(nhà thơ Chân Phương ) |
Thụy Khuê: Đề tài thì rộng nhưng chắc là anh đã nắm được những nét chính trong quang cảnh chung của giới làm thơ trong và ngoài nước hôm nay?
Chân Phương: Chúng ta có thể tóm tắt quang cảnh chung dưới hai nét:
1. Thực tế gần như bất biến là chính sách văn hóa của nhà nước, một chính sách vẫn còn ngăn cấm tự do tư tưởng và sáng tác. Vì thực tế ấy, những người muốn tìm hiểu về sáng tác thơ trong nước gặp khó khăn. Tôi hình dung đó là một tảng băng thạch, chúng ta chỉ thấy được phần nổi. Thỉnh thoảng chúng ta đọc được một tập thơ của Đặng Đình Hưng, hay gần đây thơ Phùng Cung hoặc nhật ký Trần Dần vừa được công bố, ngoài ra còn biết bao tác phẩm hay khác vẫn còn nằm trong bóng tối. Theo các cuộc phỏng vấn gần đây trên Hợp Lưu, các nhà thơ như Vi Thùy Linh cũng tâm sự rằng có nhiều tác phẩm thơ hiện giờ cũng bị ngăn cấm không cho xuất bản.
2. May thay sự tiến bộ về kỷ thuật cũng như sự mở mang về giao lưu văn hoá và du lịch đã cho những ngươì sáng tác trong nước có điều kiện tiếp xúc một cách dễ dàng hơn với thế giới bên ngòai. Đó là điều thay đổi rất quan trọng so với một thập niên trước đây.
TK: Theo anh, những yếu tố nào đã góp phần vào sự thay đổi bộ mặt của thi ca VN hiện nay so với 10 năm trước đây?
CP: Từ sự tham quan và thăm viếng đã hình thành các mạng quan hệ giữa giới sáng tác trong và ngoài nước. Người ta có thể chuyền tay nhau bản thảo, lắng nghe những điều tâm sự chưa được phổ biến công khai. Do sự tiếp xúc và giao lưu ấy hai năm trước đây một tuyển tập thơ đã ra đời Hai mươi sáu nhà thơ VN đương đại. Đó là một cố gắng hợp tác rất đáng khích lệ. Một mặt tốt khác của giao lưu là dịch thuật. Các nhà thơ VN đã chủ động hợp tác với các nhà thơ thế giới cũng như báo chí và xuất bản để giới thiệu thơ VN ra nước ngoài. Ở Hoa Kỳ, chúng ta biết Đinh Linh, Nguyễn Hoàng Nam đã góp sức với hai tạp chí Literary Review và Illuminations để giới thiệu thơ VN. Còn bên Pháp, tạp chí Europe đã hợp tác với Dương Tường, Hoàng Hưng để giới thiệu một chùm thơ VN trước đây hai năm, hoặc Diễm Châu đã tiếp xúc với một số nhà thơ Đông Âu và thơ VN cũng được dịch sang tiếng Rumani chẳng hạn. Ngoài dịch thuật, chúng ta không nên quên mặt truyền thông. Phải nói là các đài phát thanh lớn thế giới cũng góp phần tích cực trong sự giới thiệu đó. Internet là điều không ai phủ nhận, internet với các website mới là nơi giúp cho giới sáng tác trong nước có thể đăng kịp thời những trang bản thảo của mình, vượt qua vòng kiềm tỏa của chế độ văn hóa trong nước. Phần lớn các người sáng tác hôm nay đều sử dụng được máy điện toán và thường xuyên trao đổi với nhau qua những bức thư điện tử.
TK: Đọc những bài thơ xuất hiện trong và ngoài nước hiện nay, chúng ta có thể nói đến một xu thế hay một tính chất chung trong thơ ca thời nay không?
CP: Từ đầu thập niên 80 đến nay qua sáng tác thơ ca trong và ngoài nước tôi thấy có một xu thế ngày càng được khẳng đinh và mở rộng; đó là tính hiện đại. Tính hiện đại nổi bật ở hai mặt: Ý thức phê bình của các nhà thơ và Tinh thần thể nghiệm. Ý thức phê bình giúp cho họ không làm dáng, tránh đi lại những lối mòn khuôn sáo của sáng tác nương theo thẩm mỹ tiền chiến, nghĩa là còn nặng kiểu cách và vần điệu. Ý thức đó giúp họ ý thức rõ hơn về bản sắc của mình, đưa tiếng nói của từng nhà thơ vào trong tác phẩm. Điều này đi cùng xu thế chung của thơ thế giới, ở Pháp người ta gọi đó là oralité, nghĩa là khẩu ngữ. Mỗi nhà thơ, nhà văn đều cố gắng khai phá vùng đất riêng ấy của mình vì khẩu ngữ của từng người là điều đặc thù không lầm lẫn được. Dùng tiếng nói hàng ngày vừa thô sượng vừa gân guốc ấy khiến cho đề tài của thơ cũng đa dạng hơn. Những chuyện linh tinh của cuộc sống, người Pháp gọi là faits divers, ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong thơ. Chúng ta thấy chẳng hạn Nguyễn Đạt làm thơ về "Cái bánh bao", hay Nguyễn Hoàng Nam trong bài "Trả tiền":
Những ngón tay uể oải, trong bàn tay rịn ẩm
mò túi sau, ngừng, thói quen dò dẫm độ cộm
Móc bóp ra, cánh tay xoay hình cung quen thuộc
nâng lên trước mặt, ngón cái luồn vào giữa bật ra
số phone, địa chỉ, bằng lái, an sinh xã hội, credit card,
những hàng số nhắc hờ sự có mặt của tôi
(26 Nhà thơ VN đương đại)
Những sự kiện bình thường ấy cũng xuất hiện trong thơ của Thường Quán, Đỗ Kh. Về phía các nhà thơ nữ, họ đưa vào sáng tác những suy nghĩ về thân phận đàn bà, trách nhiệm gia đình, ước mơ hạnh phúc, những phấn đấu để tồn tại trong xã hội di dân với nhiều mặt khó khăn của nó. Chúng ta thấy đề tài đó xuất hiện trước đây trong thơ Trân Sa, Nguyễn Thị Hoàng Bắc. Gần đây có Lê Thị Thấm Vân, Đỗ Lê Anh Đào. Trong nước Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, cũng là những đại diện cho dòng thơ nữ. Đó là dòng thơ có ý thức về chỗ đứng của mình, đòi hỏi một vị trí tốt hơn cho người đàn bà trong xã hội. Có thể gọi đó là ý thức nữ quyền đang phổ biến trên thế giới.
TK: Như anh vừa nói nội dung thơ bây giờ thiên về những sinh hoạt trong đời sống hàng ngày. Nếu nói về hình thức diễn đạt thì anh thấy những hình thức ấy ra sao?
CP: Với ý thức phê bình vừa nói, các nhà thơ có nổ lực tìm kiếm cho mình những cách diễn đạt khác mới hơn. Trong xu hướng thể nghiệm ấy, thơ tự do, có nghĩa là phá thể, không dùng những niêm luật cũ nên câu thơ có tính cá nhân hơn. Mỗi người viết với một cú pháp riêng. Sự thể nghiệm cũng hiện ra trong những bài thơ đậm về ý tưởng, dùng nhiều hình tượng và so sánh ẩn dụ. Trong ca khúc trước đây Trinh Công Sơn đã thành công trong chiều hướng ấy, và hôm nay trong thơ của các thi sĩ VN chúng ta thấy nổ lực dùng tư duy hình tượng thỉnh thoảng đi gần đến thi pháp siêu thực. Một thí dụ là thơ Đinh Linh trong những bài thơ của anh, thi pháp siêu thực đã được quán triệt. Ngoài thơ tự do, thơ văn xuôi cũng được khai thác mạnh. Kể từ tập Bến lạ của Đặng Đình Hưng, giới sáng tác trẻ đã kéo ngôn ngữ thơ đến gần với văn xuôi; và như vậy thơ VN cũng đang bị chất vấn về mặt thể loại: thơ có còn là những câu nhịp nhàng, vần điệu như ngày xưa chăng?
TK: Vậy thì sự giao lưu và mở rộng hiện nay sẽ mang lại cho thơ ca những kết quả gì?
CP: Tôi thấy ngoài mặt tốt của giao lưu mở rộng với những mạng hợp tác như tôi vừa trình bày thì thơ VN hôm nay cũng đứng trước một mối đe dọa: đó là sự toàn cầu hóa. Như chúng ta đã biết, văn hóa các nước hôm nay không tránh được xu hướng tất yếu ấy. Thế giới ngày càng nhỏ lại, sự trao đổi về văn hóa ngày càng chặt chẽ. Toàn cầu hóa đúng ra phải là một Tin Mừng cho chúng ta. Nhưng ở góc độ quan sát của tôi, đặc biệt là ở Mỹ, sự toàn cầu hóa này mà tôi gọi là toàn cầu hóa một chiều, phần lớn đã diễn ra, hoặc đang diễn ra dưới lá cờ Hoa Kỳ, và ngôn ngữ cũng như sách báo bằng tiếng Anh. Giới học thuật của Mỹ đã dùng từ anglo-globalism, nghĩa là chủ nghĩa văn hóa được phát biểu hoặc thể hiện chủ yếu bằng tiếng nói và văn hóa Anh - Mỹ.
Chúng ta không được quên rằng tiếp thu văn hóa là một quá trình công phu vì văn hóa cũng như nghệ thuật mang tính hệ thống rất cao. Đối với người ở nước ngoài trong giai đoạn di dân còn rất ngắn, sự tiếp nhận ấy vẫn chắp vá mặc dù có cố gắng học hỏi. Sự vá víu ấy gần đây được thể hiện ở một vài sự kiện: chẳng hạn trên tạp chí Thơ vài năm gần đây có một nhóm cổ xúy Tân Hình Thức. Họ gần như không biết rằng trên nền lục địa rộng lớn của văn hóa Mỹ, cộng thêm những nước sáng tác bằng Anh ngữ hiện nay, chúng ta có nhiều dòng thơ lớn nhỏ và hàng trăm trường phái. Nhưng trên tạp chí Thơ độc giả chỉ thấy Tân Hình Thức, và giới sáng tác thơ trong nước nếu thiếu thông tin sẽ có cái nhìn bị bóp méo về thơ trong thế giới nói tiếng Anh.
Mặt khác về sự tiếp thu về lý luận, sự tiếp thu này cũng khá gấp gáp, đại biểu là những người đề xướng học thuyết hay lý thuyết hậu hiện đại, loại lý thuyết cóp nhặt từ tư tưởng Pháp của thập niên 70-80 thế mà bây giờ lại được đề cao ở các đại học Mỹ! Người VN nếu chỉ đọc qua các tài liệu của các đại học Mỹ thì không thấy được, thứ nhất là nguyên ủy xuất phát của nó, thứ hai là vị thế của lý thuyết đó giữa bao nhiêu là học thuật và tư tưởng đa dạng khác của thế giới ngày nay. Theo tôi đó là những sự vá víu, gấp gáp trong quá trình học hỏi văn hóa trong giai đoạn toàn cầu hoá, và các nhà thơ VN phải có ý thức về điều đó nếu muốn tìm một bản sắc riêng.
TK: Để kết luận cho buổi nói chuyện hôm nay xin anh cho biết ý kiến riêng của anh về nền thơ ca VN hiện nay, nhất là thơ trẻ?
CP: Khi đọc những nhà thơ trẻ hôm nay tôi không thấy nhiều các quan tâm về bản sắc VN và bản sắc Đông Á. Vì dù muốn dù không, chúng ta vẫn nằm trong một truyền thống lớn, đó là truyền thống Á Đông. Năm nay tôi sang Pháp nhằm vào năm mà nước Pháp gọi là "Année de la Chine", có nghĩa là năm trao đổi văn hóa với Trung Hoa. Một nước biết quí trọng văn hóa như Pháp lúc nào cũng quan tâm đến những di sản lớn của thế giới mà văn hóa Trung Hoa và văn hoá Á Đông là một di sản vĩ đại. Thế mà người VN lại có vẻ lãng quên cái sở trường của mình mà chạy theo những xu hướng, theo tôi dù là của Âu-Mỹ nhưng dù sao vẫn còn mới. Nếu tìm hiểu về văn hóa Á Đông một cách có hệ thống hơn và chịu khó học hỏi, điều đó theo tôi sẽ đóng góp rất tốt cho sự sáng tạo thơ ca VN.
Thụy Khuê thực hiện (21 tháng 08, 2004)