- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Con Rùa Thần Cuối Cùng Trong Hồ Hoàn Kiếm

17 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 159212)

blankMột bài báo của hãng Thông Tấn AP được loan ra trong trung tuần Tháng 10/2008, do phóng viên Cara Anna viết về tin một cặp rùa già được xếp đặt để truyền giống. Chàng khoảng độ 100 tuổi và nàng mới có 80. Các nhà khoa học về động vật đều nín thở để chờ đợi kết quả của loài rùa đang tuyệt chủng này. Nhưng các cố gắng đã thất bại, vỏ trứng quá mỏng vì thiếu chất calcium nên đã bị rạn nứt trước khi nở.

Cũng trong bài báo này cho biết trên thế giới loài rùa mai mềm sông Dương Tử này gần như bị tuyệt chủng, nay chỉ còn lại bốn con, trong đó ba con là đực. Một con được nuôi tại sở thú Suzhou gần Shanghai. Một con cái mới tìm ra được năm ngoái tại một sở thú tại Changsha, mà người giữ thú tin đây là một con trong loại rùa cuối cùng. Khi đọc được lời kêu gọi tìm kiếm và hình loại rùa này giống như con rùa họ đang nuôi, họ đã báo ngay cho giới thẩm quyền biết. Tức thì một toán chuyên viên gồm người Mỹ và Trung Hoa đã cấp tốc đến để chuẩn bị di chuyển rùa cái từ đó về Suzhou cách 600 dặm. Ông Rick Hudson, Đồng Chủ Tịch của Hôi Bảo Vệ Rùa cho biết đây là một cuộc di chuyển đầy gay cấn, chỉ sợ những điều không hay xẩy ra tại dọc đường cho con rùa cái này. Kết quả là chàng đã gặp nàng, và nàng đã được đặt tên, một cái tên yêu kiều của cả một dân tộc là “China Girl”, Cô Gái Trung Hoa. Nàng được bảo vệ rất cẩn thận, có máy thâu hình theo rõi thường trực, có nhân viên bảo vệ và các cửa kính là loại chắn đạn. Nhân viên sở thú đang sửa soạn cho kỳ truyền giống của chàng và nàng trong năm tới được kết quả. Họ đã tăng phần ăn thêm chất calcium bằng cá, crayfish và cổ gà để vỏ trứng được cứng thêm. Trong lúc chờ tới mùa “động phòng”, chàng và nàng bị ngăn cách bằng một cửa sắt. Bà Liu Jinde, Giám đốc sở thú cho biết:”Chúng tôi đang làm việc tích cực, nhất định sẽ thành công trong năm tới. Hiện nay hai con rùa này rất khỏe mạnh”.

Trung Hoa đã được tiếng về bảo tồn loại gấu Panda, nhưng các nhà khoa học cũng cho biết khoảng 40% các loại động vật (Mammal) đang bị cơ nguy tuyệt chủng vì ô nhiễm và săn bắt.

Ngoài hai con rùa thuộc sông Dương Tử nói trên, họ cho biết có hai con rùa đực còn lại tại Việt Nam. Bốn con rùa này có thể cùng một giống, nhưng hai con rùa ở Việt Nam theo truyền thuyết lại là những con rùa thần được gắn liền với lịch sử linh hiển Việt Nam, mà được cả một dân tộc tôn kính.

 *

Tìm hiểu về rùa Hoàn Kiếm chúng ta hãy đi ngược trở lại những trang sử Việt Nam, chính sử cũng như huyền sử, và những bài viết thực tế đương thời đã được lưu trữ trong các mạng lưới. Khi đọc những dữ liệu trên, nhiều người sẽ có một cảm tưởng những dữ kiện về rùa không được thống nhất cả về huyền sử lẫn thực tế, và có những vấn đề cần được thảo luận.

Trước hết, hãy đọc lại chính sử, mà quyển Việt Nam Sử Lược (VNSL) của Trần Trọng Kim được coi là đáng tin cậy để biết được bối cảnh của huyền sử đã được truyền tụng đến ngày nay. Sau hai triều đại Lý (1010-1225), và Trần (1225-1400) cường thịnh trải dài gần bốn thế kỷ. tiếp đến nhà Hồ và Hậu Trần suy thoái đã đưa đến việc nhà Minh tìm cách đưa quân sang Việt Nam đô hộ từ năm 1414-1427, và trong thời gian này họ cố tìm cách hủy diệt văn hóa và cố đồng hóa theo người Tầu. Theo VNSL: “May lúc ấy có một đấng anh hùng nổi lên, kéo cờ khởi nghĩa để chống với giặc Nguyên, trong 10 năm lấy lại được giang sơn cũ, và xây đắp lại nền độc lập cho nước Nam. Đấng anh hùng ấy, người ở làng Lam Sơn, huyện Thụy Nguyên, phủ Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, họ Lê, tên là Lợi. Đã mấy đời làm nghề canh nông, nhà vẫn giầu có, lại hay giúp đỡ cho kẻ nghèo khó, cho nên mọi người đều phục, và những tôi tớ có hàng ngàn người. Ông Lê Lợi khảng khái, có chí lớn, quan nhà Minh nghe tiếng, đã dỗ cho làm quan, nhưng ông không chịu khuất, thường nói rằng: “Làm trai sinh ở trên đời, nên giúp nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm muôn đời, chớ sao lại chịu bo bo làm đầy tớ người”. Bèn giấu tiếng ở chỗ sơn lâm, đón mời những kể hào kiệt, chiêu tập những kẻ lưu vong”.

Lê Lợi có những tướng giỏi như Lê Thạch, Lê Liễu, Lê Lai, Trần Nguyên Hãn, Phạm văn Xảo và nhiều tướng khác nữa tận lòng phụ giúp. Sau này còn có “Nguyễn Trãi vào yết kiến, dâng bài bình Ngô, Lê Lợi xem thấy hay, bèn mời làm tham mưu bầy mưu định kế để lo sự bình định”

Sau khi Lê Lợi dẹp xong giặc Minh rồi, lập nên Triều Đại Nhà Lê, lấy tên là Lê Thái Tổ, sai ông Nguyễn Trãi làm tờ bá cáo cho thiên hạ biết. Tờ Bình Ngô Đại Cáo này làm bằng Hán Văn là một bản văn chương rất có giá trị trong đời Lê, nguyên văn được lưu trong Hoàng Việt Văn Tuyển.

Sau khi đọc qua đoạn chính sử trên, liên tưởng đến truyền sử về Nguyễn Trãi, ông đã cho người dùng mỡ viết trên những chiếc lá câu: “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần” (Lê Lợi làm vua, Nguyễn Trãi làm quan), kiến thấy mỡ tới ăn, đục lá thành dòng chữ trên rồi cho thả theo dòng nước tới những chỗ đông dân. Dân chúng cho rằng đó là mệnh trời, nên hùa theo Lê Lợi. Nguyễn Trãi chắc đã không ngừng ở đó, và đã tiếp tục đặt ra truyện Lê Lợi nhận được kiếm thần để thu phục thêm được nhân tâm hầu đuổi được giặc Minh, dành lại độc lập. Có một câu hỏi được đặt ra cũng có lý do là, tại sao đã nhận được kiếm thần rồi không giữ, mà lại tạo thêm truyện trả kiếm lại, để ngày nay chúng ta có huyền sử Hồ Hoàn Kiếm. Chuyện này chúng ta sẽ bàn đến ở đoạn sau.

Chỉ tiếc rằng Lê Thái Tổ khi lên ngôi, tính hay nghi ngờ, nên đã giết hại công thần như Trần Nguyên Hãn và Phạm văn Xảo, hai người đã có công lớn, chỉ vì sự dèm pha mà đều phải chết oan, gia tộc cũng phải vạ lây. Triều vua sau, vua Lê Thái Tông, Nguyễn Trãi cũng không tránh khỏi hàm oan. Sử có chép: “ Năm Nhâm Tuất 1442, Thái Tông đi duyệt binh tại Côn Sơn. Bấy giờ ông Nguyễn Trãi đã về trí sĩ ở trại Côn Sơn, thuộc huyện Chí Linh, khi vua đi qua đó có vào thăm, và thấy người hầu ông ấy là Nguyễn Thị Lộ, có tài sắc, bèn bắt theo hầu. Đi đến huyện Gia Định (nay là huyện Gia Bình ở Bắc Ninh) thì vua mất. Triều đình đổ tội cho Nguyễn Thị Lộ giết vua, bắt ông Nguyễn Trãi làm tội và tru di cả ba họ”. Sau đó, truyền sử được đặt ra vì chuyện rắn báo oán mà Nguyễn Trãi đã gặp nạn. Khi đó Thái Tông 20 tuổi.”

 *

Theo truyền thuyết, có tác giả cho rằng câu truyện chỉ liên quan đến ba nhân vật là Lê Lợi, thanh kiếm và con rùa, nhưng cũng cần phải kể thêm đến hồ Hoàn Kiếm, Tháp Rùa và Nguyễn Trãi, người đã giúp Lê Lợi hoàn thành cuộc khởi nghĩa.

Theo “Lam Sơn Thực Lục” của Nguyễn Trãi, một công thần tham mưu của Lê Lợi:

“ Khi ấy nhà vua cùng người ở trại Mục Sơn là Lê Thận cùng làm bạn keo sơn. Thận thường làm nghề quăng chài. Ở xứ Ma-viện, đêm thấy đáy nước sáng như bó đuốc soi. Quăng chài suốt đêm, cá chẳng được gì cả. Chỉ được một mảnh sắt dài hơn một thước, đem về để vào chỗ tối. Một hôm Thận cúng giỗ (ngày chết của` cha mẹ), nhà vua tới chơi nhà. Thấy chỗ tối có ánh sáng, nhận ra mảnh sắt, nhà vua bèn hỏi:

- Sắt nào đây?

Thận nói:

- Đêm trước quăng chài bắt được.

Nhà vua nhân xin lấy, Thận liền cho ngay. Nhà vua đem về đánh sạch rỉ, mài cho sáng, thấy nó có chữ “Thuận Thiên”, cùng chữ “Lợi”. Lại một hôm, nhà vua ra ngoài cửa, thấy một cái chuôi gươm đã mài dũa thành hình, nhà vua lạy trời khấn rằng:

- Nếu quả là gươm trời cho, thì xin chuôi và lưỡi liền với nhau!

Bèn lấy mảnh sắt lắp vào trong chuôi, thành ra một chiếc gươm hoàn chỉnh. Tới hôm sau, lúc đêm, trời mưa gió, sớm ngày mai, hoàng hậu ra trông vườn cải, bỗng thấy bốn vết chân của người lớn, rất rộng, rất to. Hoàng hậu cả kinh, gọi nhà vua ra vườn, được quả ấn báu, lại có chữ “Thuận Thiên” (sau lấy chữ này làm niên hiệu) cùng chữ “Lợi”. Nhà vua thầm biết ấy là của trời cho, lòng lấy làm mừng, giấu giếm không nói ra. Truyền thuyết kể tiếp rằng, sau Lê Lợi dùng thanh gươm báu đó làm gươm chiến đấu, xông pha chém địch nhiều trận, cuối cùng đuổi được quân Minh, lên làm vua. Đầu năm 1428, Lê Thái Tổ cùng quần thần bơi thuyền ra hồ Thủy Lục. Ra giữa hồ, có Rùa Vàng nổi lên mặt nước, chắn trước thuyền của vua gọi to:

- Xin nhà vua hãy hoàn lại gươm thần cho Long Vương!

Lê Thái Tổ rút gươm trả, rùa vàng ngậm lấy gươm lặn xuống nước đi mất. Từ đó hồ Lục Thủy được đặt tên là hồ Hoàn Kiếm”.

Hãy đọc thêm sách “Tang Thương Ngẫu Lục” của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án soạn đời Gia Long (1802-1819), khoảng gần 400 năm sau sách “Lam Sơn Thực Lục”:

“Hồ Hoàn Kiếm bên cạnh phường Báo Thiên, thành Thăng Long, thông với nước ngoài sông, hình thể rất to rộng. Hồ này là nơi đức Thái Tổ (triều trước) đánh rơi thanh kiếm.

Hồi Thái Tổ khởi nghĩa, ngài bắt được một thanh gươm cổ. Khi ngài làm vua, ngài vẫn thường đeo thanh gươm đó. Một hôm chơi thuyền ở trong hồ, chợt thấy một con ba ba rất lớn nổi lên mặt nước, bắn nó không trúng. Ngài bèn lấy thanh gươm mà chỉ. Bất đồ, thanh kiếm rơi xuống nước mất, con ba ba cũng lặn theo. Ngài giận, sai lấp cửa hồ lại, đắp cái bờ ngang, tát hết nước để tìm, nhưng chẳng thấy đâu cả. Đời sau, nhân cái vết bờ ấy chia hồ ra làm hai: tả vọng và hữu vọng. Cuối đời Cảnh Hưng, bỗng có một vệt sáng từ cái đảo trong hồ vọt lên cao, sáng rực tan ra rồi tắt, người ta cho là thanh kiếm đã bay đi”.

Ngoài ra còn khá nhiều truyền thuyết khác. Nhiều dân tộc trên thế giới Âu, Á cũng có những thần thoại và huyền sử như chúng ta, những huyền sử làm cho họ hãnh diện liên hệ đến những sự linh thiêng. Điều hay nhất là trong những truyền sử đó, hãy cùng nhau chọn và giữ một huyền sử mà mình tin nhất, đẹp nhất, cảm thấy linh thiêng nhất và phù hợp với văn hóa của dân tôc. Theo đó huyền sử trong Nguyễn Trãi Thực Lục là nguyên thủy nhất, của chính thời kỳ phát sinh ra kiếm, và có thể tin được rằng chính Nguyễn Trãi đã tạo ra huyền sử này và viết lại. Tang Thương Ngẫu Lục sau 400 năm, một quãng thời gian quá xa, viết lại một truyền sử chắc không tránh khỏi những điều sai lạc và thêu dệt thêm.

 *

Khi nói về thực tế Rùa Hoàn Kiếm, nguồn dữ liệu phong phú nhất là tìm trên các mạng lưới tin học. Nếu vào Google, với “Rùa Hoàn Kiếm” hay “Turtle in Hoàn Kiếm Lake in Viet Nam” có hàng mấy chục trang Việt ngữ và Anh Ngữ liệt kê các đề tài liên quan đến rùa trong hồ này. Mạng lưới là nơi đóng góp dữ liệu, các bài báo của nhiều người nên các ý kiến rất đa dạng, có một số lớn bài trùng nhau và thiếu tên tác giả. Đại đề có thể chia làm ba đề mục lớn:

1- Một số lượng bài đáng kể nói về nạn “Thản Nhiên Câu Rùa tại Hồ Hoàn Kiếm, chẳng ai cấm!”, bất chấp luật lệ, nhân viên công lực lơ là. Có một bài tả cảnh xả thịt con rùa bị bắt ngay bên hồ, khiến nhiều người, ngay cả những du khách ngoại quốc chứng kiến rất là phẫn nộ, mà không can thiệp được. Trong hồ cũng có những loại rùa khác, và có một loại rùa độc mắt đỏ đang được trừ khử.

2- Một số bài nói về huyền thoại rùa đáng kể của hai sử liệu: Nguyễn Trãi Thực Lục của Nguyễn Trãi khoảng năm 1428, Tang Thương Ngẫu Lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án, đời Gia Long 1802-1819, ngoài ra còn của Phạm Đình Bách 1873 và của một người Pháp là Philippe Papin trong cuốn Histoire de Hanoi, Fayard 2001

3- Một số nhỏ bài viết về động vật học, môi trường rùa sống và việc bảo vệ rùa.

Trong các bài trên, có một bài đặt ra những câu hỏi rất là xác đáng và thích thú:

Tên Hồ Gươm có từ bao giờ? Theo sử khi vua Lý Thái Tổ chọn vùng đất Đại La làm kinh đô, khu vực này là vùng rừng rậm, hoang vắng, đầm lầy và có hồ Dâm Đàm (Hồ Tây), hồ Lục Thủy (Hồ Gươm) và hàng chục hồ lớn nhỏ khác. Hồ có tên Lục Thủy vì màu nước hồ xanh ngắt quanh năm. Ngay từ thời Lý đã cho dựng chùa Sùng Thiên, là công trình kỳ vĩ ngay trên bờ hồ Lục Thủy. Suốt hai triều Lý Trần hơn 400 năm không hề thấy sử sách hay thư tịch nào nói có loài rùa lớn sống trong hồ này. Mãi đến thế kỷ 15 với truyền thuyết vua Lê trả lại gươm báu cho Thần Rùa tại hồ Lục Thủy, sau khi dẹp được quân Minh, loài rùa lớn này mới được nói đến và hồ này từ đó được đổi tên là hồ Hoàn Kiếm hay hồ trả Gươm.

Tại sao rùa này chỉ có tại hồ Gươm mà không thấy ở các hồ khác tại Hà nội? Như đoạn trên trình bầy, Hà nội có nhiều hồ, các hồ này thời xưa đã nối liền với sông Hồng Hà, mà chỉ có hồ Gươm là có rùa, ngay cả không ai nói đến có rùa này trong sông Hồng như bên Tầu rùa này có trong sông Dương Tử.

Phải chăng rùa đã được đưa từ nơi khác thả vào hồ Gươm?. Trong sách cổ có nói Vụng Sung trên Sông Lương ở vùng Lam Sơn, nơi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa có một loại rùa to bằng cái nia. Người dân kể lại rằng xưa kia họ đã từng dùng mai rùa dựng làm mái lều che ba người ngồi dưới mà không ướt, hoặc lật ngược thành thuyền hái rau muống. Một số vùng miền Lam Sơn người ta còn dùng mai rùa lớn làm chậu hứng từ máng dẫn nước từ trên núi xuống để lấy nước. Một điều kỳ thú là người ta tìm thấy con rùa đá đội bia Vĩnh Lăng tại Lam Kinh là loại rùa mai mềm, về hình thái giống như rùa hồ Gươm hiện nay. Nghệ nhân vùng này quá quen thuộc với loại rùa này, nên tạc tượng rùa đội đá Vĩnh Lăng khác với những con rùa đá ở Văn Miếu hay các đình chùa khác. Nhiều người cho rằng chính Lê Lợi đã đưa rùa này thả vào hồ Lục Thủy và tạo nên huyền sử Hoàn Kiếm. Có một điều nữa làm cho người ta tin rằng rùa Hồ Gươm chính là thần Kim Quy, bàn chân rùa đá Vĩnh Lăng có 6 móng, trong đó có một móng bị khuyết, phải chăng móng đó đã bị Triệu Đà lừa mang về Tầu, đã làm liệt nỏ thần của An Dương Vương, đưa nước ta lại vòng lệ thuộc. Những điều này chưa được kiểm chứng rõ rệt.

Tiến sĩ Hà Đình Đức, một nhà sinh học chuyên nghiên cứu về loài rùa này hơn chục năm, cũng có nhận định rùa Hồ Gươm không phải là rùa tự nhiên vốn sống tại hồ mà được mang từ nơi khác đến. Ông cũng đưa ra lập luận, Hồ Gươm là phần còn lưu lại dấu tích chuyển dịch của sông Hồng Hà, như hồ Tây, hồ Thuyền Cuông, hồ Bẩy Mẫu và nhiều các hồ khác, tuy nhiên chỉ có Hồ Gươm là có loại rùa này. TS. Đức cũng đồng ý với giả thuyết rằng rùa Hồ Gươm đã được Lê Lợi mang từ quê hương Thanh Hoá thả vào hồ.

Tại sao Lê Lợi được gươm thần không giữ mà tìm cách trả lại? Có một bài viết giải thích dựa trên truyền thuyết Thần Kim Quy đã xuất hiện trong lịch sử Việt Nam ba lần. Lần thứ nhất, Thần Kim Quy cho An Dương Vương (257-207 trước Tây Lịch) mượn thanh bảo kiếm để trừ yêu quái đến phá phách trong lúc xây thành Cổ Loa, khi thành xây xong, An Dương Vương đã làm lễ trả lại. Sau đó, khi Triệu Đà từ phương Bắc xuống đánh, Thần Kim Quy lại cho mượn một chiếc móng của mình để làm lẫy nỏ thần và khiến Triệu Đà đại bại thoái lui về Bắc. Nhưng lần này An Dương Vương không hoàn trả móng rùa. Triệu Đà sau đó dùng kế giảng hòa, cho con trai là Trọng Thủy lấy con gái An Dương Vương là Mỵ Châu. Trong Thủy tìm cách lừa Mỵ Châu tráo lẫy nỏ thần mang về Tầu. Triệu Đà lại đem quân sang đánh, An Dương Vương đem nỏ thần ra bắn thì vô hiệu, bèn mang Mỵ Châu chạy trốn. Lúc đường cùng, An Dương Vương cầu cứu Thần Kim Quy, Thần bảo: “Giặc ngồi đằng sau nhà ngươi đấy!”. An Dương Vương chợt hiểu ra, tức giận rút gươm ra chém Mỵ Châu, rồi nhẩy xuống biển tự vận. Theo truyền thuyết, An Dương Vương vì đã không trả lại móng rùa, đã phạm vào quy luật “Vay-Trả”, nên đã chịu thảm họa như thế. Lần thứ ba, Thần Kim Quy xuất hiện, giúp Lê Lợi có thanh bảo kiếm, trên lưỡi có khắc sâu hai chữ “Thuận Thiên” (hợp ý trời). Sau khi dẹp xong giặc Minh, Lê Lợi rút ra bài học này, đã đem thanh bảo kiếm trả lại cho rùa thần trên hồ Lục Thủy giữa kinh thành, như muốn chứng minh với văn võ bá quan, truớc bàn dân thiên hạ: “Thần cho ta mượn thanh bảo kiếm dẹp giặc, nay việc lớn đã xong, ta đem hoàn trả”. Không có rùa to ở hồ Lục Thủy, Lê Lợi đã mang rùa từ nơi khác đến thả để minh chứng việc làm của mình (?).

Theo một bài viết, trên hồ có hai hòn đảo, đảo Ngọc và đảo Rùa (vì rùa thường bò lên nằm phơi nắng). Cuối thế kỷ thứ 16, Chúa Trịnh dựng phủ Chúa ở phường Bảo Thiên (nay là Nhà Thờ Lớn) và ở chỗ phố Thợ Nhuộm gần hồ, nên đặt cho hai phần hồ là Hữu Vọng và Tả Vọng. Sau đó Trịnh Doanh cho đắp ở bờ hồ, chỗ đối diện với đảo Ngọc, một gò đất tên là Ngọc Bội, còn trên đảo Rùa thì cho dựng lầu Tả Vọng. Khi Trịnh suy, Lê Chiêu Thống cho đốt phá tất cả những gì do họ Trịnh dựng lên. Đến đầu thế kỷ 19, người ta dựng một ngôi chùa trên đảo Ngọc gọi là chùa Ngọc Sơn. Ít lâu sau chùa này không thờ Phật mà thờ thánh Văn Xương và Trần Hưng Đạo, do đó chùa đổi thành đền, tức đền Ngọc Sơn ngày nay. Năm 1864, nhà nho Nguyễn Văn Siêu đã đứng ra sửa sang lại cảnh đền. Trên gò Ngọc Bội, ông cho xây một ngọn tháp hình bút. Đó là tháp Bút ngày nay. Riêng tháp Rùa, có một vài bài viết tranh luận của các sử gia về tháp Rùa được xây cất vào thời đại nào cũng chưa xác định được, và lầu Tả Vọng có phải là Tháp Rùa ngày nay hay không?

Rùa Hoàn Kiếm thuộc giống nào và còn bao nhiêu con trong hồ? Đây cũng là một sự bất đồng ý kiến không những của những người trong nước và cả với các tổ chức bảo vệ rùa quốc tế. Về tên khoa học các tổ chức nghiên cứu quốc tế cho rằng rùa Hoàn Kiếm cùng loại với rùa của sông Dương Tử, đang được nuôi tại một sở thú gần Thượng Hải. Loài rùa này có thể nặng tới 136kg, dài tới hơn một mét và sống hơn 100 năm, có tên là Rafetus swinhoei. Nhưng Tiến Sĩ Hà Đình Đức, người chuyên nghiên cứu về rùa tại Việt Nam lại cho rằng: “Công bố của nhóm nghiên cứu trên không mang tính chất khoa học và không liên quan gì đến rùa ở hồ Hoàn Kiếm”. Ông đặt tên rùa Hoàn Kiếm là Rafetus leloii (chắc dựa vào tên Lê Lợi) và cho rằng không giống với loại rùa Rafetus swinhoei của sông Dương Tử về hình thái.

Số rùa còn sống trong hồ Gươm cũng vẫn còn là một nghi vấn, vì có những con số khác nhau được đưa ra. Bài báo của hãng AP trên cho rằng còn 2 con rùa đực. Trong một website mang tên asianturtlenetwork thì còn 1 con không nói đực hay cái. Theo nhóm nghiên cứu về rùa tại vườn thú Cleveland Metropark cũng cho rằng có một con, không nói đực hay cái.

Tại Việt Nam, theo một số bài trong websites, có giả thuyết cho rằng còn 5 con, giả thuyết khác cho rằng có hai con, một đực một cái, một con đực đã bị giết chết, nay còn một con cái mà thôi. Theo TS. Hà Đình Đức, là một nguồn tin đáng tin cậy, thì ông cho biết rùa hồ Gươm trong một số năm qua có 4 con:

1- Hiện còn một con rùa sống trong hồ Hoàn Kiếm, không nói đực hay cái

2- Ba con đã chết:

- Một xác được lưu trữ trong đền Ngọc Sơn

- Một xác được lưu trữ trong kho của Bảo tàng Hà Nội

- Một bị giết năm 1962-1963, khi bò lên vườn hoa Chí Linh sau một cơn mưa lớn.

Nếu ở một nước khác, với kỹ thuật tìm kiếm khoa học, và với một diện tích hồ nhỏ và đáy không sâu của hồ Gươm, việc biết được hồ còn bao nhiêu con rùa, đực hay cái ra sao là một điều không khó khăn lắm.

Rùa Đồng Mô, Sơn Tây cùng loại mới tìm thấy ít lâu nay có thể làm đảo lộn một số các giả thuyết trên. Theo một bài viết trong tháng 11/2008 mới đây của báo Tiền Phong trong nước, phỏng vấn ông Douglas Hendri, Giám đốc Chương trình Bảo tồn rùa Á châu, ông cho biết hình ảnh rùa Đồng Mô sau khi rùa được trả lại hồ đã được gửi cho các chuyên gia đang làm việc tại Trung Quốc, nơi có vườn thú đang nuôi dưỡng một cặp rùa cùng loại và được ông Peter Richard, chuyên viên hàng đầu thế giới về rùa Rafetus Swinhoei, xác nhận 99% đây là rùa đực. Ông Hendri nói: “Hiện nay chúng tôi đang tiếp tục phối hợp với người dân khu vực hồ Đồng Mô và chính quyền địa phương tại đây để bảo vệ chặt chẽ loại rùa quý này. Chúng tôi cũng làm việc với người thuê hồ này để thả cá từ hơn một năm nay, ngày nào cũng đi khảo sát quanh hồ, và phỏng vấn dân cư quanh đó các câu hỏi như có nhìn thấy rùa không?”. Ông cho biết người thuê hồ này rất nhiệt tình bảo vệ hồ. Ông này đã yêu cầu tất cả dân địa phương vào khu vực này đánh cá bắt tôm phải làm cam kết không được dùng hay mang theo thiết bị đánh bắt rùa, và thuê ba người bảo vệ cùng ông để trông coi hồ. Nhưng có một bài báo trước đó đã thuật lại sự mặc cả giữa Tổ Chức Bảo Vệ Rùa và người này về số phận con rùa sau khi bị người này bắt. Người này lúc đầu đòi $4000 đô la,giá mà một tiệm ăn đề nghị trả để làm món đặc sản cho thực khách. Sau khi tổ chức cố thuyết phục, người này chịu nhận $200 và bằng lòng để con rùa quý được trở lại hồ. Không hiểu có gì bảo đảm để con rùa khỏi bị bắt lại, và lần này có thể sẽ phải trả gía cao hơn nhiều.

Ông Hendri còn cho biết thêm, tổ chức của ông sẽ tiếp tục tìm kiếm thêm loại rùa này ở các khu vực khác và các vùng khác tại Việt Nam, nơi đã từng ghi nhận có sự xuất hiện của loài rùa Rafetus Swinhoei. Nếu may mắn có thể tìm thấy một con rùa cái, thì có thể chuyển về Đồng Mô để cùng sống với rùa đực ở đây để tạo cơ hội sinh sản. Còn rùa Hoàn Kiếm hiện chưa xác định được là rùa đực hay rùa cái. Một phương cách nữa là mang rùa Đồng Mô sang Trung quốc hay ngược lại để gây nuôi sinh sản. Trên thực tế, rất ít hi vọng tìm được rùa cái và trong quá khứ các cuộc điều tra cho thấy, chưa có một báo cáo nào hay hay thông tin nào ghi nhận đã từng có sự sinh sản của rùa đực và rùa cái trong khu vực chúng sinh sống. Ông cho rằng dù thực hiện cách nào để bảo tồn giống rùa quý hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của chính phủ và cơ quan chức năng tại Việt Nam. Hiện nay chỉ còn trông chờ vào kết quả trong mùa tới của cặp rùa tại vườn thú Thượng Hải bên Trung Quốc

 *

Vấn đề cuối cùng là rùa và hồ Hoàn Kiếm được bảo vệ như thế nào?

Trước hết là bảo vệ an ninh cho rùa. Với nạn thản nhiên câu rùa quanh hồ Hoàn Kiếm, chắc thế nào cũng có ngày một lưỡi câu nào đó sẽ móc sâu vào lưng rùa và bị đem đi, vì đã có một bài viết quan sát khi rùa bò lên đảo nhỏ tháp rùa, trên mai người ta thấy có những vết sẹo, và họ cho rằng do những lưỡi câu đã móc xước trên mai rùa. Chắc cũng có một ngày, Hà Nội trong cơn mưa lụt, nước ngập tràn hồ, rùa có thể bị lạc hay bị nước mưa lũ cuốn khỏi hồ. Sự việc này cũng đã xẩy ra, một lần trước năm 1954, sau cơn mưa lớn khi nước rút, người ta thấy rùa nằm trơ giữa đường phố, một số người bèn hợp nhau khênh rùa trả lại xuống hồ. Đến năm 1962-63, như TS. Hà Đình Đức cho biết cũng sau một trận mưa lớn, rùa bị lạc trên vườn hoa Chí Linh cạnh hồ, đã bị giết, chắc là đã bị đem xả thịt trong một quán ăn đặc sản nào đó.

Hầu hết tại các nước, họ thường cấm câu tại các hồ công cộng, muốn câu phải có môn bài và tuân theo luật lệ về câu. Các thời trước từ Pháp thuộc, câu trái phép đều bị phạt nặng, không hiểu sao hiện nay thành phố và nhân viên công lực lơ là khiến cho có nhiều bài viết trên mạng lưới phẫn nộ về việc câu rùa thản nhiên tại hồ Hoàn Kiếm. Thành phố có nghĩ đến cần có một hàng rào cản nào, hay xây bờ lên cao tại những chỗ mà rùa có thể thường bị nước lũ cuốn lên cạn.

Gần như khó kiếm thấy những bài về Bảo vệ sức khỏe cho rùa Hoàn Kiếm trong mạng lưới. Như ở các sở thú khác, chắc hẳn là các con thú đều được theo rõi về tình trạng sức khỏe hay khám tổng quát định kỳ như người ta vậy, nhất là đối với những con thú hiếm đang tuyệt chủng. Đối với những con thú thả hoang, như chúng ta thường được xem trong các phim tài liệu, nặng như voi, dữ như sư tử trong rừng hoang Phi Châu, cũng đã được các chuyên viên bắn thuốc ngủ để chữa bệnh. Ngay cả những con thú nhỏ, như cá hồi cũng được gắn máy trên mình để theo rõi dù ở một nơi nào đó trong biển cà mênh mông. Chúng ta đã biết loại rùa này ở Trung Hoa, họ đang săn săn sóc bảo vệ tối đa như thế nào.

Chắc hẳn rùa Hoàn Kiếm chưa một lần nào được khám sức khỏe, biết được bệnh tật ra sao hay cần được săn sóc như thế nào. Chế độ dinh dưỡng của rùa như thế nào, rùa cần ăn thức ăn nào và không nên ăn những thức ăn nào có sẵn trong hồ. Thói quen của rùa cũng cần được biết đến. Tuổi của rùa cũng dễ định, không quá huyền thoại cho rằng những con rùa này đã sống ngàn năm. Quan niệm thực tế khoa học và truyền thuyết linh thiêng của Việt Nam đã không thể đi song song với nhau. Huyền thoại linh thiêng từ xưa đã ngăn cản khiến không ai dám đụng đến rùa, vì đó là điều xúc phạm. Việc đưa rùa vào phòng thí nghiệm lại càng không thể chấp nhận được. Hồi trước đã có người đưa ra đề nghị có tính cách khoa học trên nhưng bị phản ứng mãnh liệt. Nhưng ái oăm thay, lại không có gì ngăn cấm được sự thản nhiên câu rùa xảy ra hàng ngày quanh bờ hồ lịch sử đó, và có lần rùa đã bị giết và xả thịt đem đi bán.

Nói về Môi trường rùa đang sống, ai cũng rõ môi trường ô nhiễm và săn bắt là hai yếu tố nguy hại làm tuyệt chủng thú vật. Có một bài của ông Lê Bảo Trung, thuật lại cuộc nghiên cứu của CETASD, Đại học Tự Nhiên Hà Nội thực hiện, báo động nước hồ giảm một cách trầm trọng, khiến mọi người giật mình. Một thành viên trong nhóm nghiên cứu, ông Phạm văn Quân đã kể lại rằng: “Ngày 14.11.2003, tổ khảo sát của chúng tôi bơi thuyền ra hồ để lấy mẫu nước và thật bất ngờ, vừa ngồi xuống thuyền thì đáy thuyền đã chạm…đất. Chúng tôi không ngờ mực nước hồ lại thấp đến thế…”.

Sau đây là một bài viết rất quan trọng của Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết. Ông đậu bằng Tiến sĩ Hóa học tại Pháp, từng là Khoa Trưởng Phân Khoa Hóa Học tại Đại Học Sư Phạm Saigon, và là chuyên viên nghiên cứu Y Sinh Hóa tại Đại Học Y Khoa Mineapolis. Ông viết bài Phân Tích Nước Hồ Hoàn Kiếm tháng 1/2004 tại West Covina. Đây là một bài viết quan trọng, nên để nguyên văn như sau: “Công cuộc bảo quản không đuợc chu đáo cho nên”Rùa Vàng” trong thời gian sau này xuất hiện nhiều lần, thường xuyên hơn, cũng như trên mặt nước lâu hơn. Năm 2002, rùa xuất hiện hơn 10 lần, điều này chưa bao giờ xảy ra trước đó. Lý do là ô nhiễm nguồn nước của hồ. Đáy hồ cạn dần và nguồn dưỡng khí (oxygen) trong nước không còn đầy đủ nên Rùa Vàng phải trồi lên mặt nước để thở. Có lẽ vì những lý do trên cho nên ngày 15 tháng 12, 2003, Trung Tâm Công nghệ, Môi Trường và Phát Triển Bền Vững thuộc Đại Học Quốc Gia Hà Nội đã cho đo đạc lại độ sâu của hồ. Kết quả là độ sâu đã giảm (từ nhiều thước sâu) xuống còn khoảng trung bình là 0,9 m, chỗ sâu nhất là 1,50 m, và đáy hồ bị che phủ bởi một lớp bùn dầy đặc”.

“Giáo sư Hà Đình Đức, Đại Học Tự Nhiên Hà Nội nghĩ rằng rùa sẽ không bị ảnh hưởng vì tình trạng của hồ kể trên vì lớp bùn là môi trường quan trọng cho điều kiện sinh sống của loài rùa, do đó nếu cần phải vét hồ chỉ nên vét 30cm lớp bùn mặt mà thôi”

TS Truyết viết thêm: “Cần phải kể thêm vài nguyên nhân ô nhiễm của hồ là do thời tiết nóng bức vào mùa khô làm cho nước hồ cạn dần. Cũng như các công trình xây cất đê điều của sông Hồng năm 1993 và 1997 làm ảnh hưởng nhiều đến phẩm chất nước trong hồ”.

Từ đó, quyết định công tác nạo vét hồ đã được Ủy Ban Nhân Dân Hà Nội chấp thuận với ngân khoản 600 triệu đồng VN. Ngày 9 tháng 1,2004, công việc nạo vét đã được khởi công và kết thúc vào ngày 16 tháng 1, 2004 cho địa điểm dời bùn và phế thải ra khỏi vùng Hoa Phong, gần nhà Thủy Tạ. Tổng cộng có khoảng 600 m3 bùn nằm dọc theo chiều dàị 450 m đã được rời đi. Tiếp theo đó, nước từ hai nhà máy thủy lợí 1 và 2 được bơm vào với lưu lượng từ 1.400 đến 1.500 m3/ngày, mục đích là để tăng thêm lượng nước trong hồ. Tại vùng hồ được nạo vét, đáy hồ đã được sâu thêm 30cm. Và theo dự án, nước hồ sẽ được theo dõi và kiểm soát phẩm chất thường xuyên”.

Một mẫu nước Hồ Hoàn Kiếm được lấy vào 8 giờ sáng ngày 14 tháng 12 năm 2003, gần nhà Thủy Tạ. Mẫu này được TS. Mai Thanh Truyết phân chất một cách chi tiết theo tiêu chuẩn. Tiến sĩ cho biết: “Mẫu nước có màu rêu xanh và có sự hiện diện của nhiều “sợi” rong li ti lơ lửng trong đó… Vì điều kiện lấy mẫu nước không cho phép phân tích các hợp chất hữu cơ nhẹ (VOCs), tuy nhiên kết quả của Tổng lượng hữu cơ (TOC) và nhu cầu oxy hóa (COD) cho thấy nước hồ Gươm đã bị ô nhiễm hữu cơ khá trầm trọng. Theo kinh nghiệm qua việc phân tích nước thải ở Hoa Kỳ, hàm lượng của hai thông số trên có thể tương đương với nồng độ VOCs từ 1,50 đến 2,0 mg/L trong nước. Về nguyên do ô nhiễm, tuy không có mặt ở hiện trường để được quan sát tường tận hơn, nhưng thiết nghĩ nguyên do chính yếu là do con người qua việc xả rác bừa bãi, và phế thải có thể từ khách ngoạn du cũng như thực khách trên cầu Thê Húc và nhà hàng Thủy Tạ…Một câu hỏi cấp bách được đặt ra là phế thải do nhu cầu tiểu đại tiện của con người có “bị” xả thẳng vào hồ hay không?.

Lượng chất rắn lơ lửng (TSS) khá cao so với tiêu chuẩn nước uống tại Việt Nam (5 mg/L) cho thấy các sinh vật sống trong nưóc không có điều kiện sống an toàn và lượng oxy hòa tan (DO) chắc chắn sẽ giảm nhiều (Không thể phân tích được thông số này vì mẫu nước nhận được mất thời gian tính cho phép). Đó là lý do chính khiến rùa phải trồi lên mặt nước thường xuyên.

Nồng độ chloride (Cl) và Natrium (NA) tương đối thấp và còn nằm trong tiêu chuẩn của nước sạch, Các ions nhu Sulfate (SO4=), Nitrate (NO3-), và Phosphate (PO43+) không hiện diện hoặc dưới một lượng rất nhỏ, chứng tỏ rằng nước hồ chưa bị ảnh hưởng nhiều vì các hóa chất và phân bón phục vụ cho nông nghiệp.

Tuy nhiên hàm lượng của kim loại trong nước chưa ở tình trạng báo động, nhưng là những chỉ dấu cho thấy sự ô nhiễm đã bắt đầu xuất hiện. Các hoá chất độc hại như Chì (Pb), Nicken (Ni), Manganese (Mn), Đồng (Cu) xuất hiện dưới hàm lượng thấp, nhưng cũng cần phải lưu ý vì đây là những hóa chất độc hại. Lượng Arsenic (As) vẫn còn thấp dưới tiêu chuẩn cho phép là 10ug/L.”

TS Mai Thanh Truyết đề nghi: “Hồ Hoàn Kiếm là một trung tâm du lịch của thành phố, do đó đề nghị cần nên bổ túc thêm một số việc cần làm liệt kê theo đây với mục đích vừa tăng thêm nét cảnh quan và bảo vệ môi trường sống trong hồ:

- Chung quanh hồ cần phải be bờ bằng gạch hay ciment để tránh cảnh sạt lở và tạo điều kiện an toàn cho khách thưởng ngoạn

- Tuyệt đối không tiếp nhận phế thải sinh hoạt từ các cống dẫn từ những đơn vị gia cư.

- Quy định việc giáo dục và phạt vạ cho việc xả rác và phóng uế xuống hồ.

 Các biện pháp trên có thể giảm thiểu lượng hợp chất hữu cơ và tăng lượng oxy hòa tan trong nước.

- Đáy hồ cần được vét sâu hơn nữa để tránh hiện tượng đồng hóa diệp lục tố làm

sinh sản thêm nhiều rong rêu trong hồ.

- Sau cùng, một trong những giải pháp các quốc gia Tây Phương đang áp dụng để

xử lý các ions và hợp chất hữu cơ là trồng cây chung quanh hồ, cũng như trong

nước. Đó là cây sậy có tên là Duckweed cần nên trồng nhiều nơi trên mặt hồ. Các

cây Bạch Dương (polar) ,Khuynh Diệp (eucalyptus), Liễu (willow) cũng nên trồng chung quanh hồ. Các cây này vừa làm tăng nét thơ mộng của hồ, vừa có nhiệm vụ hấp thụ các ions và hợp chất hữu cơ trong trầm tích và trong nước”.

Cũng trong bài viết này có đăng một lá thư có tính cách nghi vấn về công cuộc tạo vét hồ từ Hà Nội gửi đến một tuần sau khi bài viết này được loan ra, cho biết: “Những số liệu mà các bác công bố trên đây chỉ mới có một tuần, còn mẫu nước thì cũng chỉ mới lấy có hơn một tháng, mà nay thì khác hoàn toàn! Mức nước hồ Gươm tính cho đến ngày 6/02/2004, chỗ sâu nhất chưa tới 60cm, cạn nhất trong vòng 12 năm trở lại đây. Công việc nạo vét một đoạn quanh hồ do sở GTCC Hà Nội thi công tiêu tới 600 triệu đồng, nay người ta có thể nhìn thấy đá lởm chởm nhô lên mặt nước, mà không cải thiện được tình hình.” Cuộc phân tích này nay đã quá 4 năm, chưa thấy có một phân tich nào khác, trong nước và ngoài nước. Không hiểu tình trạng nước và môi trường hồ Gươm có thay đổi, tốt đẹp hay tồi tệ ra sao?

 *

Trong các trang nói về rùa Hoàn Kiếm, khó tìm được một trang nào nói về một tổ chức bảo vệ rùa của Việt Nam. Chính quyền thành phố có luật lệ nghiêm chỉnh, nhân viên công lực làm việc tích cực, cơ quan bảo vệ muông thú tìm được một phương cách chăm lo rùa dung hòa giữa khoa học và tâm linh lịch sử. Một hội bất vụ lợi được sự bảo trợ của các doanh nghiệp tài trợ để thực hiện các công tác văn hóa, giáo dục quần chúng, nghiên cứu liên quan đến rùa, cũng như phối hợp với các tổ chức quốc tế bảo vệ rùa như các nước khác thường làm.

 *

Hà-Nội là kinh đô, là thủ đô của Việt Nam, là một thành phố văn học và đầy di tích lịch sử, sắp kỷ niệm 1000 năm thành lập. Hồ Gươm là trung tâm du lịch, lịch sử của thành phố. Con rùa là linh hồn còn sót lại của hồ Gươm. Con rùa cuối cùng này đang sống những năm tháng cuối cùng của đời mình, có được bảo vệ đúng mức, hay một ngày nào sẽ bị câu, sẽ bị lạc vào dòng mưa lũ, mắc cạn rồi bị giết thành món nhậu như con rùa mà TS. Hà Đình Đức nói đến ở vườn hoa Chí Linh năm nào. Hơn thế nữa, cảnh quan Hồ Gươm cũng phải được tôn trọng. Năm 2007, Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) đưa ra một đề án xây dựng một cao ốc quá độ, Hội Di Sản Văn Hoá Việt Nam và một số lớn các giới quan tâm đã phản đối một cách mãnh liệt. Họ cho rằng EVN đã vi phạm nghiêm trọng đến quy hoạch của khu vực và báo động Hồ Gươm sẽ thành một “ao làng” hay một “vũng”. 

Hồ Gươm một ngày nào đó có thể không còn nữa, vì nhiều cao ốc sẽ được mọc xung quanh, vì đã có một công ty xây cất Đại Hàn đề nghị san bằng để xây một thương xá quy mô cho thành phố. Lời đề nghị này là một xúc phạm đến một dân tộc, hay là một câu hỏi trắc nghiệm cho một xã hội đang cố chạy theo doanh lợi tư bản?. Xem ra người ta có thể làm bất cứ điều gì khi nghĩ tới tư lợi khổng lồ.

Khi mà con rùa thần đó không còn nữa, khi mà nước hồ cạn dần, đáy trồi lên ngang gần bờ, chỉ còn là một vũng nước ao tù với rong rêu và cỏ hoang, thì còn gì là huyền thoại linh thiêng, còn gì là một Hồ Gươm lịch sử mà cần phải giữ. Và thay vào đó, một thương xá hoành tráng đúng vào một nơi đắc địa như thế, ngang ngửa sánh với các nước lân bang thì điều đó có thể thuyết phục được nhiều doanh nhân tư bản và chính quyền của các thế hệ sau. Sự kiện này rất có thể xảy ra và thực là đáng tiếc lắm thay! 

Nguyễn Công Khanh
12-2008

Ý kiến bạn đọc
12 Tháng Mười 20142:19 SA
Khách
bình thường hề hề
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 96412)
... Ở đây các nhà thơ đều phải bỏ tiền ra in thơ. Mà họ có giầu gì cho cam. Phải dành dụm từng đồng, bớt xén tiền ăn của cả nhà, có khi đến mấy năm mới in được tập thơ. Mà in rồi chỉ đem đi tặng cũng đủ hết hơi. Thì ra trên thế gian này, thơ văn sinh ra để làm vất vả cho con người...
08 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 117617)
Thiên nhiên vừa khe khẽ đặt xuống con như viên sỏi trắng tinh khôi trên bãi cát bình an ấm áp viên sỏi cười với ánh mặt trời
05 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 89362)
Hư cấu trên năm, bẩy mảnh đời cóp nhặt tạo ra những nhân vật của truyện ngắn này. Chúng không là những người bằng xương bằng thịt, tức có thật, hoặc tưởng là mình có thật, kể cả (và nhất là) nhân vật mang danh xưng Tôi trong truyện. Tôi, phần não phải, nơi điều hành tâm và tình, trong truyện này mâu thuẫn với phần não trái, nhân vật tên Th, mang chức năng sai khiến lý tính. Khi mâu thuẫn biện chứng - lý và tình - bế tắc, thực tại mang tính định mệnh, một loại tổng hợp mang nét ngẫu nhiên, có người cho đó chính là chữ Duyên trong Phật pháp. Tác giả nói quanh, xin lỗi bạn. Có lẽ bạn muốn xem hắn kể chuyện thế nào cho thành truyện, thời giờ đâu mà viển vông.
05 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 96235)
Ở Trung Quốc, màu đỏ có thể được nhìn như màu trắng. Hoặc không màu? Khi mà tất thảy đều mang sắc đỏ, con người ta bị mù màu tạm thời. Nhìn cái gì cũng thấy xanh biếc. Trong veo. Chẳng biết vì sao trâu bò thường rất căm ghét màu đỏ? Trăn cũng vậy? Nó có thấy trong veo và xanh biếc? Không giống với môi trường mà nó đang sống? Phải liều chết tranh đấu với con người để tìm lại chỗ của mình? Đấu bò? Có lẽ vì thế Trung Quốc không thể chơi môn thể thao này? Nhưng mặc áo đỏ ở Trung Quốc? Chẳng làm ai bận tâm. Chỉ như quả ớt chín ném thêm vào hũ tương ớt.
05 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 111473)
Sáng sớm qua sông hái bông điên điển Áo sẽ thơm mùi cỏ dại hoa đồng Khi đêm về lòng nhớ mênh mông Tâm xanh biếc cả khung trời cao rộng.
05 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 112547)
Lần đầu tiên đến Hà Nội, hẳn bất kỳ ai, nhìn thấy điều gì cũng dễ dàng xúc động, cũng làm gợi nhớ đến những hình ảnh bàng bạc trong ký ức đã gặp gỡ ở tiểu thuyết, thơ ca... Nhưng với tôi, đáng nhớ hơn cả, đó là những cô thiếu nữ Hà Nội.
05 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 116416)
Đêm qua anh mơ thấy biển Sóng êm đềm liếm gót chân em Gió lao xao rụng nhành dương liễu Em nhặt vội vàng xõa mớ tóc xanh Giá như mặt trời đứng yên trên biển Chắc kịp buổi anh về.
26 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 118428)
Hãy ra chỗ Thúy Tân Định lấy chai Chivas về quán Đò Đưa trên đường Trịnh Công Sơn rửa bảng tên sơn còn ướt cụng ly nhau mừng con đường mới ngồi quanh bàn có Phạm văn Đỉnh Toulouse Đinh Cường Virginia, Bửu Ý Huế cả Đặng Tiến vừa mổ tim Lê Khắc Cầm, Ngụy Ngữ…Sài gòn
25 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 93545)
Trên trang văn hóa báo Le Monde hôm nay có bài giới thiệu về một cuộc triển lãm ảnh của phóng viên ảnh chiến trường người Pháp Henri Huet về cuộc chiến tranh Việt Nam với Mỹ qua bài viết: "Chiến tranh Việt Nam : Những hình ảnh, bạn hữu và cái chết".
24 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 86754)
C húng tôi hãy còn rất trẻ. Tuổi trẻ không trông thấy trên khuôn mặt, trong đôi mắt, nhưng ở những giấc mơ không bao giờ tắt. Tết Giáp Tuất. Tôi về sống ngôi nhà của Quý, phía nam phần lục địa. Trái đất xoay như thỏi đá cứng, những cạnh gai góc cắt vào chốn vô hình. Mỗi trưa, tôi với Quý và Chiến - cũng một người bạn ở nhờ - bầy những tiệc rượu đón bắt những vô hình mà cả ba đều linh cảm rất rõ, theo sóng của cây rừng tràn đến tận thềm. Cả một triền núi lươn lướt tắp đến bàn rượu. Cơ ngơi của Quý to lớn sừng sững.