Mai An Nguyễn Anh Tuấn
NÓI CHUYỆN VỚI CON GÁI
VỀ TÌNH THƯƠNG VÀ SỰ THẬT
Sau mấy stt. của hắn trên MXH về chuyện vu cáo tồi tệ của vài vị “chức sắc” ở Hội Kiều học (Hội khoa học nghiên cứu Nguyễn Du & Truyện Kiều), cô con gái hắn - sinh viên năm thứ hai ĐH KHXH&NV vừa về tới nhà đã xộc tới bàn làm việc của hắn, với gương mặt đỏ bừng mà ngày thường vẫn lạnh như bà hoàng Băng giá, nó tức tối chất vấn, như hành hạ ông bố đã thất bại đủ thứ và đang khốn khổ đủ điều:
- Sao bố lại dính vào cái chuyện kiện cáo linh tinh đó làm gì? Ảnh hưởng tới con lắm! Xin bố cứ yên vị với đống sách mớ phim và cái vi tính cho con nhờ… Con kiến kiện củ khoai, công lý và sự thật lắm khi chẳng qua chỉ là trò hề, bố đã từng bảo thế còn gì? Bố còn bảo: thời buổi này, tránh “mồm chó vó ngựa” ra thì may được yên thân lúc nào hay lúc ấy…! Thế mà bố lại vi phạm tín điều ấy ư? Con khóc đây này, bắt đền bố !… Lâu nay bố luôn bảo vệ sự thật, con biết, con tự hào về bố, nhưng trước hết bố cần bảo vệ tương lai sinh mệnh chính trị & nghề nghiệp của con!… - Nó bật nức nở.
Thế đấy, mới là nhóc SV đọc chưa “vỡ chữ” mà đã như “nữ chính ủy” vậy - dù là một “nữ chính ủy” mít ướt! Hắn vừa thấy vui - vì sự trưởng thành và dám phản biện lại người mà trước nay nó vẫn phải hỏi từng điều nhỏ nhất, lại vừa thấy ngỡ ngàng, có chút thấm buồn…
Hắn từ tốn, tìm cách gỡ rối cho đứa con gái đang thời kỳ trút bỏ nốt cái lốt trẻ con để làm người lớn tập sự.
- Chị Suni à, quả là bố có buồn vì sự vu cáo khá đê tiện của những người bố từng quý trọng qua những năm tháng cộng tác với họ ở cái Hội nghề nghiệp đáng yêu, đáng quý này… Nhiều năm qua, bố đã bằng phương tiện riêng âm thầm ghi lại hình ảnh sinh hoạt của Hội từ Trung ương tới các chi Hội địa phương đến ngót trăm giờ quay phim và hàng ngàn tấm ảnh cho Hội làm tư liệu, không hề đòi hỏi chút thù lao đãi ngộ nào! Bố còn tham gia đầy trách nhiệm về chuyên môn do Lãnh đạo Hội giao cho - như biên tập các sách Kỷ yếu Hội thảo KH, tạp chí Kiều học, đã viết hàng chục bài khảo cứu chuyên sâu, truyện phim lịch sử về Nguyễn Du & Truyện Kiều, từng có Tham luận tại Hội thảo KH Quốc tế về Di sản Nguyễn Du năm 2015 đem lại chút vinh dự cho Hội, v.v. Nhưng chỉ vì bố là cái gai trong mắt họ, không quỵ lụy xin xỏ họ, không vào mánh “làm ăn” của họ nên họ lo sợ, tìm mọi cách hèn hạ loại trừ bố ra khỏi Hội! Một trong những điều họ dựng chuyện vu cáo, là bố “hay gây gổ!” Con lạ gì, bố cũng có “gây gổ” thực, nhưng là “gây gổ” một cách văn hóa, bằng học thuật đối với những sản phẩm Sách - Phim làm chưa tới thậm chí hạ thấp cụ Nguyễn Du, phải chăng điều đó khiến họ bị chạm nọc?... Nhưng bố buồn hơn cả là Sự thật đã bị bóp méo, bị xuyên tạc ở đây, giữa cái xã hội đang u ám bởi sự bóp méo xuyên tạc Sự thật, xua đuổi, giết chết Sự thật, khiến Anh linh Đại thi hào bị xúc phạm nặng nề. Bố cảm tưởng Cụ đang muốn đội mồ đứng dậy mà rỏ máu mắt bởi không những Sự thật đang bị đe dọa thủ tiêu, mà còn bởi cái Tình thương mà cụ hằng ấp ủ gửi gắm đang bị chà đạp… Cuộc đời này đã có quá nhiều sự thù hận cần được hóa giải mà chưa được hóa giải được bao nhiêu, thế mà tâm niệm đau đáu của các Danh nhân văn hóa Việt, trong đó có Cụ Nguyễn Du chắc chắn chỉ là Tình thương nhằm cứu vớt nhân quần, nó có khả năng chữa lành mọi vết thương tinh thần… Kiệt tác “Đoạn trường tân thanh” của Cụ Nguyễn Du đã chẳng được nhiều thế hệ người Việt coi là cả “Một cuốn Kinh về Tình thương” (Lưu Trọng Lư) là gì? Truyện Kiều thấm sâu vào đời sống, trước hết chưa phải là một "khúc Nam âm tuyệt xướng", một "thiên thu tuyệt diệu từ", mà chính là một nỗi đau lớn, một tình thương lớn có khả năng kỳ diệu giúp hoàn thiện nhân tính. Một người thầy cũ đáng kính của bố, GS. Nguyễn Đình Chú bao năm nay từng trăn trở nhằm "tường minh" về vấn đề Thiên tài của Nguyễn Du; và, ông đã đúc rút ra điều cốt lõi này mà bố ghi trọn được trong ống kính máy quay: "Thiên tài của Nguyễn Du thể hiện trước hết ở chỗ đã đi đúng qui luật bản chất nhất, gốc rễ nhất của mọi giá trị văn chương chân chính nhất, lớn lao nhất của nhân loại cổ kim Đông Tây - là dựa trên tình thương con người!" Thế nhưng, một vài người có chức sắc trong cái Hội nghề nghiệp đáng quý này đã phản bội chính cái mà họ đưa ra để tôn vinh Đại thi hào, bằng cách chà đạp lên Sự thật, trù dập những tiếng nói bảo vệ Sự thật! Sự thật là cái gốc của CHÂN, phạm trù đứng đầu ba phạm trù Mỹ học CHÂN - THIỆN - MỸ. Sự thật là một thứ nhân đức, Aristote từng bảo thế, vậy mà họ,- những người vì thứ quyền lực và lợi lộc bé nhỏ vốn “ăn theo” Danh nhân văn hóa - đã vi phạm một cách đau xót! Thế thì, nếu cái Hội này muốn tồn tại, họ cần làm trong sạch bản thân và Tổ chức của họ, đó là thông điệp chính bố gửi tới cho họ qua vài văn bản ấy!
Nhưng hãy tạm quên cái chuyện con vừa đề cập đi, bố con mình nói chuyện khác, rộng hơn, có ý nghĩa hơn đối với con; rồi từ đó, con sẽ dần hiểu hơn điều bố vừa làm tại cái Hội tôn vinh giá trị di sản của Đại thi hào… Con nên nhớ, Sự thật xưa nay vốn là một thứ thuốc thử kỳ lạ. Trước Sự thật, bị / hay được Sự thật lôi ra ánh sáng của lương tri và lẽ phải, con người mới thường bộc lộ rõ tính cách, nhân cách thật sự của mình! Sự thật sẽ làm đẹp cuộc sống, tạo nên ý nghĩa Sống - Còn đối với một số người, song cũng Sự thật lại làm ảnh hưởng tới quyền lợi của một số người khác, tuy ít hơn số người kia, nhưng sức mạnh hủy hoại của họ bởi sự thù hận thực kinh khủng!
Đã tới lúc bố kể điều này với con. Trước đây, bố từng coi một lời khuyên trong Kinh Thánh là chân lý: “Nếu có kẻ tát ta má trái, thì ta hãy giơ má phải ra cho họ tát nốt…” Thế rồi, cuộc đời dạy bố bài học cay đắng: Nếu kẻ đã tát được người khác dễ dàng cả hai má như thế, họ sợ gì mà không tiếp tục uy hiếp kẻ yếu thế, nhu nhược, yếu hèn, kẻ quen sống với triết lý an phận thủ thường và há miệng chờ mong ơn nghĩa, tình thương thậm chí của kẻ ác ban cho! Nhưng bố hèn nhát, sợ va chạm, sống trong sự cầu may. Và nhiều năm bố đã cố tình lẩn tránh bao nhố nhăng, phi lý của sự đời trong sách vở, như một bài Cảm ngôn bố viết giữa bản vắng hoang tàn Tây Bắc: “Tôi đã sống qua bao trăn trở, hoài niệm, khát khao bay bổng, quên rằng cái ăn là nỗi lo thường trực của nhiều người kể cả tôi, và tôi đã thi vị hoá cái nghèo, cái đói, tệ hơn, lẩn tránh vào sách vở và đủ loại triết lý siêu hình/ Và cứ thế, tôi đến với hôm nay. Với bản vắng. Sắp chìm trong nước lạnh…”
Nhưng con à, đấy là cung cách của những con đà điểu chúi mình trong cát mong tránh hiểm nguy đến với nó và đồng loại… Rồi bố dần thấy sự vô nghĩa, sự phi lý của cái triết lý sống ích kỷ đó! Và thấm thía điều này: chẳng có gì liên quan tới sự thật và công lý - dù của bất cứ người xa lạ nào, dù bé nhỏ tới đâu - là vô bổ! Khái niệm "Truth" mà nhà tâm lý học phát triển người Mỹ Howard Gardner sử dụng trong một cuốn sách nổi tiếng nhất của ông viết về Chân - Thiện - Mỹ (TRUTH, BEAUTY AN GOODNESS REFAMED)* chính là Sự thật, gắn chặt với ánh sáng Chân lý và sự Trung thực. Và sự Trung thực luôn đi liền với lòng Nhân từ! Trong khi đó, chỉ cần vi phạm vào một trong ba quy luật lớn này, nghĩa là phản lại cái cái Thực, cái Tốt, cái Đẹp - nói như tác giả Howard Gardner là ”Ba dây xích vĩ đại của hiện hữu” - thì sẽ xảy ra một hiện tượng khủng khiếp: đó là sự hủy hoại nhân tính, tiêu diệt cuộc sống Con người tận gốc rễ!**
Còn việc bảo vệ sự thật ư? Con có biết: một trong những ý nghĩa cơ bản sự tồn tại của con người trên cõi tạm này chính là bảo vệ Sự thật, nếu như không muốn trở thành “một khối nặng vô ích của trái đất” – nói theo văn hào người Ukraine Nikolay Vasilyevich Gogol!
Một vở kịch nổi tiếng của nhà văn Đức vĩ đại Bertolt Brecht là “Galileo Galilei” đã diễn rất hay về Sự thật và số phận của Sự thật, - trong đó kể lại câu chuyện lịch sử có thật thời Trung cổ: Galileo vì bảo vệ thuyết “nhật tâm”, cho rằng Mặt Trời nằm im ở trung tâm vũ trụ, Trái Đất không phải trung tâm vũ trụ và chuyển động, nên đã bị gọi ra trước toà dị giáo, bị buộc từ bỏ lý thuyết Trái Đất quay quanh Mặt Trời… Trước dàn hỏa thiêu, để giữ mạng sống, ông đành nói theo Kinh Thánh và những kẻ thù địch với quan điểm của mình. Nhưng sau đó, ông nói với mọi người: “Dù sao Trái đất vẫn quay!”… Còn trên Đất nước XHCN tươi đẹp vẫn còn mang dấu vết của thời Trung cổ chúng ta, lâu nay không ít người phải dính vào vòng lao lý thường bị bức cung, nhục hình, đành phải nói theo những lời mớm cung trước điều tra viên & máy quay truyền hình, thừa nhận tội lỗi mà họ không hề mắc phải, nói theo những gì được soạn sẵn, để mau chóng thoát khỏi những trận tra tấn quá đòn thù… Và không ít người thuộc thế hệ chú bác ông bà của bố và con khi bị ném vào “Lò Nhân văn” đã buộc phải cắn răng, nuốt nước mắt để viết ra những lời tự thú trái ngược với lương tâm & sự thật… Nhưng bố tin chắc rằng, cả trăm người như một trong số này, sau đó cũng sẽ thì thầm hoặc nói to với mọi người, hay tìm cách truyền đạt ra bên ngoài song sắt ngay lúc ấy: “Sự Thật vẫn là Sự thật…Tôi đứng về phía Chân lý… Tôi hoàn toàn trong sạch trước Nhân dân và Tổ quốc.. Tôi (con, cháu) không hề có tội…” Điều đó cũng có nghĩa liên thông với lịch sử nhân loại mang tính kinh điển là: “Dù sao Trái đất vẫn quay!”.
Ngày bạn thân của bố - nhà báo nhà thơ Trần Hòa Bình qua đời, bố đã khóc chú ấy bằng một bài Cảm ngôn khá dài - trong đó đoạn dính dáng đến cái tạm gọi là “sứ mệnh” của người trót vướng nghiệp cầm bút, chắc cũng có ý nghĩa đối với một sinh viên ngành Khoa học Xã hội - Nhân văn:
“Dù nỗi xót xa, lời an ủi của nhà thơ không thay thế được miếng cơm manh áo/ dù cái sắc sảo tinh tường của ký giả không đem lại được công lý cuối cùng/ nhưng nếu như thơ ca không còn là thơ ca nữa/ ai dám chắc những con bọ của Kafka không sinh sôi nảy nở như dịch hạch?/ và nếu lương tâm của mọi nhà báo đều bị nỗi khiếp sợ bẻ gập cong queo/ ai dám chắc những tên giết người có dao hoặc không dao chẳng thể mặc áo quan toà?”.
Đó, câu chuyện buồn bố đang trải qua trong công việc và trong quan hệ của bố chỉ là một Sat na - khoảnh khắc ngắn nhất theo đạo Phật trong cả chặng dài của “đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh…”. Nhưng tuy là một khoảng thời gian rất nhỏ, nhưng trong mỗi Sát na đều tồn tại sự sinh sự diệt, cũng là khởi nguồn cho sự vận động của thế giới mà sự vận động này nếu không có Sự thật & Chân lý làm nòng cốt, làm trụ đỡ, nó sẽ lập tức tan biến trong Hư vô! Con đã quan tâm tới chuyện của bố, thì giờ đây con hãy tự suy ngẫm, nhất là sau mấy dòng Cảm ngôn trên của bố - không cần tới sự cảm thông hoặc sự an ủi của con - để con có thể liên hệ trực tiếp hay gián tiếp tới những vấn đề xã hội rộng lớn mà con đang bước vào, với tư cách là một nhà khoa học tương lai có ích cho Đất nước…
Còn cái chuyện bố đòi kiện họ đã vu khống bôi nhọ bố, thì con yên tâm: đó chỉ là dọa thôi, mặc dù anh bạn thân Luật sư của bố đã cung cấp đủ chứng lý đưa họ ra tòa vì tội vu khống làm nhục người khác! Nhiều năm nay bố đã học được chữ Nhẫn rồi, và bây giờ đang học Thiền, học buông bỏ… Nhưng nếu họ quá đáng tiếp tục, không có lời xin lỗi bố, thì đành theo lời ông bà dân gian: “Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”… Và con yên tâm thêm điều này: bố không dại gì lưu luyến ở lại cái Hội đang bị lũng đoạn ấy ngày nào nữa, để bị họ tát tiếp cho lệch mặt má phải, sau khi đã bị họ tát nổ đom đóm má trái!... Bố sẽ “kính nhi viễn chi” xem họ có tự cắt bỏ cái “thiệt trường tam xích” của họ hay không – tức là cái lưỡi dài ba tấc của mụ Vương Thị độc ác, vợ tên gian hùng Tần Cối, từng dùng để xúi bẩy, phun độc hãm hại người trung lương thời Nam Tống, được tả lại trong những “nhát búa tạ” thơ ca của Cụ Nguyễn Du khi vịnh lũ chúng tại đền thờ Nhạc Phi, Giang Nam…
___________
* “Chân - Thiện - Mỹ trong tầm nhìn đương đại”, Hiếu Tân dịch, NXB Tri Thức, HN 2021.
** Sđd. Nguyên văn câu đó là: “Một lịch sử tư tưởng loài người có thể tổng kết dưới dạng những phương diện bất biến và thay đổi của Chân - Thiện - Mỹ, mượn câu của những nhà nhân văn: “ba dây xích vĩ đại của hiện hữu”. tr. 360.
Ảnh: Cảnh làm phim “Trăm năm trong cõi Truyện Kiều” (Kịch bản & Đạo diễn: MA NAT): nghe thi sĩ Phạm Thiên Thư đọc “ Đoạn trường vô thanh” hay “Hậu Truyện Kiều” của ông, tại Sài Gòn năm 2015.
Mai An Nguyễn Anh Tuấn
- Từ khóa :
- MAI AN NGUYỄN ANH TUẤN