Mai An Nguyễn Anh Tuấn
U MÊ TỐI TĂM HAY NỊNH BỢ NHỤC NHÃ?
Nếu không được xem cái clip mà tôi tin là chẳng thể bịa đặt nọ, thì tôi không thể tin nổi, không thể hiểu nổi, một giảng viên tự nhận có 30 năm dạy luật mà tán tụng luận án TS. của học viên TCQ như thế này: “Tôi cảm thấy người viết luận án không chỉ trí tuệ mà vô cùng tâm huyết, nếu dành lời khen thì có rất nhiều lời khen vượt ra khỏi ngôn ngữ…”
Thế nào là “vượt ra khỏi ngôn ngữ”? Cao hơn, và vượt khỏi ngôn ngữ thông thường của loài người, mà Kinh Thánh bảo “Khởi thủy là Lời”, thì chỉ có thể là ký hiệu thần bí của Đức Chúa Trời gửi đến tạo hóa của Chúa, hoặc là tín hiệu của loài linh trưởng về một cảm giác nào đó của chúng trước hiểm họa thiên tai…
Tạm chưa nói đến chất lượng cao thấp - thật giả của bản luận án nọ, lời tán tụng trên rõ là một phát ngôn đầy u mê - nếu như lịch sự không muốn nói thẳng: đó là sản phẩm của một nhận thức tối tăm, dại dột, ngu ngốc, lại ở một giảng viên kiến thức, học thuật, chữ nghĩa đầy mình qua mấy chục năm trên bục giảng đại học khiến thiên hạ phải ngỡ ngàng sửng sốt!
Còn nếu không phải là u mê, thì lại là lời nịnh bợ tột cùng vô duyên, người đời gọi là “nịnh thối”, bộc lộ hiển nhiên một bản lĩnh kém cỏi, một tư cách đớn hèn của những người đường đường là bậc giáo sư - tiến sĩ - giảng viên phản biện - trước một luận án dù là Tiến sĩ thì cũng ở dạng tập dượt khoa học cao cấp, ở mặt bằng khoa học chung nước ta, làm gì mà tâng bốc đến tận mây xanh như đó là tác phẩm trí tuệ siêu việt đến thế, để rồi cả một tập thể GS. phải khom lưng chắp tay kính cẩn, quỳ lạy trước ông ta như một bậc Thánh nhân!
Kiểu nịnh bợ, tâng bốc thế này thời gian qua xuất hiện nhiều như nấm độc, lại ở tầng lớp được gọi là “trí thức lớn”, tiêu biểu như ông GS. nọ ca ngợi ông TCQ mà danh nổi như mõ qua nhiều scandal về tiền bạc, gái mú… bằng những lời lẽ chỉ làm đối tượng được tôn vinh nở mũi vênh mặt, còn phần đông những người có tri thức và liêm sỉ lại thấy xấu hổ thay cho cả hai vị! Còn ở tầng lớp thấp hơn, một cô giáo dạy văn bậc PTTH không ít năm đã phê phán một cách thiếu văn hóa người dám chê Đề thi văn Tốt nghiệp bằng cách “phong Thánh”, “xây Đền” cho ông Chủ tịch Hội Nhà văn mà chắc ông ấy cũng phải cúi gằm mặt…
Than ôi, trong thời lệch chuẩn này, biết bao “huyền thoại xã hội” quái dị (mythologie sociale - theo quan niệm của nhà phê bình văn học Pháp kiệt xuất Roland Barthes) đã xuất hiện như là điềm báo về sự suy thoái đáng buồn về giáo dục, đạo đức, nhân cách, nhân phẩm… - nổi bật là các “huyền thoại” về những lời nói & hành động bộc lộ sự u mê và thái độ nịnh bợ nhục nhã đáng xấu hổ ngay trong một Thánh đường Giáo dục!
MA NAT
- Từ khóa :
- MAI AN NGUYỄN ANH TUẤN