- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Hoa Xuân

17 Tháng Giêng 200912:00 SA(Xem: 10351)

w-hopluu98-f2-t164_0_300x114_1hôm nay tôi đứng trên thềm rất lạ
mặt trời sưởi ấm hai bàn tay tôi
bàn tay chạm lên vết thương vắng mặt
vết thương nở tung những đóa hoa vàng

(thơ Trần Mộng Tú)

 

 

Chiếc điện thoại cầm trên tay rung lên, ông hét:

"Cô biết tôi bao nhiêu năm nay, sao cô còn mai mối con bé ấy cho thằng Đoàn? Tôi... tôi không thể làm sui gia với Việt Cộng! Cô... cô đừng gọi cho tôi nữa."

Dứt lời, ông nện cái điện thoại xuống bàn đánh cộp làm bà giật nảy mình. Mọi lần thể nào bà cũng càu nhàu ông vài câu, nhưng hôm nay, bà cũng đang giận tím ruột! Ông nện cái điện thoại xuống bàn, chứ ông quẳng nó ra sân thì bà cũng nhắm mắt làm ngơ. Ai đời, cô em họ của ông bà, thì thầm to nhỏ với thằng Đoàn ba tháng nay, làm mai cho nó một cô cháu họ bên chồng của cô ở Việt nam, mà lại không thông qua ông bà. Thằng Đoàn bay về Việt Nam một chuyến, tiếng sét tình yêu phang cái rầm, trở lại Mỹ, nằng nặc xin bố mẹ lo việc cưới hỏi cho nó. Nghe kể, xem hình, ông bà cũng vừa lòng. Đất khách tha hương, còn gì hơn là cưới được cô con dâu người Việt. Con bé kia cũng xinh người, đẹp nết (điều này thì ông bà được cô em họ bảo đảm). Con bé là cháu của nhà em, gia đình nề nếp, anh chị không phải lo. Đấy là cô bảo đảm về gia thế bên ngoại của nó (vì mẹ nó là chị họ của chồng cô), chứ còn bên nội của nó, cô nào biết rõ gốc gác.

 

Bà dọn cơm lên bàn, ông và cơm vào miệng, trệu trạo nhai như nhai đá, rồi thừ người ra, phân trần với bà:

"Bà nghĩ xem thế có tức không chứ. Nó biết tôi có mối thù truyền kiếp với tụi Việt Cộng, mà còn mai mối cho thằng Đoàn con bé ấy. Nó có đẹp người, đẹp nết mấy đi nữa mà dây mơ rễ má với Việt Cộng là tôi không đồng ý. Cũng may là tôi nói chuyện với bố con bé đấy nhá, nếu không thì… khốn nạn cho cả họ."

Sáng ngày, thằng Đoàn đưa phone cho ông để gọi về Việt Nam nói chuyện với bên đàng gái lo việc cưới hỏi. Ông hớn hở chào ông sui tương lai, vui vẻ hỏi thăm, kề cà chuyện vãn. Thăm hỏi được đôi câu, ông ngờ ngợ, không hiểu ông sui người gốc ở đâu mà nói chuyện với ông nào là phấn đấu, triển khai, tăng năng xuất, rút kinh nghiệm, hồ hởi, v.v... nghe sao na ná giống như cách nói chuyện của mấy tên quản giáo canh giữ ông ngày ông còn bị đi cải tạo ở tận miền núi Bắc Việt. Càng nghe ông sui nói chuyện, ông càng ngờ, bàn tay cầm điện thoại mồ hôi tươm ra ướt rượt, tai ông lùng bùng, tim ông đập thình thịch. Ông ừ ừ, à à cho xong câu chuyện, gác máy, túm ngay lấy thằng con:

"Gia đình con bé ấy gốc gác ở đâu?"

Đoàn ấp úng:

"Dạ, thì cũng người Bắc như mình."

"Nhưng mà Bắc năm tư hay là Bắc bảy lăm?"

Thấy bố gặn hỏi, Đoàn đành nói thật:

"Bố cô ấy là bộ đội về hưu."

"Vậy là Việt Cộng hả? Không được. Bố không chấp nhận cho con lấy con gái của Việt Cộng."

"Trời! Ông ta giải ngũ từ hồi năm tám mươi lận bố ơi!" Đoàn cố gắng phân trần.

Ông dứt khoát:

"Không được! Bố đã thề không bao giờ quên mối thù này. Không cưới hỏi gì hết. Con muốn lấy ai cũng được, Mỹ, Mễ, Tàu, Chà Và, ngay cả... Mỹ đen, trừ Việt Cộng!"

*

Đoàn ngồi thừ người trên chiếc ghế đệm tròn. Đêm đã khuya. Những tiếng động thân quen ngoài phòng khách và nhà bếp đã ngừng hẳn từ lâu. Người phải về thì đã về. Người phải nghỉ ngơi thì đã ai về phòng nấy. Hơn một tuần nay, chàng đã bỏ bữa ăn tối với gia đình, điều mà chàng chưa bao giờ từng làm. Tuy sống ở Mỹ đã gần hai mươi năm, gia đình chàng vẫn còn giữ truyền thống từ hồi còn ở Việt Nam. Buổi sáng và buổi trưa, vì bận rộn với công việc làm, mọi người ăn uống riêng lẻ, nhưng bữa cơm tối bao giờ cũng đầy đủ mọi người, từ những người anh, người chị của chàng đã lập gia đình đều về tụ tập ăn cơm chung gia đình. Chàng biết cả nhà không ai vui vì việc chàng nhất định chống lại ý kiến của bố, nhưng chàng không thể nào nhường được trước quyết định hết sức vô lý của ông. Chàng không cố chấp như bố. Ân oán hận thù sẽ kéo dài cho đến bao giờ. Cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn đã làm tan nát bao nhiêu gia đình Việt nam. Cuộc chia tay năm 1954, tưởng rằng ngắn ngủi, không ngờ đã là sự bắt đầu cho bao nhiêu đổ vỡ trái ngang của một dân tộc, của những gia đình mà một nửa đành đoạn rời xa đất tổ di cư vào Nam, một nửa bấm bụng ở lại chăm nom hương hỏa, mồ mả ông bà. Mấy chục năm sau gặp lại, bỗng nhiên cha con, anh em trở thành kẻ thù của nhau. Còn gì đau đớn hơn? Còn gì cay đắng hơn?

 

Trước mặt chàng là tấm ảnh bán thân của Liên. Chàng mến Liên ngay sau lần nói chuyện điện thoại viễn liên đầu tiên. Rồi sau lần về Sài gòn thăm Liên thì chàng hiểu rằng cuộc đời chàng từ nay không thể thiếu hình bóng người con gái dễ thương đó. Liên không đẹp sắc sảo, không cấp tiến, không thời trang như những cô gái tại Việt nam chàng gặp trước đây. Liên mộc mạc, giản dị với những ước mộng thật bình thường. Đoàn yêu Liên cũng vì lẽ đó. Trong khi những cô gái đồng trang lứa với Liên đua nhau đi học ngôn ngữ nước ngoài, học vi tính, cầu mong được lấy chồng Đài Loan, chồng Đại Hàn, chồng Mỹ, chồng Pháp, v.v. thì Liên chỉ lo học may, học thêu, học nữ công gia chánh. Khi chọn Liên, chàng chắc rằng nàng sẽ được lòng bố mẹ vì nàng nết na hiền thục. Ở Liên, chàng tìm thấy tất cả những nét đẹp tiêu biểu của người con gái Việt. Thế nhưng, mọi dự tính của chàng đều như những mồi châm làm bùng lên ngọn lửa hận thù của bố. Từ ngày biết lý lịch "con gái Việt cộng" của Liên thì bố đã "cấm vận" với chàng. Ngay cả mẹ, người vẫn chiều chuộng theo mọi ý thích của chàng từ thủa bé cũng về phe bố mà chống lại với chàng.

 

Có tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Chàng định giả vờ ngủ không lên tiếng. Chàng không muốn ai can thiệp vào chuyện của chàng. Hơn ba mươi tuổi, chàng muốn tự mình quyết định lấy tương lai. Định thế, nhưng khi nghe giọng mẹ bên ngoài, chàng vội đứng dậy mở cửa.

"Khuya rồi, sao mẹ chưa đi ngủ?"

"Mẹ muốn nói chuyện với con." Giọng mẹ chàng mệt mỏi.

Biết mẹ muốn khuyên mình, Đoàn lạnh lùng:

"Xin mẹ hãy để cho con tự quyết định. Bố có lý do của bố, con hiểu, nhưng con và Liên thương nhau lắm…"

"Biết nó thương con thiệt, hay thương cái mác Việt kiều của con!"

Đoàn nghe lòng bất nhẫn. Đứa con gái ở Việt Nam nào thương chàng đều bị mẹ chàng liệt kê vào danh sách thương "mác Việt Kiều" của chàng. Chàng xẵng giọng:

"Thương hay không, con cũng nhất quyết sẽ về làm đám cưới với Liên vào tháng tới."

Nói xong, chàng lại ân hận thương mẹ. Chẳng qua, mẹ cũng chỉ vì thương yêu lo lắng cho chàng. Đoàn nhỏ giọng:

"Con biết Liên không phải là loại người như vậy."

Biết khó có thể lay chuyển được lòng chàng lúc này, mẹ chàng chuyển tông:

"Thôi thì, con thương ai, con lấy người đó, hạnh phúc đời con, con tự lo lấy. Mẹ chỉ xin con một điều là để từ từ bố hết giận, rồi mẹ lo."

Mẹ chàng ngồi xuống góc giường, chậm rãi đưa tay bóp dài theo đôi chân. Đoàn ngồi xệp xuống trên sàn nhà nắn bóp chân cho mẹ. Chàng biết chứng tê thấp đang trở lại hành hạ đôi chân của bà. Từ ngày còn ở Việt Nam, chứng tê thấp vẫn thỉnh thoảng làm nhức nhối những khớp xương chân tay, cộng thêm vết thương nơi đầu gối làm bà đau đớn. Đầu gối chân phải của bà còn một vết sẹo sâu hoắm in dấu ngày bà bị bọn cướp chận đường khi bà trở về nhà sau một ngày bán buôn ở chợ trời. May mà hai tên cướp còn có lương tâm chỉ bắn vào chân bà, để bà sống sót lo lắng cho ông lúc ấy đang ở tù và bốn đứa con thơ dại trông vào hai bàn tay còm cõi của bà.

Đoàn dùng dầu nóng xoa bóp bắp chân và hai bàn chân cho bà. Chàng nhắc:

"Nếu đau quá thì mẹ phải uống thêm thuốc."

"Thì mẹ vẫn phải uống thêm thuốc đó chứ. Già rồi, sinh ra đủ mọi thứ bịnh."

Ngừng vài giây, bà lại hướng câu chuyện về Đoàn:

"Con nghe lời mẹ, từ tù rồi tính. Bố con gây nhau, mẹ rất buồn lòng. Mẹ biết con là đứa có hiếu, con đừng làm bố buồn."

Đoàn biết khó lòng mà giải thích cho mẹ hiểu. Tuy mẹ không "ngoan cố" như bố, nhưng nỗi đau của chia ly, nỗi khổ của gian lao những năm tháng cũ ở quê nhà còn hằn in trên trán bà những nếp đau sâu đậm, khó mà quên đi trong một sớm một chiều. Chàng lấp lửng:

"Thôi, mẹ đi ngủ đi. Để con bàn lại với Liên xem sao."

 

*

 

Ông cầm chiếc cuốc lủi thủi ra vườn. Mặt trời vừa ló dạng, nắng sớm dịu dàng trải nhẹ trên mảnh vườn nhỏ lú nhú các loại rau thơm. Húng quế, ngò ôm, hành lá cho tô phở thơm phức của ông; kinh giới, tía tô cho tô bún riêu đỏ rực gạch cua của thằng Đoàn; ớt chỉ thiên cay xé lưỡi cho nồi bún bò của con Hạnh; những trái bầu xanh nõn nà cho món canh bầu nấu tôm ngọt lịm của bà. Mỗi loại vài bụi, mỗi thứ vài cây mà cũng mất tiêu bao nhiêu thời giờ của ông. Mùa xuân nào ông cũng gầy giống, lên luống trồng các loại rau. Các giống rau ông trồng sống vừa vặn được tới mùa đông thì chết cõi. Mùa đông năm rồi thời tiết trở lạnh bất thường. Những luống rau thơm chết đã đành, cả đám quỳnh vàng, quỳnh đỏ, thủy tiên, mãn đình hồng, uất đinh hương, ngọc lan của ông cũng theo nhau héo quắt làm ông tiếc ngẩn tiếc ngơ. Mấy chậu quỳnh trắng ông khiêng vào garage tránh gió còn sống, còn thì tất cả những cây con trong vườn đều chết đứng dưới cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông. Mùa đông ở đây ông lo cho cây cảnh. Mùa đông của những năm tháng tù đày ông lo cho cái bao tử xẹp lép. Ông nhớ những ngày run rẩy đói rét trong cái lạnh cắt da xẻ thịt của miền núi Sơn La. Trong những ngày đói ăn triền miên đó, cái rét miền Bắc như càng tăng lên gấp bội. Đói, rét, tủi nhục, có lúc tưởng đã làm ông ngã quỵ. Nếu không nhờ những lá thư hiếm hoi của vợ con để nuôi niềm hy vọng trở về xum họp, chắc ông đã buông xuôi đầu hàng số phận. Những lá thư của các con ông ngày ấy mới ngây thơ làm sao? Con gái ông, lúc ấy được mười tuổi, lúc nào viết cho bố cũng có câu, ở nhà mẹ và chúng con đều khoẻ. Bố ráng học tập thật tốt để mau về với chúng con. Rồi nó khoe. Con vừa đoạt được giải nhất cuộc thi đua Kế Hoạch Nhỏ. Con thu lượm được mấy chục ký giấy cũ, lấy từ tủ sách của bố mẹ. Mẹ bảo đó là những cuốn sách đồi trụy, không giữ ở trong nhà nữa. Ông đọc thư con mà nghe tê tái cả cõi lòng. Vợ ông không bao giờ nhắc đến cái tủ sách mà bà quý như vàng đó. Ông biết bà đau, bà xót. Cái mớ sách "đồi trụy" đó là gom nhặt của bao nhiêu kỷ niệm thời niên thiếu của bà, là tâm sự của những ngày Gia Long hồn nhiên, là tình yêu của ông, là sự bắt đầu của gia đình ông bà bé nhỏ. Thư của bà đầy những tin tức động trời luôn khiến ông đau đầu. Ông như con hổ què nằm trong xó rừng, bó tay trước những hiểm họa đang giáng xuống khu rừng yêu dấu, thương người vợ trẻ yếu đuối phải đơn thân nuôi con nuôi chồng, bơ vơ trước cuộc đổi đời khốc liệt. Tháng trước, chú Tấn đi thăm cô Nga bị kẹt xe, mất hết tiền, rồi phải nhờ bà nội ra đón về. Cô Nga gửi về cho ông nội hai trăm viên thuốc bổ. Nhờ đó mà ở nhà đỡ đau ốm hơn. Anh cố gắng lao động cho tốt nhé. Các con và em rất nhớ anh. Thư viết chỉ vỏn vẹn ít hàng mà chất chứa bao nhiêu điều muốn nói. Ông phải suy nghĩ vài ngày mới vỡ lẽ ra là thằng Tấn đi vượt biên bị bắt, mẹ ông phải đi lãnh ra. Cô Nga, cô em gái ông đang ở Mỹ, gửi về hai trăm đô cho gia đình xoay sở trong lúc kinh tế khó khăn.

 

Thấm thoát thế mà đã hơn hai mươi năm ông đặt chân đến đất nước tự do này. Tuổi già đến, ông lẩn thẩn nhớ quên nhiều chuyện. Nhưng vẫn không làm thế nào để xóa nhòa trong ký ức cơn ác mộng tám năm dài đăng đẳng đó của cuộc đời. Cho đến tận bây giờ, trong giấc ngủ chập chờn hàng đêm, những cơn đói như vẫn còn cào cấu ông đến quặn thắt bao tử. Trong đêm dài, hai ống chân ông có lúc chợt nhức nhối như còn đang bị xiềng cứng vào chân tường.

 

Ông vươn vai, nhắm mắt, cố xua đi những hình ảnh day dứt của quá khứ. Mặt trời đã lên cao, chênh chếch ngang ngọn cây phong bên hông nhà. Ông hít vào phổi một hơi dài, thở ra, cử động vài thao tác cho giãn gân cốt trước khi bắt tay vào làm cái giàn cho dây bầu và vun xới cho mấy luống rau. Dây bầu ông chăm sóc kỹ càng như đứa con thơ, đang trổ thêm những chiếc lá mới mềm mại, phơn phớt tơ. Vài sợi râu cong vòng xoắn ốc bắt ra từ cuống lá ngo ngoe trong nắng sớm. Không có giàn chống thì nó biết bám vào đâu mà vươn lên. Cây non giống như một đứa trẻ. Tâm hồn tinh khôi như tờ giấy trắng. Viết thế nào nó ghi tạc vào lòng thế đấy. Lò dò nương theo sự dìu dắt của cha mẹ mà lớn. Không có cái giàn ông dựng thì dây bầu bò kềnh càng trên mặt đất. Rồi có khi người ta đạp lên, gẫy cành. Rồi có khi sâu bọ cắn thân, đứt ngang. Ông thương cái dây bầu bẻ đâu cong đó của ông như đứa con sanh sau đẻ muộn.

*

Ông đang cắm cúi tỉa sâu cho mấy luống rau thì thấy bà lẹp xẹp đôi dép làm vườn, mở cửa sau bước ra. Ông ngẩng lên, to giọng hỏi:

"Bà ra đây làm gì? Sao không đội mũ vào cho khỏi nắng."

Bà nhíu mắt:

"Ông làm cỏ hả?"

"Không, tôi tỉa lá, bón phân cho mấy bụi húng, ngày mai mới làm cỏ." Ông vừa nói vừa múc một muỗng canh phân bón từ chiếc thùng nhựa bên cạnh, rắc mỏng chung quanh gốc cây. Đây là thứ phân ông đã pha loãng ra từ hộp nguyên chất mua ở tiệm cây Summer Winds gần nhà. Mấy năm trước, chưa có kinh nghiệm dùng phân hóa học, ông mua một hộp phân bón loại ready to use, rồi cứ thế mà rắc vào gốc cây. Nồng độ quá mạnh của phân làm cháy hết gốc đám ngò gai, húng quế, và tía tô của ông. Ông xót xa nhìn những thân cây đang xanh um bỗng ngày một ngày hai héo quắt, cành quẹo xuống, lá úa vàng. Ông tưởng ông đã dày kinh nghiệm trồng trọt và chăn nuôi sau tám năm lao động trong tù. Ngày đó ông cuốc đất, lên luống, gieo giống, rồi tưới bằng phân chuồng nên không ngờ được ở Mỹ có những loại phân bón hóa học cực mạnh như thế. Tên quản giáo, cái lão mặt nặng chình chịch với vết sẹo kéo dài từ đuôi mắt trái đến gần tai, mỗi sáng đều không quên nhồi nhét vào đầu ông bài học về công lao vĩ đại của Đảng và nhà nước đã cải tạo ông từ một người lính chỉ biết cầm súng bắn vào anh em mình, một tên khát máu, tay sai của Mỹ Ngụy trở thành một người có ích cho xã hội, biết chăn nuôi trồng trọt, biết lao động là vinh quang, biết bàn tay ta làm nên tất cả, dưới sức người sỏi đá cũng thành cơm. Ôi, khi cái bao tử đòi ăn, ông nghe lơ mơ tai này lọt qua tai kia, ậm ừ cho qua chuyện. Như cái lý luận về chất lượng của ba ký lá sắn bằng một ký thịt bò ông nghe riết cũng xuôi tai. Khi đất nuớc còn nghèo bởi tàn dư của đế quốc, không đủ bò để xả thịt, nên đám tù nhân được hưởng quy chế xơi lá sắn, còn cấp trên được bồi dưỡng bằng thịt bò. Cũng cái tên quản giáo đó đã the thé mắng ông là cặn bã của chế độ khi ông đuối sức không thể cầm nổi cái cuốc đã ngã lăn ra đất. Cảm giác nhục nhã và bất lực khiến ông muốn nằm luôn ở đám đất ông vừa phải xới lên để trồng sắn. Những tảng đất đỏ khô cằn của miền Nghệ Tĩnh đâm nhoi nhói vào lưng ông. Giá lúc ấy ông có thể tan biến vào hư không, trở thành hạt cát, thành con sâu, con trùng gì cũng được. Cuộc đời ông đã có những giây phút không muốn làm người.

Bỗng có tiếng đập phành phạch làm bụi đất văng rào rào sau lưng ông. Ông giật mình.

"Cái gì vậy bà?"

Bà hớt hải:

"Con sâu ông à."

Ông ngậm ngùi:

"Để nó sống đi bà. Con sâu có tội tình gì..."

Bà ý nhị tiếp lời:

"Con sâu vô tội. Con Liên nó cũng vô tội đó ông."

"Hả?" Ông nhăn nhó nhìn bà.

"Con mình nó lấy vợ cho nó, chớ có lấy cho mình đâu. Kệ nó đi ông. Mình cưới dâu chứ có cưới cả dòng họ, cưới cả chế độ đâu mà ông chấp nhất làm gì."

Ông ngừng tay vun đất, nhìn mông lung quanh vườn. Từ hôm ông và thằng Đoàn hục hặc đến nay, cả nhà ai cũng buồn. Mấy đứa lớn biết tính ông nghiêm khắc nên không dám xen vào khuyên can. Tuy chúng không nói ra, nhưng ông thấy điệu bộ chúng có vẻ như tán thành chuyện yêu đương của Đoàn. Nói cho ngay, ông xem hình thấy con bé cũng dễ thương, qua hai lần nói chuyện điện thoại ông cũng thầm khen con bé nết na lễ phép. Ông nhìn trời, thở dài. Trời xanh cao tít tắp. Cuộc đời ông kết nối bằng bao nhiêu ngang trái khổ đau. Thời thế tạo anh hùng. Thời thế cũng sinh tiểu nhân. Vận mệnh đất nước đã lèo lái ông qua bao thăng trầm của cuộc đời. Ơn trên bao dung đã không để ông phải chết trận, đã giúp ông vượt qua tủi nhục lao tù, đã an bài cho ông cuộc sống an nhàn hiện tại. Hận thù, tranh chấp, ghét ghen chỉ có thể hoán giải được bởi lòng nhân hậu, bởi tình yêu, bởi tình người.

 

Ông đứng lên, cầm thùng tưới nước rải nhẹ lên đám cây ông vừa xới đất bón phân. Phân pha loãng chưa đủ, phải tưới đẫm nước phân mới ngấm vào đất, thấm vào những nhánh rễ con đang mọc xuyên trong lòng đất màu mỡ. Rễ chuyền thức ăn đến từng chiếc lá non, bồi bổ cho cây ra hoa kết trái. Đất tốt tạo nên cây đẹp. Cây đẹp sinh ra những hoa quả tốt. Ông nhìn dây bầu mơn mởn xanh tươi, chợt thấy lòng nao nao xúc động. Dây bầu giống xấu mà ông tưới nước đầy đủ, bón phân tốt, dựng giàn khéo thì rồi nó cũng đi đúng hướng, leo đúng đường. Ông hít vào một hơi dài thanh thản, nói với bà:

"Ừ, nó vô tội."

*

Bữa cơm chiều hôm ấy mọi người có vẻ vui hơn mọi ngày. Lòng vẫn chưa nguôi nên ông ăn cầm chừng, rồi bỏ ra phòng khách xem tivi. Đoàn đưa mẹ xem tấm hình hôm đám hỏi của chàng và Liên ở Sài gòn. Chàng nói với mẹ:

"Tháng sau chúng con tổ chức đám cưới. Cả bố mẹ cùng về dự nhé?"

Bà nhìn về phía ông, lên tiếng:

"Sao, bố? Bố có về đi đám cưới không?"

Ông bảo:

"Tôi về chưa tiện, thôi thì bà về đại diện là được rồi."

Đoàn thuyết phục:

"Việt nam bây giờ đã thay đổi nhiều rồi bố ơi. Bố về một lần cho biết, mấy ông bạn tù của bố vẫn về thường xuyên đấy. Chú Bính mới trở lại tuần trước. Chú bảo về vui lắm. Tết này chú lại muốn về lần nữa."

Ông gắt:

"Mặc kệ chú ấy, tao chưa muốn về."

Bà thấy ông gắt, nên nháy Đoàn bảo thôi đừng nói nữa. Ông không thích về thì thôi, đừng nên ép. Bà chỉ tấm hình trên bàn, hỏi Đoàn:

"Đây là những người nào?"

"À, bà này là mẹ Liên, hiền lắm, y như mẹ vậy. Còn đây là ông ngoại Liên, nghe nói ông lên đến cấp thiếu tá, bị đi tù sáu năm đấy mẹ."

"Tù sáu năm thì cũng còn thua bố mày. Còn ông này?"

"Đó là bố của Liên."

Ông đang xem tivi, quay vào nói:

"Đâu, đưa tao xem."

Đoàn sốt sắng cầm tấm hình ra đưa ông. Tay trái ông hờ hững cầm tấm hình, tay phải ông bấm remote đổi đài. Dời màn ảnh tivi, tia nhìn của ông rớt xuống tấm hình trên tay. Ánh mắt đang lơi bỗng boàng hoàng bất động. Chiếc remote rơi xuống, bật bung ra hai cục pin AAA lăn lưng tưng trên mặt bàn kính. Chẳng lẽ... người giống người. Cái sẹo bên đuôi mắt trái của ông sui gia... Có thể nào lại có sự trùng hợp khốn nạn đến thế. Tay run run, ông nhìn chằm chằm vào tấm hình. Ông ta tên là Thời bố ạ. Lê Văn Thời. Ông bảo sau ngày giải phóng, ông có làm việc ở Nghệ Tĩnh khoảng ba năm, sau đó ông vào Sài gòn rồi lập gia đình. Những sợi dây thần kinh trên đầu ông căng như sợi giây đàn lên quá độ, giật bưng bưng. Trái đất tròn! Thật là tròn! Bao nhiêu năm ông cố quên nhưng trời còn chưa cho ông quên. Định mệnh oái ăm, dun dủi cho con ông gặp con gái tên quản giáo ấy. Ông đặt tấm hình xuống bàn, gằn giọng:

"Không cưới hỏi gì hết!"

Câu nói như ly nước lạnh tạt mạnh vào những khuôn mặt đang cười tươi hớn hở. Sự im lặng nghẹt thở lan nhanh. Bà cau mày nhìn ông. Con Hạnh, con Trang lấm lét nhìn Đoàn. Ông nhìn thằng con trai đang ngồi bất động bên ông. Khuôn mặt ngời hạnh phúc một phút trước đây đang từ từ ửng đỏ. Cái thằng, sao mà nó giống ông đến thế. Ông biết nó sắp sửa phản kháng. Ngày xưa ông cũng như nó. Ông cũng đã giận dỗi, đã phản kháng, đã cãi nhau tí toé với bố mẹ ông khi hai người phản đối cuộc tình của ông và người con gái Nam Kỳ ông thương yêu. Cô con dâu Bắc Kỳ bố mẹ ông dạm hỏi cuối cùng đành chịu thua sự cương quyết của ông. Bà lên tiếng:

"Ông... ông đồng ý rồi mà? Sao ông..."

"Bố nó là cái tên..."

Ông lúng túng nhìn bà. Đôi mắt thảng thốt của bà hằn lên nét đớn đau của mấy chục năm về trước. Ánh mắt van nài biết nói, nhắc ông con sâu vô tội và cái dây bầu đang tự do lớn cùng nắng gió sau vườn. Ông buông:

"Thì bà cứ lo liệu cho nó!"

*

Bà đậu xe vào garage, lúi húi xách một lô các túi thức ăn vừa mua ở chợ Việt Nam vào nhà. Bà đặt túi giấy đựng hộp nước lèo và gói phở mua sẵn trên bàn bếp. Ông ngồi đọc báo ở phòng khách. Cái máy sưởi cá nhân đặt ở dưới chân ông chạy ù ù. Hơi nóng tỏa một vùng khí ấm áp bao quanh ông. Ngày Tết gì mà yên ắng hơn cả ngày thường. Nếu không có chậu cúc đại đóa vàng rực trên bàn và mấy bao lì xì đỏ nằm rải rác chung quanh, ông cũng không nhớ đến Tết.

"Bà đi đâu về vậy?"

"Tôi đi chợ Tết với vợ chồng thằng Đoàn. Cô dâu Việt Cộng mới sang hôm qua."

Ông hầm hừ không trả lời. Bà vuốt:

"Thôi mà ông. Chúng nó yêu nhau thật mà. Con bé cũng hiền hậu. Ông nhận dâu đi ông."

"Hừ."

Có tiếng lanh canh của đũa chén khua nhau ngoài bếp. Có tiếng bước chân do dự, sột soạt trên nền nhà. Ông quay lại. Một khuôn mặt con gái lạ lẫm đang mở to mắt nhìn ông, luống cuống:

"Năm mới con chúc tuổi bố ạ. Mời bố ra ăn trưa."

"Cô..."

Bà nói vọng sang từ căn bếp:

"Con dâu nó đến chào ông."

Ông nhìn cô con dâu Việt cộng, bụng anh ách tức bà vợ già. Cái bà, thật là! Không báo trước cho ông chuẩn bị tinh thần, tự dưng đẩy ông vào thế... kẹt. Không có chước nào trong ba mươi sáu chước chỉ cho ông gỡ tình huống tréo nghẹo này cả. Ông không nhìn con dâu thì ra điều ông chấp nhất, nhỏ mọn, cái miệng nam mô mà cái bồ dao găm. Ôi, mà nhận cô con dâu Việt Cộng thì...

"Bố ra ăn cho nóng, bố ạ." Cô con dâu Việt Cộng nhắc.

Ông bỏ tờ báo xuống bàn, tránh ánh mắt lo lắng của cô con dâu, bối rối đứng lên đi ra bếp. Tô phở bốc khói nghi ngút, thơm ngậy, nằm chễm chệ trên bàn ăn, bên cạnh cái dĩa sứ trắng vun đầy rau thơm. Cành húng quế lá xanh biếc còn long lanh nước. Những cọng giá trắng nõn nằm e ấp bên lát chanh vàng rộp. Hai trái ớt đỏ chen chúc giữa đám ngò ôm cong vút. Nước bọt tứa ra, ông nuốt ực xuống cần cổ mà nghe nghèn nghẹn nơi ngực. Thôi thì, ăn rồi tính. Trời đánh còn tránh miếng ăn.

Ông đang nhai nhai nuốt nuốt, thì bà ghé mông ngồi xuống chiếc ghế đối diện, nheo mắt:

"Nhận đi ông. Mấy tháng nữa, nó có bầu, sanh cho ông một thằng cháu thì ông sẽ được lên chức."

Cái trán cau có của ông chợt giãn ra. Khoé miệng ông nhếch lên theo hình một nụ cười. Miếng thịt bò tái trôi tuột xuống bao tử. Ông tưởng tượng đến thằng cháu nội bé tí teo, tóc loe ngoe vài sợi, hai má núng nính đỏ hồng như thằng cháu của ông Ted hàng xóm, hì hục xách chiếc bình tưới cỏn con, lẽo đẽo theo chân ông đến từng luống rau, bụi hành... Mắt ông dừng lại bên khóm hoa vàng trong chiếc chậu sứ trắng. Từng đóa hoa rực rỡ nở tung trong nắng xuân, thấp thoáng khuôn mặt trẻ thơ và tiếng cười trong vắt của thằng cháu nội...

 

Bà thấy ông nhìn xa xăm ra vườn với nụ cười nửa miệng, biết tỏng là ông đang... phê với viễn ảnh về thằng cháu nội, nên cười tủm tỉm:

"Nó có con thì ông được lên chức làm..."

Ông lừ mắt:

"Làm gì?"

"Làm... ông nội. Ông nội Việt Cộng!"

"Hừ.... ông nội Việt Cộng... hừ!"

 

 

Nguyễn Xuân Tường Vy

San Jose, tháng mười một 2007

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12245)
(Xem: 13783)
(Xem: 15057)
(Xem: 14637)
(Xem: 14627)
(Xem: 15230)
(Xem: 14066)
(Xem: 13817)
(Xem: 13852)
(Xem: 14743)