- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

30 tháng 4 của Lý Ký Kiệt

20 Tháng Tư 20214:18 CH(Xem: 10377)


Dinh Linh-thang 4 Ly Ky Kiet
Nhà văn Đinh Linh

 

ĐINH LINH

 

30 tháng 4 của Lý Ký Kiệt

 

 

Tháng 4, 1975, tôi 11 tuổi. Lúc đó tôi sống với cha, em trai và bà nội ở ngang chợ An Đông, Sài Gòn. Mẹ tôi ly dị cha tôi trước đó 2 năm để lấy người tình. Người tình của mẹ tôi làm tài xế cho cha tôi khi hai người còn là cảnh sát. Ông này trẻ, cao, vạm vỡ và đẹp trai hơn cha tôi. Ông cũng galăng, nhỏ nhẹ hơn cha tôi. Có lẽ ông cũng dai và dẻo hơn cha tôi. Vô tư mà chấm, có lẽ hai người xứng đôi. Ai cũng khen mẹ tôi đẹp, nhưng tôi không thấy mẹ tôi đẹp tí nào. Sau này, khi cãi lộn với chồng mới, bà bị bạt tai nên vung lời, “Đồ tài xế!”

Trên nguyên tắc, cha tôi làm luật sư, nhưng tôi chỉ thấy ông chơi mạt chược cả ngày trên gác có máy lạnh. Những phiến mạt chược lạch cạch liên miên trên mặt bàn. Ông chơi với người Hoa vì rất mến người Hoa. “Người Trung Hoa rất giỏi,” ông nói. “Họ như cỏ, ở đâu cũng có.” Ông bắt tôi và em tôi, 5 tuổi, học tiếng Hoa, tiếng Anh và tiếng Pháp.

Chén đáo nị hằng cáo xinh.

Hao a dua?

Mẹc xi bố cua.

Riêng ông thì không nói được tiếng gì. “Bố đã 43 tuổi,” ông giải thích. “Óc bố không còn là giấy trắng, nên không viết chữ lên được.” Khi chán chơi mạt chược, ông lái xe xuống câu lạc bộ để chơi tennít. Da ông ngâm đen vì chơi tennít. Tôi và em tôi còn học piano nữa, nhưng chỉ biết gõ lung tung, không ra giai điệu. Săn đuổi nhạc, những ngón tay của tôi luôn vấp vào nhau. Lúc đó tôi chỉ thích vẽ những sơ đồ tương đối chính xác về cơ thể nam nữ. Những thứ chưa thấy rõ, khó mà vẽ được. Đứng trên bao lơn lầu 3 ngó qua chợ, cha tôi bỗng thốt lên, “Chẳng lẽ Mỹ bỏ Việt Nam?!”

Ở Sài Gòn lúc đó, chẳng còn bao nhiêu Mỹ. Nam Hàn thì đi hết rồi. Lớn lên ở Sài Gòn, tôi đã không chứng kiến chiến tranh, chỉ những phụ tùng của chiến tranh thôi: xe tăng, xe jeep, phản lực và trực thăng. Trước 1975, chiến tranh chỉ đến Sài Gòn vào Tết Mậu Thân, nhưng kỷ niệm duy nhất của tôi về Mậu Thân chỉ là những hình ảnh trên TV về những nạn nhân chôn sống được đào lên ở Huế. Chiến tranh chỉ đến với tôi qua TV, radio và báo chí. Cứ mở báo ra thì thấy xác Việt Cộng nằm ngổn ngang. Cứ vặn radio lên thì được nghe tin tức rao là phe ta đang thắng. Trong thời chiến, những rạp xinê Sài Gòn còn chiếu những phim chiến tranh của Mỹ về Đệ Nhị Thế Chiến. Dân Sài Gòn có thể ngồi trong phòng lạnh để thưởng thức những dàn cảnh công phu, tốn kém, nhiều tài tử, về chiến tranh. Nào là máy banh oanh tạc, bom nổ, khói mịt mù. Nào là nhà cháy, phố xập, cầu xập. Nào là cả trăm xác người nằm ngổn ngan, cụt tay, cụt chân, bê bết máu. Trên màn ảnh rộng, dân Sài Gòn có thể tham quan chiến tranh dõm, trong khi chỉ cách rạp khoảng 50 cây số, chiến tranh thật đang xảy ra.

Ở Sài Gòn thì khó thấy được Việt Cộng. Chỉ có một lần, ở Phú Lâm, tôi thấy bốn thanh niên bị bịt mắt đứng trên một xe cam nhông nhà binh. Có lẽ họ là Việt Cộng. Thật sự thì Việt Cộng chỉ là một tin đồn, một huyền thoại, lànhững ông kẹ để ta dọa con nít, là một ác mộng. Ai không ăn ảnh thì ta gọi là Việt Cộng. “Hình căn cước mày xấu đau. Nhìn mày như Việt Cộng!” Chỉ sau 30 tháng 4, dân Sài Gòn mới biết là ở Sài Gòn cũng có khá nhiều Việt Cộng. Không đáng khiếp bằng Việt Cộng, nhưng cũng đáng mỉa mai, là bọn nhà quê, là những chú mười, thím mười. “Mày thật là nhà quê, chẳng mô đen tí nào.” Người Sài Gòn, người Việt Nam nói chung, vừa luyến tiếc vừa cải lương hóa đồng quê, vừa muốn hủy diệt nó. Người Sài Gòn cũng khi rẻ người lính. Chỉ ai không đút lót mới phải vào lính. Thà giả gái, chặt tay chứ ai lại đi lính?

“Tam vô của Cộng Sản,” cha tôi giảng, “là vô gia đình! vô tổ quốc! vô tôn giáo!” Thỉnh thoảng ông dẫn tôi đi xem đá banh ở Sân Cộng Hòa. Sân nhỏ, người đông, mỗi lần đi xem đá banh là mỗi lần phải chen lấn đến nghẹt thở, mất cả dép. Đi xem phim Lý Tiểu Long cũng vậy. Lý Tiểu Long người nhỏ, tài cao, cu ngắn, chỉ tiếc là chết sớm. Tôi cũng hâm mộ Hiệp Sĩ Mù với cái gươm cụt như chiếc dao phay. Đầu năm 1975, tôi đọc trên báo về một hoàng đế Phi Châu, Jean-Bédel Bokassa, trở về Sài Gòn tìm con. Đi lính Pháp thời thực dân, ông lấy vợ Việt Nam năm 1953, nhưng bỏ bà này khi hồi hương. Phát hiện ra con mình đang làm công ở nhà máy xi măng Hà Tiên, Bokassa lãnh cô này về nước Cộng Hòa Trung Phi. Mãi sau này tôi mới biết Bokassa là nổi tiếng độc tài, tàn ác, thậm chí bị tố cáo ăn thịt người. Nhưng cũng nhờ Bokassa, cô con gái mới có cơ hội chuồn khỏi Việt Nam trước ngày “giải phóng.” 

Cha tôi dàn xếp cho tôi, em tôi và cô thư ký sơ tán theo một gia đình người Hoa có con làm cho Mỹ. Họ không muốn di tản cả gia đình vì còn tiếc của, nên bán cho cha tôi 3 chỗ. Tên giả của tôi là Lý Ký Kiệt. Em tôi là Lý Ký Vinh. Tên giả của cô thư ký thì tôi không nhớ nhưng tên thiệt của cô là Diệp Thể Hà. Cha tôi mướn cô đi theo để lo cho hai anh em tôi. Cô này 22 tuổi, người Hoa, tính rất cọc cằn, có khuôn mặt bầu bĩnh như cái bánh bao, lác đác mụt ruồi thịt. Sau này, chị Hà trở thành mẹ ghẻ của tôi. Lúc đó Huế, Đà Nẵng và Đà Lạt đã vào tay Bắc Việt. Gia đình tôi cũng Bắc Kỳ, nhưng là Bắc Kỳ 54, người công giáo, quê Bùi Chu.

Ở miền Nam, nhiều dân Bùi Chu sống ở Tân Mai, gần Biên Hòa. Chú Bảo, em cha tôi, làm quân y trong Thủy Quân Lục Chiến, chết năm 1972, chôn ở Tân Mai. Chú Bảo đẹp trai nhất trong gia đình tôi, cả nội lẫn ngoại. Chú chết độc thân. Đi đám ma chú Bảo, tôi thấy một ông lính xâm trên cánh tay ngâm đen hai chữ “Sát Cộng,” rất là ấn tượng. Gần như lần nào lên Tân Mai, tôi cũng được ăn thịt chó và tiết canh. Cho đến 9 tuổi, tôi rất sùng đạo. Tôi rất sợ xuống hỏa ngục và muốn trở thành linh mục. Tôi cũng muốn đi lính. Nhưng dần dần tôi chán đi nhà thờ. Mỗi lần vào nhà thờ, tôi chỉ muốn về nhà.

Lúc đó ông nội tôi sống ở Thị Nghè. Cửa sau của nhà ông đi thẳng vào sở thú, khỏi cần mua vé. Tuổi thơ của tôi không có gì vui bằng những giờ lang thang ở sở thú.  Tôi nhớ mãi một con khỉ mặt xanh, đít đỏ. Lông hắn hơi dơ nhưng bộ mặt hắn rất trầm tư, trí thức. Tôi cũng thích vào viện bảo tàng để xem tượng và trống đồng. Ông nội tôi gầy gòm, cao ráo. Ông không biết tôi sắp sửa chạy. Đặt tôi lên đùi, ông nói: “Ai đi thì đi, con ở đây với ông.”

Ngày 8 tháng 4, Nguyễn Thành Trung thả bom vào Dinh Độc Lập. Một quả trúng xân thượng, một quả vào vườn. Có mặt ở Quận 1, tôi thấy mọi người xôn xao. Vì tình trạng an ninh, tôi phải nghỉ học lớp judo buổi tối ở trường Lasan Taberd. Lúc đó tôi đai cam. Tôi mê tất cả các môn võ và đánh lộn, nói chung. Tôi đặc biệt thích tập dượt với con gái để được quật, rồi đè chúng. Tôi cũng thích tắm với con gái nhưng không được phép. Ngồi trong lớp, tôi cứ thơ thẩn vẽ những sơ đồ tương đối chính xác về cơ thể nam nữ. Ngày 21 tháng 4, ông Thiệu lên TV để chưởi Mỹ trước khi từ chức. Trên TV đen trắng, tôi thấy ông Thiệu gạt nước mắt.

Trước khi đi, cha tôi cho tôi 2,000 Mỹ Kim. Ông nói: “2,000 đồng này sẽ xài được một năm.” Tiền Mỹ, tôi nhận xét, ít màu hơn tiền Việt Nam Cộng Hòa, nhưng dài và cứng hơn.  Bà tôi khâu số tiền vào lưng quần xà lỏn màu xanh, vải ni lông, rất nóng. Bà nói: “Làm gì thì làm, đừng cởi quần này ra.” Hồi xưa, thời tiền sử, một con kiến bò vào tai bà nội tôi. Ngứa quá, bà dùng que để khều. Vì vậy, bà điếc một tai. Mỗi ngày, bà nội tôi đi nhà thờ 2 lần. Sáng nào bà cũng là người đầu tiên đứng trước cổng nhà thờ, chờ cha mở cửa. Ở nhà, bà đọc kinh liên miên. Chỉ hình Chúa Giê-Su trên tường, một ông da trắng có râu quai nón, mắt bà rực lên, “Chúa đẹp lắm.”

Trước khi lên máy bay, tôi ngủ ở căn cứ Mỹ 4 ngày. Lúc đó Sài Gòn đã rất xa vời. Chiều 27 tháng 4 tôi lên một chiếc C-130 để bay qua Guam. Trước đó, tôi đã đuợc lên máy bay một lần, lúc 6 tuổi, để đi Đà Lạt. Là một loại máy bay chở hàng, chiếc C-130 rất to, bít bùng, chỉ một cửa sổ, không ghế. Mọi người la liệt trên xàn. Ngồi bên cạnh chị Hà, tôi dòm một thằng con nít ăn mì gói sống. Khi máy bay đáp, trời đã tối mù. Chẳng biết gì về Guam, mọi người chỉ biết đây không còn là lãnh thổ của Việt Nam. Tới đây rồi đi đâu, làm gì, cũng không ai biết. Lúc đó tôi không nghĩ đến cha tôi, Sài Gòn hay Việt Nam. Tôi chỉ thấy phấn khởi vì lần đầu tiên trên đời tôi được đi xa.

 

ĐINH LINH

tháng 1-2005

 

(Nguồn: HỢP LƯU 82)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Hai 20243:34 SA(Xem: 2082)
Khi tìm đọc văn học chiến tranh (giai đoạn 1954-1975) tôi bắt gặp rất nhiều lần lời giới thiệu ngắn tên tuổi, và các tác phẩm của nhà văn Nguyên Vũ. Kể từ đó, tôi luôn tìm Nguyên Vũ để đọc, song dường như không có tác phẩm nào của ông được đưa lên các trạng mạng, hay các thư viện điện tử. Hôm rồi, thật may mắn, đang nghiền ngẫm về cố nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, tình cờ tôi bắt gặp: Mây Trên Đỉnh Núi, truyện dài gồm 20 chương của Nguyên Vũ. Đây có lẽ là truyện dài đầu tay, và ít được nhắc đến của ông. Cũng định thử một vài trang, rồi lúc nào đó sẽ đọc tiếp, nhưng bập vào tôi không thể dứt ra được, và đọc một mạch ngay nơi làm việc. Sự hấp dẫn, sinh động ấy, không hẳn bởi chỉ nội dung, mà còn do bố cục, nghệ thuật đan xen những tình tiết câu chuyện...
07 Tháng Hai 20241:29 SA(Xem: 2554)
Sài Gòn những ngày cuối năm trời ấm dần hơn, nắng mang hương xuân vương trên hoa cỏ dịu dàng làm lòng người chao lại nỗi nhớ quê. Tạ xa Qui Nhơn đến nay đã 5 năm rồi, thời gian như chớp mắt ngoảnh lại thấy những ngày cũ ở quê lùi xa dần xa dần mất hút. Nơi nàng ở khá yên tĩnh thích hợp với người ở cái tuổi chiều thu cận kề. Buổi sáng thức dậy, nàng có những phút yên ắng nhìn dòng sông êm trôi lặng chảy đón bình minh vừa lên, nghe chim ríu rít chuyền cành, nàng còn có thể dắt cháu đi học qua các con đường im vắng mà nghe cháu nói bi bô bên tai rồi còn có những phút đi rải cơm cho chim cho cá ăn, có những buổi chiều nhìn nắng tắt bên song mà nhớ, nhờ bớt nói lại nên bớt thị phi.
06 Tháng Hai 202410:00 CH(Xem: 1829)
BÊN BỜ AO- Khuyết danh - Trần C. Trí chuyển ngữ
18 Tháng Giêng 20248:59 CH(Xem: 2285)
PHÂN ƯU / Nhận được tin buồn / Cụ Bà : PHẠM THỊ SỰ / Pháp danh Quảng Diệu Nhẫn / Sinh ngày 7 tháng 3 năm 1935 tại Mỹ Thi, Đà Nẵng, Việt Nam / Đã tạ thế ngày 12 tháng 01 năm 2024 / (Nhằm ngày 2 tháng 12 năm Quý Mão) / Hưởng thượng thọ 89 tuổi.
17 Tháng Giêng 20243:42 CH(Xem: 3670)
“Thế là Tết 1999, lần đầu tiên tôi được bước vào ngôi nhà mà tôi không biết rằng sau này tôi sẽ thường xuyên tới. Mang tới một bó hoa lớn, cầm tờ ghi địa chỉ trong tay, tôi mò mẫm tìm. Khác hẳn suy nghĩ của tôi, ngôi nhà khá rộng rãi, khang trang, lại mang hơi hướng Tây hóa. Thấy tôi, mọi người ai cũng vui vẻ tiếp đón. Trùng hợp là Tết năm đó có cả em dâu cùng cháu trai bên Đức cũng về Việt Nam thăm họ hàng. Chúng tôi nói chuyện, hỏi han về cuộc sống, những vấn đề vấp phải trong xã hội, và kết thúc bằng tiết mục karaoke tại nhà để chào đón một năm mới đầy niềm vui, thành đạt hơn. Ngày hôm đó qua đi nhanh đến nỗi mà tôi gần như không còn nhớ gì đến nó.” (Phạm Ngọc Lương)
04 Tháng Giêng 20249:03 CH(Xem: 2787)
CHIA BUỒN / Nhận được tin trễ / Văn Thi Sĩ / Nhạc Sĩ Nguyễn Đình Toàn / từ trần vào ngày 28 tháng 11 năm 2023 tại Nam California / HƯỞNG THỌ 87 TUỔI
03 Tháng Giêng 202412:49 SA(Xem: 3415)
Tháng Giêng nắng vàng thơm ngát Đàn én bay về chao nghiêng Thầm thì…lời ca em hát Lý tơ hồng khúc giao duyên
03 Tháng Giêng 202412:43 SA(Xem: 2849)
Mùa dịch Cô-vít hay còn gọi là Cúm Tàu đã qua đi. Thực sự đã đi xa nhưng còn để lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống thường nhật. Những người gọi là cao niên như chúng tôi, thực khó tìm lại, những buổi sáng Thứ Bẩy hẹn hò gặp gỡ; lòng háo hức nôn nao trên đường đến quán cà phê thân quen, nơi góc phố Bellaire ồn ào náo nhiệt. Tưởng rằng không còn cơ duyên hội ngộ tâm tình, nhưng Trời chiều lòng người. Mới vài tháng nay, mỗi sáng Thứ Bẩy, chúng tôi lại có cơ hội, hẹn gặp nhau tại một quán cà phê khác, dù không ưng ý, để có dịp họp mặt hàn huyên tâm sự, trao đổi những câu chuyện văn chương, hoặc tâm tình thế sự trải khắp nhân gian.
25 Tháng Mười Hai 202311:01 CH(Xem: 2971)
Trong cái không gian lành lạnh của một mùa Giáng Sinh, trong tiếng chuông ngân của nhà thờ như đón chào thiên chúa giáng trần, tôi bỗng nhớ đến một nơi chốn lặng lẽ, tối tăm, nơi có lẽ chúa đang hiện hữu từng giờ từng khắc cho riêng một người. Ở nơi ấy, anh cũng đang thầm lặng đón Giáng Sinh giữa bốn bức tường xám lạnh. Phạm Chí Dũng, một nhà báo dũng cảm, một người bạn chưa từng gặp mặt ngoài đời nhưng lại vô cùng thân thiết.
25 Tháng Mười Hai 202310:41 CH(Xem: 2574)
Hàng năm vào dịp cuối năm, người Kitô hữu đón mừng sự kiện Chúa Giêsu giáng trần, mặc lấy thân xác con người để chuộc tội nhân loại, tội tổ tông đã lưu truyền từ Adam - thuỷ tổ loài người theo dân Do Thái - lúc còn ở địa đàng đã ăn phải trái cấm của Thiên Chúa do Eve dụ dỗ.