- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

"LẠC ĐÀ TRONG RỪNG THẲM" TỰ TRUYỆN CỦA MỘT GÃ IRAQ (kỳ 4 "chương 10, 11 và 12")

17 Tháng Giêng 20243:42 CH(Xem: 9200)
Tranh KhanhTruong
Xuân - tranh Khánh Trường




Phạm Ngọc Lương
"LẠC ĐÀ TRONG RỪNG THẲM"

TỰ TRUYỆN CỦA MỘT GÃ IRAQ

(kỳ 4 "chương 10, 11 và 12")

 

 

“Thế là Tết 1999, lần đầu tiên tôi được bước vào ngôi nhà mà tôi không biết rằng sau này tôi sẽ thường xuyên tới. Mang tới một bó hoa lớn, cầm tờ ghi địa chỉ trong tay, tôi mò mẫm tìm. Khác hẳn suy nghĩ của tôi, ngôi nhà khá rộng rãi, khang trang, lại mang hơi hướng Tây hóa. Thấy tôi, mọi người ai cũng vui vẻ tiếp đón. Trùng hợp là Tết năm đó có cả em dâu cùng cháu trai bên Đức cũng về Việt Nam thăm họ hàng. Chúng tôi nói chuyện, hỏi han về cuộc sống, những vấn đề vấp phải trong xã hội, và kết thúc bằng tiết mục karaoke tại nhà để chào đón một năm mới đầy niềm vui, thành đạt hơn. Ngày hôm đó qua đi nhanh đến nỗi mà tôi gần như không còn nhớ gì đến nó.” (Phạm Ngọc Lương)
 

 

 

 

CHƯƠNG 10.

 

Trong cuộc đời mình, tôi đã có một người bạn theo đúng nghĩa, mà dù có xảy ra những chuyện hiểu lầm, xốc nổi thế nào chăng nữa cũng sẽ bỏ thứ cho nhau. Ông là một doanh nhân Ả Rập, gốc Jordan, sau lấy vợ người Ukraina, rồi sang Moscow kinh doanh và thành triệu phú. Ông tới Việt Nam đơn thuần chỉ để tìm mua gỗ, chuẩn bị cho việc mở đại lý ở Jordan mang tên: Hà Nội. Tôi gặp ông lần đầu khi đang uống bia với bạn ở bar Polite, thì thấy một ông râu ria tỉa cẩn thận, ăn mặc nghiêm túc đang ngồi nhâm nhi rượu. Lúc đó người Ả Rập xuất hiện rất ít nên tôi quý lắm, bước tới ngồi ngay bên cạnh, nhưng vẫn sợ mình nhầm, nên chỉ quay sang chào một câu bằng tiếng Ả Rập, nếu không phải thì thôi. Ai ngờ, ông chào lại. Tôi mừng quá, hỏi thăm không ngớt. Sau đó chúng tôi gặp nhau thường xuyên hơn.

 

Chuyện bắt đầu xảy ra vào một năm sau khi quen, ông quay lại Hà Nội, hẹn gặp tôi tại phòng riêng trong khách sạn, kèm theo món quà là một bộ áo khoác da xịn, cả sơ mi, áo phông, áo len. Tôi vô cùng sung sướng với sự quan tâm của ông nên đóng nguyên cây để tối đó đi nhậu cùng ông với vài người bạn luôn. Thấy thế ông cũng vui, buột miệng trêu tôi: Này, bây giờ tao mà là thằng không tốt, tao đòi quần áo của tao, thì mày chết lạnh nhỉ”. Chẳng biết có phải do rượu hay không, mà tôi quạu lại: Tôi không phải ăn mày đâu”. Ông sửng sốt quay sang hỏi tôi: Cái gì đấy?”. Sau đó,  tôi không kiểm soát nổi bản thân nữa. Lời thốt ra, những hành động sẽ làm, dù biết là xúc phạm ông và xúc phạm chính mình nhưng vẫn tiếp tục buột ra khỏi miệng tôi một cách cay nghiệt.

 

Đứng bật dậy, tôi gằn giọng: Anh xúc phạm tôi à?”. Ông tưởng tôi đang đùa, nên chỉ cười. Thế mà tôi ngay lập tức cởi tất cả quần áo trả lại chỉ còn lại lớp đồ lót trên người: Tôi thề luôn, tôi không bao giờ để quần áo của anh trên da tôi”. Tỏ ra tự ái, ông cao giọng: Nếu mày trả lại, tao đốt ngay tại chỗ”. Như chạm đúng nọc, tôi buông hai từ “Tùy thôi” rồi quay lưng bước đi. Ông vội vã túm tay kéo tôi lại, xuống nước van vỉ: Thôi, mày quay lại đi, mày đừng để họ cười người Ả Rập mình uống say rồi gây sự, tao xin lỗi mày, đôi giày của mày để trên đầu tao được chưa?”. Câu nói này hiển nhiên là một lời xuống nước cuối cùng của người Ả Rập. Tôi hiểu, nhưng vẫn bước thẳng. Ông liền xòe bật lửa đốt luôn bộ quần áo vẫn còn ấm hơi người.

 

Ra tới cửa thì gặp một cô bạn người Morocco vừa tới nơi, thấy tôi chỉ độc bộ đồ mỏng trên người liền níu tay tôi lại hỏi. Tôi hất đầu về sau: Hãy hỏi ông ta ấy”. Cô hơi lo sợ, thậm chí còn nghĩ là chúng tôi đang đánh nhau, liền cởi ngay áo khoác ngoài của mình và nói: Dù chuyện gì xảy ra đi nữa thì anh cũng dùng áo của em về cho khỏi lạnh”. Tôi nằng nặc lắc đầu, giựt tay đi thẳng, không cả một câu cám ơn cho sự lo lắng của cô.

 

Trong cơn giận dữ ngông cuồng, tôi phong phanh mở bung cửa, bước ra ngoài, lấy xe tự phóng về ký túc xá. Rồi lạnh. Cái lạnh từ khắp nơi bủa vây, len lỏi qua lớp vải mỏng tanh, tấn công làn da. Lần đầu tôi hiểu thế nào là cái rét ngọt” của miền Bắc. Tôi tưởng chừng mình không thể chịu đựng được thêm nữa, nhưng cung đã giương, tên đã bắn, quay lại không được. Hai giờ đêm, biết xin quần áo của ai. Thôi, đã làm phải chấp nhận. Tôi phóng rất nhanh, rồi chậm, rồi lại nhanh, để cho cái rét căm căm cắm thẳng vào da thịt rồi bật ra, xóa đi phút chốc cái lạnh quá sức chịu đựng. Cứ thế tôi về đến ký túc xá, hắt xì liên tục và hôm sau lăn ra ốm.

 

Một câu nói đùa trong lúc vui miệng tựa như đã xóa tan tình bạn. Nhưng là người kinh qua nhiều chuyện, ông Lohan vẫn đến, nhờ một bạn đưa đồ cho tôi. Nhìn thấy cái bọc đen lấp ló đằng sau lưng bạn, tôi nằng nặc từ chối, không chấp nhận cả việc để nó trong phòng. Sau đó tôi ngủ mê mệt, mãi đến buổi trưa hôm sau mới dậy, ăn qua loa một chút thì ông xuất hiện. Đứng nép bên cửa, ông xin phép vào, tôi đồng ý nhưng không cho phép ông mang theo túi quần áo. Ông cười, tìm cách thuật lại câu chuyện cũ theo chiều hướng hài hước hơn. Mặt tôi vẫn hằn vết buổi tối kích động đó, không nhếch nổi một nụ cười cố hữu, trả lời nhấm nhằng: Tôi không say, nhưng tôi đã nói là làm”. Buồn bã, ông lịch sự cáo từ: Xin lỗi nếu làm phiền”. Bước ra đến cửa, ông ngoái lại, cố hỏi: Không tiễn tao à”. Ngồi nguyên trên giường tôi nói vọng ra: Thì cửa đấy, cứ đi đi thôi”.

 

Sau đó là một quãng thời gian dài lê thê. Chúng tôi cùng im lặng, chẳng ai cố liên lạc với người kia nữa. Một tối, khi sự chán ngán dâng đầy lên cổ, khó chịu, tôi tới Polite và thấy ngay ông đang ngồi uống rượu vang với cô người Morocco. Nhận ra tôi, ông chầm chậm lắc đầu, nét mặt vẫn còn vương sự buồn bã, bảo: Cậu tới đây, nói chuyện một chút”. Tôi im lặng ngồi xuống. Với điệu nhẫn nại của một người từng trải, ông chậm rãi khơi lại câu chuyện: Thế đủ chưa, mày trẻ con với tao quá. Thật ra tao biết mày là người Iraq, nói chung là điên lắm, rất coi trọng danh dự, cực kỳ cứng đầu”.

 

Biết nói thế nào nhỉ, ừ, tôi là người Iraq, tôi sinh ra và lớn lên ở mảnh đất khắc nghiệt, nơi cát sa mạc luôn lăm le bay qua ngọn cây và xâm lấn dòng nước ngọt hiếm hoi. Mảnh đất đen ấy là nơi những con người vừa cứng như cát sa mạc, vừa ngọt ngào như nước sông Tigris và sông Euphrates, vừa nhẹ như làn gió hè khi chiều tối thổi qua Baghdad, luôn sống như cây chà là dù có chết vẫn đứng sừng sững giữa bầu trời. Mang dòng máu điên trong người, tôi không sợ gì, coi trọng danh dự bản thân hơn cả sinh mạng. 

 

Em bấm nút tạm dừng của băng ghi âm, rồi lom lom nhìn tôi. Tôi đọc rõ trong đó một tia nghi ngờ, như cố lọc lấy tầng sự thật trong lời của tôi. Ôi, cô gái trẻ, khi nào em mới học được cách che dấu biểu cảm của mình chứ. Em không nghĩ rằng, thời gian quả thực sẽ rút gân, kéo thịt, ép xương, biến chàng trai cao to mạnh mẽ thành một gã khô quắt ư. Than ôi, thời gian, phép màu của sự lãng quên, thuốc độc của tuổi trẻ, thứ luôn thích vả mặt vào tính kiêu ngạo của nhan sắc, thứ mà ta tưởng luôn biết về nó mà lại thực sự chẳng biết gì ấy, nó vốn tàn nhẫn. Tôi đã từng ngang tàng và liều lĩnh, rồi thời gian dạy tôi biết rằng, khôn khéo mới là thứ duy nhất níu tôi lại trên mặt đất.

 

“Muộn rồi, em có muốn ăn đồ trung đông không? Anh mời”.

Ngay lập tức đôi mắt em hấp háy khiến tôi bật cười. Tò mò có thể giết chết cả con bò, mà em thì còn nhẹ cân hơn con bò nhiều lắm. Tôi đứng dậy, cầm áo khoác và khăn quàng, nghiêm trang nhìn em. Cái còn lại duy nhất của chàng trai hào hoa ngày ấy trong tôi là chút phong nhã cuối cùng này thôi. Tôi nhẹ thở ra.

 

“Coi như em đồng ý nhé, 15 phút đủ để em thay đồ không?”.

Em gật đầu đứng dậy, bước vào phòng trong. Tôi chầm chậm đi ra ngoài. Gió lạnh chỉ chực chờ cánh cửa mở ra rồi ùa vào, xoay tròn quanh tôi như thể cố hút mọi hơi ấm. Trời vẫn âm u một màu. Mọi căn nhà xung quanh đã dần thơm mùi thức ăn. Thế nhưng vẫn có những kẻ không buồn quay lại cái chốn mình thuộc về.

 

Tôi cùng em cuốc bộ ngược lên con dốc nhỏ, rồi lại kiên nhẫn chờ cái xe cà mèn khởi động. Giọng em thoảng qua tai tôi như thể ai đó đã rụt rè hỏi tôi từ nhiều năm về trước.

“Đồ Trung Đông có khó ăn không anh?”.

“Người Ả Rập dùng gia vị mạnh như bột thì là, cần tây, và đậm hơn nên sẽ khác đồ Việt. Còn thứ cho anh không thể trả lời thêm, vì nó khá cá nhân. Em biết đấy, chẳng ai đoán được sở thích của bản thân mình đâu, cho đến khi em thực sự cắn ngập răng vào nó”.

 

Tôi trả lời em, mắt nhìn thẳng, không cần lựa mà lời cứ thốt ra như thể từ đã xếp sẵn thành câu và chỉ chờ cơ hội thoát ra. Nhưng em chỉ im lặng.  Giọng ríu rít từ quá khứ loãng dần rồi bay biến, chỉ còn tiếng sột soạt từ quần áo em ma xát với ghế da.

“Em biết anh hút thuốc. Tại sao anh không bao giờ hút trước mặt em”.

Tôi im lặng.

“Là một điều kiêng kị của người Iraq ư?”

“Không em. Chỉ là một thói quen của riêng anh thôi. Xin lỗi, nếu nó làm phiền em”.

“Dạ không, em chỉ tự hỏi, cái điều kỳ lạ ấy tới từ đâu thôi”.

“Khi hiểu biết sâu hơn về Việt Nam, điều khiến anh kinh ngạc nhất là gì em biết không?”

“Đàn bà chăng?”

Ha. Đàn bà ư!

“Anh kinh ngạc nhất là người Việt có thể ăn mọi thứ, mọi thứ có thể mọc hay nhúc nhích mà không quá độc”.

 

Em hơi nghiêng đầu ra vẻ suy nghĩ rồi bật cười.

“Ừ đúng thế thật, có người từng lấy chuyện đó làm trò cười cơ. Ri rỉ gì ri cái gì cũng lên đĩa”.

“Người Ả Rập chỉ ăn thịt được giết mổ theo nghi thức đạo Hồi, hay còn gọi là chứng nhận Halal. Còn những thứ không được ăn thì nhiều lắm. Heo, chó, sư tử, hổ, gấu, rắn, khỉ, đại bàng, kền kền, chuột, rết, bọ cạp, kiến, ong, chim gõ kiến, ếch, cá sấu, muỗi, ruồi, chấy, thuỷ, hải sản nguy hiểm, chất thải, máu, thịt người. Thậm chí cả động vật chết vì ngạt thở, tai nạn, bị loài khác giết cũng không ăn. Đồ uống có cồn, khoáng chất thiên nhiên cũng không”.

“Anh… Sao đến cả việc ăn mà cũng lắm quy tắc vậy. Nhưng anh có uống rượu mà”.

 

Tôi dừng xe lại trong bãi, bước tới mở cửa cho nàng, rồi lịch sự đi bên cạnh. Một ngày nào đó, tôi sẽ nói cho em rằng trong trường hợp tuyệt đối không có gì ăn thì chúng tôi được phép ăn mọi thứ để duy trì sự sống. Mọi thứ, vượt qua đạo đức, vượt qua cả nỗi sợ, vượt qua cả sự khốn nạn ẩn sâu bên trong. Nhưng đâu là cái ranh giới của sự sống còn thì chẳng ai rạch ròi được. Nàng hỡi, trên đời này chắc chỉ có sự hèn hạ của con người là không có giới hạn. Còn tôi, tôi là một gã Hồi giáo hắc hoá.


 

 

CHƯƠNG 11

 

“Em định cho thêm một người bạn tới ở cùng. Tầng hai em chuyển gian nhỏ thành nơi đọc sách và làm việc, nhưng cả tầng ba trống vắng quá, làm em ngại lên sân thượng vô cùng. Liệu chị ấy có đồng ý không anh?”.

Gỡ chiếc áo khoác trên tay tôi, em thuần thục treo lên móc, rồi chạy vào gian bếp bưng ra cốc trà gừng nóng. Tôi tự dưng có cảm giác của gã chồng lê xác về nhà sau giờ tan tầm và rơi tõm vào vòng tay của đàn bà.

“Anh chắc chắn là chị ấy không quan tâm, nhưng em nên hiểu rõ về người bạn đó vì an toàn của chính em nữa. Có người lạ ở cùng thì nhiều vấn đề phát sinh lắm”.

 

Hãy hỏi đi, rằng anh có mệt không, rằng hôm nay của anh trôi qua thế nào, có nhớ em không, rồi than phiền về con mèo hàng xóm đã lẻn sang nhà mình, dẫm bẩn lên khăn trải bàn của em ra sao. Hoặc bình gas trong nhà đã hết mà cậu nhân viên giao đã chẳng tử tế tới thay cho em như đúng hẹn. Em có quyền kể lể với anh về tỉ thứ đã xảy ra trong mấy tiếng đồng hồ anh không có mặt đó. Tình yêu của anh đủ lớn để im lặng lắng nghe hay về hùa với em đúng lúc. Thậm chí em có thể đòi hỏi ở anh một đôi khuyên tai, cái quần lót mới hoặc một lọ hoa nào đó em thích dù em đã chất chật kho đủ loại gốm sứ chai lọ. Thế nhưng em chỉ bận rộn xoay lưng về phía tôi, cầm cả chồng sách trên bàn xếp lên giá.

“Em hiểu mà, bạn ấy là một người Ba Lan nhỏ xinh và nhút nhát. Em gặp bạn ấy trong một buổi đi hiến máu nhân đạo, nói chuyện có chút mà thấy hợp nhau kinh khủng, nên em nghĩ sẽ ổn thoả thôi khi cho bạn ấy sống cùng”.

 

“Thì em cứ làm theo mong muốn của mình đi, nhưng hôm nào cho anh gặp bạn ấy nhé”.

Tôi nhấc cốc trà lên, để khói phả thẳng vào đôi mắt khô khốc của mình. Hương gừng sực nức xua đi không ít cái giá lạnh trong người.

 

Thật khó để hiểu tại sao tôi lại phải sang tận đất nước xa xôi này để gọi một người đàn ông Đông Dương nhỏ thó với bộ tóc trắng như cước trên đầu là bố. Bố. Thật ngượng khi phải thốt ra từ này với tất cả sự kính trọng và yêu thương, nhưng khi đôi mắt hiền từ ấy nhìn tôi cười thì dường như tôi biến trở lại thành con trẻ với niềm mong mỏi thơ ngây được dựa dẫm vào ai đó. Bố, đã lâu rồi tôi không được gọi như thế, rất rất lâu. Nhưng tôi hiểu một điều chẳng dễ gì mà chúng ta lại gặp nhau. Tất cả đều do chỉ dẫn của Thánh Allah. Vì tôi đã đến đây, vì tôi cần một chỗ dựa ở chốn này nên Người đã sắp đặt.

 

Lần đầu gặp ông, tôi không có ấn tượng gì nhiều. Chỉ nhớ vào cuối 1998, câu chuyện bắt đầu vào hôm tôi muốn đi cắt tóc. Tôi có bộ râu dài, luôn được cắt tỉa cẩn thận, nên mái tóc đi cùng không thể lung tung được, nhưng chưa quen tiệm nào nên tôi đi cùng anh bạn Iraq vào hú họa một quán gần cổng trường. Lúc đó quán đang có khách là hai chị em sinh đôi, khó hiểu là họ cứ nhìn sang phía tôi cười rồi thì thầm to nhỏ với nhau. Tảng lờ cảm giác bị tăm tia, tôi lần đầu hưởng thụ dịch vụ cắt tóc 5 phút, gội đầu 30 phút bản địa, quá khác lạ với điều tôi đã biết. Bẵng một thời gian, tự dưng cô chị lại chủ động chào hỏi và mời tôi đến nhà chơi. Tết là khoảng thời gian chán nhất cho những kẻ ngoại lai, khi mà gần như ai cũng chỉ biết ngôi nhà, phố xá vắng tanh, hàng quán đóng cửa, ngay cả muốn một tách café ngon cũng phải tự pha nên tôi đồng ý luôn, như một cách giết thời gian, biết đâu lại hiểu thêm về phong tục Việt Nam.

 

Thế là Tết 1999, lần đầu tiên tôi được bước vào ngôi nhà mà tôi không biết rằng sau này tôi sẽ thường xuyên tới. Mang tới một bó hoa lớn, cầm tờ ghi địa chỉ trong tay, tôi mò mẫm tìm. Khác hẳn suy nghĩ của tôi, ngôi nhà khá rộng rãi, khang trang, lại mang hơi hướng Tây hóa. Thấy tôi, mọi người ai cũng vui vẻ tiếp đón. Trùng hợp là Tết năm đó có cả em dâu cùng cháu trai bên Đức cũng về Việt Nam thăm họ hàng. Chúng tôi nói chuyện, hỏi han về cuộc sống, những vấn đề vấp phải trong xã hội, và kết thúc bằng tiết mục karaoke tại nhà để chào đón một năm mới đầy niềm vui, thành đạt hơn. Ngày hôm đó qua đi nhanh đến nỗi mà tôi gần như không còn nhớ gì đến nó.

 

Năm sau nữa, khi tham dự tiệc cưới của bạn, tôi thấy một ông già tóc bạc cùng người phụ nữ trung niên ngồi cách đó không xa cứ thi thoảng lại nhìn sang tôi và tủm tỉm cười. Rất ngạc nhiên, tôi liền chỉ tay vào ngực mình hỏi: 

Tôi à?

“Ừ, đúng là tôi biết anh đấy”.

Tôi liền đứng dậy, đến tận nơi kéo ghế ngồi.

Cháu chào bác”

Giờ sõi tiếng Việt rồi à? Thế đã nhớ ra bác là ai chưa?

Thú thực là cháu trông quen bác lắm, nhưng chưa thể nhận ra ngay”.

 

Thế là ông thuật lại câu chuyện ngày xưa. Gặp lại ông, kể lể biết bao điều đã xảy ra cho cuộc sống của mình, tôi nán lại cùng bàn, uống cốc bia chia vui luôn. Ông chỉ bảo rảnh thì qua nhà bác chơi nhé”, thế nhưng tôi qua một lần, lần nữa, rồi sau này cứ thế đến nhiều hơn. Cứ tầm chiều muộn, bác lại gọi tôi ra ngồi uống bia. Những câu chuyện ở quán bia cứ kéo dài ra không ngớt. Thế rồi, sau ba tháng, bác đột nhiên bảo tôi: Có muốn làm con nuôi bác không?

 

Tôi ngớ người ra suốt vài phút, không biết trả lời ra sao. Điều này thật lạ lùng, bởi ở Iraq, người ta chỉ nhận bố mẹ nuôi khi bản thân là trẻ mồ côi, không họ hàng thân cận để chăm sóc. Có thể do men bia cộng với ánh mắt ông đang nhìn thẳng vào tôi chờ đợi, tôi gật đầu đồng ý. Thế là thành bố con, nhưng vẫn còn chút ngại ngùng nên tôi vẫn chưa thể gọi bác gái là mẹ, mãi một thời gian sau này mới quen được. Tuy nhiên hai người chị sinh đôi mà tôi biết trước đó thì tỏ vẻ không thích ra mặt. Điều này cũng dễ hiểu thôi, khi không một ông Tây xuất hiện, lại còn xưng bố bố - con con nghe rất nghịch tai. Tôi cũng mơ hồ nhận ra điều này nên cố tỏ ra hòa nhã hơn để họ quen dần.

 

Bố có cả thảy năm người con. Con trai cả dạy võ cho cảnh sát Nga, con thứ lập gia đình và định cư bên Đức, hai chị em sinh đôi và cậu út sinh năm 1982. Bây giờ thêm cả tôi nữa, một gã Iraq to con. Dần dần khi tình cảm hai bên khăng khít hơn, tôi đến nhà chơi liên tục.

 

Thực sự thì cảm giác về việc ngay ở nơi xa lạ này tôi cũng có một nơi để mình tới trong những phút rảnh rỗi hay căng thẳng, hòa mình vào không gian nơi có đủ mọi gương mặt thân thuộc và gọi ra từ: bố”. Tận trong sâu thẳm con người mình tôi rất thèm được gọi từ này. Đôi khi tôi có cảm giác mình đang quay trở về ngôi nhà nơi Baghdad thân thuộc, với mẹ, cha, cùng các anh quay quần bên mình, hút thuốc, trò chuyện. Nỗi nhớ nhà cũng khuây khỏa phần nào. Tuy nhiên, điều tuyệt vời nhất mà tôi cảm nhận được kể từ khi có thêm bố mẹ nuôi, như thể tôi đã có một điểm tựa, và từ đó tôi có cơ hội để thâm nhập một cách sâu sắc hơn vào nền tảng văn hóa gia đình của người Việt Nam. Khi mẹ nuôi bảo rằng: Cháu đã giúp bác thay đổi suy nghĩ về Iraq cũng như đạo Hồi. Quả thực qua cháu, nơi đó không như những gì bác nghĩ”. 

 

Lần đầu tiên tự dưng tôi có một cảm giác lạ lùng đến thế, lâng lâng như đứa trẻ nhận được quà sau chuyến đi dài đằng đẵng của cha. Còn tôi đã phải đi một hành trình dài hơn thế nữa để tới tận bây giờ mới làm được dẫu chỉ là chút ít điều tốt lành cho đất nước của mình. Vô tình và tự nhiên, tôi chuyển cho người nước ngoài hình ảnh tốt đẹp hơn về người Iraq.

 

Thế đấy, câu chuyện bắt đầu không lấy gì làm li kỳ hấp dẫn, chỉ là một chuyến đi cắt tóc, thế mà cuối cùng tôi lại có một gia đình cho mình ở giữa biển người xa lạ này. Những người mà tôi sẽ gắn bó, bảo vệ và được lo lắng cho đến phút cuối cùng của cuộc đời ngắn ngủi này.

 

“Đến giờ anh vẫn coi mình như một phần trong gia đình đó chứ?”.

“Nếu em muốn, anh sẽ thu xếp một buổi gặp để biết thêm điều em muốn nhé”

“Có cần thiết không ạ?”.

“Em tự cân nhắc rồi cho anh biết. Còn nếu anh với em ở một quan hệ khác thì việc gặp gia đình hai bên mới là cần thiết”.

 

Em phá ra cười trong gương mặt ra vẻ nghiêm trọng của tôi. Chí ít, gần đây em đã cười nhiều hơn với tôi. Một sự thân thiện thản nhiên tản ra giữa hai chúng tôi. Ăn ý và hoà hợp. Tôi tự cho là như vậy.

“Anh có nghĩ rằng họ thực sự hiểu anh không? Bố mẹ, anh em nuôi ấy”.

“Em kỳ vọng điều gì từ mọi người vậy? Sai rồi, em sai rồi biết không, đừng ích kỷ như vậy. Đừng bắt ai phải hiểu mình khi mình còn chẳng hiểu mình ra sao cả. Điều đó vô lý hết sức cô gái bé nhỏ của tôi ơi!”.

 

Tôi lắc mạnh đầu để ngôn từ chuội đi, không bay ra khỏi đầu lưỡi nữa. Vẻ mặt của em ngỡ ngàng, có vẻ em chẳng để ý đến những từ cuối cùng. Cô gái bé nhỏ của tôi, bông hồng đỏ giữa sa mạc bỏng rát, nỗi cô đơn nào đã khiến em có cái đòi hỏi đến vô lý như vậy. Sống cạnh ai đó đã đủ kiên trì, em còn muốn người ta phải hiểu mình ư? Tôi thấy may mắn vì em sống ở chốn nhiệt đới gió mùa, vậy thì khi nước mắt em rơi trên má, những cơn mưa nhiệt đới sẽ đến và lau chúng đi đến không còn dấu vết.

 

  

 

 

 

 

CHƯƠNG 12

 

“Anh đến Qatar bao giờ chưa?”

“Chưa, nếu vẫn làm ở đây thì anh cũng sẽ thu xếp tới đó một chuyến, nhưng bây giờ thì hơi khó”.

“Em tò mò lắm”.

Cô gái trẻ đặt cốc cafe xuống. Vẻ mạnh mẽ toả ra từ mái tóc xoăn nhuộm màu hạt dẻ phết gel giữ nếp tới cứng đơ của em làm căn phòng trở lên sinh động hơn hẳn.

“Lo lắng?”.

“Không, em chả có gì để lo cả, em chỉ phụ trách truyền thông trong buổi họp báo ra mắt sách, cùng mấy thứ nhỏ nhặt mà thôi, có phải quản nhiều khâu như anh đâu. Sếp, anh nói coi, nhà văn Ả Rập có hà khắc lắm không, liệu em có nên đặt một bó hoa thật đẹp trong phòng anh ấy không?”.

“Vui lòng không tìm cách để anh nghĩ thay em. Tới khách sạn thôi, anh chỉ có hôm nay hướng dẫn em, phải nhớ thật kỹ, không cho phép sai phạm”.

“Yes Sir”.

Tôi đứng dậy, thả cốc giấy vào thùng rác. Thanh vội vã đậy nắp bình giữ nhiệt, xách túi, bám theo sát gót. Chúng tôi xuống cầu thang bộ, qua cửa bảo an, rồi nhanh chóng leo lên con xe 7 chỗ đang chờ sẵn. Tiếng người lào xào trong bộ đàm từ tài xế vọng lại. “Xe công vụ lăn bánh. Mở thanh chắn. Đề nghị mở thanh chắn”.

 

Xe chúng tôi xuôi theo khu mới xây ồn ào của thành phố chật chội này, dần đi sang quận còn lưu lại nhiều dấu ấn từ thời Pháp thuộc. Những dãy phố thênh thang, quy chuẩn, những căn biệt thự Pháp cổ đồ xộ vẫn lưu đủ ấn tích nghiêm lệ một thời, những cây cổ thụ xoè tán mà rễ cây không làm tróc một viên gạch lát đường nào. Tất cả như thể chứng minh đã có thời người ta tỉ mẩn, tinh tế đến nhường nào.

 

Chúng tôi bước vào khách sạn hoa lệ nhất chốn đô thành, nơi còn thấm đẫm dấu ấn cầu kỳ của quá khứ, mà thời gian chỉ phủ lên kiến trúc này một lớp vinh quang trầm mặc. Viên quản lý với cái bụng phệ chuẩn mẫu quốc mở rộng cửa chào đón tôi với nụ cười hào sảng.

“Buổi sáng tốt lành, ngài khỏe chứ?”.

“Không thể tốt hơn, cám ơn, ngài cũng vậy nhé. Đây là cô Thanh Nguyễn, sau hôm nay cô ấy sẽ là cầu nối trực tiếp giữa đoàn chúng tôi với ngài”.

“Rất hân hạnh, quý cô xinh đẹp.

Guillaume Francois hỏi tôi bằng tiếng Anh với giọng Pháp ríu rít, còn tôi đáp lại một tràng bằng phẳng đậm chất Ả Rập. Tôi bước lên thảm mềm, dừng lại tán thưởng tháp hoa ly trắng được một hàng thiết mộc lan, cỏ lan chi xanh tôn lên, điểm xuyết với những bông hoa trắng nhỏ. Vừa định dợm bước, tôi ngạc nhiên, quay người nhìn lại tháp hoa.

“Thật kỳ lạ, tôi chưa từng thấy loại hoa này bao giờ”.

“Cũng lần đầu tiên tôi thấy, thưa ngài. Sáng nay tôi có hỏi thì được biết tên hoa là bách thuỷ tiên, một loại lan nước”.

“Bách thuỷ tiên”.

Tự dưng tôi hình dung về em, thứ hoa cánh mỏng như thể chạm vào sẽ nát, yếu ớt đến đau lòng.

 

“Người cắm hoa của chúng tôi là một vị tài ba và cầu kỳ. Tôi không hiểu sao ông ấy nằng nặc chọn loại hoa này, để rồi sáng nào cũng phải thay và tỉa tót lại. Nhưng được ngài thưởng thức là đủ vinh hạnh cho chúng tôi rồi”.

“Chính là vị người Nhật với một loạt những work shop về nghệ thuật cắm hoa Ikebana đó ư?”.

“Vâng quả vậy, thưa ngài, nếu ngài thực sự hứng thú, còn có một buổi trình diễn cùng nghệ thuật trà Nhật sẽ được thể hiện trong khuôn viên khách sạn vào cuối tuần này”.

“Tôi rất vui lòng muốn biết thêm chi tiết đấy Guillaume”.

Ông tiến lên trước một bước dài, đưa tay mở cánh cửa gỗ nguyên khối, khẽ cúi người mời.

“Chúng ta sẽ bắt đầu với căn phòng tổng thống đã được trang trí lại theo căn dặn của ngài. Tôi thực sự hy vọng đã không còn bất cứ một sơ xót dù nhỏ”.

Hành lang lót một lớp thảm êm đến không phát ra nổi tiếng động nào. Điểm xuyết đâu đó một cái kệ trang trí, lọ hoa, tượng, đèn bàn… Tôi dừng lại trước một bức tranh thiếu nữ với đủ mọi ưu đãi của tuổi trẻ, sắc đẹp. Guillaume khẽ nhướn mày, lia ánh mắt từ tôi sang Thanh, hồ đoán về sở thích nào đó từ tôi, rồi ông chợt hắng giọng, giơ một ngón tay múp míp lên.

“Theo ngài thì những bức tranh thế này nên thay thế hay tạm thời bỏ ra? Tôi vốn cho rằng nơi này chỉ là hành lang”.

“Guillaume à Guillaume, ông đã từng gặp những người khó tính đến mức mà dù chỉ là sự vô tình cũng thành cố ý trong mắt họ chưa? Tôi chỉ gắng không để bất cứ một sơ suất nào có thể xảy ra”.

“Vậy ngài nhận xét ra sao về bức tranh này?”

Guillaume cố dịch chuyển thân hình mập mạp lùi ra sau hết sức có thể để ngắm nhìn cho rõ.

 

“Nàng ấy có ánh mắt của một con chiên ngoan đạo”.

Guillaume khẽ rít lên trong cổ họng.

“Sự tinh tế của ngài thực sự đã cứu tôi một ván cờ. Xin vui lòng ngồi cùng tôi một buổi tối khi ngài có thời gian, thưa ngài. Còn quá nhiều thứ cho tôi phải học từ ngài. Và tất nhiên là sự cảm ơn tự đáy lòng”.

Guillaume vẫy tay cho trợ lý vẫn đứng từ xa, sau một vài trao đổi họ dỡ bức tranh xuống, lùi đi không một tiếng động. Đôi khi tôi mệt mỏi với sự khách sáo cùng những lời bóng bẩy của dân dịch vụ chuyên nghiệp, mà chính mình cũng là một phần trong đó.

 

Tình yêu, đến tận phút này đây tôi cũng không thể hiểu nổi tình yêu là gì. Cái thứ men ngọt ngào, cay đắng và cả ma mị khiến ta điên cuồng, sung sướng, ngây dại đớn đau ấy đến giờ vẫn ám ảnh tôi không dứt. Những đúng, sai, được, mất của đời người dường như trở thành quá bé nhỏ trước tình yêu.

 

Iraq là một đất nước kín đáo, quy củ, không chấp nhận quan hệ bừa bãi giữa nam với nữ nên chưa khi nào tôi tự cho phép mình có quyền đùa giỡn với phụ nữ, nhưng những rung động thì không sao tránh khỏi. Và mối tình đầu của tôi đến khá lạ lùng ở tuổi 18 sôi động tràn đầy năng lượng, không ồn ào, cuồng nhiệt mà sâu lắng. Tôi bị cuốn hút bởi đôi mắt to, sâu thẳm của nàng, khuất sau lớp áo dài che kín toàn bộ thân hình, nhưng mỗi lần gặp, trái tim run rẩy không ngừng sau lớp vải thô dày cho tôi biết đó là rung động. Nhà gần nhau mà chưa có một lần hẹn hò thực sự, chưa cả một cái ôm hay nụ hôn vụng dại, chúng tôi câm lặng nhìn nhau, chẳng dám tiết lộ với bất kỳ ai khác suốt sáu năm. Hạnh phúc quả là lạ lẫm, chỉ cần đi qua nhà nàng cũng đủ để bồi hồi. Và nơi đáng mong đợi nhất lại là bến dừng xe buýt, nơi thi thoảng vào những buổi sáng, tôi vô tình gặp nàng, dù không dám nói dẫu chỉ một câu, lén lút dúi vào tay nàng một tờ giấy, đôi khi đứng gần nàng chờ đợi xe buýt đến, tôi sẽ nhận được một nụ cười e thẹn rất nhẹ, thế là đủ để chân tôi lâng lâng như bước trên mây suốt cả ngày. Thi thoảng nàng nhìn quanh, không có ai thì chuyển nhanh vào tay tôi một mảnh giấy nhỏ xíu. Những mảnh tình thư ấy vẫn còn nguyên vẹn trong tủ đồ với mọi rung động mà đầu ngón tay tôi đến giờ vẫn còn cảm thấy lúc lẻn ra một chỗ khuất nẻo rồi run rẩy lần giở để đọc từng dòng chữ thân yêu.

 

Lần đầu nàng chủ động chạm vào tay mà người tôi đã run bắn lên, mồ hôi túa ra không ngừng, tim đập như ngựa trong vòng đua nước rút. Rồi nàng bắt đầu phá nguyên tắc, sang nhà tôi để có thể gặp nhau thường xuyên, công khai hơn. Mẹ biết chuyện, bảo tôi nên tổ chức đám cưới ngay, nhưng lúc đó, tôi vừa nhận được học bổng, giờ tôi 24 tuổi, sang Việt Nam năm năm, gái phải xa chồng sẽ rất khổ. Trong tình huống khác thì nhỡ tôi xảy ra sự gì, không về được Iraq nữa thì sao. Trăm ngàn chuyện có thể đến chẳng ai lường được. Tôi bàn với mẹ sẽ quyết định chia tay để cô ấy tự do lấy chồng. Tiếp theo đó là chuỗi ngày vắng lặng và trống trải, tôi cố không thả cho mình chìm sâu vào nỗi ủ dột ấy. Nhưng điều làm tôi đau lòng hơn là hai năm sau khi tôi về Iraq, em vẫn chờ. Chuyến quay trở lại Việt Nam ấy, việc đầu tiên tôi phải làm là báo tin về nhắn em đừng chờ, vì sẽ chẳng bao giờ tôi có thể đặt chân lên đất Iraq nữa rồi. Định mệnh đã lăn bánh xe của nó chệch sang một hướng khác, tôi và mối tình đầu đã trở thành hai đường thẳng song song. Nàng có ánh mắt như thế, thanh thuần và ngoan đạo.

 

 

Phạm Ngọc Lương
* Còn tiếp những kỳ sau

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
04 Tháng Tư 202410:16 CH(Xem: 6074)
PHÂN ƯU / Vô cùng thương tiếc khi được tin: Nhà thơ, Nhà văn, Nhà báo / VIÊN LINH / tên thật là Nguyễn Nam Tạ thế ngày 28 tháng 3, 2024 tại Annandale, VA, Hoa Kỳ / Hưởng Thọ 86 tuổi
03 Tháng Tư 20248:43 CH(Xem: 6389)
Nhận được tin buồn / Cụ Bà : TRẦN THỊ NGÃI / Pháp danh:QUẢNG NIỆM / Sinh ngày 10 tháng 5 năm 1929 tại Đà Nẵng, Việt Nam / Đã tạ thế ngày 25 tháng 03 năm 2024 / (Nhằm ngày 16 tháng 02 năm Gíap Thìn) / Tại San Jose, California, Hoa Kỳ Hưởng thượng thọ 95 tuổi.
03 Tháng Tư 20247:59 CH(Xem: 5245)
Bà Trần Thị Ngãi, Pháp Danh Quảng Niệm, Sinh ngày 10 tháng 5, năm 1929 tại Đà Nẵng Đã từ trần ngày 25 tháng 3 năm 2024 tại San Jose, California, Hoa Kỳ. Hưởng Thọ 95 tuổi
08 Tháng Ba 202411:17 SA(Xem: 7673)
The fact that Ho Chi Minh proclaimed Vietnamese independence and the formation of the Democratic Republic of Viet Nam [DRVN] on September 2, 1945 did not assure its international recognition. The French—reactionaries and progressive alike— adamantly insisted on the reintegration of Indochina into the French Empire, by force if necessary. Other great powers, for various reasons, independently supported the French reconquest.
05 Tháng Ba 20248:43 CH(Xem: 6794)
Em là sen Hồng thắm / Ngát hồn anh chiêm bao / Đêm dịu dàng xanh thẫm / Sen cười rất ngọt ngào
24 Tháng Hai 20242:39 CH(Xem: 9193)
Mà thơ. chấm. tới phẩy, nào / Dụi mắt. cắm một ngọn sào du dương / Không dưng / nghe một nạm buồn / Hai tay bụm lại / đầu nguồn thiết tha / Suối rất mệt giữa khe già / Tinh anh của đá / ném / xa / đường gần
14 Tháng Hai 20241:28 SA(Xem: 7621)
Tôi đưa tay gõ vào hư ảo / Chân lý mày đang trốn chỗ nào / Hóa ra đen đỏ hai màu áo / Chỉ để làm trò chơi khó nhau
14 Tháng Hai 20241:15 SA(Xem: 7574)
Này anh bạn – anh thấy không / Sự lộng lẫy không nhường chỗ cho điều gì hài hước / Chỉ tiếng nấc thanh xuân mềm yếu / Trên quảng trường nơi vũ hội đàn ông / Vỡ thành cơn địa chấn.
13 Tháng Hai 202411:57 CH(Xem: 8818)
Ngô Thế Vinh là một tên tuổi đã thành danh ngay từ trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam. Ông đoạt Giải Văn Học Nghệ Thuật VNCH năm 1971 với tác phẩm Vòng Đai Xanh. Sau này ông có thêm hai giải thưởng: 1) Giải Văn Học Montréal 2002 Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do với Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng và 2) Giải Văn Việt Đặc Biệt 2017 với Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch. Một trùng hợp thật ngẫu nhiên khi tạp chí văn học nghệ thuật Ngôn Ngữ phát hành vào tháng 2-2024 cũng vào dịp Tết Giáp Thìn 2024 ra số đặc biệt giới thiệu Bác sĩ / Nhà văn / Nhà hoạt động môi sinh Ngô Thế Vinh. Năm Rồng, giới thiệu người kết nghĩa với Cửu Long, tưởng không còn gì thích hợp hơn.
13 Tháng Hai 202411:21 CH(Xem: 7305)
Tôi còn nhớ một cái Tết năm xưa, tôi lái xe đưa gia đình từ Seattle xuống Tacoma một thành phố lân cận để đến lễ đầu năm tại một ngôi chùa và chọn cho đúng hướng xuất hành năm mới. Ngôi chùa này và nhà sư trụ trì còn trẻ, lại là một nhà thơ mà tôi đã nghe một người bạn nhắc đến và đây là lần đầu chúng tôi đến lễ. Tên chùa là Phước Huệ, nhà sư trụ trì có pháp danh là Thích Phước Toàn, hai cái tên thật là chân phương. Danh vị của nhà sư là Tỳ Kheo, khác với nhiều chùa các vị trụ trì đều là Hòa Thượng hay Thượng Tọa, điều đó không có gì khác biệt đối với sự hâm mộ của tôi với nhà sư.