- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Bước Mãi Đến Thiên Thu

15 Tháng Chín 200912:00 SA(Xem: 84136)

buoctoithienthu3_0_300x200_1Lê Thị Thanh Thảo dịch

Hai người lớn lên cạnh nhà nhau, tại rìa thành phố, nơi tiếp giáp cánh đồng, khu rừng và vườn cây trái, trong tầm nhìn cái tháp chuông xinh xắn của ngôi trường cho người mù.

 

Bây giờ họ đã hai mươi tuổi và dễ đến gần năm trời họ không gặp mặt nhau. Giữa hai người bao giờ cũng là sự ấm áp vui tươi và thư thái, nhưng chưa bao giờ họ nói đến tình yêu.

 

Tên anh là Newt. Tên cô là Catharine. Lúc xế trưa, Newt đến gõ cửa nhà Catharine.

 

Catharine ra mở cửa. Cô cầm trên tay cuốn tạp chí khổ lớn, màu sắc bóng láng cô đang đọc. Cuốn tạp chí dành trọn số đăng bài và hình ảnh về cô dâu. “Newt!” Cô kêu lên. Cô ngạc nhiên khi thấy anh.

 

“Em ra đi dạo được không?” Anh bảo cô. Anh là người có tính hay e thẹn, ngay cả với Catharine cũng thế. Anh che đậy tính hay thẹn của mình bằng cách nói trống không, như thể những điều thực sự liên quan đến anh đều nằm ngoài xa—như thể anh là một điệp viên tạm nghỉ chân trong một đặc vụ giữa những điểm đến xa xôi, đẹp đẽ nhưng hung hiểm. Xưa nay, đây vẫn là cách nói năng của Newt, ngay cả khi anh phải đương đầu với sự việc trong tuyệt vọng.

 

“Đi dạo à?” Catharine hỏi anh.

 

“Một chân trước, một chân sau,” anh trả lời cô, “giẵm lên lá cây, bước qua cầu—”

 

“Em không biết anh mới về.”

 

“Anh vừa về đến.”

 

“Vẫn còn trong quân đội à—em thấy rồi.”

 

“Còn bảy tháng nữa.” Anh bảo cô. Anh là binh nhất trong binh chủng Pháo binh. Bộ quân phục anh nhầu nhĩ. Đôi giày anh bụi bám đầy. Anh cần cạo râu. Anh đưa tay ra cầm lấy cuốn tạp chí. “Xem nào, cuốn

sách đẹp.”

 

Cô đưa cuốn báo cho anh. “Newt, em sắp lên xe hoa.” Cô bảo anh.

 

“Anh biết, mình đi dạo đi.”

 

“Newt, em bận lắm,” cô bảo anh. “Tuần tới là đám cưới.”

 

“Nếu ra đi dạo, em sẽ tươi hồng. Em sẽ là một cô dâu màu hồng.” Anh lật lật cuốn báo. “Một cô dâu màu hồng như cô này—cô này—cô này.” Anh nói, tay chỉ vào những cô dâu màu hồng.

 

Khuôn mặt Catharine bỗng ửng hồng, cô đang nghĩ đến những cô dâu màu hồng.

 

“Đấy là quà cưới của anh cho Henry Steward Chasens,” Newt bảo cô. “Đưa em đi dạo, anh sẽ tặng anh ta một cô dâu màu hồng.”

 

“Anh biết tên anh ấy?”

 

“Mẹ viết thư. Hôm đi Pittsburg thì phải?”

 

“Vâng,” cô bảo anh. “Anh sẽ thích anh ấy.”

 

“Có thể.”

 

“Newt, anh—anh đi dự đám cưới được chứ?” Cô hỏi anh.

 

“Chắc là không được.”

 

“Anh hết hạn nghỉ phép rồi sao?”

 

“Nghỉ phép?” Anh nói, mắt vẫn không rời trang quảng cáo những đồ dùng bằng bạc trong cuốn tạp chí. “Anh đâu được nghỉ phép.”

 

“Ô hay!”

 

“Anh trốn trại về.”

 

“Ô, Newt! Thật thế không?” Cô kêu lên.

 

“Thật đấy,” anh nói, mắt vẫn nhìn vào cuốn tạp chí.

 

“Tại sao vậy, Newt?”

 

“Anh cần biết em thích loại đồ bạc nào.” Anh đọc tên những mẫu hàng dao muỗng nĩa làm bằng bạc trong cuốn tạp chí. “Albemarle? Heather? Legend? Rambler Rose?” Anh ngước mặt lên, mỉm cười. “Anh định tặng vợ chồng em một cái thìa bạc.”

 

“Newt, Newt—anh nói thật đi.” Cô bảo anh.

 

“Anh muốn đi dạo.”

 

Cô đan hai tay vào nhau trong tâm trạng lo âu của cô em gái. “Newt—anh đùa với em về chuyện anh trốn trại, phải không?”

 

Newt giả giọng khe khẽ làm tiếng còi hụ xe cảnh sát, anh nhướng đôi lông mày.

 

“Ở đâu—từ đâu ra?”

 

Fort Bragg.”

 

North Carolina?”

 

“Đúng đấy, gần Fayetteville—nơi Scarlett O'Hara đi học.”

 

“Newt, anh về bằng cách nào?” Cô hỏi anh.

 

Anh đưa ngón tay cái ra ngoắc ngoắc, ngầm bảo anh đi quá giang xe về.

 

“Mất hai hôm.” Anh bảo cô.

 

“Mẹ anh biết anh về chưa?”

 

“Anh về không phải để thăm mẹ.”

 

“Chứ để thăm ai?”

 

“Em.”

 

“Tại sao là em?”

 

“Bởi vì anh yêu em. Bây giờ mình đi dạo được chưa? Một chân trước, một chân sau—giẵm lên lá cây, bước qua cầu—”

 

-o-

 

Bây giờ hai người đang đi dạo, trong khu rừng trải thảm lá nâu khô.

 

Catharine giận lắm, người cô run lên, nước mắt chỉ chực trào ra. “Newt! Thật là điên, điên quá sức mất thôi.” Cô bảo anh.

 

“Điên như thế nào?” Newt hỏi lại.

 

“Chỉ có điên mới đúng ngay vào lúc này bảo yêu em. Trước đây anh có nói như thế bao giờ.” Cô bỗng dừng bước.

 

“Đi nữa đi em.” Anh bảo cô.

 

“Không! Em không đi nữa. Lẽ ra em chẳng nên đi ra ngoài với anh như thế này.”

 

“Em đi rồi đấy.”

 

“Để kéo anh ra khỏi nhà chứ có ai vô tình bước vào nghe anh nói chuyện với em như thế trước ngày đám cưới một tuần thì—”

 

“Họ sẽ nghĩ gì?” Anh hỏi cô.

 

“Họ sẽ nghĩ anh là người điên.”

 

“Tại sao?”

 

Catharine hít vào một hơi thở sâu, đoạn cô đọc một bài diễn văn. “Hãy cứ nói là em vô cùng vinh dự với hành động điên khùng này của anh. Em không thể nào tin nổi anh thật sự trốn trại về đây, nhưng có thể anh làm thế thật. Em cũng không tin nổi anh thật sự yêu em, nhưng anh có thể yêu em thật. Nhưng—”

 

“Anh yêu em thật,” Newt bảo cô.

 

“Ừ, em vô cùng vinh dự,” Catharine bảo anh, “và em rất quý mến anh như người bạn. Newt, em quý anh lắm—nhưng trễ quá rồi.” Cô lùi lại một bước ra xa anh. “Thậm chí anh chưa bao giờ hôn em,” cô bảo anh, cô đưa hai tay lên như tự vệ. “Em không có ý nói bây giờ anh nên hôn em, nhưng mọi chuyện xảy ra bất ngờ quá và em hoàn toàn không biết phải ứng phó như thế nào.”

 

“Đi thêm đoạn nữa,” Anh bảo cô. “Cứ việc thong thả.”

 

Hai người lại tiếp tục đi.

 

“Anh chờ đợi phản ứng gì từ em?” Cô hỏi anh.

 

“Làm sao anh biết anh chờ đợi điều gì?” Anh trả lời cô. “Anh chưa làm như thế này bao giờ.”

 

“Anh nghĩ là em sẽ chạy lại ôm chầm lấy anh ư?”

 

“Có thể.”

 

“Rất tiếc em đã làm anh thất vọng.”

 

“Anh không thất vọng. Anh không mong chuyện đó. Đi dạo thế này là tốt đẹp lắm rồi.”

 

Catharine lại dừng bước. “Anh biết chuyện gì sẽ xảy ra kế tiếp không?” Cô nói.

 

“Không.”

 

“Chúng mình bắt tay. Bắt tay xong chia tay như bạn. Đó là chuyện sẽ xảy ra kế tiếp.”

 

Newt gật đầu. “Được rồi.” Đoạn anh nói tiếp, “Thỉnh thoảng nhớ đến anh. Nhớ tình của anh cho em.”

 

Không tự chủ được nữa, Catharine bật lên khóc. Cô quay lưng lại Newt, hướng về phía cây rừng đan nhau chạy dài sâu hút đến vô tận.

 

“Thế này nghĩa là gì?” Newt hỏi cô.

 

“Tức chết được chứ gì nữa!” Catharine trả lời anh, hai tay cô nắm chặt. “Anh không có quyền gì—”

 

“Anh sẽ phải tìm ra thôi,” anh bảo cô.

 

“Nếu em yêu anh thì em đã để lộ ra cho anh thấy từ trước đây rồi.”

 

“Thế à?”

 

“Chứ còn gì nữa,” cô bảo anh. Cô quay lại đối diện anh, nhìn lên anh, mặt cô đỏ gay. “Anh phải biết.”

 

“Cách nào anh biết?”

 

“Anh phải nhìn thấy. Đàn bà không khéo che giấu tình cảm của mình.”

 

Newt nhìn sát mặt cô. Cô bỗng hoảng vía bởi cô nhận ra điều cô vừa nói là sự thật, đàn bà khó có thể che giấu được tình yêu.

 

Giờ đây Newt nhìn thấy tình yêu.

 

Anh làm điều anh phải làm. Anh hôn cô.

 

-o-

 

“Anh thật là quá sức!” Cô bảo anh sau khi anh buông cô ra.

 

“Anh quá sức gì?”

 

“Anh không nên làm thế.”

 

“Em không thích à?”

 

“Anh muốn gì? Tình yêu say đắm, cuồng nhiệt chăng?”

 

“Anh bảo em rồi, anh không bao giờ biết chuyện gì xảy ra kế tiếp.”

 

“Mình chia tay.” Cô bảo anh.

 

Anh khẽ nhíu mày. “Được rồi.” Anh bảo cô.

 

Cô lại đọc bài diễn văn khác. “Rất tiếc chúng mình hôn nhau. Nó ngọt ngào lắm. Nên hôn nhau chứ, chúng mình thân thiết nhau quá mà. Newt, em sẽ luôn luôn nhớ đến anh. Thôi, chúc anh may mắn.”

 

“Em cũng thế.” Newt bảo cô.

 

“Newt, cám ơn anh.”

 

“Ba mươi ngày.”

 

“Gì cơ?”

 

“Ba mươi ngày bị nhốt,” anh bảo cô— “đó là cái giá anh phải trả cho một nụ hôn.”

 

“Em—em rất tiếc, nhưng em có bảo anh trốn trại bao giờ đâu.”

 

“Anh biết.”

 

“Nhưng anh cũng không xứng đáng nhận lãnh huy chương anh hùng cho việc làm ngu ngốc đó của anh.” Cô bảo anh.

 

“Làm anh hùng thì thích thật. Henry Steward Chasens có là anh hùng không?”

 

“Có thể lắm chứ, nếu anh ấy có cơ hội,” Catharine bảo anh. Cô ngượng ngùng nhận ra hai người lại tiếp tục cất bước. Cuộc chia tay bị bỏ quên.

 

“Em yêu anh ta thật không?” Newt hỏi cô.

 

“Chắc chắn em yêu anh ấy chứ.” Giọng nói cô quả quyết. “Nếu không yêu thì em đâu chịu lấy anh ấy.”

 

“Cái gì tốt đẹp nơi con người anh ta?” Newt lại hỏi.

 

“Nói thật này!” Cô kêu lên, lại dừng bước. “Anh có biết anh đang tọc mạch lắm không? Có thật nhiều, nhiều, nhiều điều tốt đẹp về Henry! Vâng, và có lẽ cũng có thật nhiều, nhiều, nhiều điều xấu nữa. Nhưng nó chẳng liên quan gì đến anh. Em yêu Henry, và em chẳng cần phải cãi cọ với anh về đức hạnh của anh ấy làm gì.”

 

“Xin lỗi em.” Newt bảo cô.

 

“Em nói thật đấy!”

 

Newt lại hôn cô. Anh hôn cô lần nữa bởi cô muốn như thế.

 

Bây giờ hai người đang đứng trong một vườn cây rộng.

 

“Newt! Mình đi xa nhà quá rồi.” Catharine bảo anh.

 

“Một chân trước, một chân sau—giẵm lên lá cây, bước qua cầu—”

 

“Một bước, hai bước nối tiếp nhau, cứ thế đi mãi.” Cô bảo anh.

 

Tiếng chuông đổ vọng lại từ tháp chuông ngôi trường cho người mù gần đó.

 

“Trường học cho người mù.” Newt nói.

 

“Trường học cho người mù.” Catharine đáp lời. Cô lắc đầu trong nỗi kinh ngạc mê muội. “Em phải về nhà ngay thôi.”

 

“Mình chào nhau,” Newt bảo cô.

 

“Hình như mỗi lần làm thế, em lại bị hôn.”

 

Newt ngồi xuống thảm cỏ mới cắt xén dưới gốc một cây táo. “Ngồi xuống đây đi em,” anh bảo Catharine.

 

“Không.”

 

“Anh sẽ không chạm vào em đâu.” Anh bảo cô.

 

“Em không tin anh.”

 

Cô ngồi xuống dưới gốc cây táo khác cách xa chỗ anh sáu bảy thước. Hai mắt cô nhắm lại.

 

“Nhắm mắt mơ về Henry Steward Chasens đi.” Newt bảo cô.

 

“Gì cơ?” Cô hỏi lại anh.

 

“Mơ về người chồng tương lai tuyệt diệu đi.”

 

“Được rồi, anh không cần nhắc em.” Cô nhắm hai mắt chặt hơn, thoáng thấy hình ảnh người chồng tương lai của mình hiện ra.

 

Newt ngáp dài.

 

Có tiếng ong vo ve trên tàn cây, Catharine suýt trôi vào giấc ngủ. Lúc mở mắt cô thấy Newt đã ngủ say tự lúc nào không biết.

 

Anh bắt đầu ngáy khe khẽ.

 

Catharine để Newt ngủ cả giờ đồng hồ, và trong lúc anh ngủ cô thấy lòng mình ngập tràn nỗi niềm thương yêu.

 

Bóng những cây táo càng lúc càng ngả về hướng Đông. Tiếng chuông từ ngôi trường cho người mù lại đổ.

 

“Chíc-cà-đi-đi-đi,” tiếng hót của con chim chickadee nghe lanh lảnh đâu đây.

 

Từ khoảng cách xa xa vọng lại tiếng một chiếc xe đang nổ máy, rồ lên rồi lại tắt, mấy lần và cuối cùng im bặt.

 

Catharine bước ra khỏi gốc cây táo, cô đến quỳ xuống bên cạnh Newt.

 

“Newt?” Cô gọi anh.

 

“Hử?” Anh mở choàng mắt.

 

“Trễ rồi.” Cô bảo anh.

 

“Catharine.”

 

“Newt.”

 

“Anh yêu em.” Anh bảo cô.

 

“Em biết.”

 

“Trễ quá rồi.” Anh bảo cô.

 

“Trễ quá rồi.” Cô lặp lại.

 

Anh đứng lên, vươn vai. “Thật là một buổi đi dạo thích thú.” Anh bảo cô.

 

“Em cũng thấy thế.”

 

“Mình chia tay nơi đây?” Anh hỏi cô.

 

“Anh định đi đâu?” Cô hỏi anh.

 

“Quá giang xe vào thị trấn rồi ra trình diện.”

 

“Chúc anh may mắn.”

 

“Em cũng thế.” Anh bảo cô. “Catharine, lấy anh đi.”

 

“Không.” Cô trả lời anh.

 

Miệng anh nở nụ cười, anh nhìn thật sâu vào mặt cô một lúc lâu, đoạn quay lưng bước nhanh.

 

Catharine nhìn anh nhỏ dần dọc theo đường viễn ảnh của bóng chiều và hàng cây, cô biết nếu anh dừng chân và quay lại ngay lúc này, nếu anh gọi tên cô thì cô sẽ chạy lại anh mất thôi. Cô không có chọn lựa nào khác. 

Newt dừng chân thật. Anh quay người lại thật. Anh gọi tên cô thật. 

“Catharine,” anh gọi cô. 

Cô chạy lại, ôm chầm lấy anh, không thốt được lời nào. 

Lê Thị Thanh Thảo dịch

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 88617)
C uộc tranh đấu của Phật Giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 , trên bối cảnh liên hệ ngày một xấu đi giữa Bộ Ngoại Giao Mỹ và chính phủ Ngô Đình Diệm trong hai năm 1962-1963. Mặc dù chỉ nhấn mạnh vào cuộc tự thiêu bi tráng của Thượng tọa Thích Quảng Đức ngày 11/6/1963 [...] “Vài Ý Nghĩ Về Thượng Tọa Thích Quảng Đức” công bố lần đầu tiên một số tài liệu văn khố Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa và Phủ Tổng Thống Đệ Nhất Cộng Hòa, giúp vùi chôn một lần và mãi mãi loại sử văn suy tôn, nhớ ơn và đào mộ. Tạp Chí Hợp Lưu
23 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 105172)
D ưới tiểu tựa Vài Vấn Nạn Lịch Sử Thế Kỷ XX, tác giả đưa ra hai vấn nạn từng bị xuyên tạc trầm trọng bởi các hệ thống tuyên truyền của nhiều hơn vài ba thế lực chính trị. Vấn nạn thứ nhất là vai trò nhà ngoại giao của ông Hồ Chí Minh (1892-1969), Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa từ 1945 tới 1969, trong giai đoạn 1945-1946, một giai đoạn cực kỳ quan trọng cho sự sống còn của nhà nước Việt Nam hiện nay [...] Vấn nạn thứ hai là cuộc tranh đấu của Phật Giáo miền Nam Việt Nam năm 1963, trên bối cảnh liên hệ ngày một xấu đi giữa Bộ Ngoại Giao Mỹ và chính phủ Ngô Đình Diệm trong hai năm 1962-1963...
16 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 88604)
H iệp ước sơ bộ 6/3/1946 [Convention priliminaire de 6 mars 1946] là văn kiện ngoại giao đầu tiên ký giữa Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa [VNDCCH] với đại diện Cộng Hòa Pháp tại Đông Dương, qua trung gian chính phủ Trùng Khánh. Mặc dù chỉ có tính cách tạm thời, văn kiện này công nhận sự hiện hữu của VNDCCH. Nó chính thức cải biến, nói theo các viên chức Bri-tên và Pháp, một thực thể chính trị “sinh ra trong hỗn loạn” thành một chính phủ lâm thời, của một “nước tự do” [un état libre] “có quốc hội, quân đội, tài chính và ngoại giao riêng,” nằm trong Liên Bang Đông Dương và Khối Liên Hiệp Pháp.( 1)
15 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 101199)
N hạc sĩ Phạm Duy có cái nhìn xuyên suốt, không rào cản so với nhạc sĩ cùng thời. Người lắng nghe giao thoa những tiến triển nền âm nhạc Việt so với thế giới từ những năm 1930 cho đến nay.Từ cái bắt gặp đầu tiên trên bộ đồ bà ba xanh, đôi mắt sáng trên vành tai thính âm tài hoa ấy. Nhạc sĩ Phạm Duy chợt cười, nụ cười nhéo mắt luôn điểm lại con người ấy từng nốt nhạc vượt không gian thời gian. Hồn nhiên Phạm Duy cười nói: : “Tôi có hai con mắt, một con trái mắt tỉnh tảo thực tế với dòng đời. Và mắt phải luôn làm việc sáng tạo.” Cuộc phỏng vấn sau đây ghi lại một vài nét về cuộc đời nhạc sĩ Phạm Duy với thế hệ trẻ tại Việt Nam đang muốn cùng ông bày tỏ tâm sự.
14 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 96164)
T rong lịch sử tranh đấu giành độc lập của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ hai mươi, hai lần nước ta đã được các nhà cầm quyền đương thời chính thức tuyên bố độc lập. Lần thứ nhất vào ngày 11 tháng 3 năm 1945 bởi Hoàng Đế Bảo Đại và lần thứ hai bởi Chủ tịch Chính Phủ Lâm Thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Hồ Chí Minh vào ngày 2 tháng 9 năm 1945. Hai lần cả thảy, nhưng đa số người Việt chỉ biết hay chỉ được học có một lần. Họ chỉ biết có bản tuyên ngôn của Hồ Chí Minh ngày 2 tháng 9 mà không biết bản tuyên ngôn của Bảo Đại ngày 11 tháng 3. Lịch sử do đó chỉ được biết có một nửa thay vì toàn vẹn.
11 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 89097)
T rần Hoài Thư đến với văn chương rất sớm, sớm hơn truyện ngắn đầu tay Nước Mắt Tuổi Thơ đăng trên tạp chí Bách Khoa năm 1965. Và nếu phân chia các giai đoạn văn học miền Nam theo cách của Võ Phiến (xem Văn Học Miền Nam, tập tổng quan, nxb Văn Nghệ, Hoa Kỳ 2000) thì Trần Hoài Thư được xếp vào ( Những Cây Bút Trẻ , theo cách gọi thời đó) giai đoạn 1964-1975 giai đoạn mà chiến cuộc bắt đầu bùng nổ dữ dội.
11 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 118398)
Đ ó là Tetbury, một thành phố thơ mộng nằm về phía nam Luân Đôn khoảng 200 cây số (?).Tôi chỉ nhớ phải mất ba giờ lái xe để đến nơi. Thành phố nhỏ, những con đường dốc, hẹp. Nhà với mái xuôi nhọn hoắt, nằm liền nhau, phần lớn mở shop bày bán đồ cổ, quán ăn uống, tiệm cà phê.
08 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 104908)
... k ể từ hôm nay(Oct 8-2011) , người ta không còn mua vi cá ở California được nữa. Thống Đốc tiểu bang California đã ký ban hành luật cấm thủ đắc và bán vi cá nhập cảng vào California. Trong bản tuyên bố sau khi ký ban hành luật, Thống Đốc Jerry Brown nói rằng việc cắt những vi của những con cá mập còn sống và ném thân chúng xuống biển không những là hành động tàn bạo mà còn làm ô nhiễm nước biển.
07 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 103190)
T in Stockholm - Thi sĩ Tomas Transtromer của Thụy Điển đã được chọn trao giải Nobel Văn chương. Đây là lần đầu tiên trong vòng 30 năm giải Nobel Văn chương được trao cho một người Bắc Âu.
07 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 112322)
T in Stockholm – Thi sĩ nổi tiếng Tomas Transtromer đã được chọn trao giải Nobel Văn chương sau khi bị đứt mạch máu não cách nay 20 năm. Tai biến đã làm giới hạn khả năng nói chuyện của thi sĩ, nhưng không làm giảm khả năng viết lách.