- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Một Nghìn Năm Thăng Long - Hà Nội, Nhìn Lại Giá Trị Tác Phẩm " Thiên Đô Chiếu" Của Thái Tổ Lý Công Uẩn

09 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 10671)

  nph_hl109_0_300x220_1

 

 

Phiên âm:

blankTHIÊN ĐÔ CHIẾU(LÝ THÁI TỔ)

Tích Thương gia chí Bàn Canh ngũ thiên, Chu thất đãi Thành Vương tam tỉ. Khởi Tam Đại chi sổ quân tuẫn vu kỷ tư, vọng tự thiên tỉ. Dĩ kỳ đồ đại trạch trung, vi ức vạn thế tử tôn chi kế; thượng cẩn thiên mệnh, hạ nhân dân chí, cẩu hữu tiện triếp cải. Cố quốc tộ diên trường, phong tục phú phụ. Nhi Đinh Lê nhị gia, nãi tuẫn kỷ tư, hốt thiên mệnh, võng đạo Thương Chu chi tích, thường an quyết ấp vu tư, trí thế đại phất trường, toán số đoản xúc, bách tính hao tổn, vạn vật thất nghi. Trẫm thậm thống chi, bất đắc bất tỉ. Huống Cao Vương cố đô Đại La thành, trạch thiên địa khu vực chi trung; đắc long bàn hổ cứ chi thế. Chính Nam Bắc Đông Tây chi vị; tiện giang sơn hướng bội chi nghi. Kỳ địa quảng nhi thản bình, quyết thổ cao nhi sảng khải. Dân cư miệt hôn điếm chi khốn; vạn vật cực phồn phụ chi phong. Biến lãm Việt bang, tư vi thắng địa. Thành tứ phương bức thấu chi yếu hội; vi vạn thế đế vương chi thượng đô. Trẫm dục nhân thử địa lợi dĩ định quyết cư, khanh đẳng như hà?

Dịch nghĩa

CHIẾU DỜI ĐÔ


Xưa nhà Thương đến vua Bàn Canh năm lần đời đô; nhà Chu đến vua Thành Vương cũng ba lần dời đô. Phải đâu các vua thời Tam Đại theo ý riêng mình mà tự tiện chuyển dời ? Chỉ vì muốn đóng đô ở nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu; trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi. Cho nên vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng mình, khinh thường mệnh trời, không noi theo dấu cũ của Thương, Chu, cứ đóng yên đô thành ở nơi đây, khiến cho triều đại không được lâu bền, số vận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tổn, muôn vật không được thích nghi. Trẫm rất đau xót về việc đó, không thể không đổi dời. Huống gì thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương: ở vào nơi trung tâm trời đất; được thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam Bắc Đông Tây; lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt; muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp nước Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời. Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chổ ở. Các khanh nghĩ thế nào?

Lý Công Uẩn người châu Cổ Pháp, lộ Bắc Giang, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh. Ông sinh ngày 12 tháng 2 năm Giáp tuất (tức ngày 8 tháng 3 năm 974) và mất ngày 3 tháng 3 năm Mậu thìn (tức ngày 31 tháng 3 năm 1028), thọ 55 tuổi. Không rõ gốc tích gia đình, chỉ biết thuở nhỏ ông làm con nuôi của nhà sư Lý Khánh Văn, được sư Lý Khánh Văn nuôi dưỡng và dạy dỗ trong chùa[1]. Sau lại được sư Lý Vạn Hạnh nâng đỡ, giúp tiến cử vào triều[2], dần làm đến chức Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ, trở thành một người có uy vọng bậc nhất trong triều Tiền Lê. Ngày Tân Hợi tháng 10 năm Kỷ dậu (19 – 11 - 1009), vua Lê Ngoạ Triều chết, hai ngày sau, ngày Quý Sửu (21 – 11 – 1009), Lý Công Uẩn được các quan lại, quý tộc, tướng lĩnh trong triều giúp đỡ đã "tự lập làm vua"[3], mở ra triều Lý, miếu hiệu là Lý Thái Tổ.

Lý Công Uẩn làm vua gần 20 năm. Trong buổi đầu lập quốc vô vàn khó khăn, gian khổ, ông đã cùng triều đình và thần dân thiết lập nên một vương triều thực sự vững mạnh, ổn định lâu dài, chẳng những đặt nền móng vững chắc cho chế độ phong kiến Việt Nam, mà còn mở ra thời đại độc lập tự chủ của dân tộc. Đóng góp của ông thể hiện trên nhiều lĩnh vực quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá và tư tưởng... Công lao của Lý Công Uẩn là vô cùng vĩ đại. Ông chính là vị hoàng đế khai cơ ra không chỉ một vương triều, mà còn là vị hoàng đế mở ra một thời đại mới của lịch sử dân tộc độc lập và tự chủ. Tên tuổi của ông gắn liền với Thiên đô chiếu, với đế đô Thăng Long – Hà Nội vừa tròn nghìn năm tuổi.

1. Mấy nét khái quát về thể văn chiếu thời Lý

Chiếu là một thể loại quan trọng trong văn học Việt Nam cổ. Chiếu xuất hiện ở Trung Quốc, tồn tại trong suốt thời kỳ phong kiến và trong các nền văn học có ảnh hưởng Trung Quốc. Chiếu là "cáo của triều đình ban bố gọi chung là chiếu lệnh, bắt nguồn từ thể cáo trong Thượng thư, thời Xuân thu gọi là mệnh, thời Chiến quốc gọi là lệnh. Sau khi Tần thống nhất, đổi mệnh thành chế, đổi lệnh thành chiếu. Đầu đời Hán, mệnh chia làm bốn loại, danh mục, công dụng khác nhau. Chiếu là cáo với bách quan... Chiếu lệnh đa số là do thị thần văn học làm thay, số ít do đế vương viết lấy. Buổi đầu chiếu lệnh dùng văn xuôi, văn chương đơn giản minh bạch. Từ Lục Triều về sau, phần nhiều dùng biền văn, có cái cũng mô phỏng văn thể của Thượng thư, chiếu lệnh đời Nguyên (...) dùng bạch thoại"[4].

Thực chất chiếu là loại văn hành chính của triều đình nhằm công bố cho thần dân trong nước biết về những vấn đề có liên quan tới đời sống quốc gia, dân tộc, vương triều. Đây là loại văn học có tính chức năng cao, phục vụ việc giao tiếp có tính quan phương. Có người xếp nó vào loại "văn ứng dụng", là loại "công văn gửi cấp dưới" (để phân biệt với một số loại "công văn gửi cấp trên", hay "công văn gửi cấp ngang hàng")[5]. Các nhà lý luận văn học cổ xem chiếu là thể văn học quan trọng trong hệ thống thể loại văn học thời quá khứ. Trong Văn tâm điêu long, phần II, gồm 20 thiên nói về các loại văn, thì thiên 15 là thiên viết về chiếu lệnh. Đặc trưng cơ bản của thể loại này, xét về nội dung, là mệnh lệnh của vua chúa đối với thần dân; xét về hình thức là sự vận dụng phổ biến các cách diễn đạt của văn xuôi cổ thể, của biền văn, tản văn, và cả vận văn nữa, trong đó, phổ biến nhất là hình thức biền văn.

Chiếu là thể loại văn học Trung Quốc được lựa chọn và sử dụng ở Việt Nam ngay từ thời Lý - Trần. Nó được xem là một trong những thể loại văn xuôi thành công đầu tiên của Việt Nam. Hiện nay, tác phẩm văn chiếu sớm nhất còn lại là Thiên đô chiếu của Lý Công Uẩn được sáng tác nhân sự kiện dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long vào mùa thu năm 1010. Nhưng điều đó không có nghĩa là trước triều Lý, thể loại văn học này hoàn toàn chưa được người Việt Nam biết đến. Có lẽ trong 10 thế kỷ Bắc thuộc, những người dân xứ Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam này cũng đã ít nhiều đã được tiếp xúc với những "mệnh lệnh" từ các "con Trời" từ phương bắc.

Sự tồn tại của văn chiếu gắn bó với sự tồn tại của các vương triều phong kiến. Chỉ khi nào chế độ phong kiến mất đi, thì thể loại văn học này mới không còn lý do để tồn tại. Trong văn học Việt Nam, tác phẩm văn chiếu sau cùng có lẽ là Chiếu thoái vị của vua Bảo Đại, công bố vào tháng 8-1945, đánh dấu thời khắc chính thức chấm dứt vai trò của chế độ phong kiến Việt Nam.

Nhìn chung mọi loại văn học đều thể hiện sự giao tiếp giữa con người với con người. Khác với những thể loại văn học lấy sự giao tiếp cá nhân với cá nhân làm mục đích, văn chiếu (cùng một số thể loại văn học chức năng khác) lấy sự giao tiếp cộng đồng làm mục đích. Đó là sự giao tiếp giữa vua chúa với thần dân, giữa triều đình phong kiến với quần chúng, giữa giai cấp thống trị với giai cấp bị trị. Đây là sự giao tiếp một chiều, từ trên xuống, cho nên gọi nó là mệnh lệnh.

Nhu cầu xây dựng và củng cố vương triều phong kiến, tiến hành công cuộc kiến quốc và chống xâm lăng, là cơ sở lịch sử - xã hội của sự tiếp thu và sử dụng văn chiếu ở thời Lý. Văn chiếu vốn là công cụ của vua chúa, nhằm thực hiện quyền thống trị của mình trong đất nước có kỷ cương và luật pháp. Các vương triều phong kiến Việt Nam, mà mở đầu là triều Lý, trong quá trình xây dựng một thể chế chính trị và pháp quyền ít nhiều theo mô hình Trung Quốc, đã tất yếu tiếp thu loại công cụ văn học này. Nó là thể loại văn học quan trọng và quen thuộc không chỉ với tầng lớp vua chúa, quý tộc, mà với mọi tầng lớp nhân dân trong nước.

Trong ý thức nghệ thuật của người Việt Nam thời trung đại, chiếu là một thể loại văn học quan trọng, tồn tại độc lập và bình đẳng với các thể loại văn học khác. Tiếp thu và phát triển thể loại văn học này chính là góp phần xây dựng và phát triển nền văn học dân tộc. Bởi vậy, ngay từ đầu thế kỷ XV, trong yêu cầu khôi phục lại diện mạo nền văn học Lý - Trần bị giặc Minh tàn phá, bên cạnh việc tìm kiếm các tác phẩm thuộc các thể loại văn học khác, chúng ta thấy có yêu cầu tìm kiếm các tác phẩm thuộc thể loại văn chiếu. Song trong ngành nghiên cứu lịch sử văn học, văn chiếu không phải bao giờ cũng được ý thức như một thể loại văn học quan trọng.

Chúng ta biết rằng, mỗi thời đại có thể loại văn học của nó. Vị trí của thể loại văn học ở các thời đại khác nhau cũng không giống nhau. Văn chiếu tồn tại trong nghìn năm văn học trung đại Việt Nam, song vị trí của nó luôn luôn thay đổi. Ở thời Lý, văn chiếu có vị trí quan trọng trong hệ thống văn học, mang ý thức thẩm mỹ của thời đại đó. Nó thể hiện tư tưởng, tình cảm, tâm trạng của những con người đại diện cho dân tộc. Ở các thời kỳ sau này, văn chiếu ít được chú ý hơn. Nó từng bước bị gạt ra ngoài rìa của hệ thống văn học. Vì sao vậy?

Thứ nhất, cần thấy rằng, bản chất của những giao tiếp văn học thuộc thể loại này phụ thuộc rất nhiều vào phẩm chất của những tác giả sáng tạo ra chúng, cũng như vào tính chất của triều đại phong kiến. Tiếng nói của văn chiếu chỉ trở thành tiếng nói đại diện cho dân tộc khi mà phẩm chất của người sáng tạo ra nó có thể đại diện cho phẩm chất dân tộc. Phần lớn tác giả của văn chiếu thời Lý là những "minh quân", những vị vua biết lo cho dân cho nước, hoà hợp tâm hồn họ với tâm hồn nhân dân, nên về một phương diện nào đó nó cũng là tinh thần và tình cảm của nhân dân. Còn sau này, văn chiếu của những "hôn quân", "bạo chúa", hay những "vua Quỷ", "vua Lợn", thì ít khi hoặc không thể trở thành những tác phẩm văn học có giá trị đại diện ấy. Tuy rằng, "chiếu lệnh đa số là do thị thần văn học làm thay, số ít do đế vương viết lấy", nhưng về cơ bản vẫn là thể hiện tinh thần, tình cảm của đế vương.

Thứ hai, hơn bất kỳ thời đại lịch sử nào, thời Lý - Trần là thời kỳ phát triển của văn học chức năng. Thời kỳ này đề cao những thể loại văn học có tác dụng tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng đất nước, phát triển văn hoá, kháng chiến, chống xâm lược. Văn chiếu là thể loại đáp ứng cao yêu cầu này của thời đại. Nội dung của văn chiếu thực sự phản ánh được những vấn đề lớn lao nhất, nóng bỏng nhất, được nhiều người quan tâm nhất lúc bấy giờ.

Thứ ba, thể loại văn chiếu, về mặt chính thống, là công cụ của nhà nước phong kiến nhằm thoả mãn những công việc chung của vương triều, của quốc gia, nhưng mặt khác nó cũng ít nhiều là công cụ phô diễn tư tưởng, tình cảm của con người trước cuộc sống, nhằm thoả mãn được yêu cầu thể hiện "ý thức cộng đồng" của con người lúc ấy. Nó phù hợp với nhu cầu, trình độ, thị hiếu, tâm lý của con người ở thời này. Có lẽ hơn bất cứ thời kỳ nào, tiếng nói và "ý thức cộng đồng" của "tác giả" và "độc giả" văn chiếu lại thống nhất cao độ như ở thời Lý. Ở các thời kỳ lịch sử sau này, văn chiếu không có hoặc ít có khả năng đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ của con người như ở thời Lý. Bởi lúc đó, con người có những mối quan tâm khác, và những hình thức diễn đạt khác phù hợp hơn, thay thế.

Như đã nói, chiếu là loại văn thường do [các thị thần văn học được] vua chúa [sai] viết ra, nhằm nêu lên những mệnh lệnh của triều đình đối với thần dân. Nội dung của văn chiếu, do tính quan phương quy định, chỉ đề cập tới những vấn đề lớn lao của quốc gia, dân tộc, của vương triều phong kiến, tới những sự kiện lịch sử, những biến cố của đất nước, những chủ trương, chính sách lớn của triều đình. Theo Thơ văn Lý - Trần [6], thời Lý văn chiếu rất nhiều, nhưng đến nay chỉ còn lại nguyên vẹn có bảy bài, đề cập tới bảy sự kiện quan trọng của thời kỳ lịch sử này, đó là:

- Sự kiện Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long năm 1010, trong Thiên đô chiếu;

- Sự kiện Lý Thái Tông đánh dẹp Nùng Tồn Phúc ở Cao Bằng năm 1039, chống nạn cát cứ phân liệt, trong Bình Nùng chiếu;

- Sự kiện Lý Thái Tông xá thuế nông nghiệp năm 1044, trong Xá thuế chiếu;

- Sự kiện vua Lý Nhân Tông khi lâm chung năm 1128 đã để lại lời căn dặn có quan hệ tới việc người kế nghiệp và tổ chức quốc tang, trong Lâm chung di chiếu;

- Sự kiện năm 1207, Lý Cao Tông thấy "giặc giã nổi lên như ong bèn hối lại những lỗi lầm cũ" (Việt sử lược), trong Truy hối tiền quá chiếu;

- Sự kiện Lý Huệ Tông đánh dẹp nghịch đảng Trần Tự Khánh năm 1215, trong Thảo Trần Tự Khánh chiếu;

- Sự kiện Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh, chấm dứt sự tồn tại của nhà Lý, mở ra thời đại nhà Trần năm 1226[7], trong Thiện vị chiếu.

Ta thấy, chiếu thời Lý chủ yếu phản ánh hai vấn đề lớn của dân tộc. Thứ nhất, là nhu cầu thống nhất đất nước, chống cát cứ phân liệt, xây dựng một nhà nước phong kiến chính quy, ổn định, khẳng định địa vị thống trị của nhà Lý. Điều này được thể hiện trong các bài Bình Nùng chiếu của Lý Thái Tông, và Thảo Trần Tự Khánh chiếu của Lý Huệ Tông. Thứ hai, là khát vọng xây dựng một đất nước thanh bình, thịnh trị, nhân dân no ấm, thể hiện trách nhiệm lớn lao của người làm vua và tư tưởng thân dân sâu sắc của họ. Điều này bộc lộ rõ rệt trong các bài Thiên đô chiếu của Lý Công Uẩn, Xá thuế chiếu của Lý Thái Tông, Lâm chung di chiếu của Lý Nhân Tông, Truy hối tiền quá chiếu của Lý Cao Tông. Hai vấn đề lớn đó luôn gắn bó với nhau, trở thành nhiệm vụ cơ bản, thường trực, là mối quan tâm hàng đầu của triều đình phong kiến trong suốt hơn hai trăm năm vương triều Lý.

Văn chiếu được xếp vào loại "văn ứng dụng", loại "công văn gửi cấp dưới". Nó thể hiện sự giao tiếp giữa triều đình và thần dân. Hoạt động của văn chiếu là hoạt động lời nói hướng tới người tiếp nhận. Hoạt động này do tính chất "mệnh lệnh" quy định, chỉ là hoạt động đơn thoại, một chiều; song ngôn từ của văn chiếu lại là ngôn từ đối thoại. Luôn luôn có một đối tượng xác định cho từng bài văn chiếu, tuỳ theo tính chất và phạm vi xã hội của vấn đề được nêu lên. Chẳng hạn, đối tượng của Thiên đô chiếu là toàn thể thần dân trong nước, nhưng trước hết là đội ngũ quan lại, quý tộc; đối tượng của Bình Nùng chiếu là cha con họ Nùng mang tư tưởng ly khai và những người trực tiếp tham gia cuộc chinh phạt cha con họ Nùng đó; đối tượng của Lâm chung di chiếu là hoàng thân, quốc thích và các quan trong triều, còn đối tượng của Xá thuế chiếu là những viên quan coi việc nông tang và những người nông dân trực tiếp sản xuất lúa gạo...

Ngôn từ đối thoại giúp cho việc bộc lộ tâm tư tình cảm, thái độ của tác giả văn chiếu. Đó là những lời nói, không chỉ thể hiện những mệnh lệnh, mà còn bày tỏ một "nguyện vọng", "mong nuốn", hay lời "đề nghị" của người viết với đối tượng. Vì thế mà lời lẽ trong Thiên đô chiếu là lời phân tích thiệt hơn, thuận nghịch, trong tinh thần đối thoại, trao đổi: "Trẫm mong dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chỗ ở, các khanh thấy thế nào?" Lời lẽ trong Xá thuế chiếu là lời của một người "cùng cảnh ngộ": "Nếu trăm họ no đủ thì trẫm còn lo gì thiếu thốn!" Lời lẽ trong Lâm chung di chiếu vừa là mệnh lệnh, vừa là tâm tình: "Than ôi! mặt trời đã xế, tấc bóng khôn dừng, trăng trối mấy lời, nghìn năm vĩnh quyết"...

Văn chiếu thời Lý thể hiện song song hai yếu tố, mệnh lệnh và lời yêu cầu, lời thuyết phục. Chính hai yếu tố đan xen đó giúp ta có điều kiện ít nhiều được tiếp xúc với tâm hồn của các tác giả văn chiếu! Mặc dù là đơn thoại, trực thoại, song các tác giả văn chiếu lại thường rất chú ý tới đối tượng, bộc lộ rất rõ thái độ, tình cảm đối với đối tượng. Điều đó giúp cho cái tư tưởng thân dân và ý thức vị tha của các bậc vua chúa triều Lý có điều kiện bộc lộ.

Vì sao có tình trạng đó? Có lẽ vì đấy là tác phẩm của những bậc "minh quân", những người biết "lo cho dân", "theo ý dân" biết "tin vào tiền đồ của đất nước, quyết tâm bảo vệ bờ cõi, xây dựng cơ đồ (...) biết vui sống trong tình thân, trong tin tưởng"[8]. Và còn bởi đấy là một thời đại mà sự giản dị, chất phác, hồn nhiên trong mối quan hệ giữa con người với con người khá là đậm đà, khi "đời sống của con người chưa bị lễ giáo nhà Nho ràng buộc gay gắt", "là sự giản dị trong quan hệ con người với con người". Từ cung điện của nhà vua... tới làng mạc của nông dân chưa có những tường hào ngăn cách..."[9]. Cho nên, cũng có thể nói, thông qua tiếng nói quan phương, văn chiếu thời Lý vẫn giúp ta thấy được một vài nét tâm hồn trong con người của các đế vương. Đối tượng của văn chiếu giờ đây không chỉ còn là những kẻ bề tôi chỉ biết cúi đầu tuân phục, mà có khi lại ít nhiều được chú ý tới, được đề cao. Đó là khi địa vị người dân chưa bị khinh rẻ và coi thường, khi giữa họ có thể tìm thấy một sự giao cảm hay một sự thông cảm, điều chỉ có trong phẩm chất của vua chúa một thời thân dân yêu nước.

Thời đại ấy đã sản sinh ra nhiều ông vua tốt, chủ nhân của những bài văn chiếu có giá trị. Không chỉ các bậc minh quân, mà ngay đến những ông vua bị coi là nhu nhược, hèn kém như Lý Cao Tông cũng để lại những ấn tượng khá tốt đẹp trong bài chiếu của mình. Phan Huy Chú nhận xét về vị vua này: "Chơi bời quá độ, bày nhiều việc thổ mộc, trộm giặc nổi lên như ong". Thế nhưng Lý Cao Tông có lúc cũng biết thức tỉnh và hối hận về những lỗi lầm của mình, để biết "hối lỗi", một điều thật sự thậm khó đối bất kể kẻ thống trị nào: "Trẫm còn bé phải gánh vác việc lớn, ở trong chốn cửu trùng sâu thẳm, không biết nỗi khó nhọc của đời sống muôn dân, lại nghe bọn tiểu nhân mà gây oán với người dưới. Dân đã oán thì Trẫm biết dựa vào ai? Nay trẫm sẽ sửa lỗi lầm, cùng trăm họ bắt đầu canh tân" (Truy hối tiền quá chiếu). Đây không phải là một "mệnh lệnh" mà là những lời bộc bạch, tâm tình. Ở đây, dường như đám thần dân không còn quá bé mọn và rẻ mạt, mà có vẻ như còn là người được phán xét những lỗi lầm của vua chúa. Có lẽ đây là bài chiếu hối lỗi duy nhất trong lịch sử Việt Nam, mang một ý nghĩa răn bảo nào đấy với các nhà cầm quyền.

Nói chung các bài văn chiếu thời Lý còn lại đến nay đều ít nhiều là sự bộc bạch trách nhiệm và nghĩa vụ của vua chúa đối với dân, với nước. Lý Thái Tông ngày ngày "thức khuya dậy sớm, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ như lội vực sâu" (Đáp quần thần thỉnh tiến vị hiệu). Lý Nhân Tông với trách nhiệm giữ vững độc lập toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, "luôn luôn nghĩ đến cả trong giấc mộng" (Thỉnh hoàn Vật Dương, Vật ác nhị động biểu). Đây là lời của Lý Thái Tông nói với một vị quan coi ngục: "Ta yêu con ta cũng như bậc cha mẹ trong thiên hạ yêu con cái họ" (Cố Động Thiên công chúa vị ngục lại)... Họ đúng là những người biết lo chung cái lo của thiên hạ, biết vui chung cái vui của thiên hạ, họ không không phải lúc nào cũng chỉ đứng trên nhân dân, mà có lúc biết đứng trong cùng hàng ngũ với nhân dân, thật là tấm gương tốt cho các đế vương muôn đời. Tiếng nói của họ, vì vậy nhiều khi cũng đại diện cho tiếng nói của nhân dân, thống nhất với tiếng nói của nhân dân. Trong bối cảnh đó, Thiên đô chiếu của Lý Công Uẩn thực có những giá trị hết sức tiêu biểu.

2. Những giá trị tư tưởng trong "Thiên đô chiếu"

Nội dung bài Thiên đô chiếu công bố quyết định của Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình ngày nay) ra Đại La (Hà Nội ngày nay), nhưng nó không tách rời khỏi bối cảnh lịch sử, xã hội đương thời. Bởi vì nó không phải chỉ là một tác phẩm phản ánh lịch sử mà nó còn là chính bản thân hiện thực lịch sử. Thông qua Thiên đô chiếu, chúng ta chẳng những thấy được tinh thần, tư tưởng của Lý Công Uẩn mà còn dường như có thể thấy được tinh thần cả một thời đại ấy trước những biến cố lịch sử lớn lao.

Chúng ta biết rằng Hoa Lư chỉ là một vùng đất nhỏ hẹp, được bao bọc bởi những dãy núi. Vị trí của Hoa Lư cho đến ngày nay vẫn thuộc loại "vùng sâu vùng xa", đất chật, xấu, ngập nước quanh năm, không có điều kiện sản xuất, không có khả năng giao lưu văn hoá và giao thương kinh tế. Địa thế ấy chỉ phù hợp cho một thành trì quân sự trong việc phòng thủ và tiến công. Nó càng không phù hợp với một đế đô của một quốc gia. Từ khi còn làm quan trong triều Tiền Lê, Lý Công Uẩn đã thấy rõ điều đó. Vì thế khi vừa lên ngôi, ông đã "thấy thành Hoa Lư ẩm thấp chật hẹp, không đủ làm chỗ ở của đế vương, muốn dời đi chỗ khác"[10].

Chỉ sau khi lên ngôi vài tháng, Lý Công Uẩn quyết định dời đô. Đây là một quyết định táo bạo mang tính lịch sử. Nhưng là một quyết định đã được nhà vua nung nấu, suy xét rất kỹ lưỡng. Vì thế, khi ban Chiếu dời đô, ông đã trình bày quyết định đó không phải bằng một mệnh lệnh khô cứng, chủ quan, áp đặt, mà bằng những lập luận, phân tích hết sức sâu sắc dựa trên cả nhận thức, cả kinh nghiệm lịch sử và cả phân tích thực tiễn của mình.

Chúng ta cần chú ý tới phương pháp lập luận của Lý Công Uẩn không nhằm áp đặt mà nhằm thuyết phục. Bởi ông đưa ra những căn cứ lập luận rất chặt chẽ. Thứ nhất là học tập cổ nhân, tiếp lối truyền thống. Điều này rất cần thiết vì đây là sự kiện trọng đại, cần có tiền lệ tốt làm cơ sở thuyết phục. Ông viết: "Xưa nhà Thương đến vua Bàn Canh 5 lần dời đô, nhà Chu đến vua Thành Vương cũng 3 lần dời đô. Phải đâu các vua đời Tam đại theo ý riêng mình mà tự tiện chuyển dời? Chỉ vì muốn đóng đô ở nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu; trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi. Cho nên vận nước dài lâu, phong tục phồn thịnh". Ông chỉ rõ: "Huống chi thành Đại La, kinh đô cũ của Cao vương, ở vào nơi trung tâm trời đất..."

Không chỉ vận dụng truyền thống, ông còn phân tích thực tế để thấy rõ khả năng hiện thực của hành động dời đô. Ông chỉ rõ những mặt lợi hại của việc dời đô hay không dời đô. Nếu dời đô thì tất được lợi, vì Đại La là "trung tâm của trời đất, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam Bắc Đông Tây, lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà phẳng, đất đai cao mà thoáng, dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt, muôn vật cũng rất mức phong phú tốt tươi. Thật là chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời". Nếu không dời đô thì nhận lấy những hậu quả tai hại nhãn tiền như các vương triều tiền kề: "Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng mình, khinh thường mệnh trời, không theo dấu cũ của Thương, Chu, cứ đóng yên đô thành ở nơi đây, khiến cho triều đại không được lâu bền, số vận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tổn, muôn vật không được thích nghi"... Đồng thời ông vẽ ra cái viễn tượng tươi sáng của "kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời".

Để những lập luận của mình thêm thuyết phục và phù hợp với nhận thức của con người đương thời, Lý Công Uẩn còn vận dụng cả thuyết phong thuỷ khi xem thế đất của thành Đại La vốn "được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam Bắc Đông Tây, lại tiện hướng nhìn sông dựa núi" cho mọi người thêm tin tưởng.

Rõ ràng, bài chiếu lệnh này được xây dựng dựa trên những lập luận lôgic, có phân tích thiệt hơn, nên thuyết phục mạnh mẽ quần thần. Hơn nữa, để mệnh lệnh ấy có thể đi vào lòng người, để nó trở thành ý nguyện và trách nhiệm của quần thần, Lý Công Uẩn đã không ngần ngài "thảo luận", "trao đổi" với họ. Lời kết của bài chiếu không phải là một câu mệnh lệnh mà là một câu hỏi mang ý tính cầu khiến: "Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chỗ ở. Các khanh thấy thế nào?" Vì thế, như Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Bấy giờ [quần thần] đều nói: "Bệ hạ vì thiên hạ mà lập kế dài lâu, để trên cho cơ nghiệp to lớn được thịnh vượng, dưới cho nhân dân được giàu của nhiều người, việc lợi như thế, ai dám không theo?"[11].

Mấy điều có thể được rút ra từ nội dung bài Thiên đô chiếu giúp chúng ta đánh giá rõ hơn giá trị của tác phẩm này:

Trước hết, bài chiếu khẳng định tầm quan trọng của việc dời đô lập quốc. Lý Công Uẩn đã nhận thấy nhu cầu cấp bách của việc dời đô này như một hành động tránh thảm hoạ đoản vận của vương triều. Vì thế bài chiếu thể hiện hành cộng quyết đoán, khẩn trương của nhà vua. Sử chép ông lên ngôi vào ngày Quý Sửu tháng 11 năm Kỷ dậu (21 – 11 - 1009)[12], và quyết định dời đô vào tháng 7 năm Canh tuất (trong khoảng từ 13 – 8 đến 10 - 9 - 1010), chỉ sau gần 9 tháng. Nhưng như lời bài chiếu chê trách nhà Đinh, nhà Tiền Lê thì cái quyết định dời đô đó hình như đã được hình thành ngay từ khi ông còn làm quan cho triều Tiền Lê chứ không phải đợi đến khi ông lên ngôi. Điều đó giải thích cho sự khẩn trương, nhanh chóng của việc dời đô này.

Thứ hai, bài chiếu gắn liền với việc danh đế đô và khát vọng vươn lên của dân tộc. Từ đây, Đại La được đổi thành Thăng Long, gắn với truyền thuyết Rồng Bay, như thể hiện một khát vọng cháy bỏng của nhà vua là muốn xây dựng một đất nước cường thịnh, vươn dậy và bay lên như con rồng thiêng. Sử chép: "Mùa thu, tháng 7, vua dời kinh đô từ thành Hoa Lư sang kinh đô lớn là Đại La của Kinh phủ. Thuyền tạm đỗ ở dưới thành, có rồng vàng hiện ra ở thuyền ngự, vì thế đổi gọi là thành Thăng Long"[13]. Khát vọng đó có lẽ không phải chỉ của riêng Lý Công Uẩn mà của nhiều người, nên mới được nhiều người ủng hộ, tin theo, phục tùng. Bởi đó cũng là điều được Lý Công Uẩn xem là hợp với đạo trời, nên không phải ngẫu nhiên ông nhìn thấy Rồng Bay, cũng như không phải ngẫu nhiên ông đổi niên hiệu thành Thuận Thiên.

Thứ ba, bài chiếu tuyên bố quan điểm thay đổi đường lối chính trị của cả vương triều Lý, chuyển chế độ chính trị từ "vũ trị" sang "văn trị". Chúng ta biết rằng sau khi thoát khỏi chế độ thống trị của các vương triều phong kiến phương Bắc vào năm 938 để xây dựng nhà nước độc lập, tự chủ, trong suốt hơn nửa thế kỷ X, nước Việt đã phải trải qua rất nhiều sóng gió. Sóng gió nhiều nhất là các cuộc nội chiến, là việc tranh giành quyền bính của các tù trưởng, các thủ lĩnh quân sự, là nạn cát cứ phân liệt. Tình trạng bất ổn đó diễn ra suốt các triều Ngô, Đinh, Lê. Nên sự tồn tại của các vương triều đó cũng rất ngắn ngủi. Theo các tài liệu lịch sử, dưới triều nhà Ngô (939 - 967) và nhà Đinh (968 - 980) có 14 vụ nổi dậy, dưới triều Tiền Lê (981 - 1009) có 8 vụ nổi dậy chống lại triều đình[14]. Tình trạng này từng được sư Pháp Thuận ví như sự rối bời của dây quấn trong một bài thơ đọc cho vua lê Đại Hành: "Quốc tộ như đằng lạc" (Vận nước như dây quấn).

Đặc điểm tiêu biểu nhất của các vương triều tự chủ Ngô, Đinh, Lê là việc xây dựng các thể chế quân sự, các nhà nước quân sự. Nền chính trị của đất nước được xây dựng trên cơ sở "vũ trị" (thống trị bằng vũ lực). Vì thế mà ta thấy các bậc đế vương và người đương thời thường tôn vinh sức mạnh quân sự, sức mạnh cơ bắp hơn là sức mạnh kinh tế, văn hoá và trí thức. Những hình ảnh sức mạnh cơ bắp và sức mạnh quân sự được đề cao. Ngô Vương Quyền gắn với hình ảnh "tay nâng đỉnh", "thong thả như cọp, có trí dũng, sức có thể cầm vạc giơ lên"[15]. Đinh Tiên Hoàng gắn với hình ảnh viên tướng bách chiến bách thắng, nên khi làm vua thì vẫn là Vạn Thắng Vương, "phàm đánh đâu cũng dễ như chẻ tre, gọi là Vạn Thắng Vương"[16]. Lê Đại Hành cũng vậy, là hình ảnh viên dũng tướng Thập đạo tướng quân, "làm quan nhà Đinh đến chức Thập đạo tướng quân"[17] rồi mới làm vua, nổi tiếng có tài quân sự... Các vị vua ấy đều là các vị tướng giỏi, đều xuất thân từ trận mạc, và bảo vệ ngai vàng bằng sức mạnh quân sự. Vì thế, ta hiểu vì sao họ thường chọn nơi hiểm yếu để đóng đô, vì sao mà các vị đế vương ấy muốn giữ lấy thành luỹ quân sự Hoa Lư, và vì sao "triều đại không được lâu bền, số vận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tổn, muôn vật không được thích nghi"... Bởi vì kinh đô đó là kinh đô quân sự của nhà nước "vũ trị" chứ không phải là kinh đô văn hoá – chính trị của nhà nước "văn trị".

Nội dung bài Thiên đô chiếu cho chúng ta thấy cái ý tưởng xây dựng đế đô và xây dựng đất nước của Lý Công Uẩn. Một bài chiếu ngắn ngủi chưa có điều kiện nói thật rõ về điều này, nhưng nó hé mở cho thấy tương lai khi tác giả vẽ lên cái viễn tượng đẹp đẽ tươi sáng của kinh đô, của đất nước, ấy là "chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời", của nơi "dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt, muôn vật cũng rất mức phong phú tốt tươi". Định đô là để xây dựng vương triều, ổn định đất nước, phát triển sản xuất, lo đời sống muôn dân. Mục tiêu xây dựng quân đội không thể không còn, nhưng đó không phải là mục tiêu duy nhất, và cũng không phải là mục tiêu được ưu tiên nhất. Ưu tiên nhất là xây dựng một xã hội thịnh vượng về chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục... Thăng Long đáp ứng tốt nhất cho những mục tiêu đó chứ không phải cho việc xây dựng nhà nước quân sự. Thăng Long không phải là thành luỹ quân sự, điều này đã được lịch sử chứng minh qua các cuộc chiến tranh từ thời Lý cho đến thời hiện đại.

Thứ tư, bài chiếu thể hiện tầm nhìn chiến lược của Lý Công Uẩn. Đó là cái nhìn toàn diện địa - chính trị - kinh tế - văn hoá đã thay thế cho cái nhìn cục bộ địa – quân sự của các thủ lĩnh quân sự đương thời. Đó cũng là cái nhìn lâu dài thay cho cái nhìn nhất thời. Đó là tầm nhìn xa rộng của một ông vua biết lo cho dòng tộc nhưng không quên dân tộc và đất nước. Đúng là, "mặc dù có những chỗ chưa thoát khỏi quan niệm phong thuỷ, cách đặt vấn đề của bài văn chứng tỏ một tầm nhìn khác hẳn trước của những người lãnh đạo nhà nước phong kiến tự chủ. Đã bắt đầu biết nhìn xa trông rộng, biết đón trước xu thế lịch sử, biểu hiện qua việc chọn một địa điểm mới làm kinh đô và đặt nó trong mối quan hệ mật thiết với chiều hướng phát triển của tổ quốc"[18].

Thứ năm, bài chiếu trình bày quan điểm xử lý mối quan hệ giữa quyền lợi giữa triều đình và của nhân dân, của dòng tộc và của đất nước. Bài chiếu đặt mục đích dời đô là lo về vận số của vương triều, của dòng họ: "Chỉ vì muốn đóng đô ở nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu", nhưng mục đích đó gắn liền với số phận quốc gia, dân tộc, số phận nhân dân: "trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi. Cho nên vận nước dài lâu, phong tục phồn thịnh". Đây có thể xem là một điều nổi bật trong tư tưởng chính trị của Lý Công Uẩn mà không phải ông vua nào cũng có được. Giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa quyền lợi vương triều với quyền lợi nhân dân là mục tiêu đặt ra cho việc dời đô. Chỉ có như thế thì Lý Công Uẩn mới có thể biến Đại La – Thăng Long trở thành "kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời", chỉ có như thế thì vương triều Lý mới tránh khỏi cái "vận số ngắn ngủi".

Khó có thể hình dung hết được sự tích hợp những giá trị to lớn của tinh thần và tư tưởng Lý Công Uẩn chỉ trong một bài chiếu vỏn vẹn có 214 chữ.

3. Những giá trị nghệ thuật của tác phẩm "Thiên đô chiếu"

Ở thời Lý, người Việt Nam tiếp thu hầu như nguyên vẹn hình thức thể loại của văn chiếu Trung Quốc. Tuy nhiên, nó đã được chú ý khai thác và phát huy những tiềm năng sẵn có để thể hiện nhu cầu của con người. Nhiều tác phẩm đã đạt tới trình độ hoàn mỹ ngay từ thời này. Điều này có thể thấy trong các đánh giá của các học giả thời phong kiến. Phạm Đình Hồ viết: "Ta thường xét về văn hiến nước ta, văn đời Lý thì già giặn, súc tích, phảng phất như văn đời Hán. Xem như bài Thiên đô chiếu của Lý Thái Tổ (...), bài Di chiếu của Lý Nhân Tông, thì biết"[19]. Mai Đăng Lệ trong Việt sử đại toàn viết: "Xem những chiếu lệnh về đời này, lời lẽ hồn hậu, cổ kính y như văn Tàu về đời Tiền Hán vậy"[20]. Sau này, nhà văn Ngô Tất Tố, một người rất thông thạo cổ văn cũng công nhận: "Về phần tản văn thì bài Di chiếu của Nhân Tông là khá hơn hết… "[21].

Về mặt thể loại, có người xếp văn chiếu vào loại tản văn[22], có người lại xếp văn chiếu vào loại biền văn[23]. Như chúng ta đều biết, văn chiếu có thể là văn xuôi, tản văn, biền văn, thậm chí cả văn vận nữa[24]. Song, văn chiếu thời Lý chủ yếu thuộc loại biền văn.

Thiên đô chiếu là tác phẩm văn học thuộc thể biền văn thành công đầu tiên ở Việt Nam. Hình thức nghệ thuật của nó tiếp thu hình và thể hiện được những đặc điểm cơ bản của biền văn Trung Quốc. Nó sử dụng các hình thức phổ biến nhất của biền văn như đối trượng, biền ngẫu, dùng điển, tán ngữ, đối tỷbài tỷ, trong đó lấy đối ngẫu làm hình thức chủ yếu. Vì vậy, ở đây chúng ta cần tìm hiểu một vài nét về hình thức biền văn của tác phẩm này.

Đối trượng trong tác phẩm

"Đối trượng cũng gọi là đối ngẫu, hoặc ngẫu ngữ. Quy tắc cơ bản của nó là yêu cầu giữa hai câu, số chữ bằng nhau, từ tính đối nhau, kết cấu ngữ pháp giống nhau. Thông thường hai câu kết hợp thành một liên, câu trên là thượng liên, câu dưới là hạ liên, kết cấu từ tổ của hai câu phải nhất trí, chủ vị đối chủ vị, động tân đối động tân, động bổ đối động bổ, tịnh liệt đối tịnh liệt, thiên chính đối thiên chính. Giữa hai liên, những từ ngữ cùng vị trí tất phải danh từ đối danh từ, động từ đối động từ"[25].

Trên thực tế có rất nhiều chủng loại và phương pháp đối trượng. Về ý, Lưu Hiệp trong Văn tâm điêu long, Lệ từ, chia ra bốn cách đối: ngôn đối, sự đối, phản đối, chính đối. Về loại, từ đời Đường chia ra làm hai loại: đối đồng loại (tên đối tên, vật đối vật, màu đối màu...), đối khác loại (động vật đối thực vật, thiên văn đối địa lý, thời gian đối không gian...). Về tính chất từ ngữ, chia ra đối thanh, đối vận. Về cú pháp, chia ra đối song cú, đối cách cú, đối đương cú, đối hồi văn, đối lưu thuỷ[26]...

Các hình thức đối trượng chủ yếu ở trong Thiên đô chiếuđối đồng loại: "Trạch thiên địa khu vực chi trung, đắc long bàn hổ cứ chi thế". đối khác loại: "Thượng cẩn thiên mệnh, hạ nhân dân chí". Có cả đối bài tỷ. Đây là hình thức nghệ thuật lặp đi lặp lại trên ba lần một kiểu câu giống nhau, về từ loại có thể đối (và cũng có thể không đối) nhau. Ví dụ: "Trạch thiên địa khu vực chi trung, đắc long bàn hổ cứ chi thế, chính nam bắc đông tây chi vị, tiện giang san hướng bối chi nghi...". Lại có đối đối tỉ. Đây là hình thức hai vế đối nhau, nhưng số chữ không nhất định bằng nhau, từ loại không nhất định đối nhau...

Tán ngữ trong văn chiếu

Trong Thiên đô chiếu có những câu đơn, không có đối. Loại này chiếm tỷ lệ thấp. Ví dụ: "Trẫm dục nhân thử địa lợi dĩ quyết cư, khanh đẳng như hà?"

Số chữ trong câu văn

Trong Thiên đô chiếu thời Lý, câu văn đối có từ 3 chữ đến 8 chữ, nhưng chủ yếu là loại 4 chữ và 6 chữ, không nằm ngoài kiểu câu cơ bản của biền văn là câu "tứ lục". Loại câu ngũ ngôn ít. Ví dụ: "Cẩu hữu tiện triếp cải; cố quốc tộ diên trường..." Loại câu thất ngôn tương đối nhiều. Ví dụ: "Trạch thiên địa khu vực chi trung, đắc long bàn hổ cứ chi thế"... Loại câu bát ngôn hiếm. Các câu nhiều chữ hơn lại càng hiếm. Chỉ phổ biến kiểu câu 4 chữ và 6 chữ. Ví dụ:

- "Thượng cẩn thiên mệng, hạ nhân dân chí... Bách tính hao tổn, vạn vật thất nghi..."

- "Kỳ địa quảng nhi thản bình, quyết thổ cao nhi sảng khải"

Việc dùng điển

Dùng điển là một thuộc tính của biền văn. Trong văn học Trung Quốc có nhiều loại điển và nhiều cách dùng điển, như: chính dụng, phản dụng, phiên dụng, tá dụng, ám dụng, đối dụng, ước dụng, phân chương, minh ý... Văn chiếu thời Lý ít dùng điển, mà chủ yếu là trực tiếp nêu sự việc, bày tỏ ý tình, trình bày vấn đề rành mạch rõ ràng, thiết thực. Song vẫn có một số trường hợp dùng điển, như trong Thiên đô chiếu, chủ yếu theo phép chính dụng, trực tiếp liệt cử, viện dẫn điển phù hợp với việc định nói, hoặc tá dụng, mượn cổ nói kim, làm cơ sở, căn cứ để khẳng định vấn đề nêu lên. Ví dụ: "Tích Thương gia chí Bàn Canh ngũ thiên, Chu thất đãi Thành vương tam tỷ... Huống Cao vương cố đô Đại La thành..."

Thanh luật câu văn 

Thiên đô chiếu có tiết tấu của biền văn. Tiết tấu đó phụ thuộc vào loại câu văn là tứ ngôn, ngũ ngôn, lục ngôn, hay thất ngôn. Với câu tứ ngôn, cách ngắt nhịp chủ yếu là 2/2: "Bách tính / hao tổn, vạn vật / thất nghi". Nhưng có khi là nhịp 1/3, ví dụ:"Thượng / cẩn thiên mệng, hạ / nhân dân chí". Với câu ngũ ngôn, cách ngắt nhịp thường là 2/3, 2/1/3, hay có khi 3/2: "Cẩu hữu tiện / triếp cải; cố quốc tộ / diên trường..." Với câu lục ngôn, chủ yếu ngắt nhịp 3/3 (hay 3/1/2): "Kỳ địa quảng/ nhi thảnh bình, quyết thổ cao/ nhi sảng khải". Hay cũng có khi 2/2/2. Với câu thất ngôn, chủ yếu là cách ngắt nhịp 3/4 hay (1/2/2/2): "Trạch thiên địa/ khu vực chi trung; Đắc long bàn/ hổ cứ chi thế". Hay ngắt nhịp 5/2, 2/5 (hoặc 2/3/2): "Dân cư/ miệt hôn điếm/ chi khốn, Vạn vật/ cực phồn phụ/ chi phong"…

Nói chung về thanh luật, cũng như các bài văn chiếu thời Lý khác, Thiên đô chiếu mô phỏng thanh luật văn biền ngẫu của Trung Quốc. Bởi vì văn chiếu là một trong những thể loại văn xuôi đầu tiên của Việt Nam tiếp thu hầu như nguyên vẹn hình thức nghệ thuật của văn chiếu Trung Quốc, song lại là thể loại văn học đạt tới sự hoàn chỉnh và hoàn thiện về nghệ thuật. Điều đó chứng tỏ sự tiếp thu, lựa chọn thể loại này đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, và việc sử dụng thành thạo nó vào phục vụ cuộc sống là đáp ứng những nhu cầu cấp bách của con người thời này.

Thiên đô chiếu cũng như các bài văn chiếu thời Lý ngoài mục đích chính là thể hiện ý chí của vương triều, thì ít nhiều đều cho chúng ta thấy được cái ý thức cộng động, tinh thần "hoà giản an lạc" của những bậc đế vương của một thời thân dân yêu nước. Vì thế, tuy là một loại văn vay mượn của nước ngoài, nhưng khi nội dung đã thay đổi cho phù hợp với tâm hồn người Việt, thì vốn từ ngữ, cách thức biểu cảm của văn chiếu chắc cũng có ít nhiều thay đổi theo, và điều đó có nghĩa là, trên một phương diện nào đó, văn chiếu thời Lý có cách tân và sáng tạo nhất định so với văn chiếu Trung Quốc, để mang tính dân tộc và thời đại...

*

Tìm hiểu giá trị tác phẩm Thiên đô chiếu của Thái Tổ Lý Công Uẩn trong nền văn học Việt Nam cổ chắc chắn còn cần nhiều lý giải khác nữa, như vai trò của văn học chức năng, văn học quan phương, văn học "bất phân văn - sử - triết", hay là những vấn đề liên quan đến sự tiếp biến văn hoá và yếu tố bản địa trong văn học thời kỳ này... Nhưng chỉ với những điều kể trên, Thiên đô chiếu quả là một tác phẩm có giá trị hết sức to lớn, chẳng những phản ánh sâu sắc tinh thần của con người Đại Việt thời lập quốc, mà còn là một trong những tác phẩm nghệ thuật quan trọng góp phần xây nền đắp móng cho văn học viết Việt Nam đầu thời kỳ tự chủ./.

Nguyễn Phạm Hùng

Đại học Quốc gia Hà Nội

Chú thích:

*Đa tạ Tiến sĩ Vũ Ngự Chiêu đã bổ chính nhiều sử liệu cho bài viết này.

[1] "Vua họ Lý, huý Công Uẩn, người châu Cổ Pháp, Bắc Giang, mẹ là họ Phạm, đi chơi chùa Tiêu Sơn cùng với người thần giao cấu rồi có chửa, sinh ra vua... Vua sinh mới 3 tuổi, mẹ đẻ ẵm đến nhà Lý Khánh Văn. Khánh Văn nuôi làm con" (Quốc sử quán triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, Tập I, Nxb Khoa học xã hội, H. 1972, tr. 189)

[2] "Lúc còn trẻ thơ đến học ở chùa Lục Tổ, nhà sư Vạn Hạnh thấy khen rằng: "Đứa bé này không phải là người thường, sau này lớn lên, tất có thể giải quyết được mọi việc khó khăn, làm vua giỏi trong thiên hạ" (Quốc sử quán triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, Tập I, Sđd, tr. 189).

[3] "Mùa đông, tháng 10, ngày Tân Hợi, vua băng ở trên tẩm điện. Gọi là Ngoạ Triều vì có bệnh trĩ, nằm mà coi chầu... Tháng ấy ngày Quý Sửu, Lý Công Uẩn tự lập làm vua... Khi ấy Chi hậu là Đào Cam Mộc do biết Công Uẩn có ý muốn nhận truyền ngôi, mới nhân lúc vắng người hỏi để gợi xem... Công Uẩn nghe thấy Cam Mộc nói thế, trong bụng thích... Cam Mộc biết việc cần kíp, sợ để chậm sẽ sinh biến mới nói chuyện với khanh sĩ và các quan, ai cũng vui lòng theo cả, ngay ngày hôm ấy đều họp cả ở trong triều... cùng nhau dìu Công Uẩn lên chính điện, lập làm thiên tử lên ngôi" (Quốc sử quán triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, Tập I, Sđd, tr. 186-187).

[4] Đàm Gia Kiện: Lịch sử văn hoá Trung Quốc. Nxb Khoa học xã hội, H. 1993.

[5] Đàm Gia Kiện: Lịch sử văn hoá Trung Quốc. Sđd.

[6] Viện Văn học:Thơ văn Lý-Trần, T. I, Nxb Khoa học xã hội, H. 1977.

[7] "Bài chiếu này lấy danh nghĩa Chiêu Hoàng, theo ĐVSKTT, được ban bố vào ngày 21 tháng 10 năm Ất Dậu (tức ngày 22 tháng 11 năm 1225)" (Thơ văn Lý - Trần, T. I, sđd, tr. 564). Có lẽ điều ghi trên là nhầm. Theo sử quan nhà Nguyễn, ngày 20/1/1226 [21/12 Ất Dậu], Lý Chiêu Hoàng ban chiếu và làm lễ nhường ngôi cho Trần Nhật Cảnh (1218-1277), tức Trần Thái Tông (1226-1258). (CM,CB, V:43, 1998, I:440-41 [ngày 21/12 Ất Dậu [20/1/1226], ban chiếu nhường ngôi]). Theo sử quan Tây Sơn và Hậu Lê, các quan vào chầu ngày 21/10 Ất Dậu [22/11/1225] mừng vua có chồng; Chiếu nhường ngôi và lễ truyền ngôi ngày Mậu Dần [11]/12 Ất Dậu [tức 10/1/1226]. Sử Hậu Lê (ĐVSKTT, Bản kỷ), ghi nhường ngôi ngày Mậu Dần [11]/12 Ất Dậu [10/1/1226]. (ĐVSKTT, Bản kỷ, IV:34, Thọ (2009), I:434-35. Bản dịch Cao Huy Giu (1967) I:309-310; II:5 [kỷ nhà Trần, ghi ngày 12/12 Ất Dậu, không hiểu dùng lịch nào; Bản dịch kỷ nhà Trần của Hoàng Văn Lâu (2009), ghi Trần Nhật Cảnh lên ngôi ngày Mậu Dần, nhưng chuyển thành 12/12 Ất Dậu, không hiểu dùng lịch nào; Ibid., V:1b, Lâu (2009), II:8. Sử nhà Tây Sơn (Ngô Thì Sĩ et al., Đại Việt Sử Ký Tiền Biên), cũng ghi truyền ngôi ngày Mậu Dần [11]/12 Ất Dậu [10/1/1226]. ĐVSKTB, Bản Kỷ, IV:47, 1997:311-12. Tóm lại, nhà Lý chính thức chấm dứt năm 1226 [dù nhường ngôi ngày 20/1/1426 hay 10/1/1226], chứ không phải năm 1225.

[8] Đặng Thai Mai: Mấy điều tâm đắc khi đọc lại văn học của một thời đại. Thơ văn Lý Trần, T. I, Sđd.

[9] Đặng Thai Mai: Mấy điều tâm đắc khi đọc lại văn học của một thời đại. Thơ văn Lý Trần, T. I, Sđd.

[10] Quốc sử quán triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, T. I, Sđd, tr. 190.

[11] Quốc sử quán triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, T. I, Sđd, tr. 191.

[12] ĐVSKTB, Bản Kỷ, I:41b, 1997:185. Sử Hậu Lê cũng ghi tương tự: ĐVSK, BKTT, I:30a, Thọ (2009), I:291. KĐVSTGCM của nhà Nguyễn đoạn này không rõ; nói Long Đĩnh chết vào tháng 10 Kỷ Dậu, hai ngày sau Lý Công Uẩn lên ngôi. (CM, CB, II:2, 5-6; 1998, I:278, 281-282). Thực ra, Long Đĩnh chết vào cuối tháng 10 [ngày Tân Hợi, 30/10] Kỷ Dậu, hai ngày sau, Lý Công Uẩn lên ngôi tức "ngày Quí Sửu [2] tháng 11 Kỉ Dậu [21/11/1009]." [theo Lịch Vạn Niên của Lý Quí Ngưu].

[13] Quốc sử quán triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, T. I, Sđd, tr. 191. Trong tờ chiếu dời đô, vua nói Hoa Lư ẩm thấp, chật hẹp, thành Đại La ở vào nơi trung tâm trời đất, được cái thế "rồng lượn, hổ chầu." (ĐVSK, BKTT, II:2a-3a, Thọ (2009), I:296-97 [vua tự tay viết chiếu, ghi vào tháng Hai Canh Tuất, 13/8-10/9/1010]; Giu (1967), I:190-1; ĐVSKTB, BK, II:3b, 1997:193 [ghi vào tháng Hai Canh Tuất, 13/8-10/9/1010]; CM. CB, II:9-10; 1998, I:285-86 [không nhắc đến chiếu. Chỉ nói dụ bề tôi rằng, vào tháng 7 Canh Tuất]) Có rồng vàng xuất hiện, đổi tên làm Thăng Long [rồng bay lên = hào cửu, quẻ càn [kiền]?]. (ĐVSK, BKTT, II:2b-3a, Thọ (2009), I:296-97 ĐVSKTB, BK, II:3b, 1997:194; Sử nhà Nguyễn, KĐVSTGCM không ghi là Cao Vương, gọi tên Cao Biền. Phần lời chua, ghi Thăng Long Thành: Theo Hà Nội sách, nhà Lý gọi là thành Thăng Long; nhà Trần đổi làm Đông Đô; thuộc Minh là Đông Quan; nhà Lê là Đông Kinh. Đời Gia Long đổi chữ Long [ bộ Long, Thiều Chửu, 816 và 817] là "rồng", thành chữ Long [bộ Phụ, Thiều Chửu, 739] là "đầy tràn", "thịnh vượng". CM, CB, II:9-10; 1998, I:285.

[14] Theo Nguyễn Danh Phiệt. Sự nghiệp thống nhất đất nước thời Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần với kỷ nguyên Đại Viêt. In trong Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý Trần, NXB Khoa học xã hội, H. 1981, tr. 413.

[15] Quốc sử quán triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, T. I, Sđd, tr. 147

[16] Quốc sử quán triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, T. I, Sđd, tr. 154.

[17] Quốc sử quán triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, T. I, Sđd, tr. 166.

[18] Nguyễn Huệ Chi: Mục từ Lý Công Uẩn, trong Từ điển văn học, T. I, Nxb Khoa học xã hội, H. 1983.

[19] Phạm Đình Hồ: Vũ trung tuỳ bút. Nxb Văn học, H. 1972.

[20] Dẫn theo Nguyễn Đổng Chi: Việt Nam cổ văn học sử. Nxb Hàn Thuyên, H. 1942.

[21] Ngô Tất Tố: Việt Nam văn học. Văn học đời Lý. NXB Mai Lĩnh, H. 1942.

[22] Ngô Tất Tố: Việt Nam văn học. Văn học đời Lý. Sđd

[23] Nguyễn Huệ Chi: Khảo luận văn bản. Thơ văn Lý - Trần. T. I, NXB Khoa học xã hội, H. 1977.

[24] Viện Văn học: Từ điển văn học, T. I, NXB Khoa học xã hội, H. 1983.

[25] Đàm Gia Kiện: Lịch sử văn hoá Trung Quốc. Sđd.

[26] Lưu Hiệp: Văn tâm điêu long, Trung Hoa thư cục, Bắc Kinh, 1962, Phan Ngọc dịch, giới thiệu và chú thích. Bản đánh máy, tư liệu lưu tại Viện Văn học.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12245)
(Xem: 13783)
(Xem: 15057)
(Xem: 14637)
(Xem: 14627)
(Xem: 15231)
(Xem: 14066)
(Xem: 13817)
(Xem: 13854)
(Xem: 14747)