- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Ở NGÃ TƯ ĐƯỜNG KHI THU, HẠ GẶP NHAU

24 Tháng Chín 202412:07 SA(Xem: 18765)


NGO QUOC PHUONG
Nhà thơ Ngô Quốc Phương


Ở NGÃ TƯ ĐƯỜNG KHI THU, HẠ GẶP NHAU

*Chùm thơ của Ngô Quốc Phương từ Virginia, Hoa Kỳ, 2024

 


CƠN NGẬP LỤT KHÁC

 

Có những sự ngập lụt khác
lâu nay vẫn diễn ra
bùn lầy ở khắp nơi
nạn nhân ở khắp chốn
quanh năm vẫn hiện tồn
quay đi và quay lại
trăm năm như đèn cù
goi là ngập lụt cũ
hay ngập mới đúng đây?
***
hàng triệu người bó tay (?)
cứ ở đó chờ đợi
phép lạ từ trên trời
một ngày nào rơi xuống
cũng ít người thèm hỏi
cơn ngập thực từ đâu
từ xứ nào xa lạ
đổ bộ đất nước mình?
***
có cơn ngập thiên nhiên
cũng có cơn xã hội
hết đời này than khóc
đến đời khác ỉ eo
nhưng chẳng ngăn gì lụt
làm nhấn chìm bao nhà
xuống tầng sâu tư tưởng
làm thoái trí con người
***
cơn lũ lụt ghê gớm
triền miên thế kỷ dài
cuốn phăng nhiều trụ cột
nơi cuộc sống con người
và công khai 'lụt' mãi
tàn phá bao kiếp đời
mong bóng tối mãi mãi
bịt ánh sáng mặt trời
...
ừ có lụt thiên nhiên
nhưng có ai quên khuấy
vẫn còn cơn lụt kia
vẫn quanh năm thường trực
ru ngủ
và đánh chìm!

NQP, Virginia, 16/9/2024, gửi đồng hồ quả lắc và chiếc chuông tí teo, vẫn còn như nhắc nhở, thời gian còn... vẫn còn!

 

NHỮNG NGÀY THÁNG CHẲNG VUI VẺ GÌ

 

Những ngày tháng không thể cất lên thành lời

hình như ở nhiều nơi đã cạn tiếng khóc, và nước mắt

nhiều người chẳng biết nói gì

nhưng cũng có nhiều người vẫn cười tươi selfi

khoe đẹp trai, xinh gái

có người khoe vào quán rượu tây, tàu, nhật, bỉ

có người hô hào trốn bão ra nước ngoài chơi với nhau đi

...

thật may, dù chẳng trọn vẹn vui

vẫn có bao người lặng lẽ

giúp bà con từ tiền mua từng cỗ quan tài

đến miếng ăn, miếng uống, cái gạc, cái bông, cái phao, cái chậu...

có những người

sau cơn sốc

cơn đau

cơn buồn... chẳng biết làm gì

đã tìm cách hành động

dù ít, dù nhiều

...

lại có những kẻ nhân dịp này làm PR

dàn dựng những hình ảnh tuyên truyền,

quảng cáo...

những trò nghe quen quen

chỉ những cô giáo mất học trò trong cơn lũ dữ

chỉ những người mất hết, mất nửa, mất một phần người thân

mới thấm những nỗi buồn

nỗi buồn rơi xuống

hay rồi sẽ giúp họ đứng lên

và sẽ đứng thế nào

khi bão tố còn chưa ngơi?

(Vài hàng, hướng về quê xa, và không sợ ai đó chê đó không phải là 'thi' nọ, 'thơ' kia!)

NQP, Virginia, 13/09/2024

 

 

TÍN HIỆU

 

Em à, có lẽ chẳng có một 'dữ liệu lớn' nào có thể chứa đủ những gì ta muốn giữ

nhất là khi trái đất này, và kể cả mặt trời, mặt trăng, và giải ngân hà quen biết nữa

đều có thể sẽ mất đi

cùng mọi dấu vết của những gì đã diễn ra, đang diễn ra và sẽ diễn ra đến trước khoảnh khắc ấy

vậy mọi thứ cứ coi là tín hiệu đi,

phải không em?

*

bữa nọ có người bảo 'thơ' anh không phải là thơ

anh chấp nhận, vì đó là sự thật

nhưng không dừng ở đó, cả lời bình, lời nhận đều là tín hiệu

nó được phát đi, nhưng ai nhận cuối cùng?

*

cũng thế phải không em, các cuộc chiến tranh, đấm đá, thù ghét, cạnh tranh, ganh tị... liên miên, như là cục thừa trong tư duy, và di sản loài người

cũng cuối cùng chẳng dẫn đi đâu hết,

vì có vẻ tất cả rồi cũng mất đi, dù có thể còn bao năm ánh sáng nữa

song ở giữa

ở giữa những mốc giới ấy, nếu có những khổ đau, oan ức, bất hạnh, thì tín hiệu ấy

anh chẳng muốn có

ngay từ xuất phát bao giờ

*

nhưng,

lại nhưng...

vẫn còn hy vọng

ấy là những khi trời xanh, mây trắng, biển thanh bình, chim rộn hót và muôn hoa đua sắc

cùng muôn loài tử tế, thương nhau

tín hiệu ấy

em à

em có sẽ khắc sâu?

NQP, Virginia. 06 tháng 9 năm 2024,

(Một ngày trong cơn bão đang đe dọa quê xa, chẳng mong gì hơn sự thanh bình cho tất cả!)

 

NHỮNG HẠT GIỐNG

 

Những hạt giống thực đang chờ cơn mưa thực

để vươn mầm, chào cuộc sống xinh tươi

nhưng thế gian đâu chỉ là chờ đợi

khi quy luật kia đã nhận thức được rồi!

NQP, Virginia, 02/9/2024

 


KHÔNG CHỈ LÀ 'GANH TỊ'

Tại sao nó đi đâu cũng được hoan nghênh

tại sao lũ trẻ thích nó

tại sao gầm trời và bầu trời này hẹp thế

đã có mình lại có nó

cái Viện của mình cài cắm khắp thế giới

như những cú yểm long mạch bốn phương

vậy mà bọn nó vẫn hơn

tại sao chúng không thích 'đỏ' Đế vương

mà lại thích thành đàn chim non cất cánh

để mình khó túm giữ lại

và hơn nữa tại sao chúng không biết sợ

trước nanh vuốt của mình

nhất là khi có lão Giang Long nọ

họ Trương

đã nói lộ ra bao bí mật

khiến từ đó ta ngủ khó yên

mà vừa rồi buộc lòng bộc lộ

rằng

đây

không phải

chỉ là ganh tị!

NQP, 30/8/2024, khi Gato gặp Kute... và không chỉ thế


 

CHỦ NHẬT VÔ ĐỀ

 

Khi sử gia và nhà tương lai học ngồi cà-phê với nhau

sau một bữa khá no nê các sự kiện

và có vẻ cũng bội thực vì tri thức

họ sẽ nói gì

*

tôi, kẻ hầu bàn trong một quán nghiêng

trên một tinh cầu hơi ngả,

và một vũ trụ đang xoay

khiến ly cà phê tiếp theo trên khay

cũng sóng sánh

nào thôi đi những vũ điệu ngôn từ

mà vào cuộc

*

ông còn dùng thêm món gì? bánh ngọt của hứa hẹn

hay vị đắng của sự thật

nhất là sự thật có thể đang đứng chờ ở cửa

trong vòng năm, mười, hay mười lăm năm tới?

*

sử gia cười, ồ, ta tưởng anh hỏi theo đơn vị thế kỷ, hay thậm chí là thiên niên kỷ?

nhưng nhà tương lai học thả kính xuống

nhìn sâu vào mắt tôi và nói

à, đó lại là điều ta quan tâm

và ta nói nhé

ngọt đắng có thể hòa vào nhau, nhưng vẫn có thể nhận ra

nhưng sử gia khi đi cùng ta

sẽ làm nên cỗ máy thời gian mới

tăng tốc bước lên trước

và cùng nhau ta sẽ nhìn thấy nhiều điều

thực như hiện tại bây giờ

tuy thực sự là sẽ vẫn phải chờ

vì chờ là một trò đùa nhiều khi trớ trêu, bỡn cợt và cay nghiệt

*

ly cà phê sắp bốc hết những làn khói

nơi giúp ta nhìn thấy ngày mai

mà vẫn nhắc mình ở hôm nay

và chủ đề chính là đây

liệu chúng ta sẽ mất thêm một thế kỷ

hay thậm chí hơn

mà mọi sự cơ bản vẫn là cái cũ

"cũ như trái đất này"

sử gia vội nói chen vô

nơi những kẻ tội đồ

sẽ khoác những tấm áo mới

nhưng DNA của chúng

vẫn là DNA của cha, ông, cụ của chúng

*

tôi đưa cho họ tờ hóa đơn

sử gia nhìn lớt phớt

nhưng nhà tương lai học lại cầm lên và soi vào

"hình như tính sai đấy

nhưng tiền lẻ

giữ đi"!

NQP, 25/8/2024, Virginia, Một tiếng thở dài cũng là tiếng thở!

 

 

RÕ HƠN BAN NGÀY

 

Rõ thế mà anh giả đò còn thắc mắc

bọn giơ tay

sau khi em chỉ tay

như một đống robot

là bài của anh, của bác, của chú, của mợ, của cụ, kị chúng ta

bao lâu nay rồi

có gì mới đâu

*

nhưng anh cũng đúng

có cái mới này

em chưa thể nói ra

đó là em sẽ hai tay hai súng

và đi săn tới bến

viên đạn của em sẽ đi qua mọi bến bờ

lúc xuyên táo

lúc tiền nhập

lúc vu hồi

lúc ám toán

lúc thanh thiên

đạn em nhiều lắm

và súng cũng đầy

tất cả

không riêng năm trăm đứa ấy

hai hai trăm đứa nọ

sẽ dần thành robot

vẫn còn hơn thành tấm bia

để em nhắm tới

*

ồ, đứa lên đứa xuống

như trên chuyến xe đò thôi anh

có gì đặc biệt

nhưng cầm lái là em

mà soát vé cũng là em

còn cảnh vệ cũng lại là em nữa

điều quan trọng là anh đừng thắc mắc

cứ ngồi yên

vì em quen chở heo, chở lợn lâu rồi

còn đường đi

đích đến?

hãy theo dấu viên đạn của em

hơn

ban ngày!

NQP, W.D.C 23/8/2024, con đường ngoằn ngoèo nào đưa ta đến thăm nhau? The long and winding road, that leads me to your door... (the Beatles' echos...)

 

 

NGÃ TƯ ĐƯỜNG THU HẠ

 

ngã tư đường khi thu, hạ gặp nhau

sau vị đắng, mật ong nào vẫn đợi

nơi xa xôi, cánh diều thêm chới với

ước mãi một ngày về đất mẹ, quê hương

***

ở ngã tư nào, tử đinh hương níu nhau,

nơi xứ lạ, chút tâm tình gom lại,

mặc ngăn cách, mặc đường xa trắc trở

chút hương này, cứ nhuộm tím chiều xa

***

mùa thu này ai trồng thêm luống hoa

bẽn lẽn bên sông, sau mùa hè oi ả

kệ bụi cuốn mặt đường

kệ trời mưa tơi tả

vẫn mong ngóng ngày về

để gần mãi không xa

***

mùa thu này tròn một năm xa quê

quê hương thứ hai, nơi một thời tá túc

nhớ nhà xưa, nhớ người thân vời vợi

ấp vội cánh hoa nào,

nơi

phố hạ

sang thu...

Virginia, 16/9/2024, Ngô Quốc Phương

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
02 Tháng Mười Một 202412:22 SA(Xem: 12864)
Đối với người Việt, dù trong nước hay ở nước ngoài, nhắc đến phở là tự nhiên nước miếng tứa ra. Đi ra nước ngoài, người Việt chỉ mong chóng trở về, ào ra quán phở gần nhà gọi tô phở nóng thưởng thức bù lại những ngày nhớ quê hương.
02 Tháng Mười Một 202412:17 SA(Xem: 13205)
Anh Phước là con ông cậu ruột của tôi. Nhà tôi ở kế bên nhà anh. Anh thứ nhất mà cũng là con duy nhất của cậu tôi nên anh em chúng tôi thường gọi anh là anh Hai Phước. / Anh mồ côi cha từ thuở chưa lọt lòng. Anh có tuổi thơ thật “dữ dội”. (Tuổi thơ dữ dội- tên tác phẩm của nhà văn Phùng Quán). Trong tác phẩm, các cậu thiếu niên trẻ tuổi ấy đều có một câu chuyện riêng đầy cảm xúc, những hoàn cảnh éo le không ngờ tới nhưng họ vẫn đối diện bằng tinh thần lạc quan, vui vẻ. Mỗi người có một số phận riêng và tôi nhìn thấy hình ảnh một thế hệ và bóng dáng anh cũng có phần trong đó.
01 Tháng Mười Một 202410:05 CH(Xem: 10123)
Mùa ngâu tháng Bảy! / Anh đi xa, năm nào / Ngày Cali buồn, chẳng có mưa ngâu, / chỉ ướt nhoè, nước mắt em / khóc anh ngày ấy!
29 Tháng Mười 202411:53 CH(Xem: 14159)
Em còn đó không? / Bờ Tây Thái Bình. / Muôn trùng xa cách! / Vẫn hoài đợi mong? / ** Em còn đó không? / Anh nay phương trời. / Ôm đầy nỗi nhớ! / Xa vời vợi trông. /
23 Tháng Mười 202411:04 CH(Xem: 11407)
The week - from October 16th to 20th, 2024, the largest book fair in the world will take plac: the book fair in Frankfurt, Germany. This year the theme of the book fair is: the country Italy, especially with its great culture and literature. The southern Italian publisher SECOP Edizioni is presenting, among other books, one of my poems in a special volume of poetry in a quadrolingual edition - Italian - Vietnamese - German and English. The title of the long poem is "CASA MIA - NHÀ TÔI - MEIN ZUHAUS - MY HOME"
10 Tháng Mười 20244:15 SA(Xem: 14808)
Tôi trở về Half Moon Bay / Đếm từng con sóng biển / Đếm từng nỗi ưu phiền / Lòng buồn như sương mù / Từ độ ánh trăng tan...
05 Tháng Mười 20244:58 CH(Xem: 18506)
NCT sinh năm 1948 tại Vũng Tàu, cha mẹ là người Hà Nội. Từ đầu những năm 1950er NCT lớn lên ở thành phố Sài Gòn, học tiểu học ở trường Bàn Cờ, trung học ở trường Chu Văn An. Năm 1967 ông từ chối những học bổng của những quốc gia khác, chọn học bổng quốc gia (VNCH) để sang CHLB Đức du học. Tại Viện Đại Học Stuttgart NCT học Triết học và Toán Học & Cơ Học Áp Dụng. Vào thời điểm đó những triết gia Đức có tiếng như Martin Heidegger, Karl Jaspers, hay Ernst Bloch đã hưu trí, ông đã làm luận án tiến sĩ ở Viện Cơ Học & Toán Học Áp Dụng. Ông là sinh viên trẻ nhất xưa nay có bằng Tiến Sĩ Kỹ Sư (Doktor-Ingenieur), vào năm 1977.
02 Tháng Mười 20246:16 CH(Xem: 11258)
Chủ nghĩa phê bình văn học thời cổ điển ở phương Đông thường diễn ra trong các hình thức: Bình văn, bình thơ và ca xướng hay ngâm vịnh; trong lúc ở phương Tây thì hình thức khá phổ biến là diễn thuyết và tranh luận. Cái hay của văn chương chỉ trụ vào hình thức diễn đạt một phần; nhưng sự tinh túy lại là cái “thần” nằm trong góc khuất của cảm xúc và tư tưởng. Bởi vậy, khi nói đến những trường hợp xướng văn, bình thơ hay phê bình văn học đã có rất nhiều văn nghệ sĩ Đông Tây như Jacques Prévert, Francoise Sagan, Mark Twain… ở trời Tây hay Tô Đông Pha, Bùi Giáng…
02 Tháng Mười 20245:30 CH(Xem: 17782)
Những bài thơ dưới đây được tuyển dịch từ cuốn ”Một Trăm Bài Thơ Nhật” rất nổi tiếng của thi sĩ-dịch giả Mỹ Kenneth Rexroth với thơ của các thi sĩ Nhật qua nhiều thế kỷ. Trong cuốn này, dịch giả Rexroth đã nắm bắt được rất nhiều tích cách tinh tế của thi ca cổ điển Nhật Bản: chiều sâu của niềm đam mê chừng mực, văn phong sang trọng khắc khổ, và hình tượng phong phú nhưng cô đọng. (- Bạt Xứ)
02 Tháng Mười 20245:12 CH(Xem: 12219)
Cách nay hơn chục năm, tôi đã viết: Luân Hoán, người kể chuyện bằng thơ. Tuy nhiên, ngay sau đó tôi đã nhận ra, bài viết chưa thực sự mở ra được hồn cốt, kiến thức và khối lượng sáng tác đồ sộ của ông. Vì vậy, hôm rồi, nhận được tập bản thảo: Nỗi Nhớ Quê Nhà Từ Montreal, do Luân Hoán gửi tặng, dù đang rất bận, tôi cũng dành thời gian đọc ngay. Một cảm xúc khác, Luân Hoán đã để lại trong tôi, khi đọc xong tập thơ dày đến 300 trang này. Thật vậy, Nỗi Nhớ Quê Nhà Từ Montreal như một cuốn hồi ký về tình yêu, cuộc sống chìm vào nỗi nhớ quê nhà được Luân Hoán viết bằng thơ: “càng già càng bớt nhớ nhà?/ quẩn quanh nhớ mỗi cái ta thật nhiều/ nhớ từ thời bé hạt tiêu/ phơi nắng giang gió thả diều, đi rông“ (Trí nhớ về chiều)