- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Phỏng Vấn Tân Niên Mậu Tý

30 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 80163)
 
1
/ Là người cầm bút mà chức năng đầu tiên là viết ra giấy những suy nghĩ trung thực của mình, anh/chị nghĩ gì khi có quan niệm cho rằng: vì thể hiện trong ngôn ngữ Việt, văn chương Việt Nam không thể tách rời khỏi định mệnh dân tộc?

 2/ Cũng có ý kiến đặc biệt nhấn mạnh tình trạng bất lực của đại đa số nhà văn trước thực tế đất nước. Quá nhiều xáo trộn xã hội, từ đời sống đến lý tưởng, niềm tin, đạo đức thay đổi, mà tác phẩm của nhà văn Việt Nam chỉ ghi lại được rất ít những biến chuyển này. Anh/chị có một lời giải thích?

3/ Sau hai thập niên Đổi Mới, với tiến trình toàn cầu hóa bên cạnh phương tiện thông tin internet, các cánh cửa thế giới gần như đồng loạt mở toang cho nhà văn Việt Nam. Anh/chị nhìn thấy hiệu ứng nào, ảnh hưởng ra sao trên tác phẩm của các đồng nghiệp?

 4/ Văn chương Việt Nam đang thiếu gì?

 5/ Như vậy, thế nào là một truyện ngắn hay, một thể loại mà hầu hết các nhà văn Việt đều có nhiều mươi sản phẩm?

 6/ Vì sao anh/chị đã chọn gửi tác phẩm của mình đến tập san Hợp Lưu, là một tập san giấy in có số ấn bản giới hạn, định kỳ, trong lúc có đến 700 tạp chí, tuần san, nguyệt san, bán nguyệt san và nhật trình tại quê nhà, cũng như một rừng website cập nhật mỗi ngày, nhanh chóng?

 7/ Có bao giờ áp lực của kiểm duyệt hay những cấm kỵ vì đạo đức, hoặc thuần phong mỹ tục xuất hiện ngay trong quá trình sáng tác, và chính các anh/chị tự kiểm duyệt mình bằng cách tự cắt bỏ những đoạn không đúng quy định hay vượt quá vòng phấn tự vạch lấy cho chính mình? 

8/ Một nền văn học thật sự khỏe mạnh, có phải trước hết là một nền văn học giấy in khỏe mạnh, có nhất thiết duy trì ấn phẩm giấy in hay internet sẽ thay thế tất cả? Xuất bản trên mạng sẽ là ưu tiên của nhà văn để đến được với số đông độc giả đọc truyện miễn phí, hay người cầm bút hoặc người gõ phím vẫn thiết tha cầm trên tay tác phẩm của mình còn thơm mực in? Ưu tiên thật sự của anh/chị? 

 

w-ban_mai_0_300x180_1

 Ban Mai  

Tốt nghiệp Thạc sĩ Khoa học xã hội và nhân văn, ngành Ngữ Văn.

Hiện làm việc tại một trường Đại học thuộc Miền Nam Trung bộ Việt Nam

1/ Tôi nghĩ rằng, viết trong ngôn ngữ Việt đã hàm ngôn tính cách của một người dân Việt, muốn hay không muốn trong vô thức người viết tiếng Việt đã gắn liền với định mệnh của dân tộc mà mình sinh ra, vì nó đã định hình trong ý thức. 

2/ Tình trạng bất lực của đại đa số nhà văn trước thực tế đất nước, điều đó là sự thật. Tại sao như vậy? Tôi nghĩ đơn giản vì «sợ hãi », vì «miếng cơm manh áo», đại bộ phận không dám vượt thoát những giới hạn vô hình mà một thể chế chính trị đang quy định. 

3/ Trong hai thập niên Đổi Mới vừa qua, ảnh hưởng Internet với nhiều luồng thông tin, quả thật đã ảnh hướng lớn đối với những người cầm bút. Lần đầu tiên các nhà văn Việt Nam phát hiện ra những chân trời rộng mở, điều ấy giúp họ học hỏi nhiều điều hay để theo kịp tiến trình toàn cầu hóa. Những tư tưởng mới, những bút pháp mới, những phương pháp nghiên cứu mới đã góp phần ảnh hưởng trong sáng tác của người viết.

Người đọc có thể nhận ra một dòng văn học khác xuất hiện: «dòng văn chương vết thương», dòng văn chương «vết rạn» ra đời ; Dòng văn học ca ngợi, tô hồng đã lui vào quá khứ. Người viết ngày nay đi sâu vào từng góc đời bé nhỏ, những số phận đau đớn của con người do lịch sử gây ra. Bên cạnh đó, một bộ phận người viết « nô nức » làm một cuộc cách mạng tình dục, điều mà Tây phương đã làm từ những năm 60. Các thể loại thơ « hậu hiện đại », « tân hình thức »…, truyện ngắn « trong lòng bàn tay », truyện chớp, dòng văn học kỳ ảo, hiện thực huyền ảo… được thử nghiệm. 

4/ Tôi nghĩ văn chương Việt Nam đang thiếu những nhà văn tài năng. Chính tài năng quyết định tất cả. Khi có tài năng người ta mới có đủ niềm tin vào ngòi bút của mình, mới có một thái độ dũng cảm, quyết liệt để tạo ra những tác phẩm ghi dấu ấn vào lịch sử. Họ sẵn sàng chấp nhận trả giá.

Bên cạnh đó còn thiếu trầm trọng đội ngũ phê bình văn chương nhạy bén, thẳng thắn và chuyên nghiệp.

Tôi đang nghĩ không biết khi nào văn chương Việt Nam mới có được những tác phẩm như « Chốn xưa », « Ngân thành cố sự » của Lý Nhuệ…hay những tác phẩm nổi tiếng khác của các nhà văn đương đại Trung Quốc như Cao Hành Kiện, Mạc Ngôn, nước có hoàn cảnh lịch sử nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Chúng ta, chỉ mới đắp vết thương mà chưa dám « phẫu thuật » cắt bỏ những ung nhọt sai lầm của lịch sử. (Mặc dù trong nước có: « Nỗi buồn chiến tranh » của Bảo Ninh, hải ngoại có « Mùa biển động » của Nguyễn Mộng Giác). 

5/ Với tôi, một truyện ngắn hay là một truyện khi đọc xong gấp sách lại, dư âm của nó vẫn còn lắng đọng. Có thể là một nỗi buồn, sự xót xa, hay niềm đau đớn…tất cả những cảm xúc đó chính là cái đẹp mà tác phẩm mang lại cho người đọc, hơn thế nữa nó còn buộc ta phải nghĩ mãi về vấn đề mà nó đặt ra.

Cách khác, nói như một người bạn của tôi : «truyện ngắn hay, giống như một cú đấm thẳng vào mặt làm người đọc knock-out ngay tức khắc » tôi nghĩ rằng đó cũng là một quan niệm độc đáo. 

6/ Mặc dù, vẫn đăng bài trên các website, nhưng tôi cho rằng cầm tác phẩm của mình in trên giấy một cách trang trọng trên các tập san vẫn làm ta hạnh phúc. Vì ta cảm giác nó hiện hữu dài lâu, công sức của ta được nhìn nhận. Trong khi đó các trang web tuy có lợi thế nhanh chóng, đọc giả phản hồi ngay, người viết có thể sửa chữa dễ dàng liên tục, cả sau khi đăng. Nhưng ngược lại tác phẩm đăng trên web sẽ biến mất trên màn ảnh sau một ngày, nó làm ta hụt hẫng như đang chơi một trò chơi ảo. (Mặc dù được lưu giữ trong hộp thư nhưng nó cũng có thể dễ dàng bị xóa mất). 

7/Với tôi trong khi viết, ý thức tự do vượt thoát trong sáng tạo và ý thức tự bảo vệ mình vì những cấm kỵ vô hình mà người viết trong nước bắt buộc phải nghĩ đến luôn song hành cùng nhau. Đó là một cảm giác rất thực. Tuy nhiên, bao giờ tôi cũng luôn cố gắng vượt thoát sự tự kiểm duyệt để đạt được tự do trong suy nghĩ của mình một cách trung thực nhất. 

8/ Tôi nghĩ rằng, nền văn học trên internet sẽ không thể thay thế tất cả. Ưu tiên đầu tiên của tôi vẫn là tác phẩm còn thơm mùi mực in.

BAN MAI
12/01/2008

w-dinhdinh-new-f_0_162x600_1

Đình Đình 

Tên thật Từ Nữ Triệu Vương- Viết báo tại Hà Nội, xuất hiện lần đầu trên tạp chí Hợp Lưu 84 (tháng 8&9 -2005). 

1/ “Chức năng đầu tiên là viết ra giấy những suy nghĩ trung thực” thì chắc tôi khó được như vậy. Chức năng viết hay cái lý do run rủi tôi viết cũng chỉ là giai. Viết như một chiêu bài giúp tôi tán... giai. 

Còn văn chương Việt Nam không thể tách rời khỏi định mệnh dân tộc hay không, cũng không khiến tôi bận tâm. Có thể với anh A, chị B sẽ quan niệm như anh nếu, còn tôi chẳng quan niệm gì. Còn nghĩ gì ư ? Khi trong đầu tôi không có lấy 1 quan niệm về văn chương thì tôi sẽ không quan tâm đến 1 quan niệm nào khác. Thôi thì, tôi cứ viết để tán giai thôi. 

2/ Thú thật, nhà văn Việt Nam chẳng suy nghĩ nhiều như các câu hỏi anh nêu ra đâu. Thậm chí, họ có quan tâm cũng chỉ bằng 1/10 năng lượng của câu hỏi đã nêu thôi. Tôi thích đọc blog hơn đọc văn chương các nhà văn hiện nay vẫn đang viết ở trong nước. Vì blog cập nhật thông tin từng ngày từng giờ, tôi thấy được những xáo trộn xã hội, nhưng quan điểm suy nghĩ, niềm tin hoài bão của các blogger. 

Còn các nhà văn ư? Đến cập nhật cách sống, cách ăn uống, chơi bời còn ngây ngô như gà công nghiệp, huống hồ đòi chạy đuổi theo thời cuộc. Cái thời nhà văn hiện nay phải dùng đúng từ của Nam Cao “nhà văn đắp chăn bông”. Tôi chẳng thấy họ viết gì, nếu viết thì tôi thấy họ chỉ đang dùng đúng chức năng copy & paste của con chuột. Ví như, anh này cô kia đi kiểu Ta balô một vài tháng về viết ngay cuốn sách. Hoặc cô này đang thấy hot chuyện đồng tính, hoặc chuyện giai tân gái nạ dòng ừ thì lại viết. Viết như là những điều rất lạ lẫm vậy. Mà đúng ra, những thứ đó chỉ lạ lẫm với bản thân người viết. 

3/ Có cánh cửa thế giới thì mở toang, nhưng bản thân nhà văn không đủ năng lực để bước vào thế giới đấy. Có nhà văn chỉ biết ngồi vào máy tính, bật phần word để gõ, cùng lắm là check email. Thậm chí, chủ tịch Hội Nhà Văn là ông Hữu Thỉnh còn không có 1 email riêng, không biết check email (cho đến thời điểm này nhé!). Hội nhà văn VN không có lấy một website Văn học. Thế nên, dù có lắp wifi phủ đến tận WC, thì nhiều nhà văn vẫn lôi bút chì viết tạm lên giấy vệ sinh, nếu lỡ đang đại tiện chợt bật ra áng thơ nào đó. 

4/ Thiếu nhiều lắm, chẳng đếm hết ra đâu. Có thể thay cho tôi câu hỏi: “Nhà văn Việt Nam thiếu gì?” thì tôi sẽ đếm ra được. 

5/ Tôi thấy truyện ngắn hay dở phụ thuộc vào chi tiết, có thể vì tôi quá thích các chi tiết chăng! Tôi thường không nhớ cốt truyện, không nhớ hết tên nhân vật nhưng nếu trong truyện có một chi tiết nào ám ảnh tôi, là tôi sẽ nghĩ đến nó không dứt nổi, nó cứ như ma ám vậy. 

6/ Gửi bài lên Hợp Lưu vì nghe tiếng anh Đặng Hiền biết... làm thơ. 

7/ Tôi chả bao giờ cắt bỏ truyện của mình vì những lý do dở ẹc như anh nêu, tôi chỉ cắt bỏ khi thấy những từ, những câu, những đoạn văn kia là thừa thãi, làm phiền người đọc. Còn truyện tôi nếu có bị cắt thì bởi anh biên tập NXB nào đó, hay chị nhà báo nào đó muốn in truyện của tôi. 

8/ Khi có truyện ngắn, blog và các diễn đàn luôn là ưu tiên số 1 của tôi. Còn xuất bản thành sách hay không cũng không quan trọng với tôi cho lắm, chỉ trừ phi tôi đói kém quá, có một nhà sách nào “nịnh đầm” tôi in thành tập. Còn tôi thì tham chút nhuận bút hẻo kia, thế là in.

Đình Đình

w-hnt_2007_0_149x600_1

Hoàng Ngọc Thư 

Nhà văn, nhà thơ, vốn là nhà nghiên cứu Vật Lý Thiên Văn, hiện là nhà giáo dạy Toán ở Adelaide, Nam Úc. Đã viết ngoài 50 truyện ngắn và một số tuỳ bút và thơ. Cộng tác với các báo in Hợp Lưu, Văn Học, Văn; các báo mạng tiền vệ, da màu, và một số tạp chí và báo mạng khác ở trong và ngoài nước. Đã xuất bản tập truyện ngắn Người đi tìm bóng tối 12/2006. 

1/ Tôi không đồng ý về điều này. Đối với tôi, ngôn ngữ Việt chỉ là phương tiện để chuyên chở ý tưởng và thành quả sáng tác của người viết. Còn việc văn chương có bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh đất nước hoặc những điều kiện lịch sử, văn hóa, kinh tế v.v… hay không là tuỳ mỗi người, không nhất thiết ai cũng phải bị ràng buộc vào cái gọi là « định mệnh dân tộc ». Tôi chưa bao giờ sáng tác văn chương theo bất cứ trào lưu nào, và tôi nghĩ rằng sẽ là điều rất hiếm hoi, nếu có bao giờ, tôi lại có cảm hứng sáng tác từ những sự kiện liên quan đến đất nước. Mặc dù tôi là người rất yêu nước và sẵn sàng làm bất cứ điều gì có thể làm được để góp phần bồi đắp và bảo tồn đất nước Việt Nam, văn chương đối với tôi là một sinh hoạt hoàn toàn độc lập và tách rời khỏi những giới hạn về mọi mặt có liên quan đến dân tộc Việt. 

2/ Tôi chưa bao giờ thử viết về điều này, nhưng tôi nghĩ rằng trọng tâm của văn chương là sáng tạo chứ không phải để ghi lại những thay đổi trong cách sống và tâm tư tình cảm của người Việt (hoặc bất cứ dân tộc nào khác) sau những chuyển biến về văn hóa, lịch sử v.v… . Ngay cả những bài viết về cùng một vấn đề của các nhà sử học và xã hội học là những người cố gắng ghi lại hoàn toàn sự thật, sự khác biệt có khi đã rất lớn vì chúng đã được viết theo cách nhìn và cảm quan của mỗi cá nhân. Với sự nỗ lực của nhiều người trong giới chuyên làm nghiên cứu, chưa chắc chúng ta đã có được một bức tranh đầy đủ và chính xác về những thay đổi trong lối sống và tư tưởng, vì những biểu hiện bên ngoài thường là quá ít ỏi và đơn giản so với mức độ phức tạp và biến đổi không ngừng trong đời sống tinh thần của con người. 

Bên cạnh việc sáng tác là đi từ cảm hứng chứ không phải để ghi nhận, qua tay các nhà văn, nhà thơ, phần hiện thực lại còn ít hơn nữa để nhường chỗ cho trí tưởng tượng của tác giả. Vì thế nếu xét vấn đề này một cách thực tế, tôi nghĩ rằng phần hiện thực trong một tác phẩm văn chương có nhiều lắm thì cũng chỉ bằng bộ xương người được nhắc đến, còn mặt mũi, tóc tai, hình hài v.v… của người ấy là hoàn toàn tuỳ ý tác giả nhào nặn, vẽ vời, cho nên chúng ta không hy vọng gì vào việc dùng các tác phẩm văn chương để nhận diện hoặc đánh giá những con người trong đời sống thật. Văn chương mãi mãi là tài sản riêng và phản ảnh cách nhìn riêng của mỗi người viết, cho nên chúng ta không nên trông mong vào các nhà văn, nhà thơ để ghi lại bất cứ điều gì có thể dùng làm tài liệu về những vấn đề liên quan đến xã hội. 

3/ Về mặt tích cực : tôi thấy được số lượng tác phẩm, các thể loại và những phong cách viết khác nhau tăng lên rất nhanh và rất nhiều so với thời gian trước khi có internet. Từ đó, chúng ta phát hiện ra nhiều tài năng mới, đây là một điều rất đáng mừng. Về mặt tiêu cực : có rất nhiều bài viết được xem như là những thử nghiệm cho lối sáng tác mới, nhưng thật ra chúng chỉ là những bản sao kém cỏi của các nhà văn danh tiếng khác, hầu hết là thuộc về thế kỷ trước và không phải là người Việt. Bên cạnh đó, tôi thấy có nhiều người đã nhân danh « đổi mới » để viết một cách bừa bãi. Nhiều bài viết tôi phải cố gắng lắm mới đọc nổi, chỉ để thấy rất thất vọng với người viết lẫn độc giả đã khen ngợi những bài viết vừa kém về bút pháp mà vừa nghèo nàn ở nội dung. 

4/ Những người tin vào sự kỳ diệu của óc tưởng tượng và sẵn sàng đi một mình trên đường sáng tác. 

5/ Trong số những truyện ngắn của tác giả Việt mà tôi đã đọc được, thú thật là có rất ít mà tôi thấy hay và muốn đọc lại. Theo tôi, một truyện ngắn hay phải lôi cuốn người đọc, phải hớp hồn, thôi miên độc giả, không những trong lúc đọc, mà cả sau khi câu chuyện đã chấm dứt, khiến họ phải suy nghĩ, băn khoăn, ray rứt, mơ tưởng… . Một truyện tuyệt vời là một tác phẩm mà người đọc không thể nào quên. 

Một truyện hay đối với tôi trước hết phải những ý tưởng mới lạ để người đọc không có cảm giác đã xem ở đâu đó một truyện tương tự. Cốt truyện hay thường là điểm nổi bật, nhưng vẫn có một số truyện cực kỳ xuất sắc không có cốt truyện. Điều hấp dẫn chính của tất cả những truyện hay là tạo ra được một không khí đặc biệt, khiến cho người đọc không thể rứt ra khỏi câu chuyện, và ấn tượng của nó đọng lại lâu dài. Bên cạnh đó, những truyện hay thường có chiều sâu ở tư tưởng, cảm xúc, và phải được viết thật chính xác, hoàn chỉnh để không làm mất đi cái hay, cái đẹp của nội dung.

Bố cục chặt chẽ, câu từ chuẩn xác cũng góp một phần lớn vào thành công của câu chuyện ; cho nên có một số tác phẩm mặc dù có ý tưởng hay, tôi đã không có hứng thú hoặc kiên nhẫn đủ để đọc cho hết, nếu tác giả hoặc dịch giả đã viết luộm thuộm, lôi thôi. Đối với tôi, một tác phẩm hay phải hoàn thiện ở mọi mặt, mà tối thiểu là phải đúng ngữ pháp và chính tả. Tôi đã hết sức kinh ngạc khi thấy có một số tác phẩm được cho là hay và gây xôn xao trong giới văn chương Việt Nam chỉ vì những điều gớm ghiếc, quán đản mà lại còn quá tệ về ngữ pháp và có nhiều lỗi chính tả. 

6/ Hợp Lưu là một trong vài tập san văn chương giấy in hàng đầu của người Việt trên khắp thế giới, và tôi muốn gửi những sáng tác của mình đến Hợp Lưu (và một vài tập san khác) để góp phần gìn giữ một diễn đàn sinh hoạt văn chương thuần tuý vì nghệ thuật. Trong một thời đại mà mọi thứ từ vật chất đến tinh thần đều được cung cấp và tiêu dùng theo lối thức ăn nhanh, tôi nghĩ rằng những người viết và độc giả vẫn còn chờ để được đọc những tạp chí văn chương định kỳ là vì lòng yêu văn chương đích thực. Bên cạnh đó, những ấn bản sẽ được chủ nhân giữ lại như những kỷ vật đẹp đẽ và còn được đọc lại nhiều lần sau này. 

7/ Không, và có lẽ là sẽ không bao giờ. 

8/ Đối với tôi, chắc chắn là văn chương trên mạng sẽ chẳng bao giờ thay thế được niềm vui được cầm tập sách, tập thơ trên tay để thưởng thức. Cho đến bây giờ, với kỹ năng thông tin tuyệt luân và việc xuất bản trên mạng có thể thỏa mãn nhu cầu độc giả tức thời, số sách in vẫn không ít đi, cũng như sự vất vả và niềm tự hào của mỗi tác giả được có sách xuất bản vẫn không giảm đi chút nào, nhất là từ các nhà phát hành sách danh tiếng thế giới. Độc giả có thể đọc nhiều loại tác phẩm khác nhau trên mạng, nhưng chắc chắn là họ chỉ mua những cuốn sách, tập thơ giá trị để cất giữ và đọc lại sau này. Vì vậy mà mặc dù đa số tác phẩm của tôi đã được phát hành trên mạng và các tập san văn chương, tôi vẫn thích có sách in để độc giả và tôi được giữ lại những thành quả sáng tác của mình.

HOÀNG NGỌC THƯ 

w-buingockhoi_0_142x300_1

Bùi Ngọc Khôi 

Sống và làm việc tại California. Cộng tác cùng Hợp Lưu, Văn Học, Văn... 

1/ Chữ định mệnh thật bao quát và trừu tượng. Tôi chỉ dám nói văn chương là một phần to lớn của nền văn hóa. Khi văn chương bị soi mòn, văn hoá sẽ suy thoái. Văn chương có thể bị soi mòn nếu ngôn ngữ bị băng hoại và tình trạng này rất khả thi nhất là ngôn ngữ của nước ta không phải là ngôn ngữ phổ thông trên thế giới trong khi đó ta lại du nhập chữ của người làm của mình ngày càng nhiều và dùng thế chữ mình. Ngược lại, khi vận nước suy thoái thì nền văn hóa có thể bị suy đồi và văn chương bị mai một

 

2/ Ghi lại những biến chuyển của đất nước? Giới viết ở hải ngoại tuy có tự do viết hoàn toàn nhưng tôi chưa thấy các biến chuyển quan trọng được ghi lại đầy đủ, có lẽ vì tôi không có tầm đọc rộng. Còn về giới cầm bút trong nước, họ nằm trong hoàn cảnh «bó tay» nên không vung tay được. Nói thế chứ tôi không có nhiều ý kiến vì thiếu kiến thức về tình hình văn học trong nước. Ghi lại những xáo trộn xã hội và những biến chuyển lịch sử phải chăng là trách nhiệm của các nhà xã hội học và sử học?

 

3/ Tôi không có ý kiến vì thiếu kiến thức về tình hình văn học trong nước. Tuy nhiên qua một số ít các tác phẩm từ trong nước đưa ra mà tôi đã đọc thì tôi thấy những điều nêu lên trong câu hỏi có hiệu ứng dù là giới hạn. Thường thì tác giả viết về các ảnh hưởng xấu xa của «mặt trái» của Đổi Mới lên trên con người. Còn về ngoài này thì trong vòng nhận định hạn hẹp của tôi, tôi thấy dường như mình vẫn còn lẩn quẩn trong vai trò một người tị nạn, một công dân mới của quốc gia tiếp nhận mình và viết trong giới hạn đó.

 

4/ Cũng như trên, tôi không có nhiều ý kiến về tình hình văn học trong nước vì thiếu kiến thức nhưng tôi thấy hình như văn chương VN hải ngoại thiếu người đọc vì thiếu khả năng khơi động sự chú tâm của quần chúng vào văn chương Việt cũng như duy trì sự chú tâm đó. Thật tâm nói, tôi không biết khi nào thì văn chương Việt hải ngoại sẽ chết sau khi thế hệ tị nạn đầu tiên qua đời.

 

5/ Một truyện hay, dù ngắn hay dài, làm người đọc vương vấn với truyện sau khi đã đóng sách lại. Truyện hay để lại những dấu vết của nó trong óc trong lòng người đọc. Những tức giận, băn khoăn, thơ thới, buồn bã hay yêu đời lưu lại là những chứng tích của một truyện hay. Người đọc không thể chỉ thở ra nhẹ nhõm, cất sách lên kệ như vừa đọc xong chương cuối sách học thi. Có những lúc những gì mình nghe được thấy được trong cuộc sống hàng ngày chợt làm mình nhớ lại một nhân vật, một hoàn cảnh hay một trạng thái tâm hồn trong một truyện đã đọc trước kia. Truyện ngắn thường nhắm vào một điểm không gian hay thời gian nào nhất định

 

6/ Tôi chỉ gởi bài cho các tạp chí thuần văn học đứng đắn nghiêm trang. Hợp Lưu là một trong các báo đó. Một đặc điểm của Hợp Lưu là báo có nhận được sự cộng tác rộng rãi của giới viết trong nước và đó là căn bản rất xung kích. Tôi đã xem xét một số tập san trên mạng và không thích lắm vì chúng nhắm vào thông tin và thương mại nhiều hơn và cách trình bày loè loẹt kệch cỡm không thích hợp cho tác phẩm văn chương.

 

7/ Có nhưng hiếm.

 

8/ Cá nhân tôi vẫn thích cầm quyển sách trên tay hơn là đọc trên màn ảnh. Xuất bản qua phương thức internet rẻ hơn và dễ quản trị hơn là ấn phẩm nên hấp dẫn đối với các người làm báo nhưng nó chỉ thích hợp cho tin tức và truyện ngắn. Tôi không biết có ai thích ngồi đọc cả truyện Thủy Hử hay Ba Sinh Hương Lửa trên mạng. Có lẽ trong tương lai internet sẽ đào thải việc xuất bản ấn phẩm và đó sẽ là một trong những ngày buồn nhất trong đời tôi. Một ứng dụng hữu ích cho việc đọc trên mạng là khi mình đọc ngoại ngữ, gặp chữ khó chỉ cần highlight xong pop up bật lên cho xem định nghĩa.

Bùi Ngọc Khôi

 

ngtrang_0_350x600_1-content

Ngô Ngọc Trang

 

Sinh ngày 02/07/1984

Hiện đang là sinh viên khoa lý luận sáng tác phê bình văn học trường đại học văn hóa Hà Nội 

1/ Tôi cho rằng ý kiến đó cũng đúng, nhưng là cái đúng chung của tất cả những người cầm bút dù họ ở quốc gia nào đi chăng nữa chứ không riêng chỉ người Việt Nam. Hãy thử hỏi một người nước ngoài rằng vì thể hiện trong ngôn ngữ của họ mà văn chương của họ không thể tách rời khỏi định mệnh dân tộc được? Giả như một người Việt Nam viết bằng bất cứ một thứ ngôn ngữ và chữ viết nào đó lại có thể tách rời khỏi định mệnh dân tộc họ được chăng? Hay ngược lại một người nước ngoài cũng thế? Mỗi một chế độ xã hội, mỗi một quốc gia đều có những thể chế, thiết chế riêng để quản lý xã hội, đất nước đó, và tất nhiên đều có những mặt tốt và chưa tốt. Nhưng không phải đó là nguyên nhân để chúng ta viết tốt hay không tốt, tách rời hay gắn kết với định mệnh dân tộc. 

2/ Theo tôi thực tế đất nước vẫn rất bình yên chứ không quá nhiều xáo trộn. Nhà văn là người thư ký trung thành của thời đại mà, có lẽ vì ít chuyển biến nên sự ghi chép thời đại cũng không dạt dào. Nếu nói đến sự bất lực thì một phần phải nói đến trình độ của người cầm bút chứ không nên đổ lỗi cho đất nước trong chế độ này. Nếu như quá nhiều xáo trộn thì chắc chắn văn chương Việt Nam sẽ thăng hoa chứ không thể chỉ nhích lên một chút rồi lại dừng như hiện nay trên bản đồ lịch sử văn học nước nhà được. 

3/ Đúng là sau những năm 80, sự đổi mới diễn ra trên nhiều lĩnh vực. Đọc những tác phẩm viết trước đó tôi thấy có sự dè dặt trong cách viết, cách thể hiện tư tưởng, rõ ràng có những điều nhà văn nghĩ nhưng lại chỉ dám manh nha viết chứ thực sự không dám đi sâu. Nhưng bây giờ, dù nói thể nào đi chăng nữa cũng phải công nhận có một sự “thoáng” trong các tác phẩm văn chương được viết ra. Nhà văn có thể viết gần như tất cả những điều mình nghĩ, mình muốn mà không sợ bị đánh giá khen chê, cũng không sợ bị kẹp kìm nhiều như trước. 

4/ Theo tôi, thiếu giải Nobel Văn học. 

5/ Cũng khó có thể định nghĩa một truyện ngắn hay là thế nào, vì nếu đánh giá theo cách viết truyền thống hay cách viết hiện đại thì tất nhiên sẽ khác nhau. Nếu trước đây cảm xúc được đặt lên hàng đầu thì bây giờ kỹ thuật viết còn quan trọng hơn. Nội dung, cốt truyện, nhân vật… bị bác bỏ hết, vậy nên không thể dùng tiêu chí của lối viết truyền thống để đánh giá một truyện ngắn hiện đại được. Theo tôi, sự sắc sảo trong cách viết và chiều sâu tư tưởng được thể hiện trong tác phẩm sẽ làm nên thành công của tác phẩm. 

6/ Ai cũng vậy, cần phải có chỗ để cho đứa con tinh thần của mình trình diện chứ, không nhất thiết trình diện ở nơi này rồi lại không thể trình diện ở nơi khác mà. 

7/ Đương nhiên là có, tôi là người Việt Nam, tôi chịu ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến nhưng với tôi cái đó cũng tốt, nó giúp tôi không vượt ngưỡng những tư tưởng mà tôi cho là tốt đẹp để có thể tung hê những gì tôi thấy thực sự không cần thiết như nhiều người vẫn làm. Có một bộ phận chịu ảnh hưởng của tư tưởng phương tây, lối sống của họ thể hiện trên tác phẩm của họ, điều đó là một lẽ tất nhiên, tôi không hô hào cho họ nhưng cũng không phản đối vì cuộc sống vốn rất phức tạp mà. 

8/ Có thể nói một nền văn học khỏe mạnh cần có một nền văn học giấy in khỏe mạnh, nhưng cũng có thể nói quan điểm đó xưa rồi. Ngày nay internet phát triển đến cả những vùng nông thôn, ở thành thị hầu hết gia đình nào cũng nối mạng người ta có thể dễ dàng tìm kiếm những thông tin cần thiết trên mạng mà không cần tốn nhiều thời gian quá mức. Vì vậy xuất bản trên mạng là một lợi thế để tác giả, tác phẩm đến nhiều và đến nhanh hơn với độc giả. Nhưng cũng cần phải nói rằng, nếu được cầm trực tiếp trên tay tác phẩm xuất bản của mình bằng giấy mực để thấy được thành quả, hình khối của đứa con tinh thần vẫn hạnh phúc hơn là phải xem qua màn hình vi tính. Dù xuất bản trên mạng hay xuất bản qua in ấn thì cũng đều có những lợi thế của nó. 

Ngô Ngọc Trang

w-nxtvy_0_126x600_1

Nguyễn Xuân Tường Vy 

Rời Việt Nam năm 1983. Tốt nghiệp Cử nhân nghành Sinh Vật và Hóa Học tại San Jose State University.

Hiện sinh sống và làm việc tại thành phố San Jose, tiểu bang California

1/ Tôi có thể nói văn chương Việt Nam không thể tách rời khỏi tình yêu dân tộc được chứ? Tôi đến với văn chương vì lòng yêu thương ngôn ngữ của mình. Tôi không nghĩ văn chương có thể lèo lái được vận mệnh của dân tộc, nhưng, trực tiếp hay gián tiếp, văn chương tác động đến đời sống xã hội và tình cảm của con người, và ngược lại. 

2/ Ở hải ngoại, sự thay đổi trong cuộc sống hội nhập và tâm trạng của người Việt lưu vong đã được ghi nhận qua một số tác phẩm được viết bởi những thế hệ cha chú. Thế hệ của những người bị mất căn cước như tôi đã bắt buộc phải rũ bỏ quá khứ để hướng về tương lai. Trong quá trình hội nhập vào xã hội mới, chúng tôi đã đánh mất tiếng nói của mình. 

3/ Sự xuất hiện đông đảo của các nhà văn nữ và những thử nghiệm (viết) về tính dục. 

4/ Văn chương Việt Nam ở hải ngoại thiếu người đọc và những người dám... chết (hoặc dám sống) vì văn chương. Thế hệ của tôi, thế hệ mà người ta gọi là thế hệ một chấm rưỡi hoặc là thế hệ thịt ba rọi ba khía gì gì đó, chẳng còn mấy người muốn đọc và biết đọc tiếng Việt nữa. 

5/ Sau khi đọc xong một truyện ngắn hay, tôi thường có cảm giác bừng bừng như vừa nhấp phải một ngụm rượu cay xé họng và sau đó là cơn say váng vất lơ mơ vài ngày chưa hết (nhưng tôi rất ít khi được say). 

6/ Thứ nhất vì Hợp Lưu là một trong rất ít tập san văn học thuần túy ở hải ngoại còn... sống và phát hành đều đặn. Thứ hai là niềm hạnh phúc khi được cầm trên tay cuốn Hợp Lưu mới tinh, hồi hộp giở từng trang để... tìm bài của mình và... đọc lại chừng... vài chục lần xem bài có bị chủ biên cắt xén thêm bớt gì không. 

7/ Chưa bao giờ. Đời sống thường nhật đầy dẫy những quy định và trói buộc, thế nên, tôi cho mình quyền tự do tuyệt đối trong sáng tác. 

8/  Tôi tin rằng một nền văn học lý tưởng phải có một nền văn học giấy in mạnh khỏe. Tôi vào internet để cập nhật tin tức thời sự hàng ngày, và đôi khi tôi đọc nhanh một vài truyện ngắn trong giờ nghỉ. Tuy nhiên, đối với một tác phẩm văn học giá trị, tôi vẫn có khuynh hướng tìm đến một tác phẩm in trên giấy. Đi lang thang vào tiệm sách, tìm mua một vài cuốn sách hay vẫn là một cái thú không có gì thay thế được của tôi. Tôi vẫn thích cầm một cuốn sách trên tay và thoải mái ngồi hoặc nằm đọc đâu đó ở nhà. 

Việc “xuất bản trên mạng” để được đến với số đông độc giả đọc truyện miễn phí, theo tôi, sẽ giết dần những nhà văn Việt nam chuyên nghiệp. Khi các nhà văn không còn thu nhập nào từ chữ nghĩa, họ sẽ chỉ sáng tác cầm chừng, sáng tác cho vui, và kết quả là sẽ chẳng còn tác phẩm văn học nào cho bạn đọc miễn phí cả. Ngay cả nước Mỹ, nơi internet phát triển mạnh nhất, tôi cũng thấy rất ít những tác phẩm văn học được đưa lên mạng cho mọi người đọc miễn phí. Thường thì họ dùng trang web của họ để giới thiệu các tác phẩm mới, đôi khi họ cho bạn đọc miễn phí vài trang, rồi bảo bạn tìm mua ở tiệm sách, hoặc ở Amazon.com chẳng hạn. 

Nguyễn Xuân Tường Vy

w-tranvu-f_0_149x300_1

Trần Vũ 

Sinh năm 1962 tại Sài Gòn, theo học điện toán và làm quản lý dự án tin học tại Paris từ 1979.

 

1/ Thomas Mann, khi lưu vong tại Hoa Kỳ, đã viết tiểu thuyết u ám Bác sĩ Faustus, cho một mục đích duy nhất: Đào bới linh hồn nước Đức mà nền đệ tam Quốc Xã đang phá hủy, sau khi được chính dân tộc Đức tôn vinh. Văn chương Việt Nam có thể tách rời khỏi định mệnh dân tộc hay không? Tất nhiên, «có thể tách rời» với những nhà văn xem văn chương là một nghệ thuật cắm hoa, đối với những nhà văn mà công việc cầm bút đồng nghĩa với ghi lại tiếng nói của lương tâm, những nhà văn này chỉ có thể trả lời như Thomas Mann: “Chúng tôi là một dân tộc ưa chuộng định mệnh và mang linh hồn thảm khốc mãnh liệt.” 

2/ Tôi chưa tìm được giải thích vì sao thế hệ của tôi, thế hệ người viết sinh trong thập niên 60 trong miền Nam đã bất lực không ghi lại được biến cố 30 tháng 4-1975, tuy đã chứng kiến tận mắt miền Nam sụp đổ, đã chứng kiến sự thay đổi khốc liệt của cả một xã hội một sớm chiều tan vỡ, rơi xuống vực thẳm của lầm than, gần như phải chịu đựng một cuộc chiếm đóng và thanh tẩy trí não mà mãi cho đến 1990 mới dễ thở. Tất cả những giá trị mà thế hệ này được giáo dục, bỗng chốc đảo ngược, bị xem là đồi trụy, là Ngụy, là phản động… Sự chấn động trong tâm hồn những thiếu niên được 12, 13, 14 tuổi ngày 30 tháng 4 phải vô cùng to tát, nhưng trên mặt văn bản, rất ít những cơn địa chấn, rất ít những cơn mê sảng, rất ít những trận sốt xuất huyết cấp tính, lý do ở đâu? Tôi chỉ có thể mường tượng thế hệ mình đã phải sống sót sau cuộc chiến, đã phải sống sót trong hành trình vượt biên, tỵ nạn, phải hấp thụ tức khắc cả một nền văn minh Tây phương, từ ngôn ngữ đến văn hoá, khoa học, kỹ thuật, cả sự tranh sống trong xã hội tư bản, nên đã chưa bao giờ kịp có thời gian nhìn lại. Đến khi chợt hiểu, văn chương cũng như tình yêu, đồng nghĩa khoảnh khắc, phút giây hiện hữu là phút giây sống thực, khi đó, vụt quay lại thì tất cả đã muộn, đất nước đã là một đất nước khác, xã hội Việt Nam đã là một xã hội khác, dân tộc không còn muốn nhắc nhở những vết thương mà muốn quên đi để làm giàu, để vươn lên, để thoát kiếp đói nghèo; nhắc lại thảm kịch cũ, không ai muốn. Gần như một “lệch pha” với thời đại. Sau năm 75, “lệch pha” với lịch sử, bây giờ “lệch pha” với xu hướng xã hội. Tôi đã ngỡ ngàng khi trông thấy tuổi trẻ miền Nam, vào năm 1994 khi tôi trở về nhà lần đầu, mặc áo thun cờ đỏ sao vàng chạy xe máy ầm ĩ mừng chiến thắng sea game đá banh nào đó. Thế hệ tôi, thế hệ những học sinh đã hãnh diện là người Ngụy, văn hoá Ngụy, tổ quốc Ngụy, hãnh diện trong sự đồng thuận ngấm ngầm của bạn bè, toàn lớp, toàn trường, từ học sinh đến thầy cô, đối kháng trong thụ động, không tham gia phong trào, không “hưởng ứng tích cực”, trong “vâng dạ lấy lệ” và cười mũi sau lưng, chúng tôi không bao giờ nghĩ đến việc mặc áo thun cờ đỏ sao vàng chạy cùng đường phố, trừ phi bị bắt buộc, như đã từng bị dựng dậy từ 5 giờ sáng đi mít tinh mừng “giải phóng thành công”… Phải chứng kiến hình ảnh của chính mình, những thiếu niên học sinh khoác cờ đỏ sao vàng trên thân, với tôi đã là một khó khăn, như tôi vẫn hãy còn khó khăn chấp nhận lá cờ này trên mỗi cột đèn đường phố. Từ đó, suy nghĩ, viết gì, cho ai, cho độc giả nào, ai hiểu mình, trở thành một nghi hoặc. Viết gì? Ghi lại gì? Sự sụp đổ của giai cấp tiểu tư sản thành thị miền Nam? Sự phát sinh của giai cấp tư sản đỏ? Trăm nghìn câu hỏi ngổn ngang trí óc. Và chính vì quá nhiều câu hỏi mà trở nên bất lực. Hơn một bất lực, một đánh mất tiếng nói. Hy vọng rồi sẽ có kẻ viết được thay cho tất cả, nhưng cho đến hiện giờ, thế hệ đôi mươi, ba mươi đã lấn át thế hệ sinh trong thập niên 60 gần như biến mất không để lại dấu vết. 

3/ Bùng nổ tính dục ở các nhà văn nữ. Bùng nổ sinh dục hoá thi ca ở các nhà thơ nam. Tôi ủng hộ những thử nghiệm này, nhưng không đồng ý sự quá khích giới hạn văn chương vào các bộ phận sinh dục. Văn chương phải rộng lớn hơn và bao quát hơn, vì con người không duy nhất là một bộ phận sinh dục. Mà cũng vì sexe thuần bản năng mà con người còn biết suy nghĩ. Sexe biết suy nghĩ là sexe giả tạo. Sexe phơi phới một đời chỉ có thể là sexe bản năng. Nhưng con người không chỉ có bản năng mà còn có fantasme. Mà fantasme đã là trừu tượng hoá suy nghĩ. Văn chương trước nhất là những điều trừu tượng. 

4/ Phía chính thống đang đánh mất niềm tin của một Kurt Egger, một nhà thơ của binh chủng Waffen SS, từng làm những câu thơ “Hãy ném lửa cùng reo khủng bố / vì đó là lời phát thệ trung thành tuyệt đối”. Phía không chính thống, ngược lại, thiếu những gương mặt khí phách và trí thức, như Thomas Mann đã trả lời Docteur Joseph Goebbels: “Ở nơi nào tôi đứng, nơi đó mới thực sự là văn hóa Đức”. Không phải Kurt Egger, cũng không phải Thomas Mann, nên nhà văn Việt Nam trầm mình vào một dòng văn chương êm đềm, phẳng lặng; mà không ý thức, tuy không nước xoáy, không ghềnh thác, vẫn đủ sức nhận chìm nhiều thế hệ nhà văn nếu không vùng vẫy. 

5/ Có 4 yếu tố giúp thẩm định một truyện ngắn: Giọng văn, khí hậu, cấu trúc-kỹ thuật và tư tưởng. Có giọng văn mà thiếu cấu trúc-kỹ thuật, truyện sẽ dài lê thê, sẽ không cô đọng. Có tư tưởng, có kỹ thuật, có cấu trúc, mà không giọng văn, không khí hậu đặc biệt, truyện tuy chặt chẽ với nội dung hàm xúc sẽ thiếu chất mê hoặc của văn chương. Đạt 2/4 là một truyện ngắn trung bình. 3/4 là một truyện ngắn khá. Đủ 4 yếu tố, phải là truyện hay. Hậu hiện đại hay không hậu hiện đại, hiện sinh hay không hiện sinh, huyền ảo hay không huyền ảo, 4 tiêu chuẩn trên vẫn trường kỳ mai phục nguời viết. Còn truyện ngắn xuất sắc? Điển tích Trung Hoa, mà nhiều nhà văn đã nhắc lại: Giống con chim lạ ở đâu bay đến, ngửa cổ hót chơi, từ đó không còn âm thanh nào giống như trước nữa.

Trong lạm phát sáng tác hiện nay, với thể loại truyện ngắn cực kỳ khó mà nhà văn Việt luôn sẵn mặt hàng, dường như yếu tố Giọng văn đang biến mất. Khi chính giọng văn đem đến khí hậu, chúng ta hiểu vì sao truyện ngắn Việt Nam thường nhạt. Bàn đến giọng văn, là bàn đến thao tác cú pháp, quá ít styliste trong thời đại bây giờ. 

6/ Gửi bài về trong nước phải thông qua khâu «xin- cho- trình- duyệt- xuất- bản», và bị kiểm duyệt như trường hợp truyện ngắn Ben Hur và Messala mà tôi viết năm 1988, kể chuyện một đôi bạn thân thiết là Ben Hur Messala sống trong thành Jérusalem, rồi một kẻ đi vượt biên, kẻ ở lại. Nhiều năm sau Messala trở về Huế cảm giác mình bị đối xử xa lạ như một người La Mã thực sự, trong lúc Ben Hur chứng kiến bạn mình đã hóa La Mã, cùng lúc nhận ra thân phận Do Thái của chính mình đã chọn ở lại Jérusalem. Trong truyện, cả hai đầy thói hư tật xấu, cùng tham lam, cùng giả dối, cùng giành giật một người đàn bà, không ai nhịn ai… Truyện Ben Hur và Messala được trong nước in lại trong tập Khi Tan Nắng mà tôi không hay biết, rồi đến năm 2004, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên chọn in trong một tổng tập mà tôi cũng không được thông báo, đến khi in ra tất cả thói tật của Ben Hur biến mất, còn lại duy nhất đức tính xấu xa của Messala, tên La Mã trở về nhà. Tất cả những xung đột trong - ngoài thành Jérusalem biến mất, không còn mâu thuẫn, chỉ còn kẻ xấu Việt kiều… Sau kinh nghiệm này, tôi đặt điều kiện không biên tập, không cắt cúp, không thay chữ với tất cả những nhà văn của Hội nhà văn khi họ có nhã ý muốn in truyện của mình, tất nhiên những hội viên Hội nhà văn sau đó thoái thác hay im lặng. Tôi không có khả năng viết truyện dịu dàng, bà cháu hay thạch chè nên đành vậy; đến với các tập san & website bên ngoài, tuy không nhuận bút, tôi yên tâm bài viết của mình sẽ không bị tùng sẻo, nêm nếm, chiên xù. 

7/ Quyền thụ hưởng sự tự do tuyệt đối thần thánh trong sáng tác là quyền lực lớn nhất của nhà văn, vượt trên quyền hạn của thiên chúa; vì trong tác phẩm của mình, nhà văn chính thực là thượng đế. Khi nhà văn Nhật Tiến tuyến bố ông thiếu tự do của ngòi bút vì sinh sống ở quận Cam, nơi đông đảo các hội đoàn VN, nhà văn Hoàng Khởi Phong đã trả lời: Tự do của một nhà văn nằm trong chính thái độ sống của nhà văn, anh có muốn cho mình tự do hay không mới là điều quan trọng. Tôi đồng ý với cách nhìn của tác giả Ngửng mặt nhìn trăng sáng. Tuy vậy, hôm nay đang xảy ra hiện tượng: Khối đông nhà văn di dân, sau khi vượt biển đánh đổi cái chết để tìm tự do, đã không muốn hành xử quyền tự do của chính mình, ngay trên những vùng đất mà quyền tự do ngôn luận đuợc hiến pháp bảo vệ. Nhà văn Việt chấp nhận chịu cai quản bằng visa. Tôi cũng ở trong số đông những người viết này, bắt đầu phải suy nghĩ viết gì, và viết như thế nào, để sống an toàn, để có thể trở về và chết chôn trên đất nước mình. Tôi không còn cảm thấy tự do nữa. Hơn một vòng phấn tự vạch, một chiếc thòng lọng. Không ngẫu nhiên mà văn học di dân không thể sản xuất ra Thomas Mann. Một người bạn, vừa làm công việc sáng tác, vừa viết nhận định, cho biết khi phê phán cộng đồng và chính quyền Hoa Kỳ, viết bằng tiếng Việt; ngược lại, những khi đánh giá chính phủ Việt Nam, viết bằng tiếng Mỹ để tránh gặp phiền phức. Thomas Mann, khi đứng bên này đại dương nhìn thẳng vào mắt Goebbels đang trên tột đỉnh vinh quang, đã không viết văn hai chiều kim đồng hồ như vậy. Với Thomas Mann, thời gian là một đường thẳng và không thể khứ hồi. Với nhà văn Việt, thời gian co giãn cao su như ngòi bút của chính mình. Tôi cố gắng giữ cho bàn phím của mình đừng cao su, với hy vọng mình không hóa cao su trước cả bàn phím.

Câu hỏi đầy tính phán quyết của nhà văn Hoàng Khởi Phong: “Tự do của một nhà văn nằm trong chính thái độ sống của nhà văn, anh có muốn cho mình tự do hay không?” đang làm tôi nhức đầu. 

8/ Internet thoả mãn ‘‘thú tính xem cọp’’ của người Việt. Bên cạnh thú tính này, internet đem đến cho người Việt tất cả, những gì mà tổ tiên không nhìn thấy, cả những gì tổ quốc tự cấm vận. Internet là cuộc cách mạng kỹ thuật lớn nhất ở cuối thế kỷ 20, việc dân Việt và nhà văn Việt tham gia hết mình internet là một dấu hiệu tốt. Con đường dân chủ hoá đất nước sẽ qua đường truyền này. Còn lại vấn đề bản quyền, tác quyền, xuất bản? Không internet thì những quyền này vẫn bị vi phạm từ lâu. Ưu tiên của nhà văn bây giờ? Ưu tiên nào khi với một nhà văn di dân, ngành xuất bản hải ngoại gần như tê liệt, các tập san văn chương thay nhau sập tiệm, tạp chí Văn, Văn Học, Gió Văn cách gần một năm mới ra được một số, tập san Hợp Lưu gồng mình sống gửi thác về, văn chương đem xuống tuyền đài… Tất cả những “đám táng trong gia đình” này, chỉ xác quyết một điều: Một nền văn học khỏe mạnh, trước nhất phải là một nền văn học giấy in khỏe mạnh. Tình cảnh hôm nay, cho thấy, văn học di dân Việt Nam đang ốm đau, trầm kha…! 

Trần Vũ

w-tranthingh_0_300x180_1

Trần Thị NgH.

 

Lý lịch trích dọc:

- Tên thật Trần Thị Nguyệt Hồng

- Bắt đầu viết từ thập niên 60.

- Đã cộng tác với các tạp chí Văn, Vấn Đề, Thời Tập, Thời Văn, Hợp Lưu...

- Tác phẩm đã xuất bản:

 * Tập truyện ngắn Trần Thị NgH, nhà xuất bản Văn Nghệ, CALIFORNIA, USA,1999.

 * Lạc Đạn và Mười Truyện Ngắn, nhà xuất bản Thời Mới, TORONTO, CANADA, 2000.

- Hiện sống và làm việc tại Việt Nam

1/ Định mệnh của bộ lạc Ibo đã được thể hiện bằng tiếng Anh chuẩn, điểm xuyết một ít thổ ngữ qua Things Fall Apart – một trong bộ 4 tác phẩm được viết giữa 1958 và 1964 - của Chenua Achebe, nhà văn Nigeria. 

2/ Cuồng lưu chảy mạnh và nhanh, nhưng sẽ có trầm tích. 

3/ Văn hóa nghe nhìn nhấn chìm văn hóa đọc; màn hình sáng lên trong khi các trang giấy nhầu đi. Trước những cánh cửa mở, nhiều người vẫn còn thập thò. Không ít người thập thò trước những cánh cửa không chịu mở. 

4/ Độc giả. 

5/ Là cà-phê phin không đường chảy âm ấm vào cổ họng còn để lại đăng đắng ở lưỡi và ngan ngát ở mũi

6/ [- Hmmmmm.... câu hỏi này dở ẹc, không nên trả lời]. 

7/ Không; nhưng bản thân thường ăn ở hợp vệ sinh nên không thích sự bầy hầy. 

8/ Mùi giấy mới trộn mùi mực in, với bìa trước trình bày mỹ thuật và bìa sau có ghi giá bán. 

Trần Thị NgH. 

Cám ơn các tác giả đã nhận trả lời phỏng vấn đầu năm.
Hợp Lưu thực hiện

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
25 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 102183)
Tháng Ba của người lính ấy thật ra chỉ 11 ngày. Nửa đầu quyển sách là nhật ký hành quân giản lược của 10 ngày, mở ra với vài ngày tiên khởi của một cái vòng luẩn quẩn, tiến dần đến việc từng ngày, rồi từng giờ từng lúc.
19 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 155756)
LTS . ...Dù lịch sử đã sang trang từ lâu, bài ký ức về Tướng Lê Nguyên Vỹ, cố Tư lệnh SĐ 5 BB–người đã chọn chết theo thành, và không nỡ bắt "con em người ta gửi gấm cho mình" chết oan uổng ở những giờ phút tàn cuộc của chiến tranh Việt Nam–là một trong những tài liệu hiếm hoi, có giá trị sử liệu. Hợp Lưu trân trọng giới thiệu tác giả Triệu Vũ với quí độc giả. Tạp Chí Hợp Lưu
10 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 91601)
Đầu Xuân Kỷ Sửu (25/1/2009) tôi khởi đầu việc hiệu đính phần tư liệu lịch sử Việt từ đời Ngô (938-965) tới đời Nguyễn (1802-1945). Đây có lẽ là lần hiệu đính cuối cùng, và khá tốn thì giờ vì việc chuyển đổi từ lịch Ta qua lịch Tây.
10 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 91847)
Phần III. G. TÀI LIỆU VIỆT: Ngoài tài liệu Trung Quốc, sử quan Việt cũng sử dụng một số tư liệu trong nước.
10 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 95070)
Phần II. Cần nhấn mạnh, mang quân xâm chiếm, chia ra quận huyện để đặt dân Việt vào “vòng lễ giáo” Hán tộc [ kiểu cho đào mộ tổ tiên Lê Lợi năm 1418 (Thông sử, 208 [truyện Trịnh Khả]), hay thiến hoạn thiếu niên Việt] , chỉ là hai trong những biện pháp lấn đất giành dân.
10 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 103280)
Phần IV II. VIỆC NGHIÊN CỨU THỜI CẬN ĐẠI (1800-1975): Giai đoạn trước 1975, việc nghiên cứu sử học đã có nhiều nguồn tư liệu hơn để làm việc. Tài liệu đáng tin cậy nhất, dĩ nhiên, là tài liệu văn khố. Nhiều nhà nghiên cứu sử học chuyên nghiệp đã sử dụng tài liệu văn khố Pháp, Mỹ và Liên Sô. Mới đây, văn khố Hội truyền giáo Hải ngoại cũng đã mở rộng, sau nhiều thập niên “cho người chết ngủ yên.”
23 Tháng Hai 200912:00 SA(Xem: 93441)
Tập tài liệu được nói tới ở đây là một tập hợp những bài viết của “một số lão đồng chí đã từng công tác trong Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc tại Việt Nam đầu những năm 50 của thế kỷ 20” theo lời của Nhóm biên tập sách viết trong Lời Cuối Sách vào tháng 12 năm 2001.
29 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 83335)
Căn phòng của Jacob ấn tượng tôi đến nỗi, tôi sợ phải đọc lại. Vì tác phẩm vượt mọi khuôn khổ, như có điện, từ trường, đến mức không còn liên quan đến sáng tạo tiểu thuyết. Trên những trang đầu tiên, bằng tất cả ngây thơ, người đọc bước vào tác phẩm không chút ngờ vực.
28 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 113072)
- Gửi Thức Tối hôm qua từ nơi cửa sổ phòng tôi tuyết xuống tuyết rơi trên những cành tùng có tiếng đập cánh rất khẽ của con chim trốn tuyết
28 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 110555)
Sao anh lặng im nhìn lên bầu trời Em thành dải mây bối rối Vì tinh tú tròn đêm trẩy hội Vắt xiêm y ngang cành táo trong vườn.