Tôi tên An,
Bình An
Tên của tôi là do cha cô ấy đặt.
Sự hiện hữu của tôi là vì cô ấy mà có, tôi là một con robot.
Tôi được chào đời vào một ngày mùa thu thật ảm đạm, lần đầu tiên thức dậy đập vào mắt là bầu trời xám xịt nặng những nước, nhìn xong tôi mới hiểu thấm thía cái cảm giác buồn bã, u sầu thường thấy trong thơ văn.
Các bạn sẽ hỏi tôi làm thế nào một con robot mới được thành hình lại có thể có được cảm nhận như thế?
Các bạn sẽ còn ngạc nhiên hơn nữa bởi vì trong bộ nhớ của tôi tích luỹ có lẽ còn nhiều hơn gấp mấy lần bộ nhớ của các bạn, những người bình thường.
Lần mở mắt đầu tiên, tôi đã có thể biết thế nào là mưa, là nắng, là bốn mùa.
Tôi đã có thể nhận biết biển sâu, núi cao, năm châu, bốn bể và tất cả thủ đô của các nước trên thế giới.
Tôi đã có thể biết kể chuyện cổ tích, hát những bài hát kinh điển, có thể chơi được những bài nhạc classique trên piano.
Tôi có thể dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp và nấu được những bữa cơm mà một cô gái như bạn có lẽ còn thua xa.
Nếu phải lượt ra tất cả những điều đã được cài vào trí óc tôi thì có lẽ bạn cần phải bỏ thời giờ tương đương với đọc một cuốn sách dày cả ngàn trang ấy chứ.
Người tinh ý sẽ thắc mắc "OK, bồ là robot, bố bồ là nhà thông thái thì dĩ nhiên bồ phải biết nhiều hơn tôi, nhưng làm sao bồ có thể có cảm tính như một con người để nhận biết sự buồn bã, u sầu ... thật ra bạn chỉ là đang thuật lại từ sách vở như một con vẹt mà thôi".
Câu trả lời của tôi chắc hẳn sẽ làm bạn không thoả mãn, bởi vì tôi cũng không biết vì sao tôi có thể cảm nhận được sự việc này, cùng là loài người nếu mỗi người nhận biết sự buồn bã khác nhau thì tôi cũng có cảm nhận riêng của một con robot, có thể tôi chưa nhận thức được sâu sắc bằng một con người nhạy cảm nhưng tôi vẫn phân biệt được rõ ràng thế nào là nỗi
buồn, thế nào là niềm vui.
Tôi được sáng tạo thành công vào một ngày như thế, lúc mẹ cô ấy qua đời được 3 tháng, sau những ngày tháng triền miên trên giường bệnh, và cô ấy vừa tròn 3 tuổi.
Bố cô ấy là một nhà khoa học rất bận bịu, ông ấy giao con gái nhỏ cho tôi và một bà vú nuôi.
Nhiệm vụ của bà vú là tắm rửa, lo ngày ba bữa cho cô ấy.
Nhiệm vụ của tôi là kể chuyện cổ tích lúc dỗ cô ấy ngủ, chơi cùng lúc cô ấy thức giấc, dạy cho cô ấy lễ nghĩa ăn, uống, đứng ngồi ... tóm lại sẽ không có một phụ huynh nào tận tuỵ hơn tôi.
Nhưng nếu gánh nặng của bà vú ngày càng nhẹ đi thi gánh nặng của tôi lại ngày càng nhiều hơn, tỷ lệ thuận với số tuổi ngày càng tăng của cô ấy.
11 tuổi, cô ấy đã hỏi tôi "Tại sao người ta lại gọi cuộc đời dâu bể?"
12 tuổi, "Biển nổi sóng to có phải tại lòng nó đang gào thét buồn bã?"
13 tuổi, "Đám mây trên trời kia đôi khi trắng đôi khi xám, anh nghĩ có phải đó cách thể hiện vui buồn của nó không?" ...
Cô ấy có lối suy nghĩ rất lạ, bởi vì một con robot như tôi chỉ nghĩ đơn giản mây trắng trời trong, mây đen trời mưa hay biển nổi sóng vì sắp có giông bão ... thì cô ấy lại cứ suy diễn theo cảm tính mơ mộng, con gái mà mơ mộng sớm quá thật không tốt, trong cuốn sách giáo khoa nào đó đã nói với tôi như thế.
Nhưng biết làm sao, thân là phụ huynh, lại là một con robot, tôi bắt buộc phải đọc không biết bao nhiêu là sách tâm lý, thậm chí cả tiểu thuyết tình yêu, mong phần nào hiểu được tư duy của cô ấy mà nương theo.
Đọc nhiều đến nỗi đôi khi tôi giật mình bởi chính mình, vì càng ngày tôi càng có khuynh hướng suy nghĩ giống y như cô ấy.
Chẳng hạn như khi ngồi ngoài vườn phơi nắng đợi cô ấy đi học về, nhìn ánh nắng chấp chóa trên những khóm lá xanh mởn, tôi lại nghĩ đó là bàn tay của mùa xuân đang vuốt ve mái tóc của nàng ấy.
Chẳng hạn như mỗi khi chiếc phong linh ngân vang lên, tôi lại nghĩ đó là nỗi lòng của gió, mưa thi run rẩy, nắng thì hân hoan, bão tố thì than sầu khóc lóc ...
Tôi đem những ý nghĩ hơi kỳ quặc này hỏi cha cô ấy "Có phải con robot nào cũng có thể có nhận xét như con?", ông ấy mỉm cười vuốt đầu tôi, ánh mắt lóe lên niềm tự hào "Không, con là duy nhất đấy!!!".
15 tuổi, cô ấy nói với tôi cô ấy đã yêu rồi.
Tôi vội vàng đóng vai một người mẹ, căn dặn đủ điều, không được chểnh mảng việc học, không được đi chơi quá đà, không được để con trai lợi dụng ... bla bla và bla bla …
Cô ấy chặn tôi lại, "Em chỉ mới yêu thầm, nhìn anh ấy từ xa thôi"
Rồi ôm lấy cánh tay tôi kể "Em nghĩ anh ấy cũng vậy, cứ nhìn mãi em từ xa"
Đó là cậu bạn học cùng một khối nhưng khác lớp với cô ấy, tôi thầm nghĩ với thời đại hoả tiễn như hiện nay, còn biết yêu thầm, còn biết nhìn từ xa ở cái lứa tuổi 15 quả thật hiếm có, nghĩ vậy tôi cũng an tâm được phần nào.
Nhưng an tâm thì an tâm tôi vẫn quan sát cô ấy hàng ngày, tôi quả thật có ý nghĩ "đứa nào làm con gái không vui tao sẽ bắn chết nó", y hệt một ông bố hạ lưu tầm thường.
Cậu ấy là một cậu bé tốt, nhưng hơi bất nhất, ích kỷ ... luôn muốn cô ấy chỉ quay quanh cậu ta, là một "người" ngoài cuộc tôi nhìn thấy rất rõ, đôi khi cũng muốn nói vào một câu nhưng nhìn cô ấy vui vẻ, rạng rỡ như thế tôi lại không nỡ.
Chỉ những khi cô ấy buồn, đến dựa vào cánh tay tôi nhưng cũng chẳng kể lể nhiều, tôi cũng chỉ biết thở dài vuốt mái tóc mềm mượt của cô ấy an ủi mà thôi.
Cuộc tình đầu cứ thế kéo dài đến khi cô ấy vào đại học, họ không học cùng một trường nhưng cùng một thành phố, họ vẫn gặp nhau nhưng thành phần bạn bè đã thay đổi, mới hơn, có biết bao nhiêu khám phá lạ hơn, cuốn hút hơn ... và cũng như những cặp tình nhân trẻ tuổi khác, họ dần xa nhau hơn.
Tôi đã nhìn ra họ sẽ kết thúc mối tình này từ lâu, và vẫn bình tĩnh chờ đợi, hôm đó cô ấy tựa vào vai tôi khóc tấm tức cả buổi chiều, và tôi vẫn như thế chỉ biết im lặng vuốt lên mái tóc cô ấy thay bao lời an ủi.
21 tuổi, cô ấy yêu lần thứ hai.
Rồi lại nhanh chóng chia tay sau sáu tháng khi tình cờ đi dạo phố bắt gặp quả tang người yêu mình đang hẹn hò với một cô gái khác.
Lần chia tay này, mắt cô ấy ráo hoảnh, chỉ ngồi im lặng bên tôi hồi lâu rồi bảo "chân tình nghĩ cho cùng chỉ có trong sách vở, em không muốn yêu nữa đâu". Tôi vỗ vỗ lên bàn tay đang ôm cánh tay mình gật gù "em còn trẻ lắm, thời gian còn dài".
24 tuổi, cô ấy gặp được hoàng tử trong mộng ở buổi tiệc mừng sinh nhật của cô bạn thân. Những năm sau này, cô ấy đúng là bỏ chuyện yêu đương sang một bên, ngoan ngoãn học xong phần học kỹ sư về kỹ nghệ thông minh nhân tạo, cô ấy muốn theo chân cha thành một nhà khoa học xuất sắc trong lãnh vực này.
Hoàng tử của cô ấy cũng là tinh anh trong lãnh vực này, cậu ta đã mở hãng riêng từ lúc chưa ra trường. Trai gái tài sắc, môn đăng hộ đối, lần yêu đương này rất thuận lợi, nhà trai lẫn nhà gái vô vàn tâm đắc, chỉ một năm sau họ quyết định kết hôn.
Đêm trước ngày hôn lễ, tôi soi mình trong đôi mắt lấp lánh hạnh phúc của cô ấy để thấy một trời hiu quạnh, cuộc đời của tôi từ lúc sinh ra cho đến bây giờ chỉ quay quanh cô ấy, cô ấy là
lẽ sống của tôi, cô ấy đi rồi tôi sẽ còn có thể hữu ích vào việc gì? Tôi sẽ lấp đầy không gian của mình như thế nào? Tôi không biết, chưa biết ... chỉ thấy hoang mang.
Tuần đầu tiên vắng cô ấy, mỗi sáng tôi vẫn như thường lệ dọn điểm tâm rồi gõ cửa phòng gọi cô ấy thức dậy, đứng trước cánh cửa không đóng và căn phòng trống rỗng tôi mới lại nhớ ra. Mỗi chiều lại ra trước sân lóng ngóng chờ cô ấy về. Mỗi đêm lại lên tiếng gọi hỏi cô ấy có muốn uống nước, có muốn ăn khuya ...
Mỗi ngày tôi ra vào như thế trong ngôi nhà lớn hoàn toàn trống vắng, lạnh lẽo.
Cô ấy một tuần gọi điện thoại và một tháng về thăm tôi một lần.
Tôi nhớ cô ấy!!!
Để lấp đầy khoảng trống, tôi nai lưng cật lực chùi dọn nhà cửa sáng bóng không còn một hạt bụi, tôi cong lưng dọn vườn tược cây cảnh, tôi lôi hết tất cả sách báo dồn vào trí óc mình, tôi tự học thêm không biết bao nhiêu là nghề, đi xem không biết bao nhiêu là nơi trên thế giới (dĩ nhiên là qua internet rồi).
Thế nhưng tôi vẫn nhớ cô ấy!!!
Đôi khi tôi tự hỏi tại sao một con robot như tôi lại có thể có nỗi nhớ, đó có phải là do thói
quen hay không? Nhưng thật nực cười vì thói quen cũng là một cảm tính xa xỉ đối với một con robot.
Để chắc chắn tôi tính tháo gỡ những ký ức tôi đã từng có với cô ấy, format đi thì sẽ không nhớ nữa, dĩ nhiên rồi, thế nhưng tôi không nỡ, nếu xoá đi hết những ký ức này thì tôi còn gì?
Và cô ấy phải làm sao những khi buồn? Làm sao tôi còn có thể nhớ ra để còn biết vuốt ve mái tóc an ủi cô ấy?
Dần dần, tôi dành thời gian để ngủ nhiều hơn thức, tôi không muốn quanh quẩn tìm kiếm việc gì đó để lấp đầy nỗi nhớ, nếu con người phải nhờ thuốc ngủ giúp đỡ khi bị dày vò thi giấc ngủ đối với tôi rất dể dàng, tôi chỉ cần tìm một góc nào đó rồi tự để mình qua chức năng "ngủ" một giờ, hai giờ ... hay có thể là cả hai mươi bốn giờ.
Nhưng điều buồn bã ở đây là tôi lại sợ tôi ngủ nhiều quá không nghe được tiếng chuông điện thoại cô ấy gọi, tôi sợ cô ấy không gọi được tôi rồi lần lần sẽ quên tôi đi.
Không hiểu nổi làm sao tôi có thể có được cảm xúc mâu thuẩn này, vừa muốn cô ấy quên lại vừa sợ cô ấy quên, cũng như tôi rất muốn quên cô ấy nhưng lại sợ quên đi thì mình lại chẳng còn gì.
Có lẽ đối với con người, cảm giác ray rứt cũng chỉ là như thế này thôi, phải không?
Người ta bảo thời gian có thể xoa dịu tất cả, vết thương nào rồi cũng sẽ lành lặn, tôi là một con robot, tôi chưa từng biết nỗi đau thể xác, nỗi đau tinh thần ra sao tôi cũng mê man không mấy hiểu, nhưng nếu con người có thể quên đi bao ray rứt theo thời gian thì họ thật may mắn bởi vì tôi nếu muốn quên chỉ có thể xoá bỏ tất cả.
Dạo gần đây tần suất cô ấy về nhiều hẳn, từ một tháng một lần đến một tuần một lần.
Hôm kia cô ấy về, sửa sang cài đặt cho tôi xong lại ngồi dựa vào tay tôi cả buổi chiều, chỉ yên lặng như thế nhưng tôi lại hiểu ngọn ngành vì sao. Tôi đã đọc được ở đâu đó "có được một người hiểu mình tường tận là có được hạnh phúc trên đời", nhưng vì tôi không phải là một người bình thường, tôi không có được cái tư cách mang lại hạnh phúc cho cô ấy.
Hôm sau cô ấy lại về, lần thứ hai trong vòng một tuần mà lại là hai ngày liên tiếp, tôi tin đã có chuyện gì đó xảy ra nhưng không dám hỏi. Khi tôi đang ở trong bếp sửa soạn bữa cơm trưa thi cô ấy đến và vòng tay ôm tôi từ phía sau, tôi nghe cô ấy lẩm bẩm "Sao anh ấy không phải là anh?".
Các bạn chắc hẳn không tưởng tượng nổi, khi nghe xong câu này tôi lại biết thêm một cảm xúc mới, biết thế nào là "lòng trào lên nỗi cay đắng" như trong tiểu thuyết tường thuật, bởi vì không phải "Sao anh không phải là anh ấy?" mà là "Sao anh ấy không phải là anh?", tôihiểu rất rõ sự khác biệt giữa hai câu than thầm nhẹ tựa hơi thở này.
Tôi quay lại ôm cô ấy vào lòng dịu dàng hỏi "Nếu anh ấy là anh, em có yêu được không?".
Cô ấy dụi đầu vào ngực tôi, im lặng không nói nhưng tôi đã rất rõ câu trả lời.
Tôi gọi cho bố cô ấy, thông báo tình hình thực tại và nỗi lo lắng của mình, tôi xin ông tìm hiểu, khuyên nhủ đôi vợ chồng trẻ. Tôi có thể làm tất cả các việc thay ông ấy nhưng việc này tôi hoàn toàn không có đủ năng lực, không có đủ tư cách bởi vì cho dù tôi có làm tốt đến thế nào cũng không thể thay đổi quan niệm của thế gian về những con robot, tất cả dù có thông minh, dù có được một vài cảm xúc hiếm hoi như tôi đã có vẫn chỉ là "người máy" không hơn kém.
Những ngày sau đó, tôi ngủ rất nhiều, chỉ thức dậy mỗi ngày một lần xem xét cửa ngõ, quét đi mớ bụi bám hàng ngày, thâu thập một chút tin tức trong ngày, ngoài ra, tôi không muốn quan tâm đến điều gì khác, cứ sống đúng nghĩa như cuộc sống của một con robot, làm đủ phận sự được phân phối là được rồi.
Có một lần, cô ấy đến và lay tôi dậy, cô ấy bảo không gọi được cho tôi nên rất lo lắng vì vậy mới về xem, tôi bảo "anh thì có thể có chuyện gì, chỉ là cho tay chân nghỉ ngơi tí thôi mà".
Trước mặt cô ấy lúc nào tôi cũng ráng bày ra bộ mặt vui tươi hớn hở nhất (nhưng sự lo ngại của tôi dĩ nhiên là chuyện thừa vì có cố gắng giấu diếm hay không cô ấy cũng không thể nào phân biệt được vui buồn trên bộ mặt tôi).
Nếu lòng tham con người là vô đáy, đã có được một điều mơ ước lại muốn có nhiều hơn thì vì sao tôi, một con robot, lại có thể không hài lòng với việc cô ấy đối tốt với tôi mà còn muốn hơn thế? Tôi biết vì sao tôi ngày càng ủ dột, lại không biết bày tỏ cùng ai, mà nếu có ai đó để bày tỏ đi nữa nói ra chỉ tổ làm cho người ta phải cười đến vỡ bụng.
Tôi cứ sống chênh vênh như thế, mỗi ngày giam mình trong sự "đau khổ không nên lời" của mình cho đến ngày bố cô ấy (mà cũng là cha tôi) qua đời.
Cô ấy không khóc nhiều, nghĩ cho cùng cô ấy từ nhỏ cho đến lớn với cha không gần gũi, nhưng tôi lại rất lo lắng, bởi vì kể từ giờ phút này chỉ còn tôi là gia đình "ruột rà" của cô ấy, tôi không thể nào tiếp tục sống một cách chênh vênh, vô trách nhiệm như những ngày tháng trước đây nữa.
Không thể chờ cô ấy mỗi tuần gọi một lần, mỗi ngày tôi chủ động gọi điện hỏi thăm sức khỏe, công việc, cuộc sống thường nhật. Mỗi tuần tôi đến thăm, giúp cô ấy dọn dẹp, nấu những món ăn mà cô ấy thích nhất, chăm chú nghe cô ấy chia sẻ bao nhiêu niềm vui, đưa bờ vai cho cô ấy dựa lên bao nhiêu nỗi buồn.
Tôi chợt nhận ra, khi cô ấy vui vẻ, tâm hồn tôi cũng trở nên thanh thản, nhẹ nhàng. Khi cô ấy buồn, tôi sẽ cố gắng đem chính cái tên của mình mang lại an bình cho cô ấy.
Tôi chợt hiểu ra nỗi yêu thương bao la và niềm tin vô bờ mà cha cô ấy đã rót vào tôi, từ đơn thuần là một cái tên cho đến những cảm xúc ngỡ đâu là điều kỳ diệu, cá biệt bỗng chốc bừng sáng thật rõ ràng.
Tôi biết, sẽ chẳng bao giờ tôi còn có ý nghĩ xóa hết ký ức cho dù mai này tôi sống trong tuyệt vọng hay hạnh phúc, bởi vì còn có lẽ sống, còn có mục đích đó chính là ý nghĩa của cuộc đời, bởi vì nỗi tuyệt vọng hay niềm hạnh phúc không bao giờ là vô hạn, có sinh ắt có diệt, có buồn bã mới biết trân trọng hạnh phúc, có tuyệt vọng mới biết quí trọng tương lai.
Tôi thấm thía hơn bao giờ hết câu "chân tình chính là yêu mà không cần đáp trả, chính là thấy người mình yêu luôn được vui vẻ, hạnh phúc".
Ôi tình yêu của tôi, một tình yêu Platonic thuần khiết, trong sáng (bạn đừng cười nhạo tôi tự mình an ủi mình, bởi vì tôi đâu thể làm gi khác được, phải không?)
Và tôi tình nguyện, cả một đời này của em, là Bình An của em, là bình an của em.
DƯƠNG PHƯƠNG LINH
(Paris - Tháng tám 2019)
- Từ khóa :
- DƯƠNG PHƯƠNG LINH