- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

RANH GIỚI

12 Tháng Chín 20243:39 CH(Xem: 5457)

HoaAmDatTroi-Tranh CamTam

Hoà âm trời đất – Heaven & Earth symphony

tranh Cẩm Tâm





Trần C. T

RANH GIỚI





Lúc ngồi trong xe với Hiệp rồi, anh vẫn còn thắc mắc:

“Tôi vẫn không hiểu tại sao ông lại cùng nhận tin Lê mất. Ông đâu có biết hắn là ai.”

Hiệp ngồi thẳng người, chăm chú nhìn ra phía trước. Gương mặt hắn bình thản như một ngày biển lặng. Lần chót anh gặp hắn là lúc hai người đang đi ngược phía với nhau trong khuôn viên đại học, vội vã đến lớp cho kịp giờ dạy. Sau hai năm đại dịch, cả hai mới gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng, hứa hẹn sẽ lại cùng đi uống cà-phê hay ăn phở như ngày trước. Thế mà một năm học đã trôi qua, không ai gọi ai, hẹn hò gì cả. Anh buồn buồn nghĩ, mỗi người ai cũng bận bịu với vợ con, làm gì mà có thì giờ nhàn rỗi để tán dóc với nhau.

“Tôi có hỏi Văn làm sao biết được số điện thoại của ông mà kèm chung trong tin nhắn cho tôi,” —anh lại nói— “Hắn cũng không buồn giải thích.”

Thật ra, anh “biết” Lê mà cũng như không biết. Lê là chồng của một người cháu họ của anh. Nói chi tiết theo kiểu dây mơ rễ má của người Việt, anh ta là cháu rể họ của anh. Anh có đến nhà cô cháu họ vài lần, gặp hai ba chục người trong những buổi ăn uống đông đúc, náo nhiệt đó. Nhưng đến bây giờ, nhận được tin Lê mất, anh mới giật mình nhớ ra rằng chưa bao giờ mình thật sự “thấy” Lê trong những dịp đó cả, chứ đừng nói đến có chuyện trò với anh ta lần nào chưa.

“Mình có đi ăn đám cưới hai người đó mà,” —vợ anh nhắc.

“Ồ, vậy hả,” —anh nhíu mày suy nghĩ— “Đã bao nhiêu lần mình đi ăn đám cưới mà không nhớ mặt cô dâu hay chú rể há.”

Khi cả hai ra khỏi xe, anh vừa bước xuống vừa bảo Hiệp:

“Cám ơn ông đã chịu đi với tôi hôm nay. Bà xã tôi đã nói nhất định sẽ cùng đi. Vậy mà vào xe rồi tôi ngó qua thì thấy là ông chứ không phải cô ấy.”

Cả hai im lặng đi qua bãi đậu xe rộng. Trời buổi trưa nắng gay gắt. Ở mặt tiền ngôi nhà thờ đối diện là một cảnh tượng quen thuộc của một tang lễ. Từng nhóm người tụm năm tụm ba đang rầm rì nói chuyện. Vài ba người dừng lại trước cái bàn để ghi tên vào sổ thăm viếng. Hiệp đại diện cả hai ghi tên vào sổ. Anh để ý thấy người nhà của Lê tỏ ra rất nồng hậu khi đón tiếp anh, tuy không giấu được vẻ đau buồn. Nhưng đối với Hiệp thì họ có vẻ rất thờ ơ, thậm chí có phần lạnh nhạt. Anh hơi khó chịu, liếc nhanh qua hắn thì thấy hắn vẫn giữ nét mặt thản nhiên. Hình như lúc nào hắn cũng có sẵn một nụ cười thật nhẹ, sẵn sàng cho bất cứ tình huống nào. Chắc nụ cười cố hữu đó là một trong những điều đầu tiên làm cho anh muốn trở thành bạn với hắn.

Anh và Hiệp tiến vào bên trong, ngồi xuống một băng ghế không có ai khác, tuy các chỗ còn lại trong nhà thờ đã gần như đầy người tham dự. Kiều, vợ Lê, hôm nay đẹp não nùng trong chiếc áo dài đen ôm sát người, nét mặt lạnh như băng, chạy tới chạy lui, chào chào hỏi hỏi khách khứa một cách máy móc, vô hồn. Nhưng ai nỡ trách một người còn đang bàng hoàng, sững sờ trước một điều không bao giờ có thể hiểu được.

Buổi lễ bắt đầu đúng giờ. Người Mỹ có khác. Chẳng bù với câu “tục ngữ” tân thời của người Việt hải ngoại “Không ăn đậu không phải người Mễ, không đi trễ không phải người Việt”! Người mục sư da trắng bảnh bao, trẻ măng, nói lời khai mạc, tiếp theo là những ý tưởng cao đẹp về Chúa Trời, về tình yêu của ngài, về sự sống và cái chết, về một cõi trời không còn sinh diệt.

Anh nhìn chiếc áo quan của Lê phủ đầy hoa. Chung quanh còn rất nhiều hoa khác, mặc dù tang gia đã nhắc đi nhắc lại là không nhận phúng điếu hay vòng hoa. Anh cố hình dung ra Lê nằm trong áo quan, qua bức ảnh đặt bên cạnh. Nhưng càng cố hình dung, anh lại càng thấy ra gương mặt của Tấn. Ngay lúc đó, anh chợt giật mình vì một ý nghĩ thoáng qua trong đầu. Ý nghĩ đó thật mãnh liệt, thôi thúc anh phải quay qua nói với Hiệp, trong không khí nghiêm trang, im lặng của thánh đường:

“Thôi chết, tôi đã không đi đám tang của Tấn, ông à.”

Nụ cười cố hữu của Hiệp dường như tươi hơn một chút. Tại sao hắn đáp lại lời anh vừa nói với thái độ như vậy, anh thật tình không hiểu nổi. Trong người anh bây giờ dào dạt nhiều cảm xúc khác nhau. Ân hận. Tiếc nuối. Tuyệt vọng. Buồn bã. Cùng một lúc, anh như bừng hiểu ra là Lê không thật sự nằm trong cái áo quan đó. Tấn cũng không có trong đó. Vì, như anh còn nhớ, Tấn mất ở Texas chứ không phải ở California. Và Tấn mất cách đây gần hai năm rồi, vì Covid.

Rồi, anh chợt nghiệm ra, Tấn đang ở bên kia bức màn nhung to lớn màu xanh tím trên sân khấu, sau lưng vị mục sư trẻ vẫn đang thao thao lời Chúa. Anh thấy mình cần phải gặp Tấn ngay bây giờ. Anh đứng bật dậy khỏi băng ghế. Hiệp nhìn anh, không có vẻ gì là ngạc nhiên. Anh đi như chạy về phía sân khấu, leo lên các bậc thang. Cử toạ trong nhà thờ nhốn nháo hẳn lên. Anh đi qua mặt vị mục sư. Anh ta hơi giật mình, nhưng vẫn tiếp tục nói. Nhà thờ bây giờ ồn ào với nhiều tiếng động khác nhau.

Anh chạy ào tới tấm màn, vén nó qua một bên rồi lao tiếp về phía trước, bỏ lại tất cả những huyên náo ở đằng sau. Quả như anh nghĩ, Tấn đang đứng sau tấm màn. Trước mặt hai người là một vùng biển xanh ngát. Có một pha trộn huyễn hoặc giữa tiếng rì rào của biển và một im lặng tuyệt đối của nơi hai người đang đứng. Tấn ngó anh cười, nét cười thân quen anh vẫn còn nhớ trong những lúc hai đứa ngồi hút thuốc, uống cà-phê với nhau ngày xưa. Dường như Tấn vẫn chờ đợi anh từ lâu nay, và không có vẻ gì giận anh cả. Gương mặt hắn có một màu trắng lạ lùng, hồi giờ anh chưa bao giờ thấy một màu trắng như vậy. Hồi còn sống hắn có nước da ngăm ngăm đen.

“Biển này giống biển Nha Trang của mình ngày xưa quá, phải không?” —Tấn nói với anh, tay loay hoay rút trong túi ra một điếu thuốc. Nhưng hắn thở dài vì không thể nào mồi lửa được trong làn gió biển mạnh mẽ.

“Ông không giận tôi chứ?” —anh rụt rè hỏi— “Tôi đã không đi đám tang ông được.”

“Ồ, tôi phải hỏi ông có còn giận tôi không mới phải.” —Tấn vẫn mỉm cười.

“Nếu hai đứa mình cùng hỏi nhau câu đó thì chắc không có gì đáng ngại!” —anh thở hắt ra, nhẹ nhõm.

“Để xem...” —anh lẩm nhẩm tính— “Lần cuối cùng ông và tôi gặp nhau ở Houston tới bây giờ đã hơn 20 năm. Tôi chỉ muốn gặp lại ông để nói rõ một điều. Năm tháng trôi qua, cuối cùng tôi đã định nghĩa được cảm xúc của mình, cảm xúc mà đã đưa đến chỗ chúng ta không còn liên lạc với nhau nữa, cho đến khi ông...”

“Cho đến khi tôi chết, phải không?” —Tấn cười nửa miệng— “Vậy thì, ông đã tìm được định nghĩa gì cho cảm xúc đó của ông, nếu không phải là giận hờn, vì người yêu của ông cuối cùng đã thành vợ của tôi?”

“Cũng may đó không phải là thù hằn!” —anh lúng búng nói— “Mới đầu tôi vẫn nghĩ là tôi “giận” ông, giận lắm lắm. Nhưng về lâu về dài, tôi thấy ra rằng đó chỉ là một nỗi thất vọng sâu xa. Tôi thất vọng về chính mình, không đủ bản lãnh để giữ Kim. Nếu phải giận ai, chắc tôi nên giận tôi thì đúng hơn.”

“Tôi rất tiếc vì chuyện về Kim đã làm chúng ta xa nhau,” —tiếng Tấn lẫn vào từng luồng gió mang vị mằn mặn của đại dương— “Qua đến chốn này, tôi mới hiểu được về Kim nhiều hơn.”

“Ông hiểu gì về Kim?”

“Ngày trước, ông và tôi đều thấy Kim là một đối tượng để chiếm hữu. Bây giờ, tôi mới biết rằng thực thể mà chúng ta “giành giật” với nhau không phải là chính Kim, mà chỉ là những luồng điện từ cô ấy toả ra, đáp ứng được những luồng điện từ chúng ta, đi tìm những luồng điện thích ứng với chúng.”

Tấn xoay người nhìn thẳng vào mắt anh:

“Nói khác đi, nếu có một sự giành giật nào đó ngày xưa thì chỉ là chuyện xảy ra giữa những giòng điện mang đầy cảm ứng.”

Gió càng lúc càng thổi mạnh. Hai người nghe nhau khó khăn hơn. Tấn tiếp tục nói, giọng trộn lẫn vị mặn của biển và hương tanh nồng của rong rêu.

“Vậy nhé. Giận hờn, nếu có đi chăng nữa, rốt cuộc cũng chỉ là những hiệu quả do sự tương tác hay đối chọi giữa những dòng điện với nhau. Ông và tôi, chúng ta thắc mắc không biết người này có giận người kia hay chăng. Bây giờ thì chúng ta hiểu ra hết rồi đó.”

Giọng Tấn càng lúc càng xa vắng hơn:

“Tôi đi đây. Ông đừng đi theo tôi nhé. Chưa đến lượt ông đâu. Ông đợi cho tôi đi khuất hẳn rồi hẵng về.”

Tấn quay đi, bước những bước thật nhẹ nhàng, nhưng anh thấy dường như hắn đi rất nhanh, nhanh một cách dị thường. Cả vùng biển chợt dâng đầy sương mù dày đặc. Sóng vỗ dồn dập hơn, tung toé bọt trắng xoá khi va vào bờ cát lạnh lẽo. Anh đứng im như một khối đá, buốt giá, nhìn theo Tấn mãi, cho đến lúc bóng của hắn tan biến tận xa xa, không biết vì hình bóng tự mất đi, hay vì bị sương mù xoá nhoà miên viễn.

Anh thẫn thờ quay lại phía sau, đối diện mặt trái của tấm màn nhung. Không biết giờ này tang lễ đã chấm dứt chưa. Anh khó nhọc vén tấm màn nặng nề, lách người qua bên kia. Vừa lúc đó, từ bên kia sân khấu, Kiều nắm lấy tay anh, giọng lo lắng:

“Cậu có sao không cậu? Cậu đi đâu ra đằng sau đó vậy?”

Anh đi theo Kiều băng qua sân khấu, bước xuống mấy bậc thang như kẻ mất hồn. Cử toạ, trái với ban nãy, bây giờ im lặng một cách lạ thường. Anh có cảm tưởng hàng trăm con mắt đang dán vào mình trong gian thánh đường cũng lạnh lẽo không khác gì vùng biển anh vừa đến.

“Hiệp đâu rồi, Kiều?” —anh ngơ ngác hỏi.

“Hiệp nào, cậu?” —Kiều cũng ngơ ngác hỏi lại.

“Hiệp là người đi với cậu, ngồi cạnh cậu hồi nãy đó.”

Kiều ngập ngừng nói:

“Lúc cậu mới bước vào, cháu thấy cậu đi một mình. Lúc cậu ngồi xuống băng ghế, cháu cũng thấy không có ai ngồi cạnh cậu cả.”

Anh lắc đầu, không biết nói sao. Anh ôm lấy vai Kiều, nói lời chia buồn với cô, rồi lẩm bẩm thêm vài chữ tiếng Anh mà anh cho rằng sẽ không được tự nhiên khi diễn tả bằng tiếng Việt:

“Be brave.”

Kiều nói cám ơn. Anh thất thểu quay đi. Trời bên ngoài đầy mây mù, khác hẳn với cơn nắng giòn giã lúc anh đến. Hiệp ra về khi nào mà không chờ anh. Hắn làm sao đi bộ về nhà từ đây đến tận San Clemente. Anh đi mãi mà không sao tìm ra chiếc xe mình đã lái đến với Hiệp. Trời bỗng đổ cơn mưa bóng mây. Nước mưa ào ạt tuôn xuống, tràn ngập trong không gian, phủ trùm toàn thân anh như một cái áo choàng khổng lồ. Gương mặt anh ướt đẫm, trong lòng anh nghe thổn thức bất ngờ. Từng hàng nước mát lạnh thi nhau chảy dài xuống hai má anh. Anh nghĩ, ngay lúc này, cũng khó mà phân biệt đâu là nước mưa, đâu là nước mắt.

Trần C. Trí  



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Tư 20244:07 CH(Xem: 9284)
On the evening of December 21, 1946, the Bach Mai radio resumed its operations somewhere in the province of Ha Dong after a day of silence. One of its broadcasts was Ho Chi Minh’s appeal to the Viets for a war of resistance. He reportedly said: The gang of French colonialists is aiming to reconquer our country. The hour is grave. Let us stand up and unify ourselves, regardless of ideologies, ethnicities [or] religions. You should fight by all means at your disposal. You have to fight with your guns, your pickaxes, your shovels [or] your sticks. You have to save the independence and territorial integrity of our country. The final victory will be ours. Long live independent and indivisible Viet Nam. Long live democracy.
09 Tháng Giêng 202511:36 SA(Xem: 448)
Tháng 5 năm 1990, chúng tôi sang Quận Cam, nhà văn Mai Thảo dẫn đến thăm và giới thiệu với một họa sĩ, mà chúng tôi chưa quen: Khánh Trường. Mai Thảo cho biết Khánh Trường dự định ra một tập san văn học, đăng những tác phẩm ở trong và ngoài nước, và cần được giúp đỡ. Đó chính là Mai Thảo: ông ghét cộng sản, vì cái chết của Vũ Hoàng Chương và bản thân ông bị truy lùng trong gần hai năm, trước khi vượt biển, thoát. Ông không đọc tác phẩm trong nước, nhưng «đứa nào» làm chuyện hòa giải, giao lưu, ông ủng hộ; «đứa nào» bị đánh, ông tận tình bênh vực và giúp đỡ. Ở Mai Thảo là hai chữ Tự do đúng nghiã mà nhiều người Việt không hiểu, dù họ sang Mỹ để tìm «tự do». Bên cạnh Mai Thảo, Nhật Tiến cũng công khai ủng hộ Khánh Trường. Lập trường giao lưu của Nhật Tiến ai cũng rõ. Đó là hai nhà văn đàn anh, đứng đằng sau Hợp Lưu, trụ đỡ Khánh Trường trong những ngày sóng gió. Phía chống Hợp Lưu, cũng không thiếu những cây đa cây đề. Mai Thảo sang Paris cùng với Khánh Trường, để ra mắt Hợp Lưu số 1.
07 Tháng Giêng 202510:28 CH(Xem: 458)
Anh với tình quên cả rừng thơ / Dỗ trái tim trở chứng dại khờ / Tập ảnh cũ nụ cười ở lại / Con đường về xốc nổi lời ca
07 Tháng Giêng 20259:23 CH(Xem: 644)
đưa em qua ngõ phù vân / kịp mùa xuân chạm đến gần nở hoa / anh đi mang nặng tính nhà / gởi theo hương tóc phồn hoa giữa trời /
07 Tháng Giêng 20259:15 CH(Xem: 682)
không hẳn là nhớ, không hẳn thương / chỉ một chút vấn vương / những mảnh rời rạc của giấc mơ rất ngắn / không phải Hồ Gươm hay cầu Thê Húc / nhưng là con đường dốc đưa lên đỉnh Phượng Hoàng / mây trắng và cơm lam / tiếng cười cao và trăng hoa đáy mắt /
07 Tháng Giêng 20258:42 CH(Xem: 282)
Nắng ươm cánh mai vàng lên mùa tươi mới / những cánh én mang tới niềm vui mùa Xuân / vườn xanh muôn hoa đơm mật ngọt / mê mẩn bướm, ong lơi lả hương ngần /
06 Tháng Giêng 202510:10 CH(Xem: 633)
Mười lăm năm trước, vào cuối mùa thu, tôi có chuyến đi đến sa mạc Sahara ở Maroc. Tôi đã mang trong mình "cảm giác sa mạc" trước và trong khi viết tập thơ SA MAC (1975). Sau khi lấy bằng Tiến Sĩ Kỹ Sư Dr.-Ing. tại Viện Đại học Kỹ Thuật Stuttgart, tôi đã có một chuyến đi dài ngày xuyên nước Mỹ vào năm 1977 để xem liệu mình có thể định cư, làm việc và sinh sống ở đó hay không. Trong suốt hành trình dài xuyên Bắc Mỹ, cảm giác về cuộc sống sa mạc dần dần mạnh mẽ hơn trong tôi.Tôi trở về Đức, nơi tôi sống và học tập từ năm 1967. Tôi sống từ đó cho đến ngày nay (2025). Tôi bắt đầu làm quen với triết học và âm nhạc Đức từ rất sớm, khi mới 16-17 tuổi. Trên thực tế, Heidegger và Bach là lý do khiến tôi học ở Đức chứ không phải ở Pháp, Anh hay Mỹ...
06 Tháng Giêng 20252:41 SA(Xem: 677)
Nhớ anh đi lạc trong Thung Mây / Làm sao ra thoát khỏi anh đây / Sương mù dày đặc trong tâm thức / Rượu cần không uống mà em say
03 Tháng Giêng 20256:27 CH(Xem: 469)
Yosano Akiko (1878-1942) là nhà thơ, nhà cải cách xã hội và nhà nữ quyền tiên phong Nhật Bản. Bà được ngưỡng mộ như là nữ thi sĩ lớn nhất nhưng gây tranh cãi nhất của Nhật Bản thời hiện đại. Bà đóng góp một phần lớn trong việc cải cách thể thơ tanka phổ biến với lịch sử trên 12 thế kỷ thành một thể thơ hiện đại. Những bài thơ dưới đây là từ tuyển tập thơ “Tóc Rối” (Midaregami) qua bản dịch tiếng Anh của Roger Pulvers. Đây là tập thơ đầu tiên và cũng nổi tiếng nhất của bà được xuất bản năm 1901 khi bà mới 23 tuổi và nó gây một chấn động văn hóa lớn.
03 Tháng Giêng 20253:32 CH(Xem: 846)
Hoang vu rất mực áo dài / Lên núi ngồi thở tóc mai bệt hồng / Nàng chưa từng thấy sương không / Hồn tôi mộ địa đã thông suốt trời / Chuông đồng lệch tiếng kinh rơi /