- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Cõi Người Ta Của Lê Bá Đảng

17 Tháng Giêng 200912:00 SA(Xem: 10237)

w-hopluu98-f2-t61_0_300x177_1Năm 2007, hội họa của Lê Bá Đảng chuyển sang một giai đoạn mới mà ông gọi là cõi người ta.

Cách đây hai mươi năm, họa sĩ đã tìm ra chất liệu thể hiện không gian Lê Bá Đảng, khai phá lối nhìn nhiều chiều về cõi nhân sinh trong hội họa.

Cõi người ta là một họa trình mới, kết hợp không gian với tâm linh con người, thể hiện tâm hồn con người trong không gian và trong tạo vật.

Cõi người ta cũng là cõi thiên nhiên đã được nghệ thuật hoá, là cõi người mà tâm thân gắn liền với tạo vật. Dồn dập, vũ bão, thanh lãng, vô vi, nghệ thuật Lê Bá Đảng ở tuổi tám sáu, như rượu vang càng ủ càng nồng, tựa những gì ông trải qua trong gần chín mươi năm sống đã đúc kết lại thành hai nguyên tố: trống - đầy, không - sắc.

Ai cũng có thể nói đến sắc-không. Nhưng sắc-không là gì? Nhiều nhà Phật học từ chối câu trả lời chính xác. Thực hiện sắc-không trong nghệ thuật tạo hình là hiện thực hoá một ảo ảnh, một triết tưởng, một luận tưởng. Lê Bá Đảng đã từng có những giai đoạn "sắc-không" mà chúng tôi tạm gọi là "thuần túy" hay thời kỳ phân tích. Nay ông từ những yếu tố đã phân, tổng hợp chúng lại trong một trật tự khác, thành cõi nhân sinh đa nghiã, phức tạp, cõi nhân sinh đắm mình trong cảnh giới: cõi người ta.

Cõi người ta 2007 của Lê Bá Đảng, cũng vẫn là cõi mà hội họa và điêu khắc thông giao như ông đã làm từ hơn hai mươi năm nay, nhưng bây giờ, trong cả nghĩa vật chất lẫn tinh thần: Vẽ, cắt là một. Rắn, mềm là một. Là thần người và thần đất hoà hợp. Là trốngđầy. Là người - vật trong nhau. Là nhân tố và ngoại tố phối hợp. Từ động đến tĩnh, từ tư tưởng đến hình hài, từ kỹ thuật đến chất liệu, từ lý trí đến siêu hình, từ con người đến thiên nhiên, tất cả đều đã là nhau trong cõi người ta Lê Bá Đảng. Ở tuổi gần chín mươi, hoạ sĩ ngày càng muốn tiến dần đến cõi tạo vật huyền đồng của Lão.

Cõi người ta cũng chính là thực trạng tương phản của cõi đời. Nhìn theo lối Tây phương của Sartre: có người thì mới có ta; sự hiện hữu của ta là qua mắt người (l’autre). Nhờ người, ta mới hiện hữu. Nhưng người cũng là địa ngục của ta. Vì người, ta bị trầm luân trong địa ngục, trong bể khổ, nhưng nếu không có người, ta không còn hiện hữu.

 

Với Tản Đà, người còn là ảnh:

Mình với ta, dẫu hai nhưng một,

Ta với mình, sao một mà hai?

 

Nhưng người cũng là bóng:

Ta ngồi thời bóng cũng ngồi,

Ta đi, ta đứng, bóng thời cũng theo.

Có khi lên núi qua đèo,

Mình ta với bóng leo trèo cùng nhau.

Có khi quãng vắng đêm thâu,

Mình ta với bóng âu sầu nỗi riêng.

Có khi rượu nặng hơi men,

Mình ta với bóng ngả nghiêng canh tàn.

 

Tất cả những ảnh, những bóng của Tản Đà, một thế kỷ sau sống lại, hiển linh trên nghệ thuật tạo hình của Lê Bá Đảng.

Người-ta trong Lê Bá Đảng, không chỉ là hai nhân vật đối điện nhau mà có thể là bất cứ vật thể, sinh thể... nào, là tất cả những cặp phạm trù đối đẳng. Như người với thiên nhiên và vạn vật: bởi người sống với, sống vì, sống nhờ thiên nhiên, vạn vật. Như người và lịch sử: bởi người làm nên lịch sử và lịch sử chi phối con người. Người và trời đất: người sinh trong trời đất và người tác động lên trời đất. Người và không gian: người chiếm hữu không gian, nhưng không gian bao la cho người thấy mình nhỏ nhoi, bất lực. Người và thời gian: người đo lường thời gian qua trí nhớ và hồi tưởng, nhưng người không thể làm thời gian ngừng lại. Những cặp phạm trù tương phản ấy lồng ấp trong nhau như âm với dương, sinh biến cùng nhau trong cõi sống.

Cõi ngưòi ta - thể hiện cái sinh biến ấy - không chỉ ở chỗ tương phản mà còn là cõi hoà đồng; nơi tâm, thân con người hoà quyện với không gian và thời gian, nội giới và ngoại giới hoà hợp, con người và cảnh vật trao thân trong những nét nửa tiên nửa tục, nửa họa nửa khắc: Cảnh trong người, người trong cảnh.

Phật hiện ra, thật nhiều, cùng khắp, nhưng không phải đức Phật, mà là sống phật, sống thật: phật tại tâm, tâm là phật. Cho nên, dưới dạng buông tuồng, sân si, lãng mạn, u uất, hào hùng, thất thố, ẩn dấu một cái tâm khác, một sự thật khác.

Nguyễn Du đã từng bày giãi trăm ngàn mạo diện, tư thế, tâm uất của kiếp người trong nghệ thuật tạo chữ. Lê Bá Đảng dường như cũng đang thể hiện những cảnh ngộ, những tình huống, những đam mê, những ám ảnh siêu hình của con người trong nghệ thuật tạo hình. Khát vọng của ông là đem cả cái cõi người ta ấy về trồng trong lòng đất nước, giữa trung tâm địa hình, hồng tâm văn hoá: cố đô Huế.

Nếu việc ấy thành, thử mường tượng một hôm dạo trên đồi nhìn xuống sông Hương hay trên đường thiên lý xuyên rừng, bỗng nhiên ta bắt gặp một hình hài uy linh như đức Phật, hay một bóng dáng phụ nữ lả lướt như tiên sa, hoặc cả một đoàn người huyền ảo lung linh gánh lúa... Những hình tượng ấy có thể bằng gỗ, bằng đồng, bằng thép, bằng dây thép, dây gai, bằng bất cứ chất liệu nào, có thể khắc trên cây, treo trên cành, tạc xuống đường, đặt trên bệ, mà cũng có thể là một hình thái khổng lồ trong không gian, chứa ta và bao trùm lên cảnh vật. Tác phẩm nghệ thuật có thể xuất hiện trên đường trường, trong phong cảnh, ở những chỗ bất ngờ nhất và ta có cảm tưởng lạ lùng như thấy mình cùng một lúc đang ở trong, ở trên và ở ngoài tác phẩm; sở dĩ có cái cảm tưởng ấy là bởi vì tác phẩm luôn luôn trình bày sự trực diện và hoà đồng giữa người ta.

Để thể hiện trạng thái đó, Lê Bá Đảng dùng hai yếu tố trống đầy như một phương pháp nghệ thuật.

Về hình, trước hết ông dùng trốngđầy để làm cho những hình hài mà ta vừa nhìn không chỉ bằng mắt mà còn có thể đi trong "nó", sờ được "nó", cho ta cái cảm giác tay chân cũng góp phần trong cái đẹp: tác phẩm có ta ở trong với cả đầu mình tứ chi. Đó là về hình.

Rồi ông dùng trốngđầy để tạo hồn cho các hình thái, và tạo bóng cho những linh hồn ấy. Vì thế, ông còn gọi những thực thể nghệ thuật mới nhất của ông là hồn bóng. Một hình có thể có nhiều bóng. Nhưng bóng lại gây liên tưởng tới ma trong tâm hồn người Việt, cho nên người với ma đôi khi chỉ đơn giản là bóng với hình. Lê Bá Đảng dường như đã muốn thể hiện tất cả những mối liên lạc tâm linh và huyễn tưởng, những khúc mắc siêu hình trong đầu óc người Việt: ông muốn diễn tả cái sinh biến trong cõi người.

 

Những điều vừa nói trên sẽ rất hiển nhiên, nếu bạn đứng trước tác phẩm. Nhưng nếu bạn không có dịp tiếp xúc trực tiếp với tác phẩm, thì mọi chuyện sẽ không dễ dàng như thế. Trước hết, cần phải giải thích: trốngđầy trong tác phẩm của Lê Bá Đảng là gì? Tại sao ông lại dùng trốngđầy? Cái trống tức cái không (le vide) ở đây có hai nghiã: nghiã đen và nghiã Phật học. Lê Bá Đảng sử dụng nghiã thứ nhì: trống chính là đầyđầy cũng là trống, ông đã tìm cách biến thành không, biến không thành .

Biến như thế nào? Rất đơn giản: vừa cắt xong một hình hài trên giấy (hoặc bất cứ chất liệu gì) tức là đã có "đầy" rồi, ông bèn khoét trong hình ấy những hình hài khác. Nói khác đi, ông tạo trong lòng cái hình đầy ấy, những khoảng trống khác: làm cho đầy thành trống. Rồi những khoảng trống ấy, nhờ không gian và ánh sáng rọi vào, chúng biến thành những hình hài sinh động: chỗ trống (chỗ bị khoét) đã trở thành đầy (tức là thành hình). Động tác này bất cứ ai cũng đã làm trong đời sống (như tạo một con chim, một chiếc máy bay bằng giấy cho trẻ con chơi) nhưng chúng ta thường không ý thức về hành động của mình, cho nên không thấy sự biến thể và biến chất trong động tác. Sự biến thể và biến chất mà họa sĩ vừa thực hiện và chúng ta cũng đã từng làm mà không biết ấy, chính là ý nghiã cụ thể của câu "thần trú" Phật học: sắc tức thị không, không tức thị sắc. Là không mà có, là có mà không. Nhưng đồng thời, nó còn có một nghiã khác, nó thể hiện tính chất lưỡng nguyên trong con người: như hình với bóng, như tâm với hồn, như chết với sống, trong thơ Tản Đà.

Thực hiện xong phần hình với bóng, lại một vấn đề khác đặt ra: còn lòng dạ người? Làm sao dò được lòng người? Lòng người là một vực sâu, đầy biến hoá, khi thánh thần khi ma quỷ. Để trả lời câu hỏi này, Lê Bá Đảng tạo ra những hình và bóng không chập nhau: hình người-bóng Phật, hình người-bóng ngựa, hình người-bóng cây, hình người-bóng chó, hình người-bóng quỷ... đối với ông, người cũng là ma: đêm đạo trích, ngày đạo hạnh.

Con người không thể đứng trơ giữa trời đất, mà con người đứng trong trời đất, tâm hồn và thể xác giao hưởng với trời đất: Màu nước biển kia có xanh chăng? Hay chính màu xanh đã nằm trong ánh mắt? Lá cây kia rung động thật chăng? Hay chính gió bão trong lòng người đã làm xao động lá cây? Đoá hoa kia, hồng hay tím? Hay chính lòng người đã nhuộm hồng nhuộm tím màu hoa? Nếu ta không biết nhìn thì cỏ cây cũng thành gỗ đá. Nếu ta không biết nhìn thì gỗ đá cũng là bùn đất. Nếu ta không biết nhìn thì bùn đất chỉ là nhơ bẩn. Nhưng nếu ta biết nhìn, thì đại dương sẽ biến thành biển biếc, đồng cỏ biến thành hoàng hôn một vùng cỏ áy bóng tà,... Lê Bá Đảng muốn thể hiện những vùng cỏ áy bóng tà ấy trong lòng người: cho nên trong cấu trúc hình họa của ông, đôi khi bỗng thấy giữa tim người trổ lên một đoá hoa, một cành lá, một sườn đồi, một dòng suối... như thể người và cảnh đã ở trong nhau, đã là nhau, hoàn toàn chung một nhịp tim: tâm truyền tâm, như Phật nói.

Lại hỏi: Có bao nhiêu hạng người? Người đạm-tiên, người sở-khanh, người tú-bà, người thúc-sinh, người hoạn-thư, người từ-hải, người hiền-như-bụt, kẻ giảo-hoạt-khôn-lường... hoạ sĩ thể hiện mỗi cá nhân bằng một hình giống như chữ, những chữ-người này có giá trị như một cụm từ (tú bà, sở khanh...) bởi vì nó không chỉ đơn thuần là một hình chữ, nó là con người có cá tính riêng biệt: chữ hoá thân thành người. Vẫn là tình trạng biến thể: sắc-không, Lê Bá Đảng trình bầy trùng điệp những đạo quân người trong ván cờ người, bằng những mẫu tự người đứng bên nhau thành ngữ đạo. Con người hiện hữu, bằng hành động, bằng trách nhiệm, bằng cách ứng xử với thiên nhiên và đồng loại, tạo thành ngữ tự của chính mình.

Nhưng lại hỏi: Con người có quá khứ có hiện tại không? Hoạ sĩ trả lời: Rằng có, mỗi cá nhân mang một sử thi trong lòng: có người tiền sử, người Âu Lạc, người Tô thị, người Vạn Hạnh, người Thăng Long, người Bến Ngự, người Đồng Tháp, người cầy, người cấy, người hôm qua, người hôm nay. Nhìn kỹ toàn bộ tác phẩm mới của ông, chúng ta sẽ thấy tất cả: mỗi hình hài, mỗi ngữ tự trong cõi người ta, gói ghém một cơ đồ, một thời đại, dường như không cá nhân nào thoát khỏi sử kiếp của mình và của dân tộc.

Lê Bá Đảng muốn đem những ngữ tự người muôn mặt ấy, về đặt trong trời đất, trong thiên nhiên. Ông muốn đem tất cả những bình diện trắc diện của con người về trồng trên quê hương, nghệ thuật hóa thiên nhiên qua lịch sử, trong tâm linh con người.

Ông muốn dựng cõi người ta trên nền Huế, tâm của đất Việt.

Thụy Khuê

9/2007

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12245)
(Xem: 13782)
(Xem: 15057)
(Xem: 14636)
(Xem: 14627)
(Xem: 15230)
(Xem: 14066)
(Xem: 13816)
(Xem: 13852)
(Xem: 14742)