- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NGHÌN TRÙNG XA CÁCH

27 Tháng Tư 201611:25 CH(Xem: 32241)
2514216_Tangoulis-Misty-Scapes-6-710x701
Ành- Vissilis Tangoulis

 


Sau 60 ngày ba tôi nằm bệnh viện , và sau ngày hôm nay, ngày tôi đưa tiễn đưa ba tôi, tôi muốn viết.

Tôi không viết cho tôi, cho nỗi mất mát của tôi.

Tôi không viết cho Người đã ra đi.

Tôi viết cho Người ở lại.

Tôi viết cho Mẹ tôi.

 

Đêm qua, đêm cuối cùng với ba tôi, mẹ tôi nói:

- Mẹ muốn tiễn ba đi bằng bài hát “Nghìn trùng xa cách”.

Tôi đã làm theo ý thích của mẹ tôi, đầu tiên chỉ vì muốn chiều chuộng mẹ tôi một chút. Những ngày này mẹ tôi đã buồn nhiều.

Khi 6 người âm công trong đồng phục trắng, vừa ghé khiêng áo quan của ba tôi lên vai, tôi vào playlist của iphone, chọn bài hát đã download từ đêm qua, và nhấn nút play.

Dòng nhạc đầu tiên vang lên đầy tràn không gian trống trải sau quan tài,

 

“ Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi Còn gì đâu nữa mà khóc với cười

Mời người lên xe về miền quá khứ

Mời người đem theo toàn vẹn thương yêu”

 

Một cơn rùng mình chạy dọc từ trên đầu xuống đến chân, bất giác tôi không kiềm chế được nữa, nước mắt trào ra chan hòa trên mặt.

 

Lời bài hát trải dài, trọn quảng đường hơn 500m từ nhà, băng qua con hẻm chợ họp buổi sáng đông đúc nhộn nhịp , hai lần quẹo ngã tư là hai lần quan tài được hạ xuống cho ba tôi chào từ biệt hẻm chợ quen thuộc, là hai lần mẹ tôi đi liu xiu bên chị hai tôi , cúi đầu chào từ tạ người đàn ông của cả cuộc đời mình.

 

 “Trả hết về người chuyện cũ đẹp ngời

Chuyện đôi ta buồn ít hơn vui

Lời nói, lời cười

Chuyện ngắn chuyện dài

Trả hết cho người, cho người đi”

 

Khi ba tôi ra đi, nổi buồn đau của những đứa con chỉ là nỗi đau của một phần máu thịt phải rời chia, rồi nỗi đau đó cũng lành theo thời gian, và nỗi buồn đó còn có chỗ để neo đậu , neo đậu vào người vợ, hoặc người chồng, với những đứa con, neo đậu ngay cả vào những lo toan, trách nhiệm kéo người ta tiếp tục sống.

 

Chỉ có nỗi buồn đau của mẹ tôi là biết neo đậu vào đâu? Khi không thể neo đậu vào ly cà phê sữa hòa tan lẻ một mỗi sáng, không có ai để chỉ đơn giản hỏi:

- Ông uống cà phê chưa, tôi pha cho ông một ly nhé!

Hay là neo đậu vào chén cơm lẻ một mỗi buổi ăn, thay vì chia đôi đũa cho người ngồi bên cạnh, lại nâng ngang trán mà mời người ngồi nhìn mình đăm đăm, lặng lẽ sau khói nhang?

Hay là neo đậu vào ly trà nụ hoa cúc lẻ một mỗi buổi chiều, và lẻ một bình trà chiều một mình mẹ tôi ngồi uống cạn?

Hay là neo đậu vào không gian trống của căn phòng-không-còn-ba-tôi, chiếc giường nhỏ-không-còn-ba-tôi?

Nổi buồn ngay cả không thể neo đậu vào những chiếc áo chemise trắng của ba tôi, vào hàng nút áo đã bị cắt rời khỏi khuy áo, mà mới đó chỉ hơn 60 ngày trước, và suốt trong 60 năm chính tay mẹ tôi đã cẩn thận và âu yếm cài từng chiếc nút áo vào khuy áo?

 

“Trả hết cho người, cho người đi

Trả hết cho ai cả những chua cay

Ngày chia tay, lặng lẽ mưa rơi

Một tiếng thương ôi, gửi đến cho người “

 

Nếu ly biệt đến sau một cuộc hôn nhân trọn vẹn hạnh phúc làm người ở lại đau đớn một, thì ly biệt từ một cuộc hôn nhân trộn lẫn ngọt ngào với chua cay, hạnh phúc và sóng gió, những tổn thương thầm lặng giấu kín không thể chia sẻ, dù là “buồn ít hơn vui” (như cuộc hôn nhân của mẹ tôi) còn đau đớn gấp nhiều lần hơn, vì mẹ tôi đã sống trọn vẹn đến ngày cuối cùng của cuộc hôn nhân đó. Tôi tin là tình yêu của mẹ tôi, sau tất cả, là một tình yêu sâu sắc và bền bỉ, hơn tất cả những thể hiện mộc mạc giản dị thường ngày.

 

“Trả hết cho người, cho người đi

Trả hết cho ai ngày tháng êm trôi

Đường ta đi trời đất yên vui

Rừng vắng ban mai, đường phố trăng soi “

 

Lúc xe dừng lại ở BHH, mẹ tôi nhẹ nhõm nói:

- Bây giờ thì ba vui lắm, ba đã nghe trọn bài hát này.

 

Đêm qua có một cơn mưa rào nhỏ, sau tháng nóng nhất của mùa nóng Saigon. Bầu trời sáng hôm nay vừa trong xanh, vừa cao vợi , nắng thì dịu dàng.

 

Tôi cũng tin đường ba tôi đi trời đất trong trẻo và yên vui như thế.

Vì mắt mẹ tôi cười, miệng mẹ tôi cũng cười , long lanh. Tôi cũng tin, không phải mất mát này là mãi mãi, sinh ly tử biệt này là cắt chia vĩnh viễn , dù đau đớn này như đâm vào tim, cứa vào da thịt.

 

Thì tôi vẫn tin có một điều miên trường, vĩnh cữu , mãi mãi trường tồn.

Đó là tình yêu của người ở lại, cho một người đi xa.

 

“Nghìn trùng xa cách đời đứt ngang rồi”...

 

UYÊN LÊ

(Sài Gòn ngày 28-04-2016)

 

 

Nghìn Trùng Xa Cách (Phạm Duy- Thái Thanh) - Thu Âm Trước 1975

 


 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
01 Tháng Tư 20214:31 CH(Xem: 12637)
Vào một ngày đầu hè năm 2019, tôi ngạc nhiên khi nhận được điện thoại của một người lạ, bạn ấy nói muốn gặp tôi trò chuyện vì đang làm ký sự Trịnh Công Sơn của Đài truyền hình Việt Nam. Chúng tôi hẹn gặp ở quán cà phê Trịnh Công Sơn trên đường Xuân Diệu để nghe nhạc và trao đổi cùng vài người bạn. Lúc ấy tôi mới biết bạn là Nguyễn Đức Đệ đạo diễn đang làm phim ký sự “Trịnh Công Sơn nhẹ gót lãng du” gồm 5 tập, kịch bản và cố vấn phim do nhà báo Trần Ngọc Trác ở Đà Lạt một người đam mê nhạc Trịnh đảm nhận. Anh Trác đề nghị cho anh photo tất cả tài liệu mà tôi sưu tầm được khi làm luận văn thạc sĩ Trịnh Công Sơn để làm tư liệu, ngày mai sẽ vào trường Đại học Quy Nhơn quay ngoại cảnh, tìm lại dấu vết cũ nơi Trịnh Công Sơn đã từng học thời gian 1962-1964. Phỏng vấn tôi xoay quanh luận văn thạc sĩ mà tôi đã làm về đề tại Trịnh Công Sơn.
25 Tháng Ba 202111:55 CH(Xem: 11719)
Đó là vào những ngày cả Hãng phim truyện VN như sôi sục lên trong giai đoạn tổ chức sản xuất bộ phim nhựa đen trắng “Tướng về hưu” dựa theo truyện ngắn cùng tên đang rầm rĩ dư luận xã hội của NHT. Sáng hôm ấy, đang ngồi họp xưởng đầu tuần theo thông lệ của Hãng, đồng chí bảo vệ ngó đầu vào nhắn: “Có nhà văn Nguyễn Huy Thiệp muốn gặp đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn”.
25 Tháng Ba 202110:39 CH(Xem: 12903)
Đã 43 năm trôi qua, sự khe khắt về lý lịch, về người của chế độ cũ dần rồi cũng nguôi ngoai. Nhờ đó mà tôi mới được viết lên những dòng này cho chị họ tôi. Chị Bảy Long, vợ một sỹ quan VNCH, người phụ nữ thầm lặng gánh chịu những đau thương mất mát của chiến tranh của nghiệp đời. Chị đã già, tuổi xuân đã qua đi, chị còn bất hạnh hơn cả bà quả phụ đại úy Đương vì không ai biết đến chị. Hết một đời đến khi nhắm mắt, chị sẽ vĩnh viễn không bao giờ được hốt một nắm đất nơi anh đã hy sinh để về chùa cúi lạy. Chị chẳng còn một đứa con nào để nương tựa tuổi già heo hắt bên song. Ôi đất mẹ Việt nam còn có bao người như thế... Thương biết bao!
08 Tháng Ba 20216:50 CH(Xem: 13131)
Nói tới thành tựu của một nền văn học, người ta chỉ nhắc tới những nhà văn, nhà thơ nhưng có lẽ không thể không nhắc tới những bà Tú Xương của mọi thời đại với bao nhiêu công khó hy sinh của họ.
03 Tháng Ba 202112:01 SA(Xem: 11373)
Tôi nhớ rõ ràng như chỉ mới hôm qua. Những năm còn bé nhỏ ở tuổi 12. Có một chiều, tôi ôm con gà đứng khóc tỉ tê, khóc sướt mướt, dai dẳng trước căn lều của người hàng xóm. Đã qua không biết bao nhiêu thăng trầm, trôi nổi của những tháng năm dài… Vậy mà sự rúng động trong trái tim bé nhỏ của tôi vẫn y nguyên, vẫn còn như rất mới.
02 Tháng Ba 202111:49 CH(Xem: 12248)
Năm ấy tôi chỉ mới tuổi mười ba, đang học lớp đệ lục trường Nữ trung học Quy nhơn. Cái tuổi be bé mới lớn ấy đã biết mộng mơ nhưng chưa biết chút chút nào về tình yêu đôi lứa cả. Thế nhưng tôi lại có một buổi thuyết trình về tình yêu và đó lại là một kỷ niệm tôi thương của thuở học trò.
20 Tháng Hai 20213:06 CH(Xem: 11979)
Dù Marquez phải sống lưu vong ở Mễ Tây Cơ, 30 năm cuối cuộc đời vì chống độc tài tham nhũng, dù ông bị thuyết Cộng Sản mê hoặc, dù Colombia và cả đại lục Nam Mỹ không nước nào theo Cộng Sản, nhưng khi ông mất năm 2014, ông vẫn là niềm hãnh diện của họ. ...Năm 1991, Liên Sô Cộng Sản tan rã, là một thất vọng nảo nề cho Marquez. Không hiểu sau đó ông có phản tỉnh không khi nhìn lại còn một vài nước còn theo chế độ cộng sản như Cuba, Triều Tiên, Việt Nam, Trung Hoa, độc tài và tham nhũng còn gấp trăm lần so với chế độ mà ông sống thời ông còn ở Colombia.
11 Tháng Hai 202111:43 CH(Xem: 11893)
Aó tím ơi! Tôi đã mất em trong cuộc đời này nhưng tôi vẫn hạnh phúc vì em thường trực trong trái tim rách nát này. Bên cửa sổ trăng đã lặn, chồi non mơn mởn hàng cây trong gió bấc rét mướt. Ừ nhỉ… Tháng chạp đã tàn…
29 Tháng Mười Hai 20209:09 CH(Xem: 13813)
Như những cô học trò nhỏ, áo trắng điệu đà tha thướt. Tôi còn có thêm giọng nói êm êm, thanh thoát và dịu dàng. Chúng tôi, những cô thiếu nữ đẹp như trăng, sáng rỡ và líu lo những khi tới lớp, những lúc tan trường… / Thày đứng lớp Kim Văn, hai lần một tuần. Chúng tôi chờ giờ của Thày, như đợi chờ để được nghe những vần thơ trác tuyệt và để học trong cuốn sách đặc sắc, mỏng, nhưng tràn đầy những nét tinh hoa... / Thày không giáo điều, không nhất định cứ giảng dạy đúng theo chương trình của Bộ Giáo Dục đưa ra. Những thứ mà với chúng tôi đã gần như nhàm chán. Ngoại trừ có lần Thày giảng và bàn rất vui, rất dí dỏm về Tây Môn Khánh và Phan Kim Liên trong Kim Bình Mai…
23 Tháng Mười Hai 20209:35 CH(Xem: 11797)
Mùa gió! gió nhiều hơn bình thường, thậm chí nếu nàng không đứng vững, gió có thể làm nàng ngã, giờ thì một cơn gió cũng có thể làm nàng ngã… / Buổi sáng! Nàng nghe thấy tiếng gió tạt vào khung cửa, thi thoảng có tiếng rít của lá cây rừng, tuyệt nhiên không có một tiếng chim, nàng nghĩ “giá mà có một tiếng chim, nàng sẽ đáp lời nó”. Cuối cùng thì không có tiếng chim nào ngoài tiếng rít của gió… nàng co hai chân sát tận ngực, chắc giờ này anh đang bắt đầu chuyến hành trình của mình!