- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Trên Bờ Thạch Hãn

12 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 10224)

w-hopluu93-final-186_0_300x198_1(Trích đoạn chương 25, Bể Dâu)

 

.....

Dân tròn mắt nhìn tôi. Lát sau, anh ngả người tựa vào thành chiếc ghế gỗ dưới lùm cây, tay đưa lên trán che nắng.

- Bác sĩ ạ! Đêm qua tôi nằm mơ. Một giấc mơ khủng khiếp. Trong giấc mơ, tôi không tật nguyền, đứng giữa sân cổ thành Quảng Trị nguyên vẹn chứ không phải chỉ là gạch đá bây giờ, mắt cứ ngong ngóng trông về phương Bắc. Thình lình, một đám người ở đâu xông ra. Họ mặc áo chẽn màu trắng, quần thùng, đầu quấn khăn đỏ, tay kiếm tay dao. Vây quanh, họ la thét, gầm gừ : hai châu Ô Lý của chúng tao. Bay ở Quảng Trị chết, chết hết, là để trả cái oán xưa. Nói đến đấy, họ biến mất, nhưng sau đấy lại toàn là lính hiện ra. Bộ đội ta, có Thao, có Phi, có đám lính «tơ» bổ xung sư 325. Lính miền Nam, có lính Dù mũ đỏ, Thủy Quân Lục Chiến mũ xanh, Biệt Động Quân mũ nâu. Họ chen vai thích cánh, lởn vởn, da trắng xanh, mắt nhìn buồn bã. Nhưng không có tiếng xe tăng, máy bay. Không có tiếng bom, tiếng đại pháo, tiếng AK, tiếng M-16. Tất cả là một sự im lặng chết chóc. Tôi kêu, Tạ đâu, tao ở đây ! Thằng Phi, thằng Thao… súng chúng mày đâu, sao không quàng lên vai ? Tất cả vẫn im lặng. Vòng trong, vòng ngoài, lính lẳng lặng xiết dần vào. Trên không, bỗng có tiếng ầm ì. Chắc lại Con Ma. Chắc lại Thần Sấm. Tiếng ầm ì mỗi lúc mỗi gần, rồi nổ tung, choáng óc, ù tai. Lính cả hai bên Nam - Bắc bỗng biến sạch, chỉ còn một đàn bướm nhởn nhơ trong máu, lửa bùng lên khắp ngả. Đâu đó, có tiếng Thắm thét ‘’ Trời ơi, sao trời làm khổ chúng tôi thế này!’’. Nhìn quanh nhưng Thắm đã biến đâu mất, tôi gào ‘’Thắm ơi, vào hầm trú, nó đánh bom…’’. Hổn hển, Dân đưa tay lên quẹt nước mắt trên má trên môi. Anh ta hít hà, vai cứ bần bật run lên, nghẹn ngào:

- Thế có phải là cả Thắm, cả Tạ cũng như thằng Phi, thằng Thao đều đã chết hết rồi sao ? Hả, bác sĩ ?

Tôi biết trả lời thế nào đây? Và không thể kìm mình, tôi mặc cho nước mắt tôi đổ ra. Tôi cũng khóc, khóc cho hả. Dân ôm lấy vai tôi nức nở. Đám bác sĩ, y tá và bệnh nhân trong nhà thương ùa ra xem. Ai đời, anh bác sĩ trẻ ôm con bệnh của mình cùng khóc. Tôi cố nén :

- Anh Dân ơi ! Bây giờ ai cũng bảo là chúng mình cùng điên…

Nhìn tôi, Dân đưa tay quệt mắt. Tôi nghẹn giọng :

- Thế giới này điên, điên... điên đến độ kẻ tưởng mình không điên chính là người điên nhất!

Dân mỉm cười. Một lúc sau, Dân nói, giọng độ lượng:

- Mặc, ai nói gì mặc ai! Vô tư đi thôi !

Ngẫm nghĩ, Dân chậm rãi hỏi :

-... nhưng cái gì cứu được chúng ta bây giờ, bác sĩ ?

- Cái Đẹp ! Tôi quả quyết.

- Có phải bác sĩ bảo là một trong ba cái Chân-Thiện-Mỹ ?

- Không, tôi đáp, ba cái đó là một. Cái gì đúng, cái gì tốt, thì tự thân đều đẹp cả. Cái đẹp của Tâm Hồn...Một cái Đẹp toàn diện là thế! Thế giới chỉ có thể thay đổi bằng cái Đẹp ấy...Và chỉ cái Đẹp mới giữ được trí nhớ !

- Không, giữ trí nhớ là những trang sử, ai cũng nói vậy!

Tôi lắc đầu, ngậm ngùi :

- Sử do người chiến thắng viết, và họ chỉ nói già ra là một nửa sự thật. Còn nửa kia, điều liên quan đến những người chiến bại, đều dối trá cả, chẳng đáng để tin. Bây giờ làm gì có người yêu sự thật lịch sử đến độ bị thiến như ông Tư Mã Thiên đâu!

Dân ngẫm nghĩ, rồi khẩn khoản :

- Tôi phải làm gì ?

Tôi buột miệng :

- Làm thơ…

Dân bật cười :

- Người điên làm thơ ?

Tôi nói, giọng chắc như đóng đinh :

- Chứ sao ! Điên làm thơ, thơ mới hay. Còn tỉnh, người ta làm tiền bằng đủ cách, cách hiển nhiên là chiếm chức trọng quyền cao. Bây giờ họ thế cả !

Bóp trán, Dân ngẫm nghĩ một lát rồi nói, giọng tiếc nuối :

- Tôi có học văn ít năm, luận văn tốt nghiệp định viết về Chùa Đàn của nhà văn Nguyễn Tuân...Làm sao ở đây có sách để đọc nhỉ? Vùng này lại là quê hương của Bích Khê, của Hàn Mạc Tử. Bác sĩ có đọc họ chưa?

- Chưa...Miền Bắc chúng mình coi loại văn chương không hiện thực xã hội chủ nghĩa là phản cách mạng cho nên tôi cũng mù tịt. Nhưng để tôi hỏi xem. Có lẽ ông bác sĩ ‘’ chế độ cũ’’ biết chỗ tìm sách đấy!

*

Ông bác sĩ già ngạc nhiên nhìn tôi, rồi nhẩn nha:

- Cách nhà thương chừng sáu bảy cây số, dòng nữ tu đó ở trong một dãy nhà dân địa phương gọi là cu-văng Francesco. Các bà nữ tu đều đã có tuổi, nhưng xưa vẫn cử người đến giúp đỡ nhà thương những công việc như giặt rũ, khâu vá và bếp nước. Ông Giám Đốc nhà thương ngày trước lên thị xã báo cáo với ông Trưởng phòng Y Tế, Đảng ủy của nhà thương. Ông Trưởng Phòng mắng mỏ thế là mất lập trường, tôn giáo cũng như thuốc phiện, hút vào thì còn đâu là xã hội chủ nghĩa.

Tôi nghe, bật cười. Đợi ngày nghỉ, tôi rủ ông đến thăm các dì trong nhà tu, nhân tiện hỏi thăm xem có cách nào tìm được thơ Hàn Mạc Tử và Bích Khê. Các dì, gọi là ma-sơ, vui vẻ tiếp chúng tôi và đưa vào chào Mẹ bề trên. Bà năm nay chắc ngoại thất tuần, lưng gù, nhưng cặp mắt vẫn tinh anh. Bà dịu dàng:

- Từ ba năm nay, chúng tôi không còn được làm gì phục vụ nhà thương. Nhưng lúc nào chúng tôi cũng sẵn lòng. Thơ thì tôi sẽ bảo tìm cho các ông, dân ở đây chắc thế nào cũng có người còn giữ được. Gớm, sao cán bộ trên thị xã ngặt nghèo đến độ đuổi không cho chúng tôi giặt rũ, nấu ăn cho những người bệnh. Các ông ấy sợ chúng tôi tuyên truyền tôn giáo, nhưng quên bệnh nhân là những kẻ không bình thường, điên thì tuyên truyền để làm gì! Người tu hành chúng tôi chỉ muốn làm cái phần vụ của mình để góp phần xoa dịu những bất hạnh, thế thôi...

- Dà, dà... Ông bác sĩ ‘’chế độ cũ’’ bắt lời...Tụi tui nhiều cái hổng hiểu nổi. Thôi thì trên biểu, dưới nghe cho rồi!

Tôi xấu hổ, đỏ mặt. Lát sau, tôi quả quyết :

- Thưa Mẹ, một số người phục vụ bệnh viện vừa xin nghỉ. Nhà thương có nhu cầu, nhân tiện đến xin Mẹ giúp như ngày xưa.

Mẹ bề trên ngạc nhiên nhưng cười :

- Các sơ đến giúp thì Chúa Nhựt, ngày của Chúa, là ngày nghỉ phải về nhà tu, bác sĩ Giám Đốc có ưng không?

Tôi mau mắn gật. Khi đi về, ông đồng nghiệp ‘’ chế độ cũ’’ kêu, thế nào cũng sẽ lại có vấn đề với ‘’ trên’’.

Độ một tuần sau, Mẹ bề trên phái một bà sơ mang đến cho nhà thương hai tập thơ. Sơ người thanh mảnh, tóc bạc trắng, ăn nói mềm mỏng, và nói giọng Bắc chứ không là giọng địa phương. Sơ bảo Mẹ bề trên phái đến để giúp việc. Tôi hỏi :

- Sơ làm được việc gì ?

- Việc gì tôi cũng làm được! Sơ nhếch miệng cười dịu dàng.

Từ đó, sơ giặt rũ khâu vá cho bệnh nhân, buổi trưa giúp một số người ăn uống, sau thì ra vườn ngồi cạnh những chiếc lồng chim, che mắt nhìn về phía biển cuối tầm mắt. Đó cũng là nơi Dân thường ra, tay vẫn lăm lăm hộp cạc-tông đựng châu chấu như một đúa trẻ ôm đồ chơi như một vật tùy thân. Lạ là mỗi khi gặp sơ, Dân nói nho nhỏ :

- Không, không phải đâu. Mẹ tôi ở trên trời cơ mà!

Sơ chỉ cười dịu dàng, lẳng lặng ngồi xa ra, và lại nhìn về nơi biển nhòa vào chân trời.

Phần Dân, tôi biết bệnh tình anh khá hơn trước nhiều, nghĩ đến lúc nào Dân bỏ được cái hộp châu chấu thì chắc Dân có cơ bình phục.

*

Sổ tay :

Nhưng dẫu gì thì Dân cũng đã từng nhập đồng trong chiến tranh và khi đồng thăng, anh ta đã phản ứng thật bất thường để rơi vào tình trạng thương tích. Phản ứng đó, vô tình hay cố ý? Phải chăng đó là cách thanh tẩy để tìm lại cội nguồn của bản thể?

... Tôi loay hoay mở ra đọc lại luận án tôi viết về hiện tượng lên đồng tập thể do Elhanan làm giáo sư hướng dẫn. Ông gợi ý, Hitler từng là chủ tể Nazi. Và Stalin, chủ tể thời Liên Xô hy sinh gần hai mươi triệu người để xây dựng xã hội chủ nghĩa Stalinít. Năm sau, tôi trình bầy trong luận án rằng ‘’vật linh’’ của người Việt Nam là đất-nước trong truyền thống yêu nước để chống nạn ngoại xâm từ phương Bắc hàng ngàn năm nay. Và chủ tể, cố Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Elhanan đọc và bảo hết tệ sùng bái cá nhân thì chủ tể là Đảng Cộng Sản. Và ông hóm hỉnh tiếp, đất-nước như ‘’vật linh’’ thì hầu như đó là chuyện tự nhiên cho mọi cư dân vùng sản xuất lúa-nước từ thuở chưa có công nghiệp và giai cấp tư bản. Nhưng không hiểu làm sao mà ông thở dài, vẻ mặt băn khoăn, gỡ kính ra lau. Tôi hỏi. Ông đáp bằng một câu hỏi lại, giọng buồn bã, ‘‘Hết ngoại xâm rồi thì các anh làm gì?’’. Tôi không ý thức hết được tầm câu Elhanan nói . Ông trầm ngâm, ‘‘ Tập thể các anh xác định mình bằng cách chống lại những cái khác-mình. Nhưng khi những cái khác-mình không còn hiện hữu như đối tượng để chống thì có hai nguy cơ. Thứ nhất, các anh chống lẫn nhau. Thứ nhì, các anh tìm cách thành nạn nhân cho một cái thế lực ngoại lai nào đó đè nén để chống lại. Trong cả hai trường hợp, tôi đều buồn. Không một dân tộc nào lại có thể khẳng định mình bằng toàn những phủ định, kể cả sự phủ định của những cái khác mình. Người Việt Nam các anh đã giang tay đóng đinh chịu tội cho cả nhân loại. Lẽ ra, các anh có thể xuống thập tự giá để phục sinh, sống bình thường, và chết hạnh phúc. Để được thế, các anh phải biết mình là ai và muốn trở thành gì...’’.

*

Giải sông Thạch Hãn uốn quanh Cổ thành lấp loáng ánh thép một lưỡi dao quắm trong chiều tàn buổi đầu thu rờn rợn gió. Hôm ấy là ngày 16 tháng 9, kỷ niệm đúng 20 năm sau trận đại hồng thủy mang tên mặt trận Quảng Trị với những Đại lộ Kinh Hoàng, Ngã ba Máu, Đồi Bom, Cứ điểm Gọi Hồn. Thành xưa, nay không còn gì. Người xưa, những ai mất những ai còn? Túm lại chút trí nhớ, người ta xây lại Cổng thành, kè hào, trồng dừa và kẻ bảng ghi hai chữ tưởng niệm ở góc Đông Nam, đặt trên nền đất 81 tảng đá tạc văn bia mô tả 81 ngày thịt rơi máu đổ. Góc Đông Bắc, người ta phục chế thành với một tỉ lệ nhỏ hơn, trồng một rừng mai gợi lại biểu tượng non Mai sông Hãn. Góc Tây Nam, là khu trưng bày hàng trăm hiện vật của trận đánh khốc liệt nhất trong cuộc chiến. Tham chiến, miền Bắc có sư đoàn 304, 308, 312, 320, 324, 325…Miền Nam, Lữ đoàn Dù 1 và 2, Sư đoàn Thủy quân Lục chiến, Sư đoàn 1 bộ binh, 3 liên đoàn Biệt Động quân, lữ đoàn 1 thiết giáp…Thị xã Quảng Trị diện tích tổng cộng 3.2 km vuông với Thành cổ mỗi cạnh dài 100 m đã chịu trong 81 ngày đêm 328 nghìn tấn bom, 9552 nghìn đạn pháo 105 ly, 55 nghìn đạn pháo 155 ly, 8164 đạn pháo 175 ly, 615 nghìn đạn pháo bắn từ hải hạm Mỹ, 2240 lần oanh tạc của không quân Mỹ với sức công phá tương đương 7 lần hai quả bom nguyên tử thả trên đất Nhật cuối Thế Chiến 2 …Đấy là phe ‘‘địch’’. Còn ‘‘ta’’ ? Tổn thất vẫn là một bí mật. Nhưng chắc chắn không chỉ hò hét mà loại được 249 xe, 230 khẩu pháo, 205 máy bay các loại, 26400 quân trong đó có trên dưới 10,000 phơi xác trên chiến trường!

Họ rời cổng Thành, men về phía trái, một đi trước chống nạng khập khiễng, một theo sau, lưng thồ một thồ đầy hoa, mắt đăm đăm nhìn về phía chân trời. Thình lình, anh đi trước ngừng bước đợi kẻ đồng hành.

- Thống kê không cho biết thiệt hại về phần ta. Và nhất là số thương binh tàn phế như tôi đây. Bị B-52, nghe nói vừa chết vừa bị thương đến cả trăm nghìn. Rồi cả hai bên, bên ‘’ta’’ bên ‘’địch’’, số vợ góa con côi là bao nhiêu ? Chẳng ai biết, lờ đi như nạn nhân không hề có mặt trong sự bất hạnh của cái chiến công oanh liệt thần thánh được ca ngợi trong căn nhà lưu niệm trên kia. Nói cho cùng, súng đạn ‘’ta’’ là súng đạn Liên Xô, Trung Quốc. Súng đạn ‘’địch’’ là súng đạn Mỹ…Chỉ người chết là Việt Nam !

Thở dài, người đồng hành đăm chiêu, giọng chua xót:

- ‘’Ta’’ với lại chẳng ‘’địch’’, rõ quẩn! Cái cuộc đánh nhau lấn đất cắm cờ hồi ở Quảng Trị không thay đổi gì nội dung bản dự thảo cuối cùng ký kết dưới cái tên Hiệp Định Paris tháng giêng năm 73. Thế mà sau Quảng Trị, B-52 quần thảo toàn bộ miền Bắc, kết thúc bằng trận ném bom Hà Nội vào dịp Giáng Sinh năm 72. Nhất chiến công thành vạn cốt khô. Nhưng khốn nạn thay, chiến công nào? Thay đổi được gì mà trả giá bằng ấy xương máu?

Anh thì thào như nói một mình:

- Bức tường Bá Linh giờ nay sụp rồi! Chính thế là duy vật biện chứng đấy. O ép niềm tin vào chủ nghĩa xã hội và ý thức hệ Mác-Lê như một tôn giáo cuối cùng dẫn đến sự phá sản không tránh được của cả một chế độ xã hội…Bây giờ lại phải chờ một bước ngoặt mới của lịch sử. Phải đợi cho thời gian gạn sạch những vùng ô nhiễm hận thù, soi sáng trí tuệ và đánh động lương tâm!

Một lũ trẻ ở đâu xồ ra. Chúng chỉ trỏ hai người, cười rú lên rồi la inh ỏi, ‘’ông già điên’’, ‘’ông già điên!’’. Người chống nạng đưa tay lên vuốt tóc. Đúng là mình già, tóc nay chớm bạc, lòa xoà rơi xuống ngang vai. Điên, cũng đúng, mình mới ra nhà thương. Bọn trẻ con đến gần hai người, khúc khích cười, mắt tròn lên nhìn cái hộp các tông trong tay ông ta. Một đứa bạo dạn nói, nè ông, ông đọc thơ như bữa qua giữa chợ đi ông. Người chống nạng buồn buồn bảo, quên hết rồi, không nhớ nổi. Bọn trẻ ré lên, lạ chi rứa, mới bữa qua quên sao được hè! Ông ta hứa cho qua chuyện, chút nữa, sẽ đọc. Nói xong, hai người xuống dốc, người lành dắt người què. Đám trẻ ồn ào theo sau. Tới ven sông, hai người lẳng lặng ngồi. Người lành mở thồ hoa. Hoa có đủ loại, vét mua khắp chợ thị xã. Này lan, huệ, cúc, hồng, thậm chí cả những loài hoa dại người ta kết thành bó. Người chống nạng mở một xếp báo, xé thành mảnh nhỏ rồi gấp những chiếc thuyền giấy. Bọn trẻ đòi, ông ta lẳng lặng đưa. Cả đám lụi cụi gấp, bẻ, và không hiểu sao tất cả đều im lặng. Trên cao, chỉ còn gió, gió vi vút, và ánh nắng yếu ớt đang lụi dần. Ngước nhìn lên bờ thành, người chống nạng thình lình khóc rưng rức. Bọn trẻ ngơ ngác, đứa khóc theo, đứa nắm lấy áo ông, đứa mím môi nhìn lên trời.

Đặt những bông hoa lên thuyền giấy, cả bọn đến mé nước. Mặt sông Thạch Hãn lăn tăn sóng. Bên kia là làng Nhan Biều ủ dột, khói bếp đâu đó lững lờ vươn lên trời bắt đầu im gió. Người chống nạng nghẹn ngào:

- Buồn ơi là buồn…Làm sao quên những mảnh gạch vỡ trong Cổ thành năm xưa đây. Chẳng có đến một hòn nguyên vẹn…

Người lành bảo đám trẻ:

- Ta thả thuyền đi các cháu…

Trên sông, những chiếc thuyền giấy chở hoa sang bờ. Chúng dập dềnh theo những gợn sóng, có cái chao vòng, nhưng rồi lại theo con nước ròng quay về một hướng. Người chống nạng cất tiếng, giọng tha thiết, se sẽ ngâm:

Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Dâng tuổi hai mươi cho sóng nước

Vỗ yên bờ mãi mãi nghìn năm

Trên mặt ông ta, nước mắt đầm đìa. Bọn trẻ thình lình cùng nhau lập lại, như reo,

Vỗ yên bờ mãi mãi nghìn năm.

Giòng sông mang tên mồ hôi của đá bỗng chồng chềnh, nước sủi bọt, bọt vỡ, tiếng đánh động linh hồn những kẻ nằm dưới đáy sông. Một đàn chim trắng bay ngang, cánh chim bắt những ánh nắng cuối cùng trong ngày, sáng lên màu của lửa, đảo một vòng rồi tít tắp bay xa. Người lành đến cạnh ôm xiết lấy vai người chống nạng. Người chống nạng thụp xuống, tay ghì hộp các tông vào lòng. Lát sau, ông ta mở nắp. Đàn châu chấu ma lách tách nhẩy ra, con lủi vào cỏ, con đập cánh vù bay đi. Bọn trẻ con sửng sốt nhưng im lặng. Người chống nạng dịu dàng:

- Đã đến lúc phải cho tất cả giải ngũ rồi! Đời sống chỉ đáng sống trong hòa bình. Chiến tranh là chuyện ngu xuẩn nhất khiến con người còn xuống thấp hơn cả những loài thú man rợ...

Đó là câu chuyện kẻ cứu mình bằng thơ một hôm ghé bờ sông ven Cổ thành Quảng Trị. Truyền thuyết đàn châu chấu ma tìm được tự do và bốn câu thơ kia không biết thế nào được truyền tụng trong dân gian. Rồi hàng năm, cứ vào ngày tưởng niệm anh hùng liệt sĩ cả Bắc lẫn Nam trong trận đánh khốc liệt nhất trong toàn bộ cuộc chiến tranh, các mẹ, các chị thả hoa trên những chiếc thuyền giấy trôi qua bờ Thạch Hãn, nước sông là do đá rịn mồ hôi, nhớ những kẻ dưới đáy sông để nhắc nhở những người đang sống trên bờ đã có một thời dâu bể....

nam Dao

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 9907)
(Xem: 9694)
(Xem: 9177)
(Xem: 9652)
(Xem: 10132)
(Xem: 9173)
(Xem: 10009)
(Xem: 10617)