- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

CHUYỆN TRÊN BIỂN CẦN GIỜ

08 Tháng Ba 20235:31 CH(Xem: 6101)

11-09-2022CanGio-06
CHUYỆN TRÊN BIỂN CẦN GIỜ.

Truyện ngắn của Nguyễn Trường

 



Nhân ngày Tết trung thu, trùng với thứ bảy, chủ nhật, Trung phóng xe máy về Cần Giờ. Con đường từ phà Bình Khánh về thị trấn Cần Thạnh được mở rộng, đường vắng, xe cứ phóng thả ga. Hai bên đường, suốt hơn bốn chục cây số chỉ thấy rừng là rừng. Những cây đước vươn thẳng tắp, cành lá xòe ô che kín bầu trời, xe chạy trong màu xanh ngút ngàn của rừng cây như trôi trong không gian huyền thoại.

Trung không ngờ cái thị trấn nhỏ bé, mật độ dân số thưa thớt bỗng đông nghẹt người. Hôm nay ở đây có lễ hội Nghinh Ông. Nhà nào cũng cắm cờ, kết hoa, treo đền lồng sáng trưng đón ngày lễ, không khí rộn ràng như Tết. Trung tìm nhà trọ nghỉ ngơi, tắm giặt rồi mới gọi cho Mỹ Hương, nhưng từ khách sạn đến nhà trọ bình dân, đâu đâu cũng hết phòng. Khách từ thành phố, các vùng lân cận lũ lượt kéo đến, phòng trọ đã được du khách đặt trước cả tuần lễ. Bí quá, Trung đành gọi cho Mỹ Hương, nàng trách chàng, muốn đi lễ hội phải cho biết trước mấy ngày để đặt phòng, giờ thì chỉ còn cách ngủ ngoài đường. Nàng bàn với cha:

-   Con có thầy giáo về Cần Giờ dự lễ hội, hôm nay mới đến, không thuê được phòng trọ, ba cho thầy ở nhà mình được không?

Ông Chế Lan gật đầu:

-  Hôm nay làm sao kiếm được phòng trọ. Con mời thầy về nhà mình.

Mỹ Hương gọi điện và cho Trung, dặn xưng hô là thầy trò. Thời gian qua Trung đã giúp nàng học, cả chương trình văn hóa lẫn nghề nghiệp. Nàng gọi Trung là thầy cũng không sai.

Ông Chế Lan, ngờ ngợ mối quan hệ giữa thầy giáo trẻ tuổi này với con gái mình. Nhưng anh ta là người Việt, cưới con gái mình, anh ta có chịu điều kiện ở rể không đây? Ông tự cười thầm  “Mình nghĩ quá xa, bây giờ chúng nó đi làm nhà nước cả, có ở nhà đâu mà rể với gốc”. Nhìn anh chàng cao ráo, sáng sủa, hẳn là người tử tế đây. Buổi tối ông chỉ kịp nói chuyện với Trung mươi phút rồi xách túi ra đi, hướng dẫn đoàn cán bộ của thành phố dự lễ thả đèn hoa đăng trên biển.

Mỹ Hương tíu tít bên Trung. Họ kéo nhau ra bờ biển xem thả đèn hoa đăng. Ở Huế người ta thả đèn hoa đăng trên sông Hương. Nhưng trên sông không có sóng to gió lớn như trên biển, bởi vậy đèn thả trên biển được thiết kế đặc biệt để không bị sóng gió đánh chìm. Mỹ Hương biết giờ này cha nàng đang ở trên ghe nơi đầu con nước, chỉ huy người thả đèn hoa đăng. Đợi khi con nước lên chảy mạnh vào trong sông, từ hai chiếc ghe ở đầu con nước người ta thả đèn đã được thắp sáng xuống biển. Hàng ngàn ngọn đèn theo con nước trôi thắp sáng mặt biển như sao sa. Đèn kéo thành đoàn như linh hồn Ông Thủy tướng và những anh hùng, liệt sỹ, những người tử nạn lũ lượt kéo về phía Lăng Ông dự hội.

¶¶


Đêm nằm ngủ tại nhà Mỹ Hương lạ lẫm, Trung trằn trọc mãi. Ngôi nhà  nằm  gần bờ biển, thiết kế theo kiểu nhà dân tộc Chăm. Nhà sàn, bốn mái chập lại, có mái hiên tách biệt. Nhà có 5 gian, gian đầu để tiếp khách, gian thứ hai dành cho ông bà, thứ ba là cho khách, thứ tư và thứ năm dành cho các con. Vách nhà được ghép bởi nhiều tấm ván bằng gỗ quý như thau lau... Dùng kỹ thuật ghép mộng, theo kiểu âm dương. Nhà bếp cất riêng, ngang hông nhà chính. Bước vào nhà người Chăm, Trung nhận thấy vẻ giản dị. Nhà không có bàn thờ; gia chủ chỉ thờ chữ Thượng Đế viết trên tấm vải hình chữ nhật lồng trong khung kính treo trang trọng trong phòng khách. Trung được gia chủ dọn cho ngủ gần gian của cha nàng. Mỹ Hương nằm ở gian cuối cùng. Nhờ có cửa vòm, vách gỗ, nằm bên bờ biển, lộng gió, phải khép bớt cửa sổ. Đêm về khuya, biển vẫn rì rầm trò chuyện. Trung nhớ những bữa đi làm sớm chở nàng đến trường, thỉnh thoảng đưa nhau đi uống cà phê. Nàng rất thích cà phê, trong khi Trung uống một ly cà phê là thức sáng đêm. Bởi vậy anh thường kêu nước ép trái cây, còn nàng thì gọi cà phê đen. Và lần nào hai người cũng được bữa cười vì người phục vụ để lộn ly cà phê ở phía Trung và ly nước ép trái cây ở phía nàng. Trung thường nhớ về hương tóc, mùi thơm không phải của nước hoa, không phải của bồ kết, nó là của riêng nàng. Ra ngoài đường hay về nhà, người Chăm thường có khăn trùm đầu, giữ cho mùi hương ấy không phai. Một lần ôm hôn nàng, anh tính vuốt mái tóc xanh mươt mướt của nàng, khéo léo nàng chặn ngay bàn tay của Trung, anh hiểu, người con gái Chăm, theo phong tục không cho ai sờ lên mái tóc của mình. Từ đó Trung càng thích mái tóc với mùi thơm đặc trưng không thể diễn tả được, chỉ biết rằng xa nàng anh nhớ cồn cào hương thơm dịu nhẹ ấy.

 Thời gian bên nhau trôi nhanh, thoắt đã hết bốn năm. Mỹ Hương tiếp thu được nhiều kiến thức về lịch sử âm nhạc dân tộc, kỹ thuật hát và biểu diễn... chuẩn bị thi ra trường. Nàng khoe với Trung được thầy giáo phân công đóng vai chính Huyền Trân trong vở cải lương Huyền Trân Công chúa. Nàng đưa cho Trung vé mời dự đêm diễn báo cáo tốt nghiệp. Trung mua bó hoa thật to, để khi Mỹ Hương diễn xong sẽ lên sân khấu tặng nàng.

Trung không hề biết giông bão đã tràn qua tâm hồn nàng khi nàng đóng vai Huyền Trân Công chúa. Số là để cho hợp với các bạn trong trường, nàng đã đổi thay rất nhiều, không mặc áo dài Chăm đi học, không dùng khăn đội đầu, nàng ăn mặc như người Kinh. Tên họ của nàng lấy theo họ mẹ là Đàng Mỹ Hương, giống như họ tên người Việt. Thầy chủ nhiệm lớp nàng  mới về thay thầy chủ nhiệm cũ nên chưa biết lý lịch của nàng. Thầy cũng như người tiền nhiệm rất cảm mến nàng, bởi nàng có giọng hát khỏe, mùi mẫn, cách diễn xuất tự nhiên, có nhiều đột biến theo xúc cảm...Các bạn nàng người đóng vai Trần Khắc Chung, người thì vai Trần Nhân Tông, Chế Mân... Nàng không thể quên những ngày đêm miệt mài cùng các bạn trong lớp luyện tập vở diễn. Dựng nên tác phẩm này là kết quả của mồ hôi, nước mắt mọi người. Chỉ còn tuần lễ nữa đến đêm diễn chính thức, nàng về thăm nhà vì có lễ người Chăm. Mẹ nàng đã mất cách đây dăm năm. Với Người Chăm, theo chế độ mẫu hệ, người mẹ quán xuyến mọi việc quan trọng trong nhà, là họ nội, con cái mang dòng họ mẹ. Cha là bên ngoại. Nàng rất thương cha, ông phải cáng đáng mọi chuyện trong nhà thay cho người trụ cột. Cụ tổ dòng họ nhà nàng từ Bình Định vào lập nghiệp ở Cần Giờ từ thời vua Gia Long. Đối với nàng, phong tục, tiếng nói, truyền thống dân tộc Chăm  đều do cha mẹ kể lại, nàng không biết tiếng Chăm, càng không biết hát dân ca Chăm. Nàng như người Việt chính hiệu, cũng mê cải lương, rồi tập hát cải lương từ nhỏ. Sẵn có giọng hát hay, nàng tham gia vào đội đờn ca tài tử của thị trấn, cho đến ngày định mệnh, nàng gặp Trung trong đoàn Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh đi thực tế ở Cần Giờ. Nàng được giao lưu văn nghệ với các danh ca nổi tiếng của thành phố. Sau khi biểu diễn, nàng nhận hàng tràng vỗ tay không ngớt. Ai cũng khen tài diễn xuất và giọng ca của nàng. Trung vẫn ấn tượng với buổi đầu gặp gỡ ấy. Hôm đó nàng mặc bộ áo dài trắng của người Chăm, dây thắt lưng màu vàng óng, một dây buộc chéo ngang bộ ngực căng cứng, một dây quấn ngang eo. Dây thắt lưng được trang trí nhiều họa tiết hoa văn tinh xảo, hài hòa, nét hiện đại lẫn vào nét cổ xưa. Nàng có cái eo nhỏ của hoa hậu nên cái dây thắt lưng quấn quanh eo càng tôn nên dáng thắt đáy lưng ong của nàng. Cấu tạo chiếc áo dài không mở tà nên nàng chỉ bước đi đúng một khoảng cách, như nhắc nhở người con gái Chăm chớ vội vàng, cũng đừng bước quá xa giới hạn tiết hạnh của mình.

Sau đêm diễn Trung chủ động gặp nàng, khuyên nàng nên đi học để nâng cao nghề nghiệp. Chàng biết trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh thành phố đang chuẩn bị tuyển sinh khóa mới, với chất giọng đầy tiềm năng, nhiều khả năng nàng sẽ đậu, vì trường ưu tiên chọn năng khiếu. Đó là lý do vì sao nàng trở thành sinh viên Đại học Sân khấu và Điện ảnh, khoa Kịch hát dân tộc.

¶¶


Mãi khuya ông Chế Lan mới về đến nhà. Là tổng đạo diễn tổ chức lễ hội, những ngày này ông bận túi bụi. Tuy mệt nhưng ông rất vui. Ông kể, hồi còn trẻ ông là dân đánh cá. Bữa đó một cơn bão kéo đến đột ngột, sóng dựng như những tòa nhà đỗ ập xuống thuyền của ông làm con thuyền lật sấp, ông và bốn người còn lại ngoi ngóp giữa biển cả. Ai cũng nghĩ sẽ cầm chắc cái chết thì bỗng thấy có vật gì đỡ mình lên, đẩy vào bờ. Khi đặt chân xuống bờ biển ông mới tin là mình còn sống. Bốn thuyền viên cũng thoát nạn như ông. Ông và các thuyền viên cùng con thuyền đã được mấy con cá voi cứu mạng. Hôm sau ông vào Lăng, quỳ dưới đất hàng giờ. Ông khấn rằng trong vòng 10 ngày, nếu ai mua lại con thuyền đánh cá, ông sẽ bỏ nghề, chí thú vào lễ hội Nghinh Ông để tạ ơn. Quả nhiên ông mới rao bảy ngày đã có người sang lại con thuyền.  Sự hiển linh rõ như ban ngày, từ đó ông sống chết với lăng Ông Thủy tướng.

¶¶


Mỹ Hương thao thức mãi trên giường, cũng tại lần đầu tiên nàng ngủ chung nhà với một chàng trai. Nghĩ vẫn vơ nàng nhớ về những năm tháng lên thành phố đi học, bỏ lại người cha lụi cụi một mình. Cha nàng đã ngoài bảy mươi tuổi, tuy gầy gò, nhỏ người nhưng dẻo dai. Những ngày ở xa nghĩ về cha, nàng lại rớm rớm nước mắt, có dịp nghỉ học, nàng bắt xe về thăm cha. Cách đây chưa lâu, nàng kể cho cha nghe chuyện trường lớp. Về vai chính Huyền Trân Công chúa với giọng tự hào. Cha nàng nghe con chăm chú, cuối cùng ông bảo con diễn lại cho ông nghe. Nàng diễn lại vở cải lương, một mình nàng đóng tất cả các vai, nàng có óc thông minh, nhớ giỏi nên vào các vai thuộc làu làu. Xem xong, cha nàng nhận xét: Vở diễn  có nhiều đổi mới, đã minh oan cho Công chúa Huyền Trân và Thiếu bảo Trần Khắc Chung. Trước đây, các vở cải lương về Huyền Trân Công chúa thường khai thác đoạn tình yêu lâm ly giữa Thiếu bảo Trần Khắc Chung và Huyền Trân Công chúa. Họ phải từ biệt nhau để nàng về làm dâu nước Chiêm Thành. Vở nào đầy đủ thì có đoạn vua Chế Mân chết, Huyền Trân sắp lên giàn hỏa thiêu. Vua nước Việt cử Trần Khắc Chung vào nói rằng để cho hoàng hậu ra bãi biển làm lễ cầu siêu và  bái vọng về Thái Hoàng, Thái hậu, Vua anh cùng đất nước. Khi ra đến bãi biển, Trần Khắc Chung đã đưa Huyền Trân xuống thuyền, dong buồm ra khơi. Họ có một năm vòng vo trên biển và đã tình tự trên quãng đường trở về. Nếu chuyện như thế, nước Đại Việt thất tín. Nàng Huyền Trân đức hạnh cũng chẳng ra gì. Đến vở này, đã bỏ những chi tiết đó. Họ còn cho Huyền Trân yêu chồng, và được quốc vương cũng hết lòng yêu thương chiều chuộng, coi như viên ngọc quý. Chuyện Huyền Trân phải lên giàn hỏa thiêu cùng chồng theo phong tục người Chiêm chỉ là hư cấu. Huyền Trân không phải là vương hậu chính thức, nên không được lên dàn hỏa thiêu cùng quốc vương. Vã lại, khi vua Chế Mân chết, hỏa táng phải thực hiện trong vòng bảy ngày. Với phương tiện đi lại thời đó, người Chiêm Thành ra Thăng Long báo tang, Trần Khắc Chung từ Thăng Long vào, hai bên vừa đi vừa về không thể chỉ trong vòng bảy ngày. Ngừng một lúc cha nàng nhìn con rồi nói:

-  Người Chăm ta coi quốc vương Chế Mân lấy Huyền Trân làm vợ là cuộc hôn nhân chính trị. Lúc đầu  hai bên đều cho rằng nhờ cuộc hôn nhân này mà  hai nước sẽ tránh được việc binh đao. Nhưng đó lại là sai lầm lớn của vua Chiêm, đã dùng châu Ô, châu Lý làm sính lễ, mảnh đất Quảng Trị, Thừa Thiên Huế hiện nay đã rơi vào tay Đại Việt. Nước Chiêm ta cũng có thời hùng mạnh, đã từng 12 lần bắc phạt Đại Việt nhằm chiếm lại châu Ô, châu Lý. Thời vua Chế Bồng Nga đã mang quân ra Bắc, đánh thẳng vào kinh thành Thăng Long làm vua tôi nhà Trần phải run sợ. Chiêm Thành mất nước lại bắt đầu từ việc dâng sính lễ hai châu Ô, Lý, để nước Việt có đà lấn dần về phương Nam cho đến ngày nước Chiêm tan rã hoàn toàn. Chung quy chỉ vì một người đàn bà. Đó là bài học lịch sử, không được lấy đất đai đánh đổi bất cứ cái gì.

Mỹ Hương nhìn cha, nước mắt rưng rưng. Nàng thương cha quá, Người đã  già yếu, tay chân run rẫy rồi vẫn còn ham học, ham nghiên cứu, lòng vẫn không nguôi nỗi nhớ nước Chiêm xưa.

¶¶


Buổi đi rước lễ chính thức bắt đầu từ 5 giờ, trời chưa sáng rõ, thị trấn nhộn nhịp khác thường, mọi người đổ về hướng lăng Ông Thủy tướng nườm nượp. Trước nhà nào cũng có bàn thờ, trên mâm bày trái cây, hương hoa để đón chào. Trung và Mỹ Hương cũng náo nức hòa vào dòng người đi dự lễ hội. Ông Chế Lan, như vị tổng tư lệnh. Lúc ông chỉ bảo nhóm người chuẩn bị đồ cúng lễ, lúc thấy ông dặn dò đội thanh niên đóng quân lính cầm dáo mác đi hộ tống kiệu linh. Lúc lại thấy ông đại diện cho ban tổ chức đón tiếp đoàn khách các địa phương đến dự lễ, dâng quà, cả những phần quà tặng cho các cháu có gia đình nghèo khó. Lúc khác lại thấy ông trả lời phỏng vấn  báo chí, truyền hình. Hội vạn lạch ai cũng tin tưởng vào ông, chỉ ông trả lời báo chí mới bài bản, mới nói được bản chất, lịch sử hội Nghinh Ông.

Ông Chế Lan làm chánh lễ, mặc áo dài màu trắng, vấn khăn kiểu người Chăm. Ông khấn, ông quỳ lạy, và hướng dẫn cho những người dự lễ quỳ lạy đều tăm tắp, nhịp nhàng theo nhịp trống, nhịp nhạc rất bài bản.

 Đội Nghinh Ông lên đường. Đội khiêng kiệu linh đi đầu, ăn mặc như quân lính triều đình nhà Nguyễn. Đội 6 người cầm cờ ngũ hành, 16 quân hầu, 8 quân cầm binh khí đi hộ tống. Một đội lân sư vừa đi vừa múa theo nhịp trống tưng bừng. Các ông, bà mặc áo dài, trang phục cổ truyền dân tộc Việt, Chăm đi sau cùng. Một chiếc xe đặc chủng của cảnh sát hụ còi mở đường. Cả thị trấn ùa ra bên đường đón chào đoàn đi rước. Bên bãi sông hầu hết các tàu thuyền đánh cá trong huyện đã tụ về, cờ hoa lộng lẫy. Một con tàu trang trí đẹp nhất làm Tàu Nghinh.

Sau hồi còi dài, đoàn lên đường. Bắt đầu là tàu Nghinh Ông, sau đến tàu của các xã trong huyện. Một cuộc tiến quân rầm rộ. Tàu tăng dần tốc độ, chạy rẽ sóng trắng xóa trên sông, trên biển, hướng về phía biển Vũng Tàu. Một số tàu có mã lực mạnh muốn áp sát con tàu Nghinh Ông, nhưng bị các tàu cảnh sát có tốc độ cao vượt lên dùng cờ lệnh chặn lai, tất cả phải tuân theo quy ước, không con tàu nào được chạy vượt mặt tàu Nghinh Ông. Có cả tàu của Cảnh sát biển, tàu Hải quan, lấp ló nòng súng. Tàu đã đến đoạn Ba miệng, hợp lưu của ba dòng nước của ba con sông Lòng Tàu, Cần Giờ, Thị Vải thì từ từ dừng lại. Tiếng trống chiêng dồn dập. Hàng trăm con tàu đi rước dừng theo, hướng mũi tàu về phía tàu Nghinh Ông như đang dàn trận. Trong tàu Nghinh, ông Chế Lan làm chánh bái cùng đồng sự làm lễ cúng tế. Ông mặc áo dài màu trắng phủ xuống đầu gối, áo không xẻ thân phía trước. Đầu quấn khăn màu trắng, che kín tóc, buông trùm hai bên tai. Ông thắp ba cây nhang lớn, giơ lên khỏi đầu cất tiếng:

Hoàng đồ Vĩnh cố;

Đế đạo hà xương;

Phật nhựt tăng qui;

Pháp luân thường chuyển;

Phong hòa vũ thuận;

Quốc thái dân an;

Nhân sanh an lạc”

...

Tiếng trống đỗ dồn theo sau lời nguyện cúng của ông. Tất cả các tàu đều hướng mũi về phía tàu Nghinh Ông, bày lễ vật ra trước mũi tàu thắp hương cùng khấn nguyện.

Lạy tạ xong, ông Chế Lan lại sang sảng đọc bài nguyện quay về:

Cung thỉnh chư linh;

Đồng thùy chứng giám;

Nghinh lễ đáo kỳ;

Vạn lạch ngư dân;

Thiết nghinh lễ dã;

Cầu an vạn sự;

Thịnh nước thịnh nhà;

Mưa thuận gió hòa;

Hải bất dương ba;

Ngư dân đắc lợi

...

Phục vị cẩn cáo”.

Tiếng chiêng trống dồn dập kéo dài báo hiệu bài cúng nguyện đã chấm hết. Con tàu Nghinh Ông quay đầu rước linh hồn Ông Thủy tướng và linh hồn các anh hùng, liệt sĩ, những người tử nạn về Lăng Ông để nhân dân cúng bái tri ân.

¶¶


Mãi mấy bữa sau, kể từ ngày ngồi trên tàu Nghinh Ông, Trung mới có dịp đọc bản thảo cuốn “Lễ hội Nghinh Ông Thủy tướng Cần Giờ” do ông Chế Lan biên soạn. Chàng bị cuốn hút bởi cách dẫn chuyện thông minh, uyên bác. Ông lại rành chữ Hán nên đọc được nguyên bản các bộ sách “Đại Nam thực lục”; “ Đại Nam liệt truyện” của Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn. Những tư liệu ông trích dẫn từ sách “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức. Cả sách “Đại Nam nhất thống chí” và hàng pho sách cổ của người Chăm, có lẽ cả huyện Cần Giờ chỉ mình ông biết. Ông dẫn tục thờ cúng cá voi từ thời còn nước Chiêm Thành, gọi là thờ thần Po Kinyak được người Việt tiếp thu thành lễ hội lớn của huyện Cần Giờ ngày nay. Tục thờ cúng cá voi của người Chăm theo dòng người di cư đến cùng chung sống với người Việt và người Việt- chủ yếu là ngư dân cũng ra khơi đánh bắt hải sản, cùng được cá voi cứu sống. Người Việt chấp nhận nghi thức tín ngưỡng này. Tục thờ cá voi xuất phát từ thực tế, dần đi vào tiềm thức con người, trở thành tâm linh. Một cuốn sách nếu in ra phải trên 500 trang, vô cùng công phu và quý giá. Cầm cuốn sách, Trung cứ rưng rưng nghĩ về nghề của mỗi người. Ông Chế Lan được xã hội trọng dụng, ngưỡng mộ vì ông chí thú với nghề, nghiên cứu tường tận văn hóa Chiêm- Việt. Dù ông không học trường lớp, tất cả chỉ tự nghiên cứu mà thành công.

¶¶


Lúc ngồi bên Mỹ Hương trên con tàu Nghinh Ông, Trung nhớ về đêm biểu diễn báo cáo tốt nghiệp của nàng, vì đâu nàng gặp tai nạn?

 Sân khấu Nhà hát Trẻ nằm ngay trong khuôn viên trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh. Buổi biểu diễn được nhà trường tổ chức công phu vì có nhiều quan khách, giới văn nghệ sỹ ở thành phố đến dự. Lớp của nàng đã tập đi tập lại vở Huyền Trân Công chúa cả nửa năm nay, đến nỗi các bạn cùng lớp cũng thuộc những vai diễn của người khác. Thầy chủ nhiệm chăm chú vào nhân vật chính Huyền Trân do Mỹ Hương thủ vai, sự thành công của nàng quyết định phần lớn thành công của cả vở diễn. (1)

Màn một là cảnh nàng chia tay cha- đức Thượng Hoàng và mẹ- Thái Hậu để lên xe hoa, đẫm nước mắt. Cả triều đình ngậm ngùi tiễn đưa nàng, đây là lần từ biệt cuối cùng để nàng đi về một nước khác xa lạ, ngàn trùng cách trở, biết có ngày gặp lại?

“Nước non ngàn dặm ra đi;

Mối tình chi;

Mượn màu son phấn;

Đền nợ Ô, Lý;

Xót thay vì;

Đương độ xuân thì;

Số lao đao hay là nợ duyên gì?”

...

Đoạn này nàng hát theo điệu Nam Bình khá xúc động. Cải lương thường lấy nước mắt khán giả ở những tình huống bi lụy. Mỹ Hương bỗng nhớ cha mẹ, nghĩ đến cảnh phải lìa xa gia đình mình để đi lấy chồng về nơi xứ xa, đêm chia tay người con gái nào không rơi lệ. Nàng hát bằng tất cả rung động của tình cảm, trái tim. Nàng sử dụng kỹ thuật “gieo câu, nhả chữ, ngưng lặng, luyến láy”... mà nàng  khổ luyện trong trường khá thành thục. Mỗi lần nàng vô câu vọng cổ dài, cuối cùng vào, tiếng vỗ tay dậy lên như sấm.

Đến màn thứ hai nàng là vợ Chế Mân, hoàng hậu nước Chiêm Thành xa lạ, ngoài người chồng, nàng không biết ai. Nàng bị nhiều thế lực thù ghét và hãm hại, nhất là tể tướng nước Chiêm móc nối với thế lực ngoại bang để cô lập, nhằm tiêu diệt nàng. Màn này khá gây cấn và hồi hộp, nàng thể hiện nhuần nhuyễn tinh tế giữa ca và diễn, nhất là cảnh nàng đứng bên gốc cây thần hát dân ca nước Việt cho Chế Mân nghe. Bài dân ca Cò lả được nàng luyến láy khá hay trong kỹ thuật múa, guộn ngón tay mềm mại:

Con cò cò bay lả lả bay la, bay từ từ chợ phủ, bay ra ra cánh đồng...”.

Quốc vương Chế Mân dù không biết tiếng Việt, nhưng vẫn tỏ ra thích thú làn dân ca có tiết tấu mà theo nhà vua, như  tiếng vó ngựa ngài cưỡi khi ra trận, lại từ miệng người vợ xinh đẹp yêu quý. Họ thật hạnh phúc! Khán giả cũng bị chinh phục bởi giọng ca và tài diễn xuất của nàng. Nhưng đến màn ba, cảnh vua Chế Mân bị sát hại, nàng đang ẳm con thơ còn đỏ hỏn khóc chồng, chuẩn bị lên dàn hỏa thiêu. Lúc dứt nói lối, đàn ngừng lại chờ nàng vô vọng cổ thì lời cha chợt vang lên: Huyền Trân không có vinh dự được lên đàn hỏa thiêu để theo người hùng Chế Mân; việc trả Huyền Trân về Thăng Long là ý nguyện của Chăm Pa con à”. Lập tức cảm xúc tan biến. Lúc đó như có một vị thần nào khuấy đảo tâm trí làm Mỹ Hương không còn là nàng nữa. Tiếng trống trận, tiếng tù và rúc, tiếng súng thần công nổ vang trời bổng lịm tắt; trước mắt nàng cảnh thành Đồ Bàn đẫm máu, xác người Chăm, người Việt nằm ngổn ngang...Lời ca của nàng tắc nghẹn... Nàng cứ đứng trơ trơ như thân cây trụi lá trên sân khấu làm khán giả cũng như bị thôi miên bởi nàng, lặng yên phăng phắc. Thầy chủ nhiệm hốt hoảng, mặt đầm đìa mồ hôi, không hiểu chuyện gì đang diễn ra. Lâu sau thầy bừng tỉnh, cùng học viên dìu nàng vào cánh gà. Đèn sân khấu phụt tắt, màn nhung vội khép lại. Thầy chủ nhiệm cử Nguyễn Hồng Loan thay váy áo của nàng, tiếp tục đóng vai Huyền Trân Công chúa. Màn sân khấu lại kéo lên, đèn lại bừng sáng. Hồng Loan gốc miền Tây, là sinh viên giỏi, cô thuộc vai diễn đã đóng nốt vai Huyền Trân trong đoạn cuối vở diễn.

Vở diễn thành công nên không ai trách Mỹ Hương. Từ đó giọng ca Mỹ Hương không còn âm vang, mùi mẫn như trước. Dù đủ điểm ra trường nhưng Mỹ Hương không còn là ngôi sao sáng trên sân khấu nhà hát Trẻ.

¶¶


Tàu Nghinh kéo một hồi còi dài làm Trung giật mình. Sắp về đến Lăng Ông Thủy tướng, đoàn tàu giảm tốc độ, dồn lại thành đội hình trùng trùng điệp điệp, cờ hoa rợp trời. Ông Chế Lan đứng ở mũi tàu như viên đại tướng, chiếc khăn trùm đầu bay phấp phới trước biển trời bao la xanh lồng lộng. Với đoàn quân của ông có cả người Kinh, người Khme… hòa lẫn với người Chăm thành đội hình vững như đồng hướng về Lăng Ông Thủy tướng, trong tiếng máy nổ rộn ràng vang khúc khải hoàn…


NGUYỄN TRƯỜNG

1,Chú thích: Tác giả dựa vào một số chi tiết của kịch bản “Ni sư Hương Tràng” của TS Bùi Hữu Dược; Hoàng Thế Song chuyển thể cải lương.

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Hai 20243:34 SA(Xem: 2031)
Khi tìm đọc văn học chiến tranh (giai đoạn 1954-1975) tôi bắt gặp rất nhiều lần lời giới thiệu ngắn tên tuổi, và các tác phẩm của nhà văn Nguyên Vũ. Kể từ đó, tôi luôn tìm Nguyên Vũ để đọc, song dường như không có tác phẩm nào của ông được đưa lên các trạng mạng, hay các thư viện điện tử. Hôm rồi, thật may mắn, đang nghiền ngẫm về cố nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, tình cờ tôi bắt gặp: Mây Trên Đỉnh Núi, truyện dài gồm 20 chương của Nguyên Vũ. Đây có lẽ là truyện dài đầu tay, và ít được nhắc đến của ông. Cũng định thử một vài trang, rồi lúc nào đó sẽ đọc tiếp, nhưng bập vào tôi không thể dứt ra được, và đọc một mạch ngay nơi làm việc. Sự hấp dẫn, sinh động ấy, không hẳn bởi chỉ nội dung, mà còn do bố cục, nghệ thuật đan xen những tình tiết câu chuyện...
07 Tháng Hai 20241:29 SA(Xem: 2537)
Sài Gòn những ngày cuối năm trời ấm dần hơn, nắng mang hương xuân vương trên hoa cỏ dịu dàng làm lòng người chao lại nỗi nhớ quê. Tạ xa Qui Nhơn đến nay đã 5 năm rồi, thời gian như chớp mắt ngoảnh lại thấy những ngày cũ ở quê lùi xa dần xa dần mất hút. Nơi nàng ở khá yên tĩnh thích hợp với người ở cái tuổi chiều thu cận kề. Buổi sáng thức dậy, nàng có những phút yên ắng nhìn dòng sông êm trôi lặng chảy đón bình minh vừa lên, nghe chim ríu rít chuyền cành, nàng còn có thể dắt cháu đi học qua các con đường im vắng mà nghe cháu nói bi bô bên tai rồi còn có những phút đi rải cơm cho chim cho cá ăn, có những buổi chiều nhìn nắng tắt bên song mà nhớ, nhờ bớt nói lại nên bớt thị phi.
06 Tháng Hai 202410:00 CH(Xem: 1807)
BÊN BỜ AO- Khuyết danh - Trần C. Trí chuyển ngữ
18 Tháng Giêng 20248:59 CH(Xem: 2270)
PHÂN ƯU / Nhận được tin buồn / Cụ Bà : PHẠM THỊ SỰ / Pháp danh Quảng Diệu Nhẫn / Sinh ngày 7 tháng 3 năm 1935 tại Mỹ Thi, Đà Nẵng, Việt Nam / Đã tạ thế ngày 12 tháng 01 năm 2024 / (Nhằm ngày 2 tháng 12 năm Quý Mão) / Hưởng thượng thọ 89 tuổi.
17 Tháng Giêng 20243:42 CH(Xem: 3652)
“Thế là Tết 1999, lần đầu tiên tôi được bước vào ngôi nhà mà tôi không biết rằng sau này tôi sẽ thường xuyên tới. Mang tới một bó hoa lớn, cầm tờ ghi địa chỉ trong tay, tôi mò mẫm tìm. Khác hẳn suy nghĩ của tôi, ngôi nhà khá rộng rãi, khang trang, lại mang hơi hướng Tây hóa. Thấy tôi, mọi người ai cũng vui vẻ tiếp đón. Trùng hợp là Tết năm đó có cả em dâu cùng cháu trai bên Đức cũng về Việt Nam thăm họ hàng. Chúng tôi nói chuyện, hỏi han về cuộc sống, những vấn đề vấp phải trong xã hội, và kết thúc bằng tiết mục karaoke tại nhà để chào đón một năm mới đầy niềm vui, thành đạt hơn. Ngày hôm đó qua đi nhanh đến nỗi mà tôi gần như không còn nhớ gì đến nó.” (Phạm Ngọc Lương)
04 Tháng Giêng 20249:03 CH(Xem: 2771)
CHIA BUỒN / Nhận được tin trễ / Văn Thi Sĩ / Nhạc Sĩ Nguyễn Đình Toàn / từ trần vào ngày 28 tháng 11 năm 2023 tại Nam California / HƯỞNG THỌ 87 TUỔI
03 Tháng Giêng 202412:49 SA(Xem: 3394)
Tháng Giêng nắng vàng thơm ngát Đàn én bay về chao nghiêng Thầm thì…lời ca em hát Lý tơ hồng khúc giao duyên
03 Tháng Giêng 202412:43 SA(Xem: 2825)
Mùa dịch Cô-vít hay còn gọi là Cúm Tàu đã qua đi. Thực sự đã đi xa nhưng còn để lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống thường nhật. Những người gọi là cao niên như chúng tôi, thực khó tìm lại, những buổi sáng Thứ Bẩy hẹn hò gặp gỡ; lòng háo hức nôn nao trên đường đến quán cà phê thân quen, nơi góc phố Bellaire ồn ào náo nhiệt. Tưởng rằng không còn cơ duyên hội ngộ tâm tình, nhưng Trời chiều lòng người. Mới vài tháng nay, mỗi sáng Thứ Bẩy, chúng tôi lại có cơ hội, hẹn gặp nhau tại một quán cà phê khác, dù không ưng ý, để có dịp họp mặt hàn huyên tâm sự, trao đổi những câu chuyện văn chương, hoặc tâm tình thế sự trải khắp nhân gian.
25 Tháng Mười Hai 202311:01 CH(Xem: 2952)
Trong cái không gian lành lạnh của một mùa Giáng Sinh, trong tiếng chuông ngân của nhà thờ như đón chào thiên chúa giáng trần, tôi bỗng nhớ đến một nơi chốn lặng lẽ, tối tăm, nơi có lẽ chúa đang hiện hữu từng giờ từng khắc cho riêng một người. Ở nơi ấy, anh cũng đang thầm lặng đón Giáng Sinh giữa bốn bức tường xám lạnh. Phạm Chí Dũng, một nhà báo dũng cảm, một người bạn chưa từng gặp mặt ngoài đời nhưng lại vô cùng thân thiết.
25 Tháng Mười Hai 202310:41 CH(Xem: 2564)
Hàng năm vào dịp cuối năm, người Kitô hữu đón mừng sự kiện Chúa Giêsu giáng trần, mặc lấy thân xác con người để chuộc tội nhân loại, tội tổ tông đã lưu truyền từ Adam - thuỷ tổ loài người theo dân Do Thái - lúc còn ở địa đàng đã ăn phải trái cấm của Thiên Chúa do Eve dụ dỗ.