- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Thăm Chiêu Ứng Từ Ở Huế ...

17 Tháng Giêng 200912:00 SA(Xem: 28742)

w-hopluu98-f2-t68_0_300x172_1

I. Chiêu Ứng Từ

Ở đường Chi Lăng thuộc khu Gia Hội, thành phố Huế có một ngôi miếu Tàu có tên là Chiêu Ứng Từ. Miếu được xây dựng bởi bang hội người Hoa gốc Hải Nam để thờ cúng vong linh của 108 thương buôn người Hoa bị giết vứt xác ngoài biển. Đây là miếu của người Hoa trên đất Huế, ghi dấu một sự kiện lịch sử và pháp chế đời Tự Đức.

 

Thoạt đầu, các vong linh được đem thờ chung ở ngôi chùa Bà gần đó có tên Quỳnh Châu Hội Quán nơi thờ Bà Thiên Hậu. Chùa này cũng do sự đóng góp của người Hải Nam mà xây nên. Ngày qua ngày, tin về tấn thảm kịch của những kẻ chết oan được loan truyền rộng ra, ít nhiều được thổi phồng lên; dần dà các nạn nhân được tôn lên thành những vị anh hùng uổng tử, và thành linh thần. Người dân địa phương khi có điều gì cần thường hay ghé vào đây để cầu xin; nhiều người được toại nguyện, ca ngợi sự linh hiển của các thần linh, uy danh do thế ngày càng lớn. Năm 1887, bang hội người đảo Hải Nam quyết định cho xây một ngôi miếu riêng nằm ở địa điểm ngày nay nhưng qui mô hồi ấy vẫn còn nhỏ. Các nơi khác có người Hải Nam lưu trú, nhiều ngôi miếu tương tự cũng được dựng lên như ở Đà Nẵng, Hội An, Sài Gòn, Singapore, Thái Lan, … nhưng bề thế hơn cả là ngôi miếu ở thị trấn Hải Hậu, huyện Vân Xương, đảo Hải Nam, nơi nguyên quán của những người đã khuất.

 

Về sau, thấy ngôi miếu ở Huế quá khiêm tốn, không xứng đáng với uy danh to lớn của các linh thần, kiều bào người Hoa gốc Hải Nam đứng ra quyên góp và đến năm 1908 mới xây dựng lại như thấy ngày nay. Tất cả công trình kiến trúc đều do bàn tay của các nghệ nhân từ Hải Nam đưa sang, kiểu dáng y hệt như miếu xây ở Hải Nam nhưng với kích thước thu nhỏ lại. Tuy thế đây lại là một trong các miếu cùng loại đẹp nhất với lối trang trí hết sức tỉ mỉ.

Miếu nằm trong khuôn viên rộng khoảng 400 mét vuông, tường rào bằng sắt bao quanh, cổng trước cũng bằng sắt, không trụ biểu, dẫn vào sân ngoài. Sân này được lát bằng gạch, hai bên sát tường có hai bồn hoa đủ các loại.

Kế đến là cổng chính, kiểu nhà có mái, cao 7 m, dài 13 m, rộng 5 m, chia làm ba gian, các cánh cửa đều bằng gỗ. Ở phần tường phía trên cổng là những điêu khắc các nhân vật trong những tích của các tuồng Tàu. Trên cổng có treo tấm biển khắc chữ ‘Chiêu Ứng Từ’, hai tấm liễn treo hai bên có các câu:

‘Để tưởng nhớ đến những đồng hương kính mến’ và ‘Uy danh của các vị bao trùm khắp vũ trụ’.

Ngoài ra, ở trên tường phía tả và hữu có những đoạn văn như sau:

‘Từ lâu người Hoa vốn là khách trú trên xứ An-Nam, trong đó có những người là nạn nhân của sự bất công, vong linh họ chưa được yên nghỉ. Nỗ lực của chúng ta để xoa dịu cơn thịnh nộ của các vị cũng vô vọng như chim Tinh Vệ (1) muốn lấp biển sâu’.

Và:

‘Linh hồn bất tử của các vị mãi mãi lênh đênh trên các sóng, thị hiện như sóng Ngũ Tư (2) để cứu vớt các con tàu bị nạn’.

Đằng sau, ngôi đình tứ giác hai tầng mái kiểu cổ lâu, mỗi bề 7 m, cao 7 m, bốn cột đúc giữa và bốn cột phụ. Bên trên có bức hoành ghi:

‘Tổ quốc chúng ta được che chở bởi linh hồn của các nạn nhân’.

Phía bên phải có một phòng lớn trông như lớp học dùng làm phòng họp của bang hội người Hải Nam.

Chính điện nằm giữa khu sân trong gồm ba gian, dài 12 m, rộng 8,4 m. Bên trên lối vào có bức hoành ghi:

‘Oai danh các vị bao la tựa đại dương’.

Bên trái, bên phải còn có các câu:

‘Sự hy sinh của các vị hộ trì cho sự an ninh của lãnh hải Trung Quốc’

Và:

‘Ân đức các vị nhiều vô kể’.

 

Nội, ngoại thất cả ba kiến trúc đều trang trí bằng phù điêu gốm màu sản xuất từ Trung Quốc với các hình tượng cá gáy hóa rồng, chữ Phúc, Lộc, Thọ, thơ văn chữ Hán viết trên tường bằng bột màu. Nóc quyết đắp tứ linh tinh xảo, rực rỡ.

Bàn thờ nằm ở gian giữa, bài trí đơn sơ với lư hương, các lọ cắm. Đằng trước và ngay bên trên có treo bức hoành phi:

‘Mọi điều cầu xin đều được toại nguyện’.

Hai bên có hai bức liễn ghi:

‘Lưu vong nơi xứ người nhưng vẫn kính yêu tổ quốc, ghi nhớ lời dạy của cổ nhân’

Và:

‘Đất An-Nam biết trọng lễ nghĩa. Dâng người đã khuất những cúng dường cần thiết để xoa dịu vong linh các vị’.

Đằng sau là bàn thờ nhỏ với bài vị của 108 người chết, bên cạnh có câu:

‘Uy danh các vị tràn ngập đất An-Nam’.

Riêng tại miếu thờ ở Đà Nẵng vẫn còn lưu giữ lá cờ vua Tự Đức ban cho, trên có thêu hàng chữ:

‘Sắc Phong Chiêu Ứng Oanh Liệt, Phó Phong Đức Bảo Trung Hưng"

Sự trang trí bởi các tượng chạm, chữ Hán, các tranh vẽ, cùng nhiều câu đối để diễn đạt xuất xứ của ngôi miếu, nhắc nhở đến các thời kỳ lịch sử xa xưa, mô tả đời sống của người Hoa, để vinh danh nước Trung Hoa, người Hoa nói chung, và đặc biệt linh hồn của những kẻ đã khuất.

Hằng năm vào độ rằm tháng sáu âm lịch, thân nhân các nạn nhân sống tại Việt Nam hay từ Hải Nam, cũng như người Hoa kiều từ các nơi qui tụ về đây để làm lễ tưởng niệm, thường thường lễ kéo dài đến ba ngày.

 

II. Vụ Án

Mùa hè năm Tự Đức thứ 4 (1851), Chưởng vệ Phan Xích, cùng Lang trung Tôn Thất Thiều nhận lệnh quản suất chiến thuyền mang tên Bằng Đoàn đi tuần tiểu vùng duyên hải các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Ngày 6 tháng 7 thuyền ra cửa Thuận An.

Theo sớ tâu ghi ngày 25 tháng 7 của Phan Xích và Tôn Thất Thiều dâng về triều đình thì ngày 16 tháng 7 ở ngoài khơi đảo Thanh Châu thuộc tỉnh Quảng Ngãi họ phát hiện thấy ba thuyền lạ của Trung Quốc. Chiếc Bằng Đoàn lập tức nhổ neo chạy vòng sang phía bên kia đảo đề quan sát kỹ hơn. Tình nghi là thuyền của hải tặc nên liền bắn ngay vài phát súng thần công. Bị tấn công bất ngờ, ba chiếc thuyền lạ bèn giương buồm bỏ chạy. Ba ngày sau (19 tháng 7) chiếc Bằng Đoàn bắt kịp chúng. Đôi bên giao chiến ác liệt. Sau đó một chiếc bị trúng đại bác vỡ tan, chiếc thứ hai bỏ chạy về phía đông, còn chiếc thứ ba trong tình trạng què quặt trôi bềnh bồng trên sóng. Một toán quân do Hiệp quản Dương Cử chỉ huy xông lên thuyền địch. Tuy đa số đã chết hoặc bị thương nặng, nhưng khoảng một chục thủy thủ đoàn còn lại vẫn ngoan cố kháng cự nên cuối cùng họ hoặc bị giết hoặc nhảy xuống biển trốn thoát. Chiếc thuyền sau đó được kéo về đảo Chiêm Dự tức Cù Lao Chàm. Bản báo cáo còn thêm rằng mặc dù đụng độ địch nhưng chiếc Bằng Đoàn chỉ hư hại nhẹ, có thể sửa chữa lại được ngay. Ngoài ra thì không có tổn thất nhân mạng nào. Phạm Xích và Tôn Thất Thiều sau đó ra lệnh cho đốt thuyền địch. Tinh thần anh em quân sĩ dâng cao, hai ông xin triều đình xét thưởng công cho tất cả.

 

Vua Tự Đức xem xong tờ tâu liền sinh nghi vì đánh nhau với phỉ mà lính tráng chẳng ai bị thương tích gì, còn phía bên kia thì chết sạch không một người bị bắt làm tù binh. Vua liền giao cho một quan bên Bộ Binh đi tra xét. Viên ngoại Nguyễn Văn Tân điều tra xong trở về xác nhận lời tâu của Phạm Xích và Tôn Thất Thiều là đúng sự thật. Trong tờ sớ tâu về triều, bên Bộ Binh kết luận rằng vì chiếc thuyền sơn màu đen nên không thể là một thuyền buôn được, và dựa theo lời kể của các quan cấp dưới cùng sĩ tốt thì những người trên thuyền đó toàn là quân phỉ. Bộ này xác nhận tất cả đều bị giết sạch nhưng không có chứng tích nào cho thấy bên kia có kháng cự, rõ ràng là nói ngoa.

 

Đồng thời cũng trong thời gian ấy, một tên trong số thủy thủ của chiếc Bằng Đoàn nhà ở gần phố Gia Hội (khu phố người Hoa ở Huế), nhân ăn nhậu không đủ tiền trả bèn cầm chiếc nhẫn cho chủ quán. Chẳng may cho hắn, vợ một người mất tích nhận ra (vì mặt nhẫn có khắc tên chồng bà), bèn đánh trống kêu oan. Vua Tự Đức sai tra xét, tên ấy phải nhận tội và khai ra hết sự tình.

Viên đội trưởng trong vệ Tuyển phong là Trần Hựu cũng thú nhận rằng hôm 17 tháng sáu năm 1851 thuyền quan đang đậu ở cửa biển Thị Nại được tin có ba chiếc thuyền lạ ngoài khơi đảo Thanh Dữ, Chưởng vệ Phan Xích và Lang trung Tôn Thất Thiều liền ra lệnh nhổ neo, chạy vòng ra phía sau đảo. Đến đây họ mới nhận biết đây là ba thuyền của Trung Quốc. Bị bắn, ba chiếc bỏ chạy về phía đông. Thuyền quan rượt theo và tiếp tục bắn thần công về phía chúng nhưng chúng chẳng hề đáp lại. Đến ngày 18 tháng 7, hai chiếc thoát mất dạng, duy chiếc thứ ba vì bị hư hại nặng phải hạ buồm đứng lại chịu trận. Cập lại gần, Phạm Xích ra lệnh cho tất cả những người bên thuyền của Trung Quốc sang trình diện. Họ tuân hành lệnh. Ba mươi ba người sang trình thẻ, nói là nhà buôn ở Thừa Thiên xin về thăm quê Trung Quốc và đã được cấp phép, lại có biết Lang trung Tôn Thất Thiều và Suất đội Nguyễn Tỉ; những người còn lại đều buôn bán ở Quảng Ngãi. Họ còn thêm rằng họ đang trên đường trở về Trung Quốc, và thuyền họ là thuyền buôn, không có chiếc nào là hải tặc. Mặc dù đã khai như thế nhưng Phạm Xích lại sai Hiệp quản Dương Cử dẫn một toán quân sang khám xét chiếc tàu lạ. Họ thấy bên đó chỉ toàn hàng hóa mà không có vũ khí nào cả. Tuy vậy Dương Cử vẫn được lệnh phải trói tất cả những người bên thuyền ấy lại, gồm có 75 người Hoa. Qua đêm thứ hai, có lệnh chém đầu hết rồi quăng xác xuống biển. Phần 33 người Hoa khác đã sang trước bên chiếc Bằng Đoàn cũng chịu chung số phận. Tổng số có đến 108 bị chém chết rồi đem quăng mất xác. Ngoài ra sau đó còn tìm thấy một người khác trốn dưới đáy khoang. Bị phát giác, người này chạy thoát lên boong, phóng xuống biển mất tích. Toàn bộ hàng hóa trên chiếc tàu Trung Quốc được chuyển sang chiếc Bằng Đoàn rồi chiếc thuyền buôn được sơn lại toàn màu đen để trông như tàu hải tặc.

Ngày 7 tháng 8 năm 1851, Bộ Binh trình sớ khác lên triều đình để chờ vua phán.

Vua Tự Đức duyệt xong liền phê như sau:

"Mới đây, Phạm Xích và Tôn Thất Thiều có dâng sớ báo việc bắt giữ một tàu hải tặc Trung Hoa. Qua đó quả nhân nhận thấy chiếc thuyền này bị giữ mà không có thủy thủ đoàn nào bị bắt làm tù binh và không có gì chứng minh rằng thuyền này có sai phạm. Việc này khiến quả nhân quan tâm và động lòng thương cảm. Quả nhân đã lệnh cho Bộ Binh điều tra vụ việc nhưng khi đọc tờ trình đầu tiên, Bộ này cho biết tất cả đều bị giết sạch vì chống cự, quả nhân lại càng sinh nghi thêm. Quả nhân ngần ngại chưa phê chuẩn ngay được là vì lẽ đó.

"Thế mà, kết quả của tờ trình mới nhất của Bộ Binh cho thấy Phạm Xích và đồng bọn đã ngụy tạo công lao để đòi được khen thưởng. Chúng là một lũ giảo quyệt, tham lam và độc ác, không có chút nhân tính. Tội chúng là trọng tội! Ôi chao nghĩ đến mà quả nhân đã thấy run lên vì sợ và quả nhân cảm thấy đau đớn khi diễn đạt sự độc ác như thế!

"Cứ tiến hành điều tra. Đưa những kẻ phạm tội ra trừng trị theo pháp triều.

"Trẫm ra lệnh tước hết quyền của Phạm Xích và Tôn Thất Thiều, lập tức bắt giam và giao cho Pháp ti (tức Tam Pháp ty: tòa tối cao chuyên xử những vụ đại hình) tra xét. Về phần quan viên bên Bộ Binh, trẫm giao phó trách nhiệm điều tra mà không tìm ra lẽ phải. Nay tạm ngưng công tác để thẩm xét…."

Sau khi tra xét từng trường hợp, ngày 18 tháng 11 năm 1851, Pháp ti kết thúc phiên xử và trình bản án lên vua Tự Đức xin phê chuẩn. Vua đọc xong liền phê ngay. Bản án như sau:

"Lang trung Tôn Thất Thiều và Chưởng vệ Phạm Xích, đồng phạm chủ mưu vụ thảm sát bị xử lăng trì đến chết. Riêng Tôn Thất Thiều bị xóa tên ra khỏi gia đình hoàng tộc, nay phải lấy theo họ mẹ và cải tên thành Đặng Thiều. Vợ con Thiều bị đày vào sống ở Nam Kỳ và không được sống gần nhau. Hình phạt tương tự áp dụng cho vợ con của Phạm Xích.

"Hiệp quản Dương Cử, tội tòng phạm, bị xử tử ngay lập tức và đầu bị đem bêu ngoài chợ để làm gương.

"Các Hộ vệ như Lê Kỳ, Tôn Thất Cẩm, Tôn Thất Giá và Tôn Thất Hành, tội đốc quân thi hành việc chém đầu các nạn nhân, bị án chém đầu ngay lập tức. Riêng ba người dòng Tôn Thất bị cải tên theo họ mẹ thành Nguyễn Cầm, Lê Giá và Nguyễn Hành.

"Hộ vệ Tôn Thất Ân vì chống lệnh giết người nên được miễn tố và được giữ nguyên chức vụ.

"Các Suất đội như Hồ Tá Hổ, Dương Đức Bửu, và Nguyễn Tỉ, tuy không trực tiếp liên quan đến vụ thảm sát nhưng đã không hề cưỡng lệnh, bị phạt đòn mỗi người 100 trượng, phải lưu đày xa quê nhà 3000 lí. Kết quả, Hổ phải vào sống ở Biên Hòa, Bửu ở Gia Định, còn Ti thì về Vĩnh Long.

"Hộ vệ Tôn Thất Chẩn, trong thời gian bị cầm giữ đã cắt lưỡi tự tử nhưng không chết, được đưa đi điều trị vì ra máu nhiều. Vì không trực tiếp chỉ huy nên được gia giảm tội bằng cách bị loại ra khỏi hộ vệ đoàn về nhà ngồi chơi xơi nước.

"Hai mươi đội trưởng cùng khoảng 70 lính trên tàu Bằng Đoàn bị phạt đòn 100 trượng và bị cất chức. Riêng Đội trưởng Trần Văn Hựu vì cưỡng lệnh nên được tha bổng.

"Viên ngoại Nguyễn Văn Tân được giao phó đi Quảng Ngãi để điều tra vụ việc mà không tìm ra được sự thật, bị giáng xuống một bậc.

"Ba thượng quan Bộ Binh là Trương Đăng Quế, Trương Quốc Dũng và Nguyễn Đình Tân, có tội làm tờ trình nhiều sai sót, bị treo lương một năm.

"Những kẻ trọng tội bị tịch thu gia sản và giao tất cả cho Phan Ky Ký, bang trưởng bang hội đồng hương Hải Nam để chuyển đến gia đình nạn nhân hầu xoa dịu nỗi mất mát của họ, đồng thời hoàn trả lại tất cả hàng hóa lấy từ chiếc thuyền buôn.

"Cuối cùng, cần mượn một số tiền từ phủ Thừa Thiên để lập trai đàn ở cửa sông tại Thuận An hầu phục hồi danh dự cho các vong linh. Các tội phạm bị án tử hình tức khắc sẽ được thi hành trong cùng ngày tế lễ này.

"Bản án này được nội các phê và vua Tự Đức chuẩn thuận ngày 7 tháng 12 năm 1851."

Triệu Phong

 

 

 

Bàn thờ và bài vị của 108 người Hoa bị chết oan

 

(1) Chuyện tích kể con gái vua Thiều Hiếu bị chết đuối khi đang du hành trên biển. Nàng biến thành chim Tinh Vệ hằng ngày tha đá cuội để mong lấp đầy biển sâu.

(2) Ngũ Tử Tư người nước Sở trốn qua nước Ngô để phục vụ cho vua Hạp Lư. Vua Câu Tiễn nước Việt vời ông qua cộng tác, hứa sẽ gả con gái là Tây Thi đẹp sắc nước hương trời. Ở đất Ngô sau nhiều lần vua không chịu nghe lời can gián của ông về thế sự, Tử Tư ngoảy đi và nói: "Nước Ngô rồi đây sẽ bị diệt và sẽ thành một cái ao của nước Việt mà thôi." Nghe vậy vua Ngô đưa kiếm bảo Ngũ Tư phải tự sát. Sau khi Ngũ Tư chết, xác bị quăng xuống sông. Về sau ông biến thành thần sóng.

Tài liệu tham khảo:

(1) A. Bonhomme, "Le Temple de Chiêu Ứng"; Bulletin des Amis du Vieux Hué, I:3 (7-9 / 1914), pp. 191-209.

(2) Lê Nguyễn Lưu, "Văn Hóa Huế Xưa: Đời Sống Văn Hóa Làng Xã"; Nhà xuất bản Thuận Hóa, trang 321-323.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
13 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 96177)
IV. GIỌT NƯỚC LÀM TRÀN LY: Sau khi Nolting rời Việt Nam, anh em Diệm-Nhu quyết chào đón tân Đại sứ Lodge bằng vài món quà ngoạn mục. Hai món quà lớn nhất là cuộc tổng tấn công các chùa trên toàn quốc và công khai tiếp xúc với sứ giả Hà Nội.
13 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 92652)
Cuộc tranh đấu của Phật Giáo năm 1963 là đề tài còn gây nhiều xúc động và tranh cãi. Tuy nhiên, tới nay vẫn chưa có nghiên cứu sử đích thực nào về đề tài này. Một trong những lý do là thiếu sử liệu. Tài liệu văn khố chưa hoàn toàn giải mật, và số người được tiếp cận tư liệu văn khố Đệ nhất Cộng Hòa không nhiều.
20 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 35931)
Từ xưa tới nay, mỗi lần nhắc đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám thì không một ai từ các học giả nghiên cứu văn hóa Việt Nam, các sử gia cho đến các thầy giáo , sinh viên…tất cả đều tin tưởng, khẳng định không một chút hoài nghi , có thể nói đã in sâu vào tiềm thức rằng: Theo chính sử, Văn Miếu lần đầu tiên được vua Lý Thánh Tông cho xây dựng vào năm 1070 và Quốc Tử Giám lần đầu tiên được xây dựng vào năm 1076 dưới triều vua Lý Nhân Tông . Nhưng trớ trêu thay , chính trong sự êm đềm thản nhiên của niềm tin ấy, thật bất ngờ đã nổi lên một cơn sóng "hoài nghi" làm xao động mọi người.
17 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 33353)
Dụ chư tỳ tướng hịch văn là một trong số không nhiều tác phẩm có khả năng vượt qua giới hạn của thời gian và không gian, một tác phẩm không chỉ có giá trị lịch sử mà còn mang ý nghĩa hiện đại, ý nghĩa thời sự, bởi nó không phải chỉ là một tác phẩm của thời chiến, của một cuộc chiến tranh nhất thời, mà nó còn là một tác phẩm của thời bình...chống lại những hèn đớn xấu xa của chính mình, để chống lại những "tên địch trong ta" như những kẻ "nội xâm" trước khi chiến thắng giặc "ngoại xâm".
07 Tháng Sáu 201012:00 SA(Xem: 117244)
Bài này được viết sau khi vụ Hội Địa Lý Quốc Gia (National Geographic Society) của người Mỹ ghi chú không đúng về quần đảo Hoàng Sa đã tạm thời được giải quyết vói sự đồng ý sửa lại của tổ chức này.
24 Tháng Hai 201012:00 SA(Xem: 32412)
Sau khi đọc bài viết “Phát hiện một bản đồ cổ Việt Nam ” [1] của tác giả Nguyễn Đình Đầu [NĐĐ] chúng tôi thấy có nhiều điểm bất ổn. Vì điều kiện khách quan chưa thể xác định vấn đề một cách chắc chắn, nên bài viết này xem như cùng với độc giả, cùng với H. E. Meinheit và ông NĐĐ thảo luận và tìm hiểu thêm.
04 Tháng Giêng 201012:00 SA(Xem: 97480)
Trọn năm 1946, New Times chỉ đăng hai bài của A. Guber và Vera I. Vasilyeva (1900-1959), cựu chủ nhiệm Văn Phòng Đông Dương của Ban Phương Đông QTCS về “French-Indochina.” Guber yểm trợ mô hình Khối Liên Hiệp Pháp [L’Union francaise] trong Dự thảo Hiến Pháp của Pháp, và nhấn mạnh vào sự thắt chặt liên hệ giữa “nhân dân Đông Dương” với “lực lượng tiến bộ” Pháp, vì đây là chỗ nương dựa cho những đòi hỏi chính đáng.
04 Tháng Giêng 201012:00 SA(Xem: 101552)
Trong đời hoạt động của Hồ Chí Minh–ngoại trừ chuyến “đi biển” năm 1911–mỗi cuộc xuất ngoại đều có sứ mạng riêng. Chuyến đi Nga cuối tháng 6/1923 từ Paris–do Quốc Tế Cộng Sản [QTCS] dàn xếp–là chuyến cầu viện thứ nhất. Nó mở ra cho Hồ giai đoạn hoạt động suốt 22 năm kế tiếp như một cán bộ QTCS chuyên nghiệp [agitprop = political agitation and propaganda].
20 Tháng Mười Một 200912:00 SA(Xem: 112170)
LTG: M ới đây, một số cơ quan ngôn luận trong nước–do Đảng Cộng Sản Việt Nam [CSVN] làm chủ–đã can đảm nhắc đến vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh hải. Dân biểu/sử gia Dương Trung Quốc từng kêu gọi chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phải tường trình đầy đủ về vấn đề Trường Sa-Hoàng Sa. Báo Tuổi Trẻ (Sài Gòn) còn đăng cả ký ức của cựu Thượng sỉ HQ Lữ Công Bảy về trận hải chiến 30 phút, hơn 35 năm trước.
02 Tháng Chín 200912:00 SA(Xem: 84182)
Khái Hưng gốc làng Cổ Am, Vĩnh Bảo, Hải Dương–nơi chính quyền Bảo hộ Pháp từng dùng bom đạn san bằng sau cuộc khởi nghĩa mùa Xuân năm 1930 của Việt Nam Quốc Dân Đảng [VNQDĐ]. Thân phụ là Trần Mỹ, Tuần phủ Phú Thọ [Thái Bình?].