CON ĐƯỜNG NĂM XƯA
Nguyễn Công Khanh
Năm tới 2025, người Việt gốc Mỹ sẽ kỷ niệm 50 năm định cư tại Hoa Kỳ. Chúng tôi cũng sẽ có thêm một kỷ niệm định cư tại Seattle đươc nửa thế kỷ. Thời gian không còn nhiều sao tôi cứ băn khoăn không hiểu mọi người sẽ chuẩn bị tổ chức ra sao?
Gần nửa thế kỷ đã qua, những người đến sau, những người mới qua, không tưởng tượng được mọi chuyện đã có thể thay đổi như ngày hôm nay: Một “Việt Nam Mới”. Bây giờ, tiệm ăn, siêu thị bán đầy đủ thực phẩm Việt Nam không thiếu, sẵn sàng tại các khu người Việt. Trong các Mall, giữa các dân tạp chủng đông đúc luôn luôn nghe được một giọng lạ nổi lên nhưng lại rất quen thuộc thì chắc là có người Việt trong đám đó rồi.
Hồi những năm 1975, 76, cố tìm một chai nước mắm cũng khó. Cả thành phố chỉ có một tiệm tạp hóa Tầu nhỏ. Thế mà chỉ mười mấy năm sau khi có làn sóng vượt biển, những người “boat people” đã đến, và họ đã làm nên lịch sử những “Little Saigon”, tôi tin tưởng như thế. Chúng ta hãy cám ơn họ. Họ có chí mạo hiểm và khả năng sinh tồn dù trong một xã hội không có kỹ năng thích hợp. Những người đến từ 1975, họ là quân nhân, công chức không có kinh nghiệm về doanh nghiệp. Nhưng trên cả mọi điều, tất cả họ đều là những người đã giữ vững màu cờ. Con cháu họ đã tiến một bước khá xa trong dòng sông chính về nhiều phương diện như kinh tế, văn hóa, kỹ thuật, chính trị và quân sự…
*
Nhớ lại, chiều tối cuối cùng ở Việt Nam, chúng tôi may mắn vào được quân cảng và leo lên được một chiến hạm đang nằm ụ, con tầu há mồm có tên là Thị Nại 502 rời Saigon. Khi đuổi theo được hạm đội tại Côn Sơn thì nhận được lệnh buông súng. Cả hạm đội được lệnh trực chỉ Subic Bay. Vì là con tầu cuối cùng nên đã phải vớt bao nhiêu thuyền bám theo, phải hứng cả một trực thăng và một máy bay T28 tuyệt vọng bay vòng quanh con tầu. Chạy được không bao lâu thì tầu hỏng máy, một chiến hạm khác phải quay lại kéo ròng rã 7 ngày sau mới đến được thay vì chỉ cần 2 ngày. Trước khi vào cảng, con tầu bị xóa tên và hạ cờ. Cả tầu gần 5,000 người đứng lên hát bài quốc ca vĩnh biệt, lá cờ vàng trên cao từ từ hạ xuống lần cuối cùng, với những giọt nước chẩy dòng trên má. Chính phủ Phi Luật Tân e ngại không cho dân tị nạn ở lại nên ngay chiều hôm đó họ chuyển mọi người sang một thương thuyền, 4 ngày sau tới đảo Guam. Chúng tôi ở trên đảo khoảng 2 tháng, qua ba trại Orotee, Asan, Anderson, cuối cùng lên máy bay vào Mỹ và tạm cư tại Camp Pendleton Thủy Quân Lục Chiến Mỹ, nam Cali. Gần 200,000 dân tị nạn nằm chờ trong các lều vải trải dài như báp úp, trước khi tìm nơi định cư.
Văn phòng trại gọi chúng tôi lên phỏng vấn làm thủ tục và khai sơ lược tiểu sử của mình để họ tìm người người bảo trợ cho thích hợp. Tôi khai vừa là công chức vừa là quân đội, người phỏng vấn nói, thôi tạm quên các chức vụ đó đi rồi hỏi tôi các “hobbies” của tôi là gì, tôi trả lời thích cây cỏ và làm vườn và bà vợ tôi khai thích nấu ăn. Mấy ngày sau, họ gọi lên văn phòng báo tin là đã tìm được người bảo trợ cho chúng tôi ở New York. Người này là một triệu phú, có du thuyền. Tôi sẽ có công việc làm vườn và thỉnh thoảng đi theo để dọn dẹp du thuyền. Còn vợ tôi thì làm phụ bếp. Tôi rất thích đi du lịch và thích biển, nghe thấy thế cũng ham, nhưng sau khi bàn bạc với nhau, không muốn xa họ hàng và bạn bè mà ai cũng chờ đi Cali nắng ấm, nên từ chối. Chờ mãi vào Cali không đến lượt vì quá đông và sau cùng Thống Đốc Cali có lệnh ngưng nhận dân tị nạn nên chúng tôi theo bà con chuyển lên Seattle. Vậy là xém chút nữa hai vợ chồng tôi đã thành dân “Ô-sin”. Cũng thật đáng tiếc …
Nghĩ lại cái thuở đất trời còn “hồng hoang” đó, mọi chuyện đối với người tị nạn đều bắt đầu từ số không. Gia đình tôi không có duyên được ở Cali. Tuy vậy, chúng tôi nhiều lần đã loay hoay nghĩ cách tìm về vùng nắng ấm để có cơ hội gặp lại những người bạn ngày xưa.
Hồi đó, khi di chuyển xa từ tiểu bang này sang tiểu bang khác, rất ít người dùng máy bay mà thường lái xe mất nhiều ngày đường. Vì thế con đường số 5 rất quen thuộc với tôi. Tôi đã lái xe dọc trên con đường này, đi lên đi xuống nhiều lần. Con đường huyết mạch chạy theo ven Thái Bình Dương từ Bắc xuống Nam của nước Mỹ dài 1381 miles. Con đường nối hai thành phố ngoại biên Vancouver B.C. của Canada và Tijuana của Mễ Tây Cơ. Con đường nối liền những thành phố mà có đông người Mỹ gốc Việt định cư và họ đã thành lập một dẫy Little Saigon. Từ Seattle qua Portland qua San Francisco, Sacramento, San Jose đến thủ phủ của người Việt tị nạn Orange County và San Diego.
Qua tháng đầu tiên, tôi có được bằng lái xe. Nhà thờ bảo trợ quyên góp giúp tôi $400 để mua xe. Ông mục sư đưa tôi đi tìm xe, gia đình tôi 2 vợ chồng, 5 đứa con, tổng cộng 7 người. Với số tiền đó và số người đó, ông phải tìm những xe cỡ lớn, nhưng tôi thấy đều “cà cộ” nên tôi ngần ngừ lấy cớ không quen lái xe lớn và tốn xăng. Cuối cùng chọn được một chiếc Ford Fairlane 6 máy đời 66, trông tạm được, nhưng họ đòi $600. Tôi xin góp thêm $200 tiền dành dụm để có chiếc xe vừa ý.
Có xe tôi chạy khắp vùng xung quanh thăm họ hàng và những người bạn mới đến. Mùa đông đến, trời mưa tuyết như lông ngỗng, tôi hào hứng cho cả gia đình lên xe phóng trên đường để hưởng những trận tuyết đầu tiên trong đời, mà không biết đến là có thể trơn trượt lao vào lề đường gây tai nạn.
Chạy được mấy tháng, xe bị cháy máy. Chúng tôi đã mua lầm chiếc xe xấu, may có một ông trong nhà thờ tình nguyện giúp làm máy lại. Ông mục sư và tôi phải cùng nhau hì hục mài xy-lanh và các pistons. Thật tội nghiệp ông, suốt mấy chục năm sau chúng tôi vẫn luôn đến thăm ông bà và khi họ mất chúng tôi đều có mặt trong đám tang.
Xe của chúng tôi chạy lại tốt như mới. Hè năm đó, 1977, theo tiếng gọi của bạn bè, tôi quyết định làm một chuyến du Nam. Gia đình 7 người lại thêm một người cháu trai cũng đòi đi theo. Lúc đó, tôi không lo cho cái xe, không thấy ngại đường dài hơn ngàn miles mà cũng không nghĩ tới phải trải qua những con đèo dài lên dốc đến trăm cây số, và những cái dốc có độ cao hơn mặt biển 5,000 ft.
Cái xe nhỏ chở 8 nhân mạng cùng hành lý, không máy lạnh, Trời Cali nắng rát, đi qua những sa mạc, sờ vào thành xe đến bỏng tay. Nhiều quãng lên đèo, leo dốc nước trong bình xe bốc hơi mù mịt, nghe thấy cả tiếng nước sôi ùng ục. Tôi đã phải dừng lại nhiều lần, rest area nào chúng tôi cũng nghỉ để cho máy nguội và đổ thêm nước vào bình.
Cả cái quãng đường trường ấy, chúng tôi phải lái xe ba ngày. Tôi có một ý nghĩ như một số ít người nghĩ, đi không cần nhanh để đến, cái hạnh phúc và cái vui là ở dọc đường. Nhiều khi lái trên những chặng đường dài chỉ có xe mình chạy, dừng lại ở những trạm nghỉ chỉ thấy có một xe mình đậu, thấy cái mênh mông của trời đất. Tôi nhớ từng rest area, những chỗ nghỉ có dòng suối như Klamath trên đèo Grand Pass, chỗ nghỉ gần biên giới Oregon nhìn chiều hoàng hôn phía núi Mount Shasta, buổi sáng thức dậy được bơi trong hồ bơi của Motel 6, ở một thị trấn bên đường có cái tên “Lost City” không thể quên…
Xe của tôi cũng qua khỏi được cái đèo cao Bakersfield, rồi cũng đến được Bolsa. Tôi lái thẳng đến một tiệm phở, khi ăn xong tôi đi ra trước cửa tiệm đứng ngóng. Đúng vào ngày cuối tuần, quả nhiên, không lâu mà cũng không hẹn, tôi gặp lại được một số bạn, cả những người từ nhiều năm không gặp ở Saigon. Chúng tôi ôm lấy nhau, cảm động và mừng rỡ. Thì ra chúng tôi cần có nhau.
Khi trở lại Seattle, tôi dùng đường 101 để tránh leo dốc hai cái đèo Bakerfield và Grand Pass. Đường 101 dọc theo biển Cali, tuyệt đẹp qua những khu du lịch và một rừng cây cổ thụ Sequoia, có một gốc cây cổ thụ được đục thành lối đi mà xe hơi có thể lái qua. Khi đến Cresscent City thì tôi lái quặt vào đường số 5 và đổ dốc xuống đèo Grand Pass vào Oregon về Seattle xanh mát.
*
Sau này việc làm đã yên ổn, mấy đứa con tôi vẫn còn trong thời trung học, tôi đi tìm mua một xe khác. Đến Dealer, thấy một cái xe Mercury Station Wagon full size mới đang trưng bầy, 8 máy, rộng rãi hai hàng ghế sau có thể ngả xuống làm giường đủ chỗ cho 5 đứa con nằm. Trên mui có thể để đươc nhiều hành lý. Tôi rất thích và đi xung quanh và mở cửa ngồi vào bên trong ngắm hoài. Một người bán xe của dealer biết ý đến gạ tôi và như cố ý đẩy cái xe cho tôi. Có lẽ họ đã để xe nằm choán chỗ quá lâu, họ đưa giấy tờ cho tôi biết họ bán không lời, và lái xe chiếc xe mới đó theo tôi về nhà.
Vài năm sau, một lần nữa tôi lại đổi và mua một xe van, ghế trong xe cũng có thể ngả thành giường nằm. Ngoài ra còn có một sink để rửa mặt, một tủ lạnh nhỏ và ghế ngồi lái xe như phi công ngồi lái máy bay.
Nhờ hai cái xe mới này tôi lái xe mở rộng quanh vùng và tiếp tục mỗi kỳ hè đưa vợ con xuống thăm Cali. Lần đầu tiên, cảm động, tay lái rung rung khi nhìn thấy những bảng “Little Saigon” trên xa lộ chỉ dẫn exit vào khu thương mại của người Việt.
Ngoài đường số 5, từ Bắc Cali xuống khu Bolsa còn có 3 con đường song song khác, tôi cũng đã lái đưa gia đình trên các con đường này. Đường 99, một ngã rẽ của đường số 5 đi qua Fresno và phải vượt đèo Bakersfield. Đường 405, qua ngả San Francisco, San José đông và vui. Con đường 101 dọc theo biển Cali, tuyệt đẹp.
*
Rồi đến khi mấy đứa con vào đại học, lên ở trong “dorm”, tôi không còn có thể tập họp chúng để làm những cuộc hành trình như trước nữa. Tôi giữ chiếc xe van mấy năm không có dịp dùng đến và nghĩ đến chuyện phải bán. Khi nhìn chiếc bị lái đi, bỗng nhiên tôi thấy như cuộc đời mình không phải là chỉ giở sang trang mà đang sang một chương mới.
Tôi thấy nhớ và muốn trở lại những con đường năm xưa mình đã đi qua, những rest areas mình đã dừng xe nghỉ, tìm lại những ngày đầu ở Bolsa mà nay nhiều người bạn cũ không còn nữa. Các con tôi đã đủ lông cánh, rời tổ tung cánh đi các phương trời xa. Tôi chờ xem có một đứa con nào ngỏ ý sẽ làm cuộc hành trình như những ngày trước tôi đã bao lần chở chúng, để tôi có dịp đi theo. Người trẻ thì xoải cánh đi tìm những chân trời mới, người già thì cứ muốn trở ngược lại con đường cũ.
Tết năm ngoái, chúng tôi bay xuống Cali, đi chợ đêm khu Phước Lộc Thọ, đứng giữa đám đông những người cùng tiếng nói, nghe tiếng pháo nổ lác đác đó đây, tự nhiên tôi nhớ lại một Saigon xưa đã mất và thấy một Saigon mới thật gần, đầy hứa hẹn.
Hôm sau ra máy bay trở về, lúc ra khỏi máy bay trời Tây Bắc nắng ấm trở lại, hàng đào bên đường, những nụ hoa đã bắt đầu hé mở…
Nguyễn Công Khanh
- Từ khóa :
- Nguyễn Công Khanh