- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

TIỀN, TỪ THIỆN

12 Tháng Tám 20153:54 SA(Xem: 29429)



Noellosvald 3
Photo by Noellosvald



Dù ai có nghệ sĩ tính tận mây xanh, vốn coi tiền chả ra gì, chắc cũng có lúc phải lúng túng im lặng, khi vắng nó. Ít tiền mà để anh bạn mới quen bao cho bữa nhậu lớn hai người, để nợ mãi một bữa nhậu, thì chắc chừng nào bao lại được thì mới dám bè bạn tiếp với người ta. Ít tiền sao dám rủ rê ai, không rủ không đến với ai thì có ai chơi với mình. Người có chút tiền chắc cũng ngại rủ ai đang kẹt tiền đi chơi. Hết mình ngại, rồi tới người ta ngại, thiệt kẹt cho cả hai. Chắc người đang kẹt tiền thì nên biết ngại, ngại không phải hèn yếu, người lịch sự mới biết ngại, người biết ngại thường được mến hơn kẻ vô tư. Ấy là thuở xã giao chưa thân, chớ anh em lâu ngày thì nói làm gì, tiền mày cũng như tiền tao.

Ra cộng đồng chơi mà vợ lận túi chồng đúng hai chục, còn bảo… có dư thì anh để dành lần sau xài tiếp. Túi hai chục thì đừng mò tới hội chợ tết hay mấy nơi có nhiều sạp từ thiện đang chờ đợi. Có những sạp, thấy ai đang bước tới từ xa xa đã tới chận… dành khách trước, và mời đóng góp, người ta hùng hổ thật, đang làm việc thiện mà, tế nhị vu vơ gì. Một cái thùng giấy được người ta kè tới đúng trước mặt mình kèm theo mấy đôi mắt cười lành chờ chăm chăm, anh nhà văn nhà báo ơi, anh viết hay quá, anh đóng góp đi anh, giúp người nghèo khổ bên Việt Nam đi anh. Chết chắc, nói sao đây, không lẽ nói thiệt. Ráng mà nhớ đấy, lần sau có lỡ tới thì cứ tìm mấy ngõ khác xa xa mà quẹo nhé.  Ít tiền thì có tội gì mà phải né tránh đủ thứ thế, rõ vô lý.

Đừng quên, muốn ra cộng đồng mở miệng rêu rao dân chủ, rêu rao đấu tranh, rêu rao từ thiện thì chính mình phải chuẩn bị đóng góp nhiều tiền trước nhất cho công cuộc thì người ta mới thấy mình thật lòng, mà theo. Ai cũng nghĩ dân mặc đồ complet thích lên micro gào thét ấy là tiền đầy túi hết. Đồng tiền kinh khủng thiệt chớ chẳng chơi. Chàng rể nào có lương bổng thấp xủn thì dù có đi nhà thờ, đi chùa ngoan ngoãn sống đạo mỗi ngày, cũng sức mấy dám cười cười nhìn thẳng mắt... bà má vợ.

Tuy ít khi nói ra chứ chắc đa số người ta cũng dư sức thấy, thấy ai cho từ thiện $1000 vì lòng nhân ái hay vì chút danh, chút lợi cho business. Thấy ai biết khôn lựa chỗ này mà không lựa chỗ kia để cho tiền, để tên mình được đăng báo, được nhắc, được ca ngợi nhiều nhất. Thấy cả ai hay ham tiếng, ham đứng chụp hình cười toe toét hãnh diện bên cạnh những nhân vật nổi tiếng, hay có quyền lực... Chắc hiểu được nhu cầu danh lợi ấy, ngay cả chốn tôn nghiêm cũng phải biết cách vinh danh công đức những người cho tiền nhiều, thì lần sau họ mới cho nữa. Bảng vinh danh đóng khung lớn ấy, do đó, hay đặt ở chỗ dễ thấy nhất để vui lòng người cho. Nhưng lắm khi cũng tạo ít nhiều ngại ngùng cho nhiều người khác vì đã cho ít quá mà bị lên khung danh dự, để ai ai cũng nhìn thấy mình cuối sổ, chớ hãnh diện gì, phải chi mình… đừng cho.

Nhớ hai năm trước, giữa mùa đông, tôi có đến phố Tàu dự một tiệc từ thiện gây quỹ cho mấy em bé dị tật bên Việt Nam. Khá bồi hồi lan man, và lạnh đêm ấy. Phố Tàu Toronto mới sáu giờ chiều vào đêm, vẫn vô tư ì xèo, vẫn những khung bảng hiệu vàng, đỏ, hay xám xịt bụi mờ chen chúc quen mắt. Gió đêm quật từng cơn lớn, hất tung mọi thứ gì đang bám víu, che chắn tạm bợ, giả tạo, len sâu khắp nơi nơi. Ai ai cũng tất bật, bên nhiều bóng người đen đủi, cam chịu, đang bận bịu làm việc, cũng vội vã không kém, càng làm cái lạnh căm căm. Nơi đây chắc không thiếu những ánh đèn đô thị lạnh lùng trong mắt những người mới tới từ những miệt quê hẻo lánh đâu đó ở xứ Trung Quốc tiền sử xa xôi của họ. Căm thù một cường quốc quân sự ỷ mạnh, ngàn năm hà hiếp nước mình thì dễ, mà ghét được những đứa con lam lũ của nó thì thật khó làm, thanh gươm thù nào nỡ chém xuống những cái cổ ốm o đang run rẫy vô tội. Phố Tàu, với tôi, bao giờ cũng là chốn khởi thân tủi nhục của nhiều con người thua thiệt đang quét rác, rửa chén, phụ bàn, đang quằn lưng phụ dọn từng kiện hàng nặng trĩu, đang chúi đầu lựa từng đống rau, đang bơi xới chỗ mấy góc xó tối tăm nào đó... với những đồng lương tiền mặt rẻ rúng, bị bốc lộc bởi chính những kẻ chủ cả cùng quê cha xứ mẹ của họ. Mỉa mai thay, đồng hương là hai chữ khá vô nghĩa ở nơi này.

Bước vào nơi gây quỹ, khung cảnh ấm áp, như một cõi khác, bên trong một nhà hàng hoàng tráng. Nhiều khuôn mặt Việt hăng hái, áo quần tươm tất, những bàn đồ ăn thức uống ê hề, một cảnh sung túc trên xứ người hiện rõ. Chắc ai đến đây đêm nay cũng chưa quên những ngày đầu mới đến còn cơ hàn của họ, và vẫn còn nghĩ tới những em bé đang bất hạnh trên quê hương. Biết bao cố nhân giựt mình, vui mừng nhận ra nhau, tay bắt mặt mừng. Nhiều người ngạc nhiên nhìn kỹ nhau hơn, coi cái già, cái thành đạt đến với mỗi người ra sao, đã đến kịp chưa khi đa phần người người cũng đã ngoài 50. Thú vị thật khi tôi được nhìn lại biết bao người mà 5, 10, 20, hay 30 năm chưa gặp. Và cũng thật thú vị, khi có lúc tôi bắt gặp vài ánh mắt nhìn mình không mấy thiện cảm ra mặt, thì ra mình còn được ông to này bà lớn nọ trong cộng đồng chú ý kỹ vậy, thì chắc do họ đã đọc nhiều bài viết của tôi đăng báo kiểu như bài này là cùng thôi chớ có gì…

Có lúc, một anh bạn xa kia bước tới khen những bài tôi viết trên mặt báo, tôi tìm nhanh và thấy ở nụ cười anh một sự chân tình, anh làm tôi vui cả đêm. Có lúc, tôi bước sang muốn chào một anh mạnh thường quân có hạng trong cộng đồng, anh là một Phật tử có nhiều đóng góp lớn đối với nhiều chùa còn nghèo, anh nhìn tôi không cười, chỉ khẽ gật đầu rồi bước đi chỗ khác , làm tôi cũng hơi ngượng. Hình như đêm đó tôi chỉ ngượng với một mình anh, chắc tại tôi đánh giá anh rất cao và rất đáng kính trọng. Tôi cũng vội tự hỏi mình đã viết những gì mà có thể gây va chạm đến anh nhiều như thế…

Giữa tiệc, có lúc anh MC bước tới gần tôi để hỏi bán đấu giá chai rượu Remy 1000 đô mà tim tôi đập mạnh, không biết anh ta có nghe được không. Tôi thấy mình mong manh quá khi chợt nhận ra 1000 dư sức quật ngã niềm an lạc tưỏng đã hiểu đạo cao xa ấy của mình. Nhưng may quá, tai anh thật thính, chắc anh đã nghe được tiếng tim tôi đang đập đùng đùng, nên không hỏi gì tôi, chỉ lướt qua… Vài phút sau, một anh bạn khá quen kia của tôi, thật hào hiệp có thừa, mang chai rượu Remy mới mua ấy bước tới mời tôi một ly. Anh rót rượu 1000 ra, những giọt vàng óng ánh hơn vàng lá 9999, anh mời chân tình như những lần tôi tới nhà anh dự tiệc. Tôi thấy không gian lấp lánh quanh anh, những hào quang do những ánh mắt người ta dành cho chàng hiệp sĩ từ thiện, và tôi nghĩ anh xứng đáng nhận được thứ hào quang đó. Thật ra tôi nể sự hào hiệp của anh bao nhiêu thì tôi ngưỡng mộ sự hào phóng bao dung của vợ anh gấp… hai lần, chị không hề tỏ ra khó chịu gì với việc chồng mua ủng hộ chai Remy 1000 đô đêm ấy, chị còn rót ra mời bè bạn vui vẻ nữa...

Đang đứng bên ngoài nghỉ ngơi, tôi hân hạnh được quen một anh bạn mới kia. Anh râu ria, lãng tử, giọng người trung như tôi. Tôi hỏi xã giao rằng anh có về Việt Nam chơi thường xuyên không, và không ngờ anh trả lời thật thiệt lòng như tôi đã là bạn lâu năm của anh rồi.  Anh nói không bao giờ dám về vì ngày trước vượt biên, lúc 16 tuổi, anh có chạm súng một tên công an khi hắn chận tàu anh ra biển, và xui xẻo, anh bị bắt, và chúng đày anh tù chung thân lên núi ở trại A-30 Phú Yên. Sau 3 năm tù, anh cùng một người bạn tù nữa vượt ngục. Trốn ngày, đi đêm, vượt núi rừng, theo kiểu đi zig zag không thẳng đường để cố tình tránh công an lần theo đường mòn tìm… Sau 10 ngày, hai anh vượt về được gần quê, rồi tìm cách móc nối vượt biên và may mắn thành công. Từ đó, anh nói, sống bên Canada này sướng hơn thiên đường, anh sống mỗi ngày trong tâm trạng một người đã bị cộng sản bỏ tù hành hạ dở sống dở chết năm nào, anh chỉ biết cám ơn đời sống từng ngày chớ hết biết buồn phiền gì lặt vặt. Anh còn nói với theo lúc chia tay tôi, à, tui có đọc bài ông viết, Đoàn Khuê phải hông. Tôi ừ. Trông anh cười lành mà tôi hạnh phúc thật nhiều, tôi không thể tưởng tượng ra nụ cười vô tội này khi đối diện với tên công an khát máu ngày nào, nó liều lĩnh ra sao.  Mong có ngày được gặp lại anh. Cám ơn anh đã bơm cho tôi chút nguồn sống và chút hạnh phúc cầm bút…

Trở vào bên trong nhà hàng, tiếng cười nói, tiếng ca nhạc vẫn rân vang. Sự bé nhỏ của tôi từ từ hiện ra lại. Bộ quần áo complet và nụ cười xã giao không che kín được lòng tôi như thế mỗi khi có người đang làm việc gây quỹ bước tới bàn nhìn tôi chờ đợi chút hảo tâm. Nếu đời không có sĩ diện gì ngăn cách, không ai phân biệt giàu nghèo, thì tôi sẽ không ngại móc trong túi ra 5 đồng để đóng góp, nhưng tôi kịp nghĩ, thà là không đóng thì …đỡ kỳ hơn là đóng chỉ mấy đô, lỡ ai quen thấy được thì kẹt lắm. Ai thấy tôi viết thế này thì đừng khuyên tôi sao phải ngại. Chừng nào bạn mặc bộ đồ lớn, ngồi ăn uống ra vẻ quí phái bên vợ như tôi, và bạn đã từng móc túi ra 5 đồng đóng góp cho từ thiện trong khi xung quanh ai cũng đóng  cỡ năm chục hay một trăm trở lên, thì chừng đó bạn hãy khuyên tôi nhé.

Đồng tiền có ý nghĩa rất lớn dù đang là ở những nơi mà lòng từ thiện của người ta đang đầy dẫy có trong lòng. Nếu có dư 1000 đồng để xài, lần sau tôi sẽ trốn vợ đến dự một bữa tiệc gây quỹ nữa, và chờ mua một chai Remy như thế, khui ra uống tại trận thử, coi hương vị rượu có hào quang kia sẽ ngọt ra sao cho biết.

Đêm ấy, một bữa tiệc mười món, món nào cũng đậm đà, mà giá vé chỉ bốn hay năm chục. Trong tâm tư tôi hôm đó,  cũng có chẵn mười món, món nào cũng gợn lòng thử thách niềm tự tin của mình không kém. Tôi ra về, sau khi chứng kiến một buổi gây quỹ khó quên. Phố Tàu về khuya trông vẫn chưa khuya mấy, tôi bước sau chân vài bóng người xa lạ đang hối hả cúi rút nhưng không còn thấy lạnh.

Chắc tại tôi lại bận ưu tư gì mãi về mình, về biển người ở buổi tiệc ấy, về tiền, mà quên cả lạnh…

ĐOÀN KHUÊ

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Mười 20236:02 CH(Xem: 4172)
Sau mấy stt. của hắn trên MXH về chuyện vu cáo tồi tệ của vài vị “chức sắc” ở Hội Kiều học (Hội khoa học nghiên cứu Nguyễn Du & Truyện Kiều), cô con gái hắn - sinh viên năm thứ hai ĐH KHXH&NV vừa về tới nhà đã xộc tới bàn làm việc của hắn, với gương mặt đỏ bừng mà ngày thường vẫn lạnh như bà hoàng Băng giá, nó tức tối chất vấn, như hành hạ ông bố đã thất bại đủ thứ và đang khốn khổ đủ điều
16 Tháng Mười 20235:52 CH(Xem: 4120)
Tôi có duyên với chợ nên đi về cuối đường đời thì dấu ấn sâu đậm nhất trong tôi là cái chợ, nhớ nhất là cái thời còn buôn bán ở chợ nên đến bây giờ cả trong giấc ngủ tôi vẫn thường mơ thấy chợ, nơi ấy là nhà là kỷ niệm ăn sâu nhất không quên được.
12 Tháng Chín 20231:37 SA(Xem: 5588)
Phàm những gì người ta thích thì thường chòi mòi chốc mảy vì thứ ấy. Ví như người mê gái đẹp (thấy gái đẹp ai không mê, người nào nói không mê gái có mà hâm!), cô nào có vóc dáng lả lướt, ngồ ngộ, trang phục hơi sex đôi chút thì con ngươi như dán chặt vào đó. Lại có người thích chơi chim, mỗi lần nghe tiếng hót là như bị hốt hồn. Mỗi cách chơi đều có hội riêng, tập hợp những người cùng sở thích, chủ nhân của những quán cà phê vỉa hè cũng đã tận dụng cái sở thích ấy để mà câu khách. Trên cành cây có treo dăm ba lồng chim, bên ly cà phê mà tán pháo, tán cái vui dân dã của mình. So cọ con chim này hót hay , con chim kia đang bắt đầu thay lông. Và cũng từ đó, có nhiều kẻ tìm được khối tiền vì những trò chơi.
10 Tháng Chín 20238:59 CH(Xem: 5402)
Sau gần một năm, chính xác là 11 tháng và 15 ngày, chữa trị ung thư mắt tại một bệnh viện nổi tiếng ở Houston, Texas, nay tôi đã về nhà yên bình và niềm vui trong lòng dâng cao mãi. Không còn nghi ngờ gì nữa, tôi nhận ra mình thực sự sống sót, thoát chết, trở về trong “chiến thắng vinh quang”, sau cuộc chiến chống lại căn bệnh quái ác. Căn bệnh ấy quái ác thật, nguy hiểm thật, chỉ nghe tên cũng rùng mình run sợ. Điều trị khỏi bệnh ung thư đối với riêng tôi, là một dấu ấn hằn sâu trong tâm não. Đã có biết bao người bỏ cuộc giữa đường. Tôi thì không! Một chiến sĩ trên đường ra mặt trận, được trang bị tinh thần quyết chiến, quyết thắng, lẽ nào tôi không có chiến công mang về. Trung tâm ung thư nằm ở tầng lầu 14 của bệnh viện, đã gợi ý tôi, tưởng tượng rằng mình đã xuống tới tầng địa ngục thứ 14, và không ngại ngùng, ghi lại những cảm xúc chân thực và niềm vui sướng tuyệt vời trong bài hồi ức “Trở về từ tầng…14”.
04 Tháng Chín 20238:52 CH(Xem: 4614)
Mùa thu này, nhà thơ Hoàng Hưng và phu nhân trở lại thăm Thủ đô. Ông có gọi tôi cùng tới studio riêng của họa sĩ Trần Lương. Giữa cơn hứng trò chuyện với họa sĩ, ông tìm đến “quốc hồn quốc túy” qua sợi thuốc lào Vĩnh Bảo, và tôi đã chộp được một hình ảnh của ông để rồi chợt thấm một nỗi buồn…
05 Tháng Tám 20239:50 CH(Xem: 5565)
“Khi người ta 19 tuổi, người ta là bà hoàng” - đó là một câu trong bộ tiểu thuyết sử thi “Con đường đau khổ” của nhà văn Nga A. Tolstoy mà bố từng lấy làm đề từ cho bài cảm ngôn “Viết dành cho con gái năm con 19 tuổi” từ những năm bố còn là một chàng trai mơ mộng lang thang trên những nẻo rừng Tây Bắc. Vài chục năm sau, vào lúc con đọc những dòng này của bố, khi con chuẩn bị bước vào năm thứ hai đại học, cũng là lúc cả xã hội ta đang trong một cơn xáo động kinh hoàng với bao giá trị đảo lộn quay cuồng khiến những cô cậu sinh viên quen sống trong vòng tay gia đình che chở như con phải hoang mang, ngơ ngác, hoảng sợ…
09 Tháng Sáu 20234:29 CH(Xem: 5819)
Con gái tôi thích ăn canh ổ qua xắt mỏng nấu với tôm, khi chín bỏ chút hành ngò rắc chút tiêu, món ăn ngày xưa của mẹ con tôi hay nấu nhưng bây giờ tôi lại hay nấu canh rau mồng tơi với tôm vì bọn trẻ con thích món này hơn chúng chê canh ổ qua đắng. Ngày xưa, mỗi lần cúng giỗ nhà tôi hay nấu canh ổ qua nhồi thịt, món này ba má tôi đều thích ăn, cả chúng tôi cũng hưởng ứng nên ngày thường cũng nấu. Sau 75 lại ít có vì thời khốn khó mà, thứ gì cũng không dễ có mà ăn.
08 Tháng Ba 20236:56 CH(Xem: 5723)
Ai cũng ghét kẻ khoe khoang và gọi kẻ ấy là hợm hĩnh khó ưa. "Khoe khoang" có gọi là "phô bày" không? Có đó, vì cả hai đều đồng nghĩa như nhau nhưng tôi thấy kẻ phô bày lại đáng thương hơn là đáng ghét đó. Có ai trong đời này mà không hề có sự phô bày cho người ta thấy chứ, ta thích được người biết cùng, khen cùng ta những điều ta có. Bây giờ có facebook thì điều này thể hiện rõ nhất qua nút chia sẻ đó.
13 Tháng Hai 20232:24 SA(Xem: 5457)
Nhớ lại những tháng năm xưa thời còn ở quê nhà. Đêm giao thừa sau khi đặt mâm cúng xong cả nhà mình đều xuất hành về hướng đông đi lễ chùa, má mặc áo dài màu nâu còn mình và bọn trẻ lại mặc đồ tây bình thường theo má. Má lạy Phật lạy hương linh ông bà chùa Long Khánh rồi sang chùa Tâm Ấn cũng như thế. Mình nhớ ngày ấy trời trong lắm lại mang hương xuân lành lạnh, đường phố sạch đẹp và đâu đó vẫn còn lác đác vài người phu quét lá bên đường còn sót lại. Mình hít hương xuân ngày đầu năm mới vào hồn với cả hân hoan.
06 Tháng Giêng 202312:51 SA(Xem: 6304)
Nhà văn Doãn Quốc Sỹ là thầy dạy tôi. Thầy sinh năm 1923, năm nay tròn 100, còn tôi sanh năm 1936, thầy hơn tôi 13 tuổi, năm nay tôi cũng đã 87. Tính ra năm thầy dậy tôi cách đây đã đến 70 năm rồi. Ở cái thời mà ai cũng gọi người dậy học là “Thầy”, dù là từ lớp vỡ lòng cho đến hết lớp trung học chứ không gọi là “Giáo sư” như những năm sau này. Mà người đi học thì gọi là “Học trò” chứ ít ai gọi là “Học sinh”. Thầy dậy tại trường Chu Văn An năm nào, thì tôi được học thầy năm đó. Tôi không còn nhớ mấy năm, nhưng đọc tiểu sử của thầy, trên mạng Wikipedia cho biết thầy chỉ dậy ở trường CVA có một năm 52-53, sau khi thầy dậy ở Nam Định một năm 51-52. Trang mạng này, có ghi thầy di cư vào Nam năm 54, đoạn sau lại ghi thầy dậy trường Trần Lục tại Saigon năm 53-60. Tôi không nghĩ rằng hai trường Công Giáo Trần Lục và Hồ Ngọc Cẩn dọn vào Saigon trước năm 54.