- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Vươn Lên Từ Hoang Tàn Đổ Nát: Đài Quốc Gia Tưởng Niệm Và Viện Bảo Tàng 9/11

16 Tháng Mười 20144:36 CH(Xem: 33843)
Tặng Nhị & Giang

 

 


TD 911-1
VƯƠN LÊN TỪ ĐỐNG TRO TÀN: Trái, hai ngọn tháp của World Trade Center bị không tặc tấn công ngày 11 tháng 9, 2001.
(Hình vẽ FEMA). Phải, One World Trade Center, cao 1,792 feet (546 mét)  kể cả đỉnh nhọn, toà nhà cao nhất ở Tây bán cầu, gồm 104 tầng và năm tầng hầm, vừa hoàn tất và sẽ mở cửa vào cuối tháng 10 năm nay. Hình chụp từ một góc Hồ Tường Niệm phương Nam, dưới là dòng du khách đứng ngắm quanh hồ Hồ Tường Niệm phương Nam. Toà nhà thấp bên góc tay mặt là một phần của Viện Bảo Tàng 9/11. (Ảnh Trùng Dương, 10/2014)

 

Tôi đến New York vào một ngày đầu tháng 10, với mục đích viếng thăm Đài Tưởng Niệm Quốc Gia và Viện Bảo Tàng  9/11. Công viên 9/11 Memorial thì đã mở cho công chúng từ hồi kỷ niệm 10 năm Biến cố 9/11. Riêng Viện Bảo Tàng 9/11 thì mới mở cửa cho công chúng vào xem hồi tháng 5 vừa rồi. Chuyến đi vừa để tưởng nhớ lại biến cố đau thương làm rúng động thế giới và giết hại gần 3,000 người cách đây đã 13 năm, vừa để chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc tuyệt vời nói lên sức sinh tồn của quốc gia và dân tộc Mỹ mà tôi hãnh diện là một thành phần.

Đó là một ngày Chủ nhật trời đã vào thu, nhưng lá chỉ mới lác đác đổi mầu vàng, đỏ đó đây, chưa thể gọi là rực rỡ được. Vợ chồng người bạn, Nhị và Giang, và tôi đáp xe bus từ Toms River, một thành phố gần bờ biển Đại Tây Dương thuộc tiểu bang New Jersey, đến thành phố New York ở phía đông bắc mất khoảng trên một tiếng, rồi lấy xe điện ngầm metro nhắm hướng World Trade Center và 9/11 Memorial.

Khi tôi ghé New York lần cuối cách đây ba năm, toàn khu World Trade Center còn gọi là Ground Zero còn là một công trường xây cất được vây kín. Những bài báo và phim ảnh xem được chỉ cho thấy từng mảng của công trình kiến trúc vĩ đại gồm nhiều thành phần: hai cái hồ lớn gọi là Memorial Pools mà xung quanh hồ là những tấm bảng ghi tên các nạn nhận của vụ không tặc tấn công đã làm rúng động thế giới; toà nhà Bảo Tàng Viện nơi trưng bầy những di vật của biến cố 9/11/2001; và những tòa cao ốc trong đó có toà Supertower (tên là One World Trade Center) cao nhất bên tây bán cầu, mà cuốn phim tài liệu Ground Zero Supertower do Nova thực hiện đã là một trong những động lực thúc đẩy tôi làm chuyến đi này. Chuyến viếng thăm cho tôi thấy tổng quát của công trình kiến trúc này, ngoài các cao ốc hoặc còn đang xây cất hoặc chưa mở cửa cho công chúng vào xem.

Vài hàng lịch sử

Nhiều người tại Mỹ có lẽ đã thuộc nằm lòng biến cố 9/11, nhưng cũng nên lược qua. Vào một buổi sáng thứ Ba ngày 11 tháng 9, 2001, 19 tên khủng bố thuộc nhóm Hồi giáo cực đoan al-Qaeda đã không tặc bốn chiếc máy bay chở hành khách dân sự, điều động hai cái đâm thẳng vào cặp tháp World Trade Center ở New York, và cái thứ ba tấn công vào toà nhà quốc phòng Pentagon ở Arlington. Sau khi nghe biết được về hai cuộc tấn công này, hành khách trên chuyến bay thứ ba, Flight 93, quyết định phản công lại quân khủng bố. Cuộc vật lộn giữa các hành khách và bọn khủng bố đã khiển cho chiếc máy bay có lẽ là nhắm hướng toà Bạch Ốc, và thay vì thế đã đổi hướng và đâm xuống và phát nổ tại một vùng đồng trống ở phía tây của tiểu bang Pennsylvania.

Lần đầu tiên nước Mỹ bị tấn công ngay trong lục địa, vào biểu tượng của Tây phương Tự do là trung tâm thương mại World Trade Center và tổng hành dinh quân lực Hoa Kỳ là Toà Ngũ Giác Đài. Nhưng chiến thắng của quân khủng bố tuy vậy chỉ nhất thời. Phản ứng của toàn thế giới đã biến thảm kịch 9/11 thành một động lực đưa tới sự đoàn kết và yểm trợ Hoa Kỳ có lẽ chưa từng thấy từ sau Đệ nhị Thế chiến. Tóm gọn, có thể dùng tít lớn trên trang nhất của tờ Le Monde của Pháp, tường thuật lại lời một phụ nữ Pháp khi được phỏng vấn về cảm nghĩ trước biến cố 9/11, đã nói lên sự đồng lòng của thế giới sát cánh cùng Hoa Kỳ trước nạn khủng bố: “Chúng ta tất cả đều là người Mỹ - Nous sommes tous Américains.”

Hai Hồ Tưởng Niệm và Viện Bảo Tàng 9/11

Hai nơi du khách có thể viếng là công viên Tưởng Niệm - Memorial gồm hai cái hồ vuông xây tại nơi nguyên là vị trí của hai cái tháp bị quân khủng bố dùng máy bay dân sự đâm vào phá đổ, giết chết 2,977 người thuộc 90 quốc gia khác nhau trên thế giới, lớn nhất là 85 tuổi, và nhỏ nhất là 2 tuổi. Hơn 400 nhân viên cấp cứu đầu tiên đáp lời cầu cứu tới nơi cũng bị giết chết khi hai toà nhà bị xụp đổ và cháy rụi trước sự kinh hoàng của toàn thế giới. Tên của họ và của các nạn nhân trên chuyến bay 77 và tại Ngũ Giác Đài khi toà nhà này bị tấn công, các nạn nhân thiệt mạng trong chuyến bay 93, và những người bị chết khi World Trade Center bị khủng bố đặt bom phá hoại vào đầu năm 1993 đã được khắc trên những phiến đồng mầu xám viền quanh thành hai Hồ Tưởng Niệm.

 TD 911-2 

Trái, Công viên Tưởng Niệm và Viện Bảo Tàng 9/11 nhìn từ trên cao: góc trái và phải là hai hồ Tưởng Niệm Bắc và Nam; tòa nhà nằm giữa hai cái hồ là Viện Bảo Tàng mới hoàn tất và mở cửa cho công chúng vào hồi tháng 5 vừa qua.  (Ảnh Wikipedia, 2012) Phải, Hồ Tưởng Niệm phương Nam bao quanh bởi du khách. Mặc dù tiếng nói chuyện, gọi nhau của du khách và tiếng xe cộ ồn ào song không át được tiếng của tám dòng thác từ các thành hồ đổ xuống lòng hồ sâu 30 feet. (Ảnh Trùng Dương)

Những thác nước cao tới 30 feet, tức trên 9 mét, đổ từ bốn thành hồ xuống chảy vào một cái hố vuông ở giữa biểu tượng của một khoảng trống hư vô. Khu Tưởng Niệm do kiến trúc sư Michael Arad và kiến trúc sư phong cảnh Peter Walker vẽ. Tác phẩm của họ, tựa là “Reflecting Absence,” được chọn trong số 5,201 hoạ đồ gửi đến tranh giải từ 63 quốc gia.

Khi chúng tôi tới nơi vào khoảng trưa đã có rất nhiều du khách hiện diện quanh hai hồ Tưởng Niệm. Họ nhìn những dòng thác, đọc và sờ vào tên những nạn nhân khắc trên các phiến bảng đồng mầu xám, chụp hình lưu niệm, gọi nhau ơi ới, trò chuyện bằng nhiều ngôn ngữ; nhưng những tiếng động họ gây ra cũng như tiếng xe cộ qua lại ở các con đường luôn đông đảo bận rộn vây quanh công viên không át được tiếng nước của tám dòng thác đổ xuống ầm ầm từ tám thành hồ xuống hai lòng hồ. Nhìn những dòng nước cuốn nhau xuống lòng hồ rồi tuôn tụ về cùng một điểm là khung vuông tối om giữa hồ để cùng chẩy vào vô tận, người xem không khỏi cảm thấy một niềm bâng khuâng đầy kính cẩn.

Nằm giữa hai hồ Tưởng Niệm là Viện Bảo Tàng 9/11, một công trình kiến trúc tân kỳ của công ty kiến trúc Davis Brody Bond, LLP thuộc New York vẽ. Với chu vi 66 ft x 75 ft, toà nhà này được xây dưới lòng đất và được dùng làm nơi bảo tồn lịch sử của biến cố 9/11.

Điều gây ấn tượng sâu xa nơi tôi hơn cả là cảm giác về một sức sống tiềm tàng và mãnh liệt phản ảnh qua công trình kiến trúc của Công viên Tưởng Niệm gồm hai hồ Tưởng Niệm phương Bẳc và Nam và Viện Bảo Tàng 9/11. Mặc dù đã nghe, đọc và thấy nhiều về 9/11 qua phim ảnh, nhưng được nhìn thấy tận mắt những vật đã được bới vớt từ đống tro tàn -- chiếc xe cứu hoả với mớ thang cong queo vì sức ép của sức nóng, một phần của hệ thống ăng ten truyền tin trên đỉnh một trong hai ngọn tháp, nguyên mặt tiền của một tiệm bán quần áo còn phủ bụi, những chiếc xe đạp, xe hơi, xe gắn máy, vô số vật dụng hàng ngày, giấy tờ, chiếc nón của người lính cứu hoả, đôi giầy của một nạn nhân nào đó, phần tường xi măng bên dưới chiếc thang máy đã cháy rụi – gây nơi ta một cảm xúc sâu xa thấm đượm hơn.

Được biết công trình xây cất Công viên Tưởng Niệm và Viện Bảo Tàng 9/11 tốn kém tổng cộng là 700 triệu Mỹ kim. Tiền bảo trì và điều hành hàng năm ước tính là 60 triệu Mỹ kim. Số khách tới viếng nơi này ước lượng là 4.5 triệu người trong năm đầu.

Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận được từ chuyến viếng thăm Công viên Tưởng Niệm và Bảo Tàng Biến cố 9/11.

 


TD 911-3

Bên lối vào trên tường là vài nét chính của biến cố 9/11/2001, ghi lại giờ phút của từng chiêc máy bay bị không tặc cưỡng đâm vào các mục tiêu. (Ảnh Trùng Dương)

 
TD 911-4

Trái, chiếc thang sắt cong queo tả tơi vì sức ép của tiếng nổ và hơi nóng của chiếc xe cứu hỏa của Đội Ladder 3 thuộc Sở Cứu Hoả Thành phố New York. Sáng ngày 11 tháng 9 năm 2001, Đại úy Patrick “Paddy” John Brown cùng 10 nhân viên cứu hoả đáp lới cầu cứu chạy tới World Trade Center. Đậu xe ở trên Đường West gần Đường Vesey, tất cả 11 người chạy vào North Tower để thi hành phần sự cứu người cao quý của họ. Lần cuối cùng họ gọi về sở là từ lầu 40 của ngọn tháp sau đó bị xụp đổ tan tành thành tro bụi. Phải, một phần của hệ thống ăng ten của North Tower, cao 360 feet, dựng trên đỉnh tháp. Sau khi chuyến bay Flight 11 bị không tặc đâm vào North Tower một lúc thì mọi truyền tin cũng bị gián đoạn vào lúc 10g28 sáng. Ở hậu cảnh, trên tường, là hàng chữ “No Day Shall Erase You From The Memory of Time – Virgil” (Không một ngày nào sẽ xoá bạn khỏi trí nhớ của thời gian) (Ảnh Trùng Dương)

 

TD 911-5  

Trái, một cột sắt của South Tower bị sức ép tột độ làm cong gập lại. Ở phía trái của cột sắt bi gập là những màn hình mà người viếng có thể viết lên đó, một thứ digital guest book, ghi lại cảm nghĩ của mình, như một khách đang viết bên hình bên mặt. (Ảnh Trùng Dương)

 
TD 911-6 

Những mảnh giấy nhắn tìm thân nhân bị mất tích trong biến cố 9/11 được lưu giữ lại, điện toán hoá và phóng trên tường như một phần của bộ sưu tập. (Ảnh Trùng Dương)

 

TD 911-7

Phòng triển lãm nằm sâu trong lòng đất, với một phần tường nguyên thủy là của South Tower, trái. Cột sắt ở giữa nhà là cây cột cuối cùng được đưa ra khỏi Ground Zero vào ngày 28 tháng 5, 2002, kết thúc giai đoạn dọn dẹp Ground Zero để chuẩn bị cho việc tái thiết. Tổng cộng cả thẩy là 108,000 chuyến xe vận tải chở gần 2 triệu tấn đồ phế thải lẫn lộn cả nhiều phần cơ thể nạn nhân đưa sang Staten Island để tiếp tục cuộc truy tìm và nhận diện. Tính đến năm ngoái, 1,634 di cốt của 2,753 nạn nhân 9/11 đã được nhận diện. (Ảnh Trùng Dương)

 
TD 911-8

Trái, các biến cố dẫn tới ngày tang thương 9/11 và những diễn biến sau đó được chiếu lên tường cho khách xem. Phải, một phần trưng bầy về biến cố ngày 2 tháng 5 , 2011 khi Osama bin Laden bị giết, với bức hình lịch sử chụp lúc Tổng thống Obama cùng nội các của ông theo giõi trực tiếp truyền hình cuộc đột nhập sào huyệt của tay trùm khủng bố tại Abbottabad, Pakistan. Chiến dịch này do lực lượng Người Nhái thuộc Hải quân Hoa Kỳ phối hợp hành động với cơ quan tình báo CIA thực hiện, kết thúc 10 năm truy tìm kẻ đã gây ra tội ác giết hại hàng ngàn người vô tội trong ngày lịch sử 9/11/2001. Ở góc phải là một cục gạch do một phóng viên hãng Associated Press lấy được từ tòa nhà ba tầng nơi bin Laden bị giết khi toàn khu này bị chính quyền Pakistan bí mật phá đi vào đầu năm 2012. (Ảnh Trùng Dương)

[TD, 10/2014]

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
19 Tháng Năm 202110:35 CH(Xem: 10863)
Tôi thuộc thơ của thi sĩ Hoàng Cầm từ nhiều năm trước khi biết đến Hoàng Kỳ - người con trai đầu của cụ. Qua nhà thơ Thanh Kim, phóng viên báo Bắc Giang, tôi được gặp anh lần đầu tại thư viện của thị xã Bắc Giang (tỉnh Hà Bắc cũ). Mới gặp, anh có vẻ lịch sự xã giao, thậm chí như hơi đề phòng- thói quen hình thành trong một hoàn cảnh gia đình đầy sóng gió đã ảnh hưởng sâu đậm tới cuộc đời anh... Nhưng dần dà, cái vỏ ngoài ấy đã biến mất hẳn sau nửa giờ trò chuyện, khi anh hiểu rõ rằng: trước mặt anh là một "con mọt sách", đang muốn tìm hiểu về văn hóa vùng Kinh Bắc...
07 Tháng Năm 20214:48 CH(Xem: 10815)
Tiếng nói đầu tiên của một em bé khi bắt đầu học nói là Me, Mẹ, Mạ, Má, Mommy, Maman, và nhiều nữa với những ngôn ngữ hay tiếng địa phương khác, đặc biệt hầu như đều bắt đầu bằng chữ “M”. Có lẽ đó là mẫu tự thiêng liêng chung của nhân lọai khi gọi người đã cưu mang, yêu thương và đùm bọc mình suốt cả cuộc đời. MẸ ở kinh thành hay MẸ ở nơi thôn dã, MẸ ở trên núi hay MẸ ở dưới biển, MẸ là lá ngọc cành vàng hay MẸ gặt lúa trồng rau….. MẸ cũng mang nặng con chín tháng mười ngày, MẸ banh da xẻ thịt đưa con vào đời, và khi con khóc tiếng khóc đầu đời, MẸ đã vừa khóc vừa cười ôm con vào lòng mà quên đi hết những nhọc nhằn mang nặng đẻ đau. Khỏang thời gian còn lại của MẸ là ôm ấp, bảo bọc, hy sinh, dạy dỗ….. và nhiều lắm của tình mẫu tử MẸ dành cho đàn con của MẸ, và cứ thế mà nhân lọai tồn tại và phát triển.
07 Tháng Năm 20211:54 SA(Xem: 10404)
Tôi gặp anh Nguyên Minh lần đầu tại một quán cà phê vỉa hè đường Phan Xích Long. Hơn mười năm trước tôi thường viết bài trên trang vanchuongviet, ngày ấy chủ biên Nguyễn Hòa chưa ngã bệnh anh còn xông xáo chuyện chữ nghĩa. Anh em thỉnh thoảng gặp nhau khi tôi vào Sài Gòn, hôm ấy có tôi, vợ chồng anh chị Trương Văn Dân _ Elena, anh Nguyễn Hòa hẹn gặp Sâm Thương và Nguyên Minh. Các anh đều là những bậc tiền bối tôi ngồi nghe các anh bàn luận và dự tính ra mắt một tập san văn học nghệ thuật riêng của mình, từ đó anh em quen nhau.
20 Tháng Tư 20215:10 CH(Xem: 10630)
Mỗi lần nghĩ đến chiến tranh, giải phóng đất nước, cách mạng dân tộc, tự do nhân quyền, xuống đường biểu tình... đầu óc tôi lơ mơ liên tưởng đến vụ Thiên An Môn năm nào. Hình ảnh người đàn ông hiên ngang tiến ra giang rộng hai tay đòi hỏi tự do, chận đứng xe tăng, chống lại quyền lãnh đạo độc tài của đảng cộng sản Trung Quốc. Hình ảnh anh hùng, xem cái chết tựa lông hồng, với lòng đầy thách thức, đòi hỏi tự do dân chủ nhân quyền cho xứ sở. Hình ảnh đó đã đánh mạnh vào tâm não toàn thể người dân trên toàn thế giới. Riêng tôi, vẫn âm thầm nghĩ tới người lính lái chiếc xe tăng khổng lồ đầy răng sắt. Hẳn ông phải là một người rất đỗi từ bi, nhân hậu? Thương người như thể thương thân. Ông từ chối giet người, dù trong tay nắm toàn quyền nghiền nát người đàn ông hiên ngang hùng dũng kia. Hành động nghiền nát đó, sẽ được coi như một chiến công hiển hách đối với đảng và nhà nước.
20 Tháng Tư 20214:59 CH(Xem: 10979)
Tháng tư năm ấy, sao tôi không mấy lao đao về cái chết tự tử của một người chị họ chưa đầy hai mươi tuổi. Năm ấy, một chín bảy lăm, nghe mạ tôi nói chị bị cào nát mặt hoa và ăn đòn phù mỏ chỉ vì lỡ tranh giành một miếng nước ngọt trên chuyến tàu tản cư từ Đà Nẵng vào Nha Trang. Liệu như thế đủ để chị chán sống hay còn vài lý do thầm kín khác mà tôi không đoán được. Ồ phải rồi, nghe kể mẹ chị ấy là mợ tôi ngồi đâu cũng thở dài rất thảm, lâu lâu tuồng như muốn nuốt ực những giọt nước mắt dội ngược vào lòng và lâu lâu thì lại trào ra trăm lời nguyền rủa về những xui xẻo không tránh được, ví dụ nỗi đau rát rực rỡ của mấy bợm máu kinh nguyệt thời con gái chị tôi đã phọc lai láng trên đít quần suốt những ngày chạy giặc thiếu nước và máu ôi thôi là máu của những xác người vô thừa nhận trên con đường lánh nạn.
20 Tháng Tư 20214:23 CH(Xem: 11064)
Tôi đã thay đổi vì biến cố tháng Tư Bảy Lăm, nhưng cũng có thể tôi đã mất thiên đường từ trước khi ra đời. Đó là câu hỏi mà tôi ngẫm nghĩ gần đây. Năm nay tôi 43 tuổi, mặc dù tôi nhuộm tóc và vẫn thích người ngoài khen tôi trẻ, tôi hiểu mình nhiều hơn, và cũng chân thật với mình nhiều hơn lúc còn trong tuổi niên thiếu. Trên nhiều phương diện, có thể tôi cũng đầy đủ hơn ngày xưa. Nhưng tất cả những câu chuyện mà tôi hay kể với bạn bè để biểu lộ tâm trạng “cá ra khỏi nước” mà tôi vẫn cảm thấy đeo đuổi mình thường trực, đều bắt nguồn từ trước biến cố Bảy Lăm.
20 Tháng Tư 20214:18 CH(Xem: 10783)
Tháng 4, 1975, tôi 11 tuổi. Lúc đó tôi sống với cha, em trai và bà nội ở ngang chợ An Đông, Sài Gòn. Mẹ tôi ly dị cha tôi trước đó 2 năm để lấy người tình. Người tình của mẹ tôi làm tài xế cho cha tôi khi hai người còn là cảnh sát. Ông này trẻ, cao, vạm vỡ và đẹp trai hơn cha tôi. Ông cũng galăng, nhỏ nhẹ hơn cha tôi. Có lẽ ông cũng dai và dẻo hơn cha tôi. Vô tư mà chấm, có lẽ hai người xứng đôi. Ai cũng khen mẹ tôi đẹp, nhưng tôi không thấy mẹ tôi đẹp tí nào. Sau này, khi cãi lộn với chồng mới, bà bị bạt tai nên vung lời, “Đồ tài xế!”
15 Tháng Tư 20211:03 SA(Xem: 4300)
Ngày này 46 năm trước, tôi đang rong ruổi trên đường cái quan chạy về Sài Gòn. Gia đình tôi và những người dân miền Trung hớt hải tháo thân khi nghe tin bước chân của quân miền Bắc đang tiến vào Nam. Những người bạn thế hệ tôi ngày ấy ra sao, những ngày tàn cuộc chiến? Những ngày cuối tháng tư, giờ này bà ngoại của Thơ Thơ đang chia gia tài cho con cháu là những lọ xyanua, phòng nếu có điều gì. Mỗi người một lọ thuốc trong vắt, thơm mùi hạnh nhân, thuốc cực độc uống vào vài giây là chết tức khắc, bà nói cầm chắc thuốc độc trên tay là cầm chắc định mệnh của mình. Bà là vợ của nhà văn Hoàng Đạo, giòng họ của nhóm Tự lực văn đoàn, văn đàn vang danh một cõi xứ Bắc. Tôi hiểu tâm trạng của bạn tôi trong đêm cuối ở đài Tiếng nói Tự do trên phòng chờ lầu 2, tất cả gia đình nhân viên trong đài và văn nghệ sĩ miền Nam tập trung để được “ bốc” đi, đêm dài dằn dặc, phía dưới đường phố là sự hoảng loạn của người dân Sài Gòn, mọi người im lặng căng thẳng nghe cả tiếng máy lạnh rì rầm, bạn phải tìm
15 Tháng Tư 202112:27 SA(Xem: 10951)
Chiếc xe gài số lui ra khỏi sân nhà, ngang mấy hàng lan Hoa Hậu và gốc nhãn đang đậu trái nhỏ li ti, thành chùm. Tôi hỏi: Xe nhà mình lúc đó là xe gì? Ba nói Con không nhớ sao? Tôi gấp lại dãi khăn tang trắng. Hôm mãn tang Ba, ở chùa về, tôi đã định đốt dãi khăn trong lò sưỡi. Tháng này trời Cali chưa chiều đã nhá nhem. Tôi để cuộn khăn trở lại bàn nhỏ cạnh đầu giường. Ba không còn ngồi trên ghế gần cửa ra vào. Trong phòng còn có mình tôi.
15 Tháng Tư 202112:10 SA(Xem: 11488)
LTS: Một năm rưỡi trước khi từ trần, tướng Trần Độ đã hoàn thành một tập nhật ký mà ông đặt tên là Nhật Ký Rồng Rắn: bắt đầu từ cuối năm 2000, viết xong tháng 5 năm 2001. Nhật ký Rồng Rắn là một bút ký chính trị trong đó, với tất cả tâm huyết, tác giả trình bày suy nghĩ của mình về các vấn đề chính trị của đất nước. Tháng 6.2001, Trần Độ vào Sàigòn thăm con và nhờ người đánh máy bản thảo. Ngày 10.6, ông đi lấy bản thảo, bản vi tính và sao chụp thành 15 bản. Trên đường về nhà, ông bị tịch thu toàn bộ các bản thảo và bản in chụp, xem là "tang chứng" của tội "viết và lưu hành tài liệu xấu". Cho đến ngày từ trần 9.8.2002, tướng Trần Độ không được trả lại nhật ký của mình. Trích đoạn dưới đây là một phần của nhật ký này. {theo tạp chí Diễn Đàn}.