- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

VÕ PHIẾN, MỘT VÀI CHUNG QUANH.

05 Tháng Tám 202412:31 SA(Xem: 8159)

ông bà VO PHIEN -(Hình chụp tại tư gia của ông bà ở Highland Park, Los Angeles tháng 12, năm 1997.)
Ông Võ Phiến và bà Viễn Phố- 1997
Ảnh Nguyễn Bá Khanh 



Võ Phiến, một vài chung quanh.

Đặng Phú Phong

 

 

Ông Võ Phiến gọi Nguyễn Mộng Giác là một người “thàng”(hậu). Ông Nguyễn Mộng Giác cũng gọi Võ Phiến là “thàng”. Và, hai ông định nghĩa thàng như sau:

 

Nguyễn Mộng Giác: "Thàng" không phải là hiền.  "Thàng" là một chữ định hình, chứ không định tính. Người thàng, là người ít nói, tránh né những tranh chấp rắc rối, sẵn sàng chịu phần thua thiệt để giữ hoà khí, cố giữ bề ngoài đơn giản lùi xùi để không bị ai xem là kẻ quan trọng. Người thàng có thể hiền lành vì không dám làm việc dữ. Nhưng người thàng cũng có thể có những phản ứng bất ngờ dữ dội khi đột nhiên không thể chịu đựng được mãi sự thua thiệt. Người ta bảo người thàng hay cộc.” (Đặc san Tây sơn –Bình Định,1999)

 

 Và Võ Phiến: “Thàng là chữ riêng của người Bình Định, và cũng là chữ riêng để mô tả người Bình Định. Thàng cũng nói là thàng hậu; thàng hậu nghiã gần như hiền hậu, nhưng còn đi xa hơn hiền hậu nữa kia, vì nó có khả năng mô tả, hiền hậu thì không. Hiền hậu, thực thà là một đức tình, một nết hay; thàng hậu còn là một vẻ người hiển hiện ra bên ngoài, trông rõ mồm một. Người thàng, thàng từ tiếng cười giọng nói, nét mặt, thàng đi. Mà người thàng thì trời ơi, trong trí nhớ của tôi, tôi mường tượng mọi người Bình Định đều thàng hết: anh Ba, chị Bốn, ông Bảy, bà Năm, cô Tư, cậu Tám vv… Hết thảy, không ai là không thàng. Muôn người như cùng một vẻ, một giọng.”(Võ Phiến viết tựa cho Cuốn Ngựa Nản Chân Bon của Nguyễn Mộng Giác.).

 

Chữ Thàng, trước hết, là chữ của người Bình Định, nếu tính vào thời điểm 2015 này thì “thàng” đã thành chữ cổ. Thuở thiếu thời (thập niên 1950) tôi thỉnh thoảng nghe song thân tôi dùng chữ “thàng” để nói về một người nào đó trong thôn xóm. Tôi hiểu lơ mơ “thàng” có nghĩa là hiền, là… thàng. Sau đó do việc di chuyển chỗ ở, tuy rằng chỉ ra tỉnh lỵ, tôi không còn nghe ai dùng chữ thàng nữa. Rồi chữ thàng biến mất trong mớ chữ nghĩa lơ tơ mơ của tôi. Cho đến khi tôi đọc Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, nhất là thời gian ở hải ngoại, chữ thàng được hai ông định nghĩa thật rốt ráo, đến cho dù không phải là người Bình Định cũng có thể hiểu rõ ràng “ thàng” và “người thàng “ là như thế nào. Và, chữ thàng cũng được giới văn học thường xử dụng để chỉ 2 ông Nguyễn và Võ.

 

Ông Nguyễn thì thật sự là dòng họ Nguyễn. Còn họ Võ của ông Võ Phiến thì không phải vậy. Ông, tên khai sinh là Đoàn Thế Nhơn, vì yêu cái tài sắc, cảm cái tấm lòng đôn hậu của vợ ông là bà Võ Thị Viễn Phố, từ bút hiệu Đắc Lang ( trong tuỳ bút Những đêm đông, viết năm 1943 đăng trên báo Trung Bắc Chủ Nhật.) ông đã nói lái Viễn Phố thành Võ Phiến làm bút danh cho đến cuối đời. Tôi ngờ rằng khi nói lái ông Võ Phiến đã bị lợn cợn khi Viễn Phố lái ra sẽ thành Vỗ Phiến nghe nó không ra làm sao cả. May quá! Có cứu tinh đây rồi. Bà Viễn Phố họ Võ. Vậy thì cứ việc thẳng tay ném đi cái mũ. Thành ra Võ, lại là họ của nàng cũng là họ của chàng. Khéo thay chữ nghĩa! Hai người mãi mãi bên nhau và chỉ một. Tôi thật sự xúc động khi nhìn tấm hình ông bà mỗi người một bên đẩy chiếc senior walker cùng đi bách bộ. Keo- sơn- gắn- bó là đây.

 

Giới văn nghệ sĩ gọi thêm ông một cái tên “Ông già tinh quái”. Nhưng tại sao là “ông già”?. Chỉ khi ông già rồi mới viết văn “tinh quái” hay sao? Tôi e rằng không phải vậy. Chất “tinh quái” của Võ Phiến đã có từ lâu. Từ lâu lắm lận. Từ Người tù (1955), Dung (1956), Lỡ làng (1956), Anh em (1957), Thác đổ sau nhà, Lẽ sống (1958)…. Từ : Anh Bốn Thôi, chị Lộc, Ba Thê Đồng Thời, ông Tú Từ Lâm, Hữu….

 

Lại một phen chữ nghĩa! Cái này phải tôn Võ Phiến là bậc thầy. Ông cứ nhẩn nha viết. Bắt người ta phải hút theo chữ nghĩa “chẻ sợi tóc làm tư, làm tám” của ông. Lâu lâu, cắc cớ đưa ra những ý tưởng làm độc giả giật mình, phải đọc lại lần nữa, rồi giật mình lần nữa (không khỏi cười mỉm thích thú ): “Cái ông này thâm thật, tài thật”. Tinh quái, trước hết là tinh tế. Ông nhìn sự việc thật tinh tường qua ngòi bút điêu luyện, làm chủ vấn đề sự kiện. Điều này người đọc dễ dàng nhận ra ở những bài tạp bút, tùy bút của ông. Còn quái thì sao? Ông Võ Phiến có “quái” không? Thiệt là khó! Tôi xin nhón nhóm chữ “suy đoán vu vơ" của ông dùng để khiêm tốn bày tỏ ý kiến của mình: “quái” là không phải bình thường, quái là lạ, nhưng không phải là quái dị. Còn gì nữa nhỉ. Ờ, phải có cái hậu là vui, qua quá trình soi thấu sự uyên thâm. Như vậy “ông già tinh quái“ ở đây chỉ cho sự uyên bác, thâm trầm, hóm hỉnh lấy được sự kính nể từ nhiều người khác. Nếu cần thêm một chút mắm muối, tôi có thể mượn đoạn văn của Võ Phiến để cho ý của mình đậm nhạt: “Nghề viết văn loay hoay một cách …cảm động. Riêng người Việt lại còn mối cảm kích đối với cái ngôn ngữ của mình sử dụng… Hơn sáu mươi năm trước thường đọc lang thang, môt hôm tôi gặp bài “Đợi Thơ” của Hồ Dzếnh. Lời lời hoa mỹ, câu nào câu nấy chật ních những địa danh xa xôi, mơ hồ, mộng ảo, tôi mê tơi, “ngâm” đi “ngâm lại”:

 

(…) Tô Châu lớp lớp Phù kiều Trăng đêm Dương Tử mây chiều Giang Nam Rạc rời vó ngưa quá quan Cờ treo ý cũ mây dàn mộng xưa Biển chiều vang tiếng nhân ngư Non xanh thao thiết trời thu rượi sầu Nhớ thương bạc nửa mái đầu Lòng vương quán khách nghe màu tà huân (…)”.

 

 Lời không hiểu mấy, ý không rõ mấy, nhưng mặc kệ: tôi thích, mê tơi. Tôi có chú ý đến mấy tiếng “non xanh thao thiết”. “Thao thiết” ám ảnh tôi. Xanh thao thiết là xanh cách nào? Không biết đích xác, nhưng tôi cho đó là một chữ tài tình, đúng với màu núi “nọ”(?)…”. (Viết lách, trong Cuối Cùng, Võ Phiến)

 

Cũng từ đoạn văn trích trên nó điển hình cho cách Võ Phiến đã đưa ngôn ngữ nói thành ngôn ngữ viết thật tài tình. Không biết cơ man những “câu nào câu nấy chật ních”, “tôi mê tơi” nằm trong các tác phẩm của ông.

 

Tôi là người Bình Định nên ưa ông cũng chỉ là chuyện thường. Tôi có chắc một điều là người miền Bắc, miền Nam cũng rất yêu, thích ông. Tôi cũng chắc rằng nếu có người dịch toàn bộ tác phẩm ông ra tiếng nước ngoài, họ cũng sẽ thích ông . Giống như người Việt thích Stefan Zweig qua những bản dịch của ông.

 

Tôi không có ý định bước vào văn nghiệp của Võ Phiến. Chỉ một vài, thật ít, chung quanh ông. Mà thôi!

 

ĐẶNG PHÚ PHONG

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
03 Tháng Mười Một 202410:25 CH(Xem: 4367)
Trăng về kịp đêm nay / Nghe em hát tình ca / Bằng ngón tay chờ đợi / Lưng đêm mỏi rã rời
02 Tháng Mười Một 20244:14 CH(Xem: 3695)
Thử đặt giả thuyết: Nếu người Pháp bị một thế lực ngoại bang bắt buộc phải viết lại chữ Pháp bằng một ngữ tự khác, không phải ngữ tự La tinh (ngữ tự Ả Rập chẳng hạn), và thứ chữ Pháp mới này, sẽ là chữ quốc ngữ Pháp, do người ngoại quốc sáng chế ra mà không cần tới sự hướng dẫn của một người Pháp nào. Người ngoại quốc này có thể là ông Nguyễn Văn Mỗ, tương tự như ông Alexandre de Rhodes, chẳng hạn. Thì người Pháp sẽ nghĩ sao? Họ có tin được việc này không? Tôi không nghĩ có người Pháp nào chấp nhận việc một người Việt đến Pháp ở vài năm, có thể sáng chế ra chữ mới cho người Pháp viết, làm tự điển cho người Pháp học, mà không cần sự giúp đỡ, của một người (Pháp) bản xứ nào.
02 Tháng Mười Một 20241:29 SA(Xem: 6243)
Những bài thơ dưới đây được tuyển dịch từ cuốn ”Một Trăm Bài Thơ Nhật” rất nổi tiếng của thi sĩ-dịch giả Mỹ Kenneth Rexroth với thơ của các thi sĩ Nhật qua nhiều thế kỷ. Trong cuốn này, dịch giả Rexroth đã nắm bắt được rất nhiều tính cách tinh tế của thi ca cổ điển Nhật Bản: chiều sâu của niềm đam mê chừng mực, văn phong sang trọng khắc khổ, và hình tượng phong phú nhưng cô đọng. - Bạt Xứ
02 Tháng Mười Một 202412:22 SA(Xem: 5197)
Đối với người Việt, dù trong nước hay ở nước ngoài, nhắc đến phở là tự nhiên nước miếng tứa ra. Đi ra nước ngoài, người Việt chỉ mong chóng trở về, ào ra quán phở gần nhà gọi tô phở nóng thưởng thức bù lại những ngày nhớ quê hương.
02 Tháng Mười Một 202412:17 SA(Xem: 4845)
Anh Phước là con ông cậu ruột của tôi. Nhà tôi ở kế bên nhà anh. Anh thứ nhất mà cũng là con duy nhất của cậu tôi nên anh em chúng tôi thường gọi anh là anh Hai Phước. / Anh mồ côi cha từ thuở chưa lọt lòng. Anh có tuổi thơ thật “dữ dội”. (Tuổi thơ dữ dội- tên tác phẩm của nhà văn Phùng Quán). Trong tác phẩm, các cậu thiếu niên trẻ tuổi ấy đều có một câu chuyện riêng đầy cảm xúc, những hoàn cảnh éo le không ngờ tới nhưng họ vẫn đối diện bằng tinh thần lạc quan, vui vẻ. Mỗi người có một số phận riêng và tôi nhìn thấy hình ảnh một thế hệ và bóng dáng anh cũng có phần trong đó.
01 Tháng Mười Một 202410:05 CH(Xem: 4904)
Mùa ngâu tháng Bảy! / Anh đi xa, năm nào / Ngày Cali buồn, chẳng có mưa ngâu, / chỉ ướt nhoè, nước mắt em / khóc anh ngày ấy!
29 Tháng Mười 202411:53 CH(Xem: 5913)
Em còn đó không? / Bờ Tây Thái Bình. / Muôn trùng xa cách! / Vẫn hoài đợi mong? / ** Em còn đó không? / Anh nay phương trời. / Ôm đầy nỗi nhớ! / Xa vời vợi trông. /
23 Tháng Mười 202411:04 CH(Xem: 3875)
The week - from October 16th to 20th, 2024, the largest book fair in the world will take plac: the book fair in Frankfurt, Germany. This year the theme of the book fair is: the country Italy, especially with its great culture and literature. The southern Italian publisher SECOP Edizioni is presenting, among other books, one of my poems in a special volume of poetry in a quadrolingual edition - Italian - Vietnamese - German and English. The title of the long poem is "CASA MIA - NHÀ TÔI - MEIN ZUHAUS - MY HOME"
10 Tháng Mười 20244:15 SA(Xem: 7393)
Tôi trở về Half Moon Bay / Đếm từng con sóng biển / Đếm từng nỗi ưu phiền / Lòng buồn như sương mù / Từ độ ánh trăng tan...
05 Tháng Mười 20244:58 CH(Xem: 7772)
NCT sinh năm 1948 tại Vũng Tàu, cha mẹ là người Hà Nội. Từ đầu những năm 1950er NCT lớn lên ở thành phố Sài Gòn, học tiểu học ở trường Bàn Cờ, trung học ở trường Chu Văn An. Năm 1967 ông từ chối những học bổng của những quốc gia khác, chọn học bổng quốc gia (VNCH) để sang CHLB Đức du học. Tại Viện Đại Học Stuttgart NCT học Triết học và Toán Học & Cơ Học Áp Dụng. Vào thời điểm đó những triết gia Đức có tiếng như Martin Heidegger, Karl Jaspers, hay Ernst Bloch đã hưu trí, ông đã làm luận án tiến sĩ ở Viện Cơ Học & Toán Học Áp Dụng. Ông là sinh viên trẻ nhất xưa nay có bằng Tiến Sĩ Kỹ Sư (Doktor-Ingenieur), vào năm 1977.