- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

GIAO THỪA

28 Tháng Giêng 202211:34 CH(Xem: 9766)

 

xuan-photo-ul
Xuân - photo UL

 

Biển Cát

GIAO THỪA

 

 

Thả chiếc bánh tét cuối cùng vào nồi , mợ Hai phủi tay đứng dậy.

— Phần mợ xong rồi đó. Tụi bây chia nhau thức canh nồi bánh nghe .

Nhi dạ một tiếng đáp lời mợ .

Quang tranh thủ chớp ngay thời cơ :

—  Có gì ăn để khỏi buồn ngủ không mợ ?

Mợ hai cười dễ dãi :

— Cái thằng này chỉ ăn là giỏi . Nhi vào lấy đậu , đường trong bếp ra nấu chè  cho tụi bạn ăn đi con.

Thà từ ngoài vườn bước vào , quăng mạnh bó tàu lá dừa xuống đất .

Thấy Nhi đang lúi húi nạo dừa, Thà đi đến giành lấy bàn nạo :

— Để tui làm cho. Nhi nghỉ tay đi .

Có tiếng Lài “e hèm “ liền sau câu nói của Thà.

Đang cúi xuống thổi lửa nấu chè, Linh cũng ngước lên :

— Nè, sao không ai giúp đỡ tui với Lài hết vậy ?

Thà lúng túng giải thích :

— Tại tui thấy từ sáng tới giờ Nhi làm việc không ngơi tay, nên muốn làm giùm chút thôi.

Quang tỏ vẻ ga lăng :

— Mấy bà cần gì nói tui giúp cho .

Linh xua tay :

—  Thôi , nhờ ông nấu chè chắc tụi tui nhịn ăn luôn.

Mọi người cùng phì cười . Quang quê độ, cũng toét miệng cười theo.

Nồi chè chẳng mấy chốc đã chín , tỏa mùi thơm lừng. Mỗi người múc một chén , ngồi trên thềm nhà nhâm nhi .

— Năm nay nghe nói hội chợ lớn lắm.  Mồng hai tụi mình đi chơi nghe.

Câu chuyện sôi nổi hẳn sau câu nói của Lài. Ai cũng háo hức bàn tính về cuộc du xuân sắp đến mà không để ý đến sự vắng mặt của Quang , cho đến khi hắn ta trở về , khệ nệ ôm một đống bắp.

Nhi hốt hoảng la khe khẽ:

— Mợ hai mà biết thì chết cả bọn đó.

Quang cười hì :

— Tết nhất mợ hai không chửi đâu .

Thà lắc đầu :

— Cái thằng này ... Hết biết mày luôn.

Linh thực tế nhất:

— Thôi lỡ rồi. Mình nướng luôn đi.

Được lời như cởi tấm lòng, Quang xăng xái lấy que cời lửa, vùi bắp vào nướng.

Đêm ba mươi trời thật tối. Thấp thoáng bên hàng rào quây bằng những bụi cây kim quất , lung linh hàng trăm con đom đóm . Nhi vờn bàn tay theo một đốm sáng và khẽ khàng khép lại.  He hé qua kẽ tay Nhi, có vầng ánh sáng nho nhỏ lấp lánh.

Thà bước đến cạnh Nhi. Gió thổi những sợi tóc Nhi bay bay , vương trên vai áo, vương trên mặt Thà. Thoang thoảng hương hoa, không biết là từ mái tóc Nhi hay từ những hoa  bưởi nở trắng trong vườn.

— Hè này tui sẽ tốt nghiệp. Ba má hứa sẽ cho tui hai vuông tôm , để ứng dụng kiến thức vào thực tế.  Tiếng Thà cất nhẹ bên tai Nhi.

— Nếu thành công, tui sẽ đầu tư thêm hai, ba vuông tôm nữa...

— Nhiều việc lắm đó, Thà có kham nổi không ?

Thà ngập ngừng :

— Lúc đó Nhi... có bằng lòng phụ tui không ?

Nhi bối rối im lặng.  Mái tóc đong đưa theo cái gật đầu rất khẽ.

Thà nói tiếp những ước mơ mình ấp ủ :

— Rồi tui .... Rồi Thà sẽ dành dụm mua một mảnh vườn nhỏ , nhỏ thôi... Thà sẽ trồng một hàng rào kim quất như thế này , để Nhi có thể ngắm đom đóm mỗi đêm.

Nhi mở bàn tay ra , thả cho đom đóm bay lên. Chung quanh Thà và Nhi bây giờ là những tia sáng chấp chới lượn bay , ngỡ chừng như muôn vàn vì sao rơi lấp lánh.

Khói trầm hương quyện trong không gian ngào ngạt. Hình như đã sang giao thừa , thời khắc chuyển giao thiêng liêng của đất trời.

 

 

Mùng hai tết.

Mọi việc không như dự định , Nhi phải ở nhà để đón khách .

Tâm trạng không vui, Nhi chẳng buồn hỏi khách là ai, chỉ lẳng lặng giúp mợ hai chuẩn bị ấm nước, trà mứt bày ra bàn.

 

Chợt có tiếng con Mực sủa inh ỏi trước sân.

Mợ hai đon đả bước ra :

— Suỵt, im nè Mực.

— Dạ mời mọi người vào nhà . Con Mực coi vậy chứ khôn lắm. Nó không cắn bậy đâu.

Khách gồm hai người , một bà lớn tuổi và một ông trung niên.  Họ chưa vội vào nhà , vì còn bận ngắm khoảng sân đầy mai vàng . Những cành cây khẳng khiu vươn lên từ các cội mai như những cánh tay xoè ra đơm đầy hoa vàng rực rỡ. Nắng ban mai trải đều lên khoảng vườn một màu vàng óng ánh . Thỉnh thoảng ,ngọn gió xuân vờn qua làm rung khẽ những cánh mai.

Khách tấm tắc khen :

— Chà , mai nở đẹp quá. Điềm tốt lắm đó nghe.

— Dạ, cũng mong là như vậy.

— Chắc chắn rồi chứ còn gì nữa. Mai nở rực là điềm đại hỉ rồi.

Khách khẳng định lại một lần nữa , trước khi theo mợ hai bước vào.

Mọi người vừa ngồi xuống, thì ông khách liền nhanh nhảu bày quà ra đầy bàn :

— Dạ con có chút quà phương xa biếu gia đình. Hộp sâm này dành cho bà. Chai rượu phần cậu. Dầu thơm là phần mợ. Và khăn choàng là của em gái .

— Con chu đáo quá. Mà bày vẽ làm chi cho tốn kém.

— Đâu đáng gì đâu mợ. Con chỉ mua ước chừng thôi. Mai mốt quen rồi , con sẽ mua nhiều thứ khác nữa, đúng ý nhà mình hơn. Bên Mỹ hàng hoá thiếu gì.

Mợ cười hài lòng và quay vào gọi Nhi:

— Nhi đâu ra chào khách nè con.

Nhi rón rén bước ra , cúi đầu :

— Con chào bà . Con chào chú.

Người đàn ông cười ngượng nghịu :

— Em cứ kêu anh là anh Thanh cho thân tình.

Bà khách nói đỡ vào :

— Thằng Thanh cháu tôi lành lắm. Từ trước tới giờ chỉ biết học rồi làm việc miết . Lần này ,gia đình bàn vô lắm mới chịu về tìm một chỗ ưng ý để gầy dựng đó.

Mợ hai cười bãi buôi :

— Anh đã nói vậy thì con gọi anh đi .

Nhi lí nhí :

— Dạ, chú lớn vậy, con gọi bằng anh thấy kỳ kỳ...

— Em cứ gọi riết rồi quen. Bên Mỹ người ta dễ xưng hô hơn bên mình . Cứ you me là gọn bâng. Người đàn ông tiếp lời Nhi.

Mợ hai giục Nhi rót trà thêm cho khách.

— Cũng thưa qua với dì Tư và cháu Thanh. Vợ chồng tôi hiếm muộn , thương con Nhi mồ côi mồ cút , nên nuôi như con. Bận cháu nó hết cấp ba, thì ngoại bệnh nặng , nên cháu phải ở nhà lo cho ngoại. Vì vậy việc học lỡ dở.

Thanh bắt chuyện với Nhi :

— Lúc đó em định thi vào đâu ?

— Dạ ...trường y. Nhi lúng túng trả lời trống không.

— Tưởng gì khó. Bên Mỹ ngành Nurse rất dễ kiếm việc. Em mà qua đó, anh sẽ lo cho em đi học lại mấy hồi.

Bà khách , dì Tư của Thanh hỉ hả :

— Hai đứa mà kết hợp thì cuộc sống ổn định luôn đó. Có nhà cửa , xe hơi, lại sống ở xứ Mỹ nè. Chồng là kỹ sư  ...

Chợt quên ,  bà quay sang hỏi Thanh :

— Kỹ sư gì vậy con ?

—  Dạ, Kỹ sư nông nghiệp .

— Ừ, thằng chồng là kỹ sư nông nghiệp. Con vợ làm y tá. Đố ai mà hơn tụi bây được.

— Dạ... Thanh nhìn Nhi rồi nhìn sang mợ hai :

— Dạ, hôm nay gia đình con qua đây chúc tết và tiện thể xin nhà mình cho ra mồng làm đám hỏi luôn. Xong con về Mỹ lo thủ tục bảo lãnh em Nhi liền.

Ngoại ngồi bên vạc bên kia thảng thốt :

— Cái gì cũng từ từ... Chuyện lớn mà hấp tấp quá vậy bây.

Dì Tư nói như phân bua :

— Gia đình con biết là cận ngày lắm. Nhưng cháu Thanh nó ở xa xôi . Xin nhà mình châm chước . Vả lại, làm sớm thì vợ chồng đoàn tụ sớm.

Mợ hai cũng góp vào với ngoại :

— Thôi thì gia đình bên đó có lòng thương con Nhi thì mình cũng vui. Với lại ông bà mình vẫn nói Cưới vợ thì cưới liền tay mà Má.

 

 

Cuộc sống mới đầy ngỡ ngàng, khác xa những gì Thanh đã nói với gia đình Nhi.

Nơi vợ chồng Nhi sống là một basement , thuê lại của cô chú Linh , chủ nhà. Họ cho thuê với giá bốn trăm đô một tháng.

Thanh dành buổi sáng đầu tiên chở Nhi đi chợ.

Ngày hôm sau Thanh dậy sớm đi làm. Anh kêu Nhi lấy cái áo kaki và quần jean cũ.

Nhi ngạc nhiên nhìn chồng , thắc mắc nhưng không dám hỏi.

Thanh mở tủ lấy cuốc , xẻng, máy móc lỉnh kỉnh ... cho vào cốp xe rồi dặn vợ :

— Anh đi làm , chiều mới về. Em tự ăn trưa một mình nghe.

Nhi gật đầu với chồng :

— Dạ, anh đi làm.

Nhi thờ thẩn trước sân , cho đến lúc xe chồng khuất sau ngã rẽ . Vừa định quay vào, thì cô chủ nhà đã vẫy tay gọi Nhi :

— Cháu mới qua hả , vào nhà chơi với cô một lát.

Nhi chào cô :

— Dạ , con tên Nhi. Còn cô là cô Linh phải không ?

— Ừ. Ai ngờ thằng làm vườn như thằng Thanh mà có vợ trẻ đẹp thiệt.

Nhi ngạc nhiên hỏi lại cô :

— Ủa, anh Thanh làm vườn hả cô ?

—Thì hồi nào tới giờ Cô biết nó làm vườn làm cỏ cho nhà người ta. Mà nó không nói với con sao ?

Nhi bối rối cúi xuống nhìn những ngón chân của mình :

— Dạ, ảnh nói với nhà con ảnh là kỹ sư nông nghiệp.

— Kỹ sư cái gì thằng đó. Vậy là con bị nó gạt rồi.

Cô Linh chép miệng :

— Thôi, con qua đây ,  thì liệu kiếm gì mà làm. Chứ trông nhờ đồng lương ba cọc ba đồng của thằng chồng con thì mùa đông có mà húp cháo.

Nhi lí nhí nói cảm ơn cô , rồi vào nhà.

Cả ngày, Nhi không thiết ăn uống gì . Cảm giác lẻ loi và xa lạ làm Nhi nhớ nhà quá đỗi.

Buổi chiều Thanh về.

Vừa bước vào nhà, nhìn Nhi ngồi ủ rũ, Thanh lớn giọng :

— Thấy chồng về mà không mừng , cái mặt như đưa đám.

Nhi lẳng lặng đứng dậy, hâm nóng lại đồ ăn, bày ra bàn.

Thanh lùa một loáng hết chén cơm . Thấy Nhi vẫn còn chống đũa , anh hất hàm :

— Ăn đi chứ.

Nhi đem thắc mắc hỏi chồng :

— Sao anh nói dối em ?

— Chuyện gì ?

— Anh làm cỏ cho người ta mà ...

Thanh khó chịu , ngắt ngang :

— Ừ, tôi là thằng cắt cỏ đó. Xấu hổ cho cô lắm hả ?

Nhi nhỏ nhẹ :

— Em không có ý như vậy. Nhưng vợ chồng mình nên thành thật với nhau.

— Nếu tôi không nói vậy sao nhà cô chịu gã cô cho tôi . Mà nè, tôi đi làm thì đóng cửa ở trong nhà. Đừng lê la tám chuyện với người này người nọ. Mấy người nhiều chuyện là biết tay tôi .

Câu sau anh cố tình hét lớn cho trên nhà nghe. Nhi co người lại trước thái độ hung hãn của chồng. Miếng cơm nghẹn trong miệng Nhi cùng nước mắt.

Dọn dẹp xong , thấy Thanh ngồi xem ti vi, Nhi rón rén lại gần .

— Anh cho em mượn điện thoại gọi về nhà .

Thanh quắc mắt nhìn vợ :

— Vừa mới qua mà đã đòi gọi về . Cô muốn gọi cho thằng nào đó thì nói thẳng ra đi.

Nhi rơm rớm nước mắt :

— Ngoại với mợ có dặn là đến nơi thì gọi về cho nhà yên tâm.

Thanh dằn giọng :

— Để đó bữa nào tôi nạp thẻ vào phone cho. Mà nhớ, hai ba tháng mới được gọi về một lần đó. Gọi về là phải có mặt tôi nghe chưa.

Nhi thảng thốt nhìn Thanh. Đây là người chồng Nhi sao, người mà Nhi sẽ gắn bó suốt cuộc đời là như thế này sao. Còn cả quãng đường dài trước mắt...

 

 

.

Trong hoàn cảnh này, không cần chồng nói, Nhi cũng biết việc đi học lại là một điều xa vời lắm. Cho dù năm lần bảy lượt Thanh đã hứa với mợ hai ở quê nhà.

Nhờ cô Linh giúp đỡ, Nhi xin được chỗ làm ở tiệm Nails của cháu cô. Cuộc sống cũng tạm ổn , chỉ có nỗi buồn là mênh mang theo ngày tháng.

 

 

Chờ vắng khách, Nhi lân la đến bên chị Ngọc bắt chuyện :

— Hôm nay là 30 tết mà sao cũng giống như mọi ngày hả chị.

Chị Ngọc vừa cho cơm vào microwave hâm nóng lại , vừa trả lời :

— Ừ, bên này là vậy đó. Có tết nhất gì đâu.

Thấy Nhi ngồi buồn hiu, chị giục :

— Sao mày không ăn cơm đi , để chút có khách còn làm nữa.

Nhi rụt rè :

— Em chưa đói . Hay là chị cho em mượn phone gọi về nhà đi . Rồi em trả tiền cước phí lại cho chị.

Chị Ngọc cằn nhằn :

— Tiền bạc gì, mậy. Chị em mà tính toán gì chút đỉnh đó.

Rút cái phone ra đưa cho Nhi, chị lắc đầu thở dài :

— Thiệt , thằng chồng mày hết biết. Tao chưa thấy ai vừa ghen vừa khó khăn như nó.

Nhi cúi đầu chớp chớp mắt. Đưa tay cầm lấy phone mà mặt Nhi vẫn cúi gằm. Chỉ cần chị Ngọc nói thêm một câu nữa là Nhi sẽ bật khóc. May mà chị biết tính Nhi mau nước mắt, nên chỉ dừng ở đó thôi.

Nhi bấm vào số phone card , rồi bấm vào số phone của mợ hai , như được hướng dẫn.

Tiếng chuông vang lên ba bốn lần. Tim Nhi như muốn nhẩy ra khỏi lồng ngực.

— A lô, ai đó ?

— Dạ, con đây. Nhi đây , mợ hai.

— Chèn ơi, Nhi đó hả con. Lâu nay cả nhà trông mày gọi về mà không thấy . Ngoại  cứ nhắc mày từ sáng tới tối , sốt cả ruột.

Mà lóng rày vợ chồng mày sao rồi ? Tụi bây có khỏe không sao không thấy gọi về ?

Mợ hai nói một hơi dài . Nhi chưa kịp trả lời thì mợ lại nói tiếp :

— Để mợ đưa điện thoại cho ngoại nói chuyện với bây nè.

Bên này , Nhi nghe tiếng mợ đặt phone xuống cái cụp . Dù mợ không trực tiếp nói trong phone, nhưng Nhi vẫn nghe tiếng mợ oang oang :

— Để con đỡ má ngồi dậy nghe. Con Nhi nó gọi về đó.

— Nè, má kê miệng vô chỗ này rồi nói lớn lên cho con Nhi nó nghe.

Hơi thở của ngoại phều phào qua máy :

— Nhi ơi ngoại nhớ con lắm...

Chỉ kịp nói câu đó , rồi ngoại nghẹn lời. Cả ngoại và Nhi cùng khóc nức lên.

Nhi nghe tiếng ngoại ho khúc khắc từng hồi. Lòng Nhi quặn đau .

Mợ hai càu nhàu :

— Thôi má nằm xuống đi. Cứ khóc vầy làm sao mà nói chuyện. Rồi lại bắt ho thêm.

Đặt ngoại nằm xuống xong, mợ hai mới cầm lại phone , nối tiếp cuộc gọi :

—  Ngoại mày kỳ cục vậy đó. Không thấy mày gọi thì ngóng , thì chờ. Mà đến lúc mày gọi lại không nói gì. Cứ khóc lóc đến rầu thúi ruột.

Nhi sụt sùi :

— Con cũng nhớ ngoại và nhà mình lắm. Nhất là những ngày tết nhất như thế này.

Mợ hai thở dài :

— Tết nhất gì con ơi ! Ngoại thì bệnh rề rề. Lại thiếu bây, nhà thêm ảm đạm. Giao thừa năm nay mợ đâu có lòng dạ nào mà gói bánh chưng bánh tét nữa.

— À, mà thằng Thà nó sớ rớ đây nè . Bây nói chuyện với nó một tiếng đi.Cũng nhờ nó chạy qua lại với ngoại...

Nhi ngại ngùng, định nói thôi, mợ ơi. Nhưng mợ hai đã chuyển phone cho Thà rồi.

— Nhi à, tui Thà đây.

— Cảm ơn Thà nghe. Cảm ơn Thà đã phụ chăm sóc ngoại giùm Nhi.

— Có gì mà ơn với nghĩa . Tui coi ngoại Nhi cũng như ngoại tui mà.

Nhi nghèn nghẹn :

— Biết vậy. Nhưng Thà là người ngoài mà còn lo được cho ngoại. Còn con cháu như Nhi thì tệ quá chừng.

— Cũng là do số phận thôi. Chứ Nhi nào muốn vậy đâu.

Câu an ủi của Thà sao nghe xót xa vô cùng.

Nhi lãng sang chuyện khác :

— Ở nhà mọi người thế nào ? Có chuyện gì vui không Thà ?

Tiếng Thà ngập ngừng như đứt từng quãng.

— Thì cũng vậy thôi. Mà có lẽ buồn hơn hồi đó...

Không khí như chùng lại . Hai chữ hồi đó làm cả Thà và Nhi cùng nghĩ đến giao thừa năm nào.

Nhi cố gượng cười  :

— Thôi, tết nhất đừng nói chuyện cũ nữa. Nói chuyện Thà đi.

— .....

— Chừng nào Thà định cho mọi người uống rượu đây ?

— Chắc là lâu lắm Nhi à. Đợi chừng nào tui quên được người ta thì mới tính .

Giọng Thà buồn thỉu buồn thiu. Bên đầu dây này, Nhi phải cắn môi giữ cho mình không bật lên tiếng khóc.

— Thôi Nhi cúp máy  đây. Thà mạnh giỏi nghe.

— Ừ, Nhi cố thu xếp công chuyện rồi về đây một lần đi. Ngoại yếu lắm rồi .

Nước mắt Nhi chảy xuống từng giòng mặn đắng trên môi. Bập bềnh, tiếng Thà lẫn trong tiếng sóng vỗ vào bờ rạch sau nhà. Gió thổi lao xao trên những rặng dừa nước , buốt trên vai Nhi lạnh ngắt. Ngọn gió lùa từ những ngóc ngách của ký ức Nhi về một đêm giao thừa năm cũ với tiếng củi cháy lép bép ấm nồng mùi bánh chín. Và cơ mang nào là những con đom đóm nhấp nháy sáng lung linh , chập chờn trong mắt Nhi nỗi nhớ.

Chỉ còn nỗi nhớ chảy tràn . Nỗi nhớ vượt qua thời gian và không gian, cho dù cuộc đời không thể nào thay đổi.

 

 

Biển Cát.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15 Tháng Bảy 202311:26 CH(Xem: 6045)
Gia đình chúng tôi vô cùng đau buồn kính báo tin cùng Chư Tôn Đức, Thân Bằng Quyến Thuộc và Bạn Hữu xa gần: Con, cháu chúng tôi là: Phật tử: PHẠM TRƯỜNG SONNY / Pháp danh: TRÍ LẠC / Sinh ngày: 11 tháng 9 năm 1994 tại Orange County, California./ Mất ngày: 11 tháng 7 năm 2023 tại Orange County, California. Hưởng dương: 30 tuổi
13 Tháng Bảy 20235:38 CH(Xem: 5903)
con lòng tong nhỏ / trôi đi / bâng khuâng / buồn lại phương phi / giữa trời
10 Tháng Bảy 20235:10 CH(Xem: 4879)
cửa em / không phải cửa mình / cửa ta / nhà bạn / thình lình mở toang
10 Tháng Bảy 20231:55 CH(Xem: 6323)
PHỤ NỮ GIỮA CHIẾN TRANH VIỆT NAM: THỜI ĐIỂM 1969 Tầm nhìn Chiến tranh, Giấc mơ Hòa bình [Visions of War, Dreams of Peace] [1] là nhan đề một tuyển tập thơ của các nhà thơ nữ; nếu là Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, họ đã là những nữ quân nhân như y tá, bác sĩ đã từng chăm sóc các thương bệnh binh; nếu ở những ngành nghề khác, họ đảm trách các dịch vụ không tác chiến như chuyên viên truyền tin, tiếp vận, kiểm soát không lưu, nhân viên Hồng Thập Tự... Nếu là người Việt, họ là những phụ nữ thuộc hai miền Nam hay Bắc, với những trải nghiệm khác nhau, qua những năm tháng chiến tranh. Và như từ bao giờ, cho dù ở đâu, phụ nữ và trẻ em vẫn là thành phần dễ bị tổn thương nhất trong chiến tranh. Trong tập thơ này, có 34 nhà thơ nữ Hoa Kỳ, và sáu nhà thơ nữ Việt Nam: Xuân Quỳnh (My Son’s Childhood), Hương Tràm (The Vietnamese Mother), Hà Phương (To An Phu, From This Distance I Talk To You), Trần Mộng Tú (The Gift In Wartime, Dream of Peace), Minh Đức Hoài Trinh..., Nguyễn Ngọc Xuân...
28 Tháng Sáu 20239:58 CH(Xem: 6768)
anh là chim cánh mỏi / bay về tổ chiều hôm / không còn ai ngóng đợi / tay với cành hoa thơm
18 Tháng Sáu 20236:37 CH(Xem: 5651)
Lối Về Của Nước là một tập truyện & kịch có những nét đặc biệt. Nó viết về Con Người, về Ngôn Ngữ, về Hiện-hữu-người, Thể-tính-người. Nó trình hiện trước mắt người đọc những tương-giao-người giăng mắc, chồng chéo, và đầy phức tạp. Tất cả chập chờn giữa mộng và thực. Mộng và thực gắn bó, trộn lẫn vào nhau. Con người nhìn vào hiện cảnh như nhìn vào một giấc mơ. Truyện & kịch của Trần C. Trí mở ra cho ta thấy một cách sáng rõ ngôn ngữ là những quan hệ. Là giao tiếp. Là tâm hồn con người. Nó phả ra cái hơi thở, cái tình cảm của con người. Nó soi chiếu và phóng lên màn hình nội tâm chúng ta những phác đồ tâm lý người. Tôi lại nghĩ đến Heidegger với ý tưởng Ngôn ngữ là nơi an cư của tính thể. Con người cư ngụ trong chính ngôn ngữ của nó.
18 Tháng Sáu 20236:10 CH(Xem: 6562)
có một đêm rằm trăng sáng thơ thẩn ta đi trên đường bỗng dưng nhớ bài thơ cũ … “cúi đầu chợt nhớ cố hương”
18 Tháng Sáu 20235:32 CH(Xem: 5819)
“Lễ tang của cậu qua đi đã lâu nhưng không khí trong nhà tôi vẫn chùng xuống. Không ai biết phải làm gì để tiếp tục sống, ngoài số tiền ít ỏi của cậu dành dụm được khi trước. Sau cuộc chiến “Bão sa mạc” với Mỹ cùng các nước đồng minh, Iraq thất thủ, bị cấm vận. Bao phủ Baghdad là một bầu không khí ngột ngạt, không có bất cứ việc gì để làm. Dù không quá sung túc, nhưng chẳng bao giờ chúng tôi để thức ăn thừa từ bữa trưa sang bữa tối, mà đều phải vứt đi. Các chủ gia đình sẽ lấy làm xấu hổ nếu họ mua dưới 50 cân gạo một lần, thường đặt hàng cả con cừu, thịt tại nhà và ăn tươi. Tiết kiệm là tính từ không khi nào xuất hiện trong tiêu dùng của người Baghdad. Và bây giờ thì chúng tôi ăn khoai tây, chà là, bánh mỳ làm từ bột mỳ đen vốn chỉ dành cho gia súc. Thế nhưng vẫn có những gia đình còn tệ hơn. Thuốc men hạn chế, đồ ăn không có. Đói. ..."
18 Tháng Sáu 20235:22 CH(Xem: 6242)
mấp mé mấp mé chiều quanh / tiếng kêu sẫm buồn rợn tối / chim. lia rẽ / một khúc quành / xao xác đường về rất vội
18 Tháng Sáu 20235:12 CH(Xem: 5881)
Tiết học đầu tiên ở trường Võ Tánh, tôi gặp thầy Đỗ Đức Trí. Hôm ấy thầy trông đạo mạo, mẫu mực, áo quần chỉn chu, thẳng nép chứ không luộm thuộm, nhếch nhác như những lần gặp ở trường Kim Yến. Gặp lại tôi, thầy có vẻ đồng tình là tôi theo nghiệp văn chương, cố nỗ lực để được vào học ở trường công lập. Đối với ông Sáu, thành tích của tôi được vào trường công lập, không kinh qua lớp đệ tam, điều đó ông không quan tâm chút nào. Điều quan tâm của ông là thân xác tôi ngày càng phát lớn, trổ mã trông thấy, cái giọng ồ ề, sức vóc phổng phao như con gà trống đã gây phiền toái cho ông Sáu . Nhà có hai gã đàn ông đang vào tuổi lính tráng là đầu mối cho mọi sự dòm ngó của những con mắt cú vọ, đôi tai thính của những “con chó săn” . Đó là những kẻ mà ông ám chỉ cho những tên cạo giấy, bọn ngồi mát ăn bát vàng, bọn tham nhũng đầy rẫy ở phố phường hoa lệ này.