- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

TIỀN, TỪ THIỆN

12 Tháng Tám 20153:54 SA(Xem: 30030)



Noellosvald 3
Photo by Noellosvald



Dù ai có nghệ sĩ tính tận mây xanh, vốn coi tiền chả ra gì, chắc cũng có lúc phải lúng túng im lặng, khi vắng nó. Ít tiền mà để anh bạn mới quen bao cho bữa nhậu lớn hai người, để nợ mãi một bữa nhậu, thì chắc chừng nào bao lại được thì mới dám bè bạn tiếp với người ta. Ít tiền sao dám rủ rê ai, không rủ không đến với ai thì có ai chơi với mình. Người có chút tiền chắc cũng ngại rủ ai đang kẹt tiền đi chơi. Hết mình ngại, rồi tới người ta ngại, thiệt kẹt cho cả hai. Chắc người đang kẹt tiền thì nên biết ngại, ngại không phải hèn yếu, người lịch sự mới biết ngại, người biết ngại thường được mến hơn kẻ vô tư. Ấy là thuở xã giao chưa thân, chớ anh em lâu ngày thì nói làm gì, tiền mày cũng như tiền tao.

Ra cộng đồng chơi mà vợ lận túi chồng đúng hai chục, còn bảo… có dư thì anh để dành lần sau xài tiếp. Túi hai chục thì đừng mò tới hội chợ tết hay mấy nơi có nhiều sạp từ thiện đang chờ đợi. Có những sạp, thấy ai đang bước tới từ xa xa đã tới chận… dành khách trước, và mời đóng góp, người ta hùng hổ thật, đang làm việc thiện mà, tế nhị vu vơ gì. Một cái thùng giấy được người ta kè tới đúng trước mặt mình kèm theo mấy đôi mắt cười lành chờ chăm chăm, anh nhà văn nhà báo ơi, anh viết hay quá, anh đóng góp đi anh, giúp người nghèo khổ bên Việt Nam đi anh. Chết chắc, nói sao đây, không lẽ nói thiệt. Ráng mà nhớ đấy, lần sau có lỡ tới thì cứ tìm mấy ngõ khác xa xa mà quẹo nhé.  Ít tiền thì có tội gì mà phải né tránh đủ thứ thế, rõ vô lý.

Đừng quên, muốn ra cộng đồng mở miệng rêu rao dân chủ, rêu rao đấu tranh, rêu rao từ thiện thì chính mình phải chuẩn bị đóng góp nhiều tiền trước nhất cho công cuộc thì người ta mới thấy mình thật lòng, mà theo. Ai cũng nghĩ dân mặc đồ complet thích lên micro gào thét ấy là tiền đầy túi hết. Đồng tiền kinh khủng thiệt chớ chẳng chơi. Chàng rể nào có lương bổng thấp xủn thì dù có đi nhà thờ, đi chùa ngoan ngoãn sống đạo mỗi ngày, cũng sức mấy dám cười cười nhìn thẳng mắt... bà má vợ.

Tuy ít khi nói ra chứ chắc đa số người ta cũng dư sức thấy, thấy ai cho từ thiện $1000 vì lòng nhân ái hay vì chút danh, chút lợi cho business. Thấy ai biết khôn lựa chỗ này mà không lựa chỗ kia để cho tiền, để tên mình được đăng báo, được nhắc, được ca ngợi nhiều nhất. Thấy cả ai hay ham tiếng, ham đứng chụp hình cười toe toét hãnh diện bên cạnh những nhân vật nổi tiếng, hay có quyền lực... Chắc hiểu được nhu cầu danh lợi ấy, ngay cả chốn tôn nghiêm cũng phải biết cách vinh danh công đức những người cho tiền nhiều, thì lần sau họ mới cho nữa. Bảng vinh danh đóng khung lớn ấy, do đó, hay đặt ở chỗ dễ thấy nhất để vui lòng người cho. Nhưng lắm khi cũng tạo ít nhiều ngại ngùng cho nhiều người khác vì đã cho ít quá mà bị lên khung danh dự, để ai ai cũng nhìn thấy mình cuối sổ, chớ hãnh diện gì, phải chi mình… đừng cho.

Nhớ hai năm trước, giữa mùa đông, tôi có đến phố Tàu dự một tiệc từ thiện gây quỹ cho mấy em bé dị tật bên Việt Nam. Khá bồi hồi lan man, và lạnh đêm ấy. Phố Tàu Toronto mới sáu giờ chiều vào đêm, vẫn vô tư ì xèo, vẫn những khung bảng hiệu vàng, đỏ, hay xám xịt bụi mờ chen chúc quen mắt. Gió đêm quật từng cơn lớn, hất tung mọi thứ gì đang bám víu, che chắn tạm bợ, giả tạo, len sâu khắp nơi nơi. Ai ai cũng tất bật, bên nhiều bóng người đen đủi, cam chịu, đang bận bịu làm việc, cũng vội vã không kém, càng làm cái lạnh căm căm. Nơi đây chắc không thiếu những ánh đèn đô thị lạnh lùng trong mắt những người mới tới từ những miệt quê hẻo lánh đâu đó ở xứ Trung Quốc tiền sử xa xôi của họ. Căm thù một cường quốc quân sự ỷ mạnh, ngàn năm hà hiếp nước mình thì dễ, mà ghét được những đứa con lam lũ của nó thì thật khó làm, thanh gươm thù nào nỡ chém xuống những cái cổ ốm o đang run rẫy vô tội. Phố Tàu, với tôi, bao giờ cũng là chốn khởi thân tủi nhục của nhiều con người thua thiệt đang quét rác, rửa chén, phụ bàn, đang quằn lưng phụ dọn từng kiện hàng nặng trĩu, đang chúi đầu lựa từng đống rau, đang bơi xới chỗ mấy góc xó tối tăm nào đó... với những đồng lương tiền mặt rẻ rúng, bị bốc lộc bởi chính những kẻ chủ cả cùng quê cha xứ mẹ của họ. Mỉa mai thay, đồng hương là hai chữ khá vô nghĩa ở nơi này.

Bước vào nơi gây quỹ, khung cảnh ấm áp, như một cõi khác, bên trong một nhà hàng hoàng tráng. Nhiều khuôn mặt Việt hăng hái, áo quần tươm tất, những bàn đồ ăn thức uống ê hề, một cảnh sung túc trên xứ người hiện rõ. Chắc ai đến đây đêm nay cũng chưa quên những ngày đầu mới đến còn cơ hàn của họ, và vẫn còn nghĩ tới những em bé đang bất hạnh trên quê hương. Biết bao cố nhân giựt mình, vui mừng nhận ra nhau, tay bắt mặt mừng. Nhiều người ngạc nhiên nhìn kỹ nhau hơn, coi cái già, cái thành đạt đến với mỗi người ra sao, đã đến kịp chưa khi đa phần người người cũng đã ngoài 50. Thú vị thật khi tôi được nhìn lại biết bao người mà 5, 10, 20, hay 30 năm chưa gặp. Và cũng thật thú vị, khi có lúc tôi bắt gặp vài ánh mắt nhìn mình không mấy thiện cảm ra mặt, thì ra mình còn được ông to này bà lớn nọ trong cộng đồng chú ý kỹ vậy, thì chắc do họ đã đọc nhiều bài viết của tôi đăng báo kiểu như bài này là cùng thôi chớ có gì…

Có lúc, một anh bạn xa kia bước tới khen những bài tôi viết trên mặt báo, tôi tìm nhanh và thấy ở nụ cười anh một sự chân tình, anh làm tôi vui cả đêm. Có lúc, tôi bước sang muốn chào một anh mạnh thường quân có hạng trong cộng đồng, anh là một Phật tử có nhiều đóng góp lớn đối với nhiều chùa còn nghèo, anh nhìn tôi không cười, chỉ khẽ gật đầu rồi bước đi chỗ khác , làm tôi cũng hơi ngượng. Hình như đêm đó tôi chỉ ngượng với một mình anh, chắc tại tôi đánh giá anh rất cao và rất đáng kính trọng. Tôi cũng vội tự hỏi mình đã viết những gì mà có thể gây va chạm đến anh nhiều như thế…

Giữa tiệc, có lúc anh MC bước tới gần tôi để hỏi bán đấu giá chai rượu Remy 1000 đô mà tim tôi đập mạnh, không biết anh ta có nghe được không. Tôi thấy mình mong manh quá khi chợt nhận ra 1000 dư sức quật ngã niềm an lạc tưỏng đã hiểu đạo cao xa ấy của mình. Nhưng may quá, tai anh thật thính, chắc anh đã nghe được tiếng tim tôi đang đập đùng đùng, nên không hỏi gì tôi, chỉ lướt qua… Vài phút sau, một anh bạn khá quen kia của tôi, thật hào hiệp có thừa, mang chai rượu Remy mới mua ấy bước tới mời tôi một ly. Anh rót rượu 1000 ra, những giọt vàng óng ánh hơn vàng lá 9999, anh mời chân tình như những lần tôi tới nhà anh dự tiệc. Tôi thấy không gian lấp lánh quanh anh, những hào quang do những ánh mắt người ta dành cho chàng hiệp sĩ từ thiện, và tôi nghĩ anh xứng đáng nhận được thứ hào quang đó. Thật ra tôi nể sự hào hiệp của anh bao nhiêu thì tôi ngưỡng mộ sự hào phóng bao dung của vợ anh gấp… hai lần, chị không hề tỏ ra khó chịu gì với việc chồng mua ủng hộ chai Remy 1000 đô đêm ấy, chị còn rót ra mời bè bạn vui vẻ nữa...

Đang đứng bên ngoài nghỉ ngơi, tôi hân hạnh được quen một anh bạn mới kia. Anh râu ria, lãng tử, giọng người trung như tôi. Tôi hỏi xã giao rằng anh có về Việt Nam chơi thường xuyên không, và không ngờ anh trả lời thật thiệt lòng như tôi đã là bạn lâu năm của anh rồi.  Anh nói không bao giờ dám về vì ngày trước vượt biên, lúc 16 tuổi, anh có chạm súng một tên công an khi hắn chận tàu anh ra biển, và xui xẻo, anh bị bắt, và chúng đày anh tù chung thân lên núi ở trại A-30 Phú Yên. Sau 3 năm tù, anh cùng một người bạn tù nữa vượt ngục. Trốn ngày, đi đêm, vượt núi rừng, theo kiểu đi zig zag không thẳng đường để cố tình tránh công an lần theo đường mòn tìm… Sau 10 ngày, hai anh vượt về được gần quê, rồi tìm cách móc nối vượt biên và may mắn thành công. Từ đó, anh nói, sống bên Canada này sướng hơn thiên đường, anh sống mỗi ngày trong tâm trạng một người đã bị cộng sản bỏ tù hành hạ dở sống dở chết năm nào, anh chỉ biết cám ơn đời sống từng ngày chớ hết biết buồn phiền gì lặt vặt. Anh còn nói với theo lúc chia tay tôi, à, tui có đọc bài ông viết, Đoàn Khuê phải hông. Tôi ừ. Trông anh cười lành mà tôi hạnh phúc thật nhiều, tôi không thể tưởng tượng ra nụ cười vô tội này khi đối diện với tên công an khát máu ngày nào, nó liều lĩnh ra sao.  Mong có ngày được gặp lại anh. Cám ơn anh đã bơm cho tôi chút nguồn sống và chút hạnh phúc cầm bút…

Trở vào bên trong nhà hàng, tiếng cười nói, tiếng ca nhạc vẫn rân vang. Sự bé nhỏ của tôi từ từ hiện ra lại. Bộ quần áo complet và nụ cười xã giao không che kín được lòng tôi như thế mỗi khi có người đang làm việc gây quỹ bước tới bàn nhìn tôi chờ đợi chút hảo tâm. Nếu đời không có sĩ diện gì ngăn cách, không ai phân biệt giàu nghèo, thì tôi sẽ không ngại móc trong túi ra 5 đồng để đóng góp, nhưng tôi kịp nghĩ, thà là không đóng thì …đỡ kỳ hơn là đóng chỉ mấy đô, lỡ ai quen thấy được thì kẹt lắm. Ai thấy tôi viết thế này thì đừng khuyên tôi sao phải ngại. Chừng nào bạn mặc bộ đồ lớn, ngồi ăn uống ra vẻ quí phái bên vợ như tôi, và bạn đã từng móc túi ra 5 đồng đóng góp cho từ thiện trong khi xung quanh ai cũng đóng  cỡ năm chục hay một trăm trở lên, thì chừng đó bạn hãy khuyên tôi nhé.

Đồng tiền có ý nghĩa rất lớn dù đang là ở những nơi mà lòng từ thiện của người ta đang đầy dẫy có trong lòng. Nếu có dư 1000 đồng để xài, lần sau tôi sẽ trốn vợ đến dự một bữa tiệc gây quỹ nữa, và chờ mua một chai Remy như thế, khui ra uống tại trận thử, coi hương vị rượu có hào quang kia sẽ ngọt ra sao cho biết.

Đêm ấy, một bữa tiệc mười món, món nào cũng đậm đà, mà giá vé chỉ bốn hay năm chục. Trong tâm tư tôi hôm đó,  cũng có chẵn mười món, món nào cũng gợn lòng thử thách niềm tự tin của mình không kém. Tôi ra về, sau khi chứng kiến một buổi gây quỹ khó quên. Phố Tàu về khuya trông vẫn chưa khuya mấy, tôi bước sau chân vài bóng người xa lạ đang hối hả cúi rút nhưng không còn thấy lạnh.

Chắc tại tôi lại bận ưu tư gì mãi về mình, về biển người ở buổi tiệc ấy, về tiền, mà quên cả lạnh…

ĐOÀN KHUÊ

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
10 Tháng Sáu 20216:03 CH(Xem: 10499)
Tôi nhớ xa xôi có người đã từng ví von bên tai tôi " Dù cho sông cạn đá mòn tình cảm này không hề thay đổi". Ngày ấy, tôi cứ nghĩ sông khó mà cạn lắm chứ, nhưng không, dòng sông nơi tôi ở cứ cạn rồi đầy liên tục trong ngày. Lòng người cũng vậy không có gì là mãi mãi với thời gian. Cái mà dễ thay đổi nhất trên đời này nghiệm ra rằng đó chính là tình cảm; những lời yêu xưa chỉ là ví von trong lúc cảm xúc còn đong đầy nên chả trách gì nhau khi người dễ quên nhau...
19 Tháng Năm 202110:35 CH(Xem: 11013)
Tôi thuộc thơ của thi sĩ Hoàng Cầm từ nhiều năm trước khi biết đến Hoàng Kỳ - người con trai đầu của cụ. Qua nhà thơ Thanh Kim, phóng viên báo Bắc Giang, tôi được gặp anh lần đầu tại thư viện của thị xã Bắc Giang (tỉnh Hà Bắc cũ). Mới gặp, anh có vẻ lịch sự xã giao, thậm chí như hơi đề phòng- thói quen hình thành trong một hoàn cảnh gia đình đầy sóng gió đã ảnh hưởng sâu đậm tới cuộc đời anh... Nhưng dần dà, cái vỏ ngoài ấy đã biến mất hẳn sau nửa giờ trò chuyện, khi anh hiểu rõ rằng: trước mặt anh là một "con mọt sách", đang muốn tìm hiểu về văn hóa vùng Kinh Bắc...
07 Tháng Năm 20214:48 CH(Xem: 10921)
Tiếng nói đầu tiên của một em bé khi bắt đầu học nói là Me, Mẹ, Mạ, Má, Mommy, Maman, và nhiều nữa với những ngôn ngữ hay tiếng địa phương khác, đặc biệt hầu như đều bắt đầu bằng chữ “M”. Có lẽ đó là mẫu tự thiêng liêng chung của nhân lọai khi gọi người đã cưu mang, yêu thương và đùm bọc mình suốt cả cuộc đời. MẸ ở kinh thành hay MẸ ở nơi thôn dã, MẸ ở trên núi hay MẸ ở dưới biển, MẸ là lá ngọc cành vàng hay MẸ gặt lúa trồng rau….. MẸ cũng mang nặng con chín tháng mười ngày, MẸ banh da xẻ thịt đưa con vào đời, và khi con khóc tiếng khóc đầu đời, MẸ đã vừa khóc vừa cười ôm con vào lòng mà quên đi hết những nhọc nhằn mang nặng đẻ đau. Khỏang thời gian còn lại của MẸ là ôm ấp, bảo bọc, hy sinh, dạy dỗ….. và nhiều lắm của tình mẫu tử MẸ dành cho đàn con của MẸ, và cứ thế mà nhân lọai tồn tại và phát triển.
07 Tháng Năm 20211:54 SA(Xem: 10566)
Tôi gặp anh Nguyên Minh lần đầu tại một quán cà phê vỉa hè đường Phan Xích Long. Hơn mười năm trước tôi thường viết bài trên trang vanchuongviet, ngày ấy chủ biên Nguyễn Hòa chưa ngã bệnh anh còn xông xáo chuyện chữ nghĩa. Anh em thỉnh thoảng gặp nhau khi tôi vào Sài Gòn, hôm ấy có tôi, vợ chồng anh chị Trương Văn Dân _ Elena, anh Nguyễn Hòa hẹn gặp Sâm Thương và Nguyên Minh. Các anh đều là những bậc tiền bối tôi ngồi nghe các anh bàn luận và dự tính ra mắt một tập san văn học nghệ thuật riêng của mình, từ đó anh em quen nhau.
20 Tháng Tư 20215:10 CH(Xem: 10752)
Mỗi lần nghĩ đến chiến tranh, giải phóng đất nước, cách mạng dân tộc, tự do nhân quyền, xuống đường biểu tình... đầu óc tôi lơ mơ liên tưởng đến vụ Thiên An Môn năm nào. Hình ảnh người đàn ông hiên ngang tiến ra giang rộng hai tay đòi hỏi tự do, chận đứng xe tăng, chống lại quyền lãnh đạo độc tài của đảng cộng sản Trung Quốc. Hình ảnh anh hùng, xem cái chết tựa lông hồng, với lòng đầy thách thức, đòi hỏi tự do dân chủ nhân quyền cho xứ sở. Hình ảnh đó đã đánh mạnh vào tâm não toàn thể người dân trên toàn thế giới. Riêng tôi, vẫn âm thầm nghĩ tới người lính lái chiếc xe tăng khổng lồ đầy răng sắt. Hẳn ông phải là một người rất đỗi từ bi, nhân hậu? Thương người như thể thương thân. Ông từ chối giet người, dù trong tay nắm toàn quyền nghiền nát người đàn ông hiên ngang hùng dũng kia. Hành động nghiền nát đó, sẽ được coi như một chiến công hiển hách đối với đảng và nhà nước.
20 Tháng Tư 20214:59 CH(Xem: 11096)
Tháng tư năm ấy, sao tôi không mấy lao đao về cái chết tự tử của một người chị họ chưa đầy hai mươi tuổi. Năm ấy, một chín bảy lăm, nghe mạ tôi nói chị bị cào nát mặt hoa và ăn đòn phù mỏ chỉ vì lỡ tranh giành một miếng nước ngọt trên chuyến tàu tản cư từ Đà Nẵng vào Nha Trang. Liệu như thế đủ để chị chán sống hay còn vài lý do thầm kín khác mà tôi không đoán được. Ồ phải rồi, nghe kể mẹ chị ấy là mợ tôi ngồi đâu cũng thở dài rất thảm, lâu lâu tuồng như muốn nuốt ực những giọt nước mắt dội ngược vào lòng và lâu lâu thì lại trào ra trăm lời nguyền rủa về những xui xẻo không tránh được, ví dụ nỗi đau rát rực rỡ của mấy bợm máu kinh nguyệt thời con gái chị tôi đã phọc lai láng trên đít quần suốt những ngày chạy giặc thiếu nước và máu ôi thôi là máu của những xác người vô thừa nhận trên con đường lánh nạn.
20 Tháng Tư 20214:23 CH(Xem: 11166)
Tôi đã thay đổi vì biến cố tháng Tư Bảy Lăm, nhưng cũng có thể tôi đã mất thiên đường từ trước khi ra đời. Đó là câu hỏi mà tôi ngẫm nghĩ gần đây. Năm nay tôi 43 tuổi, mặc dù tôi nhuộm tóc và vẫn thích người ngoài khen tôi trẻ, tôi hiểu mình nhiều hơn, và cũng chân thật với mình nhiều hơn lúc còn trong tuổi niên thiếu. Trên nhiều phương diện, có thể tôi cũng đầy đủ hơn ngày xưa. Nhưng tất cả những câu chuyện mà tôi hay kể với bạn bè để biểu lộ tâm trạng “cá ra khỏi nước” mà tôi vẫn cảm thấy đeo đuổi mình thường trực, đều bắt nguồn từ trước biến cố Bảy Lăm.
20 Tháng Tư 20214:18 CH(Xem: 10986)
Tháng 4, 1975, tôi 11 tuổi. Lúc đó tôi sống với cha, em trai và bà nội ở ngang chợ An Đông, Sài Gòn. Mẹ tôi ly dị cha tôi trước đó 2 năm để lấy người tình. Người tình của mẹ tôi làm tài xế cho cha tôi khi hai người còn là cảnh sát. Ông này trẻ, cao, vạm vỡ và đẹp trai hơn cha tôi. Ông cũng galăng, nhỏ nhẹ hơn cha tôi. Có lẽ ông cũng dai và dẻo hơn cha tôi. Vô tư mà chấm, có lẽ hai người xứng đôi. Ai cũng khen mẹ tôi đẹp, nhưng tôi không thấy mẹ tôi đẹp tí nào. Sau này, khi cãi lộn với chồng mới, bà bị bạt tai nên vung lời, “Đồ tài xế!”
15 Tháng Tư 20211:03 SA(Xem: 4368)
Ngày này 46 năm trước, tôi đang rong ruổi trên đường cái quan chạy về Sài Gòn. Gia đình tôi và những người dân miền Trung hớt hải tháo thân khi nghe tin bước chân của quân miền Bắc đang tiến vào Nam. Những người bạn thế hệ tôi ngày ấy ra sao, những ngày tàn cuộc chiến? Những ngày cuối tháng tư, giờ này bà ngoại của Thơ Thơ đang chia gia tài cho con cháu là những lọ xyanua, phòng nếu có điều gì. Mỗi người một lọ thuốc trong vắt, thơm mùi hạnh nhân, thuốc cực độc uống vào vài giây là chết tức khắc, bà nói cầm chắc thuốc độc trên tay là cầm chắc định mệnh của mình. Bà là vợ của nhà văn Hoàng Đạo, giòng họ của nhóm Tự lực văn đoàn, văn đàn vang danh một cõi xứ Bắc. Tôi hiểu tâm trạng của bạn tôi trong đêm cuối ở đài Tiếng nói Tự do trên phòng chờ lầu 2, tất cả gia đình nhân viên trong đài và văn nghệ sĩ miền Nam tập trung để được “ bốc” đi, đêm dài dằn dặc, phía dưới đường phố là sự hoảng loạn của người dân Sài Gòn, mọi người im lặng căng thẳng nghe cả tiếng máy lạnh rì rầm, bạn phải tìm
15 Tháng Tư 202112:27 SA(Xem: 11244)
Chiếc xe gài số lui ra khỏi sân nhà, ngang mấy hàng lan Hoa Hậu và gốc nhãn đang đậu trái nhỏ li ti, thành chùm. Tôi hỏi: Xe nhà mình lúc đó là xe gì? Ba nói Con không nhớ sao? Tôi gấp lại dãi khăn tang trắng. Hôm mãn tang Ba, ở chùa về, tôi đã định đốt dãi khăn trong lò sưỡi. Tháng này trời Cali chưa chiều đã nhá nhem. Tôi để cuộn khăn trở lại bàn nhỏ cạnh đầu giường. Ba không còn ngồi trên ghế gần cửa ra vào. Trong phòng còn có mình tôi.