- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Nguyễn Phi Khanh và nỗi niềm của người trí thức trước cảnh đất nước loạn ly

08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 53142)

silent-evolution-01-content

 SILENT-EVOLUTION_ Photo by Jason deCaires Taylor


Nguyễn Phi Khanh sinh năm 1355 và mất năm 1428[1] (có thuyết nói ông sinh năm 1336, mất năm 1408[2]), quê ở xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Tây (có thuyết nói ông còn có quê thứ hai ở Chi Ngại, Chí Linh, Hải Dương). Ông tên thật là Nguyễn Ứng Long, sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống võ tướng. Nhưng ông lại là người say mê văn chương, am tường kinh sách, thơ phú, nên thuở trẻ khi chưa đỗ đạt, ông được quan Tư đồ Trần Nguyên Đán mới vào dạy học cho con gái đầu là Trần Thị Thái. Đó cũng là cơ duyên để ông trở thành con rể của vị Tư đồ danh tiếng này. Và vì thế, từ trước đến nay, ông được biết đến nhiều có lẽ chủ yếu là vì ông là con rể Trần Nguyên Đán và là cha đẻ của Nguyễn Trãi, người anh hùng dân tộc văn võ kiêm toàn ở thế kỷ XV, hơn là với tư cách một nhà thơ tiêu biểu của thời Vãn Trần.

Nhưng ông thực là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thời Vãn Trần, để lại nhiều tác phẩm có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của lịch sử văn học thời kỳ này.

Nguyễn Phi Khanh đỗ Thái học sinh dưới triều Trần Duệ Tông, năm Long Khánh thứ 2 (1374). Nhưng ông không được trọng dụng và bổ làm quan dưới triều nhà Trần. Có nhiều thuyết giải thích khác nhau về việc này. Có thuyết cho rằng vì ông xuất thân bình dân nên không được nhà Trần trọng dụng(?). Lại có thuyết cho rằng vì ông là con gia đình quan võ, nhưng giỏi văn học, chính trị, có nhiều ảnh hưởng trong nhân sĩ, nên nhà Trần nghi ngại không giao cho chức quan gì(?)... Nhìn chung các đoán định này đều thiếu thuyết phục và cho đến nay ta vẫn thực chưa biết vì sao ông không được trọng dụng dưới triều Trần. Sau này khi nhà Hồ lên nắm quyền, ông mới được vời ra và trọng dụng. Ông làm quan dưới triều Hồ trải qua nhiều chức vụ như Học sĩ Viện Hàn lâm, Thông Chương đại phu, Đại Lý tự khanh kiêm Trung Thư thị lang, Thái tử tả tán Thiện đại phu, Tư nghiệp Quốc Tử Giám... Năm 1407, nhà Minh xâm lược nước ta, cùng với cha con Hồ Quý Ly, ông bị bắt về Kim Lăng, Trung Quốc và mất ở bên đó.

Tác phẩm của ông có Nhị Khê tập, đã bị mất mát nhiều, nay chỉ còn 69 bài chép trong Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn. Tuy thế, ông vẫn là một trong những nhà thơ có nhiều tác phẩm còn lại nhất trong thời Trần.

Nguyễn Phi Khanh sinh trưởng trong thời kỳ suy thoái của triều Trần. Thơ văn của ông là tiếng nói, là tâm trạng tiêu biểu của người trí thức Việt Nam trong thời buổi đất nước loạn ly. Cảm hứng rõ nhất trong thơ ông là cảm hứng về đạo lý của kẻ sĩ khi đất nước bất an, thế cuộc điên đảo, tương lai u ám. Đọc lại lịch sử nước Việt thời kỳ này, ai cũng cảm thấy có một không khí thật nặng nề, u tối. Triều đình sa sút, bạc nhược, yếu hèn, thiên tai, địch hoạ liên miên, khiến không chỉ đời sống của người dân bị cơ cực, mà ngay cả một bộ phận quý tộc, quan lại, trí thức cũng không tránh khỏi hoàn cảnh buồn thảm. Người ta buồn thảm về công danh sự nghiệp mờ mịt. Chu Văn An từng than thở: “Công danh đã đi vào giấc mộng hoang đường” (Làm thơ ở Giang Đình). Thất vọng về công danh bế tắc, Nguyễn Ức viết: “Đường công danh vạn dặm chưa tỏ lối” (Đêm thu cùng bạn cũ Chu Hà kể chuyện đã qua)... Người ta buồn thảm về đời sống nghèo túng, bất an, vô vọng... Tiếng than van vang lên trong thơ văn của nhiều thi sĩ thời này như một thứ âm thanh, như một thứ âm nhạc của thời đại. Thơ văn chính là một loại âm nhạc của lòng người.

Muốn biết nước thịnh hay suy, thì phải nghe “lòng người” chứ không phải nhìn màu cờ sắc áo phô trương bên ngoài. Có thể nghe “lòng người” từ nhiều phía, trong đó tiếng lòng cất lên hồn nhiên vô tư và chân thực nhất thường là âm nhạc. Nghe âm nhạc mà biết được vận nước, biết được “thế đạo nhân tâm”. Nó cất lên từ lòng người nên không gì cấm đoán được nó. Cổ nhân dạy, nhạc không phải chỉ là âm nhạc, nó cũng là tiếng lòng của con người. Lòng người cảm ở ngoại vật mà sinh ra thanh âm. Thanh âm tương ứng với nhau mà thành các cung bậc khác nhau. Đó cũng là cung bậc tình cảm. Thanh âm ấy thể hiện ra ở cả múa hát, chuông trống, đàn địch, thơ văn... Âm của nhạc chia làm năm bậc, hay là năm âm chính: Cung, thương, giốc, chuỷ, vũ. Lòng người do cảm xúc ngoại cảnh mà thành âm nhạc, âm nhạc lại làm cho lòng người thay đổi. Ấy là cái tương tác của nhạc và người. Ngoại cảnh đau đớn thì lòng người thương xót, khi đó âm thanh nghe tiêu sái; ngoại cảnh tốt đẹp thì lòng người vui vẻ, khi đó âm thanh nghe êm đềm, hớn hở; ngoại cảnh đen tối thì lòng người giận dữ, âm thanh khi đó nghe dữ dội, bất yên; ngoại cảnh trang nghiêm thì lòng người chính trực, khi đó âm thanh nghe trang trọng, hùng tráng; ngoại cảnh ấm áp, yên lành thì âm thanh nghe tha thiết, dịu dàng, êm ái... Lòng người cảm điều thiện thì có thiện thanh, lòng người cảm điều ác thì có ác thanh. Thiện ác của nhạc là bởi lòng người sinh ra, rồi sau đó nó cảm lại lòng người, khiến cho lòng người đổi thay, có thiện có ác. Nhạc có tác dụng lớn như vậy nên người xưa chú ý dùng nhạc để cải hoá lòng người, cải hoá xã hội, khiến cho đạt tới sự chí thiện, chí mĩ... Người xưa cho rằng nhạc phải có thanh âm hài hoà, tao nhã, để di dưỡng tính tình... Nhạc vì thế, đều liên quan đến chính trị. Nghe âm nhạc mà biết được lòng người, biết được không khí chính trị của chế độ (cũng như xem văn học, nghệ thuật vậy). Chính trị tốt đẹp thì nhạc hay, chính trị xấu xa thì nhạc dở. Âm nhạc thời thịnh thì vui vẻ, khoan hoà, tha thiết, âm nhạc thời loạn thì buồn bực, tức tối, oán giận, sầu bi... Âm nhạc có quan hệ mật thiết đến việc giáo hoá, đến tình hình chính trị, nên người xưa rất trọng nhạc.

Đời vua Trần Dụ Tông (1341 – 1369), chính sự bắt đầu đổ nát, gian thần lộng hành, Chu Văn An dâng Thất trảm sớ đòi chém bảy tên nịnh thần, nhưng vua không nghe, bèn cáo quan trở về quê, mở trường dạy học. Hồ Nguyên Trừng trong sách Nam Ông mộng lục gọi ông là “Văn Trinh ngạnh trực” (Văn Trinh, con người cứng rắn và ngay thẳng). Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục – Tài phẩm viết: “Chu An dâng sớ xin chém bọn nịnh thần, làm rung động cả trong triều ngoài quận, rồi cáo quan trả mũ áo về nhà, không chịu tước lộc bó buộc, vua chúa phải tôn trọng, công khanh phải kính phục, đấy là bậc thanh cao nhất”. Thời Mạt Trần có cả một “phong trào” can vua của kẻ sĩ thể hiện trong các bài phú. Mượn lối tả cảnh ngụ tình, trình bày sự việc để thể hiện ý tưởng của mình, hàng loạt kẻ sĩ thời này đã sáng tác những bài phú nhằm bày tỏ thái độ phê phán đối với tình trạng đổ đốn, nhiễu loạn của xã hội. Đó là khi giai cấp thống trị đi vào con đường xa hoa hưởng lạc, mâu thuẫn giữa thống trị và bị trị ngày càng gay gắt. Triều đình nhà Trần nghiêng ngửa. Lớp trí thức “loạn diệc tiến” thời này tâm niệm phải "giúp vua được như Nghiêu Thuấn" (trí quân ư Nghiêu Thuấn chi quân), nên quyết dấn thân. Thơ văn của họ nói lên cái khát vọng "phò nghiêng, đỡ lệch". Xuất phát từ việc đề cao tư tưởng "đức trị", họ đề ra yêu cầu cấp thiết của việc "tu thân" đối với đấng "thiên tử". Nhà vua phải hàng ngày tu thân sửa đức mới mong cứu vãn xã hội. Trong Thiên thu giám phú, Phạm Mại khuyên vua trau dồi đạo đức, giữ vững lễ nghĩa: "Đạo đức rộng ra phép tắc, lễ nghĩa sánh chắc đá vàng". Trong Quan Chu nhạc phú, Nguyễn Nhữ Bật khuyên vua nên dùng âm nhạc làm phương tiện để sửa đức: "Tôn cái thế trung hoà thời cổ, sửa đồi phong, nịnh hót đời suy". Trong Cần Chính lâu phú, Nguyễn Pháp can vua không nên ăn chơi xa xỉ, mà phải chăm chỉ việc triều chính: “Thanh sắc lánh xa chẳng thiết,/ Bắn săn bỏ dứt không chơi./ Cấm gấm vóc không cho là quý,/ Mặc giản đơn làm trước mọi người... Thức khuya dậy sớm,/ sử dụng hiền tài...” Họ cho rằng trách nhiệm của người cầm bút phải dùng ngòi bút cứu vãn xã hội, dù có phải chịu hy sinh, mất mát, như tấm gương sử bút Đổng Hồ nước Tấn đời Xuân Thu: “Khen điều gì không ngoài cái thiện / Truất điều gì không ngoài cái ác / Cầm thẳng bút mà ghi chép hết, / Dù mảy may chẳng dám đơn sai...” (Đổng Hồ bút phú). Đó là âm nhạc thống thiết của văn chương, của lòng người thời đại này.

 Đọc Đại Việt sử ký toàn thư, ta thấy nhan nhản những ghi chép về một thời kỳ được xem là khá hỗn loạn của đất nước: Năm 1369, Dương Nhật Lễ lên ngôi, gây nhiều điều thảm khốc trong cung. Năm 1371 “người Chiêm Thành sang cướp... đốt trụi cung điện, đồ thư cả. Trong nước từ đấy sinh nhiều chuyện”. Năm 1373, giặc cướp đua nhau nổi dậy. Đại hạn, mất mùa liên miên. Sau đó thì: Vua Dụ Tông lại “là người ương bướng, tự theo ý mình, không nghe lời can...”. Vua Nghệ Tông sau này tuy được một vài người ca tụng, nhưng cũng bị sử sách đương thời phê phán vì là người khiến “đạo tam cương rối loạn”. Trần Phế Đế thì là ông vua “ngu hèn, chẳng biết làm gì, uy quyền ngày một về người dưới. Xã tắc nghiên đổ, đến thân mình chẳng giữ được”. Rồi lại “đại hạn, đói to”. Rôì thì nước Minh nhòm ngó, sách nhiễu. Đến đời Trần Thuận Tông, “vua chỉ ngồi giữ ngôi không, chính sự do quyền thần làm cả, tai hoạ đến thân mà không biết”. Đúng là, “nhà Trần từ sau Duệ Tông hoang dâm phóng túng, thêm vào Chiêm Thành quấy phá, giặc cướp rất nhiều, giữa ban ngày cướp đoạt của người, pháp luật không thể ngăn cấm nổi”[3].

 Trong bối cảnh xã hội ấy, Nguyễn Phi Khanh bước vào cuộc đời với bao hoài bão và cũng với nhiều nỗi thử thách, gian nan. Vì lý do nào đó, có thể vì thân phận, có thể vì đố kỵ, dèm pha, có thể vì khí chất con người ngay thẳng liêm chính không chịu khuất phục các thế lực hắc ám lộng hành trong một triều đình thoái hoá, hay cũng có thể vì một lí do khách quan nào đó mà chúng ta chưa biết được, nên tuy đỗ đạt cao, ông vẫn không được nhà Trần trọng dụng. Phải mãi sau này, khi nhà Hồ lên, ông mới được giữ một số chức quan, như đã nói. Đây có thể là thời kỳ tuy ngắn ngủi nhưng tươi sáng nhất của đời ông. Nhưng ngay cả khi không được thi thố tài năng, hay cả khi phần nào toại nguyên công danh, chúng ta vẫn thấy ông ôm một bầu tâm sự không mấy yên ả, thanh thản.

Cảm hứng trong thơ Nguyễn Phi Khanh là cảm hứng thế sự, cảm hứng đạo lý. Nó giúp cho thơ ông có “cá tính”, có nét riêng, và giúp ta có thể thấy được một số giá trị riêng mà lâu nay chúng ta chưa thật chú ý đến, làm cho thơ ông không chỉ là một sự giải thích “chung chung”, mờ nhạt, quen thuộc về con người, về tâm hồn ông, vốn ít nhiều đã bị khuất bóng bởi hai nhân vật nổi tiếng, một ở trước ông là nhà thơ - tể tướng Trần Nguyên Đán, đồng thời cũng là bố vợ ông, và một ở đằng sau ông là thi hào Nguyễn Trãi, cũng là con trai ông. Đúng là “người ta đã không hiểu được tâm sự sâu kín của ông, thì dễ thường cũng không hiểu được thơ văn sâu kín của ông, và như vậy là khó mà nhận chân được vẻ đẹp sáng ngời trong văn chương của ông”[4]. Hay ngược lại là, người ta đã không hiểu được thơ văn sâu kín của ông, và như vậy là khó mà nhận chân được vẻ đẹp sáng ngời trong văn chương của ông, thì dễ thường cũng không hiểu được tâm sự sâu kín của ông.

Chúng ta thấy có ba cảm hứng, ba nét tâm trạng được thể hiện khá rõ trong thơ Nguyễn Phi Khanh, đó là tâm trạng của kẻ sĩ dù tài cao mà không được trọng dụng nhưng vẫn lạc quan tin tưởng; là niềm khao khát cống hiến tài trí cho triều đình, cho đất nước của người trí thức dù trong bất kể hoàn cảnh nào; và sự đồng cảm, sẻ chia, yêu thương của người trí thức đối với đồng loại, đối với chúng dân, những người nghèo khổ trong thời buổi nhiễu nhương. Chúng đã làm nên nét riêng, làm nên giá trị của thơ ông. Những giá trị này, những phẩm chất này có lẽ cũng được tiếp nối, được nâng cao, được thăng hoa trong thơ ca của thi hào Nguyễn Trãi sau này. Và vì vậy, Nguyễn Phi Khanh chẳng những không bị khuất lấp trước cái bóng sừng sững của Nguyễn Trãi, mà còn có vai trò quan trọng không phải chỉ trong việc tạo dựng nên nhân cách, tâm hồn Nguyễn Trãi, mà còn cả trong việc bồi dưỡng nên những phẩm chất văn học của Nguyễn Trãi.

*

Nhận xét về thơ Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Huệ Chi viết: “Trong tâm trạng u uất của một người có tài mà không được thi thố, phải làm nghề dạy học nuôi thân, Nguyễn Phi Khanh đã viết nên những vần thơ cảm thán nhẹ nhàng mà tinh tế. Ở đây có chút gì như sự mặc cảm về cái vô dụng của cuộc đời, như là sự chán ngán thế tình bạc bẽo, tin về niềm vui nhàn ẩn thanh cao của mình”[5]. Đinh Gia Khánh lại cho rằng, “Nguyễn Phi Khanh trong khi nói lên nỗi buồn của mình đối với hiện trạng của xã hội phong kiến vẫn không tỏ ra tuyệt vọng. Trái lại, ông đã nói lên ý chí phấn đấu để cải thiện hoàn cảnh. Cái khí phách của tác giả tiêu biểu cho khí phách của tầng lớp trí thức yêu nước đương thời”[6].

Trong bài thơ Thôn cư (Ở trong thôn), ông đã nói lên điều đó:

Thân ngoại phù danh phó trọc giao

Vạn sự vô doanh tâm tự khả

(Cái danh hão ở ngoài thân đã có chén rượu đục xoá bỏ

Muôn việc chẳng màng, lòng tự thanh thản)

Nhưng vẫn có những mối sầu nặng trĩu lòng ông trong những ngày ngã bệnh, như bày giãi của ông trong Thu trung bệnh (Bị bệnh lúc mùa thu):

Vạn sự bội nhân tiêu tiệm vĩnh

Trữ sầu khi ngoạ sổ tàn canh

(Muôn việc đều trái với ý người, đêm dài thêm mãi

Chất chứa mối sầu nằm trằn trọc đếm canh tàn)

Hình như sau rất nhiều ngày tháng lăn lộn chốn đô thành kiếm tìm công danh dưới triều Trần nhưng thất bại, ông đã quyết định trở về. Trong bài thơ Dụng Trịnh sinh lưu biệt vận dĩ biệt chi (Dùng vần thơ lưu biệt của Trịnh Sinh để từ biệt), ông viết:

Thân xá hảo tuần ôn thanh hậu

Thế đồ cam tả lợi danh tiêu

Vân sơn tạc mộng tầm hương lý

Hồ hải tư du cách thị triều

(Trong ngôi nhà của cha mẹ hãy theo thời tiết ấm lạnh

Trên đường đời đành gỡ bỏ cái dàm danh lợi

Giấc mộng núi mây ngày trước tìm về quê hương

Chuyến chơi hồ hải này cách xa thị triều)

Ông muốn tìm niềm vui nơi suối rừng để quên lãng, mà ông cho đó như là một điều quý giá nhất. Trong bài Du Phật Tích sơn đối giang ngẫu tác (Chơi núi Phật Tích, đối diện dòng sông, ngẫu nhiên làm thơ), ông muốn học người xưa:

Phù thế bách niên chân nhất thuấn

Cổ nhân phiến lạc trị thiên câm

(Cuộc đời trăm năm, thực chỉ như ánh chớp

Vui chơi một khắc, người xưa đánh giá nghìn vàng)

Cũng phảng phất một dáng vẻ tiên phong đạo cốt nhàn tản chốn ẩn cư, tuy rằng hình như không hẳn đã thật phù hợp với tuổi tác của ông những năm tráng niên còn day dứt mộng công danh này, nhưng chỉ vì bất đắc dĩ mà làm một người ngao du nơi sông núi. Vậy nên cái tâm trạng trong bài Du Côn Sơn (Chơi núi Côn Sơn) vừa như là “tả thực” lại vừa như có vẻ bông đùa:

Bách niên phù thế nhân giai mộng

Bán nhật thâu nhàn ngã diệc tiên

(Cuộc phù thế trăm năm, người người đều như mộng

Trộm cái nhàn nửa ngày, ta cũng là tiên)

Bởi vì đúng là thơ Nguyễn Phi Khanh trong thời kỳ này chủ yếu là tâm trạng ưu sầu. Trong bài Thu nhật khiển hứng (Khiển hứng ngày thu), ông viết:

Thế thái nhậm tha hoàn phiến bạc

Nhàn sầu khuyến ngã tửu bôi không

(Thói đời mặc họ như chiếc quạt lụa mỏng

Mối sầu vẩn vơ giục ta cạn chén)

Nhưng cũng đúng là thơ ông không thấy cái bất lực buông xuôi, mà vẫn có cái khảng khái, chí khí của con người có sức mạnh nội tâm để chiến thắng hoàn cảnh. Trong bài Ngẫu tác (Ngẫu nhiên làm thơ), ông cho rằng mọi sự trên đời đều là do con người ta thể hiện, con người ta đều có thể tìm thấy sự “thoả thích” tuỳ theo bản thân mình:

Càn khôn hình trước giai ngô đạo

Phi dược cao thâm khả toại nghi

(Vật hữu hình trong trời đất đều do ta biểu hiện

Chim bay trên trời cao, cá nhảy dưới vực sâu đều có thể thoả thích)

Vì thế mà trong những ngày nhàn ở chốn quê nhà, ông mới có thể “tan nỗi lo”, mới tìm được sự “thư thái”. Trong bài Gia viên lạc (Thú quê nhà), ông viết:

Tâm tòng nhàn xứ htiên ứu thất

Học đáo xung thời tứ thể thư

trục vật lao nhân hưu ngộ ngã

An Nhân chí dĩ toại u cư

(Lòng hướng về cái nhàn, ngàn nỗi lo tan hết

Học đến mức sung mãn, chân tay thư thái

Chạy theo vật dục, người đời nhọc nhằn, ta chớ lầm nữa

Được ở chỗ thanh u, chí An Nhân đã toại rồi)

Tâm trạng đó nói lên cái đạo lý làm người của Nguyễn Phi Khanh, dù trong hoàn cảnh khó khăn nhất vẫn giữ vững chí khí, vẫn lạc quan chờ đợi, tin tưởng vào một ngày mai thay đổi.

*

Niềm khao khát cống hiến, những tâm sự của một người được trọng dụng đã làm nên những nét tươi sáng trong thơ Nguyễn Phi Khanh trong thời gian ngắn ngủi ông được làm quan dưới triều Hồ. Đúng là, “trong phần thơ làm sau khi làm quan với nhà Hồ, tâm tình Nguyễn Phi Khanh có phần khác trước. Đó là niềm vui của một người gẵn bó với triều đại mới, nhìn vào cảnh vật thấy rạng rỡ hơn, vì tâm tư của mình đã giải thoát được nhiều nỗi buồn... Dĩ nhiên phần thơ này không có mấy... Âm hưởng chung của thơ ông vẫn là âm hưởng ưu sầu”[7].

Tâm trạng hào hứng cống hiến, hăng hái phụng sự cho triều đình, cho chế độ cũng đã từng được ông thể hiện khi ông còn lận đận, “hàn vi”. Trong bài thơ Xuân hàn (Cái rét mùa xuân), ông đã từng mong được làm một cái ống bễ để thổi ngọn gió hoà tới khắp muôn dân:

An đắc thử thân như thác thược

Hoà phong hư biến cửu châu tâm

(Mong sao thân này được như cái ống bễ

Thổi ngọn gió hoà tới khắp lòng người chín châu)

Vẫn biết trên con đường “hoạn lộ” luôn lắm chông gai, nhưng ông mong muốn phải biết vượt lên trên chống gai, hiểm hóc để mà phụng sự, để cống hiến. Trong bài thơ Hạ Tống, Lê, Đỗ, tam Ngự sử (Mừng ba vị quan Ngự sử họ Tống, Lê, Đỗ), trước đây ông từng hào hứng chúc mừng những người được triều đình trọng dụng:

Dĩ tương phong thái nghi triều trứ

Hảo bả tinh trung động tử thần

Lưu thủ thanh danh quang vạn cổ

Thế gian kỳ lộ tổng yên trần

(Đã đem phong thái làm khuôn thước ở triều đình

Hãy đem lòng trung khích động đến điện tía

Gắng lưu lại tiếng thơm sáng muôn thuở

Những con đường trên cuộc đời này thảy đều khói bụi)

Vẫn biết chốn miếu đường là một sân khấu chính trị mà ai can dự vào cũng chỉ là một “diễn viên”, như chính ông trước đây có lúc buông lời trào lộng trong bài Thành trung hữu cảm ký, trình đồng chí (Gửi trình các bạn đồng chí những cảm xúc khi ở trong thành):

Triều trung chu tử động phân phân

Huyễn nhãn thuỳ năng các tự phân

(Trong triều áo đỏ áo tía cử động rối loạn

Bởi mắt chẳng tinh, ai mà phân biệt được mình)

Nhưng nếu được nhà vua và triều đình tin dùng, chắc chắn ông vẫn nguyện vì vua vì nước vì dân không một chút từ nan, như mong mỏi của ông bày tỏ trong bài Hạ Trung thư thị lang (Mừng quan Trung thư thị lang):

Thánh thế thảng hoài di khí vật

Nguyện thi tài tảo đáo nông tang

(Đời trị, chúa có đoái trông đến vật bị vứt bỏ còn sót lại

Thì xin nguyện đem tài mọn này đến tận nơi thôn xóm)

Đó là cái lý tưởng của kẻ sĩ đối với đất nước, đối với triều đình, luôn khao khát cống hiến, khao khát phụng sự. Nhưng có lẽ cảm hứng về điều này chỉ được ông thể hiện sâu sắc nhất khi đã làm quan cho nhà Hồ. Trong bài phú nổi tiếng Diệp mã nhi phú (Bài phú về con ngựa lá) ông đã không giấu giếm điều đó. “Theo lời chú trong Quần hiền phú tập thì sau khi Hồ Quý Ly dựng thành Tây Đô ở Thanh Hoá, có người dâng con bọ lá hình giống con ngựa (con bọ ngựa?), triều đình cho là điềm tốt mới đặt tên nó là Con ngựa lá và ra đề cho các danh sĩ đương thời làm phú chúc tụng việc này. Số người làm phú Con ngựa lá (Diệp mã nhi phú) chắc khá nhiều, song hiện nay chỉ mới tìm được bài của Đoàn Xuân Lôi và bài của Nguyễn Phi Khanh”[8].

Ông ca tụng con ngựa lá xuất hiện như điềm lành báo hiệu vận hội mới mở ra cho đất nước, cho con người:

Phàm là vật trong trời đất, chẳng vật nào không nhảy múa trước xuân phong, đượm nhuần trong hoà khí;

Người ước mong thoả nỗi ước mong, kẻ sinh sống vui niềm sinh sống;

Người khéo không trổ hết khéo khôn, kẻ tài kỳ dốc nghề tài kỳ...

Ca tụng vật lạ vật thiêng, cũng là ca tụng thời đại mới hứa hẹn bao điều sáng sủa, nhưng khác những bài phú khác, đây không phải chỉ là một bài văn mang cảm hứng ca tụng, ngợi ca triều đình, chế độ mà còn mang cảm hứng phê phán, cảm hứng về đạo lý dùng người, đạo lý của bậc đế vương có điều cần chỉnh đốn trên tinh thần “khuyến bách phúng nhất” (khuyến khích trăm lời, châm trích một lời). Dù chỉ là “một lời châm trích” trong “trăm lời ngợi ca”, nhưng đó là cả một bầu tâm huyết của tác giả. Nguyễn Phi Khanh muốn mượn hình ảnh con ngựa lá thiêng lạ, sang quý làm mê đắm cả bậc đế vương ấy để đặt một vấn đề khác, lớn lao hơn, rằng con vật lạ đó là quý giá thật, nhưng làm sao quý giá được bằng con người, làm sao quý giá được bằng kẻ sĩ? Bậc đế vương muốn trị nước yên dân, muốn cho đất nước cường thịnh thì phải biết quý trọng con người, nhất là kẻ sĩ. Phải biết trọng người hiền tài, chăm lo cho con người như vốn quý của quốc gia, trên cái tinh thần cao quý mà sau này khi phục hưng đất nước, có nhà Nho đã tổng kết: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Nếu nhà vua, hay rộng ra là giai cấp thống trị, biết nâng niu, quý trọng con người, biết chăm lo cho con người thì lòng dân sẽ tin theo, đất nước sẽ giàu thịnh, xã hội sẽ thái bình, nhược bằng quý vật hơn người thì hậu quả sẽ chỉ là sự xa lìa chính giáo, chỉ làm tổn thất nhân tâm, lòng người lý tán, và đất nước thêm rối ren loạn lạc. Trong bài phú, ông tha thiết trình bày cái ý tưởng đó với Hồ Quý Ly:

Kính xem: tài năng thành trí, khó kẻ luận bàn

Lại trộm nghĩ: Suy xét lòng trời, dõi tìm nhân sự

Ví bằng sinh sâu thiêng trên cây, sao bằng sản kẻ sĩ cao thượng, người kỳ tài trong thiên hạ?

Ví bằng vịnh thơ ngựa lá, sao bằng đọc thơ” Hữu Bật”[9] trong thiên “Lỗ tụng”, giải về “Đức ký”[10] ở “Lỗ luận”?

Thế nên đối với vật thiêng lạ cũng đã yêu thương; huống gì đối với loài xảo diệu còn hơn, và cực kỳ thiêng lạ!

Xin hãy đổi lòng yêu vật thành lòng trọng người hiền, đem chí đãi vật làm chí đãi kẻ sĩ;

Xem lá cây nhớ thơ “Vực phốc”[11] trọng dụng con người, thơ “Thanh nga”[12] dạy nuôi tài sĩ;

...

Khiến cho chốn triều đình tượng vẽ tìm được, vùng rừng rú rồng nằm phấn khí;

Được như thế thì phô trương điều lành, ngợi ca đức tốt há chẳng lớn lao rực rỡ hay sao?

Tư tưởng cao đẹp ấy sau này được chính con trai ông là Nguyễn Trãi tiếp tục khẳng định lại trong sự nuối tiếc, xót xa cho một triều đại khá tươi sáng nhưng đoản mệnh, là triều Hồ, trong bài thơ Quan hải (Đóng cửa biển), khi nói về những cố gắng vô vọng của nhà Hồ trong việc xây dựng một đội quân đông đến “trăm vạn người”, trong việc xây thành đắp luỹ hay chăng lưới sắt để “đóng cửa biển”, nhưng vì không được lòng dân nên vẫn thất bại thảm hại trước cuộc xâm lăng của giặc Minh:

Thung mộc trùng trùng hải lãng tiền,
Trầm giang thiết tỏa diệc đồ nhiên.
Phúc chu thuỷ tín dân do thuỷ,
Thị hiểm nan bằng mệnh tại thiên.
Hoạ phúc hữu môi phi nhất nhật,
Anh hùng di hận kỉ thiên niên.
Kiền khôn kim cổ vô cùng ý,
Khước tại thương lang viễn thụ yên.

(Lớp lớp cọc ngăn giữa sóng nhồi,
Thêm ngầm dây sắt - uổng công thôi.
Lật thuyền, thấm thía: dân như nước,
Cậy hiểm mong manh: mệnh ở trời.
Họa phúc có nguồn, đâu bỗng chốc?
Anh hùng để hận, dễ gì nguôi?
Xưa, nay, trời đất vô cùng ý,
Nơi sóng xanh cây khói tuyệt trời)

 Con người ấy, khi bị lãng quên vẫn kiên gan chờ đợi, khi được trọng dụng cũng rất cương trực, thẳng thắn. Cái đạo lý của Nguyễn Phi Khanh là cái đạo lý của kẻ sĩ với khí tiết thanh cao, phẩm chất trong sạch. Đó là một nhân cách đáng trọng cả giữa buổi nhiễu nhương hay trong thời thịnh trị.

*

Cùng với Trần Nguyên Đán, Nguyễn Phi Khanh được xem là một nhà thơ gắn bó với nhân dân, cảm thông sâu sắc nhất với nỗi thống khổ của nhân dân ở thời kỳ Vãn Trần. Do điều kiện sống, và do khí chất con người, ông đã từng sống, từng trải nghiệm qua cuộc sống của người dân trong hoàn cảnh đất nước loạn ly bởi thiên tai, địch hoạ, bởi triều đình phong kiến nhà Trần thời mạt kỳ. Nhất là, “từ cảnh ngộ một người bị đặt ở ngoài vòng chính sự, Nguyễn Phi Khanh có dịp quan sát một cách vô tư thời cuộc diễn biến xung quanh ông, ông chợt nhận ra muôn ngàn nỗi cực khổ đang vò xé người dân Việt ở giai đoạn cuối Trần”[13].

Trong bài Hồng Châu kiểm chính dĩ dư vận tác thuật hoài thi, kiến phúc dùng kỳ vận dĩ tặng (Kiểm chính Hồng Châu dùng vần của tôi để làm bài thơ Thuật hoài, sau khi đọc tôi lại dùng vần ấy làm thơ tặng anh), ông nói tới cái bất công của xã hội, cái khốn khổ của người dân, cái tình cảnh “người ăn không hết kẻ lần chẳng ra”, mà bản thân mình cũng đành bất lực:

Vạn tính ngao ngao đãi bộ cầu

Thuỳ gia kim ngọc á cao khâu

Nhân tình gian hiểm quân phương cốc

Thế lộ phong đào ngã diệc châu

(Muôn họ nhao nhác chờ miếng cơm manh áo

Nhà ai đó vàng ngọc sánh đầy gò cao

Anh là cái bánh xe lăn trong sự gian hiểm của tình người

Tôi như con thuyền trong cơn sóng gió của đường đời)

Ông khao khát một nỗi cảm thông, chia sẻ của triều đình đối với người dân. Trong bài Giáp tí hạ hạn, hữu sắc chư lộ đảo vũ, vị đảo nhi tiên vũ (Mùa hạ năm Giáp tí (1384) hạn hán, vua có sắc cho các lộ cầu mưa, chưa cầu trời đã mưa), trước cơn mưa hiếm hoi trong ngày hạn, ông bày giãi một tâm trạng nửa phần như là hoan hỉ cho dân, nửa phần như là sự trách móc đối với triều đình:

Viêm viêm cửu thổ chính tiêu tầm

Nhất vũ hoàng thiên phổ trạch thâm

Thỉnh tội quốc tương hành thịnh đảo

Sơ hoà dân dĩ thiếp hoan tâm

Ngoạ long tự thị nhân gian vật

Tiếu tương năng vi tuế hạn lâm

Tỉ thị bộc uông hà dụng giả

Chí thành cảm triệu cổ do câm

(Rừng rực đất đai khắp nơi đang khô cháy

Một trần mưa trời gieo khắp ơn sâu

Nhà nước đang chuẩn bị làm lễ thỉnh tội cầu mưa

Trời đã đem khí hoà, dân thấm nhuần niềm vui

Rồng nằm vốn là con vật của nhân gian

Tiếu tượng có thể hẹn mưa dầm trong tháng hạn

Chẳng cần phải mang cái thân gầy còm ra làm lễ

Xưa nay chỉ có lòng chí thành là cảm đến đất trời)

Có lẽ trong văn học thời kỳ Trần - Hồ, không có bài thơ nào bộc lộ một cách trực tiếp thái độ thương cảm sâu sắc, xót xa đến gan ruột đối với nỗi khổ của dân đen con đỏ trước cảnh hạn hán, mất mùa, đói khổ của người dân, cũng như một tinh thần phê phán gay gắt, quyết liệt đối với những kẻ thống trị tàn bạo bóc lột người dân như trong bài thơ Thôn cư cảm sự ký trình Băng Hồ tướng công

(Ở quê cảm xúc trước sự việc gửi trình tướng công Băng Hồ) của Nguyễn Phi Khanh:

Đạo huề thiên lý xích như thiêu

 

Điền dã hưu ta ý bất liêu

 

Hậu thổ sơn hà phương địch địch

 

Hoàng thiên vũ lộ chính thiều thiều

 

Lại tư võng cổ hồn đa kiệt

 

Dân mệnh cao chi bán dĩ tiêu

 

(Ruộng nương nghìn dặm đỏ như cháy

 

Đồng quê than van không biết trông cậy vào đâu

 

Non sông của Hậu Thổ đang nứt nẻ

 

Mưa móc của Hoàng thiên hãy còn xa

 

Lưỡi tham quan lại vơ vét hết kiệt

 

Mỡ màng của dân đã cạn mất nửa…)

Cũng khó có bài thơ nào trong thời kỳ này bày tỏ lòng thương xót đối với nỗi thống khổ của “đồng bào” như trong bài Thù Đạo Khê thái học xuân hàn vận (Đáp lại bài thơ “Cái rét mùa xuân” của thái học Đạo Khê) của ông:

Liên cừ vạn tính giai ngô dữ

Tỵ ốc thuỳ gia diện diện hàn

(Xót thương trăm họ là đồng bào của ta

Dưới những mái nhà chen chúc mặt ai cũng rét buốt)

Nỗi đau đó ông không biết trông ai, nên đành phải kêu trời. Và khao khát được ghé vai để “phò nghiêng đỡ lệch” càng cháy bỏng trong lòng ông. Trong bài Trung thu cảm sự (Nhân tiết trung thu, cảm xúc trước sự việc), ông viết:

Nguyện bằng thiên thượng thanh quang dạ

Biến chiếu nhân gian tật khổ sầu

Trường sử quốc gia đa hạ nhật

Ngũ hồ quy mộng đáo biên chu

(Xin nhờ cái đêm trong sáng ở trên trời kia

Soi thấu nỗi khổ của thế gian này

Mãi mãi làm cho nước có những ngày thanh bình

Thì giấc mộng về Năm Hồ mới đến được chiếc thuyền con)

Nỗi đau buồn biễn thành uất ức, thành thái độ phê phán quyết liệt đối với triều đình, với chế độ thối nát đương thời. Điều này thể hiện rõ trong bài Thu nhật hiểu khởi hữu cảm (Ngày thu sáng dậy cảm xúc):

Ô hô thế đạo như hà ngã

Tam phủ di biên phú Đại đông

(Than ôi thế sự nên sao đặng

Thơ cũ ba lần đọc Đại đông)

Nhắc tới bài thơ Đại đông trong phần Tiểu nhã của Kinh thi, thơ ông “có ý nghĩa chỉ trích thời loạn, để phê phán những cảnh lục đục trong triều khiến cho đất nước không ổn định, mọi người đau khổ nhưng khổ nhất vẫn là dân đen, con đỏ”[14]. Đó là những bài thơ được viết dưới thời Mạt Trần, viết về tình cảnh của con người dưới triều đại đang suy thoái trầm trọng.

*

Nguyễn Phi Khanh là một nhà thơ tiêu biểu của thời kỳ Mạt Trần. Những bài thơ của ông không phải chỉ là sự diễn tả tâm trạng kẻ sĩ trong buổi loạn ly một cách chung chung, mờ nhạt. Thơ ông có thần tứ riêng, có giá trị riêng, và từ cái riêng ấy ông cất lên tiếng nói, tâm trạng tiêu biểu của người trí thức phong kiến đương thời trước thực tế xã hội, như một giai điệu riêng trong dàn âm nhạc đày ai oán, não nề, căm phẫn, bi thương của lòng người để tiễn đưa một triều đại thối nát đi vào vương quốc của bóng tối./.

 

Nguyễn Phạm Hùng

(Đại học Quốc gia Hà Nội)

______________

Chú thích:

[1] Theo Viện Văn học: Thơ văn Lý - Trần, T. III, NXB Khoa học xã hội, H. 1978, tr. 380.

[2] Theo Bùi Văn Nguyên: Lời giới thiệu. Thơ văn Nguyễn Phi Khanh, NXB Văn học, H. 1981, tr. 5.

[3] Quốc sử quán triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, T. II, NXB Khoa học xã hội, H. 1971, tr. 212.

[4] Bùi Văn Nguyên: Lời giới thiệu. Thơ văn Nguyễn Phi Khanh, NXB Văn học, H. 1981, tr. 23.

[5] Nguyễn Huệ Chi: Từ điển văn học (Bộ mới), NXB Thế giới, H. 2004, tr. 1176.

[6] Đinh Gia Khánh: Văn học Việt Nam, thế kỷ X - nửa đầu thế kỷ XVIII, T. I, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, H. 1978, tr. 175.

[7] Nguyễn Huệ Chi: Từ điển văn học (Bộ mới), Sđ d, tr. 1176.

[8] Theo Viện Văn học: Thơ văn Lý - Trần, T. III, Sđd, tr. 490.

[9] Hữu Bật, tên một bài thơ ở phần Lỗ tụng trong Kinh thi, nội dung khen vua Hy Công nước Lỗ biết dùng lễ nghĩa hậu đãi bề tôi nên bề tôi hết lòng trung với vua.

[10] Đức ký, thiên Hiến vấn, phần Lỗ luận trong sách Luận ngữ , ý nói: không khen cái sức của con ngựa ký mà khen cái đức của nó.

[11] Vực phốc, tên một bài thơ phần Đại nhã trong Kinh thi, nội dung nói việc Chu Văn Vương biết sử dụng người hiền tài, cho họ địa vị xứng với tài năng của họ, thì quốc gia phồn thịnh.

[12] Thanh nga, tên bài thơ ở phần Tiểu nhã trong Kinh thi, nội dung ca ngợi người làm vua biết tổ chức nền học vấn để đào tạo nhân tài cho đất nước.

[13] Nguyễn Huệ Chi: Từ điển văn học (Bộ mới), Sđ d, tr. 1176.

[14] Bùi Văn Nguyên: Thơ văn Nguyễn Phi Khanh, Sđd, tr, 17.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 40349)
T ừ ngày 7/3/1975, khi Văn Tiến Dũng bắt đầu cô lập Ban Mê Thuột, tới ngày 30/4/1975, khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, vừa chẵn 55 ngày. Thật khó ngờ chỉ trong vòng 55 ngày và 55 đêm mà đạo quân hơn một triệu người–có hơn phần tư thế kỷ kinh nghiệm tác chiến, với những vũ khí khá hiện đại như Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa [VNCH]– bị sụp đổ hoàn toàn [...] Những hình ảnh điên loạn mà ống kính các phóng viên quốc tế thu nhận được chẳng khác cảnh vỡ đê trước con nước lũ, hay sự sụp đổ của một tòa lâu đài dựng trên bãi cát, khi nước triều dâng lên.
30 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 41066)
H ành động chị em hoặc vợ chồng Trưng Vương dấy binh chống Hán cùng “chiến công” tái chiếm cổ Việt đẫm máu của Mã Viện năm 42-44, vẫn được lưu truyền với nhiều xúc động. Những bài học sử đồng ấu và tiểu học tại hai nước láng giềng hoàn toàn đối nghịch. Sử quan Trung Hoa, bất kể màu sắc ý thức hệ, khoác lên Trụ đồng Mã Viện—với lời thề “đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” [trụ đồng gẫy, Giao Chỉ bị diệt]—lớp son phấn giáo hóa [jaohua] và “thiên mệnh [tianmeng], thôn tính thiên hạ.
15 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 45961)
Với đại đa số người Việt đương thời, chẳng có gì quí hơn một cuộc sống no đủ, yên lành. Luật sinh tồn là khuôn thước có hàng ngàn năm lịch sử. Giấc mộng độc lập, tự chủ người Việt nào chẳng thầm mơ ước. Nhưng những người có viễn kiến không thể không nhìn về giai đoạn hậu-thuộc-địa. Một nước “độc lập” trên giấy tờ, truyền đơn, khẩu hiệu—nhưng thực chất độc tài, chuyên chế, nghèo khổ, lạc hậu, người cầm quyền trở thành những kẻ cướp ngày, công khai có vũ khí và được “luật pháp” bảo vệ—chưa hẳn đã đáng mong ước, trông đợi hơn một chế độ lệ thuộc ngoại nhân. Đó là chưa nói đến hiểm họa đời kiếp từ phương Bắc.
16 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 45922)
B ài viết này cố gắng xuyên suốt qua những màn hỏa mù tuyên truyền, tái dựng lại “bài học Đặng Tiểu Bình” dưới ánh sáng lịch sử và luật học. Nguồn tư liệu cơ bản của chúng tôi là tư liệu văn khố Mỹ, Pháp, Nga, Trung Hoa và Việt Nam thu thập hơn 30 năm qua—kể cả tư liệu kho Châu Bản nhà Nguyễn, chuyến thăm viếng vài trận địa cũ trong năm 2004-2005 nhân dịp du khảo Việt Nam với một học bổng Fulbright của Bộ Ngoại Giao Mỹ và tài trợ khác, cùng những thông tin truyền khẩu của một số người đã tham dự cuộc chiến, gồm dù không giới hạn trong số các bộ đội QĐND từng tham chiến.
02 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 62846)
Đ ây là một trong những đảng cách mạng đầu tiên trong nội địa Việt Nam, qui tụ sự nối kết giữa giới học thức, điền chủ trung lưu và quân nhân do Pháp đào tạo, với mục đích giải phóng đất nước bằng võ lực. Chào đời vào dịp Giáng Sinh 1927, Việt Nam Quốc Dân Đảng [VNQDĐ] hoạt động được hơn hai năm thì bị Pháp khám phá và hủy diệt sau nỗ lực bi hùng vào đầu năm Canh Ngọ (1930), lưu lại một gương sáng lịch sử “không thành công thì thành nhân.” (1)
07 Tháng Mười Một 201312:00 SA(Xem: 59873)
Thực ra, Lansdale dường không muốn viết rõ, hoặc không biết nhiều về Tổng thống Diệm cũng như họ Ngô. Hầu hết chi tiết về hộ tịch Diệm hay thành tích chống Pháp của Diệm và gia đình Ngô Đình Khả, đều thiếu chính xác. Các học giả thế giới cũng chẳng bận tâm đến việc tu chỉnh lại tiểu sử người cầm đầu phe thua cuộc. Bernard B. Fall, một học giả gốc Pháp viết khá nhiều về Việt Nam và chết tại Việt Nam, chẳng hạn, dựa theo bản tiểu sử Diệm do Mật Thám Pháp đúc kết năm 1954...
04 Tháng Mười Một 201312:00 SA(Xem: 45341)
Hành động “ve vãn” [ flirtation ] Cộng Sản của anh em Diệm-Nhu–và như thế phản bội lại đa số dân chúng miền Nam–chỉ được đồn đãi từ năm 1962 ở Sài Gòn, và được bạch hóa sau ngày các Tướng làm đảo chính giết chết họ Ngô năm 1963. Yếu tố “phiến Cọng” này mới thực sự mang lại sự sụp đổ của Đệ Nhất Cộng Hòa (1956-1963), mà không phải cuộc tranh đấu của Phật Giáo, hay cái gọi là “bảo vệ chủ quyền quốc gia,” “quốc thể,” “nền độc lập” như nhiều người tưởng nghĩ.
04 Tháng Mười Một 201312:00 SA(Xem: 54179)
Một trong những vấn nạn, nếu không phải nghi án, lịch sử cận đại còn gây nhiều tranh luận là vấn đề âm mưu ve vãn [flirtation] Cộng Sản Hà Nội của anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm (1897-1963) trong hai năm 1962-1963. Nhiều học giả thế giới đã cố gắng đưa ra những giải thích về vấn đề này...
15 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 55800)
Chỉ có những “sử gia nhân dân,” mới ca ngợi Giáp là anh hùng dân tộc, ngang hàng những Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo hay Quang Trung. Họ không phân biệt nổi rằng trên thực chất ba vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo và Nguyễn Huệ dạy cho vua quan Tống, Nguyên và Thanh những bài học quân sự chua cay, trong khi Võ Giáp chỉ có công đứng ra nhận chiến công đả bại Pháp của Trần Canh và Vi Quốc Thanh.
10 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 49156)
C uộc tranh đấu của Phật Giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 , trên bối cảnh liên hệ ngày một xấu đi giữa Bộ Ngoại Giao Mỹ và chính phủ Ngô Đình Diệm trong hai năm 1962-1963. Mặc dù chỉ nhấn mạnh vào cuộc tự thiêu bi tráng của Thượng tọa Thích Quảng Đức ngày 11/6/1963 [...] “Vài Ý Nghĩ Về Thượng Tọa Thích Quảng Đức” công bố lần đầu tiên một số tài liệu văn khố Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa và Phủ Tổng Thống Đệ Nhất Cộng Hòa, giúp vùi chôn một lần và mãi mãi loại sử văn suy tôn, nhớ ơn và đào mộ. Tạp Chí Hợp Lưu