- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

BÍ MẬT VỀ ÔNG NGUYỄN THÁI HỌC

30 Tháng Tư 20233:45 SA(Xem: 6952)
nguyen thai hoc 

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

Truyện ngắn

BÍ MẬT VỀ ÔNG NGUYỄN THÁI HỌC

  "giọt sương của lòng trắc ẩn là nước mắt..."
L.BYRON

 

                                   

 

Con gái hắn, ở tuổi 17 đã hỏi sau một giờ học môn lịch sử: “Bố ơi, thế điều gì có tính quyết định khiến ông Nguyễn Thái Học đứng ra thành lập tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng ạ? Sao còn trẻ thế mà ông ấy lôi cuốn được nhiều người vậy? Bí mật gì, hở bố?”.

Thói quen “bí mật hóa” mọi chuyện của con gái hắn có từ lâu, như: “góc bí mật của con trong phòng bố”, “chuyện bí mật chỉ hai bố con biết thôi nhé”, v.v, từng làm hắn vui thích, giờ lại thành ra tình huống khó xử, đánh mất sự thanh thản của hắn.

Hắn đã nhiệt tình giảng giải, với kiến thức lỗ mỗ của một “lều sử học” - như hắn vẫn tự nhận với kẻ nửa trẻ con nửa người lớn ấy. Hắn còn kể lại, thậm chí còn đọc lại nhiều đoạn văn, đoạn kịch viết về nhà Cách mạng lớn đó nhằm giải tỏa thắc mắc của con trẻ:

“Những câu thơ cảm động “Chiêu hồn nước” của Phạm Tất Đắc đã làm cho Học lén lau nước mắt:

Ngọn gió lọt đèn tàn hiu hắt

Tiếng cuốc kêu đầy mặt anh hùng

Nghiến răng nuốt cái thẹn thùng

Mà chiêu hồn cũ lại cùng non sông…”

“Đất nước tang thương. Vua quan thối nát. Dân tình khổ đau. Đấy là bức tranh xám xịt hằng ngày ta phải chứng kiến… Bọn Pháp thì vơ vét tài nguyên. Quan lại thì khom lưng uốn gối, vinh thân phì gia. Trăm nỗi khổ đau đè nặng lên tấm thân người nghèo khổ…”

“Gương Đề Thám, của Đội Cấn còn đó. Tất cả bị dìm trong máu. Rồi Phạm Hồng Thái mưu sát Henri Merlin Toàn quyền Đông Dương ở Sa Diện bên Tàu. Rồi cụ Phan Chu Trinh, cụ Phan Bội Châu với trí năng uyên thâm mong tìm con đường cứu lấy nước nhà, hết Duy Tân đến Đông Du, nhưng đều bất lực trước cường quyền…”

“Năm ngoái tôi đã đđơn yêu cầu mở mang nền công nghệ và lập trường Cao đẳng công nghệ Bắc Kỳ cho con em bản xứ, cải cách nền công thương vốn dĩ lạc hậu què quặt. Nhưng không được phúc đáp. Tôi cũng đã trực tiếp gặp viên Toàn quyền Varenne, nhưng thái độ của ông ta rất lừng chừng... ”

“Muốn có Tự do, Bình đẳng, Bác ái, không thể không bảo đảm các quyền Dân tộc, Dân quyền, Dân sinh. Phải thiết lập được thể chế dân chủ cộng hoà, mới mong thoát khỏi vòng nô lệ…”

                             ( Tiểu thuyết NGANG TRỜI MÂY ĐỎ - Ngọc Bái)

 

 “Chúng tôi đấu tranh cho một nước Việt Nam dân chủ và giàu mạnh. Nhân dân tôi phải được mở rộng quyền tự do dân chủ trong đời sống riêng tư và đời sống xã hội…”

“Chúng tôi phát động một cuộc đấu tranh chống lại sự áp đặt chính trị của người Pháp, của người ngoại quốc. Chúng tôi đấu tranh cho sự độc lập về nhân cách chính trị của người Việt Nam…”

“Những hoạt động của chúng tôi chỉ có ý nghĩa thức tỉnh lòng dân… Cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên vô nghĩa xiết bao nếu chúng ta không vì dân mà tranh đấu? Người ta chỉ được nhân dân biết tới khi họ dám hy sinh cuộc đời cá nhân họ ra cống hiến cho nhân dân mà thôi…”

                            ( Kịch CÒN LẠI TÌNH YÊU - Nguyễn Huy Thiệp)

 

“GỞI NIỀM TIN NƠI ANH NGUYỄN THÁI HỌC.

Anh đứng ra gánh vác lấy đại sự, làm việc lấp bể vá trời, cứu nguy cho giống nòi đất nước, tôi rất lấy làm khâm phục….”

“Năm đó anh khoảng 25, 26 tuổi, nghĩa là anh kém tôi trên 10 tuổi. Tuy cách xa nhau về tuổi tác, nhưng tự nhiên trong lòng tôi thấy kính trọng anh hẳn. Sự kính trọng pha lẫn phần ngưỡng mộ, tôi nghĩ rõ ràng “Những bậc anh hùng nhiều khi không hẹn tuổi”. Về sau hỏi ra tất cả những người được gặp anh đều có cảm nghĩ như tôi. Nơi anh, ai cũng nhận thấy toát ra một hấp lực huyền hoặc, rồi từ nơi đây mọi người phải công nhận anh quả xứng đáng là một vị chỉ huy…”

  (Hồi ký TỪ YÊN BÁY ĐẾN CÔN LÔN - Ký Thân Nguyễn Hải Hàm)

V.v.


Song mọi cố gắng của hắn không thuyết phục nổi con bé. Nó vẫn đăm chiêu như bà cụ non. Duy có chi tiết tiểu sử này khiến nó chăm chú: ông Nguyễn Thái Học thời học trò trường làng gặp mẹ ông Đội Cấn co ro rét ngoài đồng, về xin mẹ mua cho bà ấy chiếc áo bông…

Mấy tháng sau, bước vào năm cuối cấp phổ thông trung học, con bé lại hỏi điều đó, diễn đạt khác chút, nhưng vẫn là cái “bí mật chết người” kia về ông Nguyễn Thái Học… Từ bực mình vu vơ, hắn đến chỗ thất vọng, bất lực. Hắn cố quên đi câu chuyện này cùng sự bất lực vô duyên của hắn. Khi nó hỏi một lần nữa, hắn giả vờ không nghe thấy, im lặng dắt xe đi.

Ha Noi  xx

Trên đường tới chỗ hẹn làm việc, hắn vô tình đi qua phố Nguyễn Thái Học, con phố tuổi thơ của anh em hắn. Tới Bảo tàng Mỹ thuật ở quãng giữa phố Hàng Đẫy xưa, đối diện phía sau Văn Miếu - Quốc Tử Giám, không hiểu một thế lực quái quỷ nào buộc hắn dừng xe rồi bước vào, quên bẵng cuộc hẹn…

Thời gian qua, đôi ba lần hắn đến Bảo tàng này vì chuyện phim ảnh liên quan tới Mỹ thuật dân gian. Nhưng hôm nay hắn mới sực nhớ tới lai lịch của nó - từ cuốn sách viết về Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX đọc được đã lâu - một cơ sở của nhà Chung làm ký túc xá cho học sinh sinh viên người Pháp không có gia đình ở Hà Nội, mang tên Jeanne d’ Arc. Đó là nhân vật lịch sử mà chiến sĩ quả cảm Nguyễn Thị Bắc (Cô Bắc) trong một Tòa Đề hình thực dân đã nhắc đến - qua miêu tả của báo chí thời ấy, trước sự chứng kiến của Nguyễn Thái Học và các đồng chí bị xử án cùng đợt: “Ta không có gì để nói, chỉ muốn bảo các người: hãy về đạp đổ tượng Jeanne d’ Arc đi rồi sang đây kết án ta!”… Có một bộ phim Pháp: “La passion de Jeanne d’ Arc” kể về nữ anh hùng trẻ tuổi này trước tòa án Giáo hội Anh được thực hiện năm 1928 - giai đoạn cuối của thời đại phim câm; bộ phim chắc chắn đã được đem chiếu kinh doanh tại các thành phố lớn thuộc địa, và các sinh viên Cao đẳng từng đọc sử về Jeanne d’ Arc bằng tiếng Pháp và thuộc lòng diễn văn của Danton(1) từ nguyên tác như Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Hồ Văn Mịch… không thể không tìm xem. Cô đào trẻ Falconetti lần đầu đóng phim vào vai Jeanne cũng bằng tuổi con gái hắn… Một tia chớp lóe trong óc hắn: biết đâu, đây chính là đầu mối giúp hắn khám phá ra cái “bí mật” mà con gái hắn đang khao khát? Nhưng tia chớp đó lập tức bị chìm biến đi giữa những ánh chớp sáng lòe và tiếng sấm dữ dằn của một cơn bão đang ập tới bên ngoài.

Lang thang trong gian Mỹ thuật thời hiện đại, hắn bỗng chú ý đến một bức tranh lụa vẽ cảnh Đà Lạt của một danh họa Việt Nam trường phái École des Baux Art(2), và chợt nhớ mấy năm trước đưa con gái tới thăm một khuôn viên tuyệt đẹp từng là Dinh thự Toàn quyền ở miền Trung… Hai bố con đang ngồi trên ghế đá ngắm cảnh, có một người đàn bà lớn tuổi thọt chân bưng thúng bánh lá tới chào hàng. Hắn nhìn qua vào lòng thúng, rồi lắc đầu… Con gái hắn, một lúc sau lay vai hắn, nước mắt lưng tròng. “Bố ơi, mua cho bà ấy đi, bố”. Nó kéo tay hắn tới chỗ bà bán rong, ngồi sụp xuống chọn nhanh mấy chiếc bánh, rồi chủ động lục ví hắn để trả tiền. Thì ra, trong lúc hắn mải mê ngắm cảnh thơ mộng, đứa con gái mười một tuổi lại chăm chú theo dõi nỗi vất vả của bà bán rong. Một nỗi bàng hoàng chợt xông lên làm nhòa mắt hắn. Lúc đó, hắn lờ mờ hiểu ra cái bí mật sâu thẳm đang điều hành cơ chế tâm hồn con gái lâu nay, như muốn biến thành bí mật chung của hai bố con và làm hành trang còi cọc song chưa có gì thay thế nổi để phân biệt những giá trị Thật - Giả trong cõi đời phù du này…

Rồi, như có sự “đạo diễn” hình ảnh cố tình, giữa lúc mưa ào ạt bên ngoài, một bức tranh sơn dầu cỡ lớn vẽ phu mỏ thời thuộc địa chợt xuất hiện trước hắn. Và một chiếc giày đinh to đùng của lính trận thường được dân gian gọi là giày săng-đá(3) như được ống kính máy quay chơi cú close-up - cận cảnh đập vào mắt hắn. Chiếc giày săng-đá có gì hao hao với khuôn mặt trơ lỳ thâm hiểm của viên pháp quan trong bộ phim câm “La passion de Jeanne d’ Arc” nọ, kẻ đang thi thố mọi mưu mô nhằm dồn cô Jeanne bằng được lên dàn lửa thiêu đã chuẩn bị sẵn ngoài tòa…

…Trong ngôi nhà nhỏ của Nam Đồng Thư Xã(4) gần hồ Trúc Bạch, Nguyễn Thái Học rời tờ báo Le Petit Parisien (Người Pa-ri nhỏ). Bàn tay anh nắm chặt lại đau đớn, thân người vạm vỡ run lên, khuôn mặt khắc khổ đầm đìa nước mắt. Ký giả Louis Roubaud mà tên tuổi gắn với lòng trung thực từng quen thuộc với các trí thức trẻ nhóm Nam Đồng Thư Xã, được các anh kính nể qua nhiều thiên phóng sự nóng hổi, lúc này đã khiến người thanh niên cương nghị có vẻ ngoài sắt đá ấy phải lặng khóc như chưa từng khóc thế bao giờ. Bài báo mới nhất của ông tường thuật chi tiết một vụ nghi ngờ mất cắp cuộn len nhỏ, tên cai trưởng Thérésaux to như gấu đã đạp giày săng-đá liên tục vào bụng cô thợ Thị Va bé nhỏ chỉ biết kêu oan thảm thiết, kiến cô gái 17 tuổi xinh đẹp khỏe mạnh trở thành kẻ tàn phế!… Nguyễn vùng đứng dậy và loạng choạng bước ra ngoài để tránh cho các bạn khỏi nhìn thấy nước mắt giàn rụa đã lau vội của mình.

Trời bắt đầu cơn sấm sét mưa giông. Chẳng ai có thể cản anh. Tâm hồn anh tràn ngập hình bóng quằn quại đau đớn của cô bé xa lạ giờ bỗng trở nên gần gụi, cô bé cùng lứa với hai cô em gái của anh, của các bạn trẻ Phó Đức Chính, Hồ Văn Mịch, Nguyễn Đức Sơn, bằng tuổi những thiếu nữ làng Thổ Tang mà anh thường âu yếm véo má nghịch khi chúng đến chơi với em gái thứ hai của anh, khiến chúng vờ che mặt khóc ầm ĩ chạy tới mách mẹ anh rồi cùng ré lên cười thích thú…

Bước chân gần như mộng du không phương hướng đưa Nguyễn tới trước một vườn hoa nhìn sang khu phủ Toàn quyền. Từ viên Toàn quyền đầu tiên Jean Antoine Ernest Constans đến đương kim Toàn quyền Alexandre Varenne, đã có gần ba mươi vị “thống lĩnh khai thác xứ sở toàn Đông Dương” ngự trị tại chốn này. Đó là một khu đất rộng mênh mông, mặt trước là con đường lúc đầu mang tên Avenue Thành Thái có dãy lan can hình trụ đẹp, bên ngoài có hàng rào cây xanh; ở giữa là con hào nông. Mặt sau giáp với vườn Bách Thảo, ngoài cùng có hào sâu. Khu phủ Toàn quyền có ngôi nhà chính là Dinh Toàn quyền cao to đồ sộ, cổng lớn bằng sắt hoa, hai bên xây vọng gác; qua một sân rộng rải sỏi mới tới thềm cao hơn mười bậc, dẫn tới nơi làm việc của Toàn quyền và các phòng riêng của gia đình Toàn quyền. Cạnh đó là một ngôi nhà lớn hai tầng nhiều gian là nơi làm việc của các nhân viên văn phòng phủ Toàn quyền - tất cả đều trang hoàng nội thất kiểu châu Âu cổ điển cực kỳ trang nhã, sang trọng. Chung quanh các ngôi nhà là vườn rộng, bồn hoa, ao sen, đường rải sỏi. Đằng cổng trông ra Quảng trường tròn có bồn hoa lớn, dãy tường cao uốn theo hình vòng cung có mái, có vọng gác… Một người bạn sinh viên của Nguyễn Thái Học sau khi toại nguyện mơ ước vào làm việc ở chốn “quý tộc” đó đã say sưa miêu tả lại quang cảnh nội - ngoại thất nơi đây như muốn truyền thêm cảm hứng và nguyện vọng phục vụ Chính phủ Bảo hộ cho anh, người chuẩn bị được phân nhiệm! 

Nhưng tâm trí Nguyễn mau chóng rời bỏ mẩu hồi ức giống những bộ phim hài rẻ tiền hoặc yêu đương mùi mẫn mà anh không xem nổi tới một phút đang ngập ngụa ở các rạp chiếu bóng khiến người ta tạm quên đi cảnh nô lệ nhục nhã. Đè trĩu lòng anh lúc này là bóng dáng âm u nặng nề của cả khu phủ Toàn quyền trong mưa gió tựa một chiếc giày săng-đá khổng lồ đang dẫm đạp một cách ngạo mạn và thô bỉ lên cựu kinh thành Thăng Long xơ xác, rớm máu, khóc than… Tiếng khóc than ấy được phụ họa thêm bởi tiếng mưa âm thầm dội xuống mặt đất đương chìm ngập thương đau đói khổ của bao kiếp người…

Không buồn chùi nước mắt, bởi chẳng hiểu nước mưa hay nước mắt, Nguyễn bất giác quay nhìn khắp bãi đất trống rộng đằng trước mặt phủ Toàn quyền vốn là nhà kho - bệnh viện giờ thành vườn hoa, như muốn tìm cái gì đó. Mấy năm trước, khi mới là sinh viên trường Cao đẳng Thương Mại anh từng qua vườn hoa này, còn thấy tượng một phụ nữ Pháp to béo ngồi trên một quả cầu lớn trang trí rồng phượng và rùa đội thiên thư, có thêm tượng hai cô gái Việt gầy gò xõa tóc bơi dưới bệ gạch tượng trưng cho hai con sông: sông Hồng và sông Cửu Long. Chắc do dư luận chế nhạo là xấu xí, lố lăng, lai tạp, nên người ta đã đập bỏ nó sau gần hai chục năm bẽ bàng phơi mưa nắng…

Còn phủ Toàn quyền kia! Đầu não của một bộ máy cai trị khủng khiếp, vô luân, tàn ác! Mi cũng đã tới lúc không thể tồn tại được nữa rồi! Các người hãy đợi đấy! Chúng ta là con em của một Dân tộc bị chôn vùi trong tăm tối nhưng không thể chịu nhục, không thể chịu tăm tối thêm một ngày nào nữa!…

Trong mưa, và trong nước mắt xót xa căm giận lại một lần nữa trào ra hòa mưa, Nguyễn đã thốt lên những lời như vậy của một Nhà Tiên Tri sấm sét, tích tụ nỗi đau thương của một Dân tộc cho tới hôm đó đã trải qua ngót hai thiên niên kỷ nhuốm máu và nước mắt.

Nguyễn vội vã trở về, người ướt như chuột lột; thay áo xống song, lại cả đêm thao thức. Sớm hôm sau anh tức tốc triệu tập một cuộc họp tối quan trọng của Nam Đồng Thư Xã. Đó là cuộc họp lịch sử đi tới quyết định thành lập một tổ chức “thiết huyết cách mạng” mang tên Việt Nam Quốc dân Đảng mà Nam Đồng Thư Xã là Đệ nhất Chi bộ, bắt đầu cho một cao trào mới của Cách mạng Việt Nam dưới sự chỉ huy của Đảng trưởng Nguyễn Thái Học và các thủ lĩnh kiên trung, khiến mấy vị Toàn quyền điên đầu mất ăn mất ngủ nhiều ngày tháng ròng trong Dinh Toàn quyền Hà Nội, hoặc các Dinh thự Toàn quyền ở Sài Gòn, Đà Lạt.

Viết thêm

Có một điều Đảng trưởng Nguyễn Thái Học không ngờ được, là chỉ mấy năm sau anh đã có dịp được tiếp xúc trực tiếp ba lần với nhà báo Pháp mà anh mang ơn: lần đầu tại một Tòa Đề hình Yên Bái, lần thứ hai trên con tàu đêm của Công ty Hỏa xa Đông Dương đưa 13 chiến sĩ Việt Nam Quốc dân Đảng lên xử chém tại Yên Bái, và lần cuối tại pháp trường sáng hôm sau. Giữa lúc tàu đang lăn về chốn Âm phủ, vào 11h 30 đêm 16/6/1930, sau khi nghe viên cố đạo Drouet trách các tử tù: “Nếu như nước Pháp phải cảm ơn người La Mã đã đem lại văn minh cho dân tộc Gauloir, thì các ông cũng phải thừa nhận những điều tốt đẹp mà người Pháp đã làm cho Việt Nam, phải cảm ơn người Pháp chứ!”, Nguyễn đã phẫn nộ đáp trả bằng tiếng Pháp át tiếng ầm ầm của đoàn tàu băng đêm tối: “Phải cảm ơn người Pháp xâm lược ư? Chúng tôi phải cảm ơn kẻ đã đạp giày đinh nhiều lần vào bụng cô thợ dệt còn là một đứa trẻ, chỉ vì nghi ngờ cô ăn cắp một cuốn sợi nhỏ? Đã có hàng vạn người vô tội bị giết bởi bom dội xuống làng, hoặc chết đói chết khát do Chính phủ Đông Pháp đốt mất nhà cửa, cướp bóc lương thực và phương kế sinh nhai! - Anh hạ giọng nói với nhà báo Pháp đi cùng đoàn tử tù - Chính ông đã viết những điều đó trên tờ báo của ông! Xin cám ơn ông!”

Nhà báo L. Roubaud ngay trong năm 1931, cách cuộc hành hình tại Yên Bái khiến ông tỉnh ngộ thêm nhiều điều khoảng tám tháng sau, đã cho xuất bản cuốn sách chấn động dư luận nước Pháp và xứ Đông Dương thuộc địa: “Viet-Nam La Tragédie Indo-chinoise” (Việt Nam, tấn thảm kịch Đông Dương); trong đó ông dành rất nhiều trang, nhiều chương viết về cuộc Khởi nghĩa Yên Bái, về các yếu nhân của Việt Nam Quốc dân Đảng, đặc biệt là Nguyễn Thái Học và Phó Đức Chính mà ông trân trọng mệnh danh: LE GRAND PROFESSEUR (Đại giáo sư) và DROIT ET VERTU (Quyền hạn và Đức độ) rồi đặt làm tên cho hai chương sách. Dĩ nhiên, trong khi kể lại các thảm kịch của làng quê Việt Nam, của người nông dân và công nhân Việt Nam thời ấy, ông chẳng những không quên mà còn miêu tả kỹ hơn, buồn bã hơn câu chuyện về cô bé thợ dệt Thị Va bị tàn phế suốt đời bởi giày săng-đá của tên cai thực dân độc ác. Nhưng ông không thể hình dung nổi rằng: đó chính là một đầu mối quan trọng giải tỏa cho bí mật riêng của hai bố con nhà báo quèn nước Việt ngót một thế kỷ sau…

_____________

1. G. J. Danton: một trong những nhân vật lãnh đạo của Cách mạng Pháp nhằm lật đổ chế độ quân chủ và thành lập nền Đệ Nhất Cộng hòa Pháp, sau bị đưa lên máy chém.

2. Tức trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội.

3. Từ chữ soldat (lính), tức loại giày dã chiến cao cổ có đóng đinh và cá sắt.

4. Tiệm sách (Tùng thư) do một nhóm trí thức trẻ lập ra vào cuối năm 1926, gồm các ông Phạm Tuấn Lâm (Dật Công), Phạm Tuấn Tài (Mộng Tiên), Hoàng Phạm Trân (Nhượng Tống), Nguyễn Cát Ngạc (Nam Xương), sau đó Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính… cũng tham gia làm thành viên chủ chốt; đã xuất bản nhiều sách báo yêu nước, cách mạng. Nam Đồng Thư Xã là tiền thân của tổ chức VNQDĐ.


Hà Nội, 2022-2023
Mai An Nguyễn Anh Tuấn

  

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Hai 20241:15 SA(Xem: 2597)
Này anh bạn – anh thấy không / Sự lộng lẫy không nhường chỗ cho điều gì hài hước / Chỉ tiếng nấc thanh xuân mềm yếu / Trên quảng trường nơi vũ hội đàn ông / Vỡ thành cơn địa chấn.
13 Tháng Hai 202411:57 CH(Xem: 3771)
Ngô Thế Vinh là một tên tuổi đã thành danh ngay từ trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam. Ông đoạt Giải Văn Học Nghệ Thuật VNCH năm 1971 với tác phẩm Vòng Đai Xanh. Sau này ông có thêm hai giải thưởng: 1) Giải Văn Học Montréal 2002 Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do với Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng và 2) Giải Văn Việt Đặc Biệt 2017 với Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch. Một trùng hợp thật ngẫu nhiên khi tạp chí văn học nghệ thuật Ngôn Ngữ phát hành vào tháng 2-2024 cũng vào dịp Tết Giáp Thìn 2024 ra số đặc biệt giới thiệu Bác sĩ / Nhà văn / Nhà hoạt động môi sinh Ngô Thế Vinh. Năm Rồng, giới thiệu người kết nghĩa với Cửu Long, tưởng không còn gì thích hợp hơn.
13 Tháng Hai 202411:21 CH(Xem: 2593)
Tôi còn nhớ một cái Tết năm xưa, tôi lái xe đưa gia đình từ Seattle xuống Tacoma một thành phố lân cận để đến lễ đầu năm tại một ngôi chùa và chọn cho đúng hướng xuất hành năm mới. Ngôi chùa này và nhà sư trụ trì còn trẻ, lại là một nhà thơ mà tôi đã nghe một người bạn nhắc đến và đây là lần đầu chúng tôi đến lễ. Tên chùa là Phước Huệ, nhà sư trụ trì có pháp danh là Thích Phước Toàn, hai cái tên thật là chân phương. Danh vị của nhà sư là Tỳ Kheo, khác với nhiều chùa các vị trụ trì đều là Hòa Thượng hay Thượng Tọa, điều đó không có gì khác biệt đối với sự hâm mộ của tôi với nhà sư.
13 Tháng Hai 202411:02 CH(Xem: 3158)
Đã gần đến Tết. Trời vẫn rét căm căm nhưng có lẽ mùa đông năm nay Seattle không có tuyết. Nhiều năm giờ này băng giá đã phủ kín các cành cây khẳng khiu trụi lá. Toàn cảnh như một cánh rừng bằng pha lê lóng lánh, trông đẹp như trong cảnh thần tiên, nhưng bước ra ngoài trên mặt đất giá băng lại rất nguy hiểm. Trượt té gẫy xương là chuyện thường.
13 Tháng Hai 202410:58 CH(Xem: 2570)
Từ California khi trở lại thăm Saigon trong một dịp tết, điều thú vị nhất là tôi được một mình rong ruổi trên những chuyến xe bus, tôi đi khắp Saigon, Chợ Lớn, Phú Lâm. Chẳng cần biết trạm sẽ dừng nơi đâu, tôi đi hết đường hết sá, ngắm nhìn mọi thứ xe lớn xe nhỏ, phố bé xíu hay đường rộng thênh thang. Và để tôi thấy hết mọi người, cùng nhìn luôn mọi thứ… Hôm nay tôi cũng bước đại xuống một trạm dừng, chẳng cần biết tên gọi. Loanh quanh rồi tôi định ngồi ăn trưa ở lề đường nào đó. Nắng và bụi sẽ là gia vị cho những dĩa cơm đường chợ, ly nước mía sẽ làm dịu bớt ồn ào của những tiếng còi xe không bao giờ dứt, khiến thiên hạ chỉ muốn điên đầu. Saigon, những ngày giáp tết, mọi sự vội vàng như đã được nhân lên qua đủ thứ màu trang trí nóng nảy, kiểu xanh vàng và tím đỏ.
13 Tháng Hai 202410:35 CH(Xem: 2553)
Chuyện Huân có nhiều người yêu thì cả thị xã, quần chúng nhân dân các giới đều biết chứ chẳng cứ gì đám con gái trẻ. Bọn này thực ra cũng đang mắt liên mày láo tia lấy một anh chàng nào đó làm chồng cho xứng đáng cái tấm thân ngà ngọc bố mẹ ban cho. “Lấy chồng cho xứng tấm chồng/ bõ công trang điểm má hồng răng đen”, lời các cụ dạy cấm có sai. Xưa không sai đã đành, nay cũng vẫn đúng nguyên. Nên nói một cách sòng phẳng, hình như Huân bị đám con gái ấy nó chủ động đưa vào lưới tình...
08 Tháng Hai 20243:27 CH(Xem: 2843)
Con đường thủy chung bụi đỏ / Cánh đồng gian nan chữ nghĩa / Râm ran dế gáy cội nguồn / Những đứa trẻ chuồn chuồn / Đuổi bắt / Những hạt mầm bùn lầy ẩn nấp / Đất bao dung / Nơi bắt đầu những yêu thương /
08 Tháng Hai 20242:20 CH(Xem: 2784)
một hôm nào bỗng nhớ / mơ hồ tiếng hát xưa / vọng dài trên sông vắng / giọng buồn vang âm mưa
08 Tháng Hai 20242:08 CH(Xem: 2568)
Niềm hư ảo / Cõi thực mơ hồ bảng lảng bâng khuâng / Ngôi sao mai / Đọng ở đôi mắt em lóng lánh giữa đời
08 Tháng Hai 20242:52 SA(Xem: 1908)
Bên hoa / e ấp…bóng hồng / Vai mềm dáng liễu / hương nồng nàn bay Mượt mềm / dải lụa tóc mây...