- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

145 NĂM TẦM NGUYÊN TRUYỆN KIỀU

01 Tháng Mười Một 201510:46 SA(Xem: 37445)

                                

KhucDan-tranh NgocMai(VIETNAM.NET)
Tranh Ngọc Mai - (Vietnam.net)



        

          Kiệt tác Truyện Kiều (Kim Vân Kiều truyện, Đoạn trường tân thanh) của đại Thi hào Nguyễn Du (1765 - 2015)  ngay từ khi ra đời (khoảng cuối thế kỷ 18 hay đầu thế kỷ 19), nhất là sau khi được danh sĩ Phạm Quý Thích, người giao du thân tình với Nguyễn Du đọc và cảm tác thành bài thơ nổi tiếng“Thính đoạn trường tân thanh hữu cảm”, liền trở thành một tác phẩm thi ca nổi danh vang dội khắp trong và ngoài nước Việt Nam từ đó đến nay. Từ cuối thế kỷ 19 đến thế kỷ 20, đa số các học giả, nhà biên khảo, tiêu biểu nhất là Trương Vĩnh Ký, A. Michels, E. Nordemann, Kiều Oánh Mậu, Chiêm Vân Thị, Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Vĩnh, Bùi Khánh Diễn, Lê Văn Hòe, Tản Đà, Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Thạch Giang, Đào Duy Anh thường công bố các công trình phiên âm, chú giải, khảo dị Truyện Kiều theo tập truyền “nhuận sắc”: Lấy một hay nhiều bản Nôm xưa, cho là đáng tin cậy để đối chiếu, tuyển chọn thậm chí còn tạo ra từ, câu mới một cách chủ quan theo thẩm mỹ của mình nhằm tạo ra một bản riêng mới. Dĩ nhiên, hệ quả không tránh khỏi là tạo ra rất nhiều các dị bản Truyện Kiều và sự truyền bá mỗi thời, mỗi nơi mỗi khác như đã từng xảy ra với các bản Truyện Kiều của Trần Trọng Kim – Bùi Kỷ (miền Nam), Đào Duy Anh (miền Bắc). Người sau không biết đâu là bản chính, tiêu chuẩn để thưởng thức, đánh giá và giảng dạy, học tập cũng như nghiên cứu, phiên dịch một cách khoa học.

         Do đó, một vấn đề bức thiết, nan giải đã luôn tồn tại và đeo đẳng các nhà biên khảo, phiên âm, phiên dịch Truyện Kiều từ hơn 1 thế kỷ nay đó là: vì nguyên bản (thủ bút gốc) của Nguyễn Du cho đến nay đã tuyệt tích không còn hy vọng tìm thấy và chỉ mong sao tìm lại được một văn bản chữ Nôm gần nguyên tác nhất của Nguyễn Du như Dự án “Phục nguyên văn bản Truyện Kiều được đồng thuận cao” của Hội Kiều học Việt Nam đã đề ra nhằm hướng tới Kỷ niệm 250 năm ngày sinh đại Thi hào nguyễn du (1765 - 2015) và vinh danh đại Thi hào dân tộc Nguyễn Du[1]. Bài viết này sẽ lược thuật quá trình tầm nguyên văn bản Truyện Kiều từ xưa đến nay và chúng tôi cũng xin gợi ý, phác thảo một phương pháp phục cổ văn bản Truyện Kiều với hy vọng có khả năng gần với nguyên tác.

 

1. 145 năm tầm nguyên văn bản Truyện Kiều          

         Dấu chứng đầu tiên về sự tìm kiếm nguyên tác của Nguyễn Du có lẽ là từ quan Bộ Công Nguyễn Hữu Lập tự Nọa Phu, với lời tựa Đoạn trường tân thanh do ông sao chép và san cải vào năm 1870 đã thuật lại: “Gần đây được thấy quyển truyện Kim Vân Kiều do Lương đường Phạm Lập Trai đề từ với các lời bình của Liên Trì ngư giả Vũ Trinh và Châu Sơn tiều lữ Nguyễn Lượng. Truyện này xuất xứ từ chính thủ bút của Hồng Sơn liệp hộ Nguyễn Du Tố Như ông được lưu truyền từ 50 năm nay, kể lại câu chuyện phong tình với lời văn thật điêu luyện (…)  Nay biết đó chính là phong tình đích thực của Tố Như.”[2]. Nguyễn Hữu Lập tự nhận đã “san cải” lại vì thấy có những chỗ chưa được thuần nhã, cần phải luyện đạt đôi chữ.

         Năm 1915, cụ Phạm Kim Chi nhân việc thông ngôn ở Hà Tĩnh, cụ đã mượn được bản gia truyền của dòng họ Nguyễn Du là bản Nôm Kim Túy tình từ (có chú thích Hán văn của chính Nguyễn Du) từ Tiến sĩ Nguyễn Mai, cháu 5 đời của Nguyễn Du lưu giữ, rồi ông cho phiên âm, dịch nghĩa ra tiếng Việt in thành sách Kim Túy tình từ [3] (bản in năm 1917). Cụ Nghè Mai cũng đã viết bài tựa bằng chữ Hán vào năm Duy Tân thứ 9 (1915). Bản Kiều này thường được gọi là “bản Phạm Kim Chi” hay “bản Tiên Điền”

         Trong lời tựa sách Truyện Thúy Kiều[4]1925, Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim đã bày tỏ chủ ý là lấy bản Phường làm cốt, muốn giữ cho đúng như các bản cũ khi nhặt nhạnh các bản cũ rồi so sánh với các bản mới để hiệu chính lại cho gần được như nguyên văn, chứ không phải muốn cho hay hơn thì có lẽ không sai lầm bao nhiêu. Vậy là hai cụ đã cố gắng cẩn trọng giữ nguyên lời, nguyên văn của Nguyễn Du.

        Nhà nghiên cứu Hán nôm Vũ Văn Kính đã hướng tới phục nguyên tác phẩm Truyện Kiều qua công trình Tìm nguyên tác Truyện Kiều [5], theo lời giới thiệu của tác giả thì công trình này được biên soạn từ trước năm 1975. Với phương pháp hiệu khảo dựa trên lý thuyết cấu trúc kết hợp với hiệu đính cổ điển tác giả hy vọng có thể khôi phục nguyên tác Truyện Kiều, tác giả đã dựa vào 3 bản chữ Nôm: bản Kiều Oánh Mậu. 1902; bản Quan Văn Đường. 1925; bản Duy Minh Thị. 1879 và 5 bản Quốc ngữ: bản Bùi Kỷ –Trần Trọng Kim; bản Tản Đà; bản Bùi Khánh Diễn; bản Lê Văn Hòe; bản Phạn Kim Chi để kết hợp thành một bản Truyện Kiều đúng nguyên tác.

         Năm 1965, nhóm Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Sĩ Lâm, Nguyễn Đức Vân biên soạn Truyện Kiều, đã đặt vấn đề truy tìm văn bản cổ Truyện Kiều và tra cứu, hiệu đính lại văn bản Truyện Kiều tương đối gần với nguyên tác. Chủ yếu dựa vào 3 bản chính: Kim Vân Kiều tân truyện, Liễu Văn đường. 1871, Kim Vân Kiều tân truyện của Trương Vĩnh Ký.1875, Đoạn trường tân thanh, Kiều Oánh Mậu.1902. Đào Duy Anh cho ra đời bản Truyện Kiều in trong phần Phụ lục của  Từ điển Truyện Kiều năm 1974[6] (bản thảo xong vào năm 1965), theo “Lời đầu sách” của tác giả, bản Truyện Kiều này đã được hoàn thành sau khi đối chiếu chỗ dị đồng của bản Liễu Văn đường (1871), bản Quốc ngữ của Trương Vĩnh Ký và tham dụng các bản khác.

        Năm 1996, Đài RFI (Pháp) có buổi phóng vấn Hoàng Xuân Hãn, nghiên cứu Kiều do Thụy Khuê thực hiện [7]. Theo đó, Học giả Hoàng Xuân Hãn đã cho biết cụ chỉ chú trọng vào mấy bản truyện Kiều chữ Nôm khoảng đời Tự Đức, quan trọng là bản Nôm chép tay xưa nhất còn lại: “Trong các bản, có một bản ở trong Nam thấy đương còn những dấu vết hoàn toàn đời Gia Long. Không có đời Minh Mạng. Thì mình chắc chắn bản ấy người ta sao lại một bản từ đời Gia Long” rồi tiến hành hiệu khảo, đính ngoa nhằm “tái lập văn Kiều đời xưa” hay là “nguyên lời Nguyễn Du” và cụ Hãn gọi là: bản Kiều Tầm Nguyên, tìm cái gốc”. Tuy cụ Hãn cho biết đã nghiên cứu Kiều nửa thế kỷ nhưng mãi đến năm 1996 cụ mới tiết lộ phương pháp khảo cứu của mình. Từ khi cụ Hoàng Xuân Hãn tạ thế cho đến nay, việc xuất bản di cảo nghiên cứu Kiều của cụ vẫn còn dang dở.

         Sau khi cụ Hoàng Xuân Hãn đưa ra phương pháp nghiên cứu Truyện Kiều tầm nguyên, một phong trào đi tìm bản Nôm cổ Truyện Kiều đã được khởi phát. Ở hải ngoại, Nguyễn Bá Triệu (Mỹ) đã mượn được bản Nôm Đoạn trường tân thanh do Nguyễn Hữu Lập san cải, chép tay năm 1870 (bản này do Đàm Quang Hưng phát hiện) để biên soạn  Truyện Kiều - Chữ Nôm và khảo dị [8] xuất bản vào năm 1999. Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đã nhận được bản sao Kim Vân Kiều tân truyện do Duy Minh Thị đem khắc in tại Phật Trấn – Việt Đông bên Trung Quốc năm 1872 từ nhà nghiên cứu Alexandre Lê ở Pháp rồi tiến hành hiệu khảo, đính ngoa theo phương pháp khoa học hiện đại về văn bản, ngữ học và xuất bản sách Tư liệu truyện Kiều: Bản Duy Minh Thị[9] vào năm 2002. Tác giả đánh giá là bản Nôm cổ quý giá nhất.

        Vào năm 2002, nhà nghiên cứu Truyện Kiều, Nguyễn Quảng Tuân đã qua Paris, vào Thư viện Liên trường Đại học Ngôn ngữ Đông phương đã tìm được bản Nôm Liễu Văn Đường 1871, đời Tự Đức thứ 24 và đã cho ra đời sách Truyện Kiều – Bản Nôm cổ nhất Liễu Văn đường 1871 [10]do ông phiên âm và khảo dị. Năm 2004, ông phó giám đốc Thư viện Nghệ An Đào Tam Tỉnh tình cờ tìm thấy tại gia đình thầy Nguyễn Thế Quang (Thanh Chương, Nghệ An) một bản khắc in Kim Vân Kiều tân truyện do nhà tàng bản Liễu Văn Đường xuất bản năm 1866, đây là bản Nôm thuộc hàng cổ nhất hiện nay và Nguyễn Quảng Tuân đã dựa vào để phiên âm, khảo dị và biên soạn sách Truyện Kiều - Bản Nôm Cổ Nhất 1866 [11] cùng năm 2004, nhưng do bản này bị mất 18 tờ (36 trang gồm 864 câu) nên soạn giả đã bổ khuyết bằng các trang của bản Nôm cùng nhà in là Liễu Văn Đường 1871.

          Cũng vào năm 2004, nhà nghiên cứu Truyện Kiều Nguyễn Khắc Bảo và Nguyễn Trí Sơn phiên âm khảo đính bản LVĐ1866 để ra đời cuốn Truyện Kiều: Bản cổ nhất - khắc in năm 1866. Liễu Văn Đường - Tự Đức thập cửu niên [12], các tác giả đã lấy bản Nôm Thịnh Mĩ Đường 1879 để bổ khuyết những trang bị mất của bản LVĐ 1866. Sau đó đến năm 2009 Nguyễn Khắc Bảo khai triển và biên soạn cuốn Truyện Kiều – Văn bản hướng tới phục nguyên [13], cũng kết hợp 2 bản LVĐ 1866, TMĐ 1879 lại thành 1 bản cổ và tham chiếu trên 40 văn bản chữ Nôm, Quốc ngữ nhằm phục nguyên Truyện Kiều với rất nhiều từ cổ được xem là gần lời Nguyễn Du.

        Nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Thạch Giang xuất bản sách  Đoạn trường tân thanh – Bản khắc năm 1834 [14] vào năm 2005. Tác giả phiên khảo, đối chiếu, khảo dị với các bản Nôm Quan Văn Đưởng 1906 và bản Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim.

         Năm 2006, nhà nghiên cứu Hán Nôm Đào Thái Tôn, ngược lại với Nguyễn Tài Cẩn, lại lấy bản LVĐ 1871 được đánh giá là bản tiêu biểu của Truyện Kiều hệ Thăng Long ít bị nhuận sắc nhất để  biên soạn sách Nghiên cứu văn bản Truyện Kiều - bản Liễu Văn Đường năm 1871[15], tác giả vận dụng phương pháp văn bản học và  ngữ âm lịch sử - đính ngoa để trả lại “nguyên lời Nguyễn Du”.

         Năm 2013, Tiến sĩ Phan Tử Phùng đứng ra chủ biên sách Truyện Kiều Bản UNESCO. Quốc ngữ - Nôm đối chiếu [16], cùng hợp soạn có Phan Văn Các, Thế Anh, Nguyễn Khắc Bảo, Trần Thế Hào, Trần Đình Tuấn. Sách này được biên tập mới theo các tiêu chí đã được giới thiệu trong hồ sơ khoa học của Ban vận động đệ trình UNESCO, đề nghị vinh danh Nguyễn Du  nhằm chào mừng sự kiện Nguyễn Du, nhà thơ lớn, nhà văn hoá lớn của Việt Nam được UNESCO vinh danh. Sách chủ yếu lấy nội dung các bản Kiều Nôm cổ làm căn cứ, lấy tính phổ cập, tính lan tỏa rộng của Truyện Kiều và lấy sự trong sáng, rõ ràng của văn phong tiếng Việt làm tiêu chí để biên tập. Trong Tạp chí Hán Nôm, số 1/2013, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Cường đã có bài viết Phác thảo phương hướng biên khảo bản Truyện Kiều tầm nguyên tập giải trong điều kiện mới, tác giả đã tuyển chọn các văn bản cổ như LVĐ 1866, NHL 1870, LVĐ 1871, DMT 1872, Tăng Hữu Ứng 1874 để làm bản trục và tham chiếu nhiều bản Nôm và Quốc ngữ (kể các các bản dịch tiếng nước ngoài) với tiêu chí phiên Nôm chuẩn xác chữ Nôm theo ngôn ngữ của thời đại Nguyễn Du, chọn lựa các chú giải giá trị mang tính “cộng đồng”, kết hợp phân tích tâm lý, thi pháp và liên ngành: lịch sử, văn hóa, Nho giáo…, đối chiếu nguyên truyện.

          Năm 2015, hướng đến kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du, Hội Kiều học Việt Nam và Nhà xuất bản Trẻ ấn hành sách Truyện Kiều[17] (Ấn bản kỷ niệm 250 năm năm sinh đại Thi hào Nguyễn Du). Sách mới chỉ phát hành phục vụ hội thảo quốc tế về Nguyễn Du do Viện Hàm lâm Khoa học Xã hội và UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng tổ chức ngày 8/8/2015. Tập thể tác giả trong Ban văn bản Truyện Kiều gồm, Thế Anh, Nguyễn Khắc Bảo, Nguyễn Văn Hoàn, Hoàng Xuân Khóa, Vũ Ngọc Khôi, Nguyễn Hữu Sơn,  Trần Đình Sử, Vương Trọng đồng biên soạn, hiệu khảo và chú giải dựa vào 8 bản Truyện Kiều chữ Nôm mà họ cho là đáng tin cậy. Các tác giả không chấp nhận việc đưa vào Truyện Kiều những chữ, những từ mới chưa từng có trong các văn bản Nôm đáng tin cậy trước đây và việc hiệu khảo phải căn cứ vào các bản Nôm khắc in ngay trong thế kỷ XIX, cụ thể là các bản Liễu Văn Đường, Thịnh Mỹ Đường, Quan Văn Đường, Duy Minh Thị…Bản ảnh ấn Truyện Kiều phần chữ Nôm căn cứ theo thủ bút được cho là của Tam nguyên Vị Xuyên Trần Bích San (1838-1877), in lại trong Truyện Kiều tập chú của  Trần Văn Chánh do nhà Hán Nôm học Thế Anh hiệu chỉnh.

- Nhận định chung:

       Các công trình san cải, biên khảo trên về phục nguyên Truyện Kiều từ 145 năm qua (1870 đến 2015), có thể phân thành 2 loại: 1/ Chọn một văn bản Kiều chữ Nôm xem là bản gốc (hay bản sao nguyên gốc) từ chính thủ bút của Nguyễn Du để san cải, nhuận sắc và phiên âm, chú thích hoặc lấy bản Kiều  có niên đại cổ nhất hiện nay làm bản cốt yếu để hiệu khảo, đính ngoa và tham chiếu các bản Nôm, Quốc ngữ khác để có thể phục nguyên được nguyên lời, nguyên ý Truyện Kiều của Nguyễn Du. 2/  Tuyển chọn mấy bản Nôm Kiều cổ gần với nguyên tác nhất, có tầm quan trọng, tiêu biểu và tham chiếu tất cả các bản Nôm, Quốc ngữ khác để tiến hành phục nguyên lại Truyện Kiều. Ngoài tập truyền nhuận sắc, san cải quen thuộc của nhà Nho xưa, nói chung các tác giả hiện nay về phương pháp khảo cứu, đều chịu ảnh hưởng phương pháp của Học giả Hoàng Xuân Hãn: Chú trọng về giá trị bản Nôm xưa và gần nguyên tác nhất, áp dụng phép kỵ húy để xác định niên đại văn bản, đính ngoa lại chữ Nôm, từ cổ trong Truyện Kiều theo ngữ âm lịch sử và đối chiếu 2 bản Kim Vân Kiều chữ Hán gốc với bản chuyển thể chữ Nôm của Nguyễn Du để tìm lại nguyên lời, ý của nguyên tác Truyện Kiều.

        Tuy nhiên, do mỗi nhà mỗi ý, thuận theo tri thức, phán đoán của mình nên đã xảy ra nhiều mâu thuẫn, chưa đi đến nhất trí về văn bản học để chọn văn bản Nôm nào xứng đáng hơn hết làm bản chính (bản trục). Bản NHL 1870 tuy là bản chép tay từ thủ bản của Nguyễn Du nhưng đã được san cải, nên khó biết chắc đâu là nguyên gốc và nhuận sắc nếu không đối chiếu kỹ lưỡng các bản Kiều xưa nhất hiện còn. Có bản được xem là gần nguyên tác nhất như bản PKC 1915, bản NTG 1834 nay không mấy ai tin tưởng vì không có chứng cứ văn bản chữ Nôm xác đáng về niên đại và ngay cả bản Kiều Nôm chép tay mà cụ Hoàng Xuân Hãn tin cậy thì hiện vẫn chưa ai tìm thấy mà có vẻ như đó cũng chính là bản DMT 1872 và bản này Nguyễn Tài Cẩn đã đánh giá là bản cổ nhất (thời điểm bản LVĐ 1866 chưa được khám phá). Chúng tôi đồng thuận với kết quả nghiên cứu rất thuyết phục của Đào Thái Tôn về DMT 1872 khi ông đánh giá là không đáng tin cậy và không xứng là bản Nôm cổ gần nguyên tác Truyện Kiều. Bản xưa nhất hiện nay có niên đại chính xác vẫn là bản LVĐ 1866 nhưng tiếc rằng bị thiếu mất 18 tờ nên Nguyễn Quảng Tuân đã dùng LVĐ 1871 để bổ khuyết còn Nguyễn Khắc Bảo chỉ bổ khuyết các trang thiếu của LVĐ 1866 bằng bản TMĐ 1879. Trong khi đó Đào Thái Tôn nhất định chỉ lấy LVĐ 1871 làm bản chính. Nhóm Phan Tử Phùng, Nguyễn Tuấn Cường ngược lại đã tuyển chọn một số văn bản chữ Nôm tiêu biểu, xưa nhất còn lại làm  bản trục rồi tham chiếu các bản khác (Nôm, Quốc ngữ) với tinh thần tích hợp. Riêng Hội Kiều Học đã dựa vào thủ bản Truyện Kiều chữ Nôm theo lời của cụ Giản Chi là do ông nội lưu lại, tương truyền là của Trần Bích San không phải là một văn bản có xuất xứ, niên đại đáng tin cậy.[18]

         Một khi chưa nhất trí cao về bản trục thì làm sao có thể tính đến giá trị khoa học của công việc hiệu khảo, hiệu đính, đính ngoa theo mục đích tái lập nguyên lời và ý của Nguyễn Du? Cho nên theo chúng tôi, trước hết cần thiết phải xác định thuyết phục văn bản Truyện Kiều chữ Nôm nào hội đủ điều kiện về văn bản học có niên đại chính xác và gần nguyên tác nhất.

 

2. Phác thảo Truyện Kiều phục cổ - Kim Vân Kiều truyện  金 雲 翹 傳

        Mọi người đều biết, kể từ khi Truyện Kiều ra đời và phổ biến, đã có rất nhiều dị bản xuất hiện và nảy sinh rất nhiều câu chữ dị biệt do truyền thống đính ngoa, nhuận sắc tự do của mỗi nhà. Nguyên gốc bản thảo của Nguyễn Du nay vẫn chưa tìm thấy, nếu tính từ năm 1820 sau khi Nguyễn Du qua đời cho đến năm 2015 (Truyện Kiều được xuất bản mới nhất) đã là 195 năm, gần  hai thế kỷ qua thì sự dị biệt so với nguyên tác rất là lớn, nhưng nếu chỉ tính từ 1820 đến 1866 là năm nhà tàng bản Liễu Văn Đường khắc in Kim Vân Kiều tân truyện (bản xưa nhất hiện nay) là 46 năm, nếu tính bản chép tay Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Hữu Lập năm 1870 là 50 năm và  bản khắc Liễu Văn Đường 1871 sẽ là 51 năm, nói chung 3 văn bản này chỉ cách xa năm mất của Nguyễn Du là khoảng nửa thế kỷ mà thôi. Như vậy: thời gian càng xa với thời điểm 1820 bao nhiêu, sẽ có càng nhiều dị biệt, sai lệch phát sinh bấy nhiêu và ngược lại, thời gian càng gần với thời điểm 1820 bao nhiêu thì sự dị biệt, sai lệch càng ít đi so  với nguyên tác bấy nhiêu. Đây là một sự thật hiển nhiên, nhưng rất quan trọng mà hầu hết mọi nhà đã lãng quên.

          Do đó chúng tôi chỉ chọn 3 văn bản cổ hiện còn có niên đại chính xác là LVĐ 1866, NHL 1870, LVĐ 1871[19] (xem hình)[20] làm văn bản

KieuHINH 20-dvt

cốt yếu[21] để hiệu khảo và lấy sự kết hợp của 2 bản LVĐ 1866 và LVĐ 1871, sau khi đã bổ khuyết, đính ngoa giữa 2 bản và tham chiếu bản NHL 1870 để mong có thể tái lập lại toàn vẹn bản LVĐ 1866. Hai bản LVĐ 1866 - 1871 cùng nhà tàng bản khắc in cách nhau 5 năm và đã được các nhà nghiên cứu (Nguyễn Quảng Tuân, Thế Anh…) xác nhận không khác nhau mấy về câu và chữ, có thể bổ khuyết và hiệu đính lẫn nhau để tái lập 1 bản hợp nhất. Nếu so với các bản Nôm khác sau chúng thì sự biến đổi, sai lệch cũng ít hơn  nên có thể được xem là đại diện cho bản Nôm gần nguyên tác nhất. Bản chép tay của nhà Nho Nguyễn Hữu Lập ở kình thành Huế có niên đại 1870, là một bản trung gian giữa thời kỳ 1866 – 1871 cũng là bản quan trọng để giúp nhận ra những chỗ nhuận sắc, san cải của Nguyễn Hữu Lập. Bản NHL 1870, có thể nói là bản tiêu biểu đầu tiên cho sự biến đổi, phân lập thành hai hệ văn bản: 1/ Hà Nội (hay còn gọi là bản Phường)  và 2/ Huế (hay còn gọi là bản Kinh) và từ đây lại phân rẽ thành một hệ khác đó là hệ Miền Nam, đại diện là bản DMT 1872, là bản chịu ảnh hưởng sâu sắc của 2 hệ Hà Nội và Huế.

         Một khi đã xác định được 3 văn bản cổ để làm bản cốt yếu (bản nền, trục) là các bản LVĐ 1866, NHL 1870, LVĐ 1871, việc đầu tiên và quan trọng nhất chính là phiên âm chuẩn xác cùng với việc đính ngoa chữ Nôm có tham chiếu cách phiên Nôm của các học giả tiền bối, quan trọng nhất là các bản quốc ngữ Truyện Kiều của Trương Vĩnh Ký, Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh vì các bản này rất phổ biến từ Bắc chí Nam và các tự điển, tự vị xưa như của Đắc Lộ, Béhaine, Taberd, Huỳnh Tịnh Paulus Của, Génibrel…. Tuy vậy, chúng tôi nhận thấy vẫn tồn tại những chữ Nôm, từ cổ trong Truyện Kiều mà hiện nay vẫn chưa hoàn toàn thuyết phục, vẫn còn nhiều tranh cãi, do đó cần thiết phiên âm, đính ngoa lại. Việc tham chiếu các bản Nôm và Quốc ngữ  khác chỉ chú trọng vào tiêu chí làm sao phục hồi được nguyên lời và ý của Truyện Kiều ở thời đại tác giả Nguyễn Du (1765 - 1820) chứ không phải là tuyển chọn cách đọc, nhuận sắc nào hay nhất rồi ghi nhận một cách máy móc[22]Sau khi đã đọc Nôm, đính ngoa chuẩn xác 3 bản cổ (1866 – 1871) chúng tôi sẽ tiến hành bổ khuyết, phục chế lại bản LVĐ 1866 đã bị mất 18 tờ bằng 864 câu ở bản LVĐ 1871. Có thể xác định những câu chữ của LVĐ 1871 dùng để phục hồi LVĐ 1866 là chính xác nếu đối chiếu với NHL 1870. Không có dấu vết chứng tỏ LVĐ 1871 đã tham khảo bản NHL 1870 vì sau khi Nguyễn Hữu Lập sao chép Truyện Kiều, hoàn thành vào sau tiết Trung Thu (tháng 8) năm 1870 ở  Bộ Công, Huế (ghi cuối lời tựa) thì phải một thời gian khá lâu sau mới phổ biến và bản DMT 1872 đã chứng tỏ sự ảnh hưởng này. Hệ văn bản Huế đã ảnh hưởng vào miền Nam hơn là miền Bắc, các văn bản Hà Nội hầu như độc lập không chịu ảnh hưởng từ hệ Huế (Đào Thái Tôn, Nguyễn Tài Cẩn). Có rất nhiều câu giống nhau giữa NHL 1870 với LVĐ 1866 và 1871, (nhất là ở những trang mà LVĐ 1866 bị khuyết ). Đáng chú ý là bản NHL 1870 có một vài chỗ giống LVĐ 1866 mà không giống LVĐ 1871 nhưng có chỗ lại giống với LVĐ 1871 mà không giống với LVĐ 1866, chứng tỏ cả 3 bản  đã từng tham khảo cùng 1 bản chung nào đó, có thể là rất gần nguyên bản của Nguyễn Du. Những chỗ khác nhau giữa NHL 1870 và LVĐ 1866 – 71 đều do Nguyễn Hữu Lập tự ý nhuận sắc, hay kỵ húy để tạo  ra từ ngữ, câu mới nhưng có nhiều chỗ được khảo dị và ghi là “nhất tác” từ thủ bản của Tố Như. Do đó, từ bản đã phục chế (LVĐ 1866 – 71) trên nếu có những chữ Nôm, từ cổ xem ra không ổn về âm, nghĩa, không thuận với thi pháp, không phù hợp với nguyên truyện chúng tôi sẽ cân nhắc cẩn trọng để dùng  NHL 1870 thay cho một số chỗ cần thiết.

         Chúng tôi gọi là “phục cổ” Truyện Kiều chứ không có tham vọng tầm nguyên hay phục nguyên Truyện Kiều đúng như bản gốc.Phục cổ” là trở về với thời đại cổ xưa, càng gần thời điểm 1820 càng tốt vì như thế mới có hy vọng phục hồi lại gần với nguyên lời, nguyên ý của Thi hào Nguyễn Du. Văn bản Truyện Kiều phục cổ do chúng tôi tái lập sẽ lấy nhan đề khởi thủy do Nguyễn Du đặt là Kim Vân Kiều truyện 金 雲 翹 傳 chứ không lấy nhan đề Đoạn Trường tân thanh hay Truyện Kiều như chúng tôi đã khảo chứng qua bài viết “Nhan đề gốc của truyện Kiều”[23].

 

3. Lời kết

        Suốt hơn một thế kỷ qua, biết bao các học giả, nhà biên khảo đã nỗ lực, dày công truy tìm văn bản Truyện Kiều xưa nhất với hy vọng có thể phục nguyên được một văn bản Truyện Kiều gần với nguyên tác của đại Thi hào Nguyễn Du và được mọi người đồng thuận cao về tính xác thật, khoa học. Nhưng, cho đến nay cũng chỉ dừng lại ở sự tương đối, tạm thời chưa đi đến nhất trí vì đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn, tranh luận giữa quan điểm và phương pháp luận của cá nhân và tập thể. Trước hiện trạng này, chúng tôi xin đề xuất một quan điểm và phương pháp khác với hy vọng góp phần tìm lại được một văn bản Truyện Kiều gần với nguyên tác của Nguyễn Du.

        Để hướng đến một văn bản cổ theo tinh thần “Phục nguyên văn bản Truyện Kiều được đồng thuận cao” của Hội Kiều học Việt Nam, chúng tôi đã phác họa một văn bản Truyện Kiều phục cổ - Kim Vân Kiều truyện dựa vào bản Nôm cốt yếu là LVĐ 1866 và tham chiếu, tích hợp LVĐ 1871, NHL 1870 nhằm phục chế 1 văn bản Truyện Kiều xưa nhất hiện nay, chỉ cách thời điểm đại Thi hào Nguyễn Du qua đời năm 1820 vào nửa thế kỷ. Trong văn bản này, chúng tôi sẽ không du nhập bất cứ từ ngữ, câu cú nào từ các bản Kiều Nôm sau 1871 khác với 3 bản chính yếu trên, dù những nhuận sắc đó có hay hơn. Nếu như sau này phát hiện ra một văn bản trước 1866, thì văn bản Truyện Kiều phục cổ của chúng tôi chắc chắn sẽ có những dị biệt ít hơn nhiều so với các bản từ sau 1871 đến nay. Chúng tôi hy vọng  rằng, với bản  Truyện Kiều phục cổ này, sẽ có khả năng tái hiện lại diện mạo Truyện Kiều vốn có, giữ gần đúng với nguyên lời, nguyên ý của tác giả Nguyễn Du.

ĐINH VĂN TUẤN
(Biên Hòa ngày 30  tháng 10 năm   2015)



Chú thích:



[1] Công văn Số: 701/BVHTTDL-DSVH ngày 06 tháng 03 năm 2013 nguồn:

http://cinet.vn/Documentdetail.aspx?sitepageid=40&documentid=3914

[2] Nguyễn Quảng Tuân (phiên âm – khảo dị), Truyện Kiều - Bản Kinh đời Tự Đức 1870, Nxb. Văn học, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học. 2003

[3] Phạm Kim Chi (sưu tập và chú thích) Kim Túy Tình Từ, Nguyễn Thành Điểm xuất bản, Sài gòn 1917, NXB Tri Tân tái bản năm 1973

[4] Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim (Hiệu khảo), Truyện Thúy Kiều, Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản. (in lần thứ hai, chữa lại rất kỹ và rất đúng với bản Nôm cổ) 1927

[5] Vũ Văn Kính, Tìm nguyên tác Truyện Kiều, NXB Văn Nghệ TP. HCM & TT Nghiên Cứu Quốc Học-1998

[6] Đào Duy Anh, Từ điển Truyện Kiều, Nxb KHXH. 1974

[7] Thụy Khuê-  Hoàng Xuân Hãn, nghiên cứu Kiều, nguồn: http://thuykhue.free.fr/hxh/kieu.html

[8] Nguyễn Bá Triệu, Truyện Kiều - Chữ Nôm và khảo dị, Việt Lang Publishing House, Canada 1999

[9] Nguyễn Tài Cẩn, Tư liệu Truyện Kiều Bản Duy Minh Thị 1872. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội 2002

[10] Nguyễn Quảng Tuân (phiên âm – khảo dị), Truyện Kiều – Bản Nôm cổ nhất Liễu Văn đường 1871, NXB Văn học. 2002.

[11] Nguyễn Quảng Tuân (phiên âm – khảo dị - chú giải), Truyện Kiều - Bản Nôm Cổ Nhất 1866  mới phát hiện, NXB Văn học., Trung tâm Nghiên cứu Quốc học.  2004

[12] Nguyễn Khắc Bảo và Nguyễn Trí Sơn (phiên âm khảo đính), Truyện Kiều: Bản cổ nhất - khắc in năm 1866. Liễu Văn Đường - Tự Đức thập cửu niên, NXB Nghệ An. 2004

[13] Nguyễn Khắc Bảo (Khảo đính và chú giải), Truyện Kiều - Văn bản hướng tới phục nguyên, NXB Giáo Dục Việt Nam,  2009

[14] Nguyễn Thạch Giang (phiên khảo), Đoạn trường tân thanh – Bản khắc năm 1834, NXB VHTT 2005

[15] Đào Thái Tôn, Nghiên cứu văn bản Truyện Kiều - bản Liễu Văn Đường năm 1871, NXB KHXH 2005

[16] Phan Tử Phùng (chủ biên), Phan Văn Các, Thế Anh, Nguyễn Khắc Bảo, Trần Thế Hào, Trần Đình Tuấn, Truyện Kiều Bản UNESCO. Quốc ngữ - Nôm đối chiếu, NXB Lao Động 2013

[17] Theo Nguyễn Đức Cảnh, Truyện Kiều - Ấn bản đặc biệt kỷ niệm 250 năm năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du, nguồn: http://www.thuvienhatinh.org/index.php/gioi-thieu-sach-moi/399-truyen-kieu-an-ban-dac-biet-ky-niem-250-nam-nam-sinh-dai-thi-hao-nguyen-du

[18] Nguyễn Quảng Tuân, Bản Nôm in trong quyển Truyện Kiều tập chú không phải bút tích của Trần Bích San, Tạp chí Hán Nôm số 3/2000

[19] Ba bản Nôm cổ này được lấy từ nguồn http://nomfoundation.org/nom-project/Tale-of-Kieu

[20] Các ảnh bìa LVĐ 1866, 1871 lấy từ nguồn: http://nomfoundation.org/nom-project/Tale-of-Kieu, riêng tờ bìa của NHL 1870, do thủ bản bị rách nát nên Đàm Quang Hưng đã phục chế lại nhưng đã bị Lê Thành Lân, Nguyễn Tuấn Cường  nghi ngờ không đúng gốc, nên chúng tôi chỉ trích trang cuối bài tự của Nguyễn Hữu Lập, có phần lạc khoản và tờ đầu tiên của nội dung Truyện Kiều để thay cho bìa sách, theo Nguyễn Quảng Tuân, Truyện Kiều – Bản Kinh đời Tự Đức – 1870, Nxb Văn học & Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, 2003.

[21] Nguyễn Quảng Tuân trong tham luận Để tìm lại nguyên tác Truyện Kiều (Hội nghị chữ Nôm Quốc tế, Hà Nội. 2004 – Thư viện Quốc gia Việt Nam - Hà Nội) cũng đã đánh giá cao về 3 văn bản cổ này “Với ba bản Nôm cổ ấy, chúng ta có thể  dùng làm tư liệu  để  đối chiếu với các bản quốc ngữ đã được phổ biến rộng rãi mong sao tìm lại được nguyên tác của Nguyễn Du”, nhưng tiếc rằng tác giả chỉ chú trọng vào việc “đối chiếu” chứ không dùng 3 bản này nhằm “tìm lại nguyên tác Truyện Kiều”  như chúng tôi đã phác thảo để tái lập một văn bản tích hợp 3 văn bản cổ đó, có khả năng gần nguyên tác nhất. Quyển Truyện Kiều - Bản Nôm Cổ Nhất 1866 tái bản lần thứ 3 (2013), có sửa chữa kỹ lưỡng theo các bản Nôm cổ  của Nguyễn Quảng Tuân là một bằng chứng và sau này ông không có thêm một công trình nào khác liên quan đến.

[22] Xem Đinh Văn Tuấn, Một vài chữ Nôm và  từ cổ đặc biệt trong Truyện Kiều, Tạp Chí Ngôn Ngữ số 8/2013

[23] Đinh Văn Tuấn, Nhan đề gốc của Truyện Kiều , Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, S. 6(113) (2014)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Hai 20203:57 CH(Xem: 15583)
Việt tộc, nếu tính từ khi lập quốc tại Phong Châu, trong vài ngàn năm tiến về phương Nam, hiện tiếp tục ra đi tới khắp các nẻo đường thế giới, đã tiếp cận hầu hết các nền văn minh nhân loại. Từ hậu Lê, suốt 500 năm biến động đầy sóng gió, với tình hình hiện nay, có thể xem như chúng ta đang ngày càng rời xa khỏi đạo thống Tiên Rồng trải từ thời Hùng Vương đến hai triều đại Lý-Trần, giờ lại còn bị đe dọa tiêu diệt bởi chủ thuyết Mác-Lê. Việt Nam tuy được xem như đã hội tụ hầu hết các tôn giáo và các nền văn minh lớn trên thế giới (Phật, Lão, Khổng, Cơ đốc; Hoa, Ấn, Tây), chúng ta vẫn chưa định hình được một nền văn hoá đặc thù làm nền tảng nhằm thoát Trung, bỏ Cộng để xây dựng đất nước.
16 Tháng Hai 20203:47 CH(Xem: 15077)
Khởi đầu một năm mới đầy biến động, trước anh linh người vừa khuất tôi xin được dâng lên lời cầu nguyện. Nguyện cho mỗi chúng ta từ nay sẽ không là kẻ vô can và ngưng đóng vai khán giả. Bởi tất cả chúng ta dù đang ở vị trí nào hay sinh sống ở nơi đâu đều gắn kết cùng nhau chung một số mệnh - Số mệnh của dân tộc Việt Nam.
25 Tháng Giêng 202011:50 CH(Xem: 15746)
Rồi nhìn về phía Nhà nước, với bao nhiêu công trình xây cất lãng phí hàng tỷ USD, điển hình như cống đập Cửa Ba Lai và các hệ thống ngăn mặn cùng khắp ĐBSCL, có thể nói là một thất bại toàn diện. Sau bài học thất bại của cống đập Ba Lai, và rồi sắp tới đây, là một công trình khác lớn hơn thế nữa: Cái Lớn Cái Bé. Nhà nước nên có sáng kiến thực tiễn hơn: dùng số tiền tỷ USD ấy để xây dựng những dự án thật sự công ích. Khởi đầu là một tỷ USD cho xây một nhà máy khử mặn / Desalination Plant, một tỷ đồng khác xây dựng một nhà máy thanh lọc nước thải / Waste Water Treatment Plant, đó là những gì khẩn cấp nhất mà 20 triệu cư dân ĐBSCL đang thiếu nước ngọt giữa cơn hạn ngập mặn và nguồn nước ô nhiễm trầm trọng như hiện nay. Đó mới thực sự là bước công nghiệp hoá chứ không phải với những túi nhựa chứa nước ngọt đang bán ra cho nông dân mà vẫn được gán cho danh hiệu Công trình Khoa Học & Công Nghệ Cấp Nhà Nước.
23 Tháng Giêng 202012:07 SA(Xem: 15217)
Tiếng khóc ai oán của chị Nhung con cụ Lê Đình Kình - người bị lực lượng cưỡng chế giết chết ở Đồng Tâm - như một nhát dao xuyên suốt tất cả trái tim những ai lắng nghe nó. Cho dù họ là người của chính quyền hay các nhà hoạt động, những người khác hẳn nhau về chính kiến.
14 Tháng Giêng 20205:59 CH(Xem: 15667)
Bài viết này gửi tới 92 vị Đại biểu Quốc hội của 13 tỉnh Miền Tây, mà chúng tôi kỳ vọng quý vị như một toán đặc nhiệm – task force, trong quyền hạn có thể phản ứng nhanh, tạo bước đột phá, tránh được một sai lầm chiến lược trong lưu vực sông Mekong và cả cứu nguy ĐBSCL – vùng mà các vị đang đại diện.
27 Tháng Mười Một 20196:16 CH(Xem: 15366)
Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Phúc lợi và Phát triển Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 10 tại thủ đô Vientiane, ông Khampheng Saysompheng nêu rõ vào khoảng 4 giờ sáng và 7 giờ sáng ngày 21 tháng11 đã xảy ra hai trận động đất độ lớn lần lượt là 5.9 và 6.1 tại huyện Saysathan, tỉnh Xayaburi, giáp biên giới Thái Lan. Ông Saysompheng nói thêm đây là trận động đất mạnh hiếm có và rất nhiều năm mới xảy ra tại Lào.
16 Tháng Mười 20193:08 CH(Xem: 16145)
Ngày 31/07/2019 chính phủ Lào chính thức gửi hồ sơ tới Ủy Hội Sông Mekong / MRC về dự án xây con đập dòng chính Luang Prabang với yêu cầu tiến hành thủtụcPNPCAba giai đoạn: (1) Thủ tục Thông báo / Procedures for Notification, (2) Tham vấn trước / Prior Consultation, (3) Chuẩn thuận / Agreement. Thay vì ra thông báo ngay,MRC đã trì hoãn 7 tuần lễ saumới đưa ra thông cáo báo chí về sự kiện này.Đến ngày 25/09/2019, MRC đãbào chữa cho quyết định im lặng 7 tuần lễ với lý do: “Thông báo của Lào gửi tới chưa đầy đủ để có thể tiếp cận với phần tổng quan của dự án / project overview và lộ trình tham khảo / roadmap for consultation, giúp quần chúng hiểu tốt hơn về dự án và tiến trình tham vấn.” Cũng vẫn ban Thư ký MRC giải thích tiếp,“Học được từ kinh nghiệm, lần này chúng tôi có kế hoạch thông báo chính thức khi có đủ những tài liệu cần thiết để quần chúng và các bên liên quan / stakeholders có thể khảo sát và đóng góp ý kiến cho tiến trình tham vấn thêm ý nghĩa.
27 Tháng Chín 20199:49 CH(Xem: 15921)
Cho dù tên tuổi TNS Jim Webb đang được sôi nổi nhắc tới qua sự kiện lễ vinh danh và an táng 81 bộ hài cốt các tử sĩ Nhảy Dù VNCH vào 26/10/2019 sắp tới – cũng là ngày Quốc Khánh của nền Đệ Nhất Cộng Hòa VN – nhưng với người viết thì Jim Webb còn là một khuôn mặt nổi bật trong giới lập pháp Hoa Kỳ từ hơn một thập niên trước, như một advocate có tiếng nói mạnh mẽ bảo vệ con sông Mekong và cư dân lưu vực:“Hoa Kỳ và cộng đồng thế giới có một cam kết chiến lược và nghĩa vụ tinh thần nhằm bảo vệ sức khỏe và an sinh của cư dân sống phụ thuộc vào con sông Mekong với nguồn tài nguyên và nếp sống của họ.”Senator Jim Webb’s Press Releases 12/ 08/ 2011.
23 Tháng Tám 20199:39 CH(Xem: 16292)
Vậy mà đã 62 năm kể từ khi Liên Hiệp Quốc khai sinh Ủy Ban Sông Mekong [1957] và cũng đã 24 năm từ ngày thành lập Ủy Hội Sông Mekong[1995]. Tính đến nay 2019, Bắc Kinh đã xây xong 11 con đập thủy điện khổng lồ / mega-dams (6,7) chắn ngang dòng chính sông Lancang Jiang, tên Trung Quốc của con Sông Mekong chảy trong lãnh thổ TQ với lượng điện sản xuất đã lên tới 21,300 MW và TQ vẫn đang tiếp tục xây thêm 19 con đập khác; Thái Lan ngoài các con đập phụ lưu, còn có kế hoạch chuyển dòng lấy nước từ sông Mekong, và nay hai nước Lào và Cambodia còn có thêm dự án 12 đập dòng chính hạ lưu. Ngoài ra còn hàng trăm con đập phụ lưu đã và đang xây trên khắp lưu vực Sông Mekong, kể cả trên Cao nguyên Trung phần Việt Nam.
23 Tháng Tám 20197:53 CH(Xem: 16887)
Cách đây không lâu, tôi đọc được bài viết “Ảnh hưởng của thơ Đường đối với thơ mới” của TS Nguyễn Xuân Diện và Trần Văn Toàn trên Tạp chí Hán Nôm số 3 (36) năm 1998, trang 46-53, đăng lại trên blog của tác giả Nguyễn Xuân Diện (http://nguyenxuandien.blogspot.com/2010/10/anh-huong-cua-tho-uong-oi-voi-tho-moi.html). Phải nói đây là một bài viết công phu, tuy chưa lý giải thấu đáo đến mọi khía cạnh của vần đề. Một số vấn đề cần có sự trao đổi thêm. Trước mắt, tôi xin có một vài nhận xét.