- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Thư Tòa Soạn H L 93

12 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 9390)
 

Hợp Lưu 93 đến với quí độc giả và văn hữu trong không khí vui tươi của năm mới. Là người Việt dù đang sống ở quê hương hay bất cứ góc địa cầu nào chúng ta đều ao ước đất nước và dân tộc ngày một tiến bộ, giàu mạnh hơn, hầu theo kịp bước tiến của nhân loại.

Mở đầu số báo là những bài nghiên cứu chuyên luận rất công phu và giá trị của các học giả về những vấn đề lịch sử và học thuật, như Tiến sĩ Sử học Vũ Ngự Chiêu qua bài "Nguyễn Ái Quốc: Người Việt đầu tiên đến Mỹ," Giáo sư Nguyễn Phạm Hùng với "Văn học Champa đang ở đâu?", Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, "Giai Nhân Kỳ Ngộ Diễn Ca, một thể nghiệm mới của Phan Châu Trinh về truyện thơ lục bát," và nhà phê bình văn học Thụy Khuê với một loạt bài phỏng vấn và tiểu luận về các nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình, Vi Thùy Linh và Lynh Barcardi. Đây là số báo thứ 3, chúng tôi dành riêng cho chủ đề "Những người viết trẻ hôm nay", Hợp Lưu số tới, sẽ là số đặc biệt tưởng niệm nhà hoạt động văn hóa Nguyễn Hữu Đang, cột trụ của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm. Ngoài ra, Hợp Lưu 93 còn có những bài tiểu luận rất sâu sắc của Vương Trí Nhàn, Phan Nhật Nam, Trần Văn Nam, Đặng Văn Sinh, bên cạnh những sáng tác của Nam Dao, Vi Thuỳ Linh, Nguyễn Xuân Tường Vy, Hoàng Ngọc Thư, Trang Luân, Ngô Ngọc Trang, Trần Ngọc Cảnh Nam, Đặng Thân, Trần Trung Sáng, và Annette Sanford, "Không một ai lắng nghe khi tôi nói," Lưu Diệu Vân chuyển ngữ. Đặc biệt trong số nầy, có sự góp mặt của nhà văn Nhật Tiến với truyện ngắn "Một con người sắc sảo." Nhật Tiến là một trong những sáng lập viên và cũng là chủ nhiệm đầu tiên của Hợp Lưu.

Về thi ca, Hợp Lưu Tân Niên Đinh Hợi nở rộ với các chùm thơ của các thi sĩ; Du Tử Lê gởi đến quí văn hữu và độc giả như món quà đầu năm "dăm bài thơ viết trong những ngày chemo và, radiation therapy,ở bệnh viện Fountain Valley." ...

Do số trang hạn chế chúng tôi đành gác lại một số bài giá trị của các văn hữu đã ưu ái gởi đến, và sẽ cố gắng sắp xếp, đăng dần trong những số tới, mong qúi văn hữu lượng tình thông cảm.

Mặc dù tiền in ấn tăng gần gấp đôi, cước phí mỗi năm mỗi tăng, với chủ trương tạp chí mỗi ngày một hoàn thiện hơn về nội dung lẫn hình thức, chúng tôi đã tăng trang từ 254 lên đến 320 trang và giá bán vẫn không thay đổi bao nhiêu trong gần 5 năm qua. Xin qúi độc giả vui lòng trả đúng giá biểu gia hạn chính thức kể từ số này: Trong nước Mỹ: $ 55 một năm, $105 hai năm. Các lục địa khác, xin theo giá ghi ở trong phiếu gia hạn.

Để quảng bá rộng hơn cho tạp chí, chúng tôi sẽ cố gắng cập nhật phần trang báo điện tử ở địa chỉ: www.hopluu.net. Nhưng chúng tôi tin rằng có lẽ quá chủ quan để kết luận rằng nền văn học WEB mới nhất định sẽ thay thế cho nền văn học in trên giấy. Trong buổi hội thảo về "Văn học hải ngoại thành tựu và tiềm năng" do các tạp chí Văn, Thế Kỷ 21, Văn Học, Hợp Lưu, Trang nhà văn học Damau.org, và Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt-Mỹ tổ chức tại Nam California Hoa Kỳ ngày 27 /01/2007 chúng tôi cũng đã nêu lên điểm này:

1. Văn học là văn học, sự phân chia "hải ngoại" hay "trong nước" chỉ là một cách tạm xếp loại cho dễ hiểu, đừng để nó trở thành một mặc cảm, dù tự tôn hay tự ti về những thuật ngữ "chính thống" hay "không chính thống." Vì vậy chỉ nên hiểu "văn học hải ngoại" như tự do sáng tác và phổ biến mà những người ở hải ngoại được may mắn vui hưởng, và hy vọng trong tương lai gần các văn thi sĩ trong nước sẽ được nhìn nhận như quyền tự nhiên của họ.

2. Đừng đặt quá nặng vào giá trị của báo điện tử (website). Dĩ nhiên, chúng ta đang sống trong thời đại có khuynh hướng paperless; hệ thống online điền thế phần nào vào chỗ sách báo in hiện nay không vươn tới được như khối độc giả rất lớn tại Việt Nam và số đông người Việt khắp thế giới. Nhưng, báo điện tử vẫn chưa và có thể chẳng bao giờ thay thế được báo in, dù rằng nó phụ giúp quảng bá cho báo in rất nhiều. Vài khuyết điểm đáng ghi nhận như: Nó khiến "văn học" trở thành một thứ sách báo "chợ" biếu không, một thứ tin nhanh, đọc không mất tiền, chưa kể đến một số website lợi dụng sự dễ dãi và lỏng lẻo của luật pháp, chửi bới lung tung, tạo một loại quyền lực ảo, trên một không gian ảo. Đó là chưa nói đến những ảnh hưởng gián tiếp: như coi thường quyền sở hữu trí tuệ của tác giả, tạo tinh thần lười biếng cho độc giả ;v.v...

3. Nền văn học thật sự lớn là nền văn học cổ súy tình nhân loại, đó là nền văn học nhân bản. Vấn đề đặt ra: kình chống nhau hay hướng dẫn, cải thiện cho nhau? Người làm thơ, viết văn, hay sinh hoạt văn hoá thường mắc bệnh kiêu ngạo. Nhưng lòng kiêu ngạo thường khiến con người sinh ra đố kỵ, ganh tị.

Chủ trương của Hợp Lưu vô cùng khiêm tốn, là tạo một nhịp cầu thông cảm, một diễn đàn trao đổi ý kiến nhiều khi tưởng chừng cách biệt, vô phương tiếp cận hay hoà giải. Nhưng chúng tôi vững tin ở tính chất bẩm sinh hướng thiện và khả năng vượt qua lỗi lầm dĩ vãng của nhân loại để cùng hướng về một tương lai tốt đẹp hơn. Nên Hợp Lưu luôn mong được nhận sự đóng góp bài vở của các văn hữu và sự ủng hộ của qúi độc giả bốn phương trên tiêu chuẩn này.

Kính chúc qúi vị một năm Đinh Hợi vui tươi và được nhiều sức khoẻ .

TẠp Chí Hợp Lưu

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 9906)
(Xem: 9694)
(Xem: 9177)
(Xem: 9651)
(Xem: 10131)
(Xem: 9173)
(Xem: 10009)
(Xem: 10617)