- Thư Tòa Soạn
- Như Hạnh : Đọc Một Cách Phê Phán “luận Ngữ Trích Lục Dẫn Giải” Của Phan Bội Châu
- Thơ: Mặt Và Gương - Không Ngộ Nhận
- Chính Đạo: Mậu Thân 1968: Thắng Hay Bại?
- Mậu Thân 1968: Thắng Hay Bại? - Phụ Chú & Phụ Bản
- Thơ: Một Góc Tầng 3
- Xin Nhận Nơi Này Làm Quê Hương
- Thơ: Đợi
- Bài Thơ: Đang Bước Vào Ngưỡng Cửa
- Nguyễn Nam Trân: Vượt Qua Thời Hậu Chiến Kinh Nghiệm Nhà Văn Nhật Bản Thế Hệ (1945 - 1965) - Phần 1
- Nguyễn Nam Trân: Vượt Qua Thời Hậu Chiến Kinh Nghiệm Nhà Văn Nhật Bản Thế Hệ (1945 - 1965) - Phần 2
- Xóm Bờ Mương
- Phụ Trang
Giải Túc Cầu Nhân Dân Toàn Cầu 2006 Tại Germany: Italia Thắng Pháp Nhờ Đá Phạt Đền (1 - 1, 5 - 3) - Germany Đoạt Giải Ba
9/6 - 9/7/2006. Một tháng đã trôi qua. Giải Túc Cầu Nhân Dân Toàn Cầu World Cup, Copa Del Mundo, hay la Coupe du Monde 2006 tại Germany đã kết thúc. Italia đoạt Giải Toàn Cầu Thứ Tư sau 24 năm chờ đợi. Nhưng không phải một chiến thắng rõ ràng, mà cần nhờ đến phạt đền sau hai hiệp đá thêm giờ. Pháp thua, dù kiểm soát bóng lâu hơn, mở tỉ số trước, nhưng siêu sao Zizou bị thẻ đỏ rời sân ở phút 110, và David Trezeguet đá hụt một quả đá phạt đền, trong khi cả 5 tuyển thủ Italia đều chọc thủng lưới một Barthez nặng nề, chậm chạp.
Giải quyết bằng phạt đền là điều nhiều người đã tiên đoán. Chỉ khó ngỡ là trận chung kết–có sự tham dự của Tổng thống Pháp Jacques Chirac, cựu Tổng thống Bill Clinton, cùng nhiều chính khách thế giới–không hấp dẫn, sội động như người ái mộ trông đợi. Dư âm chiến thắng của đội tuyển một nước đang nhê nhếch bùn lầy bán độ, mua chuộc trọng tài hẳn còn vang vọng thêm một thời gian. Liệu có việc Italia sẽ bị truất chức vô địch vì có những cầu thủ tội phạm? Hay rồi tất cả sẽ đều là anh hùng, mọi bê bối được xóa sạch?
Dù chỉ là một trò giải trí, nhưng từ lâu túc cầu được cho khoác lớp hia mão quốc thể. Người dân nước thắng trận thường vênh váo “nước tôi hơn nước anh,” hay “nước tôi thắng nước anh”–những tiếng “hơn” hay “thắng” phải để vào giữa hai ngoặc kép.
Kết quả thắng bại của Giải Toàn Cầu thật phiến diện, bì phu và nhất thời. Nó không mang đến mùa Xuân kinh tế, không đem lại quân bình sắc tộc trong xã hội, không cải thiện được tự do dân chủ tại những nước chậm phát triển. Dù tại Italia vài nhà thờ đã cho xem lễ trước ngày Chủ Nhật để tín đồ có thể theo dõi trận Italia và Pháp. Dù Tổng thống Chirac dẫn gần trọn chính phủ qua Berlin, trong khi cho lệnh điều động 4000 cảnh sát và hiến binh xuống đường để bảo đảm an ninh, trật tự tại Paris và các thành phố sau trận đấu.
Bóng đá tự bản chất không có khả năng cao xa hơn một trò giải trí đã được toàn cầu hóa. “It’s boring,” đôi người bạn Mỹ nhận xét. Vài người nhún vai: “It’s silly!” Nhưng nếu tin được FIFA, sẽ có khoảng hơn một tỉ người khắp năm châu xem trận chung kết ngày Chủ Nhật 9/7. Trên 200 quốc gia trên thế giới đặt mua bản quyền phát hình hay phát thanh (Liên Hiệp Quốc chỉ có 194 hội viên). Số tiền bán bản quyền truyền hình lên tới khoảng 1.22 tỉ Mỹ kim.
[Xin mở một dấu ngoặc. Nhiều người hỏi tại sao tôi không dùng quốc hiệu “Đức” quen thuộc ở Việt Nam của nước chủ nhà. Dĩ nhiên phải có ngụ ý: Đức là tiếng người Trung Hoa nhái đọc chữ “Dutch” hay “Deusch”–một quốc hiệu cũ của Germany. Cũng như quốc hiệu Mỹ có gốc từ America. Nhưng tiếng “Mỹ”ờ chính xác hơn danh hiệu “Hoa Kỳ” đang dùng hiện nay].
Tại Houston, Texas–bảy tiếng đồng hồ trễ hơn giờ Âu châu–tôi có dịp thanh thản theo dõi hầu hết 48 trận vòng loại [match de poule] và 16 trận chung kết qua màn ảnh truyền hình. Không phải mắt nhắm, mắt mở giữa nửa đêm về sáng như những thân hữu tại Australia hay Việt Nam. Dĩ nhiên cũng không thoải mái và hứng khởi như được bước vào các vận động trường, hòa vào cơn sốt bóng đá thực sự, với những tuyển thủ bằng xương bằng thịt hay bừng bốc khí thế tiếng hò reo, ca hát cổ võ của hàng chục ngàn khán giả.
Dẫu vậy, ngoại trừ một số trận ở cuối vòng loại–khi các đội trong cùng toán phải đấu cùng giờ tại hai sân cỏ khác nhau–vẫn có thể thoải mái nhâm nhi ly cà phê thay nước, hoặc đứng lên hút thuốc. “Đứng lên” hút thuốc vì ngay đến nhà tôi cũng bắt đầu than phiền về “mối nguy hại cho người phải hít khói thuốc lá” khiến không thể không bỏ thói quen vừa hút thuốc vừa làm việc trong phòng học của mình. Đã vài thập niên, phong trào bài thuốc lá lên cao ở Mỹ. Tại Houston, cơ quan hữu trách đang bắt chước California cấm hút thuốc ở quán ăn, nha sở. Các công ty sản xuất thuốc lá bị những bản án sơ thẩm lên tới hàng chục tỉ Mỹ kim, có nguy cơ phá sản. Hai bản án tòa tối cao Florida ngày 6/7/2006 (hủy bỏ án phạt 145 tỉ Mỹ kim) và tòa tối cao Illinois vào tháng 12/2005 (hủy bỏ án phạt 10 tỉ Mỹ kim) có thể chỉ là những quyết định có tính cách kỹ thuật–tức ngăn chặn những vụ kiện tập thể [class actions]. Nạn nhân của thuốc lá vẫn có quyền đứng kiện với tư cách cá nhân; và số tiền được thưởng hay đền bù chỉ còn hàng triệu.
Bóng đá với tôi là cả một thời ấu thơ và tuổi trẻ ở quê nhà. Tỉnh lị Hải Dương của đầu thập niên 1950 quá nghèo nàn để có những thú giải trí lành mạnh khác hơn cho chúng tôi. Dòng sông Hàn đục ngầu phù sa, mỗi ngày nước lớn lềnh bềnh trôi về những xác người chết trương cùng những bè bèo Tây với các chùm hoa tím nhạt khiến tôi không thể mê say bơi lội như người anh thúc bá Vũ Ngọc Bút, sau này trở thành Giám thị trường Phan Châu Trinh, mới từ giã cõi đời vì chứng ung thư bao tử ở xứ có địa danh Bầu Cạn (Long Thành), sát một căn cứ Đại Hàn ngày nào.
Mỗi chiều, lũ trẻ thơ chúng tôi thường kéo ra sân vận động Hải Dương, quần thảo với trái bóng. Đôi khi được xem những trận giao đấu giữa đội Hải Dương với một đội nào đó ở Hà Nội về, hay giữa những đội quân sự Pháp. Tôi vẫn ngưỡng mộ ông Ứng, một sĩ quan cảnh sát chơi trung ứng cho đội Hải Dương và đội tuyển Bắc Việt. Sau 1954, khi chơi cho AJS Sài Gòn, Ứng “sếu vườn” bị một cầu thủ miền Nam đốn gãy chân, và từ đó về hưu. Đại đội 2 BMI Hải Dương có một thủ môn xuất sắc. Thật vui sướng khi nhìn chàng thủ môn mắt vàng tóc xanh, đẹp như một tài tử chiếu bóng, bay lượn trước khuôn thành. Nhưng ít lâu sau, chàng thủ môn tài hoa biến dạng. Chẳng biết anh ta đã hồi hương, hay vùi thân nơi triền núi, góc rừng, bờ đê nào của Việt Nam?
Nỗi đam mê bóng đá theo thời gian đậm đặc hơn trong tôi. Khó thể bỏ qua một trận đấu quốc tế, có hay không có sự tham dự của đội tuyển Việt Nam Cộng Hòa. Trú đóng ở Đà Nẵng, cũng tìm cách cưỡi phi cơ cọp vào Sài Gòn xem cho bằng được tài nghệ các đội tuyển Indonesia, Malaya, Kampuchea, Lào, hay những đội tuyển hạng ba, hạng tư của Germany. Đôi khi đành phải leo lên những chiếc C 119 hay C 123 chở quan tài tử sĩ tạm ngừng trên phi trường Đà Nẵng.
Qua Mỹ, niềm đam mê bóng đá nguội lạnh dần. Đúng hơn, ngủ quên trong tâm thức. Ông bạn Nguyễn Văn Vĩnh–người đầu tiên ra đón tôi ở phi trường Eau Claire ngày rời trại Fort Chafee–tỉ mỉ giải thích cho biết bóng đá ở Mỹ là soccer. không phải football; ở Mỹ, hầu như chỉ có football Mỹ, một hình thái chế biến của trò chơi rugby.
Football Mỹ phối hợp giữa sức mạnh và trí tuệ. Bên công, công liên miên bất tận, tìm đủ phương cách đưa banh tiến được ít nhất 10 yards vào phần sân đối phương trong 4 lần chơi, và rồi đưa banh qua làn vôi cuối sân để ghi điểm. [Touchdown, 6 điểm, hay place-kicking, 3 điểm. Nếu ghi được touchdown, còn có quyền đá thêm để kiếm 1 điểm, extra point].
Điều khiển toán tấn công có quarterback, cầu thủ quan trọng nhất, thường được bảo vệ bằng 5 người tạo thành tuyến tấn công [offensive line]. Những phụ tá của quarterback có running backs [ôm banh tấn công], receivers [chạy bắt banh], và tight-ends [vừa chạy bắt banh, vừa chặn hàng phòng thủ đối phương].
Phe thủ, tìm mọi cách bẻ gãy những đợt tấn công của đối phương, ngăn chặn đối phương ghi điểm, hoặc không tiến quá 10 yards trong 4 lần tấn công. Đại cương, có ba hàng phòng thủ: 4 hay 3 tiền vệ [defensive ends], 3 hay 4 trung vệ [linebackers], và 4 hay 5 hậu vệ [defensive backs]. Hàng tiền vệ và trung vệ thường có nhiệm vụ xuyên thẳng vào quarterback hay running-backs để phá vỡ thế công của đối phương (săn đuổi hay chụp bắt [sack] quarterback và ngăn chặn running-backs). Hàng hậu vệ–gồm hai người chạy góc [cornerbacks] và hai người chạy giữa sân [safeties]–có nhiệm vụ ngăn cản receivers đối phương.
Mỗi lần chuyển từ công qua thủ, hay ngược lại, huấn luyện viên thường đưa ra một toán đặc biệt [special team], cũng gồm 11 nguời, để giành thế ưu thắng về sân chơi hay đôi khi ghi điểm [touchdown]. Đội đang từ công chuyển sang thủ có một người đá banh [kicker hay punter], được bảo vệ bằng 5 hay 6 đồng đội, và những cầu thủ còn lại có nhiệm vụ ngăn đối phương mang banh qua lãnh thổ mình. Đội từ thủ chuyển sang công tìm cách bắt banh, đưa banh càng vào sâu sân đối phương càng tốt cho toán công được nhiều lợi thế. Những cầu thủ nhận banh này phần lớn trở thành chuyên viên [specialist] và đôi người được xếp hạng siêu sao nhờ khả năng ôm banh chạy ngược lại qua lằn vôi cuối sân đối phương ghi điểm.
Eau Claire lạnh và buồn. Tôi đam mê football Mỹ thật nhanh. Dù Wisconsin ngày ấy chỉ có một đội Green Bay Packers, đội banh do chính thành phố Green Bay làm chủ. Suốt chín năm kế tiếp, đội Green Bay của tôi chẳng bao giờ được vào chung kết. Vậy mà mỗi cuối tuần vẫn phí phạm bốn tiếng đồng hồ đón xem. Háo hức bao nhiêu lúc mở đầu trận đấu, bực bội và thất vọng bấy nhiêu lúc tàn trận. Những anh bạn tôi ở Minnesota khá hơn một chút. Đội Vikings của họ nhiều lần vào chung kết [Super Bowl], nhưng chẳng lần nào đoạt giải. Đội Pittsburg Steelers hay Chicago Bears là hai đội mạnh suốt thời gian này. Nhất là “bức màn thép Steelers”–tức hàng phòng thủ tiền vệ của Pittsburg.
Bóng đá chỉ sống lại trong tôi từ ngày qua Pháp nghiên cứu trong niên khóa 1982-1983 chuẩn bị viết luận án Sử học. Rồi đến bốn năm sống phần lớn thời gian ở Pháp từ 1985 tới 1988. Đôi lần được mời dự trận đấu của đội tuyển Les Bleus tại Stade de France, vì Michel Platini cùng Les Bleus đang là minh tinh của nền túc cầu châu Âu. Nhưng nỗi đam mê xa xưa đã bị chia xẻ với môn football Mỹ. Hơn nữa cuộc sống đã biến đổi. Công trình nghiên cứu mới khởi đầu. Nỗi đam mê truy tìm sự thực sử học về cuộc chiến Việt Nam chiếm vị thế tối thượng trong kiếp sống thừa một đời bại binh. Tiếp theo hai lá đơn xin nhập học trường Thuộc Địa Pháp ngày 15/9/1911 của cậu Nguyễn Tất Thành là lá thư của Giám mục Ngô Đình Thục gửi Toàn quyền Jean Decoux năm 1944, rồi thư “chú” Petrus Key (Trương Vĩnh Ký) gửi Trung tá Hải quân Jauréguiberry vào tháng 3/1859 thôi thúc những “Moises và Jacobs” của Hải quân Pháp đánh chiếm Đại Nam, và nhiều nữa. Những tư liệu sử học mới phát hiện giúp thảm kịch dân tộc Việt suốt gần hai thế kỷ qua ngày thêm minh bạch, nhưng cũng mang lại bao hận thù cho bản thân tôi–vì không thể không công bố chúng, không thể không sống trọn thiên chức một người học sử.
Tôi vẫn nghĩ tuổi trẻ Việt Nam xứng đáng được biết những sự thực sử học ấy. Hàng triệu oan hồn tử sĩ Việt, của cả hai phe, cho tôi sức mạnh để đương đầu mọi khó khăn, thù hận. Vì, nói cho tận cùng lý, chỉ có những sự thực sử học mới giúp dân tộc Việt vững tiến vào tương lai, trong chu trình toàn cầu hóa cay nghiệt sắp tới.
Bóng đá lại hâm nóng nỗi đam mê trong tôi vào mùa Hè 2006. Từ ngày du khảo ở Việt Nam với học bổng Fulbright của Bộ Ngoại Giao Mỹ trở lại Houston, tôi bị đau ốm liên miên gần trọn một năm. Việc nghiên cứu về cải cách luật pháp tại Việt Nam bị đình trệ. Hàng ngàn trang tài liệu văn khố và số sách vở, báo chí mang về Mỹ vẫn chưa khai thác hết. Bản thảo Mandate of Heavens [Những Thiên Mệnh] nằm thu bụi trên kệ, chưa hiệu đính được một trang. Những đố kỵ, hờn ghen, nhân tình, thế thái bạc trắng như vôi.
Phải tới Đại hội X Đảng Cộng Sản Việt Nam niềm đam mê nghiên cứu về một Việt Nam trong thế hoàn cầu hóa thức giấc, giúp hồi phục dần. Làm việc bằng trí óc là liều thuốc linh diệu nhất. Rồi đến Giải Toàn Cầu 2006–một sân khấu giải trí chỉ diễn ra bốn năm một lần, với những khẩu hiệu chẳng dính nhập gì đến sự thực. Khẩu hiệu “A Time to Make Friends” [Một thời Tìm Bạn] hoàn toàn trái ngược với hình ảnh những cầu thủ từ chối sự giúp đỡ của đối phương khi bị chặn ngã trên sân cỏ. Tinh thần thể thao [sportmanship] trở thành những màn trình diễn bị té ngã để xin thẻ vàng, thẻ đỏ; những cú cùi chỏ đánh vào mặt, vào màn tang, vào ngực hay sống lưng đối phương, những cú đạp vào đùi, vào đầu gối, dẵm lên chân, hay móc ngoặc cổ chân; và trên thực chất biến thành “Chiến thắng là tất cả.” Đó là chưa nói đến những lời nhục mạ đầy tính chất kỳ thị chủng tộc khiêu khích đối phương.
Thật bất nhân khi thấy những khán giả bị chết trong lễ ăn mừng chiến thắng của Pháp tại Arc de Triomphe hay khu Opéra, khi chiến thắng này do trọng tài người Uruguay ban phát với một quả phạt đền thưởng cho Les Bleus, rồi ít phút sau từ chối một quả phạt đền cho Portugal. Các sân cỏ Germany trở thành một thế giới thu nhỏ mà tuổi trẻ Việt nên ghi nhận về con người của đầu thế kỷ XXI: Đừng quá tin vào những khẩu hiệu, bích chương lãng mạn trong tiến trình hướng về toàn cầu hóa.
Ngay trong túc cầu, vẫn có những đội tuyển quốc gia nhiều bình đẳng hơn quốc gia khác. Khi Giải Toàn Cầu bị thương mại hóa, nó cũng hằn khắc những vết chém cay nghiệt của nghiêm luật “Tiền bạc là đấng Tối Cao.” Quan trọng hơn, đã đến lúc cần dứt khoát tư tưởng: Một trận thắng hay bại của bóng đá không mang lại mùa Xuân kinh tế, không giúp một anh cảnh sát lưu thông bỏ thói đòi mãi lộ, không cải thiện hệ thống giáo dục cho hữu hiệu hơn, không giúp đưa một phi hành gia Việt lên không gian bằng phi thuyền do người Việt chế tạo.
Bóng đá giống phim bộ Hàn, phim bộ chưởng Hong Kong, hay những cơn say túy lúy giữa các vườn bia chi chít bám nhau trên hè phố–không giải thoát được con người khỏi nghèo khó và chậm tiến. Bóng đá, tự nó, không thể vượt trên một thú giải trí, giúp khuây khỏa đôi giờ phút ngắn ngủi giữa những ngày tháng dài làm tròn nhiệm vụ bản thân mình với gia đình và xã hội hay nghiên cứu, sáng tạo. Tiến trình Việt Nam hóa, trong cuộc vận chuyển toàn bộ hoàn cầu hóa, chỉ có thể đạt kết quả tốt nếu có được sự biệt phân rõ ràng trên.
Tuổi trẻ Việt Nam nghĩ gì khi một hãng thông tấn ngoại quốc nhận xét người Việt vừa mê say bóng đá, vừa mê say cá độ? Nhận xét trên đi theo bản tin ngày 29/6 của Sở Công An thành phố Hồ Chí Minh khám phá ra ba chi nhánh cá độ Giải Toàn Cầu 2006 bằng Internet, có liên hệ chân rết với Hong Kong và Ma Cau.
Les Bleus v/s Azurri:
Italia và Pháp đều có đồng phục chính màu xanh dương. Nhưng FIFA cho Italia được mặc đồng phục xanh, và Pháp đồng phục trắng trong trận chung kết. Việc Pháp và Italia gặp nhau tại Vận động trường Olympic Berlin gây thảo luận sôi nổi. Nó không những chỉ ngoài dự đoán của các chuyên viên, mà còn ngược với tinh thần mã thượng của thể thao.
Italia là quốc gia đang rúng động vì những vụ tai tiếng và tội phạm liên quan đến bóng đá: dàn xếp kết quả các trận đấu [match-fixing], mua chuộc cầu thủ và trọng tài, giám biên, v.. v.,.. 12 hoặc 13 tuyển thủ Italia đang bị điều tra về những hành vi tội phạm; trong đó có thủ môn Buffon, thủ quân/hậu vệ Fabio Cannavaro. Bốn đội thuộc Bảng A liên quan đến việc bán độ này–Juventus, AC Milan, Lazio và Fiorentina–có thể bị xuống hạng bảng B hay C. Juventus có thể bị tước hai cúp vô địch Italia hai mùa qua. Ba tuyển thủ Pháp cũng đang có giao kèo với Juventus.
Cosimo Maria Ferri, một nhân viên của Liên Đoàn bóng đá Italia, đã phải xin từ chức vì dàn xếp kết quả trận đấu [match-fixing], và bị treo giò trọn đời. 25 viên chức của Liên đoàn bóng đá, kể cả trọng tài, đang bị xét xử. Cựu Tổng quản [general manager] Luciano Moggi, cựu Giám đốc điều hành [chief executive] Antonio Giraudo và toàn bộ ban quản trị Juventus đã từ chức, vì bị cáo buộc dính líu vào một hệ thống tham ô bao gồm từ dàn xếp trọng tài các trận đấu tới mua chuộc cầu thủ.
Trước ngày Italia được vào Tứ kết, nhiều khán giả đã tự hỏi tại sao Italia có thể gửi một đội tuyển mưng mủ vì vụ bê bối bán độ. Nhiều người tuyên bố thà ủng hộ đội Ghana hơn gà nhà. Tinh thần ái quốc Italia chỉ bùng lên sau ngày Italia lọt vào bán kết và rồi chung kết.
Squada Azzurra cũng nổi danh chơi bẩn. Một tuyển thủ đã bị treo giò 5 trận vì đả thương một trung phong Mỹ bằng cùi chỏ. Sau khi hòa Mỹ 1-1, thủ quân Cannavaro họp các đồng đội khuyến khích nên trở lại với “truyền thống”, kể cả những biện pháp quỉ thuật. Có lẽ vì thế, phút 95 trong trận gặp Australia, Fabio Grosso đóng kịch bị hậu vệ Lucas Neill của Australia đốn hạ trong cấm thành, và Totti ghi bàn thắng, loại Australia. Neill và đồng đội chỉ biết than phiền rằng những cường quốc bóng đá như Italia, Pháp, Brazil, England hay Argentina luôn luôn được trọng tài bênh vực. Nhưng FIFA vẫn tiếp tục cho Italia tham dự Giải Toàn Cầu; và đội này được vào chung kết rồi đoạt chức cầu vương 2006. Với màn diễn xuất đáng đoạt giải Oscar của Materazzi (số 23).
Chiến thắng của Pháp ngày 5/7 cũng kém phần oanh liệt. Phút 32, Henry tự mình té trong vòng cấm địa, nhưng trọng tài thưởng Pháp đá phạt đền. Zidane mở tỉ số cho Pháp, 1-0. Vậy mà phút 35, khi Sagnol dùng tay đẩy ngã C. Ronaldo trong cấm địa Pháp, trọng tài không–và có thể không muốn–nhìn thấy. Từ HLV tới cầu thủ Portugal đều than phiền sự thiên vị trên. Báo chí Mỹ ngữ cho rằng quả phạt đền của Zizou là “close call”. Hai báo Le Monde và Le Figaro của Pháp hoàn toàn im lặng; chỉ ngợi ca những “giấc mơ” hay “ngôi sao” thứ hai mà nền bóng đá Pháp có thể thu gặt. Riêng Le Monde đưa ra một số chi tiết đáng giá về thành phần đội tuyển Pháp, cùng những hậu quả về kinh tế, xã hội của Giải Toàn Cầu 2006.
Trận chung kết Italia-Pháp, đa số những chuyên viên đều cho rằng Italia có lợi thế. Ngày Chủ Nhật, cuộc thăm dò của báo Le Figaro ghi nhận khoảng 56% người tham dự tin Italia sẽ thắng. Nhưng cũng có thiểu số nghĩ Pháp có thể thắng 3-0. Hai thập niên qua, Pháp đã quen “bẹo tai, đá đít” làng bóng nước láng giềng phía Nam. Nhiều người nghĩ rằng đã có hai, ắt phải có ba [jamais deux sans trois]–mới đây, Pháp thắng Italia năm 1998 và 2000.
Khó ai có thể phủ nhận công lao của HLV Marcello Lippi trong chiến thắng của Italia. Từ hai năm qua, Lippi đã có những quyết định quan trọng trong việc tuyển lựa tuyển thủ và chiến thuật chiến lược. Sau hai lần thất bại ở Giải Toàn Cầu 2002 và Giải Âu châu 2004 của Italia, Lippi quyết định đổi mới Squada Azzurra bằng cách chọn 7, 8 tuyển thủ thiếu kinh nghiệm nhưng tài năng cao. Trong số này có Fabio Grosso, một tuyển thủ ít người biết ngoài lãnh thổ Italia; Cristian Zaccardo, Andrea Barzagli, Daniele De Rossi, Simone Barone hay Simone Perrotta. Những tuyển thủ mới này được đặt dưới sự lãnh đạo của thủ quân Fabio Cannavaro, một trong những hậu vệ xuất sắc nhất, cùng Andrea Pirlo, một trung ứng xuất sắc, và các tiền đạo kinh nghiệm như Luca Toni, Vincenzo Iaquinta, Alessandro Del Piero, Filippo Inzaghi. Đội tuyển này giúp Lippi xóa đi mối hận thua Pháp khi đá phạt đền trong vòng tứ kết năm 1998 tại Saint Denis.
Cả hai đội áp dụng chiến thuật 4-5-1: tức 4 hậu vệ, 5 trung ứng và 1 trung phong.
Về thủ môn, Buffon xuất sắc hơn Barthez. Thủ môn rất quan trọng trong một trận đấu. Nhưng Barthez ít có dịp bị thử lửa. Khi bị thử lửa thực sự, không đỡ được một quả đá phạt đền nào của Italia. Phần Buffon cứu nguy cho Italia một bàn ngỡ tưởng thua chắc với cú đội đầu của Zidane.
Hàng phòng thủ, Italia có phần vững chắc hơn. Dù Nesta bị thương, không thể tham dự, Cannavero rất xuất sắc và vững vàng suốt 7 trận, có hy vọng được bầu làm cầu thủ xuất sắc nhất (nhưng chỉ về hạng nhì, sau Zidane). Grosso cũng chơi khá hơn, bên cạnh những Zambrotta và Materazzi. Đối lại, Pháp có Thuram, Sagnol, Abidal, Gallas cũng rất xuất sắc.
Hàng trung ứng, Italia có Camoranesi, Pirlo, Perrotta, Gattuso và Totti. Pháp đưa ra Zidane, Vieira, Makelele, Malouda và Ribéry. Cả hai đội đều không đạt được thế ưu thắng ở giữa sân.
Cả hai đội cùng dùng 1 trung phong: Italia với Toni, và Pháp với Henry. Khi đá thêm giờ, Pháp đưa vào hai trung phong dự bị–Wiltord và David Trezeguet–nhưng không phá thủng được lưới Buffon.
Nói chung, Italia có nhiều cầu thủ cao lớn hơn Pháp. Materazzi là một thí dụ. Cầu thủ này cao tới 1 mét 93, gốc Sicily, gây khủng hoảng cho hàng phòng thủ Pháp. Materazzi đã gỡ hòa 1-1 cho Italia từ quả đá phạt góc của Andrea Pirlo (chơi cho Milan AC và được chọn làm cầu thủ xuất sắc nhất trong trận chung kết) và gây rúng động hàng phòng thủ Pháp vài phút sau.
Materazzi cũng là người khiến Zizou bị thẻ đỏ ra sân vào gần cuối trận đấu. Theo một số nguồn tin, Materazzi đã mạ lị Zidane là “tên khủng bố dơ bẩn,” và Zidane không dằn được nóng giận, húc vào ngực Materazzi. Lại có tin Materazzi đã nhục mạ mẹ và em gái Zidane là đĩ điếm; hoặc, cáo buộc Zidane dính líu vào vụ dùng thuốc kích thích thích steroids khi còn chơi cho Juventus.
Phần Materazzi cải chính không hề nói gì đụng chạm đến Zidane. HLV Lippi cũng xác định điều này.
Đại diện luật pháp của Zidane, Alain Miggliaccio, cho biết siêu sao Pháp sẽ giải thích mọi việc trong những ngày tới. Một cơ quan chống kỳ thị chủng tộc [SOS Racisme] cũng đã chính thức yêu cầu FIFA điều tra; nhưng FIFA khẳng định rằng thẻ đỏ dành cho Zidane thuần có tính cách kỷ luật.
Người ta tự hỏi thế nào là kỷ luật? Cú cùi chỏ của thủ quân Italia vào ngực trung phong Henry khi trận đấu vừa mở màn có đáng bị thẻ vàng, hay thẻ đỏ? Nó cũng là một thứ “vicious attacks” như Zidane bị buộc tội.
Đáng tiếc chăng cho Zidane là dù đã ra khỏi khu lao động Marseille, danh thủ quốc tế–người được trao giải xuất sắc nhất [Trái Banh Vàng] Giải Toàn Cầu 2006–đã không bỏ lại ngõ hẻm Marseille cái thói quen ăn miếng trả miếng bằng mọi giá. Trong đời bóng đá chuyên nghiệp, Zidane từng bị trục xuất tới 14 lần.
HLV Lippi và cầu thủ Italia biết rõ điều này, và có thể đã tìm cách khích động Zidane. Gallas, một đồng đội của Zidane, nghiêng về ý kiến trên.
Vượt trên sự yêu ghét, ủng hộ và chống đối, không thể không đặt vấn đề thực chăng Italia xứng đáng vào vòng chung kết hay đoạt Giải Toàn Cầu 2006? Khán giả năm châu–nhất là tuổi trẻ–sẽ nghĩ gì và rút ra bài học nào khi thấy một đội tuyển mà quá bán cầu thủ dính líu đến việc cá độ, sắp xếp kết quả các trận đấu, mua bán trọng tài, v.. v...?
Đó là những hành phi tội phạm, vượt xa những bàn tay níu kéo, những cú cùi chỏ, lên gối hay móc ngoặc nhằm vô hiệụ hóa đối phương. Phải chăng nên đổi khẩu hiệu của Giải Toàn Cầu 2006 từ “Để Gây Tình Thân Hữu” thành “Để Kiếm Bạc Bằng Mọi Giá?” Thái độ của FIFA càng đáng trách hơn nữa khi FIFA chọn 7 cầu thủ Italia vào số 23 cầu thủ xuất sắc của đội tuyển “Dream Team” năm 2006.
Chính trị & Bóng đá:
Ngay sau trận Pháp-Portugal, Thủ tướng Dominique de Villepin quấn mình trong lá quốc kỳ tam tài, bày tỏ sự ủng hộ đội tuyển nhà. Tổng thống Jacques Chirac cũng gửi thông điệp chúc mừng và mang theo một đoàn tùy tùng khá đông, kể cả Bộ trưởng Hải ngoại, tới Berlin để tham dự trận chung kết Pháp-Italia. Sau khi Pháp bị thua, Chirac vẫn hết lời ca ngợi đội tuyển nhà, mời các cầu thủ vào điện Elysées gặp mặt sau khi về nước. Dân chúng Paris cũng bày tỏ sự ủng hộ bằng hai buối mít tinh.
Vấn dề đặt ra là liệu Giải Toàn Cầu 2006 có giúp Pháp giải quyết vấn đề tranh đấu của dân thiểu số–tức người Pháp gốc Phi châu và Trung Đông [“les Noirs et les Arabes hay beurs]? Mùa Thu 2005, nước Pháp rúng động vì phong trào xuống đường của dân thiếu số. Hiện nay, không ít thanh niên thiểu số còn tiềm tàng ý chí “bất khuất.” Một thanh niên tuyên bố: “Chúng tôi [người thiểu số] là người Pháp suốt Giải Toàn Cầu. [Danh thủ thiểu số] có mặt trong đội tuyển quốc gia Pháp. Nhưng sau Giải, dù thắng hay bại, chúng tôi lại là người thiểu số.”
Cơ quan an ninh Pháp dự trù sử dụng tới 4000 cảnh sát và Hiến binh để duy trì trật tự công cộng ngày Chủ Nhật, 9/7. Tuyến métro số 1 dẫn tới khu Elysées có thể cũng bị tạm ngưng. Trong tiệc ăn mừng chiến thắng ngày Thứ Bảy Đen [1/7] vừa qua, 5 người chết, hàng chục người bị thương, hàng chục người bị bắt giữ.
Thủ tướng Italia, dĩ nhiên, cũng dành cho đội tuyển Azzurri những tiếp đón và khích lệ long trọng nhất. Đoạt giải lần thứ tư là điều đáng hãnh diện. Dù những lời đồn về thế lực đen phía sau làng bóng đá Italia vẫn là những tiếng đồn chẳng bao giờ tắt tiếng.
Nữ Thủ tướng Germany [Chancellor] Angela Merkel đến thăm các cầu thủ Germany tại phòng thay quần áo ngay sau trận đấu. Hơn 2000 công điện chúc mừng gửi đến đội tuyển chủ nhà, không chỉ từ trong nội địa Germany, mà còn từ 16 quốc gia khác như Mỹ, Italia, the Netherlands, Việt Nam và Trung Hoa. Chỉ có Thủ tướng Thái Thaksin Shinawatra hủy bỏ chương trình dự giải vô địch ở Berlin. Lý do nêu lên là đội Germany không được vào chung kết.
FIFA chiếu lại God Father?
Ngày Thứ Sáu, 7/7, FIFA công bố kết quả sơ khởi về Giải Toàn Cầu 2006.
Cầu thủ trẻ xuất sắc dành cho Podolski của nước chủ nhà Germany.
Độị tuyển Toàn Giải gồm 23 người, trong đó 7 thuộc Italia (Buffon, Cannavaro, Zambrotta, Pirlo, Guttaso, Totti, Toni), 4 Germany (Lehman, Lahm, Ballack, Klose), 4 Portugal (Ricardo, Carvanho, Maniche, Figo) và 4 Pháp (Thuram, Vieira, Zidane, Henry). Argentina được 2 cầu thủ (Ayala, Crespo). Brazil chỉ có trung ứng Ze Roberto. England cũng chỉ có hậu vệ John Terry (thủ quân Chelsea).
Không một tuyển thủ Bắc Mỹ, Phi châu, Á châu hay Úc châu nào được chọn. Phải chăng FIFA đang cho chiếu lại bộ phim cổ điển năm sao Bố Già [God Father]? Chủ tịch FIFA nên từ chức. Có thể nào chọn Henry trên Ronaldo (của Brazil), hay C. Ronaldo (Portugal)? Ribéry, cầu thủ xuất sắc nhất của đội tuyển Pháp. không được chọn? Chủ tịch FIFA, theo tôi, cũng bất lực như các trọng tài Giải Toàn Cầu đang mơ biến bóng đá thành môn thể thao “không đụng chạm” [non-contact sport].
Họa Trọng Tài:
Suốt giải Toàn Cầu 2006, lỗi lầm của trọng tài, những ông vua sân cỏ, khiến nhiều hơn một Huấn luyện viên hay cầu thủ than phiền. Một cầu thủ Australia cay đắng cáo buộc ban tổ chức nương tay với các nước lớn (như Italia và Germany) để thu lợi. Các đài truyền hình Tây phương mua bản quyền trực tiếp phát hình cần các công ty quảng cáo. Nước tổ chức cần nhiều khách du lịch, dù tổng số khách đến thăm Germany đã gấp đôi con số dự liệu vào khoảng hơn 1 triệu người.
Hai trọng tài Benito Archundia của Mexico (thổi trận Ukraine-Germany) và Jorge Larrionda, người Uruguay (điều khiển trận Italia-Mỹ và Pháp-Togo) điều khiển hai trận bán kết là tiêu biểu nhất của mối họa trọng tài. Archundia không rút ra một thẻ đỏ nào suốt 120 phút ngày Thứ Ba 4/7 giữa Germany và Italia. Larrionda còn tồi tệ hơn. Trong trận Portugal-Pháp ngày 5/7, Larrionda cho Pháp được hưởng phạt đền khi trung phong Henry đóng kịch ngã trong cấm thành Portugal. Nhờ vậy, Zidane mở tỉ số cho Pháp; và Les Bleus vào gặp Italia trong vòng chung kết tại Berlin. Tổng thống Chirac nên mang theo Bắc Đầu Bội Tinh ban thưởng cho Larrionda trong dịp dự giải chung kết. Holywood cũng nên tặng Henry một giải Oscar.
Không kém phũ phàng và đột ngột là thẻ đỏ cho Zidane trong trận chung kết. Một thẻ vàng thôi đã đủ. Như để trấn an dư luận, Chủ tịch FIFA tuyên bố sẽ nghiên cứu việc cử hai trọng tài điều khiển trận đấu trong một tương lai gần. Nhưng hai hay bốn trọng tài vẫn chưa đủ xóa bỏ mối hoài nghi của khán giả: Tinh thần thượng võ không còn nữa trong Giải bóng đá; chỉ có vấn đề kinh doanh.
Phạt Đền:
ADVERTISEMENT
Theo các sử gia về bóng đá, phạt đền được đặt ra tại Ireland trong mùa bóng 1890-1891. Mục đích nhằm trừng phạt và giảm thiểu lối chơi thô bạo của các hậu vệ cao lớn trong nỗ lực ngăn chặn các đợt tấn công của các trung phong nhỏ con và kém thể lực hơn. Từ đó đến nay, phạt đền trở thành một phần của bóng đá. Thông thường trọng tài chỉ phạt đá đền nếu các hậu vệ dùng “bàn tay Thượng Đế” trong cấm thành, hay đốn ngã tiền đạo đối phương có khả năng làm bàn. Vì thông thường thật khó ghi bàn thắng, HLV và cầu thủ cũng vắt trán, nặn óc tìm đủ mánh khóe để trọng tài thưởng cho đội mình phạt đền.
Trung phong Henry của Pháp trong trận gặp Portugal và Fabio Grosso trong trận Italia gặp Australia chỉ là hai thí dụ mới nhất. Henry làm mờ mắt trọng tài, khiến Zidane trở thành người hùng, Henry được vào đội tuyển Toàn Giải, và Pháp tới gần “các vì sao” hơn. Trong trận Italia-Australia, Grosso biến hậu vệ Lucas Neill thành con vật tế thần, và trọng tài chỉ chờ cơ hội để cho Totti ghi bàn thắng, đưa Italia vào vòng trong.
Với trái banh chỉ cách khuôn thành 12 yards (11 thước), thật khó khăn cho thủ môn đón đỡ phạt đền. Những thủ môn tài giỏi nhất chỉ có thể cứu nguy nhờ may mắn. Chẳng cần một cầu thủ thượng thặng như Zidane để đá lọt lưới Buffon. Dĩ nhiên, khó ai tin Shaq O’Neal ném banh phạt bóng rổ như người ta liệng gạch đá. Vài ba cầu thủ đôi khi sút phạt đền vào ngay tầm phóng của thủ môn, và thậm chí đá ra ngoài, hay trúng trụ gôn, xà ngang gôn. Nhưng tỉ lệ thành công đá phạt đền là 80-100%.
Giải Toàn Cầu 2006 nêu một kỷ lục mới: Hai đội sống còn nhờ phạt đền giả tưởng đã gặp nhau trong trận chung kết, quyết định chức cầu vương thế giới. Cả Zadine và Totti sẽ bị mang tiếng suốt đời về hai quả đá phạt đền này. Danh tiếng và nhiệt tình nhất thời không che dấu được sự thực. Nhất là Henry và Grosso.
HLV Portugal Luiz Felipe Scolari tuyên bố: “Chúng tôi là nước nhỏ. Thật khó khăn.” Cầu thủ Tim Cahill của Asutralia tâm sự: “Chúng tôi đã trọn đời mong muốn được chơi một cách lương thiện. Nhưng thật thất vọng khi có một ngày mình bị phạt đền.” “Thất vọng [Disappointing]” chỉ là một trong số những cách diễn tả có thể in lại.
Vấn đề phạt thẻ vàng, thẻ đỏ cũng đạt kỷ lục. Đã có 28 thẻ đỏ và 345 thẻ vàng–một kỷ lục mới. Siêu sao Zizou của Pháp từng bị ngồi treo giò trong trận Togo vì hai thẻ vàng trong vòng loại. Và nhận thêm thẻ đỏ ở trận chung kết–tấm thẻ đỏ phá vỡ giấc mơ của Les Bleus.
FIFA đã cho lệnh trọng tài phạt thẻ vàng các cầu thủ đá bạo cũng như những cầu thủ giả bị thương. Một báo cáo của FIFA cho biết trong 62 trận đầu, có 156 trường hợp cầu thủ nằm lăn ra sân vì bị chấn thương, xin được chăm sóc. Nhưng 88 trường hợp này [88/156=56.4%] không được ghi trong báo cáo cuối trận. Đáng lưu ý số bàn thắng trung bình giảm trong Giải 2006. Số bàn trung bình mỗi trận là 2.27 (kỷ lục 2.21 lập năm 1990). Đội ghi nhiều bàn thắng nhất là nước chủ nhà Germany, với 14 bàn. Klose Germany đoạt giải vua phá lưới với 5 bàn sau 7 trận.
ADVERTISEMENT
Hẹn Gặp Tại Nam Phi [South Africa]
Hình ảnh in đậm nét trong tôi trong Giải Toàn Cầu 2006 là C. Ronaldo–tuyển thủ 21 tuổi, đang chơi cho Manchester United của England–ngẩn ngơ đứng giữa sân cỏ, mắt ứa lệ khó tin kết quả trận đấu. Ronaldo vẫn tin rằng đội Portugal hay hơn đội Pháp. Nhưng một đội tuyển hay không nhất thiết chiến thắng. Khi trọng tài Uruguay không muốn Portugal vào vòng trong. Và có thể FIFA cũng muốn vậy.
Giải Túc Cầu không còn là nơi biểu diễn tài nghệ bóng đá và tinh thần thượng võ thuần túy. Nó đã bị thương mại hóa. Một màn bi hài kịch về ý chí phấn đấu của Pháp và Italia–trên bối cảnh dạ tiệc về hưu của những lão tướng Zidane, Barthez, Thuram; hay nỗ lực chiến thắng để xin khoan hồng cho tội bán độ tai tiếng của Italia–dễ rao bán cho khán giả thế giới hơn một cường quốc đã tàn lụn nhiều thế kỷ như Portugal.
Giải Toàn Cầu 2010 sẽ tổ chức tại Nam Phi (South Africa). Cap Town sẽ không chỉ còn được biết với những phong trào tranh đấu đòi bình quyền trắng-đen. Nó sẽ làm ngời sáng viên ngọc đen Phi châu, vì đâu là lần đầu tiên Giải Hoàn Cầu được tổ chức ở lục địa cổ thời nhất này. Bốn năm nữa, làng bóng đá Phi châu sẽ mang lại nhiều bất ngờ hơn những Togo, Angola hay Ghana. Cameroon vẫn được coi như cường quốc bóng đá lục địa ngà voi, kim cương và sa mạc. Giải Toàn Cầu 2010 có lẽ không còn là Giải Toàn Âu châu mở rộng như 2006. Một số cường quốc Âu châu khó tránh cảnh thảm bại về nước từ vòng loại như năm 2002.
Houston, 11/7/2006
Nguyên Vũ
------------------------------
Vòng Chung Kết [8 - 9/7/2006]
Thứ Bảy, 8/7/2006: Tranh hạng ba.
15. Portugal 1 - Germany 3
Với những cường quốc bóng đá, trận tranh hạng ba Giải Toàn Cầu 2006 vào ngày Thứ Bảy 8/7 tại Stuttgart chẳng có gì hấp dẫn. Tham dự Giải Toàn Cầu, ai nấy đều hy vọng vào chung kết. Khẩu hiệu của 16 đội xếp hàng cao nhất là “Hẹn gặp nhau tại Berlin.”
ADVERTISEMENT
Về tài chính, cả hai đội tham dự đều được $17.5 triệu Mỹ kim. Riêng đội vô địch được $19.9 triệu và đội á quân [runner-up] được $18.25 triệu.
Tại Stuttgart, Germany đoạt giải an ủi hạng ba bằng cách đá bại Portugal 3-1. Với đội hình gồm nhiều cầu thủ dự bị, Germany ghi được chiến thắng cuối cùng tại Giải Toàn Cầu 2006 nhờ công của Bastian Schweinsteiger (số 7) trong vòng 30 phút của hiệp nhì. Dù không được vào chung kết, đội tuyển Germany được coi như thành công hơn dự đoán. Ít người tin rằng Germany có thể vào vòng Tứ kết. Vì vậy, đang có những nỗ lực vận động HLV Juergen Klinsmann ở lại với đội tuyển Germany. Trung phong Klose đang dẫn đầu trong cuộc chạy đua tranh chức vua phá lưới; và cũng nằm trong danh sách ứng cử viên cầu thủ xuất sắc nhất [chiếc giày vàng, hay Golden Shoe].
Germany được dự đoán sẽ thắng trận an ủi nhờ lợi thế sân và khán giả nhà. Các tuyển thủ Germany cũng có lối chơi toàn đội gắn bó, dù hàng phòng thủ là những dấu hỏi lớn. Hơn nữa, Germany được nghỉ lâu hơn đội tuyển Portugal một ngày. Hàng phòng thủ Germany vắng mặt hai hậu vệ Per Mertesacker (6-5) và Arne Friedrich (số 3) ở cánh phải vì bị thương. Thay vào đó là Jansen (số 2) và Nowotny (số 6), hợp với Christoph Metzelder (6 foot-3, số 21), và Philipp Lahm (số 16) ở cánh trái.
Cặp bài trùng Miroslav Klose (số 11) và Lukas Podolski (số 20), được sựỳ tiếp sức của Frings (số 8), Kehl (số 5) và Schweinsteiger ở hàng trung ứng. Thủ quân Michael Ballack (số 13) ngồi dự bị cho các tuyển thủ trẻ vào sân; thủ môn Oliver Kahn, người đoạt giải Chiếc Giày Vàng 2002, đeo băng thủ quân.
Đội tuyển Portugal cũng có thay đổi. Thủ quân Figo không khởi đầu trận đấu, và Pauletta đeo băng thủ quân. Mãi tới phút 77, Figo mới vào thay Pauletta. Hậu vệ Ferreira thay chỗ Miguel; Ricardo Costa thay chỗ Carvalho bị treo giò. Simao (số 11) vào trận từ tiếng còi khai mạc.
Germany:
Kahn
Jansen (số 2), Nowotny (số 6), Metzelder(số 21), Lahm (số 16).
Schneider (số 19), Frings (số 8), Kehl (số 5), Schwensteiger (số 7).
Podolski (số 20) Klose (số 11)
Neuville (số 10) thay Klose,
Hanke (số 9) thay Podolski
Hitzlperger (số 15) thay Schweinsteiger
Portugal:
Ronaldo (số 17) Deco (số 20) Costa (số 4) Pauleta(số 9, thủ quân)
Ferreira (số 2) Maniche (số 18) Costinha(số 6) Nuno Valente(số 14)
Simao (số 11), Meira (số 5)
Ricardo Pereira
Hiệp nhì, Petit (số 8) thay Costinha(số 6) [phút 46]
Nuno Gomes (số 21) thay Nuno Valente(số 14) [phút 69]
Figo (số 7) thay Pauletta [?][phút 77]
Trọng tài: Toru Kamikawa
ADVERTISEMENT
Trọn hiệp đầu, hai bên thay nhau tấn công. Cả hai thủ môn đều có dịp làm bàn.
Đầu hiệp nhì, Portugal đưa Petit vào sân.
Phút 56, trung ứng Bastian Schweinsteiger (số 7) lừa banh qua ba cầu thủ Portugal, rồi từ sát vòng cấm thành nổ đại bác, mở tỉ số 1-0 cho Germany.
Phút 62, Schwensteiger (số 7) lại có dịp giúp nâng tỉ số lên 2-0. Trong nỗ lực ngăn chặn quả đá phạt của Schwensteiger, Petit đưa banh vào gôn nhà.
Với hai bàn thắng, HLV Klinsmann liên tiếp thay hai cầu thủ trong vòng 10 phút kế tiếp. Klose, Podolski ra sân cho Neuville, Hanke vào thay. Portugal cũng đưa Nuno Gomes (số 21) thay Nuno Valente(số 14) , và Figo thay Pauletta[phút 69].
Phút 79, Schwensteiger lại ghi bàn thứ ba cho Germany. Thủ môn Ricardo lúng túng để banh bay qua giữa hai tay mình. Ngay sau đó, Hitzlperger (số 15) thay Schwensteiger.
Portugal cố vùng lên gỡ bàn danh dự. Thủ môn Oliver Kahn nhiều lần bị bỏng tay. Cristiano Ronaldo cùng Luis Figo gây rúng động hàng phòng thủ Germany nhưng thiếu may mắn. Mãi tới phút 88, Gomes mới phá lưới Kahn với một quả đội đầu tuyệt mỹ một đường mớm banh ngang của Figo, giảm tỉ số xuống 1 - 3.
Đó cũng là tỉ số chung cuộc.
Chung Kết [Chủ Nhật, 9/7/2006]:
16. Italia 1 [PK 5-3]- Pháp 1
Tại vận động trường Olympic Berlin, Italia đoạt giải vô địch thế giới năm 2006 nhờ thắng phạt đền 5-3.
Trước tiếng còi chung cuộc, nhiều người đã dự đoán hai bên sẽ phải giải quyết bằng phạt đền. Đa số cũng tin Italia sẽ chiến thắng–dù không ít người mong Pháp đoạt giải lần thứ hai. Trong hai đội, Pháp là một thứ lesser evil.
Dưới quyền HLV Marcello Lippi Squada Azzura [đội tuyển Italia] có hàng phòng thủ chắc chắn với lối chơi rất thể lực, tiếp cận với lối “chơi bẩn.” Cú đánh cùi chỏ của Trung ứng Daniele De Rossi (số 4) trong trận gặp Mỹ chỉ là một thí dụ. Trụ cốt của hàng phòng thủ này là thủ quân Fabio Cannavaro (số 5) và Fabio Grosso (số 3).
Thủ môn Gianluigi Buffon xuất sắc, được coi như thủ môn hay nhất thế giới. Nhờ vậy, sau 6 trận, chưa đội nào phá lưới được Italia (ngoại trừ việc Cristian Zaccardo tự phá lưới). Hàng công của Italia cũng khá nguy hiểm: Toni không phải là đe dọa duy nhất. Hàng tiền đạo Italia còn Francesco Totti, Alessandro Del Piero, Filippo Inzaghi, Alberto Gilardino và Vicenzo Iaquinta.
Thủ quân Cannavaro, một trong những cầu thủ bị điều tra về việc bê bối bán độ tại Italia, tuyên bố: “Những rắc rối xảy ra trước Giải Toàn Cầu trở thành lợi thế với tất cả những sự giận dữ trong lòng.” Cannavaro–cũng bị cáo buộc nhận tiền bán độ như Gianluigi Buffon–mặc áo đội tuyển quốc gia lần thứ 100.
HLV Lippi cho rằng những vụ tai tiếng khiến đội tuyển Italia xích lại gần nhau hơn. Dù tin rằng Italia nhất định sẽ chiến thắng, người hùng bất đắc dĩ của Italia khó quên được một điều: suốt 10 năm qua, Italia chưa hề đá bại Pháp. Italia đang mong đoạt giải lần thứ tư. Lần cuối cùng Italia vào vòng chung kết là năm 1994 tại Mỹ, khi Italia thua Brazil về đá phạt.
HLV Lippi đưa ra đội hình:
Thủ môn: Buffon;
Hậu vệ: Gianluca Zambrotta(số 19); Fabio Cannavaro (số 5, thủ quân); Fabio Grosso (số 3); Marco Materazzi (số 23);
Trung ứng: Mauro Camoranesi (số 16); Simone Perrotta (số 20); Gennaro Gattuso (số 8); Andrea Pirlo(số 21); Francesco Totti (số 10)
Trung phong: Luca Toni (số 9).
Dự bị: Alessandro Del Piero (số 7), Vicenzo Iaquinta (số 15) và De Rossi (số 4) ngồi dự bị, lần lượt vào sân khi đấu thêm giờ.
Les Bleus giữ nguyên đội hình đã thắng ngược Brazil.
Hàng phòng thủ có Thủ môn Barthez và 4 hậu vệ Willy Sagnol (số 19), Lilian Thuram (số 15), William Gallas (số 5), Eric Abidal (số 3).
Hàng trung ứng có Claude Makelele (số 6), Patrick Vieira (số 4), Florent Malouda (số 7), Franck Ribéry(số 22), Zinédinne Zidane(số 10).
Trung phong: Thierry Henry (số 12),
“Zizou”–đã 34 tuổi, với 108 trận khoác áo đội tuyển quốc gia, và được báo chí Pháp mệnh danh là “đại sứ của chủ trương hòa đồng sắc tộc” Pháp–khiến những khán giả khách quan không thể không ngưỡng mộ. Từ hàng trung ứng, Zidane cung cấp những trái banh hiểm độc cho Henry, hay Ribéry áp đảo khuôn thành đối phương. Ribéry rất xông xáo, được coi như người sẽ kế vị Zidane trong những năm tới. Henry (số 12) cũng đôi khi rất nguy hiểm, đặc biệt là nghệ thuât diễn xuất . . . bị chơi xấu!
Dự bị: Sylvain Wiltord (số 11), David Trezeguet (số 20), Diarra (số 18). [Louis Saha bị treo giò],
Italia:
Buffon
Zambrotta(số 19); Cannavaro (số 5, thủ quân); Grosso (số 3); Materazzi (số 23);
Camoranesi (số 16); Perrotta (số 20); Gattuso (số 8); Pirlo (số 21); Totti (số 10)ợ
Toni (số 9).
[Del Piero (số 7), Iaquinta (số 15) và De Rossi (số 4) đều ngồi dự bị]
Pháp:
Henry(số 12),
Ribéry (số 22) Zidane (số 10), Malouda (số 7)
Makelele (số 6) Vieira(số 4),
Sagnol (số 19), Abidal (số 3)
Thuram (số 15) Gallas (số 5)
Barthez, (số 16)
[Dự bị: Diarra (số 18) thay Vieira phút 57; Wiltord (số 11) thay Henry phút 106; David Trezeguet (số 20)].
Trọng tài: Alessandro (Argentina)
ADVERTISEMENT
Vừa mở đầu trận đấu, người ta có cảm tưởng dạ tiệc về hưu của Zidane, Barthez, Thuram, v.. v... vẫn còn xanh.
Phút thứ 6, nhân một dịp xuống banh của Pháp, Marco Materazzi (số 23) đốn ngã Malouda (số 7) trong cấm thành. Trọng tài cho Pháp đá phạt. Zidane đá banh bổng chạm xà ngang, nhưng banh may mắn rơi vào sau làn vôi khuôn thành, mở tỉ số cho Pháp, 1-0. Nhưng Italia chưa chịu bó tay. Các tuyển thủ áo xanh mở những đợt tấn công liên tục. Hàng phòng thủ Pháp, nhất là Thuram, phải nhiều lần phá banh. Thuram cũng bám sát Toni của Italia, khiến Toni mất nhiều dịp làm bàn.
Phút 19, từ một quả phạt góc phải của Andrea Pirlo (số 21), hậu vệ Materazzi (số 23), cao 6-foot-4, đội đầu phá lưới Barthez, gỡ hòa cho Italia, 1-1.
Italia liên tục tấn công nguy hiểm. Phút 28, cũng từ một quả phạt góc của Pirlo, Materazzi súyt phá lưới Barthez lần thứ hai. Pháp chỉ mở những đợt phản công lẻ tẻ. Zidane bị hàng trung ứng Italia vô hiệu hóa. Henry cũng chỉ là một chiếc bóng mờ nhạt.
Tỉ số giữa giờ giải lao là 1-1.
Hiệp nhì, Pháp tiếp tục tấn công, nhưng hàng phòng thủ Italia mỗi lúc thêm chặt chẽ.
Phút 55, Vieira bị thương ra sân, Diarra (số 18) vào thay. Ít phút sau, Italia thay liên tiếp hai cầu thủ: Iaquinta (số 15) thay Perrotta (số 20), và Daniel De Rossi (số 4) thay Totti.
Phút 62, Italia chọc thủng lưới Barthez, nhưng trọng tài Alessandro của Argentina không nhìn nhận vì việt vị.
Phút 80, Zidane bị thương vai sau khi đụng chạm với thủ quân Cannavaro (số 5). Nhưng Zidane trở lại sân trong tiếng cổ võ của khán giả.
Phút 86, Italia thay cầu thủ thứ ba. Del Piero (số 7) thế chỗ Camoranesi (số 16). Italia cố tấn công, gây rối phòng thành Pháp, nhưng không được kết quả nào. Tỉ số giữ nguyên 1-1 khi bắt đầu đá thêm giờ.
Hiệp nhất đá thêm giờ, Italia rút vào thế thủ. Pháp mở nhiều đợt tấn công. Ribéry và Henry có dịp sút vào khuôn thành Italia, nhưng banh bay bổng hay bị Buffon đón dễ dàng. Sôi động nhất là cú đánh đầu của Zidane vào phút 103, nhưng Buffon xuất sắc dùng một tay đẩy banh lên khỏi sà ngang. Ít phút sau, Trezeguet (số 20) vào thay Ribéry đã gần kiệt quệ vì hầu như chạy bao sân.
Hiệp nhì đá thêm giờ, phút 106 Pháp thay Henry bằng Sylvain Wiltord (số 11). Nhưng chỉ 4 phút sau, cầu trường chấn động vì Zidane bị thẻ đỏ ra sân. Trong một cơn nóng giận đột xuất, Zidane dùng đầu tấn công vào ngực hậu vệ Materazzi giữa sân cỏ. Materazzi ngã ngửa về phía sau trong một màn trình diễn đầy nghệ thuật. Trọng tài người Argentina thận trọng tham khảo một giám biên trước khi rút thẻ đỏ, tắt đèn dạ tiệc từ giã của Zidane, và chấm dứt giấc mơ tìm ngôi sao thứ hai của Les Bleus. Dù trên chân về nhân số, Italia mệt mỏi và có vẻ như chờ đợi đá phạt đền để quyết định thắng bại. Phút 120, Wiltord cũng bỏ một cơ hội bằng vàng, tham làm bàn thay vì chuyền banh cho Trezeguet trước một khuôn thành trống rỗng.
Giờ đá phạt đền, cả năm cầu thủ Italia đều ghi điểm. Pirlo, De Rossi, Materazzi, del Piero, và rồi Grosso dễ dàng phá lưới Barthez. Grosso, người hùng trong trận gặp Germany, lập lại chiến tích tối Thứ Hai vừa qua: Anh sút quả đá phạt đền thứ 5, đưa tỉ số lên 5-3. Trong khi đó, Trezeguet thiếu may mắn, đá banh trúng sà ngang, dội ra ngoài khuôn thành. Wiltord, Abidal và Sagnol đều ghi điểm.
Chiến thắng năm 2006 này giúp Italia quên đi ám ảnh thua Brazil trong trận chung kết Giải Toàn Cầu 1994 ở Rose Bowl (Pasadena), khi siêu sao Roberto Baggio của Italia rơi vào tình trạng như Trezeguet tại Berlin 12 năm sau. Đây là lần thứ 5 Giải Toàn Cầu được giải quyết bằng phạt đền: 1934, 1966, 1978, 1994 and 2006.
Italia thắng chức vô địch lần thứ tư (1934, 1938,1982 và 2006).
Phần Pháp, HLV Raymond Domenech khó nói lên lời.
Thủ môn Fabien Barthez, đã 35, hẳn chưa quên một ngày không đáng nhớ như trận chung kết 2006. Khán giả Pháp cũng khó thể quên việc Barthez được chọn chơi chính thức, trong khi Gregory Coupet không hề được vào sân. Có lẽ quá thất vọng, Barthez vắng mặt trong lễ đón tiếp les Bleus tại điện Elysées.
Lilian Thuram chơi xuất sắc ở vai trò hậu vệ giữa, linh hồn hàng phòng thủ Pháp, xứng đáng được xếp vào Dream Team của Giải Toàn Cầu.
Patrick Vieira, 30 tuổi, được nâng từ dự bị năm 1998 lên chính qui, vững chắc ở hàng trung ứng, nhưng ra sân vào cuối hiệp nhì.
Ribéry giữ được sự xông xáo suốt 7 trận, trong khi Henry như tàng hình sau màn diễn xuất bị thương vào phút thứ nhất của trận đấu.
Khi Giải Toàn Cầu bắt đầu năm 1930, chỉ có 13 đội, chơi trong 2 tuần. Từ năm 1998 mới tăng lên 32 đội tham dự, và bỏ lối “chết đột ngột” khi đá thêm giờ. Giải Toàn Cầu cũng kéo dài tới 4 tuần lễ, đó là chưa kể khoảng hai năm đấu vòng loại ở địa phương.
Bốn tuần lễ giao đấu liên tiếp–dưới khí hậu mùa Hè tại Germany–sau cả một mùa bóng dài 9 tháng, khiến các đội tuyển thiếu sự linh động khán giả chờ đợi. Hai đội tuyển Italia và Pháp còn lại trong trận chung kết không thuần vì tài nghệ và may mắn. Các HLV biết cách sắp xếp và khai thác vấn đề chấn thương cùng sự kiệt quệ tinh thần. Đội Italia được nghỉ dưỡng sức một ngày dài hơn Pháp; nhưng trong trận đả bại Germany, Italia phải chơi tới 120 phút. Có lẽ vì thế, Italia chậm chạp hơn ở hiệp đá thêm giờ thứ hai.
Trong khi đó, các tuyển thủ còn có nhiệm vụ chơi cho các đội nhà nghề của họ. Tại Âu châu, mùa bóng đá bắt đầu từ khoảng tháng 8 tới tháng 5 năm sau. Siêu sao Deco của Portugal giúp Barcelona đoạt giải vô địch ngày 17/5, tức một ngày trước khi đội tuyển quốc gia bắt đầu huấn luyện cho Giải Toàn Cầu. Hậu vệ Zambrotta của Italia nhận định: “Hiện nay, vấn đề thể lực rất quan trọng. 95 phần trăm các đội chạy nhiều mang lại chiến thắng. Túc cầu ngày càng thể lực và chơi nhanh hơn.”
Sau khi thua ngược Pháp tại vòng Tứ kết, HLV Carlos Alberto Parreira của Brazil cũng tuyên bố: “Chúng ta cần thêm ít thời gian chuẩn bị có lẽ về vấn đề thể lực và giúp đội tuyển chơi như một đội.”
Nhiều cầu thủ bị thương trong các cuộc giao đấu. Michael Owen của England bị rách đầu gối và có lẽ không thể chơi trong vòng 6 tháng tới. Alessandro Nesta của Italia không dự trận bán kết với Germany hay chung kết với Pháp. David Beckham bị kiệt lực phải rời trận Ecuador, và trận tứ kết vì bị thương đầu gối và gót chân. Thủ quân Michael Ballack của Germany phải tạm rời sân vài ba lần vì bọp vẽ, và không tham dự trận tranh giải hạng ba. Juan Roman Riquelme không thể đá phạt đền cho Argentina ở trận gặp Germany vì quá kiệt lực. Vieira phải ra sân vào giữa hiệp nhì.
30 phút đá thêm giờ còn tạo thêm nhiều trở ngại. Ít cầu thủ còn sung sức sau 120 phút giao đấu cật lực. 30 phút cuối này là giai đoạn mà các lực sĩ chạy Marathon gọi là “sống tiềm sinh” bằng sức chịu đựng của bản năng. Nhiều cầu thủ mất đi cú sút hỏa tiễn hay đường giao, đón banh chuẩn xác vào giờ đá thêm. Dẫu sao, họ chỉ là con người, không phải những chiếc máy.
Italia đã cần 120 phút để đả bại Germany ở vòng bán kết. Pháp thắng Portugal dễ dàng hơn sau 90 phút. Dù Italia được nghỉ lâu hơn Pháp một ngày; và các cầu thủ gạo cội Pháp đều thuộc hàng lão tướng, cuối trận đấu Italia thủ nhiều hơn công. Sự căng thẳng thần kinh cũng là một yếu tố quan trọng. Với mục đích thắng bằng mọi giá–hoặc ít nữa thắng là tất cả–từ HLV tới cầu thủ chịu những áp lực thường xuyên để chiến thắng. Từ chơi xấu, chơi bẩn tới vướng mắc vào vòng nghiện ngập ma túy, sử dụng thuốc kích thích.
Italia có lẽ là đội có tinh thần mạnh nhất khi giao đấu với lưỡi hái tử thần trên đầu: 5 trong số tuyển thủ quốc gia liên hệ đến vấn đề bê bối bán độ, v.. v... 8 tuyển thủ khác đang chơi cho các đội nhà nghề như AC Milan, Juventus, v.. v... đang dính bùn tội phạm. Đội banh của họ cũng có triển vọng bị đặt xuống hạng nhì hạng ba. Riêng trường hợp Zidane, thật đáng tiếc cho kết cuộc của sự nghiệp một cầu thủ ba lần đoạt giải cầu thủ xuất sắc trong năm. Thẻ đỏ lúc gần tàn trận khiến anh không được dự lễ nhận huy chương bạc–và cũng là bệt xám đáng tiếc cho những ngày còn lại.