- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Trần Huy Minh, Trải Nghiệm Những Hiện Thực Khác

08 Tháng Tư 200912:00 SA(Xem: 90610)

Claire Simon thực hiện phỏng vấn

Trần Vũ dịch thuật 

Trần Huy Minh, trải nghiệm những hiện thực khác 

Chưa bao giờ truyện cổ tích trống vắng chủ đích, hay không lột trần sự bất nhẫn. Qua nhân vật Nam, một thanh niên Việt tỵ nạn tại Pháp, cô gái kể chuyện tìm thấy hoàng tử của lòng mình. Họ kết bạn, gặp lại, tâm sự, tự tạo ra một lãnh địa bí mật. Nhưng điều gì đó trốn tránh những động tác tình yêu: Thanh niên điển trai xem thiếu nữ như em gái.

Một thời gian sau, thiếu nữ theo cha mẹ về Việt Nam, lần trở về đầu tiên.

 
Hiện ra trước đôi mắt cô gái, sinh tại Pháp, được nuôi nấng, bảo dưỡng, tấm màn bấy lâu che kín đột ngột bị xé rách. Những bí mật lộ ra, những gặp gỡ phơi bày những thảm kịch mà người thân phải hứng chịu. Mà có thể Nam đã bỏ lại sau lưng…

 
Công chúa và ngư phủ vẽ nên một Việt Nam đầy hiện thực, cấm san sẻ, một xứ sở vô hình mà Trần Huy Minh thụ tinh sự trinh trắng giả tạo, đầy gìn giữ, một xã hội che giấu nỗi buồn sâu thẳm. Tác giả thêm vào danh sách buồn bã, sự hiện diện của người bạn trai khó khăn tìm lại, chỉ vì Lịch sử đã giẫm lên đất nước này. Hay giản dị là thời gian. Bạo liệt hơn những câu chuyện cổ kể lại…

Giới thiệu của Nxb Actes Sud

 

 

Trao đổi với một tài năng văn chương

 
Chỉ vừa mới 27 tuổi, Trần Huy Minh giữ chức phó tổng biên tập nguyệt san Magazine Littéraire (Giai phẩm Văn). Sớm đắm say văn chương, cô viết những trang văn xuôi đầu tiên dưới mái trường trung học, trước khi lao vào nghiệp ký giả. Thiếu nữ mà hầu hết xem là niềm hy vọng trẻ đã quay trở về với tình yêu ban đầu: Cho xuất bản Công chúa và ngư phủ, một tiểu thuyết mang chính hình ảnh của tác giả: nhạy cảm, gây ngạc nhiên và thông minh…


Vóc dáng mảnh mai, váy đầm nhẹ nhàng với nụ cười trên môi, Trần Huy Minh tiếp chúng tôi trong phòng khách, ở một góc nhà có tủ sách bề thế. Cô giãi bầy với đầy hào hứng, phân tích tinh diệu, vừa phơi trải lòng mình kín đáo trong một câu chuyện mà cô luân phiên sắm vai ký giả rồi nhà văn.

Claire Simon: Tập tiểu thuyết đầu tay này khá riêng tư và rất thành công, từ đâu xảy đến ý tưởng ‘‘nàng công chúa và chàng ngư phủ’’, và từ khi nào?


Trần Huy Minh: Nếu thao tác cú pháp đã chiếm của tôi một năm, mầm phôi tiểu thuyết đâm chồi vào những năm tôi hai mươi tuổi. Ý tưởng đến từ một mối tình đã diễn ra năm tôi tròn 15, qua một kỳ du ngoạn học ngoại ngữ, với một thanh niên từng là thuyền nhân. Tôi yêu anh, và rồi đánh mất anh; nhưng trong hoàn cảnh ít bi kịch hơn những gì tôi mô tả trong tiểu thuyết.

 
Tôi bắt đầu viết về câu chuyện đã cứa lòng mình, khi ấy cấu trúc đã có sẵn, nhưng chưa nhiều tầng đọc tác phẩm, với khung gia đình làm nền chưa thật trầm trọng. Tuy vậy hầu hết phần số của những người trong gia đình đều có thật. Ông nội tôi và cụ cố đã thật sự bị thủ tiêu; chi tiết này quan trọng đối với tôi vì cần tái tạo chúng dưới góc độ thật. Ngược lại, những hoạt cảnh làm nên tình tiết giữa đôi tình nhân trẻ, là sản phẩm của trí tưởng, ngoại trừ chi tiết bấp bênh nhất: Cuộc gặp gỡ giữa tôi và Haruki Murakami.


Claire Simon: Có thể xem đây là tự truyện?


Trần Huy Minh: Với tôi, đây là cách nhìn lại tuổi dậy thì của mình. Michel Schneider tuyên bố phân tâm học không đủ sức chạm đến sự thật, nhưng cho một phiên bản khác hứng chịu được hiện thực, khả dĩ có thể chấp nhận.

 
Viết tự truyện, tôi nghĩ cũng là cách riêng tái tạo phiên bản về mối tình giữa mình và người thanh niên thuyền nhân, mà đối với tôi thời ấy, anh mang trong mình những nghi hoặc sâu thẳm nhất: Mối tương quan giữa con người với nguồn gốc, gia đình, và ký ức. Tình yêu không trọn của đôi tình nhân còn ném trả cả hai về quê hương Việt Nam mà một đã đánh mất, còn một không thể tìm thấy, vì cô gái chưa bao giờ đặt chân đến.


Nhìn một cách rộng hơn, tôi viết tiểu thuyết để tri ân Murakami, tri ân đặc biệt điều mà dân tộc Nhật gọi là ‘‘mono no aware’’, ‘‘nỗi đau thắt buồn bã của sự việc’’, nỗi đau biểu tỏ thứ tình cảm phủ kín lấy chúng ta khi cánh rừng thu trút lá, hay cái chết của một người thân sau một quãng đường dài… Tôi muốn Công chúa và ngư phủ khiến người đọc cảm thấy hoài niệm những gì từng hiện hữu mà đã mất.

Claire Simon: Cô gái kể chuyện gần như giao tiếp không mệt mỏi với văn chương và cảm phục sâu sắc các nhà văn, có phải cũng là trường hợp của chính tác giả? Khâm phục nhiều như vậy có cản trở khi phóng bút?


Trần Huy Minh: Khi bắt đầu đọc sách tôi chẳng hề nghĩ sẽ viết văn. Tôi chỉ muốn sống những hiện thực khác với thực tế mà tôi đang chứng kiến, mà tôi không thấy thỏa mãn. Rồi khi trở thành nỗi đam mê thực thụ, tôi đọc đến bịnh hoạn: ban đêm đến những giờ khuya khoắt nhất, trong lúc ăn, trong lúc đi đứng… Sau đó xảy đến ý nghĩ hãy làm một nhà văn, nhưng giữa ước mơ và toại nguyện, tưởng tượng mình đang làm tác giả tỷ giảo với những hệ lụy, còn hơn một chặng đường dài phải vượt qua…

Còn tùy thuộc vào tâm tính mình nữa, tôi có những người bạn tuy đọc nhiều vô cùng, nhưng lại tin họ không có điều gì đặc biệt để trình bày. Tôi, tôi ước ao từ rất lâu muốn biết mình có đủ khả năng xây dựng thành một tác phẩm, hoàn chỉnh những sự việc mà ngoài cuộc đời chỉ là những bản nháp vô giá trị. Tôi nghĩ chính sự khâm phục các nhà văn, sau cùng đã biến thành động cơ nhiều hơn một thắng hãm. Khi giúp tôi khám phá ý niệm của họ về thế giới, các nhà văn đã giúp tôi xây cất lấy thế giới của riêng mình.

 
Claire Simon: Cô còn chịu ảnh hưởng văn học nào khác, ngoài Haruki Murakami?

 
Trần Huy Minh: Murakami giữ vị trí quan trọng trong cuốn tiểu thuyết này, vì đối với tôi, nhà văn này gắn liền với tuổi trẻ, gắn liền với nhiệt huyết không thể cưỡng lại nhấc bổng mình lên khi mình còn niên thiếu, khi mình nghĩ thế giới đang mở ra cho mình, tất cả đều khả thể.

 
Chuyến vi hành không khả dĩPhía nam biên giới phía tây mặt trời của Murakami, đối với tôi là hai tiểu thuyết hải đăng tỏa sáng cho tuổi trẻ. Năm tôi 20, tôi chuộng Fitzgerald ở khía cạnh lãng mạn, nhưng tất cả mọi người đều ưa Fitzgerald ở tuổi hai mươi! Về sau, tôi không nghĩ mình chịu ảnh hưởng một tác giả nào, tuy tôi đọc khá nhiều nhưng không tìm thấy đam mê tận cùng nào với một nhà văn. Từng đoạn văn hay những hình ảnh chiếm giật chỗ này, chỗ kia, đeo đuổi ám ảnh tôi đúng hơn. Như với Công chúa và ngư phủ chẳng hạn, tôi chứa trong đầu mình một cuốn sách mỏng, tưởng chừng không liên quan gì đến tiểu thuyết đang viết, cuốn Sự im lặng biển cả của Vercors. Chỉ vì Vercors sử dụng ẩn dụ này: ‘‘Biển thật yên tĩnh trên bề mặt, thật phẳng mượt, vậy mà đang diễn ra dưới lòng sâu cảnh ăn tươi nuốt sống giữa bầy thủy quái…’’ Khi viết, tôi mang ý niệm này, mà tôi muốn dùng một văn phong thật kềm hãm, tránh mọi xúc cảm, để càng làm bật ra thêm thảm kịch với những giằng xé ở vài nhân vật.

 
Claire Simon: Tập tiểu thuyết hình thành dần dần theo ngòi bút hay đã hoàn tất sẵn trong đầu tác giả?

Trần Huy Minh: Ngay cả khi chúng ta có một ý định khá rõ rệt về cấu trúc muốn áp dụng, có thể nêu bất kỳ lý lẽ nào, sẽ chẳng bao giờ diễn tiến như dự tính! Đã lên khung sườn khá nhiều chương, tôi nhận ra mình không bao giờ theo được dàn bài đã thiết lập trước. Tuy nhiên những gì tôi chủ đích, cuối cùng tôi đều có thể lồng vào được ở đoạn này, hay đoạn khác. Lúc hoàn tất, hầu như các tình tiết dự phóng biến mất nhiều hơn là chúng đã xuất hiện. Tôi dự trù rất nhiều hoạt cảnh khá ăn khớp trong đầu mình, nhưng khi viết ra lại gượng ép. Mà đáng lẽ chỉ nên ngầm gợi ý với độc giả là những cảnh ấy đã xảy ra. Do vậy, công việc lao động bản thảo còn là nghệ thuật sử dụng kiếm sắt quan trọng mà tác giả phải biết chặt đi những khúc thịt thừa của đứa con mình.

 
Do cuốn sách không sinh ra một sớm chiều, nên tôi dùng lại các phiên bản cũ, cho phép nhiều giải pháp. Khởi hành trở lại trên cái nền của những văn bản cũ xưa, tạo ra sự hòa trộn giữa bản thể tôi ngày hôm qua với bản thể tôi bây giờ, khiến đôi khi khập khiễng, đôi khi thú vị.

 
Claire Simon: Cô đang làm phó tổng biên tập Nguyệt san Văn, chiếc cầu nối giữa ngành ký giả và ngành văn chương xây ra sao?


Trần Huy Minh: Điều mà trong nghề nhận ra trước tiên, là phải đào thải khá nhiều thói quen trong phong cách viết. Các ký giả thường xuyên lạm dụng một số công thức chuyển đoạn hầu viết nhanh. Hiển nhiên trong một cuốn sách, sự hợp lý nhất thời và sự hợp lý vĩnh cữu rất khác nhau. Cần rèn luyện nhiều mới có thể qua lại giữa hai bộ môn này, vừa gần, vừa rất xa. Đôi khi chúng tôi thấy như mình bị tâm thần… Khi chuyển thủ pháp ký giả sang thủ pháp văn chương, giống như chúng tôi đang làm một công việc trang hoàng bằng ngòi bút đột nhiên ngưng chữa lỗi mà phải chữa những thói tật.

Do đã viết nhiều bản thảo trước đây, tôi không gặp nhiều vấn đề. Khó khăn nằm trong chính quan hệ giữa nhà văn với văn giới. Văn bản không được đọc cùng một cách, cho dù là những nhà văn yêu quý bạn, hay những nhà văn không ưa bạn chút nào.

 
Claire Simon: Vừa là nhà văn, vừa là ký giả, có thuận lợi hơn trong lĩnh vực truyền thông khi xuất bản tiểu thuyết đầu tay?


Trần Huy Minh: Cho đến bây giờ, vị trí ký giả đã không giúp ích tôi nhiều. Ví dụ nhiều nhật trình năm nay, theo quy chế nghề nghiệp, quyết định không điểm tiểu thuyết do ký giả viết, nhằm bảo đảm tính khách quan trong việc tuyển chọn, ngay cả khi rủi ro sẽ thành thiên vị thái quá trong chiều hướng ngược lại là có thật. Tất nhiên không có gì bi thảm. Trớ trêu là những người nhiệt tình hỗ trợ tôi lại là những người tôi không quen biết, hoặc quen biết mà ở ngoài giới phê bình-xuất bản-hội đoàn hay các hiệu sách.


Claire Simon: Dự tính tương lai của nhà văn?

 
Trần Huy Minh: Tôi vừa hoàn tất chương đầu của tiểu thuyết thứ nhì. Chủ đề hoàn toàn khác. Một câu chuyện phỉnh lừa tình yêu và nghệ thuật. Hiễn nhiên giảm tính chất tự truyện, tuy vẫn dựa trên các sự việc có thật: Một trò đánh tráo trong giới nhạc sư cổ điển từng làm trò cười cho dư luận. Nhà xuất bản Actes Sud cũng đã đề nghị tôi in tiếp theo một tập truyện cổ tích Việt Nam. Và tôi đã nhận lời.

Claire Simon thực hiện

Trần Vũ dịch thuật

 

Nguồn: Trang "Thời sự Văn học" của tuần san Evénement (Sư kiện) tháng 8-2007

http://www.evene.fr/livres/actualite/minh-tran-huy-princesse-pecheur-rentree-litteraire-907.php

 

đăng lần đầu trên talawas tháng 9-2008.


Cước chú của người dịch:

 Sinh ngày 16 tháng 3 năm 1979 tại Clamart, ngoại ô Paris, song thân Việt Nam, Trần Huy Minh trở về quê hương lần đầu rồi cho xuất bản tiểu thuyết La princesse et le pecheur, nêu bật bi kịch của người Việt trong một xã hội tàn nhẫn mà lịch sử giẫm đạp không thương tiếc, trên nền truyện cổ tích dân gian. Công chúa và ngư phủ là một trong 3 tiểu thuyết bán chạy nhất trong năm 2007. Giải thưởng Prix Riviera, giải thưởng Tân truyện Prix Gironde-Nouvelles écritures, giải thưởng Prix Emmanuel Roblès, giải thưởng Ngũ châu lục Prix des Cinq Continents, giải thưởng Khám phá Tài năng Bourse de la Découverte de la Fondation Pierre de Monaco, vào chung khảo Giải Văn chương Toàn quốc cho tiểu thuyết đầu tay Prix Goncourt 2007… Trần Huy Minh hiện làm phó tổng biên tập Nguyệt san Văn (Magazine Littéraire), chủ biên chuyên đề Văn học Trung Hoa từ Khổng Tử đến Cao Hành Kiện, trong ban giám khảo tuyển chọn dự án phim truyện cho đài truyền hình d'ARTE France Cinéma, giữ mục chroniqueur cho nhiều tuần san, phụ trách chương trình tivi Lời của đêm (Mots de nuit). Tác phẩm thứ nhì: Le Lac né en une nuit et autres légendes du Vietnam (Mặt hồ sinh trong đêm và những truyện kỳ khắc của Việt Nam).

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Mười Hai 202310:07 SA(Xem: 3342)
Như bài viết gần đây của ông về kênh đào Phù Nam của Cam Bốt, và đặc biệt như một tuyên bố gần đây nhất của Thủ tướng Cam Bốt Hun Manet: “Kênh đào Phù Nam không lấy nước từ sông Mekong mà chỉ lấy từ sông Bassac và sẽ dùng cho tưới tiêu, nông nghiệp)\”, xin ý kiến của ông về những vấn đề sau:
27 Tháng Tư 20223:24 CH(Xem: 10200)
Những ngày 11, 12 tuổi, vào những năm 73-74, tôi say mê Phan Nhật Nam. Anh trở thành thần tượng của tuổi thơ, với những ngày dài trên quê hương, những ngày bi thảm, những ngày thê lương, những ngày gẫy vụn, trong nỗi sợ khốn cùng. Nỗi sợ trái lựu đạn đã bật kíp. Nỗi đau vô hình của đồng ruộng ẩn chứa triệu trái mìn. Nỗi đau thắt ruột của người cha xếp xác con, trên đoạn đường từ Quảng Trị về Huế. Trong bất mãn của người lính trước một hậu phương vô ơn. Của người lính miền Nam phải tự vệ giữa một thế giới làm ngơ những thảm sát tập thể ở bãi Dâu, ở trường tiểu học Cai Lậy. Khác những nhà văn quân đội khác, tính chất bi tráng của một xã hội dân sự thời chiến phủ trùm lấy bút ký của Phan Nhật Nam, vượt lên trên các trận đánh. Không phải Mùa hè đỏ lửa, mà Tù binh và Hòa bình, Dọc đường số 1, Dấu binh lửa mới thực sự ghi lại suy nghĩ của một quân nhân trong chiến tranh. Bên cạnh, nhật ký của Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc chỉ là những tiểu xảo của những sản phẩm được biên tập.
07 Tháng Năm 20214:56 CH(Xem: 13008)
...một thập kỷ gian nan của nông dân Dương Nội qua cuộc trò chuyện với anh Trịnh Bá Phương - một trong những người có mặt từ đầu - đã góp phần không nhỏ trong nỗ lực xây dựng sự đoàn kết đấu tranh dai dẳng của bà con. Mong rằng chúng ta sẽ học được nhiều điều từ họ, những người mà nhà thơ Hồng Nguyên gọi là “Áo vải chân không đi lùng giặc đánh”.
14 Tháng Mười Một 20197:35 CH(Xem: 17616)
Hôm 29.10.2019 Lào bắt đầu cho vận hành đập thủy điện Xayaburi và tiếp theo sẽ là con đập Don Sahong. Đây là hai đập thủy điện nằm trên dòng chính sông Mekong, đã và đang gây rất nhiều tranh cãi giữa Lào, Thái Lan, Cambodia cũng như Việt Nam ở hạ nguồn Mekong. Nguồn tin đáng chú ý khác từ MRC Ủy Hội Sông Mekong cho thấy Lào đang chuẩn bị tham vấn dự án thủy điện Luang Prabang có công suất 1410 MW, nằm cách thị trấn Luang Prabang khoảng 30 cây số. Nếu không có gì đột biến, đập Luang Prabang được khởi công xây vào tháng 7/ 2020. Một chuyên gia sông Mekong, bác sĩ Ngô Thế Vinh, tác giả hai cuốn sách ‘Cửu Long Cạn Dòng - Biển Đông Dậy Sóng’ và ‘Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch’, từng có bài tham luận về dự án Luang Prabang liên quan đến Việt Nam, trình bày sự việc qua bài phỏng vấn do Thanh Trúc thực hiện.
21 Tháng Chín 201912:00 SA(Xem: 20003)
Tôi sinh năm 1940 tại Hà Nội, là con út của nhà văn Nhất Linh. Trước năm 1975 ở Sài Gòn tôi dậy học rồi nhập ngũ khoá 2/68 quân trường sĩ quan Thủ Đức
26 Tháng Mười 20188:54 CH(Xem: 26394)
Nhân dịp nhà văn Nguyên Ngọc giõng dạc tuyên bố ra khỏi Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày 26/10/2018, xin đăng lại cuộc chuyện trò đã đăng trên Hợp Lưu mới chớp mắt đây mà đã 15 năm truân chuyên vận nước (ND)
22 Tháng Sáu 20184:34 CH(Xem: 26118)
Cũng như nhiều thi sĩ trong thời đại mình, thơ ông còn là phóng chiếu một giai đoạn đầy xáo trộn trong đời sống văn hóa của người Việt. Đầu tháng 6-2018, tuyển thơ Khúc Thụy Du của nhà thơ Du Tử Lê ra mắt độc giả trong nước.
11 Tháng Chín 201711:18 CH(Xem: 32187)
“Giá trị một con người không ở cái chân lý mà người ấy có hay tưởng có, mà ở cái công sức người ấy đã bỏ ra để tìm kiếm nó. (Nguyễn Hữu Đang trong cuốn Trần Dần-ghi 1954-1960, xb Td mémoire, Paris 2001 trg 461.)
13 Tháng Tư 20175:58 CH(Xem: 38435)
Đã 42 năm sau cuộc Chiến tranh Việt Nam, vẫn còn những câu hỏi chưa có lời giải đáp. Chỉ riêng tên tuổi Thích Trí Quang đã gây ra rất nhiều tranh cãi. (1) Có nhiều nhãn hiệu gán cho ông: với một số người Việt chống cộng hoặc còn suy tôn ông Diệm thì cả quyết Thích Trí Quang là cộng sản đội lốt tu hành hoạt động với sự chỉ đạo của Hà Nội; nhưng ngay với giới chức cộng sản cũng đã từng coi Trí Quang là một loại CIA chiến lược; còn theo tài liệu giải mật của CIA thì đánh giá Trí Quang không phải cộng sản, mà là một nhà tu hành đấu tranh cho hòa bình và muốn sớm chấm dứt chiến tranh. Thêm nguồn tài liệu còn lưu trữ về những cuộc đàm luận giữa Trí Quang và các giới chức Hoa Kỳ, cho rằng Trí Quang chống cộng mạnh mẽ và hiểu được sự việc xử dụng quân đội Hoa Kỳ để chống lại Cộng sản Bắc Việt và Trung cộng.
31 Tháng Ba 20171:05 SA(Xem: 28899)
Phùng Nguyễn sinh năm 1950, mất ngày 17 tháng 11 năm 2015. Bàng hoàng với cái chết đột ngột của Phùng Nguyễn ở cái tuổi đang sung mãn nhất về sinh hoạt trí tuệ và sáng tạo, tôi đã viết bài tưởng niệm "Phùng Nguyễn, Như Chưa Hề Giã Biệt" (1), nay nhớ tới Anh, có dịp đọc lại bài viết, mới nhận ra là còn nợ Anh "Ba Câu Hỏi", mang món nợ ấy cũng đã hai năm, nay là lúc tôi phải trang trải, và cũng là thay cho nén nhang tưởng nhớ Phùng Nguyễn.( Ngô Thế Vinh)