếng hát khuếch đại (tựa không đành bỏ sót một ai, luôn ngọn nến, ly, tách, đĩa, bát trên bàn,) của Quỳnh - - Tiếng guitar biển rộng, mang tham vọng bôi, xóa khoảng cách gia đình / bằng hữu của Phương - - Tiếng cười loảng xoảng những rơi, vỡ, trong hơi men hạnh ngộ của Yên, Bình, Trung, Trọng, Oanh, Tâm, Tín...

Tuy nhiên, điều tôi biết, rất rõ (là,) tôi có thể hình dung Trọng đã trở về với gạch, đá trường thành Alamo của Trọng, ở San Antonio. Bình, Yến trở về ngôi nhà có tầu ngựa, ốm. Hiến, Lài đã ngồi xuống chiếc deck (đang thúc thắc làm dở) cùng ngọn lửa (cũng thúc thắc) dưới thùng bún bò Huế. Phương, Vương đã trở lại vị trí trong ca đoàn, nhà thờ, sáng Chúa Nhật...

Nhưng tôi không thể (dù rất muốn,) hình dung Oanh, Tâm về đâu? Những mái hiên, những ngôi nhà, những ánh mắt nào ngóng, đợi họ? Tôi cũng không thể (dù rất muốn,) hình dung Trung, với hai đứa con nhỏ, ra sao, thế nào, trên dậm trường về lại Dallas? Những gì sẽ ngóng, đợi ba cha con, cuối chân trời, đã lâu, đổ vỡ?

(Và,) cho phép tôi, không hình dung (dù rất muốn,) cảnh đời những người vắng mặt. Những người, theo một nghĩa nào, cũng đã đi xa. (Như tôi,) xa ngái!

 

Bạn tôi, bây giờ tôi hiểu, rất rõ, điều gì đã thức tôi dậy lúc hai giờ sáng, nhiều ngày qua. Tôi hiểu cửa khép. Tôi hiểu, mưa ngoài hiên. Gió cuồng nộ. Chân trời không điểm chuẩn. Tôi hiểu, dù rất xa (hay, quá đỗi gần gũi,) tặng phẩm lớn lao, duy nhất, cuối cùng, thượng đế đã chọn tôi để trao. Gửi.

Bạn tôi, bây giờ, tôi hiểu, dù rất xa (hay, quá đỗi gần gũi,) mùi tóc. Môi hôn. Và, tin cậy thăm thẳm. Lặng thinh. Tất cả (luôn ngày, tháng ngắn ngủi tôi, còn lại,) cũng sẽ được những cánh chim từ tâm đem vào đời, khác.

 

Du Tử Lê,
(Calf. 08.)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Mười 20236:02 CH(Xem: 4186)
Sau mấy stt. của hắn trên MXH về chuyện vu cáo tồi tệ của vài vị “chức sắc” ở Hội Kiều học (Hội khoa học nghiên cứu Nguyễn Du & Truyện Kiều), cô con gái hắn - sinh viên năm thứ hai ĐH KHXH&NV vừa về tới nhà đã xộc tới bàn làm việc của hắn, với gương mặt đỏ bừng mà ngày thường vẫn lạnh như bà hoàng Băng giá, nó tức tối chất vấn, như hành hạ ông bố đã thất bại đủ thứ và đang khốn khổ đủ điều
16 Tháng Mười 20235:52 CH(Xem: 4128)
Tôi có duyên với chợ nên đi về cuối đường đời thì dấu ấn sâu đậm nhất trong tôi là cái chợ, nhớ nhất là cái thời còn buôn bán ở chợ nên đến bây giờ cả trong giấc ngủ tôi vẫn thường mơ thấy chợ, nơi ấy là nhà là kỷ niệm ăn sâu nhất không quên được.
12 Tháng Chín 20231:37 SA(Xem: 5602)
Phàm những gì người ta thích thì thường chòi mòi chốc mảy vì thứ ấy. Ví như người mê gái đẹp (thấy gái đẹp ai không mê, người nào nói không mê gái có mà hâm!), cô nào có vóc dáng lả lướt, ngồ ngộ, trang phục hơi sex đôi chút thì con ngươi như dán chặt vào đó. Lại có người thích chơi chim, mỗi lần nghe tiếng hót là như bị hốt hồn. Mỗi cách chơi đều có hội riêng, tập hợp những người cùng sở thích, chủ nhân của những quán cà phê vỉa hè cũng đã tận dụng cái sở thích ấy để mà câu khách. Trên cành cây có treo dăm ba lồng chim, bên ly cà phê mà tán pháo, tán cái vui dân dã của mình. So cọ con chim này hót hay , con chim kia đang bắt đầu thay lông. Và cũng từ đó, có nhiều kẻ tìm được khối tiền vì những trò chơi.
10 Tháng Chín 20238:59 CH(Xem: 5416)
Sau gần một năm, chính xác là 11 tháng và 15 ngày, chữa trị ung thư mắt tại một bệnh viện nổi tiếng ở Houston, Texas, nay tôi đã về nhà yên bình và niềm vui trong lòng dâng cao mãi. Không còn nghi ngờ gì nữa, tôi nhận ra mình thực sự sống sót, thoát chết, trở về trong “chiến thắng vinh quang”, sau cuộc chiến chống lại căn bệnh quái ác. Căn bệnh ấy quái ác thật, nguy hiểm thật, chỉ nghe tên cũng rùng mình run sợ. Điều trị khỏi bệnh ung thư đối với riêng tôi, là một dấu ấn hằn sâu trong tâm não. Đã có biết bao người bỏ cuộc giữa đường. Tôi thì không! Một chiến sĩ trên đường ra mặt trận, được trang bị tinh thần quyết chiến, quyết thắng, lẽ nào tôi không có chiến công mang về. Trung tâm ung thư nằm ở tầng lầu 14 của bệnh viện, đã gợi ý tôi, tưởng tượng rằng mình đã xuống tới tầng địa ngục thứ 14, và không ngại ngùng, ghi lại những cảm xúc chân thực và niềm vui sướng tuyệt vời trong bài hồi ức “Trở về từ tầng…14”.
04 Tháng Chín 20238:52 CH(Xem: 4628)
Mùa thu này, nhà thơ Hoàng Hưng và phu nhân trở lại thăm Thủ đô. Ông có gọi tôi cùng tới studio riêng của họa sĩ Trần Lương. Giữa cơn hứng trò chuyện với họa sĩ, ông tìm đến “quốc hồn quốc túy” qua sợi thuốc lào Vĩnh Bảo, và tôi đã chộp được một hình ảnh của ông để rồi chợt thấm một nỗi buồn…
05 Tháng Tám 20239:50 CH(Xem: 5569)
“Khi người ta 19 tuổi, người ta là bà hoàng” - đó là một câu trong bộ tiểu thuyết sử thi “Con đường đau khổ” của nhà văn Nga A. Tolstoy mà bố từng lấy làm đề từ cho bài cảm ngôn “Viết dành cho con gái năm con 19 tuổi” từ những năm bố còn là một chàng trai mơ mộng lang thang trên những nẻo rừng Tây Bắc. Vài chục năm sau, vào lúc con đọc những dòng này của bố, khi con chuẩn bị bước vào năm thứ hai đại học, cũng là lúc cả xã hội ta đang trong một cơn xáo động kinh hoàng với bao giá trị đảo lộn quay cuồng khiến những cô cậu sinh viên quen sống trong vòng tay gia đình che chở như con phải hoang mang, ngơ ngác, hoảng sợ…
09 Tháng Sáu 20234:29 CH(Xem: 5826)
Con gái tôi thích ăn canh ổ qua xắt mỏng nấu với tôm, khi chín bỏ chút hành ngò rắc chút tiêu, món ăn ngày xưa của mẹ con tôi hay nấu nhưng bây giờ tôi lại hay nấu canh rau mồng tơi với tôm vì bọn trẻ con thích món này hơn chúng chê canh ổ qua đắng. Ngày xưa, mỗi lần cúng giỗ nhà tôi hay nấu canh ổ qua nhồi thịt, món này ba má tôi đều thích ăn, cả chúng tôi cũng hưởng ứng nên ngày thường cũng nấu. Sau 75 lại ít có vì thời khốn khó mà, thứ gì cũng không dễ có mà ăn.
08 Tháng Ba 20236:56 CH(Xem: 5744)
Ai cũng ghét kẻ khoe khoang và gọi kẻ ấy là hợm hĩnh khó ưa. "Khoe khoang" có gọi là "phô bày" không? Có đó, vì cả hai đều đồng nghĩa như nhau nhưng tôi thấy kẻ phô bày lại đáng thương hơn là đáng ghét đó. Có ai trong đời này mà không hề có sự phô bày cho người ta thấy chứ, ta thích được người biết cùng, khen cùng ta những điều ta có. Bây giờ có facebook thì điều này thể hiện rõ nhất qua nút chia sẻ đó.
13 Tháng Hai 20232:24 SA(Xem: 5463)
Nhớ lại những tháng năm xưa thời còn ở quê nhà. Đêm giao thừa sau khi đặt mâm cúng xong cả nhà mình đều xuất hành về hướng đông đi lễ chùa, má mặc áo dài màu nâu còn mình và bọn trẻ lại mặc đồ tây bình thường theo má. Má lạy Phật lạy hương linh ông bà chùa Long Khánh rồi sang chùa Tâm Ấn cũng như thế. Mình nhớ ngày ấy trời trong lắm lại mang hương xuân lành lạnh, đường phố sạch đẹp và đâu đó vẫn còn lác đác vài người phu quét lá bên đường còn sót lại. Mình hít hương xuân ngày đầu năm mới vào hồn với cả hân hoan.
06 Tháng Giêng 202312:51 SA(Xem: 6318)
Nhà văn Doãn Quốc Sỹ là thầy dạy tôi. Thầy sinh năm 1923, năm nay tròn 100, còn tôi sanh năm 1936, thầy hơn tôi 13 tuổi, năm nay tôi cũng đã 87. Tính ra năm thầy dậy tôi cách đây đã đến 70 năm rồi. Ở cái thời mà ai cũng gọi người dậy học là “Thầy”, dù là từ lớp vỡ lòng cho đến hết lớp trung học chứ không gọi là “Giáo sư” như những năm sau này. Mà người đi học thì gọi là “Học trò” chứ ít ai gọi là “Học sinh”. Thầy dậy tại trường Chu Văn An năm nào, thì tôi được học thầy năm đó. Tôi không còn nhớ mấy năm, nhưng đọc tiểu sử của thầy, trên mạng Wikipedia cho biết thầy chỉ dậy ở trường CVA có một năm 52-53, sau khi thầy dậy ở Nam Định một năm 51-52. Trang mạng này, có ghi thầy di cư vào Nam năm 54, đoạn sau lại ghi thầy dậy trường Trần Lục tại Saigon năm 53-60. Tôi không nghĩ rằng hai trường Công Giáo Trần Lục và Hồ Ngọc Cẩn dọn vào Saigon trước năm 54.