- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Nguyễn Ái Quốc: Người Việt Đầu Tiên Đến Mỹ?

12 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 8570)

w-hopluu93-final-5_0_300x161_1Lịch sử quan hệ quốc tế của Việt Nam là lãnh vực còn cần nhiều công trình nghiên cứu. Ngay quan hệ giữa Việt Nam với Trung Hoa, Nhật Bản, Pháp, Nga mới chỉ được nghiên cứu rất giới hạn–trên căn bản của cơn sốt thuộc địa và phong trào giải thực (decolonialization) trong thế kỷ XIX-XX. Liên hệ Việt-Mỹ còn giới hạn hơn, và bị ảnh hưởng nặng nề của cuộc chiến tranh lạnh Tư Bản-Cộng Sản (1947-1991). Thí dụ như cho tới đầu thế kỷ XXI, các chuyên viên còn khá nhức đầu với câu hỏi "Ai là người Việt đầu tiên đã đến Mỹ?" Và, dĩ nhiên, là một câu hỏi phụ khác, không kém quan trọng: "Ai là người Việt đầu tiên tiếp cận với hệ thống chính trị Mỹ?"

Trở ngại thứ nhất là vấn đề tư liệu–hoặc đúng hơn là thiếu tư liệu khả tín. Trước Thế chiến thứ hai (1939-1945), đa số nghiên cứu về lịch sử Việt do các viên chức thuộc địa, giáo sĩ hoặc giáo dân Việt thực hiện–nhờ được tiếp cận tài liệu văn khố Hội truyền giáo Pháp, và có điều kiện hơn. Bởi vậy, mục tiêu văn minh hóa (mission civilisatrice) và truyền đạo (propagation de la foi) thường che khuất sự thực sử học. Ngoài ra, còn chính sách văn hóa/thông tin thuộc địa. Vì Pháp muốn giữ Việt Nam như thuộc địa đóng kín, người ta chỉ biết đại cương–do nỗ lực từ một chuyên viên Mỹ tại tòa lãnh sự Sài Gòn–về những nhân vật như hạm trưởng John White, hay hai sứ đoàn của Edmund Roberts, v.. v...

Sau năm 1945, nhờ tài liệu văn khố nhà Nguyễn được công bố và phiên dịch–đối chiếu với các văn khố Pháp, Mỹ, Bri-tên, Espania, Portugal, Trung Hoa, Thái Lan, Nga, v.. v...–lịch sử quan hệ quốc tế của Việt Nam nói chung, và liên hệ với Liên bang Mỹ nói riêng, bắt đầu có những y cứ vững chãi, gần sự thực hơn là những cảm nhận đại chúng.

Trong dân gian, một huyền thoại được truyền tụng là việc ông Bùi Viện (1837-1878) từng qua Mỹ vào khoảng năm 1873.(1) Vì nhiều lý do khác nhau, rất ít người đề cập đến việc Nguyễn Sinh Côn (1892-1969), tức Paul Thành, có mặt ở Mỹ trong khoảng Thế chiến thứ nhất (1914-1918), làm quen với Bản tuyên ngôn độc lập 4/7/1776 của Liên bang Mỹ, và nhiều lần lập lại một câu bất hủ của văn kiện lịch sử này: từ những bài huấn luyện hội viên Việt Nam Kách Mệnh Thanh Niên Đồng Chí Hội trong giai đoạn 1925-1927, tới bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 tại Hà Nội.(2)

Trong thời Đệ nhị Thế chiến, có ít nhất 4 người Việt từ Pháp qua làm việc cho đài phát thanh Mỹ tại San Francisco, như Tào Kim Hải, v.. v... Cuối thập niên 1940, đến một số du học sinh như Nguyễn Đình Hòa, Huỳnh Sanh Thông, cùng những nhân vật Phan Huy [Quang] Đán, Ngô Đình Diệm (1897-1963), v.. v.... Ngoài ra, số lượng nữ sinh viên và phụ nữ Việt kết hôn với người Mỹ cũng ngày một gia tăng, nhưng chưa có thống kê chính xác.

Bài viết này–dựa trên tài liệu nguyên bản của nhiều văn khố quốc gia, và nghiên cứu của học giả thế giới–cố gắng truy tìm người Việt đầu tiên đã đến Mỹ, đồng thời phác họa quan hệ Mỹ-Việt trong giai đoạn từ 1787 tới 1919, phân tích những dị biệt về văn hoá-chính trị-kinh tế giữa hai quốc gia, khiến nỗ lực quan hệ của cả hai bên đều thất bại.

 

I. NHỮNG NỖ LỰC KHÔNG THÀNH CÔNG TRƯỚC THỜI PHÁP THUỘC:

Những nỗ lực mở quan hệ giữa Liên bang Mỹ và Việt Nam thoạt tiên chỉ có tính cách thương mại, và do Mỹ chủ động.

A. NỖ LỰC TỪ PHÍA MỸ:

1. Chính khách Mỹ đầu tiên chú tâm đến "Cochin China" [tức Đại Việt] là Thomas Jefferson (1743-1826), khi còn giữ chức Đại sứ tại Paris. Chuyến qua Pháp xin cầu viện của Giám mục Pedro [Pierre] Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) và Hoàng tử Nguyễn Cảnh vào mùa Xuân 1787 khiến Jefferson chú ý đến lúa gạo của Đại Việt. Ngày 28/11/1787, Jefferson tỏ ý muốn có một số lúa mẫu của "Cochin China," và đề nghị nên tìm cách giao thương. (3)

Tuy nhiên, suốt hai nhiệm kỳ Tổng thống từ 1801 tới 1809, Jefferson không có chính sách cụ thể nào đối với Việt Nam.

2. Trong nhiệm kỳ đầu của Jefferson, Jeremiah Briggs, hạm trưởng tàu Fame, giương buồm đến Việt Nam. Ngày 21/5/1803, Briggs hạ neo ở "Turon," tức Vũng Thùng. Đây là thương thuyền đầu tiên tiếp cận với Đại Việt ghi trong lịch sử hàng hải Mỹ.

Tàu rời Boston ngày 17/1/1803; thấy Côn Sơn ngày 15/5/1803; Vũng Tàu ngày 16/5/1803. Tại Turon, Briggs lên một trong hai tàu của thủy sư Nguyễn, do một người Pháp chỉ huy. Được khuyên nên đến "Cowe" (Huế?) mới có hy vọng buôn bán (vì vua nắm độc quyền ngoại thương, và không có giai tầng thương gia bản xứ). Ngày 23/5, Briggs cùng 5 thuộc hạ và một lái tàu người Portuguese sống ở Macao lên Huế bằng thuyền nhỏ. Nghỉ đêm ở Haifoo, nơi dân chúng sống bằng nghề đánh cá, nhà cửa tồi tàn. Hôm sau, ngược sông Haifoo lên Huế. Thấy thuyền và tàu xuôi ngược. Tới Huế, lên tàu buồm do một người Pháp chỉ huy. Theo nhật ký (logs) của Briggs, vua Nguyễn sai một linh mục tới gặp để hiểu thêm về nước Mỹ. Briggs ở lại Huế ba ngày. Hạm trưởng người Pháp giới thiệu cho Briggs được phép buôn bán. Trong 10 ngày, Briggs giong tàu chạy dài theo bờ biển, và không cặp bờ nữa. Ngày 10/6/1803, Briggs hướng về Manila. (4)

Đại Nam Thực Lục triều Gia Long không nhắc đến Briggs hay nước Mỹ. Nhưng tháng 6 Quí Hợi [19/7-16/8/1803], ghi:

Hồng Mao sai sứ đến hiến phương vật, dâng biểu xin lập phố buôn ở Trà Sơn, dinh Quảng Nam. Vua nói rằng hải cương là nơi quan yếu sao cho người ngoài được. Không cho. Trả vật lại mà bảo về. (5)

Khoảng một năm sau, khi John W. Roberts thuộc công ty Đông Ấn [East India Company] của Bri-tên hai lần đưa tàu Gunjava tới Đà Nẵng với nhiệm vụ thiết lập buôn bán và loại ảnh hưởng Pháp khỏi Việt Nam, Gia Long cũng không chấp thuận. Vua nói với các đình thần: "Tiên vương kinh dinh việc nước, không để người Hạ lẫn với người Di, đó thực là cái ý đề phòng việc từ lúc còn nhỏ. Người Hồng Mao gian giảo, trí trá, không phải nòi giống ta, lòng họ hẳn khác, không cho ở lại." (6)

Quyết định trên phản ánh chính sách đối ngoại mới của Gia Long: Đó là đồng ý buôn bán–hiểu theo nghĩa thông thường, trả tiền bạc cho các hóa vật, hoặc trao đổi sản vật trong nước lấy vật dụng cần thiết, nhưng không thuận cho công ty ngoại quốc đặt trụ sở trên đất liền, với lý do an ninh quốc gia. Đúng hơn là mối đe dọa mà một thành ngữ Malay diễn tả một cách thâm thúy: "Kim xuyên qua rồi, chỉ chắc sẽ vào theo." Vì vậy sau này sử quan Nguyễn đã ca tụng "khước đồ hiếu của Tây di" như công lao để đời hàng đầu của vua, trên cả những việc "cẩn thận phòng nước Xiêm, yêu nuôi nước Chân Lạp, vỗ về nước Vạn Tượng, uy danh lừng phương xa, nhân đức trùm nước nhỏ. . . ." (7)

Đây là một thay đổi quan trọng, cắt đứt dần quan hệ với phương Tây mà Gia Long từng tiếp cận nhiều thập niên–sự tiếp cận có lẽ quá gần với những "tôi tớ" đủ quốc tịch, các lái súng mà sự lương thiện là những dấu hỏi lớn, và các nhà truyền giáo tham vọng. Bởi thế từ đầu năm 1790, Nguyễn Chủng đã chính thức hủy bỏ Hiệp ước 1787, yêu cầu đích thân Giám Mục Pigneau dịch qua tiếng Pháp, gửi về Paris–một trong những lý do khiến Pigneau có lần muốn bỏ đi, trong khi một số lính đánh thuê rời Gia Định.(8)

Dẫu vậy, Nguyễn Chủng cũng chẳng có thiện cảm gì với Bri-tên, một đại cuờng quốc và nguồn cung cấp vũ khí quan trọng trong thời gian này. Năm 1797, Nguyễn Chủng đề nghị với Rama I (1782-1809) hợp binh đánh nếu "Hồng Mao" tiếp tay Diến Điện (Burma) tấn công Xiêm. (9) Tuy nhiên Nguyễn Chủng–với quan niệm "chín đời báo thù mới là đại nghĩa"–đủ khôn ngoan để duy trì những quan hệ cần thiết với Tây phương cho mục tiêu cuối cùng của mình. Vương chấp nhận nhượng bộ một số yêu cầu của Pigneau, như cho tự do truyền đạo, sử dụng giáo dân Ki-tô, và cho Đông cung Cảnh tôn Pigneau làm phụ đạo. Đạo quân Lê dương được tận dụng trong mọi lãnh vực, kể cả việc tìm mua vũ khí ở các thuộc địa Bri-tên, Portugal, Dutch. Một "đầy tớ" người Bri-tên–Laurent Barizy–được giao trách nhiệm mua bán vũ khí và hành xử như đại diện không chính thức cho các công ty Bri-tên, đặc biệt là công ty Abbott & Maitland tại Madras (Pondichéry). (10)

Các thuyền buôn ngoại quốc đến làm ăn từ đó phải theo luật lệ mới. Nguyễn Đức Xuyên, Jean Baptiste Chaigneau, và Philippe Vannier đặc trách công tác tế nhị này. Số tàu ngoại quốc thường xuyên ghé Đà Nẵng và Sài Gòn là tàu Bri-tên, Portuguese (Macao), Xiêm, và nhất là Trung Hoa.

Vua rất nghiêm ngặt trong việc xuất cảng sản phẩm nội địa và kiểm soát tàu buôn ngoại quốc. Tháng 7/1804, cấm dân không được lấy bán các thứ gỗ cấm (gỗ tàu, gỗ lim, gỗ giáng hương); thuyền nước ngoài mua lậu sẽ bị tội nặng như người bán. Đã lỡ mua trước khi có lệnh cấm, nạp lại, trả tiền cao. Dân chúng cũng không được buôn bán đường biển. Ai vi phạm, thuyền và hàng hóa bị tịch thu, phạt 100 trượng, đồ 3000 dặm. Trong khi đó, thuế cảng (nhập bến), thuế đánh trên hàng hóa và tiền "ba lễ" [dâng hoàng thái hậu, dâng vua, dâng hoàng thái tử] khiến các hạm trưởng ngoại quốc rất bất bình. Đó là chưa nói đến khoảng cách biệt giữa luật pháp và việc thi hành, cùng tục lệ hiện nay thường biết như "cải thiện" cho các viên chức và môi giới.(11)

Sự thay đổi thái độ với những nguồn cung cấp vũ khí và đạn dược trong thời nội chiến này phần nào do dịch vụ của họ không còn cấp thiết nữa. Trong khi đó, vua không khỏi nhức đầu vì chủ nợ cũ. Ít nhất có 2 tàu Bri-tên ghé Đà Nẵng đòi tiền. Tháng 10/1807, Kê-lê-mân tới Kinh, nói với bọn Chaigneau, Vannier và de Forcanz là Áp bột miệt lăng [Abbott & Maitland] trước đây bán nhiều súng đạn cho vua, nay túng tiền xin vua trả thêm. Gia Long cấp cho 24,000 đồng, rồi bảo đi. Năm năm sau, tháng 7/1812, Ốc Luân ghé tàu ở Trà Sơn, đòi tiền mua khí giới còn thiếu. Nguyễn Đức Xuyên tâu lên, vua nói: "Người Di địch chỉ biết có lợi, khó nói nhân nghĩa được. Giá hàng mua năm trước còn ở sổ kia. Gần đây Kê Lê Mân đến xin thêm giá ta cũng không thèm so đo, đã cho đủ số rồi. Nay lại tham lam không chán sở dục biết làm sao cho no được?" Sai Xuyên trả lời. Ốc Luân xấu hổ bỏ đi (12)

Tưởng nên nhấn mạnh thêm, việc ngoại thương dưới triều Gia Long–giống như các quốc gia láng giềng–do triều đình độc quyền. Vua nhập cảng những gì cần thiết cho chế độ như vũ khí, vải vóc, cùng vật dụng dành riêng cho giới quí tộc và quan lại. Đồng thời độc quyền thu mua và xuất cảng những mặt hàng mà thị trường ngoài nước ưa chuộng. Đại đa số dân chúng phải sử dụng hàng nội hóa, ngoại trừ một số nhu yếu phẩm như thuốc "Bắc," trà, sâm, sách, giấy mực, v.. v... Việc ngoại thương cũng chỉ được diễn ra tại các hải cảng chọn lọc: Nam Định, Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Sài Gòn và Hà Tiên. Sau này, do sự xuống cấp của ngoại thương và lý do an ninh, Đà Nẵng trở thành cảng duy nhất các tàu Tây phương làm ăn với Huế. Mọi giao tiếp với dân đều bị tuyệt cấm. Bởi thế, gần cuối đời Gia Long, việc ngoại thương giảm hẳn.

Để điền vào chỗ trống, vua sử dụng "Thanh nhân" làm giai tầng trung gian ("lãnh trưng" [farming]) trong mọi lĩnh vực–từ khai mỏ, thầu thuế chợ, chuyên chở, tới buôn bán với nhà Thanh về những nhu yếu phẩm như thuốc Bắc, vải vóc, v.. v...

3. Năm 1819, hai trong số bốn tàu Mỹ được cặp bến Sài Gòn. Đó là tàu Marmion của Oliver Blanchard, và chiến hạm Franklin của Thiếu tá John White (1782-1840).

Theo White, rời Salem ngày 2/1/1819, hơn 5 tháng sau tàu Franklin buông neo ở Vũng Tàu. Hôm sau, 8/6, tới "Canjeo" (Cần Giờ), nằm về phía Tây Nam Vũng Tàu. Vì không được phép vào Sài Gòn, ngày 12/6 nhổ neo ra Huế. Ngày 18/6, tới Turon (Đà Nẵng). Trở ngại nhất là ngôn ngữ; nhưng White hiểu đại khái rằng vua hiện không ở kinh đô, Việt Nam mới qua cơn binh lửa nên không có nhiều hàng xuất cảng. Tháng 7/1819, White giương buồm qua Manila, nhân tiện tìm thông ngôn. Ở đây hai tháng, White gặp hạm trưởng John Brown của tàu Marmion. Tàu Marmion đã đến Vũng Tàu vài ngày sau khi White rời nơi này, nhưng được phép vào Sài Gòn nhờ sự dễ dãi của "Phó vương" (tức Tổng trấn Gia Định). Chẳng may thuyền trưởng Blanchard chết bệnh ở gần Vũng Tàu; và Brown lên thay, đưa tàu về Manila.

Ngày 6/9, Brown và White giương buồm trở lại Sài Gòn. Tới Vũng Tàu ngày 25/9. Ngày 9/10, hai tàu FranklinMarmion buông neo ở Sài Gòn.

Qua những "linguistes" (thông ngôn) và giáo sĩ trung gian biết tiếng Portuguese [Bồ đào nha]–như Pasqual, một người Tagal, có vợ Việt; Linh mục Antonio, người Italia; Polonio, một giáo dân từng hầu cận Pigneau de Béhaine (dẫn White đi thăm thú nhiều nơi, kể cả một ngôi chùa lớn có lẽ là chùa Barbé)–White tiếp xúc với các viên chức cao cấp, kể cả quyền Phó vương. Đồng thời, tìm hiểu sinh hoạt chính trị, kinh tế và xã hội miền Nam.

White gặp nhiều rắc rối với quan chức vì thuế đánh quá nặng, và hủ tục công khai ăn hối lộ. Không phân biệt Pháp, Mỹ, Anh, gọi chung người Tây phương là "Olan" (Hoà Lan). Từ ngày 10/10, White phải đương đầu với toán kiểm tra tàu. Tiền thuế chính thức 2816 quan; thuế phụ trội, 113 quan, 4 tiền, 61 đồng; tương đương 1697 dollars Espania. (1 quan ăn 10 tiền, 1 tiền, 60 đồng) Quà tặng lên tới 2700 dollar Espania.(13)

Thời gian này, thương mại với Macao đã bị cắt đứt. Tàu buôn Trung Hoa cũng rất hiếm.

Ngày 11/10/1819, White gặp Quyền Tổng trấn. Ông này là quan văn, lo hình tào. Tổng trấn là võ quan, đang ra Huế để trình bày trường hợp White. Vợ Pasqual lo việc quà biếu Quyền Tổng trấn: 4 cái đèn tròn, 4 bình thủy tinh, ly uống vang và ly không chân, rượu vang, vài chai rhum, 1 hộp đựng trầu, v.. v.... Ngày 12/10, viết thư cho "Đô đốc" Vannier, kèm theo một cây kiếm và 12 chai moutarde tặng vua. Ngày 24/10, thăm quyền Tổng trấn tại nhà riêng. Sau này Tổng trấn mượn một khẩu súng của White, nhưng không trả lại. Ngày 31/10, White dọa xuống tàu bỏ đi.

Ngày 6/12/1819, Tổng trấn trở về nhiệm sở. Hôm sau, 7/12, White vào thăm. Sau đó, được thư ngày 20/11/1819 của Vannier, báo tin thuế cảng đã giảm; và không phải tặng quà cho các quan. Vua đang bị bệnh, nên Vannier không có dịp gặp vua. Đã trao thanh đoản kiếm White tặng vua. Người trao thư của Vannier–có biệt danh Aqua Ardiente–đòi tiền công đưa thư một chai rượu rhum và một yard [gần một thước Pháp] vải đỏ. Aqua Ardiente là nhân vật quỉ quyệt nhất.

Vài ngày sau buổi sơ kiến, Tổng trấn lại gặp White. Không có quan chức Việt, chỉ có 4 thông ngôn Antonio, Mariano, LM Joseph và Vincente, tất cả đều là giáo dân Ki-tô. Tổng trấn thăm hỏi kỹ về tình hình Âu châu. Nói ngưỡng mộ dân "Olan;" buồn vì tình trạng man rợ của dân Việt.

Ngày 16/1/1820, bắt đầu chất đường xuống tàu. Ngày 29/1, xuống được 1700 picul (đơn vị đo lường Xiêm, khoảng 62.5 kilogram) đường. Tàu Marmion phải trả 2,708.70 dollar Espania tiền thuế và dịch vụ khác, gần bằng 50% trị giá số đường mang đi.

Trước ngày White rời Sài Gòn, Tổng trấn trao cho White danh sách các vật liệu vua muốn mua: đại bác, bản đồ, sách vở Tây phương, v.. v... Vua sẽ trả bằng thổ sản. White không nhận lời vì những mặt hàng vua cần không có nhu cầu ở nơi khác. Hơn nữa, có tin vua sẽ dùng khí giới đánh Xiêm.

Linh mục Joseph thì xin rượu vang và bột mì để làm lễ. Theo Joseph, vua sắp chết; thái tử sẽ lên ngôi. Tín đồ Ki-tô sắp đối diện hiểm họa bị bách hại. White khuyên Joseph ra đi, nhưng ông ta không muốn phản bội thượng cấp.

Khi White chào từ biệt, Tổng đốc áy náy không giúp gì được White. Ngày 30/1/1820, White nhổ neo. Mang theo vơi nửa sức chứa đường và tơ. Tới Cần Giờ ngày 1/2. Ngày 3/2, tàu Marmion cũng tới nơi.(14)

Báo cáo của White, bên cạnh những chi tiết hấp dẫn, có vài ba thiếu sót quan trọng. Thí dụ như White không nhắc gì đến cái chết của Tổng trấn Nguyễn Huỳnh Đức, và Hữu quân Nguyễn Văn Nhân lên thay trong dịp White ở Sài Gòn. (15)

Theo White, Quyền Tổng trấn là quan văn; Tổng trấn là quan võ. Cả chưởng Tiền quân Đức lẫn Chưởng Hữu quân Nhân đều là quan võ. Hoàng Công Lý, Phó Tổng trấn từ tháng 9/1818 là Tả thống chế thị trung, coi việc đào sông An Thông, vận dụng tới 10,000 nhân công mà White nhắc đến. Ngoài ra, còn Hiệp trấn Trịnh Hoài Đức, thày dạy cũ của vua Minh Mạng–được Gia Long và Minh Mạng đặc biệt quí mến. Lý và Đức đều là văn quan. (16)

Lại có tác giả cho rằng Tổng trấn Gia Định mà White được gặp là Lê Văn Duyệt. Điều này khó xảy ra. Ngày 26/1/1820, Chưởng Tả quân Duyệt có mặt bên giường bệnh Gia Long cùng Phạm Đăng Hưng để nghe di chiếu lập Thái tử Đảm; và kiêm giám 5 kinh doanh Thần sách. Duyệt chỉ được cử làm Tổng trấn nhiệm kỳ hai (1820-1832) khoảng nửa năm sau ngày White rời Sài Gòn, và tới Gia Định khoảng ngày 28/8/1820. (17) Ngày 13/4/1820, Minh Mạng mới triệu Tổng trấn Nhân về kinh; đồng thời cử Hiệp tổng trấn Đức và Phó Tổng trấn Lý tạm thụ lý ấn tổng trấn. Hai tháng sau, ngày 10/6, Đức về kinh, Lý quyền lãnh ấn Tổng trấn chờ Khâm sai Tổng trấn [Duyệt] nhận nhiệm sở. Hữu tham tri bộ Hộ Nguyễn Xuân Thục quản lý tào Hộ và Hình. (18)

Phải chăng nhóm thông ngôn của White không nói hết sự thực? (White cũng ghi nhận là bọn linguistes rất tham lam, giảo hoạt, chỉ lo kiếm lợi–một đặc tính của giới đổi chác với ngoại nhân ở các hải cảng năm châu. Linh mục Antonio gốc Italia chỉ là một thí dụ. Hay bà vợ người Việt, và Domingo, con rể tương lai, của Pasqual) Đáng tiếc là bản Thực lục Việt ngữ chúng tôi tham khảo không nhắc gì đến các tàu Mỹ ở Gia Định, dù thời gian bỏ neo của hai tàu khá lâu (gần 4 tháng).

Nhiều dấu hiệu cho thấy nhóm cố vấn Pháp của Gia Long–tức các giáo sĩ và hai thông dịch viên Chaigneau, Vannier ở Huế–có phần thiên vị, muốn giữ ưu quyền thương mại cho Pháp. Vannier không trình lên Gia Long chuyến đi của White, nêu lý do vua bị ốm. Về thổ sản tàu Mỹ muốn mua–tức đường và tơ đũi–kho triều đình đã cạn vì mới dồn hàng cho hai tàu Pháp. Mùa đường năm sau thì triều đình có kế hoạch thu mua hết. Thực ra, Vannier đang chờ đợi chuyến trở lại của tàu La Rosse [Rose] với quốc thư của vua Pháp. Sự thiên vị này dễ hiểu. Từ năm 1815, sau cuộc đại bại của Napoléon Bonnaparte, triều đình Bourbons bắt đầu muốn đòi Gia Long thực thi Hiệp ước 1787. Năm 1817, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Richelieu cử Hải quân Đại tá Achille de Kergariou đưa chiến hạm Cybèle [Phi Giác] qua thăm thân hữu Việt Nam. Mang theo thư Richelieu gửi Chaigneau, yêu cầu báo cáo tình hình, đồng thời kiểm lại bản đồ do Jean-Marie D’Ayot vẽ. Ngày 6/1/1818, de Kergariou tới Đà Nẵng. Vannier xuống chiến hạm Cybèle gặp. Chaigneau dịch hai lá thư của de Kergariou, nhưng Gia Long từ chối tiếp kiến. Nêu lý do không có quốc thư. (19)

Từ 1817 tới 1819, một số tàu Pháp tới buôn bán ở Đà Nẵng và Sài Gòn. Đó là các tàu Henry của công ty Philippon et Cie. (tới Đà Nẵng tháng 12/1817), La Rose của hãng Balguerie, Sarget et Cie., Courrier de la Paix, v.. v... Các tàu này đều được Chaigneau và Vannier tiếp. Tháng 11/1819, Chaigneau và gia đình lên tàu Henry về Pháp nghỉ hai năm. (20)

Phần các nhà truyền giáo Pháp không ngừng oán trách Gia Long quên công ơn khối Ki-tô. Sự bất mãn khởi nguồn từ quyết định kiểm soát tôn giáo năm 1803–đặt Ki-tô giáo ngang hàng với Phật Giáo. Tiếp đến sự thăng tiến của Khổng giáo lên hàng chính giáo. Một Văn Miếu nguy nga được khai trương ở Huế, trong khi vua mở những cuộc thi Hương chọn người ra làm quan. Tên Khổng Khâu trở thành một thứ quốc húy, phải đọc thành "Kỳ." Gia Long còn muốn tìm hiểu về Nghiêu, Thuấn và thuật trị nước "vô vi nhi trị." (21)

Một trong những cao điểm của sự xa cách giữa Ki-tô giáo và triều đình là việc kế vị. Năm 1816–sau cái chết của mẹ ruột Hoàng tử Cảnh–Gia Long loại Hoàng tôn Đán (con thái tử Cảnh), chọn Hoàng tử Đảm làm Thái tử. Đảm và phe phục hưng chính giáo (như Đặng Đức Siêu, Trịnh Hoài Đức, v.. v...) trở thành đối tượng đánh phá của Hội truyền giáo qua các chiến dịch tin đồn và những lời dèm xiểm với dư luận quốc tế. Mặc dù mãi tới mùa Hè 1826, Giám mục Jean Taberd mới chính thức tuyên chiến với Minh Mạng, cuộc đương đầu sắt máu giữa Ki-tô giáo và triều Nguyễn đã âm ỉ từ trước ngày White tới Sài Gòn.(22)

Những nỗ lực của Pháp trong việc ký thương ước với Việt Nam–trên bối cảnh bành trướng ảnh hưởng của Bri-tên (qua công ty East India Company) tại Burma, Xiêm, Malaya và Hoa Nam–được tiếp tục trong những năm đầu triều Minh Mạng. Tuy nhiên, Minh Mạng không thay đổi lập trường. Khi Chaigneau trở lại Huế ngày 17/5/1821, với thư của vua Louis XVIII đề nghị giao thương, và cử Chaigneau làm Lãnh sự, Minh Mạng chỉ trả lời sau khi Vannier và Chaigneau đe dọa sẽ từ chức, hồi hương.(23)

Năm 1822, Minh Mạng cũng từ chối ký thương ước với sứ đoàn Bri-tên, dù John Crawfurd [Cả-la-khoa-thắc] được Lê Văn Duyệt tiếp tại Gia Định, và gặp một thượng thư tại Huế. Nêu lý do không có thư của Quốc vương Bri-tên.(24)

Chính sách tự cô lập của Minh Mạng khiến mùa Thu 1824 cả Chaigneau lẫn Vannier đều từ chức về nước. Những nỗ lực ngoại giao ôn hòa cuối cùng của Pháp từ 1825 tới 1830 cũng đều thất bại, vì Hoàng đế của "Trung Quốc" Việt Nam không thích ở lẫn với "Di địch." (25)

3. Hơn một thập niên sau chuyến đi của White, ngày 3/7/1831, John Shillaber, Lãnh sự Mỹ tại Batavia (Đông Ấn thuộc Dutch hay Hòa Lan), lại báo cáo về tiềm năng của Cochin China. Ngày 27/1/1832, Ngoại trưởng Edward Livingston chỉ thị cho Đặc sứ Edmund Roberts tìm cách ký thương ước, và chuyển thư Tổng thống Andrew Jackson (1829-1837) cho Minh Mạng.

Rời Boston tháng 3/1832, tàu Peacock vượt qua Rio de Janeiro. Sau khi thăm Philippines và Trung Hoa, dù thời tiết xấu, ngày 1/1/1833 đến được Đà Nẵng. 4 ngày sau tàu Peacock bị cuốn trôi về phía Nam, tới Vụng Lấm (Phú Yên), giữa Poulo Cambir và Cape Averella, phía Nam Thị Nại (Qui Nhơn).

Chuyến đi của Roberts được ghi nhận trong Thực Lục:

Quốc trưởng nước Nhã di lí (nước này ở Tây dương, hoặc gọi là Hoa Kỳ, hoặc gọi là Ma-ly-căn, hoặc gọi là Tân Anh-cát-lị) . . . sai bọn bề tôi là Nghĩa Đức Môn La Bách Đại, Úy Đức Giai Tâm Gia (tên hai người) đem quốc thư xin thông thương, thuyền ở cửa Vụng Lấm thuộc Phú Yên. Vua sai Viên ngoại lang Nguyễn Tri Phương, tư vụ Lý Văn Phức đi hội với quan tỉnh, lên trên thuyền thết tiệc, và hỏi ý họ đến đây làm gì. Họ nói: "Chỉ muốn thông hiếu và giao thương," nói năng rất cung kính. Đến lúc dịch thơ ra, có nhiều chỗ không hợp thể thức.

Vua bảo không cần đệ trình thư ấy. Rồi cho quan quyền [thương] bạc làm tờ trả lời. Đại lược nói: "Nước ấy muốn xin thông thương, cố nhiên là ta không ngăn trở, nhưng phải tuân theo pháp luật qui định. Từ nay nếu có đến buôn bán thì cho đỗ ở vụng Trà Sơn, tấn sở Đà Nẵng, không được lên bờ làm nhà, vượt qua kỷ luật. Rồi giao thư cho họ mà bảo họ đi." (26)

Báo cáo của Roberts nhiều chi tiết hơn. Thoạt tiên, sứ bộ Mỹ tiếp xúc với một lý trưởng, và viên chức này trình bày sơ lược tổ chức chính quyền cũng như thể lệ đệ trình văn thư. Tiếp đó, quan tỉnh Phú Yên tới. Họ cho Roberts xem một bàng liệt kê quốc kỳ các nước, yêu cầu sứ đoàn Mỹ xác định quốc kỳ của mình. Sau đó, hai bên thảo luận về cách thức đạo đạt thư Tổng thống Mỹ tới Minh Mạng: Roberts phải viết thư cho Thương bạc (ty Ngoại thương), trình bày mục đích của sứ đoàn. Quan Việt nhiều lần bắt bẻ đòi sửa lại thư cho hợp với phong tục Việt Nam. Ngày 17/1/1833, một phái đoàn Huế tới nơi gặp Roberts. Hai bên lại qua một chu trình hỏi/đáp về mục đích của sứ đoàn, rồi bắt bẻ hình thức cũng như nội dung bản dịch quốc thư. Cuối cùng, ngày 26/1, kết quả từ Huế xuống–thay vì có văn thư trả lời chính thức, hai quan lớn Việt thết tiệc sứ đoàn, rồi hôm sau lên tàu nói chuyện. Họ yêu cầu được xem trước bản dịch thư Tổng thống Mỹ để sửa chữa lại nếu cần để tránh vua nổi giận. Roberts cương quyết giữ lập trường Tổng thống Mỹ không thua kém hay đứng dưới bất cứ ai, và không thể làm nhục quốc thể. Ngày 7/2, Roberts báo cho các quan Việt biết chiến hạm Mỹ sẽ lên đường, vì sứ mệnh thất bại; nhưng hy vọng hai bên không vì thế mà thiếu thân thiện. Quan Việt đề nghị tàu Mỹ cứ ghé Đà Nẵng buôn bán, càng thường xuyên càng tốt. Roberts đáp: tàu Mỹ khó thể cặp bến Việt Nam khi chẳng biết gì về điều lệ hay thuế má. Khi đại diện Huế nói Mỹ sẽ được hưởng sự đãi ngộ như Bri-tên và Pháp, và những nước này chẳng bao giờ thắc mắc về luật lệ, chẳng ai dám đánh thuế họ cao hơn các nước khác, Roberts nói điều này không đúng, vì Việt Nam cho Trung Hoa nhiều ưu quyền hơn Pháp và Bri-tên. Hai bên nâng ly mừng chúc sức khoẻ Tổng thống Jackson, phái đoàn Việt chúc sứ Mỹ ra đi vui vẻ, sớm trở lại, rồi cáo từ.

Ngày 8/2/1833, tàu Peacock nhổ neo. Sự thất bại này khiến Roberts cay đắng nhận định:

Ở bề ngoài toàn diện của vịnh biển, quốc gia này đang ở vào điều kiện phát triển cao, nhưng nếu quan sát gần hơn, viễn tượng tốt đẹp ấy không thực hiện được. Dân chúng không một ngoại lệ là một dân tộc dơ bẩn nhất thế giới. . . . [Người Việt] không biết được . . . khoảng cách biệt giữa hai quốc gia; họ cũng chẳng biết gì về tình hình Bắc Mỹ, cho rằng Mỹ nằm ở Âu châu như sau này tôi được biết. (27)

Mặc dù năm 1835, Lãnh sự Balestier ở Singapore báo cáo rằng theo các giáo sĩ, Roberts đã rời Việt Nam quá sớm, nhưng ở thời điểm này, sứ đoàn khó tránh thất bại. Minh Mạng đang lên đến đỉnh cao uy quyền. Các đại thần già nua, khúm núm nhưng độc tài ngang ngạnh như Lê Chất, Lê Văn Duyệt đã chết hay thanh trừng xong. Giấc mơ Lê Thánh Tông tân thời–chấn hưng thánh giáo, cóp nhặt hệ thống hành chính nhà Thanh từ trung ương tới địa phương, thi hành lễ "ôm đầu gối," sùng sự lễ quì (cho các quan gối đệm đầu gối vì phải quì lâu), rồi đến tục "tung hô vạn tuế" kiểu nhà Minh–khiến vua không dự đoán được những ngón đòn thù của Hội truyền giáo bắt đầu bùng phát. (28)

Sự hùng hổ đi tìm thuộc địa của các cường quốc Âu Châu–qua việc Bri-tên chiếm Diến Điện (Hiệp uớc Yandabo vào tháng 2/1826, theo đó Bagyidaw cắt cho Bri-tên các tỉnh Assam và Manipur, trả chiến phí 5 triệu, ký Hiệp ước thương mại, và đặt đại diện ngoại giao), cùng một số đảo tại bán đảo Malaya, và hiệp ước với Xiêm La–không đủ thức tỉnh Minh Mạng khỏi cảm giác phiêu diêu của lời xưng tụng như "Văn thì thần, võ thì thánh, rực rỡ như trăng sao vận hành ở trên trời, cuồn cuộn như sông ngòi mông mênh ở mặt đất." (29)

Điều khó thể chối cãi là sau Gia Long, Minh Mạng có khả năng nhất trong các vua Nguyễn. Nhận hiểu sức mạnh kỹ thuật và quân sự Tây phương, vua nuôi tham vọng bắt chước cách chế tạo tàu thuyền, vũ khí cùng máy móc của phương Tây–nhưng kiến thức khoa học hay kỹ thuật không thể mọc ra từ những bộ Luận ngữ, Mạnh tử hay Trung dung, hoặc tiểu quốc Đông Chu đã chìm trong cát bụi vài ngàn năm trước.

Minh Mạng cũng không đủ kinh nghiệm ngoại giao quốc tế như Gia Long để thu dụng một số "cố vấn" Tây phương trong việc học hỏi và thu nhập kiến thức khoa học, kinh tế, chính trị–một cách thực nghiệm như Rama III (1824-1851), trong cuộc chơi cân bằng quyền lực và văn hóa. Trong khi đó, giới nho sĩ–dù trực hay gián tiếp–tự xiềng xích mình và đất nước dưới chiêu bài ý thức hệ Khổng giáo mà họ quen thuộc, từng giúp họ duy trì độc quyền chính trị, văn hóa nhiều thế kỷ. Những người Tây phương luôn luôn bị đánh giá là mọi rợ (di địch) xảo quyệt, "ở ngoài vòng giáo hóa" (hóa ngoại), dù vua cùng các đại thần, nói chi thường dân, chẳng biết rõ lịch sử, địa lý hay các tổ chức hành chính, quân sự, tôn giáo, kinh tế của Tây phương. Ngay Minh Mạng, người nắm được nhiều thông tin nhất về thế giới, cũng rất mơ hồ về nguồn gốc và tổ chức của Ki-tô giáo. Ảo vọng duy trì "văn hóa cổ truyền"–một nền văn hóa vay mượn, bì phu từ phương Bắc–trong khi hiện đại hóa đất nước không chỉ hiện hữu dưới triều Minh Mạng. Nó sẽ kéo dài, sâu xa tới thế kỷ XX, nếu chẳng phải lâu hơn. Nó cũng không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn phát triển ở các nước lân bang. (30)

Vua và các đình thần cũng không tri nghiệm được sự thay đổi cán cân quyền lực lục địa Đông Nam Á–bình chân như vại trước việc Bri-tên chiếm Diến Điện (Burma), hay nỗ lực hiện đại hóa của Xiêm La (muang Thai), qua việc ký thương ước với Mỹ, Bri-tên, sử dụng người Hoa để phát triển kỹ nghệ đường trắng (từ năm 1816), và bắt đầu một chu trình tằm thực các tiểu vương láng giềng như Chân Lạp, hay Lào, v.. v... Với sự xúi dục của các nhà truyền giáo và lái buôn súng, chỉ một năm sau, chiến thuyền Xiêm sẽ ồ ạt tấn công Việt Nam theo lời yêu cầu của Nguyễn Hựu ("Lê Văn") Khôi, buộc Minh Mạng phải quên đi lời trối trăng của Gia Long là "chớ nên gây hấn ngoài biên," uổng phí bao tính mạng trai tráng Việt và ngân khố quốc gia trong những cuộc chiến bất tận tại Chân Lạp kéo dài tới gần cuối triều Thiệu Trị. (31)

4. Tháng 3/1835, Ngoại trưởng John Forsyth lại ủy thác Roberts tới Huế. Sau khi trao đổi hòa ước với Xiêm La, ngày 14/5/1836, "hạm đội nhỏ" của Roberts tới Đà Nẵng, và ở lại đây 8 ngày.

Thực Lục ghi nhận sự kiện này vào tháng 4 năm Minh Mạng thứ 17 (5/1836). Theo sử quan Nguyễn, sau khi được báo về sứ đoàn Mỹ, vua hỏi ý đình thần. Thị lang bộ Hộ Đào Trí Phú, người có nhiều kinh nghiệm buôn bán với Tây phương, đề nghị cho lên Huế làm việc với Nha thương bạc. Thị lang Nội các Huỳnh Quýnh chủ trương chẳng nên giao thiệp, tránh phải lo về sau. Chính sách tốt nhất là bắt chước Trung Hoa, "đóng cửa với các xứ Tây vực để ngừa sự xâm lược của bọn mọi rợ." Minh Mạng sai Đào Trí Phú và thị lang bộ Lại Lê Bá Tú vào Đà Nẵng. Nhưng khi phái viên Huế tới nơi, Roberts bệnh nặng, không thể lên bờ. Ngày 22/5, Y sĩ W.S. W. Ruschenberger đại diện Roberts gặp phái viên Huế. Vì không có thông dịch, và Roberts bệnh trở nặng, ngay ngày đó tàu Peacock ra đi. Rồi Roberts chết ở Macao. Phú kết luận bản báo cáo của mình rằng phái đoàn Mỹ thiếu lịch sự. Vua phê vào tờ trình một bài thơ, đại ý nói: Không chống khi chúng đến; không chạy theo khi chúng đi. Cần theo đúng sự nhã nhặn của một dân tộc văn minh. Chẳng ích lợi gì khi than phiền về những kẻ Di địch.(32)

Vào thời điểm này, tưởng nên ghi nhận, thái độ Minh Mạng với Tây phương phần nào thay đổi. Vua đã gần tuổi 50, và dày dạn kinh nghiệm chính trị thực dụng (realpolitik) hơn. Cuộc tấn công của Xiêm đầu năm 1834 và việc chiếm đóng Chân Lạp tiếp đó cũng khiến nhu cầu quân sự gia tăng. Vua đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát triển hải quân (hải sư), đóng nhiều tàu và mua một số tàu "đại hiệu" bọc đồng, chạy bằng "máy đốt lửa" (hơi nước). Các tàu buôn và thuyền chiến được cung cấp địa bàn, ống viễn kính, đồng hồ cát, cùng các loại đại bác mới bán trên thị trường. Sách báo Trung Hoa do thương thuyền đi Quảng Đông mang về càng giúp mở mang kiến thức. Năm 1839, chẳng hạn, vua chê các đại thần chẳng biết gì về hiện tượng nguyệt thực. Những cuộc trao đổi ý kiến quanh việc sét đánh cháy Văn Miếu, hay chôn tượng Khổng Khâu, chỉ thờ bài vị, phản ánh những đổi thay đáng kể. (33)

Tuy nhiên, vì lý do nào đó, vua vẫn có vẻ tin những lời huyễn truyền về Đạo Gia tô "từ Tây dương đến, thác việc cầu hồn để lừa khoét con ngươi người [chết], mượn danh đồng trinh để dâm ô vợ con người ta, thương tổn phong hoá...."– hay, "tục Man" "lấy mật người làm vải hoa;" mỗi năm Chân Lạp cúng Xiêm 20 bộ mật người; "người lấy mật đi rồi vẫn sống, nhưng chỉ ngớ ngẩn như điên cuồng, không nhớ việc đời nữa." (34)

Gần cuối đời Minh Mạng, tàu buôn "Hồng Mao" được chép thành tàu "Anh Cát Lợi" trong Thực Lục. Quan chức tuần hải Quảng Nam được lệnh đối xử hòa nhã, thân thiện hơn với các tàu Bri-tên ghé Đà Nẵng, kể cả việc miễn thuế. (35)

Vua cũng tiếp tục gửi thương đoàn tới lân bang. Từ 1825 tới 1840, hơn 10 đoàn thuyền Nguyễn giương buồm đến Batavia (Indonesia hiện nay) và "Hạ châu" tức Singapore và các hải cảng gọi chung là Straits Settlements của Bri-tên như Riau, Penang (Tân Lang hay Đảo Cau). Thoạt tiên, các quan thủy sư cầm đầu (Cai cơ Hồ Văn Khuê, 1825; Vệ úy Nguyễn Văn Phong, 1826); sau đến văn quan như Đào Trí Phú, Trần Tú Dĩnh, Lê Bá Tú, Nguyễn Tri Phương, v.. v... làm Chánh, Phó biện. Nhiệm vụ chính nhằm thực nghiệm đường biển, đồng thời mua bán vũ khí, tàu máy đốt lửa, và thăm thú tình hình. Với 14-15 năm kinh nghiệm ngoại thương, Đào Trí Phú sau lên tới Tả Tham tri bộ Binh rồi bộ Hộ, trước khi nhận chức quan cai trị ở Quảng Nam-Quảng Ngãi. Trần Tú Dĩnh lênh đênh từ cảng này sang cảng khác suốt 9 năm. Quan to bị phạm tội tháp tùng làm việc trong thương đoàn có Đặng Vũ Khải. Nguyễn Đình Tân (1830), Phan Thanh Giản (1831), Hoàng Văn Đản, Phan Huy Chú, Trương Hảo Hợp, Nguyễn Trọng Tính (1832), v.. v... Trung bình mỗi thương đoàn có từ 3 tới 5 thuyền. Thông ngôn đa số là giáo dân Ki-tô đã bỏ đạo.(36) Khi Vũ Đức Khuê dâng sớ can ngăn, Minh Mạng đóng vai một Khổng tử tân thời giảng cho Khuê một bài học quân sự, kinh tế và bang giao trong thời đại mới. (37)

Sau ngày chiến tranh nha phiến (1839-1842) bộc phát ở Trung Hoa–trước hiểm họa thực dân Tây phương–vua cử sứ đoàn qua Âu châu, tìm cách cải thiện liên hệ. Do áp lực của Hội truyền giáo và Vatican, Thủ tướng Pháp không tiếp.(38)

Lên ngôi vào đầu năm 1841, mối quan tâm lớn nhất của Thiệu Trị (1841-1847) là "Trấn Tây Thành" (Chân Lạp) và Xiêm La. Tháng 9/1841, vua quyết định triệt thoái khỏi Chân Lạp để ổn định tình hình sáu tỉnh miền Nam. Rồi sau cuộc chiến ngắn hạn với liên quân Xiêm-Chân Lạp, từ 1845 tới 1846, vua gác giấc mộng thôn tính phần đất còn lại của "Cao Miên;" cho Chân Lạp và một số tiểu vương Lào nằm trong vùng ảnh hưởng Xiêm.

Với Tây phương, Thiệu Trị nối tiếp chính sách không cho người ngoại quốc đặt cơ sở thương mại trên lãnh thổ Việt. Thương thuyền tiếp tục đi Batavia, Singapore và Quảng Đông trao đổi thổ sản lấy hàng hóa. Có ít nhất bốn chuyến buôn bán với Batavia và Hạ Châu vào năm 1841, 1843 và 1844. Tiêu biểu là thương đoàn rời Đà Nẵng vào tháng Giêng Quí Mão (2-3/1844), do Đào Trí Phú, Lê Mậu Hạnh, Nguyễn Công Nghĩa cầm đầu. Ngoài số quan kinh nghiệm như Trần Tú Dĩnh, Lê Bá Đĩnh, có các "hiệu lực" [tức người bị cách chức đi làm việc chuộc tội] Hà Văn Trung, Cao Bá Quát, Nguyễn Hưng, Cung Văn Nghị, Phan Nhạ, thị vệ Tống Phúc Trí, lệ thuộc vào. (39)

Vua cũng giữ những chuyến đi Quảng Đông thường xuyên, vừa ngoại giao, vừa buôn bán. Đáng ghi nhận nhất là chuyến tàu Thanh Loan giải giao tù phạm cuối năm 1843, do Trương Hảo Hợp cầm đầu. Trên tàu có nhóm bị cách chức Nguyễn Cư Sĩ, Lê Chí Tín, Hoàng Tế Mỹ, Nguyễn Bá Nghi, Nguyễn Cứu Trường. Khi đang đậu trên bến, thùng chứa thuốc đạn nổ. Vệ úy thủy sư Trần Văn Đôn cùng hơn 40 quan chức, biền binh chết. Hay, việc năm 1846, Đỗ Tuấn Đại và quan thần trên tàu Linh Phượng bị phạt vì quên không dán những chữ kị húy trên tờ "Nhật trình nhà Thanh."(40)

Tưởng nên nhấn mạnh, Thiệu Trị đặc biệt nhẹ tay với các nhà truyền giáo Ki-tô. Vua ngưng hành hình các giáo sĩ, chỉ trục xuất họ khỏi vương quốc. Tuy nhiên, các giáo sĩ chưa thỏa mãn. Họ đòi chính phủ Pháp phải biểu dương lực lượng, bắt cho tự do truyền đạo. Nhân vật tiêu biểu nhất giai đoạn này là Dominique Lefèbre (1810-1865), Giám mục Tây Đàng Trong (bao gồm Chân Lạp). Từ 1841 tới 1846, Lefèbvre ba lần bị bắt, kết án tử hình, rồi trục xuất nhưng vẫn lẻn vào Việt Nam–khích động các sĩ quan Hải quân Pháp can thiệp bằng võ lực.

Mùa Xuân 1847, đúng như các nhà truyền giáo mong muốn, hai chiến hạm VictorieuseGloire tới Quảng Nam, đòi tự do giảng đạo và phóng thích Lefèbvre. Dù Lefèbvre đã bị trục xuất qua Singapore từ năm 1846, trưa ngày 15/4/1847, Đại tá Augustin Lapierre [Lập Biệt Nhĩ] pháo kích Đà Nẵng và đánh đắm 5 thuyền bọc đồng của nhà Nguyễn. Gây tử thương cho hơn 40 người (kể cả Lãnh binh Nguyễn Đức Chung, Hiệp quản Lý Điền), hơn 90 người bị thương, 104 người chết đuối. Hôm sau, hai thuyền Pháp bỏ đi. Pháo đài Phòng Hải và Định Hải không bắn được phát nào, vì thuốc súng chôn quá kỹ.

Sau biến cố này, Thiệu Trị cực kỳ giận dữ, tự tay đập phá mọi vật dụng do phương Tây chế tạo. Họp bàn với các đại thần, vua hỏi: "Thuyền Tây dương đến đây, chỉ cần có hai việc: bỏ cấm [đạo Ki-tô] và thông thương mà thôi. Thông thương thì được, cấm đạo có thể bỏ được không?" Sau khi Trương Đăng Quế nói không thể bỏ, vua nói:

"Đạo Gia tô là tà giáo, cái hại rồi đến bởi chuyện ngoài biên, mở đường cho chinh chiến. Thuốc phiện là thứ thuốc mê, cái hại rồi đến khuynh gia bại sản, hại tính mệnh người." (Buôn bán thì mở đường cho thuốc phiện) (42)

Ngày 3/5/1847, Thiệu Trị nhắc lại lệnh cấm đạo. Một tháng sau hứa ban thưởng 30 lạng bạc cho ai có công tố giác một cố đạo; và xử tử tất cả những người ngoại quốc. Tháng Chín Đinh Mùi [9/10-7/11/1847], cho lệnh điều tra các quan viên, lập danh sách những người theo đạo Ki-tô, để trừng trị. (43)

5. Nỗ lực thứ tư từ phía Mỹ là sứ đoàn Joseph Balestier, cựu Lãnh sự Singapore. Từ thập niên 1830, Balestier không ngừng yêu cầu Oat-shinh-tân mở quan hệ với Đại Nam. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh nha phiến, và phong trào bài đạo Ki-tô của nhà Nguyễn (từ năm 1833) khiến hai bên không đạt được bước tiến nào. Ngày 14/5/1845 lại xảy ra biến cố Quảng Nam: Trung tá John Percival, hạm trưởng chiến thuyền [frigate] USS Constitution, bắn phá tàu Việt và bắt 3 quan chức để áp lực thả Giám mục Lefèbvre–người sẽ trở thành cố vấn cho quan Tướng Pháp đánh chiếm Sài Gòn trong giai đoạn 1859-1862.

Chi tiết cuộc bắn phá này không rõ ràng. Trong thư gửi Bộ trưởng Hải Quân, Percival báo cáo rằng ngày 10/5/1845, chiến thuyền Constitution cặp bến Đà Rằng. Vài ngày sau, ba quan Việt xuống tàu xem xét. Trước khi ra về, một người trao cho Percival lá thư bằng tiếng Pháp, ra dấu là nếu bị tiết lộ sẽ bị mất đầu. Khi dịch thư, được biết thư định gửi cho Đề đốc Pháp, xin cứu các giáo sĩ đang bị giam cầm, đặc biệt là Lefèbre. Hai ngày sau, Percival bắt ba quan Việt. Hôm sau nữa, bắt ba tàu Việt và cho chiến hạm Constitution tới gần bờ hơn mức qui định. (44)

ĐNTL ghi việc này xảy ra vào tháng 5 Ất Tị [6-7/1845]:

Người Phú lãng sa [Pháp] sai sứ sang ta. Trước kia người bọn nước ấy là bọn tên Đoan, tên Vọng lén đến, lừa dối dụ dỗ nhân dân bị bắt, phải giam cầm. Vua cho là không biết mà lầm phạm, đều tha cho. Đến đây quốc trưởng nước ấy ủy đầu mục là Đô rắp lăng đến cửa biển Đà Nẵng dâng thơ trình tạ, lại nài xin thảm thiết cho người nươc ấy là Đô mi ni cô [Dominico Lefèbre] hiện đương phải giam. Thự phủ Quảng Nam-Quảng Ngãi là Ngụy Khắc Tuần nói rằng trong thư đưa có ý cung kính hòa thuận. Vua cũng cho.

Chưa bao lâu, thuyền Man của nước Hoa căn [Mỹ] cũng đến cửa biển. Trong kinh phái viên ngoại lang Nguyễn Long, cùng thuộc viên ở tỉnh là kinh lịch Nguyễn Dung Giai đi đến thăm hỏi, bị người Man dọa nạt, mang xuống thuyền. Bọn Long không biết cự lại. Người Man bỗng nhổ neo đi. Khi bọn Long về, đều phải cách lưu. (45)

Theo vài quan Việt than phiền với Balestier tại Singapore vào năm 1846, lính Mỹ còn đổ bộ và giết chết 17 người. Trong khi đó, pháo hạm đánh đắm một số thuyền chở gạo, khiến nhiều người chết hoặc chết đuối. Bất bình vì việc này, Tổng thống Zachary Taylor (1849-1850) quyết định gửi Balestier tới làm hòa, mở lại thương thuyết, đồng thời khuyến khích Xiêm La thi hành Hiệp ước đã ký với Roberts năm 1833, và tìm cách ký hiệp ước với một số tiểu vương vùng Đông Nam Á.(46)

Do nhiều trở ngại nội bộ, hơn bốn năm sau, ngày 16/8/1849, Ngoại trưởng John Clayton mới bổ nhiệm Balestier làm đại diện đặc biệt thương mại [Special Commercial Agent] để liên hệ với Đại Nam. Tới Hong Kong, Balestier cũng phải đợi chờ khá lâu nên chỉ tới Vũng Thùng ngày 25/2/1850 trên chiến hạm USS Plymouth, với Mục sư William Dean làm thông ngôn.

Thời gian này, Tự Đức (1848-1883) đã lên ngôi hơn hai năm. Ngày 7/3/1850, Án sát Ngô Bá Hy và Lãnh binh Giáp Văn Tâm báo cáo có tàu nước Ma ly căn [Mỹ], tới xin lỗi về việc một thuyền trưởng của họ, 4 năm trước, đã làm bị thương người Việt. Ngày 13/3, phái viên của Tự Đức là Đô thống Tôn Thất Bật, lãnh Tổng đốc Nam-Ngãi, sai thông ngôn trả lời rằng "thuyền nước ấy từ trước đến nay không có việc trái phép giết người nào cả." Hơn nữa, dân Việt "chuyên nghề làm ruộng, trồng dâu, không thích chơi của lạ, nếu có lại buôn không lợi gì, thư này không dám đề đạt lên." Ngoài ra, Bật cũng không hài lòng việc thư của Tổng thống Mỹ có vẻ đe dọa. Balestier [Ba li chi] nói nếu không đề đạt lên, thì không dám trở về. Bật bèn xin tạm nhận thư, tùy cơ biện bác bắt bẻ, nhưng Tự Đức không thuận. Ngày 16/3/1850, Balestier lên thăm núi Non Nước rồi bỏ đi. Trong báo cáo về Bộ Ngoại Giao, Balestier nhận định:

Người Cochin China . . . , trong ý niệm vô giới hạn về sự vĩ đại của họ, khoan khoái nghĩ rằng bất cứ một nỗ lực nào của người Tây phương để mở quan hệ thân hữu với họ đều do muốn hiếu kính họ. (47)

Khác với chuyến đi năm 1836 của Roberts–mà sự thất bại có thể khiến nhiều người hối tiếc–Belestier rơi vào tình cảnh giống như Thống đốc Hongkong gần 3 năm trước. Tự Đức nhận được di chiếu là phải theo đúng đường lối của tổ tiên và lắng nghe lời khuyên của bốn Phụ chính đại thần Trương Đăng Quế, Võ Văn Giải, Nguyễn Tri Phương và Lâm Duy Thiệp, nên việc làm đầu tiên là nghiêm chỉnh thi hành chính sách "phòng ngự" và cấm đạo.

Việc 5 thuyền đồng bị chiến hạm Pháp đánh đắm vào mùa Xuân 1847, tiếp nối bằng vụ án tham nhũng ở Quảng Nam tháng 7/1848–trong đó Đào Trí Phú bị mất chức, phạt trượng, đồ; nhiều quan viên bị liên hệ–và cuộc tranh chấp ngôi báu giữa Hoàng tử trưởng Hường Bảo (1825?- 1854) với Tự Đức, càng khiến việc giao thương với Tây phương bị hạn chế tối đa. (48)

Năm 1848, nhân dịp một tàu buôn đến giao hàng với giá trên 166,000 thuẫn (florins, tiền Dutch), các đại thần đã khúm núm, nhưng cương quyết phản đối việc bỏ ra món tiền khổng lồ để mua sắm những vật dụng chẳng có lợi ích thiết thực, trong khi kho tàng Nội vụ phủ và Vũ khố còn tràn đầy. Đó là chưa kể mối nhục bị pháo kích năm trước, khiến dư luận lân bang coi thường nếu tiếp tục mua hàng Tây. Tự Đức đành phải chịu nhận lỗi. (49)

Dẫu vậy, ba năm sau, nhân dịp đưa một quan Thanh bị đắm tàu về nước, tháng 3/1851, Tự Đức sai bọn Lê Bá Đĩnh chất thổ sản lên thuyền Thụy Hồng để trao đổi hàng hóa Tây phương. Khi Các thần Mai Anh Tuấn can ngăn, vua giận, đòi đánh đòn. Trương Đăng Quế và Lâm Duy Thiếp can không được, Tuấn bị cách chức; bổ làm án sát Lạng Sơn, rồi bị thổ phỉ bắn chết ít tháng sau. (50) Quế và Thiếp bèn xin từ chức phụ chính. Việc này khiến vua tạm hoãn các chuyến thương thuyền, sử dụng tàu người Thanh lãnh trưng việc mua bán với ngoại quốc.

Lý do nào đi nữa, nỗ lực của Balestier suốt gần ba thập niên trở thành công dã tràng. Trong khi đó, cơn sốt thuộc địa ngày một dâng cao khắp Á Châu. Mỹ cũng bắt đầu dàn xếp với các cường quốc thực dân Âu châu trong nỗ lực phân chia quyền tài phán ở Trung Hoa cùng những quốc gia mà chiến thuyền Mỹ có thể tiếp cận như Nhật Bản, Đài Loan, v.. v... Tuy nhiên, cuộc nội chiến, rồi đến nhu cầu tái thiết và Tây tiến ngay trong nội địa Mỹ khiến Oat-shinh-tân bỏ lỡ cơ hội tại Á Châu. Mãi tới năm 1898, Mỹ mới chiếm được quần đảo Philippines từ một đế quốc đang suy tàn là Espania.

6. Trong thập niên 1870, sau khi Pháp đã chiếm xong Nam Kỳ lục tỉnh, mở cảng Sài Gòn cho Tây phương vào buôn bán, giới ngoại giao Mỹ tại Đông Nam Á lại vận động Bộ Ngoại Giao chú ý đến hành lang duyên hải giữa Hongkong và Sài Gòn. Cuộc chiến tranh Pháp-Prussia tại Âu châu và nỗ lực "hé cửa" của Tự Đức trong giai đoạn này có thể ít nhiều ảnh hưởng.

Năm 1883-1884, do yêu cầu của nhà Thanh, Bộ Ngoại giao Mỹ đồng ý đứng làm trung gian trong cuộc tranh chấp chủ quyền của Trung Hoa và Pháp tại Đại Nam, nhưng Pháp từ chối.

Mãi tới gần cuối thế kỷ XIX, Bộ Ngoại giao Mỹ mới chấp thuận bổ nhiệm một đại diện thương mại ở Sài Gòn–một cách nhìn nhận bán chính thức chủ quyền thuộc địa Pháp tại Đại Nam.

B. NỖ LỰC TỪ PHÍA VIỆT NAM:

Cuộc "biểu dương lực lượng" của Pháp từ 1856 tới 1862–với chiêu bài đòi tự do giảng đạo–khiến từ giữa thập niên 1860, Tự Đức cùng các đình thần bắt đầu nhận hiểu nhu cầu canh tân, và có những kế hoạch mở rộng ngoại giao với Tây phương.

1. Những bước "toàn cầu hóa" đầu tiên khởi xuất từ nhóm Phan Thanh Giản, Trần Tiễn Thành, Phạm Phú Thứ. Nhưng các nhóm duy tân đối diện nhiều trở ngại, từ ngôn ngữ tới khoảng cách văn hóa, nên phải trông cậy vào giới giáo sĩ Pháp và giáo mục cùng thày kẻ giảng bỏ tu–những tử thù của Khổng giáo nói chung, và vương triều Tự Đức nói riêng. Giám mục Retord, Pellerin, Miche, Lefèbvre, Puginier, Gauthier hay Sohier đều nghĩ Tự Đức chỉ biết nghe tiếng đại bác, và mang nợ máu với Hội truyền giáo cùng giáo dân. Họ không từ nan bất cứ phương tiện nào, kể cả việc sử dụng những giáo dân bản xứ như Trần Lục, Tạ Văn Phụng, Hồ Đình Hỷ, Petrus Key (Trương Vĩnh Ký), Huyện Sĩ, Huyện Thy, v.. v... trong công tác làm suy yếu triều Nguyễn và tiếp tay đẩy mạnh cuộc xâm lăng của Pháp. Lefèbvre, chẳng hạn, từng viết cho Paris: "Hàng ngày chúng tôi đợi tin một hạm đội đến để đòi Tự Đức nợ máu [Nous attendons chaque jour la nouvelle de l’envoi d’une flotte venant demander à Tu Duc raison du sang qu’il a versé]." (51)

Khi Tự Đức và các đại thần muốn hòa hoãn, liên minh với Ki-tô giáo, sự liên minh của các giáo sĩ chỉ giai đoạn, với mục đích tối hậu là đồng hóa và Ki-tô hoá toàn dân Việt, dưới quyền sở hữu thuộc địa của nước Pháp.

2. Tuy nhiên, một thiểu số nhà duy tân Việt–qua kinh nghiệm Nhật Bản và nhà Thanh–muốn mở rộng bang giao với Espania, Bri-tên, Prussia, Nga La Tư và Mỹ. Hongkong, Macao, Singapore, và Bangkok trở thành những điểm tiếp cận với thế giới bên ngoài ảnh hưởng Pháp. Nhưng nỗ lực của họ chỉ có kết quả rất giới hạn. Một mặt, giai tầng văn thân bảo thủ hung hăng chống đối. Mặt khác, Pháp đã có chủ ý: Đại Nam chỉ được duy tân theo khuôn khổ Pháp mong muốn–dù ở thời điểm này Pháp chưa có chính sách rõ ràng với Đại Nam, ngoài giấc mơ biến bán đảo Ấn Hoa thành cửa ngõ vào thị trường lục địa Hoa Nam.

Nhân dịp Pháp và Prussia (Phổ) lâm chiến năm 1870-1871, một thày kẻ giảng là Nguyễn Trường Tộ mật tâu hai phương sách–(1) sai người đến Gia Định do thám, dâng kế khiến Pháp trả lại 6 tỉnh miền Nam, đem quân về dẹp nạn trong nước, rồi lại sang buôn bán như người Bri-tên ở Hạ-châu; và (2) chơi thân với Bri-tên, Pháp thấy Đại Nam tìm đến người Bri-tên, mới dễ bàn định hòa ước. Lại đề nghị cử người qua Bri-tên thăm dò, tùy tiện bày kế. Trần Tiễn Thành xin theo kế hoạch của Tộ: Hoà với Pháp, chờ thời cơ đòi lại 6 tỉnh, và buôn bán như trường hợp Bri-tên với Trung Hoa. Thành xin cho Nguyễn Hoằng và Tộ qua Pháp, tiếp xúc với Hội truyền giáo và lưỡng viện quốc hội, cùng các nước Bri-tên, Nga, Úc, Phổ. Vua mật triệu Tộ về kinh. (52)

3. Tự Đức cũng có kế hoạch phái người đi do thám tình hình hầu có thể đối phó với cơn sốt thuộc địa Tây phương.

a. Tháng 11/1870, nhân dịp Napoléon III bị bắt, vua sai Nguyễn Hữu Lập đi sứ nhà Thanh cảm tạ việc Phùng Tử Tài đã mang 31 doanh quân qua Bắc Việt đánh dẹp thổ phỉ tại Bắc Kỳ, với mật chỉ liên lạc các nước Cao Ly, Nhật Bản, Lưu Cầu, gợi ý việc "các nước phương Tây chuyên dùng kế liên hợp với nhau để xâm chiếm các nước phương Đông, ta phần nhiều bị nọc độc ấy, nước tôi và các quí quốc đều là chung một thứ văn tự, nhưng địa thế xa cách, về phương kế tự cường, tự trị, xin để bàn riêng với người có chuyên trách." Vua còn dặn dò, trong khi bút đàm về nước Tây, nếu là chuyện bí mật, viết vào manh giấy nhỏ, rồi thu lại bỏ đi, không để truyền bá ra ngoài. (53)

b. Tháng 6 Tân Mùi [18/7-15/8/1871], vua bảo bộ Hộ cần nghiên cứu sử dụng ba tàu Đằng Huy, Mẫn Thỏa, Thuận Tiệp đi công cán nước ngoài. Noi gương hai triều Minh Mạng và Thiệu Trị [một năm hai, ba lần, không chỉ mua bán mà còn do thám tình hình].(54)

c. Tháng 5/1872, Lãnh sự Prussia ở Hương Cảng là Mang Cơ cùng 7 sĩ quan và 12 thủy thủ Đồ Bà tới tiếp xúc Thương Bạc, muốn thông thương. Vua mừng lắm, sai Nguyễn Chính sang Hongkong bằng tàu Thuận Tiệp. Lãnh sự Prussia hứa chuyển thư về nước và thông báo quyết định của vua Prussia. Rồi cho tàu đưa Nguyễn Chính về nước, và bán tàu trên cho Việt Nam. (55)

d. Năm 1878, tức hơn 4 năm sau ngày Francis Garnier đánh chiếm 4 tỉnh Bắc Kỳ để áp lực Huế phải ký Hiệp ước 15/3/1874 và hai hiệp ước phụ bổ thương mại–cắt 6 tỉnh miền Nam, cho Pháp đặt lãnh sự ở Hà Nội, Hải Phòng sứ Hải Dương, và Thị Nại (Bình Định), cùng tự do giao thương trên sông Hồng–Tự Đức gửi phái đoàn Nguyễn Tăng Doãn và Nguyễn Thành Ý đi Pháp với ba mục đích: xin sửa đổi hòa ước 1874, mở rộng giao thiệp với các nước Espania, Phổ và Bri-tên, cùng tìm thuê chuyên viên Âu châu. Doãn về nước trước trên tàu L’Aveyron; Ý ở lại ít lâu, hy vọng qua Bri-tên nhưng thất bại.

Trong báo cáo ngày 11/9/1878, Doãn tâu Pháp đang mạnh; phải chờ đợi tự cường; và tin rằng thế nào Pháp cũng trả ba tỉnh Nam Kỳ. Ngày 20/12, Ý nhận xét Pháp mạnh nhất thế giới; nên thành tâm hòa với Pháp; cầu thân với các nước phương Tây; tự lực tự cường giống Nhật Bản. (56)

Tự Đức không dấu sự bất mãn. Cả ba mục đích chính đều chẳng được việc gì. Pháp không chấp thuận sửa đổi hòa ước; Espania nghi ngờ, không tiếp xúc được Bri-tên, cũng chẳng tìm được người tài. Báo cáo về chính trị (dân chủ, quốc hội), thương mại (15 sở), kỹ thuật (tàu lửa chạy giữa biển), tôn giáo (giáo chủ Vatican), phong tục (một vợ, một chồng; vợ chồng cha con đi cùng một xe, nhảy đầm) thì "đều nói hão." (57)

4. Riêng với Mỹ, nhà Nguyễn có những nỗ lực sau:

a. Giữa năm 1871, Bộ Hộ trình việc muốn thuê một số người Mỹ để sửa chữa và làm hoa tiêu cho tàu Mẫn Thỏa. (58)

b. Mùa Thu 1873, nhân dịp tháp tùng sứ đoàn Lê Tuấn vào Sài Gòn, Linh mục Nguyễn Văn Thơ hay Cư–một trong hai giáo mục Ki-tô làm quan thông ngôn cho triều Nguyễn–ghi trong nhật ký là từng gặp Lãnh sự Mỹ ở Sài Gòn. Theo Thơ, sứ đoàn tới Sài Gòn tối ngày 31/8/1873 với hai nhiệm vụ: thương nghị việc xin trả lại ba tỉnh miền Tây, đồng thời dàn xếp việc Jean Dupuis ở miền Bắc. Ngay tối đó, Paul Philastre [Hoắc Đạo Sinh] (1837-1902), Giám đốc Bản xứ vụ Nam Kỳ, xuống tàu thăm. Ngày 2/9/1873, Đô đốc Jules Dupré (1813-1881) tiếp sứ đoàn Việt. Có mặt lãnh sự Bri-tên, Đức, Espania, Belgium, Denmark, Dutch và Mỹ, nhiều viên chức cao cấp và 4 nhà truyền giáo. (59) Tuy nhiên, đây chỉ là cuộc gặp xã giao, và vào thời điểm này, Mỹ chưa đặt lãnh sự tại Sài Gòn. (Mới chỉ có Lãnh sự Hong Kong, Singapore, Bangkok).

c. Đầu năm 1874, Nguyễn Huy Hỗn báo cáo đã nói chuyện với một lãnh sự Mỹ trong chuyến thăm Hongkong, Macao và Quảng Đông năm 1873. [Viên người Mỹ này có ý muốn đến VN buôn bán nhưng nước ta không quan hệ với bên ngoài]. Thực Lục không nhắc việc này, chỉ ghi vào tháng 5 Giáp Tuất [6-7/1874], vua trao 2000 lạng bạc cho Nguyễn Huy Côn [Hỗn], khâm phái tàu Đằng Huy, qua Hongkong mua súng Tây. (60)

d. Năm 1881–sau khi Pierre Rheinart cho nhà Nguyễn biết Pháp sẽ kiểm soát việc giao thiệp giữa Đại Nam và các nước khác vì thể chế "bảo hộ" đã nằm trong Hiệp ước 1874–viện Cơ Mật bàn định việc nhờ Anh, Mỹ, Phổ, v.. v... can thiệp. Trong khi chờ đợi, chỉ thị khâm phái Phạm Bình, Hà Văn Trung ở Hương Cảng tìm thuê hoa tiêu và thợ máy người Tây để đưa sứ đoàn đi các nước bằng phương tiện riêng. Đồng thời tìm cách liên lạc với lãnh sự ngoại quốc ở Yên Kinh. Có thể nhờ Lý Hồng Chương và Đường Đình Canh, "cũng nòi giống ta." Vua nói đợi Nguyễn Thành Ý về sẽ bàn thêm. Hai tháng sau, Tự Đức cử Nguyễn Trọng Hợp, Nguyễn Thành Ý, Vũ Ngọc Tuân, Phạm Như Xương vào sứ đoàn qua Pháp, nhưng cuối cùng, "vì bận rộn, lại ngưng."

Cách diễn tả "bận rộn" của sử Nguyễn hơi mơ hồ. Thực ra, cuối năm 1881, đầu 1882, chính sách của Tự Đức hoàn toàn thay đổi. Chuyến đến Huế của Đường Đình Canh đầu năm 1882 đánh dấu sự thay đổi này: Sau khi được Canh (qua Nguyễn Văn Tường) mật báo kế hoạch chiếm Bắc Kỳ của Pháp, Tự Đức chính thức yêu cầu nhà Thanh can thiệp. Không những xin làm thuộc quốc của nhà Thanh, vua còn yêu cầu đặt đại diện ở Yên Kinh và Quảng Đông, và nhờ tàu Thanh đưa người Việt đi các nước Anh, Nga, Phổ, Pháp, Mỹ, Áo, Nhật Bản "xem xét và học." Những đề nghị này được viết thành văn bản gửi Lý Hồng Chương và Trương Thụ Thanh. (61) Tuy nhiên, đã quá trễ. Tháng 3/1882, chính phủ Charles de Freycinet chấp thuận cho đưa quân ra Bắc Kỳ, và chỉ định Trung tá Henri Rivière làm Tư lệnh. Chuyến đi này khiến Tự Đức và triều đình nhiều hơn là "bận rộn" trong những tháng ngày cuối đời vua.

Trong khi đó, mặc dù nhà Thanh có khả năng liên hệ với bộ Ngoại Giao Mỹ, trào lưu thế giới đã đổi thay–nên những bước ngoại giao rụt rè của Tự Đức quá ngắn và quá chậm. Tàu chiến, binh lực và các nhà truyền giáo Pháp bắt đầu chấp nhận cuộc chơi biểu dương luật kẻ mạnh–tự xưng là "khai hóa" nếu chiến thắng, và sẽ bị sỉ nhục là "cướp nước" khi thất bại. Liên bang Mỹ, trên nguyên tắc, chẳng có căn bản pháp lý nào để can thiệp. Hơn nữa, chính sách ngoại giao Mỹ luôn luôn lấy Âu châu làm trọng điểm. Tại Á châu thì ngoài Nhật Bản và Xiêm La, thị trường Trung Hoa mới đủ sức quyến rũ các tài phiệt–kể cả việc tuyển dụng lao công rẻ tiền để phát triển hệ thống đường xe lửa tại nội địa Mỹ.

Việt Nam không là thánh địa của một tôn giáo hoàn cầu hay một ý thức hệ chính trị quyến rũ nào. Việt Nam cũng không rừng vàng, bể bạc như "người Hán" ở Huế ảo tưởng. Ngoài những thổ sản như đường cát, vỏ quế, lúa gạo và mỏ than, sự quyến rũ nhất của Đại Nam ngày đó chỉ là khả năng mở cửa vào vùng Vân Nam–một thời được coi như cửa ngõ vào thiên đường hạ giới. Dù huyền thoại người da tím một mắt giữa trán, và những đô thị ở đó người ta có thể cúi xuống nhặt được vàng không còn lưu truyền, nhưng những mỏ tài nguyên thiên nhiên và thị trường tiêu dùng vũ khí, đạn dược, cùng các hàng hoá tại miền Tây Nam Trung Hoa thơm ngọt hơn mật ong. Vai trò phên dậu của Thiên triều này sẽ kéo dài thảm kịch Đông Dương hàng thế kỷ.

Các nước Tây phương không hẳn "cùng giuộc với nhau" như đình thần nhà Nguyễn lên án–nhưng họ cũng không muốn trở thành lá bài của Tự Đức trong kế sách gọi là "dĩ man trị man;" nếu không phải chính họ đã và đang hăng hái, hữu hiệu hơn trong cùng phương cách lấy người Việt trị người Việt, tằm thực hay "ăn dân." Từ ngày 26/2/1862, Lãnh sự Mỹ Bangkok là Westervelt đã nghĩ rằng Cochin China có thể coi như một thuộc địa của Pháp. (62)

 

VŨ NGỰ CHIÊU

(Xem tiếp phần II trong Hợp Lưu số 94)

 

Phụ Chú:

1. Trịnh Văn Thanh, Thành ngữ điển tích, Danh nhân từ điển, 2 tập (Sài Gòn: Khai Trí, 1965?), I:77; Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ et al, Việt Nam Tự Điển, 2 tập (Sài Gòn: Khai Trí, 1970), I, phần III:23; Nguyễn Q. Thắng & Nguyễn Bá Thế, Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam (TP/HCM: 1992), tr. 61-62. Chúng tôi đã ghi ngày sinh và ngày mất của Cử nhân Bùi Viện dựa trên các tư liệu Châu Bản Tự Đức, hiện lưu trữ tại Trung Tâm Lưu Trữ Quốc Gia I (Hà Nội). Các tài liệu Châu bản về Bùi Viện và em là Bùi Bổng (hay Phụng) ước khoảng 200 tờ; tuy nhiên mã số đã thay đổi so với ngày còn bảo quản tại Trung Tâm Lưu Trữ Trung Ương II (TP/HCM). Đa tạ Giáo sư Nguyễn Phạm Hùng, Đại học Hà Nội, và học giả Nguyễn Thu Hoài, chuyên viên Hán Nôm, về những thông tin trên. Khi in thành sách, chúng tôi sẽ nỗ lực thay mã số cũ tại TTLTTƯ II (TP/HCM) bằng mã số mới tại TTLTQG I (Hà Nội).

2. Xem, chẳng hạn, "Đường Kách Mệnh;" in lại trong Đảng Cộng Sản Việt Nam, Văn Kiện Đảng Toàn Tập, tập I:1925-1930 (Hà Nội: 1999), tr. 26-27 [Trong lời tuyên ngôn của Mỹ [đoạn thứ hai] có câu rằng: "Giời sinh ra ai cũng có quyền tự do, quyền giữ tính mệnh của mình, quyền làm ăn cho sung sướng.... Hễ chính phủ nào mà có hại cho dân chúng, thì dân chúng phải đạp đổ chính phủ ấy đi, và gây lên chính phủ khác." Nguyên văn: "We hold these truths to be self-evident, that all men are created equal, that they are endowed by their Creator with certain unlienable Rights, that among these are Life, Liberty and the Pursuit of Happiness– . . . . –That whenever any Form of Government becomes destructive of these ends, it is the Right of the People to alter or abolish it, and to institute a new government"]

3. Robert H. Miller, The United States and Vietnam, 1787-1941 (Washington, DC: NDU, 1990), tr. xv-xvi.

4. Miller, 1990:3-5.

5. Đại Nam Thực Lục Chính Biên [ĐNTLCB], 38 tập (Hà Nội: 1963-1978), Đệ nhất kỷ [I], 3:134. "Hồng Mao" (lông, tóc đỏ) là tiếng miệt thị gọi người Bri-tên (tiếng lịch sự hơn là Anh cát lợi).

6. ĐNTLCB, I,3:193. Đây là lần thứ hai Roberts ghé Đà Nẵng. Hơn nửa năm trước, Roberts đã đến Đà Nẵng, và ngày 16/12/1803, Philippe Vannier (1762-1842) cùng một người Việt có tên "Juan Babtiste" xuống tàu gặp Roberts, cho biết Gia Long chỉ trở lại Huế vào mùa Xuân 1804. Roberts bèn nhổ neo, hướng về Malacca. Giám mục Jean Labartette, cùng các Linh mục Jacques Liot và Francois-Joseph Guérard cũng ít nhiều liên hệ trong việc thảo luận. Xem L. Cadière, "Les francais au service de Gia Long: XI. Nguyễn Ánh et la Mission. Documents Inédits;" Bulletin des Amis de Vieux Hué [BAVH] (Hà Nội), XIIIè, no. 1 (Jan-Mars 1913), tr. 1-49. Những tư liệu này cũng nằm trong Châu Bản Tự Đức. Vannier tháp tùng Giám mục Pedro Pigneau de Béhaine tới Sài Gòn năm 1789, cùng 13 người khác (kể cả anh em Félix và Jean-Marie d’Ayot [Dayot]) và 80 binh sĩ. Ngày 27/6/1790, được cử chỉ huy tàu Đồng nai, dưới quyền J. M. d’Ayot. Ngày 12/11/1811, lập gia đình với Nguyễn Thị Sen hay Magdeleine Sen, thuộc một gia đình Ki-tô ở Phường Đúc, hay Thợ Đúc. Năm 1824, Vannier đưa vợ con về nước và chẳng bao giờ trở lại. Ngày 23/10/1863, Magdeleine Sen đến thăm Phan Thanh Giản tại Paris. Xem "Documents A. Salles, III: Philippe Vannier;" BAVH, XXII, No. 2 (Avril-Juin 1935), tr. 143-159; & Cadière, "Les francais au service de Gia Long: VII. Les diplômes et ordres de service de Vannier et de Chaigneau;"á Ibid., IX, no. 2, (4-6/1922), tr. 140-169.

7. ĐNTLCB,I, 4:400. Năm 1848, nhóm Nguyễn Tri Phương cũng khuyên Tự Đức: "Chỉ nghe thấy tiếng là đem đến cống hiến; chớ chưa nghe thấy cùng nước người buôn bán bao giờ;" Ibid., IV, 27:117-118.

8. Thư ngày 31/1/1790, Nguyễn Ánh gửi vua Pháp, bản dịch của Pigneau; Service historique de la Marine [SHM], (Vincennes), GG2-44, carton 3, d.1. 48á; và Archives du Ministère des Affaires Etrangères [AMAE] (Paris), Mémoires et Documents, Asie, vol 64, tờ 21. Về Hoà ước 1787, xem CAOM (Aix), GGI [Amiraux], 11704. Đã có quá nhiều tài liệu về Pigneau de Béhaine. Về tài liệu nhà Nguyễn, xem Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện, bản dịch Việt ngữ của Viện sử học Hà-nội (Huế: Thuận Hoá, 1993), tập II, tr. 476-477. [Sẽ dẫn ĐNCBLT]. Cần nhấn mạnh là sự đóng góp của Pigneau cho chiến thắng của Gia Long chỉ rất giới hạn. Xem thêm Cao Xuân Dục, Quốc triều chính biên toát yếu (Sài Gòn: Sử Địa, 1971), tr.12-13; Annales annamites [Sử Ký Đại Nam Việt] (Sài-gòn: Nhóm Nghiên Cứu Sử Địa, 1974); H. Cosserat, "Notes biographiques sur les francais au service de Gia Long;" BAVH, IV, no. 3 (7-9/1917), tr.165-206; Léonard Cadière, "Les Francais aux service de Gia Long: XI. Nguyen Anh et La Mission, Documents inédits;" Ibid., XIII, no. 1 (1-3/1926), tr.1-49. Cosserat sử dụng tài liệu văn khố Hội truyền giáo, và Cadière so sánh tài liệu truyền giáo với tư liệu Việt Nam.

9. ĐNTLCB, I, 2:269, 282; 3:134; thư ngày 11/4/1801, Barisy gửi Letondel; Cadière, "XII. Leur correspondance;" BAVH, XIII, no. 4 (10-12/1926), tr. 359-437.

10. Sau khi chiếm lại Gia Định thành ngày 7/9/1788, Nguyễn Chủng đã quan tâm đến ngoại thương, để giải quyết nhu cầu vũ khí, đạn dược. Tháng 9/1788, sai nội viên Trịnh Tấn Tài, Chu Văn Quan đi Hạ châu mua súng đạn; ĐNTLCB, I, 2:78. Tháng Giêng Kỷ Dậu [1-2/1789], đặt ba loại thuế: thuế cảng, lễ cai tàu, tiền xem cơm cho các tàu Trung Hoa. Tháng 6/1789, thu mua tất cả sắt, gang, kẽm, lưu hoàng trên các tàu Thanh. Chở được 10 vạn cân, bớt thuế cảng; cho chở 30 vạn cân gạo về. Tháng 1/1790, sai dinh Trấn Biên đặt mua đường cát. Mỗi năm 10 vạn cân. Cứ 100 cân, 10 quan. Ngày nộp, tính theo giá chợ. Đổi lấy vũ khí Tây phương. (Ibid., 2: 86-87, 95, 106) Tháng 12/1793, sai cai đội Quang-nói-ve [Vannier], đội trưởng Pa-đơ-chê [Barizy], đều là người Tây, đi mua vũ khí ở thành Cô á [Goa, India] và xứ Mã La Kha [Malacca]. (Ibid., 2:183; Cadière, "III. Leurs noms;" BAVH, VII, no.1 (1-3/1920), ghi ngày 17/12/1793, Barizy đi Malacca và Penang)

11. ĐNTLCB, I, 3:193, 4:382; Alexander B. Woodside, Vietnam and the Chinese Model: A Comparative Study of Nguyễn and Ch’ing Civil Government in the First Half of the Nineteenth Century (Cambridge, MA: Harvard Univ Press, 1971), p. 273. Từ năm 1791, tàu Portugal đã tới buôn bán; ĐNTLCB, I, 2:137. Năm 1805, tàu Macao tới kinh, xin mua gạo Gia Định. Vua đồng ý bán 1000 tạ; Mục lục châu bản triều Nguyễn, Tập I: Gia Long (Huế: Viện Đại học Huế, 1960), tr. 27; dẫn trong Đỗ Bang-Nguyễn Minh Tường, Chân dung các vua Nguyễn, tập I (Huế: NXB Thuận Hóa, 1996), tr. 74. Mùa Xuân 1876, Tự Đức mới bãi bỏ lệnh cấm xuống biển đi buôn. ĐNTLCB, IV, 33:281-282

12. ĐNTLCB, I, 3:348-9, 4:157.

13. Theo Thực Lục, từ tháng 7/1818 tàu ngoại quốc muốn nạp thuế cảng và thuế hàng hóa bằng loại tiền nào cũng được; ĐNTLCB, 4:352. Từ đầu năm 1819, tiền "ba lễÔ" và tiền cai tàu được giữ ở kho dinh Bắc thành và Gia Định thành, cuối năm chia cho các quan; Ibid., 4:364-365.

14. John White, A Voyage to Cochin China (Boston: 1823; reprint London, 1924, 1972); bản dịch Pháp ngữ của P. Midan, "Les Européans qui ont vu le vieux Hué: John White;" BAVH (Ha Noi), 24è année, no. 2-3 (Avril-Sept. 1937), tr. 93-322; Miller, 1990:6-14. [Ngày này, 3/2/1820 (tức 19/12 Kỷ Mão), Gia Long chết; ĐNTLCB, I, 4:398]

15. ĐNTLCB, I, 4:390-391.

16. ĐNTLCB, I, 4:356, 367.

17. ĐNTLCB, I, 4:398; Mục lục Châu Bản triều Nguyễn, tập II: Minh Mạng [MLCBMM], Cheng ch’ing-ho [Trần Kính Hòa], Nguyễn Phương, et al. dịch (Huế: Đại học Huế, 1962) CB 1:56; tr. 12. [Gia Long cử Duyệt thay làm Tổng trấn Gia Định lần thứ nhất từ năm 1812 tới 1815; ĐNTLCB, I, 4:160, 252. Trước năm 1808, chỉ có Lưu trấn, rồi trấn thủ Sài Gòn. Chức Tổng trấn Gia Định lập ra từ tháng 10-11/1808].

18. CBMM, 1/3 Canh Thìn; & 30/4 Canh Thìn; MLCBMM, II, 1962: 65, 112-113.

19. ĐNTLCB, I, 4:336-337; MLCBGL, tr. 196-197; Đỗ Bang-Nguyễn Minh Tường, 1996:75. Theo Yoshiharu Tsuboi, nêu lý do vua bệnh; Idem., Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, 1847-1885 [L’Empire vietnamien face à la France et à la Chine], bản dịch Nguyễn Đình Đầu (Sài Gòn: 1990), tr. 94-5. [Sẽ dẫn: Tsuboi 1990]. Alastair Lamb ghi de Kergariou tới Tourane ngày 30/12/1817; Idem., The Mandarin Road to Old Hue (London: Archon Books, 1970), Part V tr. 229. [sẽ dẫn Lamb 1970]; Có lẽ Lamb sử dụng tài liệu của Pierre de Joinville [1914] và Cordier [T’oung Pao, 1904 và 1908]). Ngày 22/1/1818, de Kergariou rời Tourane.

20. Thực lục cũng không nhắc gì đến hai tàu Pháp mang theo hơn 1,000 súng và thuốc đạn này. Chỉ ghi tháng 11/1819, vua cho Chưởng cơ Chaigneau về Pháp nghỉ hai năm; ĐNTLCB, I, 4:385. Chaigneau đã tới làm việc cho Nguyễn Chủng từ năm 1794. Chỉ huy tàu Long Phi, rồi thay Barisy chỉ huy tàu Thụy Phụng (hay Thoại Phụng).

21. Pigneau hiểu rõ hơn ai hết bản chất Chủng. Việc Chủng giết Đỗ Thành Nhân chỉ là một thí dụ. Tội danh chính thức là "Ỷ công mà sanh kiêu từ;" ĐNTLCB, I, 2:35-6; QSCBTY:10; Lịch triều tạp kỷ, II, 1975:226 (ghi là ngày 23/3 Tân Sửu). Năm 1835, Minh Mạng tuyên bố Nhân phạm những lỗi sau: đốt sống người, bắn chết đàn bà có thai; tiền lương giữ cả, thậm chí ngày giỗ cha Nguyễn Chủng cũng không cho tiền, khiến phải cầm áo lấy tiền cúng lễ; lại hay ở trong núi, có ý làm phản, móc nối Tây Sơn. Chủng diệt đi, bằng không biết đâu không thành Trịnh Kiểm thứ hai; ĐNTLCB, II, 16:74. Sau này, tới Lê Văn Quân, Nguyễn Văn Thành, Đặng Trần Thường, v.. v... Ibid., I, 2:135, 3:283-284, 304, 319-322.

22. Ngày 3/6/1819, trong thư gửi Baroudel (Macao), Chaigneau tâm sự muốn rời Việt Nam. Gia Long sức khoẻ suy yếu, vua mới ghét đạo và sẽ bài đạo; BAVH, 1926, 422-423. Trong thư ngày 15/6/1819, Vannier tiết lộ Hoàng tử Đảm từng tuyên bố trong một nước, dân phải theo đạo của vua; Ibid., 423-425. Nhiều năm sau, Trương Vĩnh Ký còn ghi lại những lời huyễn truyền của giới giáo sĩ về sự độc ác của Minh Mạng trong cuốn Cours d’histoire annamite à l’usage des écoles de la Basse-Cochinchine [Bài giảng lịch sử annamite dùng cho các trường Nam Kỳ], 2 tập (Saigon: Imprimerie du gouvernement, 1877-1879), II:255-269. Xem thêm Nguyên Vũ, "Góp phần nghiên cứu về Petrus Key;" Ngàn Năm Soi Mặt (Houston: Văn Hóa, 2002).

23. Thư ngày 28/7/1821, Despiau gửi Baroudel (Macao); BAVH, XIII, no. 4, 1926:428-429, & Thư ngày12/8/1821, Vannier gửi Baroudel (Manila); "Documents A. Salles, III: Philippe Vannier" (Tài liệu 36) Ibid., XXII, No. 2 (Avril-Juin 1935), tr. 146 & Cadière, "Leur correspondance;" Ibid., XIII, No. 4 (Oct-Dec 1926), tr. 429-432Ô; Michel Đức Chaigneau, Souvenirs de Huế (Paris: Imprimerie impériale, 1867), tr. 240.

24. ĐNTLCB, II, 6:85-86; BAVH, Xè, no. 1, 1923:89; Ngày 5/9/1822, Lê Văn Duyệt báo cáo về tàu Hồng Mao ghé cửa Cần Giờ; CBMM, CB 1:211-212, 214-215; MLCBMM, II, 1962:48, 49; John Crawfurd, Jounal of An Embassy from the Governor General of India to the Courts of Siam and Cochinchina (London: 1830); George Finlayson, Mission to Siam and Hue, the Capital of Cochinchina, in the Years 1821-1822 (London: 1826); Woodside, 1971:30.

25. Thời Khổng Khâu, người Hán chỉ biết 5 chủng tộc: Hán, Bắc địch, Nam man, Tây nhung và Đông di. Từ thời Minh Mạng, triều đình Huế tự coi là Trung Quốc ở phương Nam, và tự xưng là "người Hán." Năm 1881, Viện Cơ Mật của Tự Đức còn tự nhận là "cùng một nòi giống" với Trung Hoa. [Xem infra]

26. ĐNTLCB, II, 11:231 Bản dịch này hơi khác bản dịch Pháp ngữ của Léon Sogny trong "Notulettes: II. Une mission américaine en Annam sous Minh Mang;" BAVH, XXIV, No. 1 (Jan-Mars 1937), tr. 64]. Nguyễn Tri Phương thời gian này làm việc tại Nội các, tức văn phòng của vua. Viên ngoại lang (5-1), theo Sogny, tương đương Chánh văn phòng một bộ. Tư vụ (7-1) là Phó Chánh Văn phòng.

27. Miller, 1990:31-32. Tĩnh từ dơ bẩn (filthy) ở đây chẳng hiểu phản ảnh kinh nghiệm cá nhân chứng kiến người Việt nấu nướng–khiến viên chức Mỹ không dám đụng chạm đến bất cứ món ăn nào mang tới–hay nói chung về cá tính. Năm 1965-1966, một số cố vấn Mỹ tại vùng IV Chiến thuật (miền Tây) đã phải uống thuốc sổ khi về doanh trại riêng sau một dạ tiệc với quân nhân VNCH. Tiêu chuẩn vệ sinh ẩm thực của Mỹ khá cao.

28. ĐNTLCB, II, 26:292-293, 22:359; 21:278-9.

29. ĐNTLCB, II, 17:25-26.

30. Xem, Crawfurd, Jounal 1830; & Finlayson, Mission, 1826.

31. ĐNTLCB, I, 4:396, II, 13:336-410, 14:6-20, 26-29, 32-51. Vì di chúc của Gia Long, Minh Mạng nhiều lần hòa hoãn với Xiêm. Năm 1827-1828, chẳng hạn, phó mặc Chao Anu [A Nỗ]–vua Vạn Tượng [Vientianne] từ 1804 tới 1829, thường được coi như anh hùng đấu tranh giành độc lập, thống nhất của Lào–cho Xiêm bắt làm tù binh, rồi thảm sát ở Bangkok đầu năm 1829. Người giao nạp Anu cho quân Xiêm là Chiêu Nội, tù trưởng Trấn Ninh; bị bắt giết năm 1830; ĐNTLCB, II, 6:167; 8:260, 273; 10:20, 69. Xem thêm Mayoury Ngaosyvathn & Pheuiphanh Ngaosyvathn, Paths to Conflagration: Fifty Years of Diplomacy and Warfare in Laos, Thailand, and Vietnam, 1778-1828 (Ithaca: Cornell, SEAP, 1998). Một tác phẩm xuất sắc về Anu, sử dụng tài liệu Thái và Lào. Phần tư liệu Việt có chỗ thiếu sót. Xem thêm Dụ của Minh Mạng gửi Tổng trấn Lê Văn Duyệt, thường được các tác giả thế giới gọi là "Phó vương" [Vice-Roi]. (Dưới triều Gia Long và Thiệu Trị, không hề có chức vụ "Phó vương." Mãi tới triều Tự Đức mới có chức "quận vương.")

32. Sogny, 1937:65-66; Miller, 1990:34-40. Hơn bốn năm sau, vào tháng 10-11/1840, Minh Mạng giải thích chính sách ngoại thương một cách rõ ràng hơn: "Bản triều ta, đối với người Tây dương: họ đến cũng không cự, họ đi cũng không theo, chỉ đối đãi coi như người di địch thôi. Thuyền Tây phương đến, không cho tiếp xúc với dân địa phương, bán hàng xong thì đi. Kiểm soát chặt chẽ, không để sơ hở, họ có lòng xảo quyệt cũng không làm được gì;" ĐNTLCB, II, 22:294-295.

33. ĐNTLCB, II, 21:100-102, 22:222-224.

34. ĐNTLCB, II, 21:100-102, 134.

35. ĐNTLCB, II, 14:90-91; 22:216-217.

36. ĐNTLCB, II, 7:105 (1825), 7:237 (1826), 9:162 (1829), 10:145 (1830), 10:386 (1831), 11:247 (1832), 19:302 (1838), 20:247-250 (1839), 21:227-229 (1840), 22:328(1840).

37. ĐNTLCB, II, 22:291-298.

38. ĐNTLCB, II, 21:230-231, 23:351; Adolphe Delvaux, "L’Am-bassade de Minh Mang à Louis Philippe, 1839 à 1841;" BAVH, XV, No. 4 (10-12/1928), tr. 257-264.

39. ĐNTLCB, III, 23:115 (1841), 24:424 (1843), 447-448 (1844), 25:183 (1844). Tháng Giêng Giáp Thìn [18/2-18/3/1844] mới ra biển thao diễn, trước khi khởi hành. Cao Bá Quát có để lại nhiều bài thơ trong chuyến "đi đầy" này.

40. ĐNTLCB, III, 24: 371-372, 424-425; 26:14.

41. ĐNTLCB, III, 26: 243-5, 255-257, 265; Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối nhà Nguyễn, 1883-1945, 3 tập (Houston: Văn Hóa, 1999-2000), I:60-62, 81n27.

42. ĐNTLCB, III, 26:257-258. Nửa năm sau, ngày 9/10/1847, Sir John Davis từ Hongkong tới Tourane với hai tàu, tặng quà, và tuyên bố không theo tôn giáo lớn nhất của Tây phương, chỉ làm thương mại; nhưng Thiệu Trị vẫn từ khước. Ngày 27/10, Davis rời Tourane sau hơn 10 ngày thảo luận với thự Tham tri bộ Hộ Tôn Thất Thường, người đã tham dự sứ đoàn 1840-1841 của Minh Mạng; Ibid., 26:388-389.

43. ĐNTLCB, III, 26:385; ASME (Paris), Vol. 706:10 [17/5/1847: Vấn đề Lapierre tới Đà-nẵng], 11[27/5/1847: Vấn đề Tourane], 12 [29/5/1847: Lệnh cấm đạo sau khi xảy ra vụ Đà-Nẵng].

44. Miller, 1990:47.

45. ĐNTLCB, III, 25:282.

46. Miller, 1990:42, 47.

47. Miller, 1990:48-53; ĐNTLCB, IV, 27:215; TTLTTƯ 2 (TP/ HCM), Châu Bản Tự Đức [CBTĐ], 24/1 TĐ III, CB 156:239-242; tóm lược trong Vũ Thanh Hằng, Trà Ngọc Anh, Tạ Quang Phát, Châu Bản Triều Tự Đức (1848-1883) (TP/HCM: Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học, 2003), tr. 30.

48. Mặc dù từ tháng 7/1848, Đào Trí Phú bị mất chức–vì lý do nào đó–Phú còn bị buộc vào hai trong số những vụ án nhiều rắc rối là vụ Hường Bảo tư thông ngoại quốc và Lê Duy Huân, cháu Lê Duy Cự, minh chủ "loạn cào cào hay châu chấu." Tháng 1-2/1854, Phú bị lăng trì xử tử vì là đồng phạm trong việc Hường Bảo "mưu làm phản, mưu ngầm thông với Tây dương;" ĐNTLCB, IV, 27:106, 28:9-10. Tháng 6/1859, sau khi tra xét giặc Lê Duy Huân– tức Hòa, con Duy Đạo, cháu Duy Cự, Duy Uân ở Sơn Tây–Bùi Quĩ lên án Mỹ, con Phú, Thành, con Hồ Đình Hỷ, Nhạ, con Cao Bá Đạt, Phùng, con Cao Bá Quát (1809-1855), đều phò Duy Huân. Vua cho lệnh điều tra kỹ, vì chẳng biết đâu là sự thực. Tuy nhiên, vẫn treo giải thưởng bắt Mỹ, Thành, Nhạ, Phùng; Ibid., 29:43.

49. ĐNTLCB, IV, 27:117-118.

50. ĐNTLCB, IV, 27:272-273, 278-279.

51. Lettre Commune [Thư chung] 1858:47. Xem thêm những thư từ, báo cáo của Puginier trong giai đoạn này; Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối, tập I; Cao Huy Thuần, 1990.

52. ĐNTLCB, IV, 32:59-60; TTLTTƯ 2 (TP/HCM), CBTĐ, 30/11 TĐ XXIII, CB 364:90-94 (ghi ngày 30/11 Canh Ngọ [20/1/1871]); Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối, I:209-215, 225-233. Theo một nguồn tin, tháng 2/1871, Tộ còn đề nghị đánh úp Gia Định. Nếu vậy, Tộ không nhận hiểu khả năng quân đội Nguyễn, chính sách chủ hòa của Tự Đức và Từ Dụ thái hậu, cùng âm mưu của Puginier và Gauthier (cha đỡ đầu Tộ) nhằm xúi dục soái phủ Sài Gòn chiếm Bắc Kỳ. Đánh úp Sài Gòn hẳn sẽ biến thành một cái cớ toàn vẹn nhất cho Pháp mang quân ra Bắc, nơi "6,000" tay súng của Puginier sẵn sàng giúp vài chiến hạm và khoảng một tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến đánh chiếm thành trì, tạo nên vương quốc Bắc Kỳ Ki-tô tự trị. Năm 1873, khi Francis Garnier mang quân đánh miền Bắc, số lính đánh thuê bản xứ lên tới 12,000 người, theo tài liệu Việt; và 14,000, theo tài liệu Pháp. [Xem infra]

53. ĐNTLCB, IV, 32:56-59.

54. ĐNTLCB, IV, 32:130. Tháng 7/1875, vua định rõ lệ mỗi năm lấy một tàu thủy, một thuyền bọc đồng ra ngoài buôn bán. Hàng năm Nội vụ, vũ khố cùng các tỉnh chất sẵn hàng hóa ở cửa biển; tháng 12, thuyền sẽ tới lấy hàng. Nếu thừa chỗ, sẽ chở giúp hãng tư của Thanh; Ibid., 33:213.

55. Tháng 10/1872, mua tàu thủy Viễn Thông của Prussia, giá 1 vạn đồng; ĐNTLCB, IV, 32:237-238. Có lẽ vì vậy, các giáo sĩ tung tin Prussia đã nạp cho Tự Đức dự thảo một hiệp ước "42 điều."

56. France, Documents Diplomatiques [DD] I:84; ĐNTLCB, IV, 34:143; TTLTTƯ 2 (TP/HCM), CBTĐ, thập nhất niên, thất nguyệt-thập nguyệt, 15/8 TĐ XXXI, CB 435:96-101; thập nhất niên, thập nguyệt-thập nhị nguyệt, 26/11 TĐ XXXI, CB 440:189-198.

57. ĐNTLCB, IV, 34:183-186.

58. TTLTTƯ 2 (TP/HCM), CBTĐ, Tự Đức Nhị Thập Tứ Niên, Tam-Ngũ nguyệt, ngày 22/4 TĐ 24, CB 369:203-207.

59. BAVH, vol. 7, No. 3 (Jul.- Sept. 1920), tr. 370 [365-384]; ĐNTLCB, IV, 32:304.

60. TTLTTƯ 2 (TP/HCM), CBTĐ, Nhị Thập Lục Niên, Thập nhất-Thập nhị nguyệt, 10/12 TĐ XXVI (Quí Dậu) [27/1/1874], CB 385:92-96; ĐNTLCB, IV, 33:59.

61. ĐNTLCB, IV, 35:59-62, 85, 89-91. Báo cáo của Khoa đạo Lê Đĩnh sau chuyến đi Hongkong trở về có lẽ phần nào đóng góp vào quyết định này; Ibid., 35:86-87.

62. ĐNTLCB, IV, 32:53-59; Miller, 1990:69.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 9906)
(Xem: 9694)
(Xem: 9177)
(Xem: 9651)
(Xem: 10130)
(Xem: 9173)
(Xem: 10009)
(Xem: 10617)