- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Thanh Bình, Đối Thoại Cô Đơn

12 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 10383)
 

Trốn vào giấc mơ em (Thanh Văn, 1997) của Nguyễn Thị Thanh Bình là một trong những tập thơ hay ra đời tại hải ngoại khoảng 10 năm gần đây. Thơ Thanh Bình mang nỗi cô đơn tịch lặng rất thiền:

Tuyết rơi qua những bàn tay trống

Xác thân không còn khoảng vắng trông

(Nỗi không)

Ý và lời cổ điển kín đáo, trang trọng như một Thanh Quan nhập thiền, không không, có có, nửa tu, nửa tục: Tuyết rơi qua những bàn tay trống, xác thân không còn khoảng vắng trông tạo một vũ trụ trống trơn bất tận, mênh mông cô đơn, mênh mông tan tác. Tuyết (sản phẩm của thiên nhiên) rơi trên tay (một phần của con người) thoảng trông tưởng như một tình huống tự nhiên, nhưng thực ra nó gói trọn cả một hành trình trừu tượng mang tính triết học: thiên nhiên tan trên bàn tay trống, mà bàn tay là một phần của thân xác, rồi thân xác cũng không "trụ" được trong không gian, chỉ một thoáng cả tuyết cả thân đều tan đi, trơ lại một khoảng vắng. Như thể trong một sát na cả bốn yếu tố: thiên nhiên, con người, và không gian đều tan biến trong nhau, tạo thành một khoảng không đầy . (Nếu Thanh Bình đổi chữ trông cuối câu thành không: xác thân không còn khoảng vắng không, sẽ hay hơn, thiền hơn).

Đêm chảy xuống như tóc mây vần vũ

Một dòng trôi trôi tuột tới hoang vu

Lắng nghe đi cả toàn thân vũ trụ

Vẫn rì rào lời im lặng thiên thu

(Không tiếng)

Bachelard đưa ra bí quyết: khi một ngòi bút có khả chuyển tình trạng vật thể (ví dụ từ lỏng sang đặc, từ trừu tượng sang cụ thể) thì đó là một nhà thơ đích thực. Đối với Thanh Bình, sự chuyển thể nhiều khi mang ý nghiã siêu hình:

Hãy cạn nhanh giọt chiều hấp hối

Đêm xuống thành quá khứ ngày mai

(Lời cuối).

Chiều trút hơi thở cuối cùng để biến thành giọt nước mắt khóc mình. Chiều chết thành đêm. Rồi đêm sẽ mau chóng trở thành quá khứ của ngày mai: Một vòng tử sinh kỳ lạ, nối kết thời gian với không gian trong nỗi đau con người, đẹp và xót vô vàn. Đó là thế giới đầu tiên của Thanh Bình: vũ trụ tan vào vật thể. Và mọi hình thức vật thể (hữu hình như xác thân, cây cỏ, hoặc vô hình như không gian, thời gian) đều có khả năng luân phiên chết đi sống lại: tan rồi tụ trong vũ trụ. Thế giới ấy đã có lần chúng tôi mượn chữ của Vũ Khắc Khoan gọi là "Vùng tuyệt mù", một vũ trụ rì rào lời im lặng thiên thu. Và trong vùng tuyệt mù ấy, tất cả đều có thể hoá thân, kể cả âm thanh cũng đầu thai kiếp khác:

Vầng trăng tan vỡ ai nghe được

Dưới đáy sầu xanh đọng men hương

(Vô thanh)

Ai nghe được tiếng vầng trăng vỡ? Không ai cả, bởi cái tiếng, cái âm thanh trăng vỡ ấy đã chết đi, đã hoá kiếp, để chui xuống đáy, đáy cái gì: đáy sầu xanh! Và hình như (tức là cái âm thanh trăng vỡ ấy) còn dám đọng lại thành men hương! Vật thể liên tiếp tán rồi tụ, đổi kiếp như thay áo trong vùng tuyệt mù. Hoặc đôi khi nhà thơ dìm mình trong mộng, trong nhớ, trong cô đơn, rồi bỗng buông câu hỏi:

Làm sao chở mộng về bến cũ

Bãi cát dài hạt nhớ đơn côi.

(Vô thanh)

Làm sao chở mộng về bến cũ một câu hỏi lẩn thẩn nhưng vô cùng thơ mộng, tiếp theo là một xác định không kém phần nghi vấn: Bãi cát dài hạt nhớ đơn côi. Chẳng biết mỗi hạt cát là một hạt nhớ, hay trên bãi dài muôn trùng hạt cát, chỉ có một mình hạt nhớ trơ vơ, đơn côi, không bè bạn?

Bài Nắng sau đây kết toán những tang thương, những đổi thay, chuyển kiếp, những sống chết vô thường của cây cỏ, của nắng mưa, của kiếp người, với giọng gần như cung oán:

Nắng về thương dấu chân đi

Sầu lung lay bóng đâu vì gió bay

Tơ vàng tỏ giọt cay cay

Chiều hây hây chảy theo ngày đổ xiêu

Biệt tà y lạnh phong rêu

Đời hoang phế rụng tiếng kêu não người

(Nắng)

Một sự giao hoà giữa cung thương và cổ thi trong giọng thơ này, như thể tất cả phong rêu, hoang phế thành quách hoá ra chỉ nằm trong một tiếng não người!

"Chỉ một tiếng lá vàng rơi vỡ

Cũng làm lay động mặt trăng êm

(Ánh mắt)

 

Có phải Thanh Bình đã bắt gặp sự giao hoà giữa tiếng lá vỡ và tiếng mặt trăng lay động, hay đó chỉ là cái khoảnh khắc linh ứng nhà thơ nhặt được mảnh mộng rơi của chính mình.

Vẫn với độ nhạy cảm khác thường ấy, Thanh Bình nghe, đếm, ngắm, rồi phân tích và lý giải, theo một lô-gích phản thường:

Chiều nghe lá đổ một vài

Ta con sáo nhỏ lạc loài cụm mây

Xác xơ từng cánh thu gầy

Con đường cổ tích cũng đầy tháng năm

(Một ngày)

Thì ra tất cả cảm quan, giác quan và biện chứng của nhà thơ đều ở ngoài ngôn ngữ: Niềm cô đơn, sư lạc loài ở đây trở thành một thứ u hoài vô phương, vô vọng. Thanh Bình dùng những chữ vô nghiã nhưng đầy trắc ẩn, để dẫn ta đến một "con đường" lạ kỳ chưa hề thấy: con đường cổ tích cũng đầy tháng năm là gì? Tuyệt đối vô nghiã, nhưng lại có khả năng làm nao lòng người, làm lạc hướng không gian và thời gian: con đường cổ tích dẫn ta đến đâu? Đến vô phương, vô hướng, nhưng nó cõng trên lưng đầy năm tháng, nó là con lạc đà chở thời gian! Còn có sự đếm đo thời gian nào lạ lẫm hơn, oái oăm hơn?

 

Nếu trong thơ, cách đây 10 năm, Thanh Bình đã tìm đến cái thinh không tịch lặng và bao la ấy, thì trong thơ bây giờ, hình như Thanh Bình đi theo những đích khác. Thơ bây giờ có thời thượng, có đấu tranh, có tính dục, có chữ tục, có hình thức, có vắt dòng... nhiều hơn, tiếc rằng lượng thơ dường như cũng có vơi đi, không mấy khi tôi thấy lại vùng tuyệt mù trước nữa. Lý do dễ hiểu là thơ thường xa những lập thuyết, kiểu cọ, mà thơ gần con tim. Tim Thanh Bình đập theo nhịp lãng mạn, cổ kính, nhưng Thanh Bình đã biết đập vỡ cổ kính để tạo bình minh: thì hãy thả mình theo cảm hứng tự nhiên, của lãng mạn, của cung oán, chẳng sao, bởi cái cung oán của Thanh Bình vẫn là cung oán hiện tại, không thể khác; vì Thanh Bình đang sống trong thời hiện tại. Người ta không dựng được hiện đại (cả hậu hiện đại gì đó nữa) vì chưa ai từng biết hiện đại lẫn hậu hiện đại là cái gì. Tất cả những lý thuyết người ta đưa ra, chỉ là cái cớ để xác định một điều chưa biết. Còn điều ai cũng biết, biết rõ, là mình đang sống ngày hôm nay. Ta nói, viết, bằng chữ của ta, và dù cái chữ đó có chịu ảnh hưởng của tác giả này, của thời đại khác, thì nó vẫn là sản phẩm của cá nhân ta trong thời đại này. Cho nên đừng ngại sự lỗi thời mà bỏ mình để theo bất cứ một thứ thời thượng nào; đừng giam mình trong những quy ước dù tân hay cựu.

 

Nhưng cũng rất may là tôi lại tìm được cội rễ nguyên thủy của Thanh Bình trong một chuyển hướng đổi mới khác: trong văn. Trong những truyện ngắn viết khoảng mấy năm gần đây, Thanh Bình tìm cách đào sâu, mở rộng không gian nguyên thủy, tịch lặng và cô đơn ấy trong con người. Nghệ thuật của Thanh Bình dựa trên hai yếu tố chính: đối thoại và cô đơn, đối thoại của cô đơn.

Tập Dấu ấn (Văn Mới, 2004) tập hợp những đối thoại cô đơn ấy trong một số truyện ngắn như: Khi ve sầu trở lại, Chuyển mùa, Xin đừng sấm chớp, Giấc mơ của bão, Hương biển... mỗi truyện là cuộc gặp gỡ giữa hai tâm hồn cô đơn trong những tình thế khác nhau. Tất cả tạo thành thế giới của Thanh Bình. Thế giới mà người ta không muốn làm quen, không muốn bắt chuyện với nhau, thế giới đời sống hôm nay, hiện đại và tân tiến. Thanh Bình đã bắt nhịp với tình trạng khủng hoảng nội tâm thường trực của con người trong xã hội kỹ nghệ; ở đây là xã hội Mỹ, tiểu bang Virginia. Thanh Bình cũng không viết về ai khác hơn là viết về mình, về nỗi cô đơn, khủng hoảng của chính mình, dưới nhiều tình huống, nhiều hình thái khác nhau.

Đoạn đầu truyện Khi ve sầu trở lại (Dấu Ấn, trang 95) rất hay, là cuộc đối thoại bằng mắt giữa hai nhân vật ngồi cạnh nhau trên métro. Thoạt tiên là hình ảnh người đàn bà "lầm lũi bước đều theo đoàn người chán ngắt. Những hàng hàng lớp lớp nối đuôi nhau như mưa". Nàng "lên métro. Kiếm một chỗ ngồi, nhắm mắt lại, giả vờ chìm vào một cơn mộng". Tưởng là yên. Bỗng một giọng "dấm dớ" nổi lên: "Tôi ngồi đây một mình. Tự nhiên cô chen vô ngồi xuống cạnh tôi. Thế là chúng ta trở thành một cặp. (...) Ồ xin lỗi. Tôi không biết ông muốn được yên thân một mình". Những lời đối thoại như thế được viết một mạch, không xuống hàng, không đóng trong ngoặc kép, không biết chúng đã được nói ra, hay chỉ mới là ý nghĩ của hai nhân vật. Nếu là ý nghĩ của hai nhân vật, thì đúng là họ nói chuyện với nhau bằng mắt: một không gian ảo vừa thành hình, nhưng lại rất thật, bởi có bao lần chúng ta đã từng nói chuyện, đã từng cãi vã, đã từng cà khịa bằng mắt với những người đồng hành trên métro, trên xe buýt như thế.

Ở đây vấn đề tưởng tượng được đặt lại: Mỗi khi đọc truyện chúng ta chấp nhận tưởng tượng cấp một (còn gọi là hư cấu, hay bịa) như một tiền đề, nếu không thì sẽ không có truyện, không có tiểu thuyết. Đối thoại truyền thống luôn luôn dựa trên tưởng tượng cấp một: nghiã là tác giả tưởng tượng ra một cuộc đối thoại và có ý xác định nó đã xẩy ra thật sự như thế. Lối đối thoại trên đây của Thanh Bình khác với lối đối thoại truyền thống. Đây là đối thoại bằng mắt, có lời nói pha với lời nghĩ kèm sự chưa chắc. Ba yếu tố này dựa trên hình thức tưởng tượng nhiều tầng, tượng tượng giả thử: những gì mà chúng ta đang đọc không chắc nó đã xẩy ra như thế. Mà dù hai người ấy có nói thế, thì cũng chỉ là một trường hợp đối thoại mà thôi. Tác giả trình bày đối thoại, xen lẫn độc thoại, nhưng đồng thời cũng ngỏ cho biết là câu truyện hai người đang nói với nhau, có thể đã diễn ra như thế đấy, nhưng cũng có thể họ nói với nhau những điều khác hẳn, hoặc có thể họ chẳng nói gì với nhau. Dương Nghiễm Mậu đã từng gọi những trường hợp đó là những ví dụ. Thanh Bình chọn ví dụ này, để trình bày cái thực tại bi đát ngầm chứa trong đời sống hàng ngày trên métro, nhưng đồng thời cũng mô tả sự bất trắc, vô cớ của đời sống: nó có thể mà cũng có thể hoàn toàn là không.

Người đàn ông nói: Cô ơi, mình đang đi đâu đây. Người đàn bà nghĩ: Hắn không thể đùa dai như thế được. Hắn ngồi ở đây, biết trả tiền mua vé để bước lên tầu, không lẽ đầu óc hắn lại treo lơ lửng ở một chốn hôn mê nào. Đôi mắt hắn rối rắm âm u và yếu đưối quá (...) Hắn không biết đi đâu, về đâu cũng phải. (...) Ông à, tỉnh lại đi. Thể nào rồi ông cũng phải xuống một nơi nào chứ. Nơi nào ông tạm thời muốn xuống chẳng hạn.

Không, tôi chẳng muốn gì cả. Có phải bất cứ một trạm nào khi tôi xuống cũng sẽ chẳng có ai chờ mình ở đó phải không cô". Câu chuyện của họ tiếp tục lẩn thẩn như thế: đối thoại phi lý trong bối cảnh phi lý, nhưng tất cả những phi lý ấy mở vào trung tâm đớn đau của con người thời đại: Sự cô đơn. Sống một mình. Đói một mình. No một mình. Vui một mình. Buồn một mình. Tất cả một mình. Chỉ có mình mình, trong không gian chen chúc đầy người. "Còn cô?... Sao hắn dội chi vào người cô một gáo nước lạnh tê tái, khiến cô không đủ can đảm kiểm điểm lại lòng mình. Còn tôi ra sao ư? Có trạm nào cho tôi dừng lại trong cuộc đời để bắt gặp ngay con nhà hạnh phúc không? Xin lỗi, tôi cũng đã băng băng qua những chuyến tàu đời hơn nửa đời người mà cũng vẫn mù mờ như thế thôi."

Một thứ bút pháp sẵng và thờ ơ, chiếu thẳng vào sự cô đơn không thể nói ra được, không diễn tả được, cũng không thể ca thán, bởi vì ai cũng vội vàng không ai muốn nghe ai, không ai có thì giờ để nghe những lời than van, và cũng không ai có thì giờ than vãn. Sáng sáng thức dậy, người ta lầm lũi vào nhà tắm, lầm lũi đánh răng, lầm lũi rửa mặt, lầm lũi tắm, lầm lũi thay đồ, lầm lũi nuốt vội cốc cà phê, lầm lũi ra đường, lầm lũi xuống hầm métro, lầm lũi ngồi bên cạnh một kẻ khác cũng đang lầm lũi như mình, lầm lũi nghĩ đến tý nữa sẽ gặp "con mụ xếp hói đầu lúc nào cũng đeo tóc giả, răng giả, lông mi giả, chuyên viên xài đồ giả, nhưng bắt mọi người phải làm thật". Thanh Bình không những đã viết được sự lầm lũi hàng ngày của con người có công ăn việc làm, mà còn viết được cả sự lầm lũi cũa những kẻ tứ cô vô thân, vô gia cư vô nghề nghiệp, không biết đi đâu. Hai loại cô đơn lềnh bềnh trôi trong xã hội như những cánh bèo gặp nhau trong ánh mắt. Có thể họ đã chẳng nói gì với nhau, có thể họ đã nói rất nhiều điều, mà cũng chưa chắc đã có ai ngồi cạnh người phụ nữ này, hay tất cả là do nàng bịa ra, để có một cuộc đối thoại, một cuộc gặp gở ly kỳ, ma quái, để lấp liếm cái cô đơn lầm lũi mỗi ngày của nàng trên métro không ai han hỏi. Thanh Bình và Quỳnh Dao là hai nhà văn hiếm hoi ở hải ngoại đã vào sâu đời sống hiện tại ở phương Tây để viết nên cái bản chất xã hội vội vã, lãnh cảm, đang truất phế tình người ở những nước tân tiến. Quỳnh Dao viết về sự không cảm thông giữa người và người. Thanh Bình viết về sự gặp gỡ giữa những tâm hồn không còn ai tâm sự.

 

Truyện ngắn Chuyển mùa (Dấu ấn, trang 121), là một thành công khác của Thanh Bình, người thiếu phụ trong truyện, đêm nay đi làm công tác thiện nguyện. Có gia đình nhưng nàng không mấy hạnh phúc trong nhiệm vụ tính tiền và máy đẻ. Hạnh phúc chợt đến với nàng ở những lúc khác, nơi khác. Ví dụ đêm nay trời bão: "Cô không thể ngồi yên nổi, khi ngoài kia trời đang oằn oại. Hết mưa rồi gió đang bời bời trên mặt đất. Cây cỏ trong vườn rạp mình chịu trận. Một nỗi gì đó căm căm cơ hồ quất vào trái tim cô. Cô bay ra khỏi nhà hệt một cánh lá hoang dại tả tơi".

Chúng ta theo người đàn bà cô đơn ấy bay ra khỏi nhà như một cánh lá dại, nàng xung công thiện nguyện lái xe hồng thập tự đi hốt những kẻ tứ cố vô thân trong những đêm đông, đêm bão, sợ họ chết đói, chết rét, chết vì bị cây đè... Nàng làm công việc này không chắc có phải vì lòng từ bi hỉ xả mà có lẽ vì chỉ muốn " làm dịu đi những cơn hứng bất tử lái xe băng băng không mục đích trong tuyết giá", để "ít ra cũng giúp được cái đầu cô ấm lại đôi chút", để biết trên "chốn giang hồ trần thế này, chưa chắc cô đã là người cô đơn âm u nhất". Cũng nhờ đến đây, mà nàng bắt gặp hạnh phúc: "Cô mở mắt ra. Tuyết vẫn phất phơ và cuộc đời ngoài kia vẫn tràn lan bóng tối. Hình như cô nhận ra có tiếng "harmonica" kỳ diệu vừa len lỏi qua ngõ đêm làm vỡ tan mảnh hồn cô -Hay và buồn muốn khóc- Một người nào đó chắc phải bị phân thây cùng cảm xúc mới có thể tấu được những âm hưởng như thế"

Tiếng harmonica là niềm hạnh phúc đầu tiên của người thiếu phụ trong đêm. Nhưng chưa hết, giữa đêm đông tuyết giá tiếng harmonica gọi nắng. Nàng tự nhủ ai gọi nắng trong đêm mưa tuyết gió bão ở Virginia này? Ai đó là Hắn: Huy Mỹ đen. Huy homeless. Huy nhập tịch theo diện con lai. Huy nghệ sĩ ăn xin đứng đường. Huy cầu bơ cầu bất. Huy có phòng triển lãm ở một nơi quái đản: "Hang động của hắn là một không gian đầy gió và bóng tối. Gió đem hoang vu đến cho một mình hắn đi đi về về từng đêm trong những ngơ ngẩn của một tên không nhà đúng nghiã.

Đó là một căn phòng ở tầng trên cùng của một ngôi nhà bỏ hoang đã cháy tự lúc nào không biết. (...) Hắn bảo căn nhà này có ma, nên chủ nhân cũng không buồn xây lại những tàn tro đã bay (...) Khi hắn hất tấm "drap" trắng gần bờ tường ra, cô như bị đẩy ngay xuống một vực thẳm tím bầm những máu me. Cô khóc. Trên những khung vải câm lặng là tiếng rên rỉ của một trái tim đau đớn, cùng với tiếng thét phẫn nộ của những con ngưòi sinh ra trong một đất nước chiến tranh".

Huy Mỹ đen là một trong những nhân vật thành công nhất của Thanh Bình. Huy tỉnh bơ mà gây xúc động. Huy là thứ cô đơn đóng băng. Băng đam mê. Băng bị đời sa thải nhưng có khả năng mê hoặc đời. Gặp Huy, con người sẽ khá hơn một chút. Bởi Huy không chỉ là người, Huy còn là nghệ sĩ. Nghệ sĩ vừa là người vừa có khả năng mê hoặc. Người biết đam mê, nhưng không tạo đưọc đam mê. Nghệ sĩ đam mê và tạo đam mê. Nghệ sĩ đam mê và làm ra đam mê. Chính cái đó mới là cái mà con người bình thường, con người không nghệ sĩ không thể làm được.

Con người bình thường sống trong chiến tranh, chịu đựng chiến tranh, đau khổ vì chiến tranh hoặc phục vụ đắc lực cho chiến tranh, nhưng con người bình thường không có khả năng làm sống lại những đau đớn, những tiếng thét của chiến tranh trong tim người khác. Huy làm được. Huy thể hiện điều đó trong tranh, trong tiếng đàn, Huy nói được cái cô đơn Mỹ đen lai. Huy trở thành số một. Huy là năm-bờ-oăn.

 

Xin đừng sấm chớp (sđd, trang 151) là cuộc gặp gỡ giữa hai tử tù, một Việt trẻ và một Mỹ già trong hành lang tử thần. Cuộc đối thoại tào lao giữa hai kẻ sắp lên đoạn đầu đài vừa xẩy ra trong óc, vừa thành lời, đi từ triết lý vụn sang phân tâm. Cùng giết người như nhau, lão Mỹ già "băn khoăn" về "trường hợp" thằng Việt trẻ: "tại sao một hung thủ dám treo cổ nạn nhân như hắn", "giết người một cách man rợ như hắn" "lại có thể sợ hãi sấm chớp như hắn. Khuôn mặt hắn lúc đó tái mét trong dáng điệu co rúm lại đã đành, mà nước mắt lắm khi lại dàn dụa như một đứa con nít". Rồi lão tìm cách "phân tâm" trường hợp thằng lỏi da vàng mặt non choẹt sổ sữa, tại sao hắn giết người không gớm tay mà buồn cười hắn lại sợ sấm. Thanh Bình thật sự đã dẫn ngưòi đọc đi sâu vào cõi đêm trong hành lang tử thần, với giọng châm biếm, vừa tìm cách phân tích nguyên nhân dẫn đến tội ác, vừa có ý xoá những luận lý hình thức để đi thẳng vào trái tim con người, rọi vào vết thương rỏ máu trên những hình hài sinh trong nghèo đói và chiến tranh. Vấn đề trầm trọng, được trình bày với một giọng nhẹ nhàng, gần như hài hước.

 

Hương biển (trang 259) có giọng văn thật đẹp, Thanh Bình ít khi viết giọng văn này. Ở đây, dường như chị chủ ý dùng lời đẹp để viết về những cơn huyễn mộng của một thiếu nữ biết mình sẽ chết nhưng chưa bao giờ được yêu. Hương biển được viết như một huyền thoại lãng mạn, với lối độc thoại cô đơn, không giống các cuộc đối thoại tay đôi giữa hai nhân vật trong các truyện khác. Ngay từ dòng đầu, Hương biển đã xác định vị trí nghệ thuật của mình:

"Người đàn ông đó lâu lâu vẫn lai vãng trong những giấc mơ của tôi. Nơi một bãi biển hoang vắng, đôi chân trần của ông ta thường để lại trên cát ướt những câu thơ thật buồn mà hình như chỉ mình tôi đọc được. Những câu thơ bị sóng cuốn đi rất nhanh, như ông ta cũng lướt đi quá nhanh cùng với những ngày biển trở mình dông bão".

Người thiếu nữ đem thơ vào biển, nàng tưởng tượng ra một nhân vật trong mộng có đôi chân trần vạch nên cát những bài thơ, rồi những bài thơ trên cát ấy bị sóng cuốn đi, như giấc mộng, như con dã tràng xe cát, ánh mắt thơ của nàng hướng về những cơn bão đang sôi động trong tim:

"Biển vắng bóng thuyền, như tôi vắng vòng tay ôm bên cạnh (...) Tôi tự nhủ sẽ yêu biển cho đến chết. (...) Chiều đến tôi lại vờ quên áo ấm để được co rút trên biển. Tôi vẫn không thể không ra thăm biển khi chiều vừa xuống. Những sợi tơ chiều màu tim tím khi được rụng bay cùng sóng biển trông ảo diệu làm sao!

Những lúc ấy tôi có cảm tưởng như ngoài khơi kia, biển vẫn thích chọn thời khắc này để ghé sát rong rêu thầm thì. (.. ) Tôi bắt đầu muốn viết cho biển những câu thơ, rồi bỗng nhớ vô cùng những con dã tràng tuổi nhỏ ở một bờ biển xa tắp quê nhà"

Đến đây giấc mơ của nàng bị ngừng đứt bởi một một "hoàng tử bé" hiện ra trên cát:

"Sự xuất hiện của một giọng đàn ông rất trầm đối với tôi lúc đó tưởng như một tai họa. Tôi không tin trên biển vào lúc này còn có một ai khác, ngoài mình. Tôi chỉ muốn được yêu biển và giữ lấy biển cho riêng mình. Nhưng tiếng nói ấy đã phát ra như ấp ủ tù một bờ ngực ấm:

- Chào cô nhỏ.

Tôi ngước lên, chợt hoa mắt khi bắt gặp thứ đốm sáng quen thuộc trong đôi mắt của người đàn ông (...)đã từng đi xuyên qua những giấc mơ của tôi. (....) Người đàn ông nhìn sững vào mắt tôi. Một lần nữa tôi lại bị hai vũng nắng lung linh tuyệt vời ấy toả ngập vào tim óc xao xuyến. Đôi mắt của ông ta. Những trao gởi bí mật trong những giấc mơ tảng sáng. Đôi mắt ấy bây giờ cũng chợt biết nói thứ ngôn ngữ không lời."

Từ đây người con gái tiếp tục câu truyện với đôi mắt, một cuộc đối thoại đầy hiện thực trong một thế giới không lời, hay nói đúng ra, những lời đối thoại trong truyện chỉ xẩy ra trong ánh mắt, tương tự như đoạn đối thoại trên métro trong truyện Khi ve sầu trở lại, nhưng có thêm mức độ thần tiên của nàng công chúa ngủ trong rừng. Nhưng người con gái trong Hương biển không chờ đợi hoàng tử đến để sống lại như công chúa, mà chính nàng đang sống những giờ phút cuối, nàng chờ hoàng tử đến trao cho nàng nụ hôn đầu tiên và cuối cùng của đời con gái.

 

Giấc mơ của bão (trang 211) là cuộc gặp gỡ kỳ lạ và đau thương nhất trong tập Dấu Ấn, Thanh Bình kết hợp bão tố ngoài trời và bão tố trong lòng hai nhân vật, một phụ nữ Việt và một thanh niên da đen, tình cờ gặp nhau trong đêm bão, bên xác người thân vừa chết. Cả hai đều tử thương trong tâm hồn. Họ tìm ở nhau một chỗ dựa. Họ tìm ở nhau một đầu mối. Họ tìm ở nhau những hình hài thân yêu đã mất. Họ tìm ở nhau nỗi tuyệt vọng về tình yêu về cõi nhân sinh. Giấc mơ của bão đã kết hợp hai yếu tố gây sóng gió trong đời sống hàng ngày ở Mỹ: bạo lực thiên nhiênbạo lực kỳ thị, để viết nên một truyện ngắn mộng ảo, đắng cay, chua xót, đầy nhục cảm.

Trên đất nước lớn lao và giàu mạnh nhất hoàn cầu này, gió bão là một trong những bạo lực thiên nhiên dai dẳng và tàn ác mà người Mỹ không thể chế ngự được, và vấn đề màu da, đối với người Mỹ (nói riêng và thế giới nói chung) vẫn còn là một chứng nan y chưa tìm ra thuốc chữa. Xoáy sâu vào hai vấn đề thời sự và muôn thủa này, Thanh Bình đã gây ngạc nhiên ngay từ dòng đầu:

"Không biết cơn bão đã thổi y đến hay chính y đã kéo thốc cơn bão, hoặc giả y là cơn bão khốc liệt và lạ lùng nhất.

Màu môi của bão là phiên khúc man rợ của quỷ dưới tầng cuối của địa ngục và bàn tay bão muôn đời là những mũi tên hoang dại cắm vào ngực trần gian, xé rách mọi nỗi thanh bình của những bầu trời cùng đáy vực im lặng.

Bão đến. Vâng, Isabel đã rớt xuống thành phố đúng như tin khí tượng nhưng hoàn toàn nằm ngoài dự báo thời tiết trong cô".

Bằng một thứ bút pháp "vũ bão", Thanh Bình giới thiệu hai khuôn mặt "man rợ" nhất và chủ chốt nhất trong truyện: người thanh niên và bão tố. Những chữ "Không biết cơn bão đã thổi đến y hay chính y đã kéo thốc cơn bão, hoặc giả y là cơn bão khốc liệt và lạ lùng nhất" vừa phân biệt rõ ràng hai thực thể: cơn bãoy đồng thời ghép hai thành một: y cũng là cơn bão. Vì vậy, đôi môi và bàn tay của y (hay của bão) được mô tả như sau: "màu môi của bão là phiên khúc man rợ của quỷ dưới tầng cuối địa ngục và bàn tay của bão muôn đời là những mũi tên hoang dại cắm vào ngực trần gian".

Không những môi và tay của y đã được đồng hoá với bão tố, mà chúng còn được đồng hoá với đam mê, với điạ ngục, với địa ngục của đam mê. Ngay trong dòng đầu tiên này: Thanh Bình đã hoà thể xác người thanh niên với bão tố, với đam mê; dùng đam mê và bão tố để vẽ chân dung, vẽ môi, vẽ tay người thanh nhiên. Nghệ thuật đồng hoá để nhân thực thể thành hai, thành ba này rất mấu chốt trong cách dựng truyện của Thanh Bình.

Một cảnh khác cũng được bội phân như thế:

"Trong thứ ánh sáng nhờ nhợ sắp chết của buổi chiều, cô lái xe quờ quạng tới nhà quàn như một bóng ma (...) Người và vật không chút lai vãng, làm cô không thể không nghĩ mình là một bóng ma chập chờn giữa mộ địa gió.

Bão càng cuồn cuộn, chiếc xe cô chao lệch như sắp quay loạn trong lòng bão (...) Một cảm giác sắp bị bốc ra khỏi xe khiến cô ước gì mình được mất hút như thế. Bay theo bão vào một cuộc hoá sinh nào đó. (...) Cô rớt hoài đến bằm xác mà gặp bão vẫn muốn cuồn cuộn bay".

Những chữ có âm thanh ma ám như "Nhờ nhợ, sắp chết, quờ quạng, nhà quàn, bóng ma, mộ địa gió, hoá sinh, rớt, bằm xác..." , không những tạo nên khung cảnh chết chóc mà còn có khả năng bội phân tính mãnh liệt của cuồng phong: chữ cũng bắt kịp chiều cuốn của bão. Đang trong cơn lốc, (tức là chữ) lại đốp chát dừng lại ở những trạm không ngờ nhất: "Đêm, cô ngồi gục xuống bên hai khuôn mặt trắng xanh vì bệt quá nhiều phấn sáp. Nhà quàn ở Mỹ vẫn có thói quen trang điểm người chết một cách đóng tuồng như để chuẩn bị cho những cái xác không hồn đi dự những buổi yến tiệc ở điạ ngục". ngừng để mô tả một tục lệ đám ma của người Mỹ, rồi lại tiếp tục xông vào gió bão và lần này dường như thoát ra từ sự dồn nén nhục cảm của hai kẻ chưa từng gặp nhau:

"Đêm trượt té thật nhanh. Mắt bão xám xỉn hung bạo. Mặt đất bấn loạn, khi bão trườn mình như con trăn oặn sâu vào vũng đêm huyễn hoặc. Đêm lộng gió lộng mưa, bời bời những cuồng lưu thác đổ. Tiếng thở của bão càng lúc càng gấp rút, dồn dập va trộn giữa ba chiều không gian nghe như một chuỗi rít dài đau đớn của nhục cảm ẩn ức".

Thanh Bình và Vi Thuỳ Linh đều là những ngòi bút mãnh liệt khi viết về nhục cảm, cả hai đều có thể hoà tan nhục cảm thân xác trong thiên nhiên. Nhưng ở Vi Thùy Linh là nhục cảm trực giác dậy thì Lolita, còn Thanh Bình là nhục cảm chín mùi Rita Hayworth, cạm bẫy và bí mật. Đôi môi, bàn tay của bão luồn trong đêm: đêm trượt té, mặt đất bấn loạn, bão trườn mình như con trăn, oặn sâu vào vũng đêm huyễn hoặc, đêm lộng gió lộng mưa, tiếng thở của bão càng lúc càng gấp rút, dồn dập... đó là cuộc giao hoan mãnh liệt giữa hai thực thể chưa từng gặp nhau: y và nàng.

Y là bão, y cũng là đêm. Còn nàng, người thiếu phụ có chồng và con gái vừa chết vì tai nạn xe hơi, đang lao xe trong đêm bão để đến nhà quàn canh xác.

Phải đến hồi hai, y mới thực sự xuất hiện:

"Y ngồi đó từ bao giờ cô không cần biết. Cô có đó nhưng xác thân cô chừng như đã tan biến đâu đâu. Mọi sự thổi đến quá đau lòng làm cô đang sống mà như đã chết.

Cô đã chết nên y không thể tìm cách chôn sống cô được nữa. Cô gọi sự ân cần của y là những ve vuốt dao găm".

Hai tâm hồn cô đơn cực điểm y gặp gỡ nhau trong đêm bão như một định mệnh, một tai hoạ: họ có chung với nhau một người thân đã chết. Nàng, tang chồng, tang con. Một người chồng đàng điếm mà có lúc nàng đã mơ muốn giết chết. Còn y, y là bồ của con gái nàng. Nàng khinh bỉ y. Nàng đã gạt y ra khỏi cấm thành mà nàng xây cho đứa con gái cưng độc nhất.

Đêm nay, trong cái nhà quàn này chỉ có y và nàng. Nàng coi y như không có. Nàng định như vậy. Bởi không những y mắc tội da đen mà y lại còn làm cái nghề đồi trụy không khá được là "male stripper", tức là thoát y đàn ông. Nàng và y là hai thái cực là hai thế giới trắng (vàng cũng gần trắng) đen rõ rệt, là thiên đường và điạ ngục. Nhưng trong cái thoi thóp của nhà quàn lạnh trống và bão táp, trắng cũng thành đen. Nàng sợ, nàng không còn chỗ tựa, nàng phải xích lại gần y, và y lại vô cùng nhạy cảm, y đầy lòng nhân hậu, y nghệ sĩ, y quyến rũ, y gợi cảm. Y mang trong người cái đau màu da, cái đau nhược tiểu như nàng, y gánh cùng nàng những cô đơn, y chia sẻ với nàng nỗi bất hạnh của thứ công dân hạng nhì trong một thế giới đầy công dân hạng nhất:

"Y hát. Hình như tiếng hát ấy cất lên từ những vỡ vụn của tâm hồn. Giọng ca của y khi khàn đục nghèn nghẹn những thanh âm, như vướng víu từ một vách núi hay một đá vực. Khi thì ném tan nức nở lên thấu trời xanh. Hình như y đang mê sảng và tự ý đi tìm những cung bậc cho chính y. Y không cần người nghe là cô vì y chỉ muốn được mất hút và đốt cháy trong niềm xúc động của âm hơi"

Thanh Bình nhích dần từ ác cảm đến thương cảm, rồi đến nhục cảm bão tố giữa hai tâm hồn cô đơn, vỡ vụn, những kẻ thất lạc trong một tình thế bi đát, trong một vũ trụ chết đuối. Ở phút lâm chung, họ bỗng bắt được sự cảm thông trong trắng không một gợn mây, bởi vì không một hành động "khả nghi", "tội lỗi" nào xẩy ra giữa hai nhân vật, vậy mà vẫn có một không khí quyến rũ, đắm say đến lặng người:

"Y lấm lét nhìn cô, nói nhờ nhợ như chưa thoát khỏi cơn say:

- Bà thật tình không muốn nghe thì thôi. Chẳng hiểu sao có lúc tôi thấy bà thật gống cô ấy.

Y nói nhanh quá, cô không kịp bịt miệng y lại. Làm sao cô bịt được những giọt máu trong tim y. Thôi thì cũng chẳng có gì quan trọng. Cuộc đời có lắm những trái tim máu me. Một ngày nào đó vắt cạn máu, trái tim rồi cũng sẽ khô.

Cô vừa tội nghiệp y vừa tội nghiệp mình".

Âm thanh những chữ "cô vừa tội nghiệp y, vừa tội nghiệp mình" đọng lại như như một lời kinh đắng, một sự điều trần giữa người thiếu phụ và cái thế giới phũ phàng bão loạn, đã gây ra những kỳ thị phân cách màu da, tuổi tác. Một sự bất lực. Một tiếc nuối không cùng.

Giấc mơ của bão giao hoà bạo lực thiên nhiên, bạo lực kỳ thị màu da, kỳ thị tuổi tác và mãnh lực tình người trong một thứ ẩn ức dục tình không giải quyết, trong không khí mập mờ tối sáng của một nhà quàn, mà ngưòi chết chưa chôn và người sống thấy mình như đã không còn sống. Hoang mang, sợ hãi, thương cảm, đắm say... dồn dập theo nhau dưới một ngòi bút lúc tế nhị dịu dàng, lúc vũ bão mê loạn.

Thanh Bình đã nhìn thấy nỗi đau của con người thiểu số, bị tung đi, bị thất lạc trong bão táp của một xã hội dư thừa, đầy ăn đủ mặc, nhưng tâm hồn vĩnh viễn co lại trong tư thế thoả mãn, ích kỷ, đầy thành kiến.

Xích lại gần nhau. Ngồi lại cùng nhau. Những thực thể thiểu số mới thấy tội nghiệp cho nhau, tội nghiệp cho mình.

 

Thụy Khuê

Paris, 23 tháng 9/2006

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 9906)
(Xem: 9694)
(Xem: 9177)
(Xem: 9652)
(Xem: 10131)
(Xem: 9173)
(Xem: 10009)
(Xem: 10617)